Chấp nhận thử thách số 14
A memoir - Một cuốn hồi ký
Tác phẩm: Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực biểu tượng của đại đoàn kết.
Tác giả: Nhiều tác giả.
Tôi rất ít khi đọc những tư liệu về các nhà yêu nước. Trừ phi đó có lợi cho một mục đích nào đó của bản thân. Tình cờ được chọn tham gia cuộc thi hùng biện về các môn xã hội và nhân văn, chủ đề tôi cần thuyết trình là "Cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Đức Thắng". Ban đầu, tôi cứ ngỡ chỉ cần lên mạng tra là có tất tần tật nhưng thật sự để có đủ đầy kiến thức, để có đủ thông tin đứng lên thuyết trình về nhà Cách mạng vĩ đại này, tôi buộc lòng bỏ công ra săn những quyển sách về Bác Tôn.
Quyển sách này dày gần 700 trang. Viết lại tường tận từng quá trình gian khổ Bác phải trải qua trong suốt quá trình làm Cách mạng. Đọc từng trang mà thấm thía cái gọi là lòng yêu nước, tình đồng chí.
Tuổi 42, bị đày ra Côn Đảo vì lãnh đạo cuộc bãi công của các công nhân.
Tuổi 50, Bác xung phong chịu đòn kẻ thù thay cho những đồng đội của mình.
Cuối quyển sách có các mẩu chuyện về một Bác Tôn đời thường, kèm theo hình ảnh minh họa và vài bức thư viết tay Bác gửi cho hai người con nuôi. Tôi bị cuốn theo từng câu chuyện, từng đoạn hồi ký về con người cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư này. Có tận mắt đọc từng dòng thư Bác viết mới thấy người là một người cha nuôi đáng kính đến nhường nào.
So với Bác Hồ, Bác Tôn ít được quan tâm hơn hẳn. Chắc có lẽ người ta nghĩ Bác chỉ góp phần cho phong trào công nhân mà thôi. Nhưng xin đừng bồng bột đến vậy, cả Bác Hồ lẫn Bác Tôn đều là những người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Hãy thử bỏ chút thời gian tìm hiểu về người con xứ Mỹ Hòa Hưng này, để thấy hết cái tư chất thanh cao, lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí kiên cường, một lòng với Cách mạng của Bác.
"Là ông, là bác, là anh
Cho đời tất cả, cho mình bao nhiêu."
(Trích: Bài học chung thủy, trang 249-250)
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ bị cuốn hút bởi một quyển hồi ký mang tính chất Cách mạng thế này...!
(Ảnh: Nguyệt LamS)