Ân nghĩa một đời - Cập nhật - Xì dầu

Xì dầu

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
16/7/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Ân nghĩa một đời


70e189f95d97a29a5eaa7d28c3c49660.jpg

(Nguồn: Pinterest)​


Tác giả: Xì dầu
Tình trạng sáng tác: Đang sáng tác.
Tình trạng đăng: 1 chương/2 tuần.
Lịch đăng: Chủ nhật.
Thể loại: Tình cảm.
Độ dài dự kiến: Trên 10 chương.
Giới hạn độ tuổi đọc: Trên 13 tuổi.

Cảnh báo về nội dung truyện:
Truyện đề cập đến mối tình có sự chênh lệnh tuổi tác khá lớn. Độc giả cân nhắc trước khi đọc.


-----------------​

Giới thiệu:

Nàng vì một chữ "ân" mà nên duyên vợ chồng với người ta.

Chữ "ân" ấy của nàng liệu có thể kéo dài được bao lâu? Khi bên cạnh nàng giờ xuất hiện thêm một người khác.

"Vậy để tôi hỏi bà thêm câu này. Bà hãy cứ cho tôi là kẻ liêm sỉ cũng được. Nhưng tôi vẫn hỏi. Có bao giờ... bà thấy rung động vì tôi chưa?"



----
(*): Truyện lấy bối cảnh vào thời nhà Nguyễn, dưới sự trị vì của vua Tự Đức.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Xì dầu

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
16/7/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Chương 1: Lấy chồng (1)


932f4c340310867ac04b5de55f9c6380.jpg


Có duyên lấy được chồng già,
Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương.


Chỉ vì để đền đáp ân nghĩa cứu mạng cha mình, Lưu nguyện để bị gả cho một người đàn ông hơn mình gần hai mươi tuổi.

Một người đàn ông mà nàng đáng nhẽ phải gọi bằng chú. Nay vì hai chữ báo ân, Lưu trở thành vợ người ta. Gọi người đàn ông ấy là chồng.

Ngày lên xe hoa, Lưu không khóc. Dù sao cũng là nàng can tâm tình nguyện. Về phía người đàn ông kia cũng không có ép buộc gia đình phải gả nàng đi.

Là Lưu chủ động tìm tới ông ta xin cưới. Người đàn ông ấy cũng thương Lưu, cũng yêu Lưu. Nhưng vì mặc cảm tuổi tác, ông không dám thổ lộ. Nay Lưu lại tìm tới, nguyện gửi thân, gửi đời, ông cũng không ngại mà chối từ.

Ông cho xe kiệu tử tế tới rước Lưu về. Lúc đoàn rước dâu đi qua trên phố, mọi người, đặc biệt là những cô gái tầm tuổi Lưu đều nhìn nàng với ánh mắt ngưỡng mộ, xen lẫn ghen tỵ. Nếu có người đàn ông giàu có tới hỏi cưới, bọn họ sẽ không nghĩ ngợi gì mà xin chịu liền.

Việc một người đàn ông lớn tuổi như ông đi cưới một cô vợ trẻ, tươi mơn mởn như nắng xuân không phải là chuyện gì quá lạ lẫm.

Đêm xuống, không khí có phần lạnh hơn so với ban ngày.

Ông ngồi ở bên bàn, rót rượu mừng ra hai cái chén nhỏ, bưng lại bên giường cho Lưu.

Lưu ngập ngừng nhưng lại uống một ngụm cạn hết chén rượu. Sau bị sặc nên ho lên một tràng dài.

Ông vuốt lưng cho vợ mình, ân cần đến khó tả.

- Không sao chứ?

Lưu lấy ống tay áo lau nhẹ quanh miệng mình. Cúi đầu ngại ngùng đáp lại sau khi tiếng ho dừng bớt.

- Em không sao.

Ông thôi vuốt lưng cho Lưu vì thấy nàng có vẻ hơi tránh né. Cho đến giờ ông vẫn chưa tìm được cách xưng hô phù hợp giữa hai người. Nhưng khi thấy Lưu chủ động xưng em gọi ông, ông cũng thuận theo mà làm.

Ông đem hai chén rượu đặt lại trên bàn.

Cả gian phòng của hai vợ chồng chỉ thắp đúng một cây nến nhỏ. Không gian bị chia thành hai nửa, sáng và tối. Chỗ cái bàn ông ngồi là nửa sáng. Nửa tối thì ở chỗ cái giường, nơi vợ ông đang ngồi.

Lưu chỉ dám ngồi ở mé giường. Quay về sau lưng nhìn chăn gối được chuẩn bị cho đêm tân hôn của chính mình, nàng chỉ thấy lo lắng.

Đêm nay là đêm vợ chồng.

Lưu chút ít cũng đã chuẩn bị trước tâm lý cho đêm nay. Tuy vậy hai tay vẫn bấu chặt lấy y phục phía dưới của mình. Chờ đợi. Chờ cho đến khi chồng mình thổi tắt nến, đi lại, và đặt tay lên những nút áo trước ngực mình.

Ông đứng dậy, thổi tắt nến. Nhưng không đi lại về giường. Ông lấy ra một bộ chăn gối khác, kê nó lên chiếc võng.

Lưu trong đêm tối vẫn lờ mờ nhìn thấy bóng chồng đang làm gì. Nàng không nén nổi tò mò mà hỏi.

- Ông không ngủ cùng với em hả?

Ông thấy Lưu vẫn ngồi nguyên trên giường, không nhúc nhích.

- Không. Tôi không muốn bắt ép em.

Ông đáp với một giọng từ tốn, tông trầm thấp.

- Chuyện vợ chồng phải cần có tình cảm.

Ông đã nằm lên võng, đặt tay ra sau gáy. Có lẽ chén rượu ban nãy hơi nặng so với tửu lượng của ông. Ông đang nói chuyện trong cơn say.

Lưu vẫn chưa cởi bỏ bớt y phục để đi ngủ. Lúc nghe ông nói vậy, nàng chỉ thấy hoài nghi. Rốt cục vì sao lại đối xử tốt với nàng như thế.

Cả một đời ông ta không lấy ai, chỉ chuyên tâm gây dựng cơ nghiệp. Nay lại vì một chữ ân nặng như biển mà kết duyên cùng nàng. Nghĩ sau cùng, rốt cục vẫn quy về bốn chữ.

Số phận an bài.

Lưu không nghĩ nữa. Nàng không cởi bỏ bớt y phục bên ngoài mà mặc nguyên như vậy đi ngủ.

Không gian chỉ còn nghe thấy những tiếng gió rít.

Gió Đông Bắc tràn về khắp sân nhà. Dù chỉ một cơn gió rất khẽ lọt qua khe cửa, cũng đủ cảm nhận được cái giá rét đến rùng mình.

Sáng tỉnh dậy, Lưu không thấy chồng mình đâu. Có lẽ ông đã ra ngoài xử lý công việc từ sớm. Lúc cho hai chân xuống giường, nàng mới để ý thấy có chậu nước hẵng còn nóng được đặt ở dưới. Bên cạnh là một đôi giày lông.

Nàng vừa nhìn là biết ngay, đích thân tay ông đã chuẩn bị những thứ này cho mình.

Lưu dùng nước ấm trong chậu rửa mặt, súc miệng. Rồi từ tốn và cẩn thận xỏ chân vào trong đôi giày lông.

Mặc cho gió ngoài trời có thổi mạnh đến cỡ nào cũng đừng hòng làm lạnh đôi chân nàng.

Nàng tìm một cái áo khoác dày ở trong tủ. Gian phòng của hai vợ chồng chỉ có đúng một cái tủ quần áo duy nhất. Nhưng trong tủ đa phần lại toàn quần áo của Lưu. Khiêm tốn nằm bên cạnh là vài ba bộ của ông.

Lưu có chút xúc động nhất thời.

Nàng tiến ra ngoài sân. Đám gia nô trong nhà đang quét lá rụng, thấy bà cả vừa ngủ dậy liền đồng loạt cất tiếng chào.

- Ông cả đi đâu rồi? – Lưu đi lại chỗ một anh gia nô gần mình nhất mà hỏi.

- Dạ, bẩm, ông đã ra ngoài tiệm từ sớm rồi ạ.

- Ông sáng ra đã ăn gì chưa?

- Dạ, ông đi vội nên chắc cũng chưa kịp ăn gì đâu ạ.

- Vậy tôi muốn xuống bếp nấu chút ít gì. Anh chỉ tôi đường xuống bếp với.

Anh gia nô cẩn thận chỉ lối cho Lưu tìm xuống gian bếp. Lưu cảm ơn rồi rời đi.

Đám gia nô, người hầu trong nhà nhìn nàng không dứt.

Bấy lâu nay trong nhà, cả một đám người làm gần chục người chỉ hầu hạ một mình ông. Quanh đi quẩn lại ngần ấy năm, không khí cũng có phần ảo não. Nay ông lấy vợ, nhà cửa cũng vì thế mà sáng sủa hơn hẳn.

Lưu xắn tay đặt một cái chảo lớn lên bếp củi đã được nhóm lửa kỹ càng. Nàng muốn rán một ít bánh bột cho chồng mình. Bữa sáng chỉ nên ăn cái gì đó nhẹ nhàng nên nàng cũng không làm cầu kỳ.

Nàng giờ đã là vợ người ta. Chút bổn phận tuy nhỏ như việc nấu cơm, giặt giũ, dù trong nhà đã có người làm nhưng nàng nghĩ, nếu mình đích thân làm sẽ hay hơn. Ít nhất cũng phải cho ra dáng một người vợ.

Lưu xếp những chiếc bánh xinh xắn, thơm phức vào trong cặp lồng. Mùi thơm dĩa bánh tay bà cả làm bay khắp gian nhà. Người làm thi nhau khen lấy khen để.

- Bà cả làm bánh khéo quá. Thơm nức cả nhà rồi.

- Tôi có làm dư ra mấy phần. Mọi người chia nhau ăn sáng. Tôi làm không được khéo lắm. Mọi người xin đừng chê.

Lưu khiêm tốn nói với đám người hầu trong nhà.

Ngay khi nàng vừa dứt lời thì bọn họ lao lên. Người này truyền tay người kia. Chẳng mấy chốc mà dĩa bánh bột to tướng đã hết sạch. Ăn xong vẫn còn thòm thèm nhìn nhau, tán thưởng.

- Bà cả nhà mình đúng là đã đẹp người lại còn nấu ăn ngon. Sau này chúng mình chỉ có sướng.
 

Aki Hanabusa

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
24/6/16
Bài viết
56
Gạo
0,0
Người đàn ông tuyệt vời. :) Có chương mới nhớ tag em nhé.
 

Xì dầu

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
16/7/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Chương 2: Lấy chồng (2)


Lưu lên nhà, thay ra một bộ váy khác. Xách cặp lồng, tự mình đi bộ lên cửa tiệm.

Cửa tiệm cách nhà không xa. Đi bộ qua một khu buôn bán tấp nập là tới.

Cửa tiệm mới buổi sáng cũng không đông khách lắm. Chỉ có một hai người lui tới đặt hàng.

Cửa tiệm của ông là một cửa hàng chuyên về đồng hồ. Trước đây, cửa tiệm buôn bán lậu hồ. Nhưng kể từ sau khi có người Đàng Trong(1) chế tạo ra đồng hồ máy, thì quan viên trên triều không còn dùng lậu hồ(2) để xem giờ nữa.

Ông đang bận rộn kiểm kê hóa đơn mua bán, nhập hàng thì cái chuông treo ở cửa khẽ rung. Lúc đưa mắt nhìn lên thì Lưu bước vào.

Ông hoàn toàn bất ngờ. Nở một nụ cười rạng rỡ. Bỏ hết lại hóa đơn mà chạy lại chỗ vợ mình.

- Em lên đây có chuyện gì?

Lưu đưa cho ông cặp lồng bánh bột của mình.

- Em nghe nói sáng ông chưa ăn gì. Nên có làm chút bánh bột mang qua cho ông dùng cho đỡ đói.

Ông đón lấy cặp lồng bánh. Cặp mắt cứ sáng rực cả lên. Ông nói.

- Sao em không bảo người làm mang lên? Cần gì phải đích thân lên đây làm gì? Ngoài trời lạnh lắm, nhỡ bị cảm thì sao?

Ông nhìn ra ngoài trời. Gió vẫn thổi không ngừng. Nghĩ đến cảnh Lưu xách cặp lồng, một mình đi lại ngoài trời gió rét lại cảm thấy xót ruột. Nhưng đâu đó bên trong lại muốn hét lớn lên vì hạnh phúc.

- Em không sao. Tiện là em cũng muốn lên cửa tiệm mình xem thế nào.

Lưu lắc đầu nói. Tuy vậy hai gò má lại đang cứng lại vì lạnh. Mắt nhìn chăm chú quanh cửa tiệm. Để ý nhất là vẫn là chiếc đồng hồ có khắc hình bông hoa trong lòng.

Ông đưa Lưu vào phía gian trong ngồi. Còn mình chạy vào tìm lấy hai bộ bát đũa sạch mang ra. Lúc mở nắp cặp lồng, dĩa bánh bên trong vẫn bốc khói nghi ngút. Chưa nếm mà ông đã biết là chúng rất ngon rồi.

- Em cũng chưa ăn phải không? Này, này ăn cùng tôi luôn cho ấm bụng.

Ông đặt bát và đũa về phía Lưu. Nàng không từ chối mà cũng gắp bánh lên ăn. Vì là bánh do mình làm ra nên nhận xét có phần nghiêm khắc.

- Không được ngon lắm, phải không?

- Đâu có. Rất ngon là đằng khác.

Ông ăn liên tục, không ngừng. Một đũa mà gắp tận hai cái.

- Bánh này em hay xay đậu xanh rồi nhồi nhân ở bên trong. Nhưng nhà mình không có đậu xanh nên em chỉ làm được nhiêu đó.

Lưu hơi áy náy nói.

- Không sao. Ăn không như vậy cũng ngon lắm rồi.

Nàng nhìn chồng mình say sưa ăn bánh. Tự hỏi, không biết là do ông thấy ngon thật hay là chỉ muốn khen cho nàng vui.

Đợi cho chồng ăn xong thì Lưu xin về. Trước khi rời khỏi cửa tiệm có nán lại một lúc. Nàng đi xung quanh, chủ yếu là muốn ngắm nhìn mấy cái đồng hồ treo trong tiệm.

Ông để ý Lưu rất thích một chiếc đồng hồ đặt ở gần sát cửa. Không ngại tự bắc thang trèo lên lấy xuống cho nàng ngắm kỹ hơn.

Lưu thích thú ngắm nhìn. Muốn xin ông đem một cái về treo trong phòng nhưng lại ngại mở lời.

- Thôi, em về đây. Trưa ông nhớ về dùng bữa. Đừng nhịn đói.

- À quên. Ngày mai tôi đưa em về quê thăm cha mẹ, tiện ra thăm phần mộ của tổ tiên. Em nhớ về chuẩn bị.

Ông dặn Lưu trước khi nàng bước hẳn ra khỏi cửa. Hòa mình vào trong dòng người tấp nập trên phố.

Giữa hàng trăm người, ông vẫn nhận ra đâu là màu áo của vợ mình.

Lưu về nhà, tất bật làm mọi việc lớn bé ở trong nhà. Vậy nên chẳng mấy chốc mà thời gian đã trôi qua hơn nửa ngày. Lúc phơi xong quần áo, ngửng mặt lên thì trời đã sẩm tối.

Nàng đi chuẩn bị nước tắm cho chồng. Xuống bếp nấu vài ba món cơm canh đạm bạc cho bữa tối. Loanh quanh một lúc thì ông về. Trên tay cầm theo một món đồ được bọc kỹ sau lớp giấy ngả vàng.

Nghe tiếng người làm chào hỏi, Lưu từ trong bếp đi ra. Ông nhanh chóng kéo tay vợ mình vào trong phòng.

- Quà của em.

Lưu mở từng lớp giấy gói, vui mừng xen lẫn cả ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc đồng hồ ban sáng mà mình để ý.

- Sao ông lại...?

- Em thích phải không? Chỉ cần em thích là tốt rồi.

Ông cười lớn. Ông biết vợ mình thích chiếc đồng hồ này. Ánh mắt nàng nhìn nó ban sáng đã nói lên tất cả.

- Em cảm ơn ông.

Lưu phấn khởi treo chiếc đồng hồ lên trên tường. Chưa bao giờ ông thấy nàng cười tươi hơn lúc này.

Sự hạnh phúc tràn ngập khắp gian phòng. Ông bỗng cảm thấy bụng mình sôi lên. Ông muốn nhanh chóng cùng vợ mình đi ăn cơm. Ông nôn nao muốn được làm nhiều điều hơn cho Lưu.

Cuộc sống vợ chồng nếu cứ tiếp tục như vậy, chẳng mấy chốc mà sẽ viên mãn, đầy tròn.

Và Lưu cũng sẽ toàn tâm toàn ý dành tình cảm cho ông.

Chỉ mới nghĩ vậy thôi mà ông đã phấn khởi đến không ngủ được. Trong cơn mơ nửa vời lúc chợp sáng, ông thấy mình cùng nàng sinh một bầy con trai, con gái kháu khỉnh, nô đùa khắp sân.

Mới hơi tờ mờ sớm mà Lưu đã thức dậy. Ở bên đối diện, trên chiếc võng, chồng nàng vẫn còn ngủ say. Nàng cẩn thận rời khỏi phòng để không phát ra tiếng động nào.

Bắt đầu từ ngày hôm nay, trời sẽ rét đậm.

Nước lạnh cứa vào da tay nàng lúc ngâm gạo nếp. Người làm xót bà cả nên mời bà lên phòng ngủ thêm.

- Bà để đấy cho bọn con làm. Nước lạnh lắm. Tay bà đỏ hết lên rồi kìa.

Nhưng Lưu không chịu.

- Chị cứ để tôi tự làm. Hôm nay tôi về quê thăm cha mẹ nên muốn đích thân nấu một nồi xôi thật ngon để đem về.

Người làm cũng đành chịu. Đứng bên giặt đồ, lâu lâu lại vào bỏ thêm củi vào lò cho nàng sưởi ấm.

Nhìn bóng lưng tần tảo, chịu khó của bà cả, đám người làm lại càng thêm nể. Ông cả đúng là phải tu ba kiếp mới lấy được một cô vợ hiền dịu như Lưu.

Lưu ngồi bên bếp lò, chờ xôi chín. Lâu lâu lại lén người làm ở bên đứng nhìn, ngáp nhẹ một cái cho bay hết cơn mệt trong người. Đêm qua, nàng không ngủ được vì lo lắng.

Hôm thành thân, Lưu chưa được gặp mặt cha mẹ chồng. Do họ ở tận bên Ninh Thái(3), từ đó tới Hà Ninh(4) đường xá xa xôi, đi lại cũng vất vả. Hơn nữa mẹ chồng lại sắp gần bảy mươi, không còn đủ sức khỏe để đi xa. Nên ông không dám cho người xuống đón. Chỉ đưa một bức thư báo tin lành cho người nhà.

Lưu không biết gia đình nhà chồng liệu có chấp nhận vui vẻ đón nàng vào nhà hay không. Dù đây chỉ là một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, nhưng nàng vẫn muốn làm cho tròn bổn phận người con dâu.

Sắp xếp một hồi thì trời cũng gần sáng tỏ. Lưu trang điểm nhẹ nhàng, mặc một chiếc áo dài màu hồng phấn, cùng chồng lên xe ngựa về quê.

Ông nhìn những tay nải mà vợ mình đem theo. Những bọc lớn, bọc nhỏ đầy ắp cả một cỗ xe ngựa.

- Sao em mang nhiều thế? Nhà tôi không cầu kỳ lắm đâu.

- Cũng có gì nhiều đâu. Chỉ là chút ít thức ăn em chuẩn bị để cúng tổ tiên.

Ông nhìn vào mắt vợ. Có ý dò xét thái độ hiện giờ của nàng. Sau cẩn thận nắm lấy tay Lưu, đặt sang đùi mình.

- Em chuẩn bị vất vả quá. Mà tôi chẳng giúp gì được. Cảm ơn em.

Lưu chỉ cười đáp lại. Cái nắm tay của ông khiến nàng bớt lo lắng.


----

(1): Người chế tạo đồng hồ máy đầu tiên tại Việt Nam là cụ Nguyễn Văn Tú, sống ở thời Trịnh-Nguyễn.

Chiếc đồng hồ do gia đình cụ chế tạo, ngoài việc đánh chuông báo giờ thì nó còn báo từng ngày trong tháng. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn có nói rõ: “Hễ gặp ngày nào thì hai bên hiện chữ ra, hết vòng thì trở lại, thật là tuyệt diệu”.

(2): Đó là một cái bình (chữ Hán hồ có nghĩa là bình) bằng đồng, trên thành bình khắc mười hai khắc tương đương với 12 “giờ” (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) của một ngày một đêm. Ở đáy bình có một lỗ nhỏ. Bình chứa đầy nước. Nước rỉ ra theo lỗ nhỏ, cạn dần, cạn tới mức nào đó thì tính ra giờ tương ứng với mức đó. Loại đồng hồ này còn gọi là lậu hồ (lậu có nghĩa là nhỏ giọt, rỉ ra).

(3): Tức tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên bây giờ.

(4): Tức tỉnh Ninh Bình và thủ đô Hà Nội.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Xì dầu

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
16/7/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Chương 3: Về quê

Xe ngựa đi mất ba giờ mới về tới quê ông. Từ xa, những đồng lúa mênh mông xanh ngát trải dài. Xa xa nữa là những ngọn núi cao ngất, hùng vĩ. Văng vẳng trong gió có tiếng sáo ai du dương đang thổi.

Lưu nhìn quang cảnh xung quanh, cảm thấy lòng bình yên đến lạ. Nàng đoán thầm trong lòng. Cha mẹ ông chắc cũng như cha mẹ nàng, đều là những người làm nông chân đất, giản dị. Nhìn thái độ niềm nở của người dân làng dành cho mình, nàng thấy nhẹ lòng.

Nhưng sự lo lắng lại tăng cao khi hai vợ chồng bước tới trước cửa nhà ông. Phía bên trong là một ngôi nhà cổ điển truyền thống với mái ngói đỏ au. Nhưng trong sân lại không nuôi gà, lợn mà dựng một hòn nam bộ có nước chảy.

Chỉ mới nhìn qua Lưu cũng đủ biết chồng mình xuất thân từ gia đình quyền quý, có học thức.

Ông đẩy cửa cổng bước vào. Gia đình trong nhà đã đứng đầy đủ ở trước hiên. Chính giữa là mẹ ông với một tay chống gậy.

Lưu cúi đầu chào từng người một trong nhà. Mọi người đều niềm nở đón tiếp nàng. Duy chỉ có mẹ chồng là vẫn đăm đăm nhìn.

Ông nắm tay vợ bước lại bên mẹ, giới thiệu hai người với nhau.

- Mẹ, đây là Lưu, vợ con. Lưu, đây là mẹ tôi.

Lưu cúi đầu chào bà. Mẹ ông vẫn im im không nói gì. Người trong nhà chỉ liếc nhau ngại ngần.

Anh trai của ông lên tiếng, giúp cho Lưu bớt khó xử.

- Em dâu có mang quà từ trên thành Hà Nội về hả?

- Dạ, vâng. Em có tự tay làm một vài món để cúng tổ tiên.

Lưu rạng rỡ trả lời. Mấy đứa con của anh rể nàng cũng tầm tuổi Lưu, chạy lại giúp xách bớt đồ. Vừa hay thì phu xe đánh hai ba cỗ xe ngựa tới trước cửa nhà.

Cả nhà lên xe di chuyển ra chỗ phần mộ tổ tiên.

Hai vợ chồng Lưu ngồi cùng với mấy đứa cháu. Những người còn lại chia nhau ngồi những xe khác.

Ông biết Lưu đang lo lắng vì thái độ của mẹ mình. Ông đành nói nhỏ an ủi nàng.

- Mẹ tôi trông vậy thôi chứ bà sẽ không làm khó gì em đâu. Đừng nghĩ ngợi nữa nhé.

Lưu chỉ gật đầu đáp vâng lại một tiếng.

Từ những thái độ ban đầu tới giờ, nàng biết mẹ ông không thích mình. Vì cùng là đàn bà với nhau nên nàng nhận thấy rất nhanh.

Những lời an ủi của ông bỗng trở nên vô nghĩa.

Nhưng như vậy không có nghĩa là nàng sẽ bỏ cuộc. Nàng muốn trong mấy ngày ở quê sẽ tìm mọi cách để khiến mẹ chồng chấp nhận mình làm dâu ở trong nhà. Như vậy sẽ không khiến ông phải gặp khó vì nàng.

Việc ông đối tốt, yêu thương nàng đã là một ân nghĩa. Giờ thì nàng phải trả ân.

Sau khi thắp hương ở phần mộ của tổ tiên, cả nhà lại đánh xe ngựa quay về.

Lúc quay về trời cũng đã trưa. Cơm nước trong nhà đã có người làm lo liệu. Lưu chẳng có cơ hội để phụ việc. Bát đũa cũng đã đặt sẵn trên bàn. Mọi người chỉ cần ngồi vào bàn là có thể dùng cơm.

Mẹ chồng nàng đột nhiên nói mệt, không muốn dùng bữa. Lưu thấy vậy liền nhanh chân chạy lại.

- Để con đỡ mẹ vào phòng nằm nghỉ.

Hy vọng ghi điểm trong mắt mẹ chồng của Lưu tan thành không khí. Bà quay sang nhìn nàng với một thái độ vô cùng khó chịu.

- Không cần đến cô.

Cả nhà rơi vào im lặng.

Lưu chỉ biết đứng đực ra. Mắt ngân ngấn nước. Nàng thấy tủi thân cùng cực.

- Liên, đỡ mẹ vào nằm nghỉ.

Bà gọi tên chồng nàng. Ông nhanh chóng chạy tới, dìu tay mẹ mình đi vào phòng. Tranh thủ đưa mắt về sau nhìn vợ mình. Ông thấy nàng như sắp khóc.

Lưu cúi đầu quay lại chỗ ngồi. Xấu hổ không biết nói chuyện với ai. Chỉ chờ tới lượt mình ăn cơm là cắm đầu nhìn xuống mâm cỗ. Ăn vội một hai miếng là xin phép đứng dậy trước.

Người trong nhà vẫn chỉ ái ngại liếc nhau trong bí mật. Ngoại trừ mấy đứa trẻ con, không ai dám mở lời nói với Lưu câu nào.

Nàng ra ngoài giếng, múc nước rửa mặt. Nước lạnh đến mất cảm giác. Nhưng nàng vẫn cứ múc từng gáo đầy, đổ ra tay rồi lại vúc lên mặt.

Lưu không khóc. Phận làm dâu, có không vừa mắt mẹ chồng âu cũng là chuyện thường tình trên đời. Người ta chịu được, nàng cũng phải chịu được. Huống chi nàng còn không phải sống chung với mẹ chồng. Cố gắng nhẫn nhịn, kìm nén mấy ngày này, tất cả cũng để vì chồng.

Nàng soi bóng mắt mình lờ mờ trong vũng nước trên đất. Thấy mắt mình bớt đỏ thì mới dám quay vào.

Liên đỡ mẹ mình vào trong buồng. Vốn định chờ cho bà nằm hẳn xuống rồi quay ra luôn tìm vợ. Nhưng lại bị bà giữ tay lại nói chuyện.

- Mẹ có gì căn dặn con ạ?

Ông quỳ xuống bên giường, cẩn thận bóp nắn từng cái chân cho mẹ mình. Bà xoa đầu đứa con trai út của mình. Trên tóc nó đã xuất hiện lốm đốm vài sợi màu trắng.

- Đứa con gái ấy mẹ không thích.

Ông hơi dừng lại động tác tay của mình khi nghe mẹ nói vậy. Chỉ cúi đầu cho bà nói tiếp.

- Nó có số mệnh không tốt. Con lấy nó, sau này con sẽ vì nó mà khổ nhiều bề.

- Sao mẹ lại cho là như vậy?

Bà ngồi hẳn dậy để nói. Chuyện này với bà nghiêm trọng thế nào, không kể ra chắc ông cũng hiểu.

- Mẹ đi xem tướng cho vợ con. Ông thầy nói vợ con số đào hoa, nhiều người theo đuổi. Sau này nó có khả năng sẽ bỏ con mà đi.

Liên ngồi lên giường. Hai tay chuyển sang nắn bóp vai cho mẹ. Trong thâm tâm ông đè nén một tiếng thở dài.

- Không có đâu mẹ. Lưu là một cô gái tốt, ngoan ngoãn. Cô ấy sẽ không làm ra mấy cái chuyện đó đâu. Hơn nữa, cô ấy lấy con là vì mang ơn. Lưu sẽ không phụ bạc mà bỏ con đi.

- Con ơi, tương lai chưa nói trước được chuyện gì cả. Bây giờ là vậy, nhưng mai mốt nó đổi lòng. Ai mà biết được.

Ông chỉ muốn chấm dứt chuyện này ngay tức khắc. Nên đành đổi chủ đề.

- Mẹ này, mai mốt con sẽ về thăm mẹ nhiều hơn. Dạo này nhìn mẹ ốm đi nhiều.

Mẹ Liên quay sang nhìn ông. Vẻ mặt không bằng lòng một chút nào.

- Con nghe mẹ đi. Con nhìn xem, vợ con nó còn trẻ, lại còn đẹp. Ở ngoài kia, đầy thằng công tử nhà giàu thích nó. Nó có ngu mà đi ở với con suốt đời. Con đấy nhìn qua cũng biết là loại ong bướm không ra gì. Sau này kiểu gì cũng theo trai mà bỏ chồng thôi con ạ.

- Mẹ đừng nói về Lưu như vậy.

Ông tỏ ra có chút tức giận.

- Mẹ nói có gì sai chứ? Con đấy là loại thất học. Bố mẹ nó chắc cũng chẳng ra gì nốt.

- Mẹ thôi đi.

Tới mức này thì ông không còn nhẫn nhịn được nữa. Dù là mẹ mình, ông cũng không cho phép bà nói về Lưu và gia đình nàng như vậy.

Mẹ ông bất ngờ trước phản ứng quyết liệt của con trai.

Bà kêu la như thể vừa gặp chuyện gì đau khổ lắm. Liên mặc cho bà khóc lóc, than trời, than đất. Ông lạnh lùng bỏ ra ngoài.

Vừa ra tới phòng khách thì bắt gặp Lưu đang tất bật dọn dẹp, rửa bát. Mấy người đàn bà trong nhà chỉ ngồi nhìn, không ai động đậy. Ông giận sôi lên. Nhè người gần mình nhất mà trách móc.

- Sao chị không dậy dọn mà để vợ em làm một mình?

Bà ta mở to mồm nhìn em trai. Bất bình nói.

- Ơ hay! Em dâu bảo bọn chị đi nghỉ. Để cho em ấy dọn một mình. Sao giờ lại quay sang nói chị như thể chị bắt nó phải làm vậy?

- Thân là đàn bà. Trong nhà có việc chị cũng phải dọn dẹp một chút. Cứ nằm đấy coi mà được hả?

Bà ta oan ức không nói được gì. Bèn quay sang chỗ em dâu đòi công bằng.

- Này, em dâu. Bọn chị có bắt em phải dọn dẹp một mình không hả?

Lưu từ ban nãy đi xuống bếp. Bấy giờ mới bưng mâm đi lên dọn thêm một lượt bát nữa. Nàng không hay biết vì mình mà chồng to tiếng với các chị.

- Dạ, không.

Nàng đáp. Tay lại xếp từng chồng bát bẩn chất lên mâm.

Liên nhìn vợ mình, không chịu nổi. Đùng đùng đi lại kéo tay Lưu.

- Không làm nữa. Đi về thôi.

Lưu không hiểu có chuyện gì đã thấy mình bị chồng kéo đi một mạch ra bên ngoài cổng nhà. Nàng níu không lại được sức của ông. Cứ như vậy cho đến khi hai vợ chồng bắt gặp một cỗ xe ngựa.

Chỉ cho đến khi lên xe, Lưu mới có cơ hội để hỏi cho rõ.

- Sao vậy? Sao ông tự dưng lại đòi về?

- Nếu thấy ấm ức thì em cứ khóc. Còn nếu không thích thì có thể không làm. Sao em cứ phải chịu đựng như vậy?

Ông thấy bất bình thay cho vợ.

Nàng nhìn chồng mình. Im lặng không nói gì một hồi lâu.

- Em không muốn vì mình mà ông bất hòa với gia đình. Em biết trong nhà không ai thích em. Nhưng em còn có thể làm gì khác?

Ông mở to mắt khi nghe vợ mình nói. Sự nhẫn nhịn ấy của nàng hóa ra lại là vì ông. Ông cảm kích đến độ muốn ôm chầm lấy nàng, muốn hôn lên trán nàng.

Ông muốn hét lên thật to. Hét lên cho tất thảy mọi người đều biết.

Sau cùng, ông chọn cách nắm lấy tay vợ để tỏ lòng biết ơn.

- Cảm ơn em đã nghĩ cho tôi. Cảm ơn em.

Lưu vỗ nhẹ lên mu bàn tay chồng, dịu dàng nói.

- Ông đừng biết ơn em. Em mới là người phải mang ơn ông.

Cỗ xe ngựa vẫn tiếp tục quãng đường về tới Hà Ninh.
 
Bên trên