Truyện ngắn Ả Đào (Đào Thiên Hương)

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
400,0
[ Dã sử ] Ả Đào (Đào Thiên Hương)

Tác giả: Umio.

Thể loại: Dã sử Việt Nam, tình cảm, SE

Tình trạng: Hoàn thành

Lưu ý: Truyện được viết dựa trên giai thoại truyền khẩu trong nhân gian, không được ghi chép lại trong chính sử. Có các yếu tố hư cấu của riêng tác giả, không có giá trị tra cứu sử liệu.

Nhân vật có thật:

- Lương Thế Vinh (1441 - ?): Tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, dân gian gọi là Trạng Lường. Ông là một nhà thơ, nhà toán học, Phật học nổi tiếng dưới thời Lê sơ. Ông đỗ Trạng Nguyên dưới triều Lê Thánh Tông vào năm 1463.

Nhân vật hư cấu:

- Đào Thiên Hương: Cô đào xuất hiện trong giai thoại về mối tình đầu trắc trở của Lương Thế Vinh.

- Tự Kinh: người kéo đàn nhị của gánh chèo Kim Cát

- Lưu Chính: quản giáp(1) gánh chèo Kim Cát

- Nguyễn thị: Phu nhân chính thức của Lương Thế Vinh, con gái thầy học của ông, không được nhắc tới trong sử sách.

Ả Đào
Mối u tình của Trạng nguyên nước Nam và ả đào xứ Sơn Nam...

Khoảnh khắc sinh mệnh từ từ rời đi, tôi rốt cuộc hiểu được thế nào là xa cách thực sự, thế nào là tình duyên lỡ dở một đời.
Tôi tìm chàng, chàng tìm tôi, trong biển người nhân gian mãi không thể tìm được nhau.

Đến khi tìm thấy, đã là quá muộn màng…

“Thế Vinh, lần này chàng lại tới muộn nữa rồi.”


--

TRẤN SƠN NAM(2), MÙA XUÂN NĂM QUANG THUẬN THỨ BA (1462)


“Tự Kinh sao rồi?”


Tôi nghe thấy rõ giọng điệu sốt ruột của anh Lưu Chính ở phía bên kia, anh là quản giáp của gánh chèo Kim Cát, cũng là người từng đưa tay nhận tôi vào làm đào nương. Đêm nay gánh chèo sẽ biểu diễn ở hội xuân làng Si.

Bên ngoài gốc đa, nhiều người đã tụ tập đông đúc từ sớm, không khí náo nhiệt là vậy mà Tự Kinh của chúng tôi lại đột nhiên ngã bệnh không thể kéo đàn.


“Làm thế nào bây giờ?”


Anh Chính vò đầu bứt tai, lần đầu tiên tôi nhìn thấy sự bối rối hiện trên gương mặt luôn điềm tĩnh khoan thai của anh. Tự Kinh vốn là tay chơi đàn nhị nổi tiếng của gánh hát, nay lại không thể xuất hiện e là sẽ gây ra hậu quả không nhỏ.


“Thiên Hương, em đã chuẩn bị xong chưa?” Anh Lưu Chính đột ngột quay sang nhìn tôi, “Xong rồi thì ra ngoài kia đi, nhất định sẽ tìm được người kéo đàn thay Tự Kinh.”


Tôi ngắm nghía gương mặt của mình một lần nữa trong gương đồng rồi theo hai chị Thu Mai, Thu Nguyệt ra ngoài chiếu chèo.


Thầm tính bây giờ muộn nhất cũng là canh Tuất ba khắc, người đến xem cũng đã vây thành vòng kín quanh chiếu chèo, tôi lo lắng không biết anh Lưu Chính định tìm cách gì. Người kéo đàn nhị không thể từ trên trời rơi xuống được.


“Gánh hát đang thiếu người chơi đàn nhị ư? Vừa vặn tôi cũng biết chút ít, nếu không chê có thể đem tài mọn hiến cho mọi người một khúc.”


Giọng nói hào sảng mạch lạc đột nhiên vang lên lẫn trong tiếng la ó của đám người đi xem hội. Tôi thầm ngạc nhiên, cái miệng của mình từ lúc nào linh nghiệm đến thế, xem kìa, đúng là có người rơi từ trên trời xuống thật.


Đám đông rẽ sang hai bên nhường đường cho người vừa lên tiếng. Hóa ra là một chàng trai trẻ vận áo chùng màu trắng thắt đai lụa, gương mặt sáng sủa khôi ngô, đôi mắt nghiêm nghị mang theo chút phong tình ẩn dưới cặp mày đen nhánh.


Anh Lưu Chính nhìn người nọ với ánh mắt nghi hoặc, “Cậu có thể chơi được không đó?”


Chàng trai trẻ khẽ cười, nét cười vui vẻ lan tới tận khóe mắt, “Cảnh Nghị tôi từ nhỏ đã thích nghe hát chèo, tự mày mò học được cách chơi một số nhạc cụ, nếu anh không chê tài mọn này thì cứ để tôi thử tấu một điệu.”


“A, ra là Thế Vinh con trai Lương bá ở Cao Hương(3)!” Có tiếng ai đó trong đám đông khẽ reo lên.


Tôi bỗng nhiên cảm thấy bần thần trong lòng, hóa ra anh ta là Lương Thế Vinh, thần đồng nức tiếng trấn Sơn Nam. Từ lâu tôi vốn đã nghe danh Thế Vinh, thuở nhỏ thì lanh lợi thông minh, lớn lên tài học ngang dọc một phương ít ai bì kịp.


Tôi không có mấy chữ nghĩa trong người vì thế rất khâm phục những anh học trò tài giỏi, quả là ông trời có mắt đêm nay cho tôi được tương ngộ cùng anh ta. Trong thoáng chốc, Thế Vinh khẽ liếc mắt nhìn về phía tôi đang ngồi, môi mỏng nhếch lên thành một nụ cười nửa miệng mơ hồ.


“Đêm nay được nghe đào nương Thiên Hương nhan sắc khuynh thành hát lại thêm thần đồng Thế Vinh gảy đàn, quả là trai tài gái sắc!”


Giọng ai trầm trồ từ dưới chiếu chèo vang lên, mọi người xung quanh cũng tấm tắc mỗi kẻ một câu góp vào cho thêm chuyện. Tôi thẹn đỏ mặt vội vàng cúi đầu tránh ánh nhìn của Thế Vinh, dẫu là ả đào nức tiếng của gánh chèo Kim Cát cũng đâu dám sánh ngang bên tài học của thần đồng Sơn Nam. Đặt tôi bên cạnh anh ta chỉ như một sự kệch cỡm đến nực cười!


Anh Lưu Chính miễn cưỡng gật đầu một cái, lại nói gì đó với Thế Vinh, gương mặt lộ rõ nét ái ngại. Cũng đúng, Tự Kinh là tay chơi đàn nhị lâu năm nổi tiếng tài hoa, nay lại giao vào tay một kẻ ngoại đạo dẫu có là thần đồng thì cũng thật vạn bất đắc dĩ, không biết chừng còn có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của cả gánh hát.


“Mọi người cùng cố gắng nhé!”


Sau khi Thế Vinh ngồi xuống bên cây đàn nhị, anh Lưu Chính còn ngoái đầu nói với chúng tôi bằng ánh mắt đầy ẩn ý. Tôi gật đầu, ra chiều đã hiểu.


Thế nhưng xem chừng, tất cả những lo lắng của anh Chính đều là thừa thãi.


Nhịp đàn đầu tiên kéo lên mang theo âm điệu da diết, Thế Vinh hơi nhắm hờ hai mắt, đôi tay thuần thục kéo dây đàn theo tiết tấu uyển chuyển.


Trong một thoáng chốc, lòng tôi khẽ run rẩy nhìn chàng trai trẻ tuổi trước mặt. Vốn vẫn nghĩ Tự Kinh là người kéo đàn hay nhất, điệu nhạc của anh cất lên hòa quyện, thấu hiểu cùng lời hát thắm thiết đượm tình của tôi, ả đào Thiên Hương, ấy vậy mà nghe ra tiếng đàn của Thế Vinh còn hay hơn gấp bội phần.


Thanh âm réo rắt da diết tựa như đặt cả cõi lòng của người đánh đàn trong đó.


Tôi cất tiếng hát đầu tiên, lòng tràn ngập nỗi mừng vui rung động, dường như ở một góc khuất nào đó có đóa hoa đào tí tách nở rộ, lặng lẽ bừng sáng, lặng lẽ tỏa hương thơm ngan ngát.


Hòa vào nhịp đàn của chàng, điệu sử xuân của tôi thêm phần luyến lưu nồng đượm. Tôi nhìn chàng, miệng thoa son đỏ mỉm cười rạng rỡ:


“Vâng ý chàng, thiếp xin thưa lại,

Xin chuyên cần tần tảo sớm khuya,

Việc tề gia là phận nữ nhi…”(4)


Chẳng biết có phải vô ý mà câu hát cất lên nghe như lời hò hẹn đính ước, tôi không kìm được khẽ liếc về phía bóng áo trắng bên cây đàn nhị, chàng nhìn lại đáy mắt tựa như cũng có đóa hoa đào tràn ngập xuân sắc bung nở.


Có tiếng huyên náo ồn ào từ bên dưới vọng tới vậy mà những thanh âm đó mơ hồ thoảng qua tai chẳng đọng lại chút gì, tôi lúc này chỉ mải đắm chìm trong ánh mắt sáng ngời của chàng trai thần đồng đất học Sơn Nam.


Điệu chức cẩm hồi văn cất lên nghe lại càng e thẹn ngượng ngùng, tôi bối rối nhìn ngón tay Thế Vinh đặt trên dây đàn, thầm tự nhủ, những lời này là dành cho chàng, chỉ riêng đêm nay thôi, tất cả là tâm tư tôi gửi gắm cho chàng.


“Thiếp xin chàng đèn sách văn chương,

Dầu hao thiếp rót, bấc non thiếp ngắt,

Ngọn đèn tàn thiếp khâu,



Ới này khăn thương áo bến trao lang quân,

Thiếp này là đón chàng về vinh quy, là xin chớ chê cười thiếp vụng về,

Này lang quân ơi, này lang quân ơi…” (5)


Hội xuân sắp tàn mà trong lòng tôi lại nảy nở một đóa đào thắm, hỡi lang quân, chàng nào có thấu được lòng em?


--


“Lương công tử xin chờ cho một chút!”


Nhìn bóng áo trắng của Thế Vinh sắp rời khỏi gốc đa làng Si, tôi không nhịn được cất tiếng gọi to, hai chân bất giác chạy nhanh về phía dáng người dong dỏng cao.


Trên trời một vầng trăng thanh lạnh, Thế Vinh dừng bước nghiêng đầu chờ đợi. Ở khoảng cách gần thế này tôi mới có dịp nhìn kỹ ngũ quan anh tuấn của chàng. Gương mặt còn vương nét tinh nghịch thuở niên thiếu nhưng riêng đôi mắt sáng trong tỏ rõ khí chất của một anh học trò.


“Đào cô nương có gì muốn nói ư?” Thế Vinh nheo mắt khẽ cười.


Tôi bối rối vặn vẹo đôi tay đã túa đầy mồ hôi, “Lương công tử, đêm nay thật cảm tạ công tử…”


Chàng bật cười thành tiếng, “Đào cô nương cứ gọi tôi là Thế Vinh, đừng có một hai câu lại công tử công tử, nghe có chút khách sáo…”


“Ý chàng là tôi không cần khách sáo ư?” Tôi đột nhiên hồ đồ bật ra một câu, nói xong mới cảm thấy hối hận, thật chỉ muốn đào một cái hố để chui xuống. “Ý của tôi là, là…”


“Đúng vậy, Thiên Hương, em không cần khách sáo với tôi.” Thế Vinh cúi thấp đầu, trong ánh trăng lạnh nhạt nhòa, mơ hồ nhìn thấy dưới đáy mắt chàng có một tia dịu dàng.


Tôi sợ hãi nhìn đăm đăm vào mắt chàng, Thế Vinh nhẹ nhàng vuốt ve bàn tay tôi, lưu luyến như không nỡ rời xa.


“Thiên có nghĩa là trời, Hương có nghĩa là hương thơm, Thiên Hương hương thơm của trời, cái tên của em thật là hay.”


Tôi cúi đầu di di mũi hài trên mặt đất, giọng thì thầm, “Đó là tên mà anh Lưu Chính đặt cho em, em từ khi sinh ra đã không biết mặt song thân, lưu lạc nhân gian mười bảy năm trời được anh ấy dang tay đón nhận vào gánh chèo Kim Cát.”


Dường như nhận ra nỗi tủi hờn trong giọng nói của tôi, Thế Vinh đưa tay xoa xoa mái tóc đen được vấn dưới vành khăn, lời nói ra nghe rất đỗi chân thật, “Thiên Hương, em hát rất hay. Tôi thích nghe em hát.”


Tôi run rẩy nép vào lòng Thế Vinh, nước mắt chảy ướt mặt, “Thế Vinh, cho em một đêm nay thôi được không? Em không tham lam, chỉ cần ở bên chàng đêm nay… Em biết thân phận em vốn thấp hèn, không đáng được sánh bước với chàng…”


Lần đầu tiên tôi hiểu rõ thế nào là môn đăng hộ đối, lần đầu tiên rơi nước mắt hận mình không phải là cô thiên kim tiểu thư giàu có nào đó để có thể đường đường chính chính ở bên chàng. Tại sao chàng sinh ra định trước đã là tài học thần đồng nức tiếng dân gian, còn tôi sinh ra lại mang kiếp ả đào “xướng ca vô loài”?


Thế Vinh thở hắt ra một hơi dài, “Thiên Hương, năm sau tôi sẽ lều chõng đi thi ở kinh thành một phen, đợi ngày tôi vinh quy trở về nhất định sẽ đến gánh hát Kim Cát rước em. Chờ tôi, Thiên Hương.”


Nói rồi chàng rút trong dải lưng một miếng ngọc bội xanh lục, một tay bẻ đôi miếng ngọc, một mảnh cất lại trong người, mảnh còn lại trao cho tôi.


Đêm hôm đó vầng trăng thanh lạnh, gió thổi hiu hiu, dưới gốc đa làng Si, Thế Vinh đặt mảnh ngọc bội vào lòng bàn tay của tôi, dịu dàng nói, “Đây là tín vật của tôi. Khi quay về nhất định sẽ tìm em.”
Đây là tín vật của tôi. Khi quay về nhất định sẽ tìm em…


--


Mùa đông năm Quang Thuận thứ ba, tôi ngồi hơ tay trên bếp lò, lòng vui mừng nhìn những đốm than nổ lách tách. Vừa rồi tình cờ đi ngang qua một quán nước có gặp hai người bộ hành từ kinh thành trở về, hỏi chuyện mới vỡ lẽ Lương Thế Vinh đỗ thứ hai ở kỳ Hội. Nghe đâu một nho sinh họ Quách(6) cũng nguyên quán vùng Sơn Nam Hạ đỗ hội nguyên.


Thế này chẳng mấy chốc sẽ tới kỳ thi Đình, tôi tin chắc với tài học của chàng, Thế Vinh không được Trạng Nguyên thì cũng phải Bảng Nhãn, Thám Hoa. Ngày chàng vinh quy bái tổ sẽ chẳng còn xa vời nữa.


“Thiên Hương, em đừng có mơ mộng hão huyền. Lương Thế Vinh chuyến này lều chõng lên kinh được người ta kỳ vọng sẽ trở thành Trạng Nguyên. Một Trạng Nguyên nước Nam sẽ không lấy một cô đào nương về làm vợ đâu.”


Tự Kinh một thân áo trắng muốt từ bên ngoài bước vào mang theo hơi lạnh buốt của gió bấc. Tôi rùng mình kéo chặt tấm áo khoác trước ngực, toàn thân run rẩy từng cơn.


Gió đông buốt giá, cõi lòng tôi lại càng thêm phần lạnh lẽo. Lời Tự Kinh nói quả không sai, đó là điều mà tôi vẫn hổ thẹn suy nghĩ suốt bao đêm, chỉ là tâm tưởng dường như vẫn đắm chìm trong đêm hội làng Si ấy mà đôi lúc quên đi mất.


“Chàng cũng nghĩ vậy phải không Thế Vinh?”


Tôi thận trọng rút mảnh ngọc bội vẫn giữ khư khư bên mình ra ngắm nghía, vuốt ve, miệng khẽ lẩm bẩm gọi tên người hằng nhung nhớ.


Xuân tàn, hạ tới, thu sang, bấy giờ đã là mùa đông rét mướt, thời gian đằng đẵng một năm trời chưa một ngày nào tôi dám quên gương mặt nghiêng nghiêng của chàng trong đêm xuân thắm ấy. Còn chàng, liệu chàng có nhớ ả đào trấn Sơn Nam vẫn mong ngóng tin chàng nơi kinh thành phồn hoa? Nàng ấy vẫn ghi lòng tạc dạ lời đính ước, một lòng chờ chàng công thành danh toại trở về đón nàng vu quy.


“Ngọc bội này ở đâu em có?”


Tự Kinh hung hăng giật lấy miếng ngọc nứt đôi trên tay tôi, gương mặt đỏ ửng không biết vì hơi than hồng hay vì tức giận. Tôi kinh ngạc nhìn anh, vài khắc trôi qua mới định thần lại được. Tự Kinh của tôi vốn rất hiền hòa, ấm áp, chưa từng một lần nổi nóng với tôi. Có điều lần này anh lại nổi nóng quá vô lý.


“Mau trả lại cho em!” Tôi từ kinh ngạc chuyển sang giận dữ, cố gắng rướn người với lấy miếng ngọc nằm chặt trong lòng bàn tay to lớn của Tự Kinh.


Hai mắt của anh đỏ lên, gương mặt lạnh lùng nhìn tôi lặp lại, “Anh hỏi em ngọc bội này ở đâu mà có? Có phải là Lương Thế Vinh cho em?”


Tôi vừa sợ hãi vừa tức giận, cứng cỏi gằn giọng: “Phải thì sao mà không phải thì sao? Chung quy vẫn là đồ của em, mau trả lại đây!”


Tự Kinh ném ngọc bội lên bàn trà, tiếng ngọc va lên mặt gỗ “cạch” một tiếng thật lạnh. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt phức tạp, nét mặt đã dịu đi nhưng thần sắc vẫn lạnh lùng, sâu trong đáy mắt anh thoáng lóe lên một tia đau đớn xen lẫn bất lực.


Không nói năng thêm điều gì, Tự Kinh xoay người bỏ đi, để lại một mình tôi chơ vơ giữa căn phòng rộng lớn.


--

Chẳng mấy chốc mà mùa đông buốt giá đã qua đi, thêm một mùa xuân nữa tràn về Sơn Nam.


Tháng ba, hoa đào nở rộ nhuộm hồng sắc áo và ánh mắt của những thiếu nữ đương xuân. Tôi ngồi trước sân ngắm cánh đào rơi lả tả phủ kín chiếc bàn đá, trong bụng thầm nhẩm tính, cũng sắp tới ngày mà bảng vàng thi Đình được niêm yết, Thế Vinh nhất định sẽ nhanh chóng hồi hương. Ngày chàng trở về chắc hẳn sẽ được ngồi võng vinh quy, đầu đội mũ Trạng Nguyên, đôi mắt sáng ngời vì công thành danh toại.


Đang mơ màng nghĩ tới viễn cảnh chàng tới gánh chèo Kim Cát rước tôi về làm vợ thì đột nhiên chị Thu Nguyệt từ đâu chạy tới, giọng líu ríu nói, “Thiên Hương, có cậu bé nào tới tìm em kìa.”


“Thật sao?”


Tôi tò mò chạy ra khỏi sân trong lòng thầm tự nhủ, có thể là người của chàng tới báo tin cho tôi lắm chứ. Nghĩ như vậy, bước chân nhẹ thêm mấy phần.


Có điều ngoài cửa chỉ có bóng lưng thẳng tắp của Tự Kinh, ngoài ra chẳng còn một ai khác.


“Tự Kinh, chị Thu Nguyệt nói có người tới tìm em. Cậu bé đó đâu rồi?” Tôi nén thất vọng cất tiếng hỏi anh.


“Không có gì, là người của An công tử, biết em không thích đã đuổi đi rồi.”


Tự Kinh bình thản nói, trên gương mặt không có nửa điểm bất thường. An công tử nổi tiếng phong lưu ăn chơi trác táng đã mấy lần đòi gặp riêng tôi, vốn không ưa gì loại “phá gia chi tử” như hắn ta nên lần nào tôi cũng viện cớ không tiếp chuyện.


“Hóa ra là người của An công tử, vậy mà cứ nghĩ…”


“Nghĩ gì cơ?” Tự Kinh từ bao giờ đã áp sát tới, gương mặt ôn hòa cúi thấp chăm chú nhìn tôi đang lẩm bẩm một mình.


“Không có gì…” Tôi vội vàng nhảy ra sau hai bước, miệng cười gượng gạo, “Anh nghĩ nhiều rồi!”


“Vậy thì tốt.” Tự Kinh tươi cười phất ống tay áo bỏ vào trong, trước khi khuất bóng còn không quên để lại một câu, “Em mau đi thu xếp tư trang đi, giờ Mão sáng mai khởi hành đi lộ Nam Sách (7) biểu diễn.”


Tôi ủ dột lê từng bước, vẫn nghĩ sẽ ở lại Sơn Nam một thời gian nữa chờ đợi tin tức của Thế Vinh, vậy mà nay lại phải lên đường. Chỉ mong rằng tôi sẽ kịp quay lại đón tân Trạng Nguyên là chàng.


--

Ngày trở về Sơn Nam, đào xuân đã rụng hết, tiết trời cũng bắt bắt đầu oi nóng. Xe ngựa một mạch chạy thẳng từ Nam Sách Hạ về trấn Sơn Nam.


Trong chuyến đi vừa rồi tôi mới biết chủ ý khởi hành đi Nam Sách biểu diễn là của Tự Kinh, không phải của anh Lưu Chính. Nhưng điều đó nhanh chóng bị khuất lấp bởi niềm vui và nỗi háo hức nay đã dâng đầy trong lòng tôi, Thế Vinh đã đỗ Trạng Nguyên. Chàng đã vinh quy bái tổ cố hương, làm rạng danh dòng họ Lương gia ở làng Cao Hương.


Khắp nơi nơi từ Nam Sách về Sơn Nam người ta ca ngợi tài học thần đồng của chàng, muốn tôi không biết e là cũng khó. Có điều, Tự Kinh chẳng tỏ ra mấy vui mừng. Anh thường ôm đàn nhị kéo mấy khúc ca thê lương, gương mặt tư lự buồn bã.


Đêm trở về Sơn Nam, anh lặng lẽ ngồi ngắm cành đào đã trụi hoa, ánh trăng nhàn nhạt vương trên thân áo chùng màu lam.


“Thiên Hương…” Anh khó nhọc cất lời, “Có điều này anh phải nói với em…”


Tôi đương chìm đắm trong niềm vui khôn tả, chỉ cần nghĩ tới sớm mai sẽ được gặp lại chàng trong buổi hội mừng tân Trạng Nguyên là toàn thân đã run rẩy vui sướng. Trong lòng chẳng vướng bận u sầu, tôi cất giọng trong trẻo giục giã, “Có chuyện gì mà anh cứ úp úp mở mở vậy?”


“Thế Vinh… đã lấy vợ rồi.”


Tôi nghe thấy giọng mình lắp bắp trong kinh hoàng, “Không thể nào… Chàng đã hứa… Em không tin! Tự Kinh, có phải anh gạt em? Em biết rồi, anh không muốn em ở bên Thế Vinh nên mới gạt em!”


Càng nói càng đắc ý, tôi bỗng cất tiếng cười khanh khách, “Tự Kinh, anh nói dối kém quá, em chỉ nhìn một cái là phát hiện ra ngay.”


Tự Kinh chồm tới nắm chặt lấy bàn tay của tôi, cho dù tôi vùng vẫy cỡ nào anh cũng không chịu buông, “Anh không gạt em, Thiên Hương. Người mà Thế Vinh lấy là Nguyễn thị, con gái thầy học của anh ta. Hai người họ bái đường ngay sau ngày Thế Vinh mũ áo Trạng Nguyên trở về Sơn Nam.”


Tôi liên tục lắc đầu không muốn nghe nữa nhưng từng chữ từng chữ như kim châm đau buốt vẫn rành rọt vang lên bên tai. Tự Kinh nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, “Thiên Hương, anh đã nói với em rồi, Trạng Nguyên nước Nam sao có thể lấy một ả đào?”


Câu nói cuối cùng của anh tựa như tảng đá nặng rơi xuống lòng hồ vừa dậy sóng. Tôi vùng dậy, lạnh lùng nhìn Tự Kinh.


“Em không tin. Cho dù anh nói thế nào em cũng sẽ không tin. Sớm mai, em vẫn sẽ hát trong buổi hội mừng tân Trạng Nguyên.”


--


Tiếng trống thình thịch dội vào lồng ngực tôi đau buốt, giữa sân đình người già người trẻ đã tụ tập đông kín. Tất thảy đều đang chờ đợi vị tân Trạng Nguyên của làng Cao Hương.


“Tân Trạng Nguyên và phu nhân! Tân Trạng Nguyên và phu nhân!”


Đám trẻ vận áo đỏ rồng rắn chạy quanh chiếu chèo, ríu rít kêu lên. Hai chữ “phu nhân” nhẹ nhàng như gió thoảng qua bên tai tôi.


Người mà tôi bấy lâu mong nhớ, mặc áo chùng màu đỏ thắt đai ngọc, đầu đội mũ Trạng Nguyên, tay dìu người đàn bà đi bên cạnh chầm chậm tiến về chiếc ghế dành riêng cho chàng. Phong thái ung dung nhàn nhã, đôi mắt sáng ngời ẩn dưới cặp mày đen nhánh, đôi môi mỏng mím lại thành một đường cong ẩn hiện, gương mặt sau hơn một năm gặp lại vẫn y nguyên như trong ký ức của tôi.


Có chăng, bên cạnh chàng có thêm một người nữa. “Phu nhân” của chàng.


Nguyễn thị, con gái của sĩ phu họ Nguyễn, cũng là thầy học của Thế Vinh. Nàng mặc áo gấm, tóc vấn kiêu sa cài trâm bằng vàng, nụ cười nở rộ như một đóa đào thắm trên đôi môi xinh đẹp.


Thực ra, nhan sắc của nàng chẳng đáng sánh bằng Thiên Hương tôi. Cái mà nàng ta hơn tôi, có lẽ là thân phận.


Tự Kinh nói đúng, tân Trạng Nguyên nước Nam sao có thể rước một ả đào về làm vợ? Chàng không bận tâm nhưng người đời bận tâm, tôi không để ý nhưng song thân, bè bạn chàng để ý. “Xướng ca vô loài” là bốn chữ thấm đẫm nhục nhã và khinh thường mà tôi mang trên người.


Tôi và chàng giống như đứng ở hai bờ vực, chàng cao sang, tôi thấp hèn. Tôi vĩnh viễn chỉ có thể ngước đầu nhìn hào quang xung quanh chàng, vĩnh viễn không có tư cách được sánh bước bên chàng. Vĩnh viễn không có tư cách…


Tự Kinh bắt đầu kéo đàn, tôi gấp chiếc quạt lụa che kín mặt mình, môi đào mỉm cười bình thản hướng về phía tân Trạng Nguyên. Trong một thoáng chốc, thân người Thế Vinh khẽ cứng đờ, đáy mắt lưu lại một tia kinh ngạc cùng bàng hoàng.


Tôi lại đăm đăm nhìn vào mắt chàng như đêm xuân năm nào, tự nhủ, những lời này là lần cuối cùng hát cho riêng chàng.


“Này lang quân ơi, ới lang quân ơi,

Thiếp quạt hầu sao bằng người cầm ca,

Là bẻ quế vin cành là thiếp mừng chàng bẻ quế vin cành,

Chứ khăn này áo, chút tình nghĩa vạn cao sang,

Ới này khăn thương áo bến trao chàng,

Thiếp hỡi… đón chàng về vinh quy!” (8)


Giọng hát của tôi cất lên chưa bao giờ say mê và nồng đượm thắm tình đến thế. Có lẽ bởi đây là lần cuối cùng nó được tung khỏi lồng ngực tôi như cánh bướm hóa hoa xuân, trổ bừng sức sống để rồi vĩnh viễn úa tàn. Tôi nhìn chàng, hồi tưởng lại quãng ký ức ngắn ngủi đêm hội xuân làng Si năm nào.


Thế Vinh, vĩnh biệt!


--


Đêm nay cũng một vầng trăng thanh lạnh, tôi một mình trầm ngâm nhìn khung cảnh xung quanh chìm dần vào bóng tối tịch mịch.


Trên tay là một lọ nhân ngôn(9) đã trống rỗng.


Trước mắt mờ dần tựa như tất thảy còn lại chỉ là màn sương nhân gian giăng kín trời, mọi thứ rồi cũng hóa hư vô. Mí mắt tôi trĩu nặng, trước khi thân người đổ sụp xuống nền đất lạnh lẽo mơ hồ nghe thấy hai tiếng “Thiên Hương” thật quen thuộc.


Chỉ là mơ, tôi tự nhủ.


“Thiên Hương.” Thế Vinh ôm tôi, “Thiên Hương, tôi đã đến tìm em.” Chàng nói.


Tôi đưa tay sờ lên gương mặt của chàng, mỉm cười nói một câu mừng rỡ, “Là chàng. Thế Vinh, chàng lại tới muộn nữa rồi. Lần này chàng lại tới muộn nữa rồi.”


“Tôi đã cho người tới tìm em, là ngày rằm tháng ba, Kiến Xương nói em đã đi khỏi Sơn Nam, không quay về nữa.”


“Ngày rằm tháng ba…” Tôi gắng gượng chống đỡ cơn buồn ngủ, thần trí nhẩm tính. Là ngày Tự Kinh nói An công tử tới tìm tôi, “biết em không thích đã đuổi đi rồi.”


Hóa ra là như vậy. Tự Kinh, hóa ra là như vậy.


“Thiên Hương, tôi đã đi tìm em, tìm mãi không thể thấy em.”


“Thiên Hương, Nguyễn thị là tân nương mẹ cưới cho tôi, khi trở về Sơn Nam, mọi chuyện đã thành.”


“Thiên Hương, em không được ngủ.”


Chàng rút trong ống tay áo ra một mảnh ngọc màu xanh, “Nhớ không, là tín vật của chúng ta.”


Tôi ho hai tiếng, run rẩy lấy mảnh ngọc luôn giữ bên người, ghép với mảnh của chàng trở thành một miếng ngọc bội khăng khít. Tôi mỉm cười vuốt ve vết nứt lờ mờ trên nó, ngẩng đầu nhìn vầng trăng lạnh, lại nói: “Thế Vinh, chàng nhớ không, câu đầu tiên em nói với chàng, ‘Lương công tử xin hãy chờ cho một chút’.”


“Đào cô nương có gì muốn nói ư?” Giọng chàng run rẩy vang lên.


“Lương công tử, đêm nay thật cảm tạ công tử.”


“Đào cô nương cứ gọi ta là Thế Vinh, đừng có một hai câu lại công tử công tử, nghe có chút khách sáo.”


“Ý của chàng là tôi không cần khách sáo ư?” Nhưng tôi đã không thể cất lời. Tôi muốn chàng trước khi rời xa chỉ có thể ghi nhớ gương mặt mỉm cười xinh đẹp của tôi, vì vậy không hề rơi một giọt nước mắt. Thế nhưng từng giọt từng giọt cứ rơi xuống khóe mắt tôi.


Tôi ngẩng đầu, yếu ớt nhìn Thế Vinh, “Trời mưa ư?”


“Đúng vậy, trời mưa.”


--


Sau khi đào nương qua đời, Thế Vinh vì thương nhớ đã lập một miếu thờ tại nơi nàng quyên sinh.


Miếu ấy tên gọi Ả Đào, đến nay vẫn còn.​

| Hết |


Chú thích trong truyện:

(1) quản giáp: là một chức do Lý Thái Tổ đặt vào năm Thuận Thiên thứ 16 (1025) cho những người phụ trách múa hát phục vụ các nghi lễ dân gian khi mở hội, vào đám, tế xuân, vv... (Theo tapchiviet.info) Dùng trong văn cảnh này không phù hợp nhưng chưa tìm được cụm từ chính xác hơn.

(2) Trấn Sơn Nam: Trấn Sơn Nam hay xứ Sơn Nam hay là vùng đất phía nam Thăng Long từ thời nhà Lê sơ đến nhà Nguyễn

(3) Làng Cao Hương: thuộc huyện Thiên Bảo, trấn Sơn Nam dưới thời Lê sơ, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

(4) Điệu sử xuân: một trích đoạn trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính"

(5) (8) Lời chèo cổ điệu chức cẩm hồi văn

(6) Quách Đình Bảo (1434 - 1508) nguyên quán Thái Bình, năm 1463 Lương Thế Vinh đỗ Trạng Nguyên còn ông đỗ Thám Hoa, làm quan dưới thời Lê Thánh Tông tới chức Thượng thư bộ Lễ. Xuất hiện trong giai thoại về tài học của Lương Thế Vinh.

(7) Lộ Nam Sách: tên gọi của Hải Dương dưới thời Lê Sơ, bao gồm Nam Sách Thượng và Nam Sách Hạ

(9) nhân ngôn: tên gọi khác của thạch tín, là một chất hóa học có độc tính.

Nguồn tra cứu:

Wikipedia với các từ khóa: Lương Thế Vinh, Quách Đình Bảo, Trấn Sơn Nam, Asen, Hành chính Việt Nam thời Lê sơ

Sách Kể chuyện Gương hiếu học (Phương Thùy - Hoàng Trang)

Mối tình đầu của Trạng Nguyên Lương Thế Vinh
 
Bên trên