Sotaro bước lên chiếc xe buýt màu vàng tuyến Đà Nẵng - Hội An. Xe đông người, gã ngồi vào chiếc ghế trống duy nhất còn lại,nắng hắt chang chang. An dịch sát vào chỗ gần cửa kính.Sotaro đặt chiếc ba lô xuống, nói bằng ngữ điệu Hà Nội lơ lớ:
“ Miền Trung,nắng to cô nhỉ? Cô bị nắng to hơn đấy. Tôi đổi chỗ cho.”
An cười. Đôi mắt nâu trầm còn nụ cười như trái táo còn tươi lấy ra từ tủ lạnh. Chúng gợi cho Sotaro một cảm giác thân quen lạ lùng.
“ Dạ không, em ưng ngồi gần cửa.”
Sotaro hiểu được đôi chút giọng Quảng. Bạn cùng phòng với gã hai năm trước là người Hội An. Lúc ngà say anh ta hay lèm bèm bằng giọng Quảng đặc sệt rằng anh ta có hai tình yêu:thứ nhất là em gái,thứ hai là kiến trúc cổ và nếu Satoro gặp em gái anh ta cũng sẽ yêu cô hơn nét xưa cũ của những ngôi nhà phương Đông trăm tuổi. Sotaro lúc ấy, chỉ cười khanh khách. Ba mươi tuổi,vẻ lãng tử trên khuôn mặt gã giống một phiến nước đá được đặt dưới ánh nắng, phản chiếu màu ngũ sắc_ đẹp nhưng tỏa ra hơi lạnh. Nhà cổ là cô gái huyền bí đầy quyến rũ mà gã đeo đuổi đến sắp hết một thời trẻ.
Gã định hỏi cô gái ngồi kế bên vài điều nhưng xe vừa khởi động cô đã ngã đầu sang cửa kính nhắm mắt ngủ vì cơn say xe. Một lát nữa ,đầu cô khẽ khàng dựa luôn lên vai gã. Sotaro mỉm cười vì tình huống “cổ điển” như phim truyền hình này. Gã nhẹ nhàng lót thêm một chiếc khăn bông lên bờ vai cứng ráp của mình. Chiếc buýt vàng chạy êm,vòng qua những đoạn cong trên con đường nắng tháng sáu.
Trong cơn say xe mơ màng, An thoảng nghe mùi thơm tựa hồ như tỏa ra từ gian nhà nhỏ nơi cô lớn lên.Mùi thơm quá vãng. Mùi ngai ngái của mái đòn tay những ngày mưa ướt rượt. Và mùi gỗ đàn hương ấm của chiếc cột nhà bên phải. An thấy mùa hè thơ bé, cô đứng trước sân nhà phả phất hương gỗ êm dịu, nhìn những sợi dăm bào xoắn tròn rơi đều đều từ chiếc bào trên tay ba. Năm đó, cái cột nhà bên phải được ba cô và những thợ mộc làng Kim Bồng cất công thay bằng gỗ đàn hương.
Chiếc xe buýt dừng ở trạm cuối. Cô gái trẻ tỉnh giấc nhìn Sotaro bối rối. Họ bị cuốn theo sự xáo động của hành khách xuống bến. Hai người trẻ ngượng ngập và vội vã. An vác ba lô lên vai, nhặt chiếc khăn bông đưa cho Sotaro vừa rối rít xin lỗi,cảm ơn lẫn lộn. Họ chia tay gấp gáp đến nỗi khả năng phản xạ tiếng Việt của Sotaro trong năm năm sống ở Việt Nam cũng không bắt kịp. Khi Sotaro vừa nói: “Không có gì đâu.”,gã đã trôi theo đoàn người chen chúc ra ngoài cửa xe. Những cuộc trò chuyện chóng vánh trên một chuyến xe buýt chưa phải là nhân duyên nhưng cũng gợi chút vui vui trong lòng.An xuống xe,đưa mắt nhìn cái dáng điệu ngơ ngác của Sotaro. Cô định giúp gã nhưng lại thôi. Thành phố này thật nhỏ bé để tìm một khách sạn ưng ý.
An về nhà. Cô quen chọn con đường dài nhất vòng vèo qua hết các ngõ phố , ngắm nhìn những mái ngói mùa hè cỏ mọc xanh mát như cái nhìn lâu và sâu vào đôi mắt người yêu. Nơi này tự thân nó là quá khứ, những lúc từ chốn khác trở về An càng hiểu rõ điều ấy hơn. Trái tim cô đang đập lại những nhịp xưa cũ mỗi lần rẽ vào từng con phố thân. Có một nhịp gợi về chiếc khăn bông thơm gỗ đàn hương ban nãy, nhưng ngay chính cô cũng không biết mình đang nghĩ về mùi hương ấy.
An bước qua cánh cổng đi vào ngôi nhà nơi mọi thứ đều như có màu nâu trầm trừ những tán cây trước sân và đám cỏ xanh mượt trên mái nhà. Giờ này, ông sẽ sang nhà hàng xóm chơi cờ tướng, ba và anh trai chắc sẽ cùng nấu bữa chiều trong bếp. Từ ngày mẹ mất năm An mười bốn tuổi, ba người họ đã chăm An luôn phần của mẹ, nuôi dạy cô bằng tính nữ họ tha thiết hồi tưởng lại từ người người phụ nữ họ yêu, và cả vụng về học của người đàn bà nhà bên cạnh. Mỗi năm qua đi An của họ đã lớn lên thành một thiếu nữ đẹp, thơm, dịu dàng như cánh hoa sứ trồng trước sân. Hoặc sự dịu dàng của cô là mối liên hệ phả chiếu vô hình từ mẹ.
An đi thẳng vào mở cửa phòng anh trai định ở đó nghỉ mệt một chút rồi sẽ xuống nhà dưới phụ việc bếp núc. Nhưng cánh cửa vừa hé ra đã vội đóng sầm.Sotaro đang lúi cúi treo áo quần lên móc cũng đứng hình. Nghe tiếng cửa đập mạnh anh trai An từ gian bếp sau chạy lên, hai kẻ bối rối như được cứu rỗi. Cả gã và cô đều giả vờ xa lạ ,chào hỏi nhau như những người lần đầu gặp gỡ. Trong bữa cơm tối, mặc Phong huyên thuyên giới thiệu với cả nhà về Sotaro, và tiếng cười phá lên của bốn người đàn ông khi Sotaro thử chào bằng giọng Quảng,An cứ thế gắp thức ăn cho vào chén mà chẳng biết anh trai nấu món gì.
Khi mọi người đã đi ngủ,ý nghĩ về Sotaro khiến An không chợp mắt được. “Sotaro. Yêu vẻ cổ kính của những ngôi nhà.Đến Hội An theo chương trình nghiên cứu trùng tu phố cổ.”An vẫn chưa dứt khỏi những ý nghĩ ấy khi cô rót một cốc nước lọc rồi đi thẳng ra sân. Trong ánh đèn mờ, An giật mình vì bóng người ngồi thu lu trên bậc tam cấp trước hiên. Nước chòng chành khỏi miệng ly, đổ ướt chân váy dài của cô. Là Sotaro. Gã ngồi nhìn khoảng sân với những tán cây phủ đầy ánh sáng bạc của vầng trăng, vừa gãi vết muỗi cắn. Điệu bộ trẻ con ấy khiến An buồn cười. Cô đi vào tủ lấy chai dầu chổi của ông ngoại đưa cho Sotaro.
“ Sotaro thoa cái này vào chỗ muỗi cắn sẽ hết đó.”
Gã ngước lên ngơ ngác như vẫn chưa hiểu điều An nói. Cô dúi chai dầu vào tay Sotaro vừa lặp lại câu nói ban nãy vừa ra hiệu. Sotaro mở nắp hít hà hơi dầu chổi có mùi hương rất lạ rồi mới chấm dầu vào vết muỗi đốt.
“ Mùi thơm của lọ này ấm thật, hơi giống với dầu gió nhỉ?”
“ Dạ, nó được làm ở địa phương, ông An dùng để xoa đầu gối những ngày trời mưa.” An ngồi xuống, uống một ngụm nước lọc, rồi đặt chiếc ly bên cạnh .
“Mùi nước hoa của anh Sotaro cũng thơm. Thơm y như cái cột nhà kia”. An đưa ngón tay nhỏ tròn, xinh xắn chỉ về phía cái cột nhà chính bên phải. “ Hồi An còn nhỏ, ba đã thay nó bằng gỗ đàn hương trong một lần sửa nhà. An thích mùi thơm ấy.” Cô cười, ánh trăng dìu dịu làm nụ cười ấy mát lành trong lòng Sotaro. Gã lung túng:
“ À, nước hoa nam mùi gỗ đấy. Là sandalwood. Tên tiếng Việt nghe hay nhỉ? đàn hương.” Sotaro lặp đi lặp lại tên gỗ như đứa trẻ học bài thuộc lòng. An lại cười đúng điệu cười giống trái táo xanh vừa lấy ra trong tủ lạnh. Họ chỉ nói với nhau chừng ấy, thứ còn lại là sự im lặng như ly nước lọc An đặt ở khoảng giữa hai người.Sotaro chống tay, ngồi hơi ngã người về phía sau. An vòng tay ôm trọn chân váy dài còn ướt nước phủ quanh gối. Vô tư lự. Cả hai không nói thêm gì chỉ nhìn ra khoảng sân sáng. Tiếng thở nhẹ đều.
Những ngày sau đó,An hiếm khi chạm mặt Sotaro. Gã đi cùng đoàn khảo sát mấy ngôi nhà cổ quanh phố. Những mẫu vẽ, những con số tỷ lệ chiếm trọn tâm trí gã. Có khi Sotaro ở lại với đoàn đến tối hôm sau mới trở về nhà An. Cô mỗi ngày đi chợ đều cố tình đạp xe chậm rãi vòng qua những dãy nhà cổ nơi Sotaro làm việc. An ghét sự mong ngóng như lúc này nhưng không cách nào niêm phong nỗi nhớ. Cô yêu anh bằng thứ tình yêu nhỏ nhắn, tươi đẹp như ngọn lá non tơ trong cơn mưa mùa hè, trời vẫn còn nắng hanh. Những ngày chủ nhật rực rỡ, An thường mặc chân váy dài đi lại, dọn dẹp trong nhà. Cô lén mở hờ cửa phòng anh trai để khối không khí thơm mùi gỗ đàn hương trong căn phòng ấy thoảng nhẹ khắp gian nhà. Ngôi nhà cổ thâm trầm bỗng mang một phong vị tươi trẻ khi có An. Cô đặt trên bệ cửa sổ lọ hoa cẩm tú cầu màu xanh như vừa xén một góc mây trời đem vào nhà. Sotaro, cái gã lạnh lùng và kỳ quặc kia lại trông mong được về nơi này vì những điều ấy. Gã đang thật sự biết yêu một cô gái, nhưng gã vụng về vô phương. Những ngày chủ nhật nắng đẹp, gã ngồi xem ông già chơi cờ tướng, thỉnh thoảng vờ ngẩng lên như tình cờ nhìn thấy An. Sotaro nghĩ khung cảnh về lọ cẩm tú cầu trên bậu cửa sổ và An bây giờ với chân váy dài màu xanh lá say sưa đọc một cuốn sách là khung cảnh của một ngày chủ nhật đẹp đẽ nhất từng ấy năm gã sống. Nhưng gã không có cách nào để diễn tả điều ấy với cô. Sotaro khắc kỷ, thâm trầm giống một ngôi nhà cổ. Những gã như thế thường bỏ lỡ một ngày chủ nhật đẹp trời vốn dành cho lời tỏ tình với cô gái mà gã yêu.
Một chủ nhật khác thời tiết thật tệ. Bão trái mùa. Bão tháng sáu. Nơi này hiếm khi có bão vào mùa hè. Dù đài báo chỉ là một cơn bão nhẹ nhưng ai trong khu nhà cổ cũng nơm nớp lo. Những người đàn ông không dùng sức mạnh của đôi bàn tay như đóng một cái đinh với những miếng ngói âm dương đã qua hơn trăm năm mưa bão, họ khẽ khàng dằn lại mái nhà. Sotaro cũng giúp một tay. Mưa nặng hạt. Gió thốc mạnh lên từng cơn, quét rào rạc qua từng nếp mái.Ông ngoại An ngồi trên phản nhâm nhi ly nước trà bình thản như đã cất giữ chốn này ở một nơi rất xa cơn bão, hoặc ở cái tuổi của ông mọi điều vốn bình thản và chậm rãi như chơi một ván cờ. An đi quanh nhà đặt thau chậu hứng nước mưa.Cô thương ba người đàn ông đang dầm mưa ngoài chái sau như thương đám cỏ xanh mướt mọc vươn khỏi mái nhà.
Sotaro bị vài miếng ngói rớt xuống đập vào vai, không đi theo ba và anh trai An phụ giúp những nhà khác được. Gã vào nhà, thay bộ đồ ướt sũng nước mưa rồi lấy trong ba lô ra miếng salonpas,ngồi ở góc bàn ăn với tay dán miếng thuốc lên lên vai khó nhọc. An nhẹ nhàng kéo chiếc ghế bên cạnh ngồi xuống. Đôi bàn tay như cây con của cô khẽ gỡ miếng salonpas, đắp ngay ngắn lại trên đôi vai rộng đang sưng đỏ của Sotaro.
- An khóc rồi ư?
- Đâu có.
- An nói dối dở tệ.
Như một điều tự nhiên, Sotaro đưa ngón tay cái quệt ngang dòng nước mắt trên má An.Gã lắng nghe từng từ phát ra từ đôi môi đẹp của cô: “ An thương nơi này, thương anh Sotaro. An sợ nơi này sẽ biến mất như có ngày, anh Sotaro sẽ đi khỏi đây.”
Ngay phút đó, Sotaro - cái gã lạnh như phiến nước đá đó ,lại có thể dịu dàng nói với một cô gái như thế này : “ Sotaro sẽ ở lại giữ nơi này cho em.”.Lần đầu tiên gã gọi An là em. Tiếng “em” trôi mềm trên môi Sotaro như thể trong vốn từ tiếng Việt của gã từ ấy được phát âm tròn đẹp nhất. Gã ôm lấy An bằng nửa vòng tay. Họ hôn nhau không ghì xiết, an lành như tiếng nước mưa nhỏ vào chiếc chậu kề bên. An nhắm mắt thoảng nghe trong hơi mưa mùi nồng mát của miếng salonpas quyện vào hương gỗ ấm. Còn Sotaro, gã đang nhớ đến những lời Phong nói ở một góc ban công mùa hè hai năm trước: “ Cậu hãy đến chỗ tớ và gặp con bé. Có thể, cậu cũng sẽ yêu con bé hơn cả những ngôi nhà cổ”. Đáng lý ra, lúc ấy gã không nên cười cao ngạo thế và nên bắt chiếc xe buýt vàng kia sớm hơn.
(Truyện đã đăng báo Áo Trắng số 15 ngày 15/8/2013)
“ Miền Trung,nắng to cô nhỉ? Cô bị nắng to hơn đấy. Tôi đổi chỗ cho.”
An cười. Đôi mắt nâu trầm còn nụ cười như trái táo còn tươi lấy ra từ tủ lạnh. Chúng gợi cho Sotaro một cảm giác thân quen lạ lùng.
“ Dạ không, em ưng ngồi gần cửa.”
Sotaro hiểu được đôi chút giọng Quảng. Bạn cùng phòng với gã hai năm trước là người Hội An. Lúc ngà say anh ta hay lèm bèm bằng giọng Quảng đặc sệt rằng anh ta có hai tình yêu:thứ nhất là em gái,thứ hai là kiến trúc cổ và nếu Satoro gặp em gái anh ta cũng sẽ yêu cô hơn nét xưa cũ của những ngôi nhà phương Đông trăm tuổi. Sotaro lúc ấy, chỉ cười khanh khách. Ba mươi tuổi,vẻ lãng tử trên khuôn mặt gã giống một phiến nước đá được đặt dưới ánh nắng, phản chiếu màu ngũ sắc_ đẹp nhưng tỏa ra hơi lạnh. Nhà cổ là cô gái huyền bí đầy quyến rũ mà gã đeo đuổi đến sắp hết một thời trẻ.
Gã định hỏi cô gái ngồi kế bên vài điều nhưng xe vừa khởi động cô đã ngã đầu sang cửa kính nhắm mắt ngủ vì cơn say xe. Một lát nữa ,đầu cô khẽ khàng dựa luôn lên vai gã. Sotaro mỉm cười vì tình huống “cổ điển” như phim truyền hình này. Gã nhẹ nhàng lót thêm một chiếc khăn bông lên bờ vai cứng ráp của mình. Chiếc buýt vàng chạy êm,vòng qua những đoạn cong trên con đường nắng tháng sáu.
Trong cơn say xe mơ màng, An thoảng nghe mùi thơm tựa hồ như tỏa ra từ gian nhà nhỏ nơi cô lớn lên.Mùi thơm quá vãng. Mùi ngai ngái của mái đòn tay những ngày mưa ướt rượt. Và mùi gỗ đàn hương ấm của chiếc cột nhà bên phải. An thấy mùa hè thơ bé, cô đứng trước sân nhà phả phất hương gỗ êm dịu, nhìn những sợi dăm bào xoắn tròn rơi đều đều từ chiếc bào trên tay ba. Năm đó, cái cột nhà bên phải được ba cô và những thợ mộc làng Kim Bồng cất công thay bằng gỗ đàn hương.
Chiếc xe buýt dừng ở trạm cuối. Cô gái trẻ tỉnh giấc nhìn Sotaro bối rối. Họ bị cuốn theo sự xáo động của hành khách xuống bến. Hai người trẻ ngượng ngập và vội vã. An vác ba lô lên vai, nhặt chiếc khăn bông đưa cho Sotaro vừa rối rít xin lỗi,cảm ơn lẫn lộn. Họ chia tay gấp gáp đến nỗi khả năng phản xạ tiếng Việt của Sotaro trong năm năm sống ở Việt Nam cũng không bắt kịp. Khi Sotaro vừa nói: “Không có gì đâu.”,gã đã trôi theo đoàn người chen chúc ra ngoài cửa xe. Những cuộc trò chuyện chóng vánh trên một chuyến xe buýt chưa phải là nhân duyên nhưng cũng gợi chút vui vui trong lòng.An xuống xe,đưa mắt nhìn cái dáng điệu ngơ ngác của Sotaro. Cô định giúp gã nhưng lại thôi. Thành phố này thật nhỏ bé để tìm một khách sạn ưng ý.
An về nhà. Cô quen chọn con đường dài nhất vòng vèo qua hết các ngõ phố , ngắm nhìn những mái ngói mùa hè cỏ mọc xanh mát như cái nhìn lâu và sâu vào đôi mắt người yêu. Nơi này tự thân nó là quá khứ, những lúc từ chốn khác trở về An càng hiểu rõ điều ấy hơn. Trái tim cô đang đập lại những nhịp xưa cũ mỗi lần rẽ vào từng con phố thân. Có một nhịp gợi về chiếc khăn bông thơm gỗ đàn hương ban nãy, nhưng ngay chính cô cũng không biết mình đang nghĩ về mùi hương ấy.
An bước qua cánh cổng đi vào ngôi nhà nơi mọi thứ đều như có màu nâu trầm trừ những tán cây trước sân và đám cỏ xanh mượt trên mái nhà. Giờ này, ông sẽ sang nhà hàng xóm chơi cờ tướng, ba và anh trai chắc sẽ cùng nấu bữa chiều trong bếp. Từ ngày mẹ mất năm An mười bốn tuổi, ba người họ đã chăm An luôn phần của mẹ, nuôi dạy cô bằng tính nữ họ tha thiết hồi tưởng lại từ người người phụ nữ họ yêu, và cả vụng về học của người đàn bà nhà bên cạnh. Mỗi năm qua đi An của họ đã lớn lên thành một thiếu nữ đẹp, thơm, dịu dàng như cánh hoa sứ trồng trước sân. Hoặc sự dịu dàng của cô là mối liên hệ phả chiếu vô hình từ mẹ.
An đi thẳng vào mở cửa phòng anh trai định ở đó nghỉ mệt một chút rồi sẽ xuống nhà dưới phụ việc bếp núc. Nhưng cánh cửa vừa hé ra đã vội đóng sầm.Sotaro đang lúi cúi treo áo quần lên móc cũng đứng hình. Nghe tiếng cửa đập mạnh anh trai An từ gian bếp sau chạy lên, hai kẻ bối rối như được cứu rỗi. Cả gã và cô đều giả vờ xa lạ ,chào hỏi nhau như những người lần đầu gặp gỡ. Trong bữa cơm tối, mặc Phong huyên thuyên giới thiệu với cả nhà về Sotaro, và tiếng cười phá lên của bốn người đàn ông khi Sotaro thử chào bằng giọng Quảng,An cứ thế gắp thức ăn cho vào chén mà chẳng biết anh trai nấu món gì.
Khi mọi người đã đi ngủ,ý nghĩ về Sotaro khiến An không chợp mắt được. “Sotaro. Yêu vẻ cổ kính của những ngôi nhà.Đến Hội An theo chương trình nghiên cứu trùng tu phố cổ.”An vẫn chưa dứt khỏi những ý nghĩ ấy khi cô rót một cốc nước lọc rồi đi thẳng ra sân. Trong ánh đèn mờ, An giật mình vì bóng người ngồi thu lu trên bậc tam cấp trước hiên. Nước chòng chành khỏi miệng ly, đổ ướt chân váy dài của cô. Là Sotaro. Gã ngồi nhìn khoảng sân với những tán cây phủ đầy ánh sáng bạc của vầng trăng, vừa gãi vết muỗi cắn. Điệu bộ trẻ con ấy khiến An buồn cười. Cô đi vào tủ lấy chai dầu chổi của ông ngoại đưa cho Sotaro.
“ Sotaro thoa cái này vào chỗ muỗi cắn sẽ hết đó.”
Gã ngước lên ngơ ngác như vẫn chưa hiểu điều An nói. Cô dúi chai dầu vào tay Sotaro vừa lặp lại câu nói ban nãy vừa ra hiệu. Sotaro mở nắp hít hà hơi dầu chổi có mùi hương rất lạ rồi mới chấm dầu vào vết muỗi đốt.
“ Mùi thơm của lọ này ấm thật, hơi giống với dầu gió nhỉ?”
“ Dạ, nó được làm ở địa phương, ông An dùng để xoa đầu gối những ngày trời mưa.” An ngồi xuống, uống một ngụm nước lọc, rồi đặt chiếc ly bên cạnh .
“Mùi nước hoa của anh Sotaro cũng thơm. Thơm y như cái cột nhà kia”. An đưa ngón tay nhỏ tròn, xinh xắn chỉ về phía cái cột nhà chính bên phải. “ Hồi An còn nhỏ, ba đã thay nó bằng gỗ đàn hương trong một lần sửa nhà. An thích mùi thơm ấy.” Cô cười, ánh trăng dìu dịu làm nụ cười ấy mát lành trong lòng Sotaro. Gã lung túng:
“ À, nước hoa nam mùi gỗ đấy. Là sandalwood. Tên tiếng Việt nghe hay nhỉ? đàn hương.” Sotaro lặp đi lặp lại tên gỗ như đứa trẻ học bài thuộc lòng. An lại cười đúng điệu cười giống trái táo xanh vừa lấy ra trong tủ lạnh. Họ chỉ nói với nhau chừng ấy, thứ còn lại là sự im lặng như ly nước lọc An đặt ở khoảng giữa hai người.Sotaro chống tay, ngồi hơi ngã người về phía sau. An vòng tay ôm trọn chân váy dài còn ướt nước phủ quanh gối. Vô tư lự. Cả hai không nói thêm gì chỉ nhìn ra khoảng sân sáng. Tiếng thở nhẹ đều.
Những ngày sau đó,An hiếm khi chạm mặt Sotaro. Gã đi cùng đoàn khảo sát mấy ngôi nhà cổ quanh phố. Những mẫu vẽ, những con số tỷ lệ chiếm trọn tâm trí gã. Có khi Sotaro ở lại với đoàn đến tối hôm sau mới trở về nhà An. Cô mỗi ngày đi chợ đều cố tình đạp xe chậm rãi vòng qua những dãy nhà cổ nơi Sotaro làm việc. An ghét sự mong ngóng như lúc này nhưng không cách nào niêm phong nỗi nhớ. Cô yêu anh bằng thứ tình yêu nhỏ nhắn, tươi đẹp như ngọn lá non tơ trong cơn mưa mùa hè, trời vẫn còn nắng hanh. Những ngày chủ nhật rực rỡ, An thường mặc chân váy dài đi lại, dọn dẹp trong nhà. Cô lén mở hờ cửa phòng anh trai để khối không khí thơm mùi gỗ đàn hương trong căn phòng ấy thoảng nhẹ khắp gian nhà. Ngôi nhà cổ thâm trầm bỗng mang một phong vị tươi trẻ khi có An. Cô đặt trên bệ cửa sổ lọ hoa cẩm tú cầu màu xanh như vừa xén một góc mây trời đem vào nhà. Sotaro, cái gã lạnh lùng và kỳ quặc kia lại trông mong được về nơi này vì những điều ấy. Gã đang thật sự biết yêu một cô gái, nhưng gã vụng về vô phương. Những ngày chủ nhật nắng đẹp, gã ngồi xem ông già chơi cờ tướng, thỉnh thoảng vờ ngẩng lên như tình cờ nhìn thấy An. Sotaro nghĩ khung cảnh về lọ cẩm tú cầu trên bậu cửa sổ và An bây giờ với chân váy dài màu xanh lá say sưa đọc một cuốn sách là khung cảnh của một ngày chủ nhật đẹp đẽ nhất từng ấy năm gã sống. Nhưng gã không có cách nào để diễn tả điều ấy với cô. Sotaro khắc kỷ, thâm trầm giống một ngôi nhà cổ. Những gã như thế thường bỏ lỡ một ngày chủ nhật đẹp trời vốn dành cho lời tỏ tình với cô gái mà gã yêu.
Một chủ nhật khác thời tiết thật tệ. Bão trái mùa. Bão tháng sáu. Nơi này hiếm khi có bão vào mùa hè. Dù đài báo chỉ là một cơn bão nhẹ nhưng ai trong khu nhà cổ cũng nơm nớp lo. Những người đàn ông không dùng sức mạnh của đôi bàn tay như đóng một cái đinh với những miếng ngói âm dương đã qua hơn trăm năm mưa bão, họ khẽ khàng dằn lại mái nhà. Sotaro cũng giúp một tay. Mưa nặng hạt. Gió thốc mạnh lên từng cơn, quét rào rạc qua từng nếp mái.Ông ngoại An ngồi trên phản nhâm nhi ly nước trà bình thản như đã cất giữ chốn này ở một nơi rất xa cơn bão, hoặc ở cái tuổi của ông mọi điều vốn bình thản và chậm rãi như chơi một ván cờ. An đi quanh nhà đặt thau chậu hứng nước mưa.Cô thương ba người đàn ông đang dầm mưa ngoài chái sau như thương đám cỏ xanh mướt mọc vươn khỏi mái nhà.
Sotaro bị vài miếng ngói rớt xuống đập vào vai, không đi theo ba và anh trai An phụ giúp những nhà khác được. Gã vào nhà, thay bộ đồ ướt sũng nước mưa rồi lấy trong ba lô ra miếng salonpas,ngồi ở góc bàn ăn với tay dán miếng thuốc lên lên vai khó nhọc. An nhẹ nhàng kéo chiếc ghế bên cạnh ngồi xuống. Đôi bàn tay như cây con của cô khẽ gỡ miếng salonpas, đắp ngay ngắn lại trên đôi vai rộng đang sưng đỏ của Sotaro.
- An khóc rồi ư?
- Đâu có.
- An nói dối dở tệ.
Như một điều tự nhiên, Sotaro đưa ngón tay cái quệt ngang dòng nước mắt trên má An.Gã lắng nghe từng từ phát ra từ đôi môi đẹp của cô: “ An thương nơi này, thương anh Sotaro. An sợ nơi này sẽ biến mất như có ngày, anh Sotaro sẽ đi khỏi đây.”
Ngay phút đó, Sotaro - cái gã lạnh như phiến nước đá đó ,lại có thể dịu dàng nói với một cô gái như thế này : “ Sotaro sẽ ở lại giữ nơi này cho em.”.Lần đầu tiên gã gọi An là em. Tiếng “em” trôi mềm trên môi Sotaro như thể trong vốn từ tiếng Việt của gã từ ấy được phát âm tròn đẹp nhất. Gã ôm lấy An bằng nửa vòng tay. Họ hôn nhau không ghì xiết, an lành như tiếng nước mưa nhỏ vào chiếc chậu kề bên. An nhắm mắt thoảng nghe trong hơi mưa mùi nồng mát của miếng salonpas quyện vào hương gỗ ấm. Còn Sotaro, gã đang nhớ đến những lời Phong nói ở một góc ban công mùa hè hai năm trước: “ Cậu hãy đến chỗ tớ và gặp con bé. Có thể, cậu cũng sẽ yêu con bé hơn cả những ngôi nhà cổ”. Đáng lý ra, lúc ấy gã không nên cười cao ngạo thế và nên bắt chiếc xe buýt vàng kia sớm hơn.
(Truyện đã đăng báo Áo Trắng số 15 ngày 15/8/2013)
Chỉnh sửa lần cuối: