Tản văn Ả đào

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Đú đởn cùng anh em bạn dì viết điền văn :> Dù không hiểu điền văn là gì :>
***


Ta xuôi thuyền theo dòng, sớm trưa đã qua cửa ô vào tới địa phận Kinh Bắc. Gió lồng lộng thổi sau cơn mưa phùn tháng Giêng, trời đã quang hơn hôm qua nhiều, dầu mây mù hãy còn sầm sập.

Không rõ thêm bao lâu chỉ biết thuyền cập bến cũng vừa lúc xế. Mái chèo ngừng khua, cái Liên nhanh chân đứng dậy cúi người lục đục đi trước, ta lọ mọ theo sau. Ra đến ngoài mui, ngẩng đầu lên, thâu đất trời vào trong tầm mắt, chỉ thấy những non nước trùng trùng điệp điệp, lác đác đôi mái gianh ẩn trong khói lam chiều. Ta khẽ thở dài một hơi, hình bóng quê cũ đã chẳng còn sót lại chút ký ức nào. Chốn đìu hiu cách xa kinh đô này với ta chỉ là xứ nhãn lồng nằm trong dăm lời thiên hạ truyền nhau. Trông lên gốc si bên bến ta vô tình bắt gặp một cánh diều lưỡi liềm đứt dây mắc trên cành. Chẳng hiểu sao đột nhiên lại ngẩn người ra, mãi đến khi cái Liên khẽ đập vào tay thì ta mới giật mình bừng tỉnh mộng.

- Hai cô nhanh cho tôi nhờ. - Tiếng bác lái đò ý chừng sốt ruột, giục bọn ta.

Cái Liên vội vàng vươn tay cho ta vịn, trông xuống đôi hài lấm lem mà thầm thì:


- Cực cho cô quá.

Ta cố ý ngoảnh lại chào bác lái nhưng chắc bác không để ý nên đã quay thuyền nan đi luôn, chẳng kịp cho ta cúi đầu. Trông đến khi chỉ còn cái bóng con con, ta mới khẽ chạm tay cái Liên nhẹ giọng.

- Mình đi thôi.

***

Năm nay ta qua tam tuần.

Lý ra ở lại gõ đầu cho lớp xướng nhi (1), ngày ngày gảy đàn, phách lại bản huê tình cũ trong giáo phường kể cũng được. Nhan sắc chưa đến nỗi héo hon, ca kỹ cho thiên tử hẳn không còn chỗ, nhưng quan lại tòng tứ, ngũ phẩm thì vẫn được vời. Ấy vậy chẳng hiểu sao, bao nhiêu tinh lực ta đều đã tàn cả. Ừ thì một phần do mối duyên cũ, phần khác, ta cũng không còn thiết tha chốn kinh đô đàn hát, những tuồng mua vui cho quan viên chầu thẻ gì nữa. Bên Ty giáo phường gây khó dễ suốt, nhưng ý ta đã quyết, may mắn có phu nhân họ Trần giúp đỡ, ta mới rời được đi. Tài sản dành dụm hơn nửa, vốn đã cùng chàng mua chung một khoảnh đất nằm ở Kinh Bắc quê ta. Tận đến khi gửi lại lời lỡ duyên cho cái Liên, chàng cũng không lấy lại một cắc bạc nào, khoảnh đất kia vẫn đề tên ta là chủ. Chẳng thể ái mộ chàng đã trượng nghĩa cũng chẳng thể trách chàng vì đạo hiếu mà phụ tình, đôi khi ta chỉ biết thở than kiếp ca cầm là thế, đâu chỉ có mình ta mệnh bạc như vôi, chị Tam Thuận, cô Tam Liên cũng chờ mãi bóng tri âm tri kỷ mà không thấy đó thôi.

Dù sao thì đã là chuyện cũ, khác gì một khúc hát cổ nhại đi nhại lại đâu. Ta đã sớm hiểu ra những mộng phù hoa chỉ là tự ta si tưởng. Đau, nhưng rồi quen cả thôi. Như cái hồi mài mặt hãm khách bên giáo phường, có ai lại muốn buông lời tình tứ liếc mắt đong đưa? Ta cũng quên dần những quá vãng ngọt ngào, có trời mưa nào mà không tạnh, có mấy ai lại chết vì trâm gãy bình tan?

Cái Liên với ta đi bộ mãi thì cũng vào thôn. Đường ướt mưa sình lầy vắng người qua lại, chợ chiều cũng đã vãn cả. Rẽ qua đình làng giong cờ ngũ sắc, đôi gian trát tường đất tạm bợ, chẳng có mấy tòa lợp lưu ly như chốn kinh thành phồn hoa. Đi tới cuối ngõ, ta thấp thoáng thấy chiếc cửa gỗ ván ọp ẹp, thấp lè tè dưới một gốc điệp cổ sum suê. Từ giờ, đây sẽ là nhà của ta. Cái Liên lục đục mở khóa, ta khom người ôm bọc đồ bước qua bậc phía sau. Nhà ba gian, khoảng sân con con với cái giếng nhỏ, khu bếp núc tuy tuềnh toàng nhưng sửa sang lại được. Ta bước lên bậc tam cấp, hơi ngẩn người nhìn cột kèo gỗ đỡ áp mái phía trong. Nhớ khi xưa chàng từng bảo ta có nhà rồi, sức chàng có, lại thêm tay ta khéo bén dệt, chẳng có gì mà không kham nổi. Một khoảnh đất con, ta với chàng, ba nếp hai tẻ, ít gà nuôi, lại thêm con chó canh cửa vui vầy. Vậy mà thế sự lại đâu vào đó, chớp mở mắt, chỉ còn mình ta đứng đây khắc này.

Ta khẽ lắc đầu rồi vội vàng đỡ cái Liên dỡ hành lý tư trang vào nhà. Xong xuôi thì cả hai bọn ta đều thấm mệt, hớp vài ngụm nước đem theo sẵn rồi chợp mắt nghỉ ngơi. Bộ hành xa, thể trạng lại yếu sẵn, ta ngủ chẳng biết trời trăng gì nữa, lúc cái Liên dựng ta dậy thì đã là đầu giờ Tuất. Không rõ nó tỉnh từ lúc nào mà chuẩn bị tươm tất cơm nước.

- Con vội nên chẳng nấu được gì nhiều. Cô ăn tạm, ít rau muống xào với ruốc mắm cũ.

Gió lùa qua tấm bình phong, nghe cái rét ngày càng giá trong gian nhà tối chẳng thắp nổi đốm nến tàn. Độc tiếng bát đũa chạm nhau vang lên làm ta nghẹn họng không nói được câu gì.

- Cô ăn xong thì con ăn.

Ta làm bộ tự nhiên kéo tay cái Liên, dúi nó ngồi xuống cái ghế gần đó.

- Từ nay Liên không phải câu nệ.

Nó dùng dằng không chịu, đợi đến khi ta vờ ho khan vài tiếng, nó mới cuống quít thôi. Cơm nước xong xuôi ta cũng xắn tay áo rửa chén cùng, mặt nó tái mét đến buồn cười. Ta giả bực mà bảo nó ta có phải bị hủi bị liệt gì đâu, lại chẳng phải tiểu thư khuê các mà không làm được. Cái Liên vốn không giỏi mồm mép, cứ đực mặt đấy rồi cũng để ta muốn làm gì thì làm.

Cả ngày đi thuyền mệt mỏi, ta với cái Liên sớm đã vào buồng. Nhà có một giường lớn cùng cái sập nhỏ, bọn ta chia chỗ như trưa rồi nhanh vào giấc. Cứ thế một ngày một đêm cũng mệt mỏi trôi qua.

***

Sớm, gà gáy canh năm ta đã trở mình.

Giường gỗ cứng lại thêm lạ nước lạ cái nên chẳng trọn giấc. Tuy thế, may mắn là sáng nay ta cũng cần dậy sớm để dọn dẹp, biếu xén quà cáp gửi hàng xóm cho đàng hoàng. Gian nhà trống huơ trống hoác, thiếu thốn đủ điều, ta đem một xâu tiền đồng bảo cái Liên ra chợ mua đồ. Quần quật tới quá giờ Ngọ, mấy bận đi đi về về, bọn ta mới dọn dẹp bày trí nhà cửa xong xuôi, không gọi là khấm khá, nhưng cũng đủ dùng. Chừng đến chiều thì Liên cũng sao xong mứt quả. Ta tìm vải buộc chia thành hai, ba tay nải khác nhau. Lu bu thêm một lúc thì hai bọn ta cũng gói ghém đủ đồ đem đi biếu tặng. Xưa có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần” chẳng phải là không có lý của nó. Ta sửa sang lại vạt áo thô màu quả trám, tìm thêm một chiếc trâm gỗ cài đầu đơn giản, trông bóng gương đồng đã chẳng còn thấy đâu điệu bộ quần là áo lượt của ca nương năm xưa. Đầu giờ Thân, cái Liên với ta gõ cửa từng nhà chào hỏi. Vài ánh nhìn ái ngại hỏi ta là cô đào của quan nhân nào, thái ấp ở đâu, ta nói ta đã về vườn rồi, không giao lưu qua lại nữa. Hết một buổi chiều, xem chừng người dân Kinh Bắc cũng thân thiện, không gây khó dễ như ta tưởng.

Đi qua bến đò, khói lam chiều buông hững hờ giữa muôn trùng núi non, thuyền chở ta hôm nay không thấy dáng quay lại. Lòng sông xanh lặng lẽ đìu hiu. Cánh diều lưỡi liềm ướt mưa vẫn nằm đó, ta cúi đầu không nhìn nữa, quành về phía gian nhà mình.

***
Qua Giêng, rồi tháng Hai, tháng Ba, nhà cửa cũng dần vào nếp quen. Chớp mắt nhắm mắt lần nữa vậy mà đã tới Rằm tháng Tám. Nửa năm nói qua là qua, chẳng kịp để ta ngắm cho kỹ dáng hình nhân gian.

Thời gian này ta vẫn an bình sống trong thôn. Chuyện đau đầu nhất là chuyện kiếm sống thế nào coi như cũng đã tạm ổn định. Bỏ giáo phường cùng nghĩa phải bỏ cả nghề ca kỹ, mà từ xưa tới nay, ta có bao giờ đụng tay, đụng chân việc nào khác ngoài gảy đôi phím đàn, xướng dăm câu hát. Chữ nghĩa cũng chỉ học vẹt của các tài tử hay dạo chơi chầu thẻ, ngâm vài điệu ví von hãm khách, chứ thực tế một từ Hán bẻ đôi cũng chẳng rõ. Trừ gian nhà, ta còn dăm nén vàng, nén bạc, ba xâu tiền đồng, bạc vụn giữ lén từ hồi làm ca kỹ. Chuyện thức ăn thức uống dưới này cũng nhẹ gánh hơn so với kinh đô, nhưng trông chờ mãi vào tài sản để dành thì kể cũng không hay. Nhân dạo quanh thôn, ta mới bàn với cái Liên làm gánh nước nhỏ gần bờ ruộng sau nhà. Nhờ các cô các bác ủng hộ, lại thêm cái Liên khéo tay hay làm ít mứt, ít bánh này kia, gánh nước vối cũng túc tắc được đồng ra đồng vào, đến giờ vẫn chưa cần đụng đến số tiền để lại. Vất vả hơn so với hồi gõ phách, thể trạng ta vốn đã yếu từ xưa, nhưng nói đi nói lại thì chí ít ta cũng đầu tắt mặt tối chẳng có thời gian để ưu phiền. Gần đây trời trở gió, ta cùng cái Liên chuẩn bị thêm ít vải, may tặng vài đứa nhỏ đôi bao tay, bao chân, còn đâu thì cuối tuần đem ra chợ phiên ngoài trấn bán. Không bán cao giá, thôi thì lấy công làm lãi, kể cũng được.

Lu bu, lẩn quẩn hết việc này việc kia, ta chẳng nhớ ra nay đã là Trung Thu. Mãi tới khi may vá xong xuôi, rảnh rỗi ra ngoài sân ngồi têm ít trầu cánh phượng, ngó lên trời mới sực nhớ ra.

Năm ngoái ở giáo phường trên kinh đô, ngày này mưa lớn lắm, trăng cũng chẳng sáng như nay. Vài ả đào đã xin bên trên trở về quê thăm thân nhân dịp lễ, số còn lại thì đều ở lại trong này. Đáng ra vào Trung Thu, giáo phường sẽ bận rộn, chứ không được thảnh thơi như thế. Nào là chuẩn bị yến tiệc cho cung đình, rồi lễ hát cửa đình, vài nhóm lẻ thì được các quan nhân vời tới thái ấp làm đôi đoạn hát giai hay huê tình cổ. Nhưng năm đó, xem thiên tượng nghe đâu vận hạn giáng lên đất Nam nên bao nhiêu lễ hát đều đã bị dẹp bỏ.

Cũng hôm mưa dầm gió buốt ấy, cái Liên với ta ngồi trong khuê phòng ngó ra bể non nước, trông dáng cầu độc mộc đìu hiu bắc ngang cái hồ con trong giáo phường. Tiếng phong linh (2) đơn độc rung bên mạn hồng lương (3) lẫn trong âm đàn đáy lay lắt của nhạc công nào vọng đi vọng lại não nề. Chẳng hiểu sao đột nhiên những câu xướng họa, những lời đon đả đón ý, dăm câu ví tình ảm đạm cứ chạy đi chạy lại trong đầu ta. Lớp phấn son bôi trát trên mặt không hiểu cớ gì mà nặng nề vô nghĩa đến lạ lùng. Ta nhìn ra màn mưa bạc tự hỏi rốt cuộc phận mình rồi sẽ trôi về đâu?

Nực cười thay cho một kiếp cầm ca lại có ngày hoang mang mệnh cách.

Chỉ là… Ta thấy mệt. Ta đã mệt rồi.

- Cô đừng ngồi têm suốt nữa.

Cái Liên không biết từ đâu giành lấy cơi trầu cánh phượng, chưa kịp để ta nói gì đã đặt vào gian trong rồi kéo ta đi.

- Mình ra ngoài trấn đi cô. Nay con hỏi nhà chú Lựu với cô Đậu, cô chú bảo nay có thả đèn hoa đăng ở bờ sông Phổ Đà, ra trấn thì còn đông vui hơn nữa. Trẻ con đều tụ tập coi lân múa, rồi xem tuồng ngoài đó cả. Nghe đâu có chùa lớn lắm mở lễ cầu an, nên tứ phương ai cũng lại ghé.

Ta nhìn theo bóng lưng nó tự hỏi mình chạy tới tận đây, liệu đã thanh thản như ý nguyện ngày ấy hay chưa? Không hiểu sao đột nhiên thấy lạnh lẽo, trong lòng buông một tiếng thở dài như có như không.

- Cô têm nhiều lắm rồi, cái nào cũng đẹp cả. Mai mà thiếu thì con têm cùng. Cô đừng ngồi rũ ra nữa.

Ta mặc cái Liên đưa mình đi đâu thì đi. Đường lên chợ phiên không xa lắm, hết thôn rồi băng qua phía sau đồi là đã tới nơi. Quả như lời chú Lựu cô Đậu nói, gánh tuồng rong nhiều không đếm xuể, người qua đường cứ tụ lại reo hò túm tụm thành từng đám. Đèn lồng đỏ giăng dọc đường đốt sáng trưng, kia một sạp bánh, đây một quầy giò, chẳng khác gì với kinh thành năm đó. Cái Liên chen vào dòng người, lôi ta hết từ gánh hát này tới gánh khác, qua một vở “Trang Chu mộng điệp”, lại một vở “Bạch Lạc Thiên mẫu biệt tử”, cốt muốn làm ta vui lên. Nhưng biết vui sao nổi, con hát nhà trò năm xưa quay về xem lại tuồng tích cũ đấy ư?

Trên sân khấu sáng đèn, châu tử (4) vẫn đang xướng với sửu nô (5), tiếng người vỗ tay rầm rầm theo một câu lối rịn. Đán nương (6) mặt trắng, hây hây đôi má đào, choàng lớp y phục hồng sẫm đã chuẩn bị ra sân, trông có vẻ là người mới nên lấy hơi hãy còn run rẩy. Ta nhìn theo nhạc công phía sau gảy độc huyền cầm, ngơ ngẩn lẩm nhẩm theo câu ngâm trong vở “Thán thời thế” mà bất giác nở nụ cười, vô thức vỗ tay theo. Chẳng biết giờ chàng có đang xem lại vở này cùng với vị giai nhân họ Dương đó hay không?

- Cô, cô, cô cầm lấy này.

Cái Liên dúi ta một xiên thịt nướng. Hơi nóng bốc lên nghi ngút, thanh tre nồng ấm truyền vào giữa lòng bàn tay.

- Cô ăn một, con ăn hai. Tiền con bán mứt trên trấn đấy. - Con bé cong cong khóe mắt.

Ta sững sờ đôi chút, ngẩn ra nhìn xiên thịt nghi ngút khói, rồi bất chợt nghĩ gì mà khúc khích cười theo. Xiên thịt Kinh Bắc này, thế mà ngọt quá.

Tay còn lại cái Liên giữ khư khư xâu trái quả ngào đường. Ta xin mãi miếng dứa mà nó không cho. Rồi đói bụng bọn ta ghé ăn ở một tửu lâu hạng sang, lại qua quán Linh Chiếu nổi tiếng bậc nhất thưởng trà, cuối cùng ngồi bệt bệ đường bên vỉ khoai nướng đỏ lửa. Trong một thoáng ta đã ước ngày tháng cứ thế này mãi, kể cũng tốt.

Đường về khuya vừa tối vừa lạnh, cái Liên sợ băng qua đồi lỡ gặp chuyện không hay nên hai ta đều quyết ý đi theo đường vòng. Tiếng hát giao duyên của cô ả nào vẫn văng vẳng từ bờ sông dội về chốn này. Trống chiêng khua gõ xao động một vùng. Ta tò mò ngó ra, thấy thuyền rồng vua ngự đèn đuốc sáng trưng, bóng giai nhân dưới một mảnh rèm chướng e lệ cầm quạt che miệng cười. Hai thuyền con đi song song nào thần tử tung hô non sông gấm vóc, nào lính cận vệ nghiêm trang sáng choang giáo gươm với giáp trụ đồng. Biết đâu lại thấy chàng đang lẫn trong đám người ấy? Cái Liên bỗng giật khuỷu tay kéo ta thấp người xuống, ý kêu cúi đầu.

Ừ đấy, già cả nên lú lẫn hết rồi. Dân con mọn, phận tôi đòi há lại dám nhìn thiên tử, nhìn quan văn, quan võ đấy ư? Bỗng chốc vị xiên thịt vương trong họng ta lại đắng ngắt cả.

Chiều hôm sau, dọn gánh vối về xong xuôi, ta đem tấm áo gấm duy nhất giữ lại từ hồi còn trong giáo phường ra ngắm. Cái Liên lẳng lặng dâng trà lên hỏi ta, cô có mặc không để con hầu. Nó thích cái áo gấm đấy nhất. Lúc về kinh Bắc, vốn ta đã đốt hết đồ cũ, trang sức cũng đem đi cầm cả, nhưng cái Liên nhất quyết giữ lại tấm áo này. Kể cũng may… Ta vuốt lớp vải đào mượt, mân mê đôi bông cải thêu màu vàng kim nhã nhặn. Cái Liên nhìn ta rồi thỏ thẻ tít mắt cười bảo ta đồ nghề của cô con vẫn còn giữ chút đỉnh đấy. Ta bật cười, cái con bé này.

Chiều ấy, người dân tới vây đông ở phương đình. Không có kép kéo đàn đáy, ta chỉ gõ nhịp phách suông hát mộc, cố cho xoang điệu nghe thực êm. Hát hết một bản huê tình thì xướng Tỳ Bà Hành, rồi đệm nhịp một bài hát giai, lập bập dăm câu ví. Càng hát càng say, tưởng như vẫn còn tài tử năm nào tấm tắc khen, ngâm gửi đôi dòng thơ cảm mộ gặp được giai nhân tri kỷ. Tiếng thẻ tre tán thưởng quan khách thả trên sập gụ dội về trong thoáng mơ hồ. Mùi trà vương vấn quấn quít bên tấm màn lụa, hình như chàng đã từng ghen tuông với quan khách phải lòng tiếng hát của ta, cũng đã từng giận ta buông lời ong bướm chào vời? Những hình dong đã mờ nhạt cả, đôi tiếng cười xa xăm quá vãng, chẳng rõ ngày tháng đó đích xác đã xảy ra thế nào, rơi rớt lại chỉ có những đẹp đẽ chẳng nỡ rời tay. Ta cứ ngồi ê a không biết trời trăng gì nữa, đợi đến khi tỉnh lại, hoàng hôn đã tàn, ánh dương tịch mịch sót bên kia khoảng trời, đám đông cũng tản đi chỉ còn độc anh Hiền ngồi đấy. Câu ca dừng lại thì anh cũng chợt bừng tỉnh, lật đật chạy đi dắt trâu về chuồng. Cái Liên nhìn ta tủm tỉm cười, bóng gió nói cô có duyên quá, quan viên trên kinh đô lẫn anh xứ kinh Bắc đều mê cô như điếu đổ. Mặt anh Hiền thế mà đỏ bừng. Ta lắc đầu nghiêm khắc nhìn nó, anh Hiền mê là mê tiếng ca, tiếng đàn, còn ta đã là ả hát phải hát ra tiếng lòng thiên hạ mới trọn danh đào nương đó thôi. Nói rồi dọn đồ trở về nhà.

Đám trẻ từ độ đó cứ bám theo ta mãi. Con bé Lài xin xỏ ta dạy nó. Mới tý tuổi đầu mà bảo con mơ được vào giáo phường như cô đào lắm, cô đào vừa đẹp vừa hiền. Cái má nó bầu bầu, đôi mắt cong cong, kể ra cũng xinh xắn ưa nhìn, có đứa như nó trong nhà hẳn phải vui vầy lắm. Ta têm một cánh phượng, pha một chum trà. Trời hôm ấy đổ cơn mưa phùn lâm thâm. Ta nói với cái Liên vô thưởng vô phạt.

- Liên năm nay đã bao nhiêu rồi nhỉ?

Thế mà cái Liên đang dọn gian nhà trong bỗng chốc quỳ sụp xuống. Nó nhìn sàn gạch không đáp. Ta mới chép miệng đi về phía nó bảo nó đứng lên. Con bé này, quả là theo ta nhiều năm, mới có nhắc qua mà đã thế rồi. Nó dập đầu không nhìn ta mà rằng con lạy cô, cô cứu con một lần, con nguyện theo cô cả đời, cô đừng gả con cho ai. Ta kéo nó lên nhưng nó chẳng chịu, giọng đã run rẩy tưởng như vỡ ra. Ta nhìn nó mà sống mũi cay cay, họng nghẹn đắng cả lại, rồi cứ thế nước mắt chảy giàn không biết tự bao giờ. Ta quay người đi, vờ như bình thường, thuận ý với nó rồi chẳng nói năng gì nữa. Chiều hôm ấy, ta với cái Liên ăn cơm như lệ cũ, cũng không ai nhắc lại chuyện đó thêm lần nào.

Rồi anh Hiền cũng hay lại ghé chơi, lúc thì ít rau vườn, trái mít, khi thì miếng thịt lợn mán, bao thóc, bó củi. Ta cũng ngại chẳng nỡ từ chối, chỉ biết đem gửi lại đáp lễ bằng các đồ biếu khác. Anh gửi mít thì làm ít chè đem sang, anh gửi rau thì làm bát canh lạ miệng trên kinh đô, bao thóc, bó củi thì thay anh đem tặng phân cho nhà này nhà nọ. Ta không từ chối thẳng thừng được, nhưng cũng không dám nhận tâm ý của anh. Cái Liên cứ trách ta mãi, biết làm sao được.

Lâu dần, anh Hiền cũng không còn năng ghé nữa.

***

Ta cứ sống như thế, chẳng biết đã qua mấy mùa trăng. Hết xuân rồi lại đông, thời gian đưa thoi lặp đi lặp lại tuần hoàn, trông lên, cái Liên từ khi nào còn mơn mởn giờ đã trổ dáng đằm thắm. Nó bảo ta, thế mà mình ở thôn này đã được năm năm rồi cô ạ.

Hai lễ Nguyên Tiêu gần đây, ta đã thôi mở gánh nước, cũng vì sức khỏe yếu quá. Cứ ốm rồi bệnh tật liên miên suốt, hết cảm mạo thì tay chân lại đau nhức, nửa đêm nào cũng trở mình dậy không rõ lý do. Nhiều khi đi dạo đêm quanh sân ngóng trăng ta cứ bật cười, ra thế nên người ta mới bảo phải có đôi có cặp, hương khói đã đành còn đau ốm ai chăm. Ta nhìn ra ánh bàng bạc trôi bên nếp ngói quạnh quẽ, thở nhẹ một hơi lắc lắc đầu. Không có cái Liên bầu bạn chăm sóc, ta cũng thật không biết mình sẽ xoay xở bằng cách nào. Chỉ là, kể cả không có cái Liên, nửa đời sau của kiếp đào nương, ta vẫn chỉ muốn một mình thế này.

Chiều chiều rảnh rỗi ta bắt đầu có thói quen đi dạo quanh khu đồng nội nằm ngay sát bến đò xưa. Mùa hè chuồn chuồn bay rợp trời, lũ trẻ không đi học cũng hay qua đó bày đủ trò nghịch ngợm. Đám chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn ngô bay cao quá đầu, quẩn quanh đuổi nhau thành một vòng tròn lớn. Ta trông lũ trẻ con cười hớn hở đuổi bắt, mà cũng thấy nhẹ lòng theo, những si mộng, những mê luyến, những vương vấn trần ai tưởng như đã tan theo gió thoảng mây trôi, chẳng sót lại vệt nào.

Dạo này quán mứt quả của cái Liên ngày càng đắt khách, thế nên nó bảo ta nghỉ gánh nước, nó sẽ lo liệu mọi sự. Từ trước tới nay vẫn là ta chăm cho nó, giờ đột nhiên lại là nó chăm cho ta, cảm thấy có chút không quen. Nhiều lần đau ốm ta cứ lén cái Liên khóc mãi, chẳng hiểu sao thấy cái thân mình vô dụng thế, khổ ta khổ người. Cái Liên làm ăn khấm khá, chiều chiều từ trên trấn về cũng mua cái này cái kia. Ta bảo nó phải chắt chiu mà con bé cứ lườm ta rồi bảo, con lo liệu được cho cô cho con, cô không phải sợ, mấy năm nay cô vất vả rồi giờ ăn uống cứ thoải mái. Số tiền để dành qua dăm lần ta ốm đau đã tiêu tán gần một phần ba. Xót của, mấy bận ta giấu cái Liên chẳng tới thăm khám, bệnh càng nặng thêm làm nó lo sốt vó, sau, ta cũng đành bấm bụng đụng tới tiền để dành mua thuốc. Cứ đều như vắt tranh, ta gặp thầy lang một tuần ba bữa.

Hôm nay, cũng như thường lệ, cái Liên đi ra trấn còn ta tự mình tới thầy lang trong thôn chẩn khám, kê mấy thang thuốc đã hết.

Thế nào mà lại bắt gặp cố nhân.

Giá như không lang thang tới tận đồng nội, có khi ta đã chẳng trong cảnh bẽ bàng.

Chàng ngỡ ngàng giật mình gọi tên ta. Bé gái búi hai chòm tóc xinh xinh trên tay chàng lúc lắc cái đầu ngoan ngoãn chào theo. Tiếng chân chạy của đôi hài tử từ trên gò đồi đuổi theo gọi chàng một tiếng “Thầy”, hai tiếng “Thầy”. Phu nhân bên cạnh đỡ chiếc bụng lớn, hiền dịu ý nhị cúi đầu. Má nàng hồng hồng, khuôn cằm đầy đặn, nụ cười bẽn lẽn năm nào của cô tiểu thư khuê các vẫn còn nằm lại trong bộ dạng mệnh phụ phu nhân hiện giờ. Tóc nàng đã búi thấp gọn gàng, gắn thêm một chiếc trâm ngọc, không còn thả dài giống thời con gái. Mắt huyền long lanh, trong trẻo, nàng nghiêng đầu tò mò nhìn lang quân.

Ta giấu gói thuốc sắc sau lưng, cúi đầu đáp lễ.

Chàng vui vẻ nhìn ta, hỏi ta đang ở đâu, dạo này thế nào. Chàng hỏi nhiều, còn giới thiệu ta với vợ chàng, bảo rằng ta là tri âm tri kỷ cũ của chàng, đã rất lâu không gặp lại.

Đau.

Tim ta đau như bị ai đâm một nhát.

Ta nín thở, cong mắt, nặn ra một nụ cười.

Vì thể trạng vợ chàng không tốt nên chàng xin phép lúc khác lại gặp. Chàng đỡ vợ rời đi ngược hướng với ta.

Ta quay đầu nhìn theo bóng gia đình nhỏ.

Một khắc ấy, tự dưng ta thấy mình giống con chuồn chuồn, quanh quẩn bay hồi lâu rốt cuộc lại trở về điểm bắt đầu.

***

Anh Hiền sáng hôm sau sang bên sân nhà ta. Có vẻ là say rượu, nghe đâu vợ anh bỏ theo tên lái buôn nào. Khổ thân đứa bé trai nheo nhóc mới có ba tuổi đầu.

- Cô đào vẫn xinh đẹp như hồi mới tới thôn ấy nhỉ?

Anh ăn nói càn rỡ, tròng mắt trông đã mê muội mông lung vì men rượu cả.

- Phải mà hồi đó cô đào chẳng làm bộ thanh cao giữ giá thì giờ cô với tôi làm gì tới cảnh này?

Ta khéo bảo anh đứa trẻ ở nhà đang khóc đòi, nhỡ sảy chuyện gì lại không hay. Anh Hiền nhìn ta vừa uống vừa làm loạn.

- Bu nó bỏ đi rồi! Cô biết chửa, bu nó bỏ tôi đi rồi! Khốn nạn cái thân tôi, khốn nạn cái thân tôi lắm cô đào ơi.

Ta muốn bảo anh rồi sẽ qua thôi, không sao cả, rồi sẽ qua cả thôi nhưng miệng lại câm như hến, chẳng thốt được lời nào. Ta trân trân nhìn anh Hiền, nghiến chặt răng hàm. Anh náo loạn thêm một hồi nữa, mãi mới cầm theo bầu rượu bước ra khỏi nhà ta.

Ra chẳng phải phận nữ nhi, mới tiếc thương chữ tình.

Tối hôm ấy, ta trằn trọc không ngủ được. Cái Liên mệt lả dọn đồ cho chợ sớm hôm sau nên đã im lìm trên sập. Sợ làm phiền nó, ta ra ngoài sân ngồi trên bậc thềm tam cấp mà ngóng trăng khuya.

Không rõ nếu như lúc ấy gặp lại chàng, ta cứ như “phận nữ nhi” trong miệng người đời đàm tiếu, cứ núp cái danh “gái ả” mà khóc lóc, mà chèo kéo, mà làm loạn với chàng, mọi sự sẽ thế nào? Giả như năm ấy, ta vờ như mình có mang, thì liệu chàng và ta còn lỡ duyên hay không? Là do ta không hết lòng hết dạ, hay là ta vừa hèn nhát vừa hiểu chuyện đến ngu ngốc? Anh Hiền nói chẳng sai, chỉ là phận đào kép mua vui cho đời, ta còn muốn cố gắng tỏ vẻ điều gì cơ chứ. Cuối cùng lăn lộn hồi lâu, mệnh bạc vẫn hoàn mệnh bạc.

Trăng hôm nay hạ huyền, khuyết mất một mảnh. Chẳng hiểu sao tự dưng ta lại thèm hát.

***

“Nhân sinh thiên địa nhất nghịch lữ,
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày.
Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay,
Sực nhớ chữ “cổ nhân bỉnh chúc”.”

Ta gõ phách, nhịp câu mênh mang theo sóng nước chập chùng. Hơi thở run rẩy, xem ra mấy năm không đụng, tài nghệ đã kém cỏi cả rồi.

“Cao sơn lưu thuỷ, thi thiên trục,
Minh nguyệt thanh phong, tửu nhất thuyền.”

Dân trong thôn vẫn như hôm nào kéo tới phương đình, vỗ tay nhìn ta. Ta mặc chiếc áo gấm năm xưa, tay gõ phách, nhìn quan khách, liếc mắt tủm tỉm cười giả như hồi còn đôi mươi.

“Dang tay người tài tử khách thuyền quyên,
Chén rượu thánh, câu thơ thần thích chí.
Thành thị ấy, mà giang hồ ấy,
Đâu chẳng là tuyết, nguyệt, phong, hoa.
Bốn mùa xuân lại, thu qua,
Đời người thấm thoắt như là con thoi.
Cho hay kẻ thế người đời.” (7)

Người trong thôn hò reo, kêu ta thêm một bài rồi lại thêm một bài, nhưng họng ta rát quá, không xướng nổi nữa đánh cáo lỗi rồi dọn dẹp đi về. Cái Liên hôm ấy từ chợ trấn xuống, nghe ta lén nó ra phương đình hứng gió ngồi hát, giận lắm mà chẳng dám quở. Lúc đấy nhìn nó, lòng ta đột nhiên ấm áp lạ thường. Mười hai năm, thế mà nó đã ở cạnh ta mười hai năm. Ta nhìn nó cười, buông nhẹ một tiếng thở, ngâm lại câu ca chiều cho nó nghe.

“Bốn mùa xuân lại, thu qua,
Đời người thấm thoắt như là con thoi.”

Trăng hôm đấy vẫn khuyết một mảnh, nhưng chẳng hiểu sao ta lại thấy tròn vẹn quá.

***

Thế sự chẳng ai biết được, càn khôn xoay vần, an an bình bình nhiều năm thì giặc giã triền miên. Khắp nơi đều là tiếng ai oán lầm than của dân chúng. Năm ấy, làng ta cuối cùng cũng giáp phải giặc. Chúng tràn từ kinh đô đổ xuống trấn Bắc, người dân di tản nhiều không kể xiết. Ta đem toàn bộ số tài sản còn lại bảo cái Liên đem trốn ra khỏi làng. Nó bảo ta giặc giã thế này đi đâu chẳng như nhau, hơn cả nó đã theo ta nhiều năm nay, thật chẳng nỡ bỏ ta lại, nên nhất quyết muốn ở cùng ta. Ta bảo nó còn sống là được, ta yếu ớt, cũng già cả rồi, đi đi lại lại nhiều năm nay đã mệt mỏi, giờ thế nào cũng được. Còn nó, nó hãy còn độ xuân, hãy còn nhiều thứ để làm lắm, ta không muốn nó vì ta mà mất cả đời sau.

Cái Liên vùng vằng.

Rồi nó cũng đi.

Nó khóc, quệt tay áo quỳ lạy ta ba vái. Nó bảo ta, con không cha không mẹ, nhờ cô cho bóng cả nương tựa con mới có ngày hôm nay, cô như thân nhân duy nhất của con, nay con lạy cô, xin tạ từ tự đây, ngày nào con còn sống con sẽ luôn nhớ tới cô. Ta gật đầu cười bảo nó, nếu ta cũng còn sống, nhất định sẽ đi tìm nó, chân trời góc bể nào cũng sẽ đi tìm nó.

Cái Liên bịn rịn theo đoàn người rời khỏi làng.

Tối hôm ấy, những người ở lại trong thôn đứng ở gò đồi nhìn ra mạn sông Phổ Đà, đối diện bến đò xưa ta từng cập bến tới nơi này. Người cầm xẻng, người cầm cuốc, đứng lẫn vào bóng tối. Ta cũng một mình hòa trong dòng người. Tiếng trống gióng liên hồi, âm thanh binh khí loảng xoảng từ xa. Ta một đời không sợ lửa, không sợ máu, không sợ đao kiếm, càng chẳng sợ tiếng ngựa hí. Chỉ là khi âm thanh gióng giả vang lên, ta nghĩ tới nghìn năm sau không tiếc, chỉ tiếc chái nhà mà chàng hứa năm xưa, chái nhà mà cả ta với cái Liên đã nương tựa nhau mấy năm nay.

Có những giấc mộng ta ước giá như chưa từng bắt đầu.

Đốm lửa đã gần hơn. Ta nghe vó ngựa phi rầm rập. Ngước lên thấy trăng vằng vặc chẳng tàn. Nhớ tới những ngày ở kinh đô, những đêm xuôi về Kinh Bắc. Thấy đôi câu xẩm văng vẳng trong ký ức năm nào, tiếng đàn cầm khi có khi không, ngẫm lại tin nữ (8) lần đầu chỉ cho ta, dạy ta câu hát đầu tiên. Ta lẩm nhẩm ca theo mà miệng đắng chát. Những ngày như mộng êm đềm dưới gian nhà, dưới tán điệp cổ, là chum trà ấm, là miếng trầu thơm.

Trông ra xa, lần nữa thấy cánh diều đứt dây năm nào vẫn bạc màu vất vưởng trên tán si. Người trong thôn xầm xì bảo nhau nghe đâu kinh thành đã thất thủ, thiên tử chạy xuống phía Nam giờ chưa biết sống chết thế nào. Chẳng hiểu sao trong một khắc ta lại thấy buồn cười.

Đời vua cũng thế mà dân mọn cũng vậy. Đau thương, tiếc nuối, hạnh phúc tan như trăng trôi đáy nước. Phân ly hay đoàn tụ cũng chẳng lưu lại vệt nào. Muôn trùng bể dâu, chẳng biết đâu là hư, đâu là thực. Kể cũng hay, đời người vật vã biến động trông xa cũng chỉ là một đoạn thẳng băng tĩnh tại. Không ai nhớ cũng tốt. Những chuyện xấu hổ có thể chôn vùi, đời ta thế nào cũng chỉ mình ta hiểu rõ. Đào nương thì sao, ca cầm thì sao, tình tan thì sao chứ?... Ta lắc đầu tự cười mình, chạy một hồi, rốt cục chẳng ai trốn nổi chữ “tâm”.

Nhìn trăng lần nữa, ta nhỏ giọng gọi khẽ anh Hiền đứng gần đó. Đứa trẻ nhà anh sớm đã theo đoàn người rời đi.

- Nếu ta còn sống, ta gả cho anh nhé.

Vó ngựa đã đến rất gần. Ta không nghe rõ anh Hiền trả lời sao. Trăng vẫn im lìm trên màn nhung gấm hoa. Gió thổi bên tai reo ù ù. Tim ta đập rộn ràng và máu nóng căng khắp người. Ta nắm chắc cán xẻng. Đốm lửa đã ngay đây rồi đây.

Ta cao hứng hò reo theo đoàn người, ùa về phía trước.

Chẳng rõ ra sao, chỉ biết sau đêm ấy, chuyện ta rốt ráo cũng hóa thành chuyện xưa.

***
Chú thích:

(1) Xướng nhi: Cô đào mới vào. cô đào tập sự.
(2) Phong linh: Chuông gió.
(3) Hồng lương: Nguyệt lương, Hồng lương - rường cong, thuật ngữ kiến trúc cổ.
(4) Châu tử: Một loại vai diễn trong vở tuồng. Vai tướng.
(5) Sửu nô: Một loại vai diễn trong vở tuồng. Vai hề.
(6) Đán nương: Một loại vai diễn trong vở tuồng. Vai đào.
(7) “Nhân sinh thấm thoát” của Cao Bá Quát.
(8) Tin nữ: Cô đầu già dặn, dẫn dắt chỉ dạy cho ả đào khác.


***

P/s: Mình viết bài này hồi cuối tháng 1, nhưng chưa ưng, chủ yếu là giọng văn chưa đủ độ, phần nữa là chưa thất tình bao giờ để mà viết :))))))) Rồi vô tình lại đọc Quy Y của Độc Tú thì gom góp sửa lại. Đến giờ thì thực ra mình cũng vẫn chưa ưng lắm, nhưng đọc nhiều nên nó bão hòa hết cảm xúc. Có lẽ lựa ngày nào đó thì mình sẽ sửa lại em nó. Khi cảm xúc của mình chín hơn. Lúc viết đoạn cái Liên rời đi thì không hiểu sao tí mình đã khóc :))))))))) Cảm thấy người ta khổ quá, mà dù có thế vẫn cố sống tử tế đến cùng. Nó khiến mình thấy buồn ghê gớm. Hầy... Đây thực ra là bài luyện tay của mình thôi, vì cổ phong, rồi thể loại cũ, cốt truyện, ý đồ cũng không có gì, rồi văn hóa Việt thì mình tìm hiểu không đủ nhiều để có vốn viết cho chỉn chu được. Nhưng mà lúc viết, nhân vật với mình hiện rõ quá, nó sống quá nên mình muốn cho "iem" nó một danh phận :))))

Tính ra Quy Y có mẫu hình tượng cô đào rất giống điều mình muốn xây dựng trong bài này. (Tất nhiên là Quy Y của bản thì nhân vật tình hơn nhiều :)))) ). Ai mà ưng cổ phong (Như bạn Phật Châu nhà tôi chẳng hạn :>) thể nào cũng khoái bạn Độc Tú cùng hội cùng thuyền cho mà coi :>
 
Bên trên