03. Mùa nước nổi, ngồi nhà câu vụt
Mùa nước nổi, ngồi nhà câu vụt
Tháng tám ta, quê tôi vào mùa nước
nổi. Lũ Mê-công đổ xuống, nước tràn về khắp sông rạch, ruộng vườn. Ở Nam Bộ
không có đê, nước lũ cứ chan hòa khắp nơi trên mặt đất. Đường làng ngập hết.
Trẻ con đi học xắn quần đến háng, lội lũm bũm.
Người lớn đi chợ, quần cũng quá
gối. Khó nhất là đi qua cầu, mà cầu thì nhiều vô kể. Qua cầu phải đi mò, nói
đúng hơn là đi thuộc lòng. Những tháng nước không ngập, hằng ngày mình đi học,
đã thuộc lòng từng bước trên mỗi chiếc cầu. Bây giờ đi mò, cũng là một thứ trả
bài học thuộc lòng. Buổi sáng, giờ đi học, cứ đến đầu cầu là trẻ con dồn lại
chờ nhau. Tiếng con trai liến thoắng, con gái léo nhéo.
Tiếng cười khúc khích, tiếng giật
mình la ré. Có khi một đứa té xuống nước, rồi bò lên vắt áo, lại đi. Cũng có
nhiều đứa đi xuồng. Mùa thu, cả làng như chìm trong nước. Vườn tược, cây trái
như những cái cù lao.
Một buổi chiều mùa nước nổi, không
đá bóng được, buồn quá, tôi lội sang nhà Ba-sát-cá chơi. Cậu ta đang lúi húi
lục rổ may của mẹ. Vẫn bộ quần áo bốn mùa: quần xà lỏn màu nước dưa và cái áo
thun lá màu cháo lòng. Vẫn đôi mắt ranh mãnh, cái mũi cong hớt lên, môi mỏng và
hàm răng trắng như đang cười. Nhiều lúc nhìn cái mũi của Ba-sát-cá, tôi cứ phân
vân: Lạ thiệt! Thằng có cái mũi hớt như vậy mà khi lặn, nước không chun vô mũi
được. Hay là mũi nó giống như mũi con tê, có cái sừng hớt lên, rẽ được nước như
người ta thường nói?
Thấy tôi, Ba-sát-cá lại hếch mũi
lên, nhe răng cười. Tôi hỏi:
- Mày làm gì đó?
- Tao kiếm cây kim…
- Vá quần à?
- Không. Làm cái này, hay lắm.
Nó lôi ra một cái kim may sứt đít,
đưa vào tận mũi tôi:
- Kiếm cái này. Cái này má tao
không xài nữa, để dành cho tao.
- Làm gì?
Nó không trả lời, kéo tôi tới một
bên vách. Vách nhà lá chằm, tức là lá dừa nước róc ra, kết lại thành tấm, buộc
vào các nẹp tròn, làm thành vách. Do đó, trên vách lá chằm, thằng Ba có thể
giắt đủ thứ đồ nghề bắt cá. Nó rút ra một khúc gỗ tròn như cán dao, một đầu
đóng chặt mẩu thép hình chữ n. Nó gọi đó là cái nỏ dùng để uốn lưỡi câu. Nó đưa
mũi nhọn đầu kim vào giữa hai mẩu thép, uốn một lúc cái kim sứt đít thành ra
lưỡi câu. Nó lấy một đoạn chỉ may, chắp đôi, đưa tôi cầm một đầu: đầu kia, nó
đặt trên bắp vế mốc đen, xòe bàn tay ra xe. Nó đem chỉ tóm vào lưỡi câu rồi rút
từ vách ra một ngọn trúc, buộc vào. Thế là chúng tôi có một cần câu nhỏ. Thật
ra, trên vách, Ba-sát-cá giắt rất nhiều cần câu, nhỏ to đủ loại. Có cả một cần
câu làm nguyên một cây trúc, dựng cạnh cột cái, cao gần sát mái nhà. Ba-sát-cá
hếch mũi lên cười với tôi:
- Tụi mình đi câu chơi.
- Câu ở đâu?
- Ở góc nhà thôi.
Tôi chưa hiểu. Nó vào bếp, lấy cái
nồi đất đặt lên lửa, bốc nắm cám bỏ vào. Nó rang cám cho vàng, thơm phức. Xong
rồi, nó bảo tôi mang cám và xách một cái rổ ra ngoài hàng hiên trước nhà. Còn
nó đi lại lục trong túi áo bà ba thường mặc đi học một vốc trái ké đầu ngựa.
Trái ké này mọc nhiều trên đường chúng tôi đến trường. Những buổi học về, chúng
tôi hay hái trái ké ném vào tóc, trêu bọn con gái. Trái ké có gai cong cong và
dính như nhựa, bám vào tóc gỡ trần thân mới ra. Nó đưa cho tôi nắm trái ké, bảo
bóc ra lấy hột. Hột trái ké già màu trắng, tròn và nhỏ như hột tấm. Tôi hỏi:
- Lấy hột ké làm gì?
- Làm mồi câu cá.
- Trước thềm nhà thì có cá gì?
- Có chớ. Cá lòng tong.
Mùa nước, cá lòng tong đi từng bầy,
nhiều lúc nổi lên mặt nước. Chúng dạn lắm, kéo đến tận thềm nhà. Tôi hay giậm
chân, dọa cho chúng chạy hoảng rào lên. Tôi biết đâu là có thể câu chúng, mà
câu bằng mồi hột ké mới lạ.
Ba-sát-cá móc hột ké vào lưỡi câu,
chọn thế ngồi, tìm nơi đặt rổ, rồi bốc một nắm cám rang rải xuống. Nắm cám tan
nhanh, loang ra trên mặt nước. Chẳng mấy chốc, những con cá lòng tong nhỏ bằng
ngón tay theo mùi cám thơm bâu đến cả đàn.
Chúng nhào lên, lộn xuống, đâm qua
xỉa lại, trông thật vui mắt. Lúc đó, Ba-sát-cá mới bắt đầu công việc. Nó vụt
lưỡi câu xuống nước, rồi trong khoảnh tích tắc, nó lại giật chéo lên. Một con
cá lòng tong từ dưới nước lao lên không khí theo lưỡi câu, vừa hết đà thì rơi
trúng ngay vào cái rổ Ba-sát-cá để vừa tầm. Cứ thế, Ba-sát-cá cầm cần câu vụt
xuống, giật lên, vụt xuống, giật lên. Lưỡi câu móc hột ké vút qua, vẽ một vòng
cung trong không khí, rơi xuống mặt nước và dừng lại đó trong khoảnh khắc, lại
bay vút lên trên miệng rổ, lôi theo cả đàn cá lòng tong, từng con từng con một.
Veo… pắc! Veo… pắc! Tay Ba-sát-cá dẻo nhẹo, quay giật đều đều như cái máy. Đám
cá lòng tong vảy lấp lánh bạc, hai bên hông chạy hai đường chỉ đen rồi loang ra
xanh phớt màu lá mạ, nhảy lách chách trong rổ như vẫn còn ngơ ngác vì cái trò
xiếc chóng mặt vừa rồi. Veo… pắc! Veo… pắc! Cái máy câu cứ quay, cứ vụt. Cá đua
nhau từ nước bay lên rổ, coi thiệt đã!
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Ê, bộ cá lòng tong thích ăn hột
ké hả?
Vẫn không ngừng tay vụt, Ba-sát-cá
đáp :
- Đâu có! Nó tưởng là hột tấm. Hột
ké câu hoài, còn hoài, ít khi rớt. Còn hột tấm, làm sao móc vô lưỡi câu…
À, lũ cá này bị thằng Ba gạt, tưởng
có hột tấm ngon lành trong cái mớ cám thơm phức nhưng tan loãng trong nước kia.
Ai dè đó là hột ké! Khi lũ cá vào rổ thằng Ba gần hết, những con còn lại biết
mình bị gạt tản đi thì thằng Ba lại bốc một nắm cám rang rắc xuống. Và những
con cá từ xa bắt mùi cám thơm lao đến, nhào lên lộn xuống một hồi rồi phóng
tuốt lên rổ thằng Ba đặt trên thềm nhà. Tôi bảo nó:
- Cho tao câu một chút.
Nó nhường cần và nhường chỗ cho
tôi. Tôi bắt chước nó. Mới đầu, hơi lóng ngóng một chút, nhưng sau quen dần,
tôi cũng vụt như máy. Veo… pắc! Veo… pắc! Cá lòng tong bay theo lưỡi câu tôi,
rớt xuống rổ nhảy lách chách. Veo… pắc! Veo…pắc! Câu vụt thiệt đã tay! Có điều
là tôi không làm sao cho lũ cá bay lên rổ nhiều như là Ba-sát-cá. Chắc tại bàn
tay tôi không nhạy cảm khi mồm cá chạm vào hột ké như bàn tay thằng Ba, mặc dù
hột ké cứ theo đà vụt bay veo… pắc, veo… pắc! A ha, câu vụt khoái thiệt!
Đến lúc chúng tôi đã mệt và đàn cá
đã chán cái trò xiếc chóng mặt này mà bỏ đi thì cá trong rổ đã khá nhiều.
Ba-sát-cá gom chúng lại gần đầy một tô. Nó nói:
- Đủ ăn bữa nay rồi. Cá lòng tong
kho nước mắm ngon, cho một muỗng mỡ và nhiều tóp mỡ, rắc tiêu lên, ăn ngon lắm.
Nước ngập mênh mông, ngồi trong nhà
không đi đâu hết mà cũng có cá ăn. Quê tôi đó, các bạn ạ!