Một ngàn con đường quê - Chương 14
Mọi dấu vết không còn nữa
Trong
một thời gian, cõi trần gian mới mẻ, tươi sáng của Robert Kincaid cắt qua sương
mù ẩm ướt của eo biển Puget. Ông dọn dẹp sạch sẽ căn nhà nhỏ, là quần áo phẳng
phiu, dành nhiều giờ kể với Cú Muỗi chuyện xảy ra, sôi nổi nói đến chuyến đi
thăm Carlisle ở Nam Dakota vào mùa xuân tới. Ông trao đổi thư từ với Carlisle
và Wynn, từng người ghi lại những sự kiện và hồi ức mà họ quên trong lúc trò
chuyện.
Ông còn
đặt hẹn một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Nhưng
các sự việc đã xoay theo vòng quay của chúng. Ba tuần sau khi tiễn Carlisle bay
đi Denver, và bốn ngày trước cuộc kiểm tra, Robert Kincaid qua đời vì một cơn
đau tim nghiêm trọng, chỉ có một mình trong nhà. Một người hàng xóm đã tìm ra
ông vì tiếng sủa báo nguy của Con Đường. Kincaid đã để lại số điện thoại của
Wynn và Carlisle cho ông bạn Cú Muỗi Cummings. Cummings gọi cho Carlisle, sau
đó anh gọi cho mẹ, báo tin Kincaid đã qua đời. Wynn McMillan khóc thổn thức và
hỏi việc thu xếp tang lễ. Carlisle nói thi hài Kincaid đã được hỏa táng, và tro
sẽ được rải ở một địa điểm mà công ty luật chịu trách nhiệm giải quyết mọi việc
cho ông không tiết lộ.
Như
đã hứa, Carlisle trở lại Seattle. Một bức thư do Kincaid viết gắn trên tủ tài
liệu trong bếp: “Carlisle, mọi thứ đựng trong tủ này và tủ trong phòng ngủ. Con
hãy dùng thùng đựng rác ở sau nhà. Cảm ơn con. Mất một thời gian ta mới quen
được ý nghĩ con là con trai của ta, nhưng ta sẽ đến đó. Ta có thể nói, con là
tất cả những gì mà một người cha có thể đòi hỏi. Nếu có chuyện gì xảy ra với
ta, Cú Muỗi sẽ chăm sóc Con Đường.”
Carlisle
ngồi bên cái bàn bếp cũ suốt một giờ, tiếng o o của tủ lạnh át cả số hồi ức ít
ỏi anh đã có với Robert Kincaid, mà anh thì đang mong ước có nhiều hơn nữa. Anh
vơ báo chí và nhóm lửa trong cái thùng đựng rác. Rồi nhìn lần nữa qua các ngăn
đựng tài liệu, trong giây lát Carlisle muốn phản bội lời hứa với Robert
Kincaid. Nhưng không thể thế được, anh đã hứa mất rồi. Hơn nữa, anh chưa hiểu tường
tận hàm ý của Kincaid về hành động cuối cùng trong mọi việc này. Anh nhớ lại
những lời của cha: “... sàn nhà được quét sạch sau ta, mọi dấu vết không còn
nữa, không còn gì để lại.”
Trong
một ngày tháng Chạp sáng sủa, rét buốt, Carlisle đứng trước thùng rác. Anh vừa
thả các dương bản, âm bản vào lửa, cái này tiếp cái kia, vừa ngắm công sức cả
đời của Robert Kincaid biến thành tro bụi và khói. Một công nhân bến cảng cười
rạng rỡ ở Mombasa, cô gái trên cánh đồng Mexico. Con hổ lượn từ lớp cỏ dài gần
hồ Periyar, người đàn ông mặt mũi khắc khổ từ trên máy gặt đập liên hợp nhìn
xuống ở Nam Dakota. Những chóp núi xa xa của vùng Basque và những người đàn ông
ra khơi trên eo biển Malacca. Tất cả uốn quăn lại và tàn lụi trong thùng rác,
trong một buổi sáng tháng Chạp ở Mỹ.
Carlisle
làm việc này mất ba giờ liền. Anh thường dừng lại, giơ một tấm ảnh lên ánh
sáng, ngắm nghía thêm lần nữa trước khi thả vào thùng. Cuối cùng, chỉ còn lại
một chiếc phong bì bằng giấy tơ chuối và một cái hộp màu trắng để ở ngăn dưới
cùng của cái tủ trong phòng ngủ. Carlisle mở phong bì và ngó vào trong. Đầy
những thư, khoảng hai chục bức. Anh rút ra một cái và thấy đã dán kín nhưng
không có dấu bưu điện. Những bức còn lại cũng y như thế, tất cả đều đề một địa
chỉ Francesca Johnson, RR 2, Winterset, Iowa.
Carlisle
nhớ lại bài báo về các cây cầu mái mà cha anh làm trong những năm 60. Cái tên
“Winterset” đã gắn chặt trong trí nhớ của anh. Anh nhớ lại thị trấn được nhắc
đến trong bài báo. Và có một bản nhạc mang tên Francesca mà Cú Muỗi Cummings đã
chơi? Anh rút bao diêm trong túi và ghi lại tên cùng địa chỉ lên đó. Sự cám dỗ
bắt đầu lớn lên trong anh, anh sờ mó các bức thư, lật lên lật xuống trong tay.
Không, như thế sẽ là không đúng, không đúng đắn chút nào. Anh nghĩ ngợi thêm
vài giây rồi thả cái phong bì bằng giấy tơ chuối vào thùng.
Carlisle
ngắm cái phong bì bắt lửa rồi mở chiếc hộp màu trắng, cẩn thận cất tờ giấy phủ
trên một chồng mỏng các bức ảnh đen-trắng.
Trên
cùng là ảnh một phụ nữ đứng dựa vào cột rào trong bãi cỏ ở đâu đó. Chị ta quá
đẹp, theo kiểu mà chỉ những người phụ nữ sung mãn mới có thể có, Carlisle nghĩ,
chị đứng đó trong chiếc quần jeans bó, bộ ngực hằn rõ đường nét dưới chiếc áo
phông. Mái tóc đen của chị bay nhẹ trong gió sớm, dường như chị sắp bước ra
khỏi tấm ảnh và tiến thẳng đến chỗ anh.
Ngay
dưới tấm ảnh đó là tấm khác, cũng người phụ nữ đó đội mũ trùm đầu nhưng không
sinh động bằng và gần như theo trường phái ấn tượng. Trong tấm ảnh này, trông
chị đăm chiêu như sắp mất một thứ mà có thể không bao giờ tìm lại được nữa.
Carlisle
gạt hai tấm ảnh đó sang một bên và thả những tấm khác vào trong thùng. Ngọn lửa
bắt vào giấy, cháy lem lém. Anh chăm chú nhìn hai tấm ảnh còn lại của người đàn
bà.
Thở
một tiếng thật dài và sâu, Carlisle McMillan nhìn ra eo biển Puget. Anh có thể
nhìn thấy xa xa, một con diệc xanh dang nhào lộn trong làn nước buổi sáng. Và
ngày hôm ấy, đúng lúc một người đàn bà ở Iowa bắt đầu cuộc đi dạo đến cây cầu
có tên là cầu Roseman, anh thả những bức ảnh của Francesca Johnson trượt từ tay
anh vào ngọn lửa.