Mình đồng ý với bạn, cuộc chiến và chiến tranh có ý nghĩa tương đồng nhau. Sự khác biệt giữa chúng là ở giới hạn ý nghĩa rộng và hẹp. Có thể từ điển không quy hoạch rõ nó, nhưng đây là theo kinh nghiệm cá nhân mình, “cuộc chiến” được dùng với một ý nghĩa phổ thông hơn nhiều so với “chiến tranh”. Nếu đọc nhiều câu chuyện có nhiều yếu tố bạo lực có lẽ sẽ thấy được điều này, bạn A gây lộn với bạn B cũng có thể gọi là một cuộc chiến, hai nhóm côn đồ đánh nhau cũng có thể gọi là một cuộc chiến, hoặc thậm chí đấu võ mồm với nhau cũng là cuộc chiến. Nhưng khi nhắc đến chiến tranh, người ta thường liên tưởng nhiều hơn đến hai đội quân, hoặc là các vấn đề có tính vĩ mô nhiều hơn như quốc gia, dân tộc... Vâng, cũng có những khi người ta gọi những vấn đề bình thường là chiến tranh, nhưng hầu hết các trường hợp ấy không hề mang hàm ý nghiêm túc. Và vì vậy, đó là lý do chính mà mình không thay thế “chiến tranh” bằng “cuộc chiến”.
Vấn đề thứ hai, mình chưa từng biết rằng một câu mở đầu không nên kết thúc bằng một thanh bằng. Mình nghĩ rằng, bằng hay trắc hoặc cách gieo bằng hay trắc nhiều hay ít trong một câu là phụ thuộc vào bối cảnh, cảm xúc của nhân vật mà ta đang khai thác góc nhìn. Ở đây, bối cảnh không hề gấp gáp, hay kịch tính, nó là kết thúc của một cuộc chiến, thậm chí nó cũng chẳng phải là ngay sau kết thúc. Về mặt cảm xúc thì nó càng không phải là một cái gì quá mãnh liệt, nó đau buồn, nuối tiếc, nhưng bình lặng. Và mình không nghĩ kết thúc câu đầu bằng một thanh trắc nặng nề sẽ tạo được hiệu ứng ấy.
Vấn đề thứ ba, bạn cũng có thể thấy đó là một câu ngắn, chính xác nó chỉ có 10 từ. Và mình thật sự không nghĩ rằng nó đủ dài để người đọc cần phải nghỉ lấy hơi sau 9 từ mới đọc tiếp được từ thứ 10. Và như mình đã nói đầu tiên, “cuộc chiến” là chưa đủ để lột tả hết ý nghĩa mà mình muốn nói, vì vậy nó nhất thiết phải có thêm chữ “tranh”
Bạn nói đúng, mình muốn tạo một hình ảnh trong một cách thức ngắn gọn nhất có thể đạt được. Về quan niệm cá nhân của mình, từ ngữ có thể sáng tạo, những thứ không quen thuộc được dùng nhiều sẽ thành quen. Chỉ cần từ ngữ sáng tạo ra không tạo thành một từ tối nghĩa, đọc có thể hiểu được ngay. Về vấn đề bạn đề cập rằng độc giả có thể đọc nhầm, mình cũng suy nghĩ về nó. Nếu độc giả tập trung vào câu chuyện, và họ đọc nhầm “gãy rụng” thành “gãy vụn”, nếu là mình thì mình sẽ đọc lại. Bởi vì không lý nào một đôi cánh lại... gãy vụn, trừ khi nó làm bằng tượng đá hay tương tự như thế. Trong khi phía trước không hề đề cập đến một tượng đá, lựa chọn của mình sẽ là đọc lại. Còn nếu như độc giả không tập trung, thì thành thật mà nói, mình không nghĩ “gãy rụng” với “gãy vụn” có ý nghĩa nhiều với họ nếu họ chỉ lướt qua để biết nội dung. Về việc “gãy rụng” khó đọc, mình nghĩ mình sẽ phải tham khảo thêm ý kiến của những người khác nữa, theo cá nhân mình thì nó không khó, nhưng một cách khách quan thì mình không thể khăng khăng theo ý mình hay đẽo cày giữa đường để lập tức thay đổi theo góp ý của bạn. Mình sẽ phải có một cuộc thăm dò, bạn đã nêu ra một vấn đề rất đáng lưu tâm, cám ơn bạn
Lý do mình lựa chọn đại từ này thay vì các đại từ khác, bởi vì nó nhấn mạnh vào lựa chọn cá nhân của Luce hơn và khách quan hơn về phía Mike. Chắc chắn Mike không nhìn Luce như “hắn”, và mình không muốn tiết lộ cách nhìn nhận của Mike về Luce thông qua các đại từ. Tất cả “anh ta”, “anh ấy”, “ngài ấy”, “ngài ta”, “hắn”, “gã”... đều thể hiện những cảm xúc mà mình không mong muốn. Mối quan hệ giữa Mike và Luce mình vẫn muốn để trong vòng bí ẩn, và “mình” là đại từ mang tính trung lập nhiều nhất mà mình có. Tất nhiên đại từ “mình” không phải là một lựa chọn hoàn hảo, vì trên thực tế mình không tìm được đại từ nào phù hợp với tất cả những tiêu chí mình muốn trong hoàn cảnh này, mình chỉ đang lựa chọn một cách hợp lý.
Mình xin lỗi nếu điều này làm bạn khó chịu, nhưng có phải bạn đã hơi cứng nhắc trong việc áp dụng các nguyên tắc của văn chương? Không có ý gì đâu, nhưng mình cũng đã từng rất cứng nhắc trong việc sử dụng đại từ. Mình đã từng khẳng định rằng nhân vật sẽ không gọi bản thân bằng tên trong ngôi thứ ba giới hạn trừ khi họ cố tình làm thế. Mình muốn duy trì tính khách quan một cách tối đa. Thế nhưng nhiều độc giả phản hồi rằng họ phải đọc một đoạn dài mới biết nhân vật được nhắc đến là ai. Một số thích việc đó vì nó khách quan, vì có thể xem xét mọi thứ hoàn toàn qua đôi mắt của nhân vật mà không cảm thấy sự can thiệp của tác giả trong đó. Nhưng phần nhiều là bối rối, và tiếc rằng nó đã biến fic của mình thành fic rất kén người đọc, thậm chí phần nhiều những người kiên trì theo đọc vẫn cảm thấy bối rối. Về nguyên tắc, mình chắc là mình đã làm đúng, nhưng trên thực tế, tác giả viết câu chuyện không chỉ để cho mình hiểu mình biết. Và mình đã học được cái sai lầm rằng không bao giờ nghĩ rằng tất cả những gì tác giả biết và hiểu thì độc giả cũng biết và hiểu.
Trở lại vấn đề cụ thể, nếu mình thay thế “Cha vĩ đại” bằng “Người”, nó hợp lý về phía Mike, về phía tác giả, và một số độc giả thông thái. Nhưng mình không chỉ viết cho những độc giả thông thái đọc, nếu bạn hiểu ý mình. Có những người thậm chí không biết Mike, Luce, Thiên Chúa có quan hệ thế nào, họ thậm chí cũng không phân biệt được Jesus và Thiên Chúa, và càng không biết Mike và Luce là ai. Hoặc có những người biết cũng hiểu mối quan hệ đó một cách mù mờ. Khi đọc, thông qua đại từ “Người”, họ cảm thấy được sự tôn kính của Mike, nhưng ai biết Luce cảm thấy thế nào? Ai biết mối quan hệ của Luce và “Người” ra sao? Biết đâu được đấy, nhỡ đâu “Người” là kẻ xứng đáng bị phản bội và Mike là kẻ trung thành mù quáng, dù sao Luce cũng đã được mô tả là “ngôi sao sáng nhất” kia mà, nhỡ đâu người sai không phải là Luce? Vâng, đại từ “Người” có rất nhiều ý nghĩa với Mike, nhưng nó chỉ mang tính cá nhân, và nó không mang quá nhiều ý nghĩa với Luce. Mình muốn một từ ngữ thể hiện cái chung nhiều hơn, và “Cha vĩ đại” mang nhiều ý nghĩa hơn là “Người”. Theo cách nhìn nhận của bạn về mặt cả hai đều là đại từ, đúng, chúng có thể thay thế cho nhau. Nhưng mình sử dụng với nhiều dụng ý hơn thế. Ở đây mình phải lựa chọn giữa dụng ý của mình, hoặc sự thống nhất trong cách sử dụng đại từ của Mike, như bạn đã nói, đại từ thỉnh thoảng còn du di được, ý nghĩa đã mất là mất, một lần nữa, mình chỉ lựa chọn một cách hợp lý.
Nếu bạn xem lại kỹ, “nó” không ám chỉ Thiên Chúa, mà là hiện thân của ngài, nhưng hiện thân ấy cũng không phải là toàn bộ linh hồn của ngài hay một phần linh hồn của ngài, nó là một “ý niệm”, được sinh ra bởi những mong muốn và gửi gắm, một phần trái tim cũng là một ẩn dụ về tình yêu thương của ngài, không phải là thực thể. Hay nói cách khác, giống như một đứa con của ngài và một đứa em của Mike. Bạn có cảm thấy bị coi thường khi cha hay anh bạn gọi bạn là “nó” khi nói chuyện với người khác không? Theo mình thì điều này rất phổ biến.
Mình thì không xem xét nó là thừa hay thiếu, bởi vì từ của thực sự có cũng được không có cũng không sao, mình chỉ muốn tạo một điệp âm với từ “của” trong cùng câu đó thôi. Tiếp tục là một lựa chọn, nhưng lần này lựa chọn của mình mang tính chủ quan một chút. Có lẽ mình cũng nên tham khảo thêm xem như thế nào sẽ hợp lý hơn, cám ơn bạn.
Ừ, về nội dung, không mới lạ, nhưng bọn mình không sử dụng những tài liệu tham khảo mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy, mỗi quan hệ giữa Mike, Luce, Thiên Chúa sẽ phức tạp hơn và lý do cho sự phản bội của Luce cũng khác hơn so với hiểu biết phổ biến, điều này bọn mình có thể đảm bảo. Và chiến tranh trên thiên đàng, mình chỉ có thể nói là nó không thực sự đóng vai trò chủ đạo trong fic, nó là nguyên nhân, nhưng nó không phải là mục tiêu và càng chẳng phải là kết quả. Đôi khi người ta chỉ cần một lý do để bắt đầu một cái gì đó, phải không?
Cám ơn về phản hồi hữu ích của bạn, hy vọng bọn mình sẽ vẫn có bạn ủng hộ trong những chương kế tiếp