Truyện ngắn Con Chó Huyền Đề

Bạn thấy tác phẩm này như thế nào?


  • Số lượng người bầu chọn
    7

phamhungmocchau

Gà con
Tham gia
31/3/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
concho15a.md.jpg
Lời tựa: 12 năm trôi qua, anh không còn là đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ nữa, dòng xoáy cuộc đời cuốn anh đi, lời hứa ngày nào với nó anh cũng đã quên! Nhưng con chó thì không…

PHẦN 1: KỈ NIỆM BÊN XÓM NGHÈO​

- Gâu! Gâu! Gâu…

Dưới ánh điện vàng hiu hắt trong con ngõ nhỏ, một hình bóng gầy gò in dài trên nền ximăng chậm rãi từng bước. Hướng ngược lại, một bóng đen trùi trũi đang chờ, ngoe nguẩy cái đuôi, không ngừng sủa văng vẳng từ xa. Cho tới khi khoảng cách đủ gần, con chó phi tới, mừng quýnh quáng, đầu lắc lắc, rối rít, hai mắt đen láy, hai chân chồm lên bấu vào người Thanh, miệng kêu ư ứ giận hờn như trách.

Quên hết cả mệt nhọc, anh đặt chiếc ba lô nặng trịch xuống, nhoẻn miệng cười tươi như gặp người bạn thân thiết rồi xoa đầu nó mấy cái:

- Mic ngoan lắm, lần này anh sẽ ở nhà hẳn đấy nhé.

Kể từ khi học đại học rồi làm ở thành phố, mỗi dịp về thăm quê, dù mưa hay nắng cũng thấy con chó đứng ngoài cổng đợi từ lúc nào và đón anh như thế…

-----

Cách đây 12 năm, khi Thanh vẫn là một đứa trẻ, mẹ anh đã xin nó về nuôi trong một lần lên thăm người quen ở huyện bên, bà bảo chó huyền đề khôn lắm. Anh bế thân hình bé xíu màu xám đen từ cái làn mây ra, con chó con ngơ ngác, đuôi cụp lại, đôi mắt trong veo, ánh mắt sợ sệt xa lạ, nằm bẹp xuống. Bàn tay nhỏ của Thanh vuốt nhè nhẹ lên lớp bông vẫn còn mùi hôi sữa nựng nó. Cả người con chó co rúm lại, run lên từng hồi. Như bản năng nó tìm ngay một chỗ để trốn, rúc vào khe giữa căn nhà cũ và gian bếp mới xây lại, cái khe hẹp chỉ vừa bằng một gang tay, chạy tít ra sau nhà. Anh không tài nào với tay tới được, đầu này gọi “cun cun”, Thanh lại chạy sang đầu kia lấy gậy “xùy xùy” chọc vào người nó. Con chó kêu ăng ẳng, cách nào cũng không chịu ra.

10h đêm, anh đi ra thấy con chó con vẫn nằm đấy rầu rĩ.

“Chắc nó cũng đói rồi, suốt từ chiều tới giờ chưa ăn gì” – nghĩ thầm, Thanh bật điện bếp, lục mấy miếng thịt gà rang còn lại trong nồi, thò tay vào trong khe dư dứ “cun cun cun, ăn thịt gà này”. Con chó con dường như đói lắm, ngửi thấy mùi thịt thơm phức thì không chịu nổi, lết ra. Anh xé từng miếng nhỏ, đưa nó. Con chó lấm lét ăn, xong rồi lại lủi vào chỗ cũ, nằm co ro, nhớ mẹ.

Rồi Mic cũng quen dần với ngôi nhà mới, nghịch ngợm, suốt ngày quấn lấy anh. Mới về thấy cái gì lạ nó cũng dí cái mũi vào hít, gặm. Mấy lần bị mẹ Thanh quật vào mông cái tội tha dép đi khắp nơi, con chó cụp đuôi, chạy một mạch vào khe bếp, cái đầu đặt lên hai chân trước nằm rên rỉ, hờn dỗi. Mỗi khi như thế, Thanh lại phải nịnh nọt mãi nó mới chịu ra.

Không biết có phải do huyền đề hay khéo chăm mà con chó bụ bẫm, khôn lắm, chỉ sủa và “gầm gừ” dọa chứ chưa cắn ai bao giờ. Có một đợt Thanh bị ngộ độc thức ăn phải nằm trạm xá mất mấy ngày, mẹ anh đạp xe từ nhà ra đưa cơm mà con chó đi theo, vào hẳn phòng anh, đu lên thành giường, sủa ầm ĩ rồi thè cái lưỡi, liếm lấy liếm để lên tay anh. Mọi người đuổi mãi mà con chó không chịu về, cứ quanh quẩn ngoài sân.

Hồi đấy, Thanh thường đi bộ tới trường, sáng nào con Mic cũng theo anh xuống đến tận đường cái. Hôm đó, anh vẫn xách cặp đi học như mọi khi, mới tới cổng nhà bà Bé cùng xóm, bỗng dưng một con chó Becgie to tướng, hung hãn từ trong xồ ra, trên cổ vẫn còn đeo sợi xích bị tuột, nhe bốn cái nanh sắc nhọn, gầm lên, chạy xồng sộc tới. Anh giật thót mình, lạnh hết cả gáy, mặt tái mét, luống cuống chỉ kịp giơ cái cặp sách lên đỡ. Con chó chồm lên ngoạm lấy cái cặp, giằng ra. Thanh loạng choạng, buông tay trực chạy. Con Becgie lấy đà chuẩn bị chồm lên tấn công lần nữa… Bỗng đâu con Mic từ sau phóng lên trước, nhằm đúng cổ con Becgie cắn tới, hàm răng cắm chặt vào họng đối thủ, bốn chân vừa lùi vừa giật ra sau, mắt long lên hung dữ, không ngừng phát ra tiếng gầm gừ. Con Becgie bị tấn công bất ngờ thì đau quá, kêu “ẳng” một tiếng rồi quay lại phản đòn. Hai con quấn vào nhau, lăn lộn. Con Mic nhỏ hơn, yếu thế nên bị cắn liên tục vào vai, lưng và chân nhưng nhất quyết không chịu buông cổ con kia. Bà Bé cầm cái chổi xể hớt hải chạy ra, nhắm con Becgie đập túi bụi “Về! Về mau!”. Con Becgie đau quá, buông con Mic, bốn vết răng hằn trên cổ, cong đuôi chạy thẳng vào nhà. Con Mic bị thương, đi tập tễnh, cái chân trước nó co co lên thấy tội, thế mà vẫn bướng. Mỗi sáng, cái dáng cà nhắc cứ lùi lũi bám theo anh tới đường cái mới chịu quay về. Anh vừa xót vừa thương, dành tiền mua sữa cho nó uống, được dăm tuần con chó mới lành lặn hẳn.

Nửa năm sau, Mic bỗng dưng ốm nặng, mẹ Thanh sợ nó không qua khỏi nên gọi người đến bắt. Anh biết tin, nặng nề ôm nó lên tít trên nương ở ngọn đồi sau nhà trốn. Con chó mệt rên ư ử, mắt đầy ghèn, ngước nhìn anh ra chiều không hiểu. Bàn tay anh vỗ vỗ vào người nó trấn an “yên tâm nhé, tao hứa không cho ai bắt mày đâu”. Ông thợ chuyên thịt chó đứng ở nhà Thanh đợi mãi, một tay nắm cái gậy gắn thòng lọng, tay kia cầm cái bao tải tiu ngỉu bỏ về. Cuối cùng con Mic thoát nạn nhưng Thanh thì bị mẹ mắng một trận ra trò.

Cứ thế, anh và con chó lớn lên từng ngày với bao kỉ niệm vui buồn trong căn nhà cấp bốn ở xóm nghèo ấy.
conchohuyende_phamhungmocchau.md.jpg

PHẦN 2: DANG DỞ MỘT LỜI HỨA​

Thấm thoắt đã 12 năm trôi qua, con chó nom già và gầy đi nhiều, anh cũng không còn là cậu bé hồn nhiên ngày nào.

Sau khi Thanh về nhà ở không lâu, xóm quê bị nạn trộm chó hoành hành khắp nơi. Nhiều đêm, tiếng xe máy quần thảo cùng với tiếng chó sủa ầm ĩ huyên náo cả một vùng. Thi thoảng một chú chó tội nghiệp nào đó ré lên ăng ẳng, im bặt, rồi âm thanh gầm rú của động cơ lao vút đi. Giờ đi đâu, người ta cũng kể nhau nghe về chuyện nhà ông nọ, bà kia mất chó, rồi cả cái cách làm thế nào để giăng bẫy bọn trộm chó. Rồi vận xui cũng gõ cửa nhà anh, con Mic may mắn thoát được sau lần chúng săn hụt ấy, nhưng bị thương nặng, vết cứa sâu, dài chạy dọc theo hông. Nhìn con chó đau đớn, anh không khỏi thương xót mà căm hờn lũ cẩu tặc. Vết thương con chó nhanh chóng nhiễm trùng. Anh đã nhờ người bạn làm bên thú y đến nhưng sau khi ngó nghiêng kiểm tra một hồi, anh ta lắc đầu ngao ngán bảo không cứu chữa được nữa, tốt nhất là bán hoặc đem xẻ thịt.

Kể từ ngày bị thương, con chó gầy xọp hẳn đi, đau, không ăn uống được gì. Vết hoại tử ngày càng loét rộng ra, mưng mủ, giỏ từng giọt xuống hôi thối. Con chó như hiểu, chỉ nằm ở ngoài cổng, có khi đêm xuống nó cũng không chịu vào nhà. Thanh thương nó, tiết trời tháng ba, gió mùa lạnh cóng, anh phải lôi mãi nó mới chịu vào trong.

Mùi khó chịu, tanh nồng khắp nơi. Mẹ anh không chịu nổi:

- Con chó này hôi quá rồi, bán nó đi thôi.

- Tội nghiệp nó lắm mẹ ơi, nuôi bao năm. Hay để nó chết rồi đem chôn…

Mẹ anh gắt lên:

- Mày có điên không? Bán đi cũng được khối tiền đấy, đợt này còn phải tiết kiệm từng đồng bạc để xin việc cho mày nữa.

Thanh tiu nghỉu. Công việc cũ dưới thành phố vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Trở về quê, muốn có công việc ổn định phải cậy nhờ nhiều nơi, tiền nong dễ cũng tốn cả mấy chục triệu mà hai mẹ con xoay vẫn chưa xong. Giờ anh không có sự lựa chọn, thêm được đồng nào tốt đồng ấy. Mẹ anh gọi cho đám thợ đang xây dựng công trình ngay đối diện ngõ nhà anh, hẹn hôm sau đến bắt.

Đã khuya mà trằn trọc không ngủ được, nhìn qua cửa sổ, Thanh thấy con Mic vẫn nằm co quắp ngoài cổng, hôm nay nó nhất quyết không chịu vào. Anh khoác chiếc áo rét, tới kho cũ lục tìm một thứ gì đó rồi đi ra, Con chó thấy anh thì ngước lên rên rỉ, cái chân trước khẽ động đậy. Mặc kệ mùi tanh bốc nồng, bàn tay phong trần nhẹ nhàng đặt lên người con chó - “Đau lắm phải không?”. Màn sương buông xuống giá buốt, đọng lại từng giọt li ti trên đám lông, thấm vào trong, con chó rùng mình, anh cẩn thận khoác lên người nó chiếc áo cũ… Thanh ngồi đó không biết đã bao lâu, những hồi ức ngày xưa trốn học thả diều, những buổi chiều lang thang khắp đó đây cùng chú chó ùa về theo từng cơn gió lạnh ập tới, rít lên từng hồi, át đi tiếng thở dài trong đêm “xin lỗi, xin lỗi mày nhé!”…



Sáng hôm sau, từ trên phòng mình, anh nghe thấy loáng thoáng tiếng người ở ngoài ngõ:

- Con chó nhà ai nằm giữa đường thế kia? Hình như bị xe tông.

Anh hớt hải chạy ra, thấy con Mic nằm dài bất động, chân buông thõng, mủ và máu rỉ ra ướt đẫm một bên hông, mắt nhắm nghiền, thở yếu ớt, nằm đúng cái chỗ mọi khi vẫn đứng chờ anh khi đi xa về … “Có lẽ nó biết sắp chết nên lết ra đây nằm chăng?”. Anh không khỏi xót xa gọi nhỏ: “Cun cun, về đi”. Con chó mệt vậy mà cũng ngoan ngoãn nghe lời, gượng dậy nặng nhọc, tứ chi nâng cái cơ thể gầy còm, tiều tụy, lảo đảo bước đi theo chủ. Đến cái dốc ở cổng dẫn lên sân mà nó vẫn chạy nhảy suốt 12 năm qua, sao hôm nay thật khó khăn. Bước lên bậc tam cấp đầu tiên thì con chó khựng lại, bốn chân loạng choạng, đầu chao đảo, nằm vật xuống, kiệt sức. Cái mõm ghếch lên bậc tam cấp, nước dãi từ miệng chảy ra, đôi mắt nhắm nghiền.

Anh sợ nó ngất đi sẽ không thể tỉnh lại nữa: “Mic, dậy nào, mở mắt ra đi”, dường như nghe anh nói, đôi mắt đen lấp láy tội nghiệp từ từ mở to, nhìn Thanh không rời như muốn nói lời vĩnh biệt. Giữa khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, bốn con mắt nhìn nhau, thời gian như dừng lại.

Anh bất giác xúc động, lòng thương cảm vô hạn, nhất thời không biết làm gì.

Đúng lúc này mẹ anh về, đám thợ công trình bên cạnh cũng chạy ra. Ai cũng khẩn trương “Nhanh nhanh lên kẻo nó chết”, Anh thợ thoăn thoắt vắt ngược hai chân trước con chó quặt ra đằng sau, buộc chặt, bàn chân ghì vào cổ, ngay phía đầu làm mắt con chó như lồi ra, sợi dây dứa vòng vội quanh mõm xiết lại. Một anh nữa nhanh nhẩu cột nốt hai chân đằng sau. Con chó yếu quá, nằm yên, không một chút phản ứng nhưng đôi mắt nó vẫn mở, nhìn anh, cố ghi lại những hình ảnh cuối cùng...

- Chạy vào nhà bếp lấy cái cân… nhanh lên! mày còn đứng bần thần ra đấy ah.

Tiếng mẹ anh quát.

Anh hớt hải chạy vào nhà lấy cái cân ra, con chó bị xách ngược lên, cả người mềm nhũn, đầu ngả sang một bên, nhanh chóng được đám thợ cho lên cân rồi dúi vào bao tải vội vàng xách về.

Mẹ anh cầm xấp tiền, lật, đếm từng đồng bạc, thở phào:

- Ghê quá! Đẩy được con chó đi nhẹ cả người.

Trưa hôm ấy có người bên đội thợ qua vườn nhà anh xin ít lá mơ ngoài vườn.



Mươi hôm sau…

- Thanh ơi… bế con chó vào này, tìm mãi mới được con huyền đề đấy nhé.

Con chó màu bạc nhỏ xíu, chưa cai sữa, cuộn tròn trong cái làn mây sờn rách. Anh bế nó vào, vuốt ve sinh linh bé nhỏ, đặt xuống. Con chó nằm co rúm, đôi mắt trong veo xa lạ, ngơ ngác, run rẩy, rồi bất ngờ, như bản năng, bốn chân thoăn thoắt trốn ngay vào cái khe hẹp giữa căn nhà và gian bếp cũ, lủi tít ra đằng sau.

Bất giác, đôi mắt Thanh nhòe đi, rưng rưng, hai dòng nước mắt nóng hổi cứ thế chảy dài…

conchohuyende_phamhungmocchauc4a5e.md.jpg
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhật Hy

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
21/5/14
Bài viết
1.610
Gạo
0,0
Re: Con Chó Huyền Đề
Bạn vui lòng đọc lại mục số 1 nói về quy định đặt tên chủ đề trong Nội quy box Truyện ngắn - Tản văn, và chỉnh sửa lại cho đúng quy định.

Để sửa tên chủ đề bạn vào mục Công cụ chủ đề ngay bên phía trên góc tay phải của chủ đề, chọn Edit Title để chỉnh sửa
 

phamhungmocchau

Gà con
Tham gia
31/3/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Re: Con Chó Huyền Đề

phamhungmocchau

Gà con
Tham gia
31/3/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Re: Con Chó Huyền Đề
Rất mong nhận được sự góp ý cả về hình thức lẫn nội dung từ các bạn.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Bánh cuốn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
24/2/17
Bài viết
209
Gạo
0,0
Re: Con Chó Huyền Đề
Tuổi thọ của chó là từ 12 đến 16 năm lên nuôi chục năm, khả năng cao chó sẽ bị mổ hoặc bán thịt. Tình trạng này là từ xưa tới nay mình không để ý nay bạn nhắc tới. Chú chó có thể biết bạn và đón cách xa 30 mét thì hơi khó tin bởi thị giác của chó kém hơn con người, hơn nữa cái gặp nhau ấy đưa số liệu vào không có tác dụng lắm. Bài viết hay lắm rất mong mình có thể học tập thêm để viết được như vậy.
 

vivian.nguyen

Iron Maiden
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
☆☆☆
Tham gia
10/12/14
Bài viết
1.134
Gạo
6.000,0
Re: Con Chó Huyền Đề
:)
Bạn viết có cảm xúc.
Tuy nhiên còn lặp từ khi diễn đạt, vẫn mắc lỗi chính tả và một số chỗ đặt dấu câu không phù hợp.
Lỗi chính tả như: "tiu ngỉu" đúng ra là "tiu nghỉu", "xồng sộc" đúng ra là "xồng xộc"...
 

phamhungmocchau

Gà con
Tham gia
31/3/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Re: Con Chó Huyền Đề
Tuổi thọ của chó là từ 12 đến 16 năm lên nuôi chục năm, khả năng cao chó sẽ bị mổ hoặc bán thịt. Tình trạng này là từ xưa tới nay mình không để ý nay bạn nhắc tới. Chú chó có thể biết bạn và đón cách xa 30 mét thì hơi khó tin bởi thị giác của chó kém hơn con người, hơn nữa cái gặp nhau ấy đưa số liệu vào không có tác dụng lắm. Bài viết hay lắm rất mong mình có thể học tập thêm để viết được như vậy.
Cảm ơn bạn, số liệu mình lấy từ thực tế con Mic nhà mình, có thể cũng k chuẩn lắm. Mình đồng ý với bạn là để hay k để số liệu đó thực sự k quan trọng lắm nên mình giữ nguyên là vậy.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên