Anna Karenina (Tập 1) - Phần 4 - Chương 01

Phần Bốn

1

Hai vợ
chồng Carenin tiếp tục sống chung một nhà, ngày nào cũng gặp nhau, nhưng vẫn
hoàn toàn xa lạ. Alecxei Alecxandrovitr tự đề ra bổn phận hàng ngày phải thăm
nom Anna để đầy tớ không thể đặt điều dị nghị, nhưng ông tránh không ăn ở nhà.
Vronxki không bao giờ tới nhà Carenin, nhưng Anna vẫn gặp chàng ở ngoài, và
chồng nàng cũng biết thế. Hoàn cảnh thật đau khổ và hẳn không ai trong bọn họ
đủ sức chịu đựng lấy một ngày nếu không hi vọng rằng sự tình sẽ đổi khác và đây
chỉ là khó khăn tạm thời rồi sẽ mất đi thôi. Alecxei Alecxandrovitr hi vọng mối
tình này sẽ chấm dứt như mọi chuyện khác, mọi người sẽ quên đi và danh dự ông
lại nguyên vẹn. Anna là người gây ra cơ sự và chịu đau khổ hơn ai hết, thì vẫn
cam chịu và tin chắc tất cả chuyện này một ngày kia sẽ được giải quyết đâu vào
đấy. Nàng hoàn toàn không biết giải pháp đó ra sao, nhưng tin chắc giờ đây nó
sẽ đến rất nhanh. Vronxki, bất giác chịu ảnh hưởng nàng, cũng đang chờ một cái
gì ngoài ý muốn đến lật nhào mọi trở ngại. Vào giữa mùa đông, Vronxki trải qua
một tuần lễ buồn phát ngấy. Người ta giao cho chàng nhiệm vụ đi theo một hoàng
thân nước ngoài mới đến, và giới thiệu cho ông ta xem những danh thắng ở
Peterburg. Vronxki vốn có dáng dấp đường bệ; hơn nữa, chàng có tài tạo cho mình
một phong thái trịnh trọng và kính cẩn, lại quen giao dịch với giới thượng lưu;
cho nên chàng phải đảm đương cái chức trách đó. Nhưng chàng thấy công việc đó
thật rất khổ. Vị hoàng thân vừa muốn trả lời được tất cả những câu hỏi có thể
gặp phải khi về nước, lại vừa muốn hưởng mọi thú vui Nga càng nhiều càng tốt:
cho nên Vronxki buộc phải dẫn ông ta đi chơi khắp nơi. Buổi sáng, họ đi thăm
các danh thắng; tối đến, tham dự những cuộc vui dân tộc. Vị hoàng thân có một
sức khỏe phi thường kể cả đối với một hoàng thân; do tập thể dục và chăm nom
thân thể cẩn thận, ông ta dư sức đến nỗi mặc dầu thả cửa chơi bời trong các
cuộc vui, ông vẫn tươi tỉnh như quả dưa Hà Lan lớn, xanh tươi và bóng bẩy. Ông
đã đi du lịch rất nhiều và thấy một trong những cái lợi chủ yếu của các phương
tiện giao thông tối tân là tạo điều kiện cho ta tham gia các thú vui của nhiều
nước khác nhau. Ở Tây Ban Nha, ông đã biểu diễn những bản nhạc chiều và bắt
chim một cô gái Tây Ban Nha chơi măng đô lin. Ở Thụy Sĩ, ông giết được một con
nai. Sang Anh, ông mặc quần áo đỏ nhảy qua rào và đánh cuộc bắn được hai trăm
con trĩ. Sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông thâm nhập vào một khuê phòng, sang Ân Độ, ông
cưỡi voi và giờ đây, tại Nga, ông muốn nếm mọi thú vui đặc biệt của nước Nga.
Vronxki phải đóng vai na ná như chủ lễ tân bên cạnh ông ta, chàng khó khăn lắm
mới đưa nổi vào chương trình mọi thú tiêu khiển mà các ngài tai to mặt lớn muốn
thết hoàng thân. Nào đua ngựa, nào bánh tráng dày, nào săn gấu, đua xe tam mã,
dàn nhạc Digan, nào những cuộc chè chén có đập phá bát đĩa. Hoàng thân thấm
nhuần tinh thần dân tộc Nga dễ dàng lạ lùng, đập vỡ hàng mâm đầy bát đĩa, bế
một cô Digan ngồi vào lòng và có vẻ như muốn hỏi thế đã đủ chưa hay là tinh
thần dân tộc Nga chỉ bó tròn trong mấy cách biểu hiện này thôi. Thực ra, những
thứ làm ông ta say mê nhất là mấy cô đào Pháp, một vũ nữ trong đội múa ba lê và
rượu sâm banh nhãn hiệu trắng. Vronxki vốn quen tiếp xúc với những vị hoàng
thân; nhưng không biết vì bản thân chàng đã thay đổi hồi gần đây hay vì phải
sống gần gũi thân mật quá nhiều với vị này mà chàng thấy tuần lễ này thật nặng
nề kinh khủng. Lúc nào chàng cũng có cảm giác như phải canh gác một thằng điên
nguy hiểm, vừa sợ nó vừa kinh hãi cho lý trí minh mẫn của chính mình trong khi
gần nó. Lúc nào Vronxki cũng thấy cần giữ giọng lễ độ trịnh trọng để khỏi bị
xúc phạm. Vị hoàng thân đối xử kiêu kỳ cả với những người cố hết sức giới thiệu
cho ông hưởng thụ những thú vui Nga, khiến Vronxki phải ngạc nhiên. Những ý
kiến ông đánh giá phụ nữ Nga, mà ông muốn nghiên cứu, nhiều lần làm Vronxki đỏ
mặt bất bình. Nhưng sở dĩ vị hoàng thân là gánh nặng đối với Vronxki, trước hết
vì mỗi khi nhìn ông ta, chàng lại như nhìn thấy chính mình. Và cái hình ảnh
nhìn thấy trong tấm gương đó không hề phỉnh nịnh lòng tự ái của chàng chút nào:
đó là một con người rất ngu si, dương dương tự đắc, khỏe như vâm và quần là áo lượt,
ngoài ra không có gì hơn. Đành rằng đó là một trang công tử, điều ấy Vronxki
không thể chối cãi được: trang trọng và bình đẳng với cấp trên, phóng túng và
giản dị với đồng cấp, thân ái và khinh khỉnh với cấp dưới. Bản thân Vronxki
cũng như vậy và coi đó là một ưu điểm lớn của mình; nhưng đối với vị hoàng
thân, chàng là kẻ dưới, và những cử chỉ thân ái và khinh khỉnh của ông khiến
chàng lộn ruột.

“Một
khúc thịt ngu ngốc! Có thể nào mình lại như hắn được?” - Vronxki nghĩ thầm.

Dù sao,
đến ngày thứ bảy, khi ông ta chào từ biệt và cảm ơn trước khi đi Moxcva, chàng
cũng thấy may mắn được thoát khỏi cái hoàn cảnh phiền toái và tấm gương sỗ sàng
đó. Sau một cuộc săn gấu kéo dài suốt đêm trở về - cái cớ để phô trương lòng
dũng cảm Nga - chàng cáo biệt vị hoàng thân ở nhà ga.

2

Về tới
nhà, Vronxki thấy một bức thư của Anna. Nàng viết: “Em ốm và buồn khổ lắm. Em
không ra ngoài được, nhưng cũng không thể đành lòng chịu vắng anh lâu hơn nữa.
Tối nay, anh lại nhé. Alecxei Alecxandrovitr từ bảy giờ đi họp đến mười giờ.”
Chàng suy nghĩ một phút về lời mời kỳ lạ này, vì Carenin đã yêu cầu nàng không
được gặp chàng tại nhà, nhưng chàng vẫn quyết định đi. Mùa đông năm ấy, Vronxki
được thăng cấp đại tá. Chàng đã rời trung đoàn và sống một mình. Ăn trưa xong,
chàng nằm duỗi dài trên đi văng. Hồi ức về những cảnh tượng thô bỉ chàng phải
dự mấy ngày gần đây, mờ dần và lẫn lộn vào hình ảnh của Anna và của bác nông
dân đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc săn gấu, và Vronxki ngủ thiếp đi.
Chàng tỉnh dậy trong bóng tối, run lên vì sợ, và vội thắp một ngọn nến. “Cái gì
ấy nhỉ? Thế là thế nào? Mình nhìn thấy cái gì khủng khiếp trong giấc mơ vậy? A,
phải rồi! Lão mugích bé nhỏ bẩn thỉu, râu ria xồm xoàm, cúi gập người làm cái
gì đó, và bỗng nhiên thốt ra những lời kỳ quái bằng tiếng Pháp... Không, mình
không mê thấy gì khác nữa, chàng tự nhủ. Nhưng làm sao lại ghê sợ đến thế nhỉ?”
Một lần nữa chàng nhớ lại rõ ràng lão mugich và cái câu lão nói bằng tiếng Pháp
không sao hiểu nổi và một cảm giác ớn lạnh chạy khắp sống lưng chàng.

“Khỉ thật!”,
Vronxki thầm nghĩ và nhìn đồng hồ.

Đã tám
giờ rưỡi. Chàng giật chuông gọi đầy tớ, vội vã mặc quần áo và đi ra. Chàng hoàn
toàn quên bẵng giấc mơ vừa rồi và chỉ còn lo mình đến chậm. Khi đến gần nhà
Carenin, chàng liếc nhìn đồng hồ và đã thấy chín giờ kém mười. Một cỗ xe cao và
hẹp thắng cặp ngựa xám đậu trước bậc thềm. Chàng nhận ra cỗ xe của Anna. “Nàng
lại nhà mình, như thế tiện hơn, chàng nghĩ bụng. Vào cái nhà này, thật khó
chịu. Nhưng mặc kệ, mình không muốn ra người lén lút”, chàng tự nhủ, và với vẻ
thoải mái vốn có từ nhỏ của một người không phải xấu hổ về việc gì hết, Vronxki
bước xuống xe trượt và trèo lên bậc thềm. Cửa mở ra, và người gác cửa, tay cắp
chăn phủ chân, gọi xe ngựa. Vronxki thường ngày không chú ý đến những tiểu
tiết, cũng bắt chợt thấy cặp mắt kinh ngạc của gã gác cửa liếc nhìn chàng. Suýt
nữa chàng va phải Alecxei Alecxandrovitr ở bậc cửa. Ngọn đèn đất chiếu vào giữa
bộ mặt ông nhợt nhạt và hốc hác dưới vành mũ đen và chiếc cà vạt trắng thò ra
cạnh cổ áo choàng lót lông hải ly, Carenin đưa cặp mắt lờ đờ và bất động nhìn
vào mặt Vronxki. Chàng cúi đầu chào và Alecxei Alecxandrovitr mấp máy môi, đưa
tay lên mũ đáp lại và đi qua. Vronxki trông thấy ông ta trèo lên xe không quay
đầu lại, đưa tay qua cửa xe đỡ lấy tấm chăn phủ chân cùng ống nhòm người nhà
đưa cho, và đi thẳng. Vronxki bước vào phòng đợi. Lông mày chàng cau lại, mắt
long lanh dữ dội và kiêu kỳ.

“Hoàn
cảnh trớ trêu làm sao! Chàng tự nhủ. Giá lão ta tranh đấu, bảo vệ lấy danh dự
thì mình còn có thể hành động, biểu lộ tình cảm; nhưng sự nhu nhược hay hèn đớn
ấy... Tại lão mà mình hóa ra có vẻ định lừa dối lão trong khi mình hoàn toàn
không muốn thế.” Từ bữa cùng Anna tâm sự ở vườn nhà Vrege, ý định Vronxki đã
thay đổi. Bất đắc dĩ phải nhượng bộ sự yếu đuối của Anna, người đã hoàn toàn
hiến thân cho chàng và chỉ còn trông mong ở chàng để thay đổi số phận, sẵn sàng
cam chịu mọi chuyện, đã từ lâu chàng không còn nghĩ đến chuyện có thể chấm dứt
mối tình này, như trước kia chàng vẫn tưởng. Những dự định đầy tham vọng một
lần nữa lại lùi xuống hàng thứ yếu, và một khi cảm thấy mình đã ra khỏi cái
phạm vi mà mọi sự đều xác định rõ ràng, chàng lại đắm mình không chút dè dặt
trong niềm mê say càng trói chặt chàng vào Anna hơn nữa. Trong phòng đợi, chàng
nghe thấy tiếng chân nàng từ đằng xa. Chàng biết nàng đợi mình, nàng đã đứng
rình, và giờ đây nàng quay vào phòng khách.

-
Không, - nàng kêu lên khi thấy chàng, và nước mắt lập tức trào ra, - không, nếu
cứ kéo dài thế này mãi thì em đến bị đẩy vào cái bước ấy sớm hơn, sớm hơn rất
nhiều!

- Có gì
vậy, em yêu của anh?

- Có gì
à? Em chờ đợi, em khổ sở suốt hai tiếng đồng hồ rồi... Thôi em không muốn... em
không thể nặng lời với anh. Chắc là anh không thể đến sớm hơn được. Thôi em chả
nói nữa. - Nàng đặt hai tay lên vai chàng và nhìn chàng bằng một cái nhìn sâu
xa, say đắm đồng thời lại có vẻ dò xét. Nàng ngắm nghía khuôn mặt ấy để bù lại
cả quãng thời gian vắng chàng. Cũng như mỗi lần gặp lại, nàng so sánh hình ảnh
tưởng tượng (đẹp hơn ở ngoài đến mức không thể so sánh, không thể có thực được)
với hình ảnh thật của chàng.

3

- Anh
gặp ông ta phải không? - nàng hỏi khi hai người đã ngồi bên bàn, dưới ngọn đèn.
- Đó là hình phạt về việc anh đến muộn đấy.

- Được,
nhưng sao lại hóa ra như vậy? Ông ấy đang họp kia mà?

- Ông
ấy đến đấy rồi, sau quay về và lại đi, cũng chả hiểu đi đâu nữa. Nhưng cái đó
không quan trọng. Thôi không nói chuyện ấy nữa. Mấy bữa nay anh ở đâu đấy? Vẫn
đi với vị hoàng thân à?

Nàng
biết mọi chi tiết về cuộc sống của chàng. Chàng định nói là suốt đêm mình không
ngủ được nên mệt quá thiếp đi, nhưng thấy nét mặt nàng cảm động và sung sướng,
chàng đâm xấu hổ. Và chàng nói thác ra là vừa đi hỏi về việc khởi hành của vị
hoàng thân.

- Nhưng
bây giờ xong rồi chứ? Ông ta đi rồi chứ?

- Ừ,
đội ơn Chúa. Em không thể hiểu chuyện này khó chịu với anh đến thế nào.

- Tại
sao vậy? Cuộc đời trai trẻ các anh vốn thế mà, - nàng nhíu mày nói, và, cầm lấy
cái áo lên trên bàn, nàng rút que đan có móc ra, mắt không nhìn Vronxki.

- Anh
từ bỏ cuộc đời ấy từ lâu rồi, - chàng đáp, ngạc nhiên vì sự thay đổi trên nét
mặt Anna thử tìm hiểu xem tại sao như vậy. - Và anh thú thật suốt tuần lễ này,
anh đã ngắm lối sống đó như người ta soi gương, - chàng nói tiếp, cười lộ hàm
răng trắng và đều. - Điều đó làm anh khó chịu.

Nàng
cầm chiếc áo len trên tay nhưng không đan mà đăm đăm nhìn chàng bằng cặp mắt
long lanh, kỳ lạ và hằn học.

- Sáng
nay, Liza đến thăm em... họ vẫn còn dám đến thăm em, bất chấp cả nữ bá tước
Lidia Ivanovna, - nàng nói bóng gió. - Chị ấy kể lại cho em cái đêm truy hoan
của anh. Thật gớm ghiếc!

- Quả
tình anh muốn nói với em...

Nàng
ngắt lời:

- Có
phải đúng là cô Têrezơ anh quen từ ngày xưa đấy không?

- Anh
muốn nói với em...

- Đàn
ông các anh, quả bỉ ổi thật! Sao các anh lại không hiểu rằng một người đàn bà
không thể quên những cái đó, - nàng nói, mỗi lúc một hăng, và do đó, để lộ lý
do tại sao nàng tức giận. - Nhất là khi người đàn bà đó không thể biết gì hết
về cuộc đời của anh. Em thì biết được gì, đã có bao giờ em biết chút gì về anh?
Chỉ biết vẻn vẹn những điều anh nói với em thôi. Và làm thế nào mà rõ được anh
có nói thật hay không?...

- Anna,
em đã lăng mạ anh! Em không tin anh sao? Anh đã chẳng nói với em anh không hề
giấu giếm em một ý nghĩ nào đấy ư?

- Có,
có, - nàng nói, rõ ràng cố dằn lòng gạt bỏ ý nghĩ ghen tuông. - Nhưng nếu anh
biết em khổ tâm đến mức nào!... Em tin anh, em tin anh... Vậy anh nói gì nào? -
Nhưng chàng không thể nhớ ngay điều muốn nói. Những cơn ghen của Anna gần đây
ngày một nhiều hơn khiến chàng hoảng sợ và đâm ra lạnh lùng với nàng, mặc dầu
chàng cố che giấu. Tuy nhiên, chàng hiểu điều đó chứng tỏ nàng yêu chàng. Biết
bao lần, chàng đã chẳng tự nhủ hạnh phúc đối với chàng chỉ có được trong mối
tình này đó sao; giờ đây, nàng yêu chàng, yêu như một người đàn bà dám đặt tình
yêu trên mọi của cải ở cõi đời này... mà chàng lại thấy hạnh phúc xa xăm hơn cả
khi rời Moxcva đi theo nàng. Lúc đó, chàng cho là mình khổ sở, nhưng hạnh phúc
ở phía trước mặt, còn bây giờ chàng lại cảm thấy những giờ phút tốt đẹp nhất
lùi lại đằng sau rồi. Nàng không còn hoàn toàn như khi gặp buổi đầu. Cả về tinh
thần, lẫn thể xác, nàng đều thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Toàn thân nàng
đẫy ra và khi nói tới cô đào hát, một vẻ căm giận làm mặt nàng khác hẳn đi.
Chàng nhìn nàng như một người nhìn bông hoa tàn héo mình đã hái và phải khó khăn
lắm mới thấy lại vẻ đẹp đã xui anh ta hái hoa. Tuy nhiên, chàng cảm thấy khi
đó, lúc niềm mê say còn mãnh liệt hơn bây giờ, chàng vẫn có thể dứt bỏ mối tình
khỏi trái tim chàng cương quyết muốn như vậy; nhưng đến nay, khi thấy hình như
không yêu nàng nữa, chàng lại vỡ lẽ ra rằng quan hệ của hai người không sao
đoạn tuyệt được.

- Thế
nào, anh định nói gì với em về vị hoàng thân ấy? Em đuổi được con qủy đi rồi, -
nàng nói (họ vẫn gọi tính ghen của nàng như vậy). - Phải, anh vừa định nói gì
với em về vị hoàng thân? Tại sao chuyện đó lại làm anh khó chịu đến thế?

- Chao!
Thật không thể chịu được! - chàng vừa nói vừa cố nối lại mạch suy nghĩ. - Cái
ông này, nhìn gần thật bất lợi cho ông ta. Không thể có cách nào mô tả ông ta
đúng hơn là đem so sánh với một con vật được vỗ béo đưa đi thi để giật huy
chương hạng nhất ở các cuộc triển lãm nông nghiệp, và không gì khác hơn nữa, -
chàng nói với vẻ bực dọc khiến Anna phải chú ý.

- Thế
nào, - nàng nói, - sao bảo ông ta đã từng thấy đủ điều và là người có học kia
mà?

- Phải,
nhưng học thức của họ khác xa chúng ta. Có thể nói ông này chỉ học để có quyền
khinh miệt học thức, cũng như họ vẫn miệt thị tất cả, trừ những khoái lạc thú
vật.

- Nhưng
đàn ông các anh thì tất cả đều ham mê những khoái lạc thú vật đó, - nàng nói,
và chàng thấy mắt nàng lại tối sầm và tránh không nhìn vào mắt chàng.

- Tại
sao em lại bênh ông ta như thế? - chàng mỉm cười nói.

- Em
không bênh gì hết, ông ta hoàn toàn không liên quan gì đến em; nhưng em thiết
tưởng nếu bản thân anh không thích những trò tiêu khiển đó, thì hẳn anh có thể
từ chối chứ. Nhưng anh cũng thích ngắm nàng Têrezơ trong bộ y phục của Evơ kia
mà...

- Con quỷ lại trở lại rồi đấy! -
Vronxki vừa nói vừa cầm tay Anna đặt trên bàn, hôn.

- Đúng,
em không thể tự chủ được nữa! Anh không thể biết em khổ sở như thế nào khi chờ
anh! Em không nghĩ là mình ghen. Em không phải đứa ghen tuông: khi có anh ở
đây, cùng với em, thì em tin anh; nhưng khi anh đi một mình ở nơi khác, sống
cuộc đời em không hiểu nổi đó, thì... - Nàng né khỏi chàng, cuối cùng rút được
móc kim đan cắm trong áo, và dùng ngón tay trỏ thoăn thoắt đan thành từng hàng
những mũi len trắng lấp lánh dưới ánh đèn, bàn tay mảnh dẻ ngọ nguậy một cách
bứt rứt dưới cổ tay áo thêu.

- Thế
nào anh, chuyện vừa rồi ra sao? Anh gặp Alecxei Alecxandrovitr ở đâu? - nàng
bất thần hỏi, giọng gượng gạo.

- Chúng
tôi chạm trán nhau ở bậc cửa.

- Thế
rồi ông ta chào anh như thế này phải không? - Mặt nàng dài thưỡn ra, và nàng
lim dim mắt, sắc diện thay đổi nhanh chóng và chắp tay lại. Trên khuôn mặt đẹp,
Vronxki thốt nhìn thấy sắc diện Alecxei Alecxandrovitr khi chàng chào ông ta.
Chàng mỉm cười và nàng cũng vui vẻ cất tiếng cười giòn tan vốn là một trong
những nét yêu kiều nhất của nàng.

- Quả
thực anh không hiểu nổi ông ta, - Vronxki nói. - Giá sau khi em và ông ta nói
thẳng với nhau rồi, ít ra ông ta cũng cắt đứt với em hay thách anh đấu súng...
Còn như thế này thì thật anh không hiểu gì cả: làm sao ông ta có thể chịu đựng
nổi hoàn cảnh như thế này? Rõ ràng ông ta đau khổ lắm.

- Ông
ta ấy à? - nàng khẽ cười. - Ông ta hoàn toàn mãn nguyện.

- Tại
sao tất cả chúng ta đều phải đau khổ trong khi mọi việc đáng ra có thể ổn thoả?

- Ông
ta không đau khổ đâu. Em biết ông ta lắm; em biết rõ tính giả dối đầy rẫy trong
người ông ta. Có thể nào sống nổi như lão ta đã sống với em, nếu trong người
còn có chút ít tri giác? Ông ta không hiểu gì hết, không cảm thấy gì hết. Lẽ
nào một người còn chút ít tri giác lại chịu sống chung một nhà với cô vợ tội
lỗi, chuyện trò và gọi cô ta bằng em?

Và nàng
lại bắt chước chồng: “Em yêu quý của anh,
em, Anna!”

- Đó không phải là người, mà
chỉ là một con rối thôi. Không ai hiểu lão ta cả, nhưng em thì em biết rõ. Ồ! Nếu ở địa vị lão ta, em đã giết, đã băm vằm
ra từng mảnh cô vợ như em, em sẽ không nói: “Em Anna yêu quý của anh!” Đó không phải là người, mà là cái máy hành chính.
Lão không hiểu rằng em là vợ anh, còn lão là một kẻ xa lạ, một người thừa...
Thôi không nói nữa, không nói đến lão nữa!...

- Em
bất công đấy, em thân yêu! - Vronxki nói, cố làm cho nàng bình tĩnh lại. - Được
thôi, ta sẽ không nói về ông ta nữa. Kể cho anh nghe em đã làm những gì đi. Em
ốm thế nào? Bệnh gì, bác sĩ bảo em làm sao? - Nàng nhìn chàng với vẻ vui thích
hài hước. Rõ ràng nàng lại vừa khám phá thêm ở chồng một nét lố bịch và đợi lúc
nói cho Vronxki biết.

Nhưng
chàng nói tiếp:

- Anh
chắc không phải bệnh, mà do em có mang đấy thôi. Bao giờ đấy?

Mắt
Anna đã tắt ngấm ánh giễu cợt; nàng lại mỉm cười, nụ cười lộ rõ một nỗi lo lắng
và một nỗi buồn bí ẩn, làm thay đổi hẳn vẻ mặt.

- Sắp
rồi đấy. Anh nói hoàn cảnh chúng ta thật đau khổ, phải thoát ra thôi. Giá anh
biết em khổ tâm đến thế nào, em sẵn sàng đổi tất cả để được mạnh dạn yêu anh,
tự do yêu anh! Em sẽ không phải tự giày vò mình nữa và cũng không giày vò anh
vì ghen tuông... Sắp đâu vào đấy cả, nhưng không như ta tưởng đâu. - Và khi
nghĩ đến điều sẽ xảy ra, nàng thương cho phận mình đến ứa nước mắt và không nói
tiếp được. Nàng đặt bàn tay trắng muốt đeo nhẫn lấp lánh dưới ánh đèn, lên tay
áo Vronxki.

- Việc
đó sẽ xảy đến khác hẳn ý nghĩ chúng ta. Em không muốn nói với anh chuyện này,
nhưng anh đã buộc em phải nói ra. Sắp sửa rồi, sắp sửa đến nơi rồi, mọi chuyện
sẽ được giải quyết, chúng ta ai nấy sẽ thanh thản và không đau khổ nữa.

- Anh
không hiểu gì cả, - chàng nói. Thực ra chàng hiểu rất rõ.

- Anh hỏi
em; bao giờ? Em trả lời anh: sắp sửa rồi. Và em sẽ không sống qua khỏi lúc bấy
giờ đâu. Anh đừng ngắt lời em, - nàng vội nói tiếp. - Em biết lắm; chắc chắn
như thế. Em sắp chết rồi; như thế là em được giải thoát và em giải thoát cả cho
anh và ông ta; em lấy đó làm sung sướng. - Nước mắt nàng chảy ròng ròng, chàng
cúi xuống hôn tay nàng, cố giấu nỗi xúc động của chính mình, một nỗi xúc động
vô căn cứ, chàng biết vậy, nhưng không nén được.

- Phải,
cứ thế là hơn cả, - nàng nói tiếp và xiết tay chàng thật chặt. - Chúng ta chỉ
còn độc cách ấy thôi. - Chàng định thần lại và ngẩng đầu lên.

- Thật
vớ vẩn! Em chỉ được cái nói nhảm thôi!

- Không
đâu, đúng thế đấy!

- Đúng
cái gì mới được chứ?

- Em
sắp chết. Em đã nằm mơ.

- Nằm mơ à? - Vronxki nhắc lại;
lập tức chàng nhớ đến lão mugich đã gặp trong mơ.

- Vâng,
- nàng nói. - Đã lâu rồi. Em chạy vào buồng ngủ để lấy cái gì đó, anh còn lạ gì
chuyện nằm mê, - nàng nói, mắt căng lên sợ hãi. - Có người ở trong góc buồng...

- Chà,
thật vớ vẩn! Ai mà tin được.

Nàng
không để chàng ngắt lời vì cảm thấy điều mình nói vô cùng quan trọng.

- Hắn
ta quay lại và em thấy một gã mugich nhỏ bé, râu xồm xoàm và bộ dạng thật đáng
sợ. Em muốn chạy trốn, nhưng hắn đã cúi xuống cái bị và khua khoắng trong đó...
- Nàng bắt chước lão mugich đang lục tìm trong bị. Mặt nàng lộ vẻ khiếp sợ. Và
nhớ tới giấc mơ của chính mình, Vronxki cũng thấy một nỗi khiếp sợ tương tự
tràn ngập tâm hồn.

- Hắn
lục lọi cái bị và lầu bầu câu gì bằng tiếng Pháp. Hắn nói rất nhanh, rất nhanh,
uốn lưỡi chữ “r”: “Phải nện sắt, nghiền
nó, nhào nó
...” Khiếp đảm, em cố tỉnh dậy. Thé là em tỉnh... nhưng vẫn
tỉnh trong mê. Em tự hỏi thế là nghĩa lý gì. Bấy giờ, Kornây bèn bảo em: “Lúc
đẻ con, cô sẽ chết, lúc đẻ con, lúc đẻ con, cô bạn thân mến ạ...” Thế là em
thức giấc hẳn.

- Vớ
vẩn quá, vớ vẩn quá đi thôi! - Vronxki nói, nhưng chính chàng cũng cảm thấy
giọng mình không có chút gì thuyết phục.

- Thôi,
không nói chuyện ấy nữa. Anh lắc chuông đi, để em bảo họ pha trà. Không, khoan
đã, chúng ta chẳng còn bao nhiêu thì giờ, em...

Đột
nhiên, nàng ngừng bặt. Vẻ mặt nàng thoắt đổi khác. Sự sợ hãi, nỗi bồi hồi
nhường chỗ cho vẻ trầm mặc trang nghiêm và xúc động. Chàng không hiểu lý do của
sự thay đổi. Nàng vừa cảm thấy một sự sống mới cựa quậy trong bụng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3