Cảm nhận Ba ơi, mình đi đâu? – Tự nhạo báng cũng là một loại hạnh phúc

U Huyễn

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
11/4/14
Bài viết
909
Gạo
900,0
14222132_1016664518432414_8031432228260121957_n.jpg

Ba ơi, mình đi đâu? – Tự nhạo báng cũng là một loại hạnh phúc

“Alo, chào Thomas, ba đang ở đầu dây đây.”

Im lặng khủng khiếp.

Tôi nghe thấy một tiếng thở mạnh khó nhọc, rồi giọng cô phụ trách:
“Con nghe thấy không, Thomas? Là ba con đấy.

- Chào Thomas, con nhận ra ba không? Ba đây, con khỏe không, Thomas?”

Im lặng. Chỉ có tiếng thở khó nhọc… Cuối cùng Thomas cũng nói. Từ ngày vỡ giọng, tiếng thằng bé rất to.
“Ba ơi, mình đi đâu?”

Nó đã nhận ra tôi. Chúng tôi có thể tiếp tục trò chuyện.

“Con khỏe không, Thomas?

- Ba ơi, mình đi đâu?

- Con đã vẽ những bức tranh rất đẹp, tặng ba, tặng mẹ, tặng Marie em gái con phải không?”

Im lặng. Chỉ có tiếng thở khóc nhọc.

“Chúng ta về nhà à?

- Con đã vẽ những bức tranh rất đẹp phải không?

- Martine.

- Martine có khỏe không?

- Khoai tai chiên khoai tai chiên khoai tai chiên!

- Con đã ăn khoai tây chiên à, có ngon không?... Con muốn ăn khoai tây chiên sao?”

Im lặng…

“Con hôn ba à? Con nói tạm biệt ba à? Con hôn ba à?”

Im lặng.

Tôi nghe tiếng chiếc điện thoại lơ lửng giữa khoảng không, những giọng nói ở xa xa. Một lần nữa, lại là cô phụ trách nghe máy, cô báo cho tôi hay là Thomas đã buông máy, nó đã đi chỗ khác.

Tôi gác máy.

Chúng tôi đã trao đổi những thông tin quan trọng.
…”

Trích “Ba ơi, mình đi đâu?” trang 160 và 161.


Tôi là một kẻ phiến diện cực đoan nên vì ác cảm với chương trình thực tế cùng tên của Hàn Quốc mà từ chối cầm lên, lật qua dăm trang giới thiệu khi thấy cuốn sách này vào một dịp đi Hội chợ Sách. Và phải đến tận hai năm sau, khi được một cậu em quen tặng, tôi mới biết đến “Ba ơi, mình đi đâu” của Jean-Louis Fournier, để bản thân thêm lần từng lần sợ hãi xen lẫn háo hức với mỗi trang sách được lật sang. (Cảm giác này rất hiếm xuất hiện nơi một kẻ cực đoan như tôi!)

Tôi thường đọc khá nhanh. Một quyển sách dày chừng ba trăm trang, khổ in lớn tiêu chuẩn cũng chỉ khiến tôi mất mất một buổi chiều kéo dài đến hết đêm muộn là có thể tạm xong. Vì sao tạm xong? Vì đây mới là hoàn tất phần đọc; phần nghiền ngẫm, cảm nhận, phân tách đôi khi cần quãng thời gian dài vô tận. Nhưng với “Ba ơi, mình đi đâu?”, tôi chỉ dám đọc mỗi lần một chương ngắn, mà còn phải chọn buổi đêm thanh tịnh nhất, cùng thần trí thư nhàn nhất, tâm trạng yên ổn nhất, nên với một trăm bảy mươi bảy trang có khổ in nhỏ - tôi mất gần nửa năm dài để tạm xong.

Tôi không thích viết cảm nhận về sách. Hoàn toàn không! Bởi tôi là kẻ ích kỷ, những gì thú vị sẽ luôn muốn giữ lại cho riêng mình chiêm nghiệm. Chia sẻ hay mang ra hàn huyên cùng ai khác vốn chưa bao giờ là hành động yêu thích của tôi.

Và hôm nay, tôi muốn viết về “Ba ơi, mình đi đâu?”.

Qua đoạn trích trên, chúng ta thấy gì? Một ông bố đau khổ và một cậu bé tên Thomas ngớ ngẩn?

Đúng vậy!

Ông bố ấy là Jean-Louis Fournier, Thomas là một trong hai cậu con trai “bất thường” của ông. Ở tuổi bảy mươi, ông quyết định phơi bày cuộc đời mình qua những mảnh ký ức vừa chua chát vừa hạnh phúc mang tên “người ba có đến hai ngày tận thế”.

Mỗi lần cầm sách lên, tôi lại mường tượng ra khung cảnh giữa căn phòng sách ngập ánh đèn vàng, nơi chiếc bàn viết bằng gỗ cũ kỹ, tác giả ngồi trầm mặc một mình với đôi kính lão trễ nãi trên sống mũi, mái tóc hoa râm, những nếp nhăn trên khuôn miệng chẳng biết đang cười hay đang tự nhạo báng. Trong căn phòng ấy, vẫn hình dung ấy, đêm từng đêm, tiếng gõ phím nhọc nhằn lại vang lên ngắt quãng... đều đều… ngắt quãng… Tựa nhịp thời gian đong đưa theo từng câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?” đã gắn liền với hai cậu con trai – Mathieu và Thomas của tác giả từ lúc biết nói cho đến khi tạm biệt cuộc đời nhỏ hẹp.

Tôi bỗng nhớ đến một người quen của mình. Cách đây chừng hơn năm, cô ấy tìm gặp tôi, khóc nức nở và hỏi rằng cô ấy nên làm thế nào trước sự tàn nhẫn của định mệnh. Bác sĩ cho hay, đứa trẻ cô ấy đang nuôi dưỡng trong cơ thể “không bình thường” như bao đứa trẻ khác. Nếu cô ấy vẫn quyết sinh ra, ngoài thiếu tứ chi, đứa trẻ còn có thể gặp các vấn đề khác như: nhược trí, suy tim, loãng xương, mất thị giác,… Lúc này, tôi không khuyên cô ấy giữ hay bỏ đứa bé, càng không đưa ra những lời ủi an kiểu: hãy tin vào phép màu nào đó, cầu nguyện đi rồi biết đâu vận may sẽ đến hay nghiệp nợ tiền kiếp. Tôi bảo cô ấy nên thăm khám thêm tại vài địa chỉ Y-tế uy tín nữa và dùng lí trí để hoạch định những khó khăn tinh thần lẫn vật chất mà cô ấy phải đối mặt trong tương lai, cũng như cuộc đời của một đứa trẻ có thể sẽ vĩnh viễn không thể trưởng thành bay cao bay xa. Cuối cùng, cô ấy quyết định giữ lại đứa trẻ bởi đó là một sự sống đã hình thành, là con của cô ấy, nếu bỏ đi, cô ấy sợ sẽ không thể đối mặt lương tâm mình. Đứa trẻ con cô ấy sinh ra với hình hài không có tứ chi, không hậu môn, một nửa quả thận đã hoại tử từ trong bụng mẹ.

Thời gian cứ thế trôi! Dăm tháng sau ngày đứa bé chào đời, tôi bắt đầu nhìn thấy những dòng tâm trạng chán chường, than thân trách phận, miêu tả nỗi khó nhọc của một bà mẹ phải nuôi đứa trẻ “không bình thường”, hờn oán phần số từ cô ấy trôi nổi trên Facebook, lúc càng nhiều và thê lương hơn. Có rất nhiều bạn bè vào khuyên nhủ, an ủi, ngợi khen cô ấy. Tất nhiên trong số ấy không có tôi. Và rồi một hôm, cô ấy viết rằng, “Mẹ nguyện hy sinh tất cả đời mẹ vì con. Nhìn con đớn đau, ước gì mẹ có thể gánh chịu thay con…” Ngứa tay, tôi đã bình luận bên dưới dòng trạng thái ấy: “Khi quyết định sinh bé, em bảo rằng em sợ lương tâm mình sẽ cắn rứt trong suốt quãng đời còn lại, vậy còn nỗi đớn đau đứa trẻ phải gánh chịu từ lúc lọt lòng cho đến tận lúc ra đi thì đã từng lường?” Cô ấy đáp lại tôi bằng hành động hủy kết bạn. Từ đó đến nay, chúng tôi hoàn toàn cắt đứt liên lạc.

Vì sao tôi lại kể ra mẫu chuyện ngắn trên? Vì nếu biết đến “Ba ơi, mình đi đâu?” sớm hơn, có lẽ tôi sẽ tặng cô ấy một quyển và bảo cô ấy đọc thật kỹ, nghiệm từng dòng chữ, trước khi đưa ra quyết định sau cùng. Một quyết định mà trong đó đạo đức, lương tâm, cảm tính cá nhân, nhân quả hồi lai đều phải tạm gác để đặt lợi ích và hạnh phúc của đứa trẻ lên vị trí ưu tiên tuyệt đối. Tôi cũng không dám phán xét cô ấy đúng hay sai, tôi chỉ có thể khẳng định – cùng là hình ảnh của bậc cha mẹ có con “bất thường” nhưng Jean-Louis khiến tôi hoe đỏ hốc mắt, còn cô ấy lại làm tôi nhún vai ơ thờ.

Nguyên do? Bởi…

Jean-Louis có hai cậu con trai vĩnh viễn không thể phát triển bình thường theo tiêu chí chung, vĩnh viễn không thể ôm ông để trọn câu lời đơn giản rằng “Con yêu bố!”, vĩnh viễn bị giam cầm trong một thế giới mà Khoa học chưa đủ sức chạm đến. Và ông vẫn yêu chúng bằng cách của ông, cảm nhận tình yêu của chúng bằng cách của ông, “chán nản” theo cách của ông, “kiêu hãnh” cũng theo cách của riêng ông.

Jean-Louis rõ ràng được quyền khóc than, gào thét, yêu cầu sự thương cảm nhưng ông không. Một trăm bảy mươi bảy trang sách, ông chưa một lần bi thương câu từ hay phẫn uất đòi hỏi lẽ công bằng từ số phận (một Số Phận không ai dám khẳng định có hiện hữu thật hay không). Ông tự nhẹ nhàng hóa bi kịch của bản thân bằng một cách hóm hỉnh song cũng đong đầy chua chát: “Nhờ các con, ba mới có được nhiều lợi thế hơn các bậc phụ huynh có con cái bình thường. Ba không phải bận tâm gì về chuyện học hành hay định hướng nghề nghiệp cho các con…” (trích dòng 6-10/ trang 9) hay “Đến nay tấm thẻ (thẻ chứng nhận tật nguyền) vẫn giúp ích cho tôi. Thỉnh thoảng tôi lại để nó lên kính chắn gió trước xe mỗi khi đỗ sai quy định. Nhờ bọn trẻ, tôi tránh được một khoản phạt.” (trích dòng 3-6/ trang 131) hay “Các con tôi sẽ không bao giờ có lý lịch tư pháp. Chúng vô hại. Chúng chẳng làm gì tai ác, chúng sẽ không biết làm.” (trích dòng 11-13/ trang 132) và còn rất nhiều…

Jean-Louis vẫn sống cuộc đời riêng mình, làm công việc yêu thích, tích cực tham gia mọi hoạt động xã hội thay vì ngồi nhà, ôm hai đứa trẻ “không như những người khác” của mình, than thở và bất hạnh hóa điều vốn đã là hiện thực không thể thay đổi của mình. Ông chấp nhận sự thật, sẵn sàng đối mặt cũng như tìm mọi cách chiến đấu cùng chúng hòng giúp hai đứa trẻ giảm thiểu những đớn đau. Nếu ông buông xuôi thì liệu ai ngoài kia sẽ thay ông gánh vác trách nhiệm làm người dẫn đường cho hai đứa trẻ luôn thích hỏi: “Ba ơi, mình đi đâu?”

Jean-Louis từng trăm lần cười cợt thậm chí nhạo báng những hành động “không như những người khác” của Mathieu và Thomas. Ông thẳng thừng nhìn nhận hai cậu bé không xinh đẹp, không thông minh, không dễ dàng để chăm sóc và sẽ chẳng bao giờ có thể khiến ông tự hào. Nhưng đến tận cùng, ông luôn kiêu hãnh khi nói về chúng, như thể nhạo báng chính là một loại hạnh phúc hiếm có – loại hạnh phúc mà chỉ có những ai chấp nhận được con cái họ “bất thường” mới cảm nhận được.

Jean-Louis luôn hài hước trong mọi tình huống, bởi ông chẳng cảm thấy bản thân đang hy sinh. Mọi giáo điều rao giảng đạo đức của người làm ba trót có những đứa con “không như những người khác” đều không xuất hiện trong quyển sách này. Với ông, dường như tất cả cảm xúc, hành động, suy nghĩ đều xuất phát từ tự nhiên. Ông là người quyết định mang chúng đến với cuộc đời này, nên yêu thương chúng không phải ban ơn, càng không cần nhận lời xiển dương.

Đến đây, tôi tin sẽ có khá nhiều người tự hỏi rằng, thế “Ba ơi, mình đi đâu?” có gì đáng để nghiền ngẫm và Jean-Louis có gì đáng học tập?

Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này, nếu muốn biết – bạn hãy tìm đọc “Ba ơi, mình đi đâu?”. Vì cảm xúc nên là của chính bạn.

Lời cuối, tôi xin nói như sau: Nỗi đau chưa bao giờ được gói gọn trong một trạng thái cảm xúc nhất định nào đó. Hạnh phúc thì được quyết định bằng cách chúng ta nhìn nhận. Nên trong một thời điểm nào đó giữa cuộc đời mỗi người, tự nhạo báng chính là cách tồn tại và vượt qua duy nhất. Tiếc thay, không phải ai cũng có thể làm được.

Ba ơi, mình đi đâu?

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Linhoang

Gà ngẫn
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
3/1/14
Bài viết
1.566
Gạo
2.508,0
Re: Ba ơi, mình đi đâu? – Tự nhạo báng cũng là một loại hạnh phúc
Em quen một gia đình cũng đặc biệt như vậy đã ba bốn năm rồi U ạ. Gọi là "đặc biệt" vì đứa con đặc biệt và bố mẹ cũng đặc biệt. Cậu bé ấy bây giờ 15 tuổi, cao to lộc ngộc nhưng tâm hồn vẫn cứ là trẻ con. Bố mẹ cậu bé đã kiên trì đưa con bước từng bước ra ngoài xã hội, cho học ngoại ngữ, cho học nghệ thuật, cho tham gia các đoàn biểu diễn, để cho thằng bé tự mình tìm cách lớn lên. Từ lúc em gặp lần đầu tiên khoảng ba năm trước, cu cậu chắc chỉ ở tầm 4 tuổi, thế mà qua mấy năm, em đoán bây giờ chắc cậu bé cũng phải lên được 10 tuổi rồi.
Điều đặc biệt mà em nhìn thấy đó là chưa bao giờ bố mẹ tức giận với cậu bé ấy, lúc nào trong mắt họ cũng là sự yêu thương và khích lệ, lúc nào cũng là sự kiên nhẫn đầy tình cảm. Họ bảo em rằng chỉ có họ mới nhìn thấy sự đặc biệt của con họ nên họ muốn cho cả thế giới biết cậu bé đặc biệt đến thế nào. Biết năm bảy ngoại ngữ, thuộc từng địa danh trên bản đồ, chỉ cần chỉ vào một nơi trên bản đồ là cậu bé sẽ nói về lịch sử của đất nước đó, địa danh đó, tổng thống đầu tiên là ai, chiến tranh xảy ra khi nào, món ăn nào ngon nhất, loài vật nào nhiều nhất...
Em thật sự rất khâm phục cách họ đối diện với thiếu sót của con mình và vượt qua nó. Kiên nhẫn và yêu thương để đối diện với sự thật và để tạo ra tương lai cho con họ, một tương lai không xa không có họ tồn tại nữa.
Ông bố là người kiên nhẫn hơn cả, khi người mẹ đôi khi chỉ muốn ôm con vào lòng vì sợ nó bị tổn thương thì chính người đàn ông ấy lại là điểm tựa để hai mẹ con họ đứng lên và bước tiếp. Hơn mười năm rồi.
Và đó không phải là bố đẻ của cậu bé ấy!
 
Bên trên