Anna Karenina (Tập 1) - Phần 2 - Chương 01
Phần Hai
1
Vào
cuối mùa đông, gia đình Serbatxki, sau khi mời thầy thuốc về nhà khám bệnh cho
Kitti, quyết định về tình trạng sức khỏe và điều cần phải làm để khôi phục sức
lực suy nhược của cô. Cô ốm và mùa xuân sắp tới chỉ làm bệnh cô thêm trầm
trọng. Ông thầy thuốc gia đình đã cho cô dùng dầu cá thu, rồi chất sắt và cuối
cùng là tiêu toan ngân(36), nhưng tất cả các món thuốc đó,
không có thứ nào làm bệnh thuyên giảm và vì ông ta khuyên cô đi nghỉ ở nước
ngoài, nên vào cuối xuân, gia đình đã mời một thầy thuốc nổi tiếng đến thăm
bệnh. Ông thầy thuốc danh tiếng này còn trẻ, dáng dấp đường bệ, đòi được khám
thân thể bệnh nhân. Với vẻ ân cần đặc biệt, ông ta như muốn nhấn mạnh rằng tính
e thẹn của các cô chỉ là tàn dư của tính chất man rợ, và không gì tự nhiên hơn,
đối với một người đàn ông còn trẻ, là được xoa nắn một cô gái đã cởi bỏ quần
áo. Ông cho đó là việc tự nhiên vì hằng ngày ông thường làm như vậy, không thấy
có gì xấu và ông coi tính e thẹn của các cô không những là tàn dư của tính chất
man rợ mà còn là một lăng nhục đối với cá nhân mình. Đành phải nhượng bộ ông ta
thôi, bởi vì, mặc dầu tất cả các bác sĩ đều học qua cùng một trường, đọc cùng
một thứ sách, trang bị cùng một thứ khoa học, và mặc dầu có một số người cho là
ông thầy thuốc này tuy có tiếng tăm, cũng không giỏi giang gì lắm, trong gia
đình và trong số người quen biết quận công phu nhân, ai nấy đều cho ông bác sĩ
trứ danh này là người duy nhất có kiến thức đặc biệt và chỉ ông mới chữa được
Kitti khỏi bệnh thôi.
(36) Tức nitrat bạc.
Sau khi
chăm chú khám và nghe ngực cô bệnh nhân luống cuống vì xấu hổ, ông bác sĩ danh
tiếng bèn rửa tay cẩn thận và ở lại phòng khách để nói chuyện với lão quận
công. Khi nghe bác sĩ nói, lão quận công cau mày và húng hắng ho. Là người đứng
tuổi, có lương tri và mạnh khỏe, ông không tin vào y học và trong thâm tâm, ông
nguyền rủa tất cả tấn hài kịch này, vả chăng, có lẽ chỉ mình ông hiểu được bệnh
trạng Kitti. “Lại một thằng cha đi sủa mặt trăng!”, ông nghĩ và thầm áp dụng
cái danh từ trong ngôn ngữ người đi săn vào ông bác sĩ danh tiếng, khi nghe
những lời lải nhải về triệu chứng của bệnh tình Kitti. Trong lúc đó, ông bác sĩ
chật vật lắm mới nén nổi khinh bỉ lão quý tộc tầm thường này và đành hạ mình
xuống ngang trình độ lão. Ông biết nói với lão già này chỉ phí thì giờ, và bà
mẹ kia mới thật sự là chủ gia đình. Tài hùng biện của ông chính phải dành để
nói chuyện với bà. Giữa lúc đó, phu nhân bước vào phòng khách cùng ông thầy
thuốc gia đình. Lão quận công lảng ra, hết sức tránh để mọi người nhận thấy ông
coi tất cả tấn hài kịch này lố bịch đến chừng nào. Phu nhân bí thế và không
biết xử sự ra sao. Bà cảm thấy có lỗi với Kitti.
- Thế
nào, bác sĩ, ngài quyết định số phận của chúng tôi đi chứ, - phu nhân nói. -
Ngài cứ nói hết cho. “Còn hi vọng gì không?” - bà muốn nói vậy nhưng môi run
lên và không thốt ra được câu đó. - Thưa bác sĩ, ngài thấy thế nào?
- Tôi
sẽ lập tức nghiên cứu ngay vấn đề này với ông bạn đồng nghiệp của tôi và sau đó
tôi sẽ xin có ý kiến với phu nhân.
- Vậy
chúng tôi để các ngài ở đây nhé?
- Xin
tùy bà.
Phu
nhân thở dài và đi ra. Khi chỉ còn lại hai người, ông thầy thuốc gia đình rụt
rè phát biểu ý kiến, cho rằng đây là hiện tượng chớm lao, nhưng mà, tuy nhiên
Ông bác sĩ danh tiếng lắng nghe được nửa chừng rồi lấy chiếc đồng hồ quả quýt
lớn bằng vàng ra xem giờ.
- Phải,
ông ta nói, nhưng mà... - Ông thầy thuốc gia đình đang trình bày giở chừng,
kính cẩn ngừng bặt.
- Như
ông biết đấy, chúng ta không thể nào chẩn đoán rằng đó là hiện tượng chớm lao;
trong phổi chưa thấy có hang thì chưa có gì xác thực. Nhưng chúng ta có thể
nghi ngờ và đã có triệu chứng: ăn uống kém, thần kinh dễ bị kích thích, v.v...
Vấn đề đặt ra là thế này: nếu đoán là lao thì phải làm thế nào để duy trì việc
ăn uống cho đầy đủ?
- Nhưng
ngài cũng biết rõ ở đằng sau những vấn đề này bao giờ cũng còn những nguyên
nhân tư tưởng nữa, - ông thầy thuốc gia đình đánh bạo lựa lời nói bóng gió với
một nụ cười ranh mãnh.
- Lẽ
đương nhiên là thế, - ông bác sĩ danh tiếng trả lời, và nhìn đồng hồ lần nữa. -
Tôi xin lỗi, không biết cầu Iaudơki đã xong chưa nhỉ hay vẫn phải đi đường
vòng? - ông hỏi. - À,
chữa xong rồi à. Thế thì tôi có thể đến nơi trong vòng hai mươi phút đấy. Vậy
chúng ta nói rằng vấn đề đặt ra là thế này: tăng cường việc ăn uống và điều trị
thần kinh. Cái nọ có liên quan tới cái kia, phải tác động vào cả hai mặt của
vấn đề.
- Thế
còn việc đi nghỉ ở nước ngoài? - ông thầy thuốc gia đình hỏi.
- Tôi
là người phản đối lối đi dưỡng bệnh ở nước ngoài; ngài cứ nghe theo tôi: nếu có
hiện tượng chớm lao, cái điều chúng ta không thể biết chắc được, thì một chuyến
du lịch sẽ không làm bệnh thuyên giảm chút nào. Chúng ta cần phải có một phương
pháp vô hại để tăng cường bồi dưỡng.
Và ông
bác sĩ danh tiếng trình bày kế hoạch của ông: một đợt chữa bệnh bằng nước suối
Xeden mà cái lợi chính là vô hại. Ông thầy thuốc gia đình lắng nghe hết từ đầu
đến cuối vẫn với vẻ chăm chú kính cẩn.
-
Nhưng, để bảo vệ ý kiến về việc đi du lịch nước ngoài, tôi cần nhấn mạnh là như
thế sẽ thay đổi được các thói quen, xa lánh được những hoàn cảnh chỉ gợi lên
một số kỉ niệm. Vả lại chính bà mẹ cũng muốn như vậy, - ông nói thêm.
- À!
Như vậy thì tốt lắm; cứ để các bà ấy đi. Nhưng miễn là bọn lang băm Đức đừng có
làm bệnh tăng lên... Các bà ấy phải theo đơn thuốc của chúng ta... Thôi được,
cứ để các bà ấy đi. - Rồi ông liếc nhìn đồng hồ lần cuối.
- Ồ!
Đến giờ rồi! - ông đi ra cửa.
Ông bác
sĩ danh tiếng nói với phu nhân (ý thức về thủ tục đã nhắc nhủ ông thế) là ông
cần gặp bệnh nhân lần nữa.
- Thế
nào! Ngài lại định khám cháu lần nữa ư? - bà mẹ sợ hãi kêu lên.
- Ồ!
Không đâu, tôi chỉ cần biết thêm vài điểm nhỏ thôi thưa phu nhân.
- Vậy
xin mời ngài. - Và bà mẹ dẫn ông trở vào phòng khách gặp Kitti. Cô đứng giữa
phòng, người gầy sút, mặt bừng bừng, mắt ánh lên kỳ lạ vì chưa hết ngượng. Khi
bác sĩ bước vào, cô bỗng đỏ mặt tía tai và nước mắt trào ra. Cô thấy bệnh tình của
mình và cách điều trị người ta buộc phải theo thật ngớ ngẩn, thậm chí kệch cỡm
nữa. Cô thấy cách điều trị ấy thật lố bịch, y như tìm cách chắp lại những mảnh
lọ vỡ. Chính trái tim cô đã tan vỡ. Người ta lại định chữa bệnh đó bằng thuốc
viên và thuốc bột ư? Nhưng cô không thể để mẹ buồn phiền, nhất là khi mẹ đã tự
cảm thấy mình có lỗi.
- Thưa
tiểu thư, mời tiểu thư ngồi xuống, - ông bác sĩ danh tiếng nói.
Ông mỉm
cười ngồi xuống trước mặt cô, bắt mạch và lại bắt đầu hỏi những câu chán ngắt.
Cô trả lời, rồi đột nhiên, không chịu được nữa, cô đứng dậy.
- Thưa
bác sĩ, ông thứ lỗi cho, nhưng tôi xin cam đoan là tất cả những điều ông hỏi sẽ
không đi đến đâu cả. Thế là, vẫn chỉ có một việc ấy mà ông hỏi tôi đến ba lần
rồi.
Ông bác
sĩ không hề mếch lòng.
- Đó chỉ
là tính dễ bị khích động của người ốm thôi, - ông nói với phu nhân khi Kitti đã
ra khỏi. - Vả lại, tôi cũng khám xong rồi...
Và bác
sĩ nói với phu nhân như nói với một người đặc biệt thông minh, kể lại bệnh tình
con bà một cách tinh thông và cuối cùng kê đơn cho dùng những thứ thuốc không
hiệu nghiệm gì cả. Đến khi phu nhân hỏi: “Chúng tôi có cần phải ra
nước ngoài không?”, ông bác sĩ lại trầm ngâm suy nghĩ, như phải quyết định một
vấn đề tế nhị lắm. Và ông tuyên bố quyết định của ông: họ có thể đi nhưng không
được tin vào bọn lang băm và chỉ được theo đơn thuốc của ông. Bác sĩ đi rồi,
mọi người đều có cảm giác như có việc vui mừng. Phu nhân yên tâm hơn, quay vào
với con gái, còn Kitti thì tỏ ra đã vui vẻ như cũ. Thời gian này, cô thường làm
ra vẻ như vậy.
- Quả
thực con khỏe rồi, mẹ ạ. Nhưng nếu mẹ muốn đi thì ta cùng đi, - cô nói, và muốn
tỏ ra quan tâm đến dự định du lịch này, cô bắt đầu bàn tới việc chuẩn bị lên
đường.
2
Doli
đến khi bác sĩ đã ra về. Bà biết thầy thuốc đến khám bệnh vào hôm đó, và tuy
vừa mới lại người sau khi ở cữ (bà vừa sinh con gái vào cuối mùa đông), mặc dầu
trong lòng còn nhiều nỗi lo phiền, bà vẫn để lại nhà đứa bé mới đẻ và một đứa
con gái vừa chớm bệnh, để tới hỏi thăm bệnh tình Kitti.
- Thế
nào? - bà bước vào phòng khách, mũ vẫn đội trên đầu. - Cả nhà xem ra vui vẻ
nhỉ? Thế thì mọi việc chắc đều êm đẹp thôi?
Mọi
người cố thuật lại cho bà nghe những điều bác sĩ dặn nhưng khó mà nhắc lại bác
sĩ đã nói những gì, mặc dầu ông ta nói rất lâu, bằng những lời lẽ trau chuốt
nhất; chỉ có điều thú vị duy nhất là việc quyết định ra nước ngoài. Bất giác
Doli thở dài. Người bạn thân nhất của bà là cô em sắp đi rồi. Và cuộc sống của
bà thì chẳng vui gì. Từ ngày làm lành với Xtepan Arcaditr, bà thấy quan hệ với
chồng có vẻ nhục nhã. Việc hàn gắn do Anna thu xếp tỏ ra mỏng manh và sự hòa
thuận của đôi vợ chồng vẫn đe dọa tan vỡ vì chuyện cũ. Tuy không có gì rõ rệt,
nhưng Xtepan Arcaditr gần như không bao giờ ở nhà, tiền hầu như lúc nào cũng
thiếu và Doli thì luôn luôn bị sự nghi ngờ dằn vặt. Bà gạt bỏ mối ngờ vực đó
đi, bà ghê sợ những nỗi đau đớn đã phải chịu đựng vì ghen tuông. Cơn ghen thứ
nhất, một khi vượt qua, không thể tái diễn nữa, và dù có phát giác sự phụ bạc
mới, nó cũng không thể tác động mạnh mẽ đến bà như lần đầu. Sự phát giác đó nếu
xảy ra, hẳn sẽ chỉ làm bà từ bỏ những thói quen trong đời sống vợ chồng và bà
cứ để mặc cho mình bị lừa dối, rồi khinh chồng và tự khinh mình hơn nữa, vì đã
tỏ ra yếu đuối đến thế. Ngoài điều ấy, những lo lắng của một gia đình đông đúc
làm bà không rảnh rang lúc nào: khi thì đứa bé mới đẻ chịu bú, khi thì người vú
bỏ đi, khi thì một đứa nhỏ lại ốm, như lúc này.
- Các
cháu ra sao? - phu nhân hỏi con gái.
- Chao!
Chúng con có nhiều chuyện buồn bực lắm, mẹ ạ! Cháu Lili mới chớm phải bệnh gì
ấy, con sợ là nó sốt ban. Hôm nay con phải đến để xem tình hình Kitti ra sao,
nếu không thì con cũng chẳng rời nhà đi đâu được. Cầu Chúa che chở chúng con!
Sau khi
bác sĩ về, lão quận công cũng ra khỏi phòng làm việc; ông chìa má cho Doli hôn,
nói chuyện một lát với con gái, rồi quay về phía vợ:
- Bà
định thế nào? Bà và con đi à? Còn tôi thì bà tính sao?
- Tôi
nghĩ ông nên ở lại thì hơn, Alecxandr ạ, - bà vợ nói.
- Tùy
bà thôi.
- Mẹ ạ,
tại sao ba lại không cùng đi với chúng ta? - Kitti nói. - Như thế vui hơn, cả
cho ba, cả cho mẹ con ta.
Lão
quận công đứng dậy và lấy tay vuốt tóc Kitti. Cô ngẩng đầu và gượng cười, nhìn
ông. Cô thấy hình như bao giờ bố cũng hiểu mình hơn tất cả mọi người khác, tuy
ông ít khi chuyện trò với cô. Cô được ông chiều nhất, vì là út và cô có cảm giác
lòng yêu thương cô làm ông trở nên sáng suốt. Khi bắt gặp cặp mắt xanh hiền hậu
của ông đăm đăm nhìn mình, cô thấy hình như ông nhìn thấu suốt lòng cô và hiểu
tất cả những tình cảm xấu xa đang khuấy động tâm can. Cô kiễng lên ngang tầm
ông, mặt đỏ dừ, chờ đợi ông hôn nhưng ông chỉ khẽ kéo tóc cô và nói:
- Cái
loại độn tóc giả này thật đốn! Đời thuở nào, tóc con gái mình thì không chạm
tới được, mà lại đi vuốt tóc một người đàn bà chết rồi. Thế nào, Doli, - ông
hỏi cô con gái lớn, - cái nhân vật kỳ dị của con hiện đang làm gì?
- Thưa
ba, không làm gì cả ạ, - Doli trả lời, biết bố nói đến chồng mình. - Nhà con đi
vắng luôn, con ít gặp lắm, - bà không đừng được và nói thêm như vậy với một nụ
cười châm biếm.
- Nó
chưa về quê bán khu rừng ấy à?
- Thưa
ba chưa ạ, nhà con vẫn mới chỉ dự định thế thôi.
- Thật
ư? - lão quận công nói. - Thế tôi có cùng đi không nào? Được, - ông nói với vợ
và ngồi xuống. - Nghe ba đây, Kitti này, - ông nói tiếp với cô gái út. - Một
buổi sáng nào đó khi ngủ dậy, con sẽ tự nhủ như thế này: “Tôi đã khỏe hẳn và
vui vẻ rồi mà, lại phải tiếp tục đi dạo chơi buổi sáng với ba vào một ngày
sương giá đẹp trời.” Con thấy thế nào?
Điều bố
nói có vẻ đơn giản lắm, nhưng nghe câu ấy, Kitti bối rối và lúng túng như tên
tội phạm hết đường chối cãi. “Đúng là ba ba biết cả rồi, ba hiểu cả và ba muốn
mình hiểu là, dù có tủi nhục mấy đi nữa, mình cũng phải vượt qua.” Cô không đủ
sức trả lời nữa. Cô mở miệng, bỗng òa lên khóc rồi vội vã chạy ra khỏi phòng.
- Ông
lại trêu chọc nó rồi! - phu nhân rầy la chồng. - Ông lúc nào cũng cứ là... - và
bà bắt đầu kể lể trách móc.
Lão
quận công nghe vợ oán trách hồi lâu, không nói lại câu nào, nhưng mặt ông mỗi
lúc một cau có.
- Tội
nghiệp con bé, nó thật đáng thương, thật đáng thương, thế mà ông không thấy mọi
ám chỉ đến nguyên nhân nỗi buồn đều làm nó đau đớn. Ôi! Sao lại có thể xét
người lầm lẫn đến thế nhỉ! - phu nhân nói, và nghe giọng bà thay đổi, Doli và
lão quận công hiểu bà nói đến Vronxki. - Tôi không hiểu sao lại không có những
luật lệ để đối phó với cái bọn hèn mạt và ti tiện đến thế.
- À!
Tại tôi không muốn nghe điều đó, - lão quận công lầm lầm nói. Ông đứng dậy như
để đi ra, nhưng lại đừng ở ngưỡng cửa. - Này bà ơi, có luật lệ đấy, và vì đã
muốn khiêu khích tôi, nên tôi sẽ nói cho bà biết ai phải chịu trách nhiệm về
tất cả những điều đó: chính bà, và chỉ có mình bà thôi. Có luật lệ trị bọn trẻ
ranh đi tán gái ấy, và bao giờ cũng vẫn có đấy chứ! Đúng vậy, và nếu xảy ra
những chuyện lẽ ra không bao giờ nên xảy ra, thì dù tôi có già như thế này, tôi
cũng sẽ thách cái thằng sở khanh ấy đấu súng! Bây giờ thì bà trông nom lấy nó
và mời tất cả các thứ lang băm lại đi! - Lão quận công có lẽ còn tiếp tục nói
lâu nữa bằng cái giọng ấy, nếu phu nhân không tỏ ra khuất phục và hối hận, như
bà thường làm trong những tình thế gay go.
-
Alecxandr, Alecxandr! - bà lẩm bẩm, nước mắt giàn giụa bước lại gần ông. Khi bà
bắt đầu khóc thì lão quận công cũng nguôi dần. Ông đi lại phía bà.
- Thôi,
được rồi, được rồi! Tôi biết bà cũng cực lòng lắm đấy! Biết làm thế nào? Đó
không phải tai họa lớn. Lạy Chúa lòng lành vô cùng... Cảm ơn, - ông nói thêm,
không còn hiểu mình đang nói gì đáp lại cái hôn đẫm nước mắt của phu nhân, mà
ông cảm thấy trên tay. Và lão quận công ra khỏi phòng. Khi Kitti, nước mắt giàn
giụa, vừa ra khỏi phòng khách thì Doli, với bản năng người mẹ, lập tức cảm thấy
đây là việc của đàn bà và chuẩn bị can thiệp. Bà bỏ mũ ra, và tư tưởng đã sẵn
sàng, đợi thời cơ hành động; khi mẹ tấn công bố, bà cố can giữ phu nhân trong
chừng mực lòng hiếu thảo cho phép. Khi lão quận công nổi nóng, bà im lặng: bà
thấy hổ thẹn cho mẹ và mến thương bố, vốn tính hiền hậu, ông dễ nguôi giận;
nhưng khi bố đã đi ra, Doli bèn sửa soạn làm cái việc quan trọng nhất: đi gặp
và an ủi Kitti.
- Con
định nói với mẹ từ lâu rồi, mẹ ạ: mẹ có biết khi lại đây lần vừa rồi, Levin đã
có ý định hỏi Kitti không? Anh ta có nói chuyện đó với Xtiva.
- Thế
nào? Mẹ không hiểu...
- Có lẽ
Kitti đã từ chối anh ta. Em nó không nói gì với mẹ ư?
-
Không, nó không nói với mẹ về ai cả, nó còn quá kiêu kỳ. Nhưng mẹ biết, tất cả
đều do ở...
- Nhưng
mẹ thử nghĩ xem nếu nó đã từ chối Levin... mà con chắc nó sẽ không từ chối nữa
không có anh chàng kia... Thế mà sau đó, nó lại bị lừa dối kinh khủng như thế
đấy!
Phu
nhân hoảng sợ khi nghĩ đến trách nhiệm đè nặng lương tâm bà và đâm nổi giận:
- Chà!
Mẹ không còn hiểu ra thế nào nữa! Bây giờ người ta chỉ muốn làm theo ý mình,
người ta không nói gì với mẹ cả, rồi sau đó thì...
- Mẹ ạ,
con vào với nó đây.
- Đi
đi, mẹ không ngăn giữ con đâu, - bà mẹ trả lời.
3
Bước
vào phòng khách nhỏ bé của Kitti, một căn phòng xinh đẹp, tường dán giấy hồng,
bày biện những đồ trang trí nhỏ bằng sứ
tráng men cổ vùng Saxe, trông trẻ rói, tươi hồng và phơi phới như chính bản
thân Kitti hai tháng trước đây, Doli nhớ lại hai chị em đã cùng nhau trang
hoàng căn phòng này năm ngoái và hồi ấy cả hai đều vui vẻ, sung sướng! Tim Doli
buốt nhói khi thấy Kitti ngồi trên tấm thảm. Kitti liếc đôi mắt nhìn chị và sắc
mặt lạnh lùng hơi nghiêm nghị của cô không hề thay đổi.
- Chị
sắp phải ở lì trong nhà, và em sẽ không thể đến thăm chị được, - Daria
Alecxandrovna nói, ngồi xuống cạnh em. - Chị muốn nói chuyện với em.
-
Chuyện gì cơ? - Kitti vội hỏi, ngẩng đầu lên, vẻ sợ hãi.
-
Chuyện buồn của em đấy...
- Em
chẳng có chuyện gì buồn cả.
- Thôi
đi, Kitti. Cô tưởng chị không biết gì cả chăng? Chị biết hết. Hãy tin ở chị,
tất cả cái đó có gì quan trọng đâu... Bọn chị đây đều qua bước đó cả rồi.
Kitti
im lặng nhưng nét mặt vẫn nghiêm nghị.
- Hắn
ta không đáng để em phải đau khổ đâu, - Daria Alecxandrovna nói tiếp, đi thẳng
ngay vào vấn đề.
- Bởi
vì anh ấy rẻ rúng em, - Kity nói, giọng run run. - Chị đừng nói với em chuyện
ấy nữa. Em xin chị, đừng nói với em chuyện ấy nữa!
- Nhưng
đã ai nói với em chuyện này? Không ai cả. Chị tin chắc anh ta đã yêu em, và anh
ta vẫn còn yêu em, nhưng...
- Trời!
Đối với tôi, thật không gì gớm ghiếc hơn lời chia buồn ấy, - Kitti bỗng nổi
giận, hét lớn. Cô đỏ mặt ngoảnh đi và ngón tay run bần bật vặn vẹo chiếc khóa
thắt lưng Doli biết cô em hay có thói quen lấy tay vân vê một vật gì khi cáu
giận; Doli biết lúc đó, Kitti có thể mất tự chủ và thốt ra những lời đáng tiếc
và khó nghe, bà muốn làm cô em nguôi giận nhưng muộn quá rồi.
- Chị
muốn làm tôi hiểu cái gì nào? - Kitti nói nhanh. - Rằng tôi đi mê một người đàn
ông không coi tôi ra gì, tôi chết mệt vì yêu người ta hay sao? Đấy, bà chị tôi
mà nói với tôi thế đấy, cứ tưởng làm thế là tỏ ra... thương hại tôi đấy! Tôi
không cần đến cái lòng thương xót, cái nhân nghĩa giả ấy!
-
Kitti, em thật bất công!
- Sao
chị lại cứ giày vò tôi!
- Không,
ngược lại, chị... chị thấy em có điều buồn bực... - Nhưng trong cơn nóng giận,
Kitti không nghe chị nữa.
- Tôi
không việc gì mà buồn bực hay đi cầu xin những lời an ủi cả. Tôi cũng khá kiêu
kỳ đấy, tôi không bao giờ đi yêu một người không màng đến tôi.
- Nhưng
chị cũng không nói là... Có điều là, em hãy nói thật với chị, - Daria
Alecxandrovna cầm tay em gái nói tiếp. - Em hãy nói cho chị biết, Levin đã nói
chuyện với em phải không?
Nghe
đến tên Levin, Kitti như mất hết tự chủ: cô nhảy bật khỏi ghế, ném chiếc khóa
thắt lưng xuống đất và vung tay, thét lớn:
- Có
dính dáng gì đến Levin ở đây? Tôi không hiểu sao chị lại cần phải giày vò tôi
thế! Tôi đã nói với chị, và tôi nhắc lại với chị rằng tôi vốn kiêu kỳ và không
bao giờ, không bao giờ, tôi lại làm như chị: không bao giờ tôi trở về với người
đàn ông đã lừa dối tôi để đi yêu một người đàn bà khác! Tôi không hiểu được
điều ấy! Có lẽ chị có thể hiểu được đấy, còn tôi thì chịu! - Nói xong, cô nhìn
chị, thấy Doli im lặng, buồn bã cúi đầu và Kitti, định rời khỏi phòng, lại
không đi ra nữa, cô ngồi xuống gân cửa, úp mặt vào khăn tay. Không khí im lặng
kéo dài vài phút. Doli nghĩ đến phận mình. Nỗi tủi nhục mà bà đã thấy quá rõ,
lúc này lại càng xót xa hơn khi cô em gợi lại. Bà không ngờ tới sự tàn nhẫn đến
thế và bà giận Kitti. Nhưng bỗng nhiên, bà nghe thấy tiếng áo sột soạt, tiếng
nức nở cố nén lại và có đôi tay ôm lấy cổ bà: Kitti đang quỳ trước mặt
chị.
- Chị
Doli yêu quý, em khổ sở lắm, khổ sở lắm! - cô thì thầm với vẻ tội lỗi. Và khuôn
mặt xinh đẹp giàn giụa nước mắt gục vào váy Daria Alecxandrovna. Tựa hồ như
nước mắt là thứ dầu trơn cần thiết cho quan hệ hai chị em trở lại điều hòa,
Doli và Kitti, sau khi khóc xong, không nhắc đến những điều cả hai đang bận tâm
nữa, nhưng tuy nói về những chuyện không quan trọng gì, hai chị em vẫn hiểu
nhau. Kitti biết lời lẽ cô thốt ra trong cơn giận dữ về việc anh rể bội bạc và
về nỗi tủi nhục của chị đã xúc phạm đến trái tim Doli đáng thương, nhưng bà chị
đã tha thứ cho cô. Về phía Doli, bà đã biết tất cả mọi điều muốn biết: bà tin
chắc linh cảm của bà là đúng và nguyên nhân nỗi buồn của Kitti, một nỗi buồn
không gì khuây khỏa được, chính là do Levin đã hỏi cô làm vợ và cô đã từ chối;
do Vronxki lừa dối cô và cô sẵn sàng yêu Levin và căm ghét Vronxki. Kitti không
thốt ra câu nào về việc này: cô chỉ nói về tâm trạng cô.
- Em
không buồn chút nào cả, - cô nói khi đã nguôi giận, - nhưng chị hiểu không, đối
với em bây giờ, tất cả đều xấu xa, ghê tởm và bỉ ổi, trước nhất là em chắc chị
không thể biết được em có những ý nghĩ rất xấu xa về mọi vấn đề.
- Em có
những ý nghĩ gì xấu xa nào? - Doli mỉm cười hỏi.
- Những
ý nghĩ xấu xa và bỉ ổi nhất; em không thể nói với chị được. Không phải là buồn
bã hay chán nản đâu, còn tệ hơn thế kia. Hình như tất cả cái gì tốt đẹp trong
người em đã biến mất: chỉ còn lại cái gì xấu nhất thôi. Biết nói thế nào với
chị nhỉ? - cô nói tiếp, nhìn thấy vẻ không tin trong mắt chị. - Lúc nãy ba định
nói chuyện với em... em tưởng như ba chỉ nghĩ em cần lấy chồng. Nếu mẹ đưa em
đi khiêu vũ, em cho rằng chỉ vì mục đích duy nhất là gả chồng cho em càng sớm
càng hay và tống em đi cho thoát. Em biết không đúng như thế đâu nhưng em không
thể xua đuổi những ý nghĩ ấy được. Em không sao chịu nổi cái “bọn trai trẻ đến
tuổi lấy vợ” như người ta thường gọi nữa. Lúc nào em cũng có cảm tưởng là họ
cân nhắc giá trị của em. Trước kia, được mặc quần áo dạ hội đi đâu là em thấy
vui thích rất thành thật: em tự ngắm mình, còn bây giờ em thấy xấu hổ, mất tự
nhiên. Chị bảo biết làm sao được? Bác sĩ... thế đấy... - Kitti ngừng lại; cô
muốn nói tiếp là từ kh có sự thay đổi đó trong lòng thì cô thấy Xtepan Arcaditr
trở nên khả ố và cứ trông thấy ông ta là trong đầu óc cô lại thấy hiện ra những
cảnh tượng thô bỉ và khiếm nhã nhất.
- Phải
đấy, tất cả đối với em đều hiện ra dưới khía cạnh thô tục, bỉ ổi nhất, - cô nói
tiếp. - Bệnh của em là thế đấy. Có lẽ rồi nó cũng qua đi thôi.
- Em
đừng nghĩ đến nó nữa...
- Em
không thể không nghĩ được. Em chỉ thấy thoải mái khi ở nhà chị với các
cháu.
- Đáng
tiếc là hiện nay, em lại không thể đến ở với chị được.
- Có
chứ, em sẽ đến. Em đã bị sốt ban rồi và em sẽ thuyết phục mẹ cho đi.
Kitti
giữ vững ý định và đến ở với chị. Cô săn sóc các cháu suốt thời kỳ chúng mắc
bệnh sốt ban (vì đúng là bệnh ấy). May nhờ hai chị em, bọn trẻ qua được cơn
nguy kịch, nhưng sức khỏe Kitti vẫn không hồi phục. Trong tuần chay, gia đình
Serbatxki ra nước ngoài.