Đám tang của ông đã diễn ra từ hai tuần trước. Tôi có qua thăm viếng và chia buồn với gia đình, nhân tiện cũng gửi trả lại cuốn sổ hồi ký mà ông để trong nhà tôi. Hồi ông chưa ốm hẳn như mấy tuần trước khi mất, gia đình người bạn đã thực hiện theo di nguyện của ông: thuê một phóng viên giúp ông hoàn thành “cuốn sách cuộc đời” cũng như tiện bề chăm sóc. Tôi với ông có duyên gặp nhau là từ khi ấy. Giờ ông đã mất, công việc của tôi cũng kết thúc, tôi cũng muốn trả lại cuốn sổ của ông cho phía gia đình, nhưng lúc đưa trả, họ lại từ chối. Họ nói: “Cháu cứ giữ lại.” với đôi mắt cương quyết đến nỗi bao nhiêu lời muốn nói của tôi lại trở ngược xuống bụng. Tôi nhìn cuốn sổ da, chắc mẩm hẳn là so với người trong gia đình ông, tình cảm gắn bó của tôi với nó có nhỉnh hơn một chút.
“Cuốn sách cuộc đời” nghe giống như hồi ký từ lúc nhỏ tới lớn của ông, nhưng thực ra cả quyển đều chỉ nhắc tới Ánh - một cô gái mà bao giờ ông cũng gọi đi gọi lại trong niềm đau đáu và xót xa tôi không sao hiểu được. Tôi có hỏi bạn tôi nhưng nó cũng không biết bà Ánh ông thường nhắc tới là người nào. Dấu vết của người con gái đấy hoàn toàn biến mất trong thế giới của ông, ông đã nghĩ gì nhỉ, mà vì sao lại phải dằn vặt mình tới thế? Để đến những ngày tháng cuối cùng, ông vẫn tha thiết gặp lại bóng hình cũ. Trước khi ông trở bệnh nặng, tôi không có dịp nói chuyện với ông mấy, cũng lu bu chuyện ở tòa soạn trước. Cuộc gặp gỡ cuối cùng đã là chuyện của tháng trước. Ông ngồi dưới một gốc bàng, đưa mắt lên trên mơ màng vẫy tay, lá đổ theo một chiều gió thổi. Ông trông như đứa trẻ, vẫy gọi một điều gì thơ trẻ trong lòng. Tôi gọi ông, ông hơi giật mình, chậm chạp men theo âm thanh nhìn về phía tôi. Trong một khung cảnh áng chiều như thế, tôi cứ thấy một niềm xót xa khó tả.
Hôm nay mở lại cuốn sổ cũ, tự dưng tôi lại cứ nhớ hình ảnh ông trong buổi chiều hôm ấy. Trang cuối cùng có lẽ cũng được viết vào khi đó.
“Mình lại thấy Ánh. Ánh đi từ trong một con ngõ có cây hoa giấy mọc leo trên đầu đoạn ngõ. Nàng trông vẫn như hồi xưa, mà có lẽ vì chẳng bao giờ thấy được lúc nàng già đi nên nàng cứ mãi như thế trong ký ức của mình. Ánh đi về phía mình nhưng càng đi càng xa, gương mặt nàng - những nét mắt, mũi, môi - cũng bạt ra như bụi cát. Mình không thấy rõ nàng, chỉ thấy dáng hình nàng, nhưng đó chắc chắn là Ánh. Rồi được một lúc, nàng dừng lại, giữa bọn mình vẫn là một khoảng cách như cũ. Thật là một khung cảnh kinh điển, cả cảnh quay chỉ thấy một phần vai và cánh tay của mình, còn đâu tập trung vào Ánh đang ở phía xa kia. Nếu có thêm một làn khói hay sương mỏng, mình nghĩ chẳng khác nào một cảnh trùng phùng nhưng âm dương cách biệt trong phim Trung Quốc ngày xưa. Nghĩ lại, mình lại thấy buồn cười.
Trong những giấc mơ về Ánh, mình thường không bao giờ mơ tới đoạn kết thúc. Bao giờ mình cũng giật mình choàng tỉnh. Cơn mơ đứt đoạn giữa chừng. Mình ngơ ngẩn cả ngày, mơ mơ tỉnh tỉnh, chẳng biết đây là đâu và mình là ai. Thế mà lần này, mình lại mơ thấy một đoạn kết nhỏ. Ánh đứng từ xa, không thấy gương mặt, bóng hình mờ nhòa, vẫy tay chào mình. Bàn tay nàng giơ lên ngang đầu, lắc qua lắc lại, mình cũng giật mình giơ tay lên, nhưng cuối cùng lại khựng lại, chẳng muốn chào nàng. Tới lúc đấy thì màn hình dần tối lại, mình chìm vào một giấc ngủ sâu hiếm hoi có được.
Có lẽ vì mấy hôm trước, mình đã bắt đầu “vỡ” ra chút ít nên hôm nay mới có giấc mơ này. Trước đây mình cứ tự trách mãi, nếu không thì cũng đổ lỗi cho Ánh vô tâm bội bạc. Bao nhiêu giả thiết cho câu chuyện mơ hồ không hồi đáp rằng Ánh biến mất, xóa sạch dấu vết khỏi cuộc đời mình như thế. Mình níu kéo vào đủ thứ huyễn hoặc, để tìm cho đúng câu trả lời mà mình muốn chứ không phải tìm đến sự thật. Ánh biến mất chỉ là đang trả sự thật về đúng vị trí của nó: Ánh thương mình nhưng không yêu mình. Ánh ra đi vì đó mới là Ánh.
Có lẽ mình cứ trốn chạy mãi điều đó. Mình vin vào tình thương của Ánh để tin rằng Ánh yêu mình tha thiết như mình tha thiết yêu Ánh. Nhưng sự thật vẫn ở đó, không đẹp không xấu, không tốt không tệ, hết mực đơn giản, tầm thường: Mình và Ánh không thuộc về nhau. Thứ mình mong đợi vốn không phải là Ánh của ngày ấy, mà là Ánh trong ước vọng của mình, một Ánh yêu mình, một Ánh vốn không có thật. Tình thương của Ánh với mình như người chị gái nhiều đau thương với đứa em trai cùng cảnh ngộ, và khi chúng đi quá giới hạn, Ánh đã chọn biến mất. Như một làn khói trên đầu thuốc nàng hay hút, nó mờ dần, loang ra, lẩn khuất vào không khí, chỉ còn mùi hăng hắc thoang thoảng để người ta có biết đã từng có chúng ở đó.
Nghĩ ra điều này mình bớt bứt rứt hẳn. Những ký ức về Ánh không loạn xạ nhảy trong đầu mình. Mình không cố tìm cách co kéo, nối những mảnh vụn xưa thành một dòng nữa. Mình nghĩ tới Linh, tới thằng Bình, tới cháu Khang. Trong những ký ức ấm áp đó, lời thề của mình với Ánh khi xưa rằng sẽ không bao giờ quên Ánh tan ra. Hoặc giả, chúng không còn mang trên mình sự ân hận và tiếc nuối nhiều như khi trước. Chiều, lúc đợi cháu Bảo tới đón, mình đã như người điên vẫy tay chào cái nắng cuối chiều trước khi mặt trời tắt hẳn. Tự dưng mình nghĩ có lẽ bây giờ mình đặt dấu chấm được rồi.”
Tôi không thấy bóng dáng của một người già cả nào trong cuốn sổ. Thể như một anh chàng hai mươi, mặc sơ mi và đội chiếc mũ nồi, đạp trên chiếc xe mini Thống Nhất chạy ngược trên một hàng cây Hà Thành, đi tìm lại một mối tình không thể mờ phai. Những giấc mơ anh đã từng kể tôi nghe rất lâu trước kia, với những con phố nối liền nhau nhưng chẳng bao giờ giao nhau trong đời thực. Những trúc trắc, đứt gãy và phi lý của miền mộng ảo đấy, có chăng cũng là những vết thương lòng của thuở thiếu thời?
Tôi thừa nhận từ hồi theo nghiệp viết, tôi nhạy cảm và mau nước mắt hơn khi xưa nhiều. Cứ động đến sự chân thành và nỗi lòng sâu kín của ai đó, mắt tôi lại rơm rớm. Tôi như liền thân thể với họ, ruột gan là một, máu thịt là một. Nỗi đau cứ sống sờ sờ và quặn thắt cả lại. Trong đám tang của ông, tôi đã tiễn đưa ông với một tấm lòng thanh thản, thế mà khi đọc những dòng chữ xiêu vẹo của ông, chẳng hiểu sao nước mắt tôi lại trào ra. Tôi ôm lấy mặt, ấp vào trong dòng chữ của ông, tưởng như một cuộc đời của ai đó hay một phần của chính mình đã nhấc gót rời đi.