Truyện ngắn Bảo tàng Chứng tích Mặt Trăng 741

Chanh30

Gà cận
Tham gia
13/8/18
Bài viết
999
Gạo
26,0
bảo tàng.jpg


***

“Nhớ đấy, đừng nói với ai. Xem nào, xem nào, rằm tháng giêng nó sẽ mở lại. Ngay trên đoạn Âu Cơ đang làm đường, mày rẽ vào ngõ số 74, ngách đầu tiên tay bên phải, đi một đoạn tới cửa sau nhà hàng thì dừng, khóa xe vào. Mày sẽ thấy nó ngay, nó như phát sáng vậy. Này, buồn cười nhỉ, tao cá mè một lứa với mày đấy à? Mẹ mày sắp chết mà mày còn không tin. Từng này tuổi đầu tao còn phải nói dối mày đấy.”

Tôi theo hướng đê đâm thẳng lên Âu Cơ. Theo lời mẹ dặn, tôi tìm thấy ngõ 74 nằm bên trái đường. Đầu ngõ là rặng tre lớn, mọc chèn cả vào cột điện. Có lẽ nó thuộc một phần của nhà hàng Hàn Quốc kiểu truyền thống sát cạnh đó. Tôi thả phanh cho con xe Cub xuống dốc, ngách đầu tiên mẹ có nhắc khó nhìn, nhất là đi tối. Tôi vòng đi vòng lại hai lần mới thấy nó nằm giữa rặng tre, biển hiệu cắm cọc quay lưng vào bên trong, chìa mặt nhôm ra ngoài. Chẳng biết ma nào làm đường, cũng không biết quỷ nào nghĩ ra cái trò trồng măng, trồng tre thế này. Bố tổ!

Đi càng sâu, xe càng ngày càng xóc nảy, tới độ dù trời tối mù tôi vẫn có thể cảm nhận rõ đồ lồi lõm của sỏi đá lẫn ổ gà. Chí ít ánh sáng hắt lại từ nhà hàng vẫn đủ để khiến tôi cảm thấy an tâm.

Thành thật tôi không tự nguyện đi, nếu không phải tại mẹ, không đời nào tôi vác xác ra khỏi nhà chỉ để đến nơi kiểu này. Tôi công nhận tôi chẳng ngoan ngoãn gì cho cam, nhưng tôi bướng một thì mẹ tôi phải gấp năm lần. Mẹ vừa cứng đầu vừa thích tin mấy thứ kỳ quặc. Ai gàn gì mẹ cũng mặc, việc tao, tao cứ làm, hậu quả thế nào thì bố con mày chịu.

Tắt máy, khóa càng khóa cổ xong xuôi, tôi khoác ba lô đi bộ vào sâu bên trong. Không có đèn đường, ánh sáng từ nhà hàng cũng đã tắt ngấm, tôi chỉ có thể dò dẫm bám sát tường ngõ. Sau đoạn cua, lờ mờ nhìn thấy có một tòa nhà lớn hắt sáng ở đằng xa. Đi bộ chừng hai trăm mét nữa, biển hiệu đèn led, cùng dàn dây điện hoành tráng nằm ở cuối đường bắt đầu đập vào mắt tôi.

“Bảo tàng Chứng tích Mặt trăng 741”.

Nó có thật.

Không những có thật mà còn “phát sáng” y những gì mẹ tôi đã nói.

Tôi thở dài nhìn biển hiệu lừa người trước mặt. Mình có nên quay trở lại xe và vờ như không tìm thấy hay không?

- Này! Cậu bạn… - Một bàn tay vỗ lên vai bên phải. - À… Cháu gái, cháu gái… Vào bảo tàng hả? Vào đi, vào đi.

Ông chú niềm nở đang nói chuyện với tôi có khuôn mặt dài, đường nét mũi miệng gồ về phía trước, răng trắng sáng đều chằn chặn. Chú ta cao và gầy nhẳng, mặc áo cổ cồn màu xanh nhạt. Chân có chạm đất. Không phải không tôi đã vào tư thế phòng vệ, đầu gối nhắm trúng mục tiêu, xác suất hụt là hai mươi phần trăm.

- Này, cái lão kia, làm cái trò gì đấy? Nhanh lên, bên trong còn đang thiếu người đây này.
- Đây đây. Đi giải quyết tí. Không phải bụi tre lại mất hứng lắm. - Chú nháy mắt cợt nhả với bác gái vừa gọi với từ trong, rồi quay lại nhìn tôi. - Cháu gái vào bảo tàng thì phải nhanh lên, đứng xếp hàng thì đến chết mệt đấy.

Tôi gật đầu dạ vâng trong khi chú vội vàng rời đi.

Thật lòng, lời khuyên của chú càng làm tôi muốn quành về.

Khu nhà trông không đáng tin lắm, dù bề ngoài sạch sẽ và tử tế. Mà đúng ra, tôi đã không tin ngay khi cái tên của nó thoát ra từ miệng mẹ tôi. Bố cục viện bảo tàng thuộc kiểu dạng quen thuộc: Rào sắt bao quanh phía ngoài, bên trong sân đỗ ô tô đối diện với tòa nhà chính hình chữ nhật. Tổng cộng có năm tầng, muốn lên khu này thì phải đi qua một lối bậc thang dài. Kiến trúc khá lạ mắt, cột trụ điêu khắc kiểu cổ điển chống xung quanh. Tuy thế, không khí yên ắng, chẳng thấy bóng người qua lại trong khi mới gần bảy giờ tối làm tôi nghĩ mình nên đi về. Tôi không thích phim phiêu lưu kinh dị, càng không muốn làm nhân vật chính thể loại phim như thế.

Một giọt nước rơi bên má. Tôi ngước mắt lên thì cơn mưa phùn đã dày hạt, phủ xuống lớp áo gió khoác ngoài. Cũng chẳng bất ngờ, ra Giêng thời tiết đều kiểu thế. Tôi kéo mũ trùm lên đầu lưỡng lự nhìn vào bóng tối sau lưng mình.

- Khà khà, thế mà tôi tưởng cô Hường nhầm. Cái ngách bé ti hin mà khu nhà to nhỉ?

Âm thanh ồn ào vọng từ con ngõ. Một đoàn người khá đông bất chợt tiến vào, các cô chú đều ở độ tuổi trung niên và đeo ba lô du lịch cỡ lớn. Tôi đứng nép sang nhường đường rồi lén đi theo phía cuối.

- Nhà hàng bên ngoài che khuất hết cả. Em cũng nghe người ta đồn thôi, cũng đã đến bao giờ.
- Đúng lạ đời. Chỉ mở hôm rằm, một tháng một lần, không vé vào cửa mà lại là bảo tàng tư nhân. Lỗ vốn chết.
- Gì? Lạ nhất phải là chuyện trưng bày cuộc đời.

Tôi đi theo bước qua cổng sắt phía ngoài, hướng tới khu nhà chính. Ngay dưới bậc thang dẫn lên, người ta dựng một tấm phướn quảng cáo cỡ lớn: “Triển lãm Cuộc Đời Tôi”.

- Dân giàu nó thế. Không có việc gì tiêu tiền nên đi mua chuyện thiên hạ. Ô, thế mấy cô chú có mang gì tới không?
- Dào ôi, mang gì… Chỉ có anh Kha Trọc mang gì thì tụi em xem thôi.
- Chậc. Chú Ân thì sao, nghĩ chuyện có thật không?
- Nói thế thôi anh, làm gì vận chuyển lên được Mặt Trăng.
- Khà khà… Phải nhỉ?

Một trong những lý do tôi không muốn đi bảo tàng này cũng vì không thể tin cách nó vận hành y như lời nhóm cô chú ấy nói.

***

- Con không đi đâu.
- Mày phải đi. - Mẹ tôi bắt đầu sưng sỉa.
- Kệ mẹ, con không đi đâu. Việc của mẹ, mẹ tự làm đi.

Tôi nhớ mình đã nhất quyết từ chối. Từ trước tới giờ chỉ có bố gọi tôi về để “dọn rác” còn lại cho mẹ. Tham gia cùng mẹ sẽ không được tích sự gì hết. Đó đã là chân lý được chứng minh bằng thực tiễn.

- Sao mà mày phải khó khăn thế nhỉ? Chỉ có mang đồ của tao đưa cho người ta, xong đi về. Bao nhiêu người đã thử rồi, có sao đâu. Rồi họ sẽ trưng bày đồ của tao trong một cái bảo tàng, mày có hiểu không? Nếu may mắn lại còn được chọn gửi lên Mặt Trăng nữa đấy. Mày đã thấy cơ hội như thế bao giờ chưa?
- Mẹ này, tỉnh táo lên mẹ. - Tôi kiên nhẫn lặp lại lần nữa. - Mình già rồi, nhưng chưa có lẫn. Chưa bao giờ có cơ hội như thế vì không đâu đẻ ra thứ phi lý vậy cả…
- Vớ vẩn. Tao thấy tin đăng đàng hoàng. Đây, đây, “Bảo tàng Chứng tích Mặt Trăng 741 thông báo triển lãm Cuộc Đời Tôi lần thứ 12. Nếu chúng tôi muốn trưng bày về cuộc đời bác thông qua một món đồ, thì bác sẽ lựa chọn vật dụng gì?” Ở dưới còn ghi rõ này: “Quyền lợi của người tham gia là được trưng bày các đồ vật quan trọng, thể hiện cuộc đời mình. Ngoài ra, ba mươi đồ vật duy nhất sẽ có cơ hội ký gửi lên Mặt Trăng theo quý. Trong thời gian ký gửi, để đảm bảo sự nguyên vẹn của mẫu trưng bày, chúng tôi cũng thực hiện cam kết bằng văn bản đối với quý vị”. Đó, mày thấy chưa? Người ta tử tế như thế.
- Không ai rảnh và đủ tiền để mang đồ lên Mặt Trăng cả. Mà mang lên Mặt Trăng thì cũng không được tích sự gì hết…
- Tao nuôi mày bao nhiêu năm nay, giờ nhờ mày có tí việc mà mày cũng không làm được. Không phải tao không đi nổi thì tao cần gì bảo mày. Mày chưa biết thương mẹ mày đâu. Rồi tao già cả, bệnh tật, ốm đau ra đấy…

Hai ngày sau đó, tôi giương cờ trắng đầu hàng.

***
Thành thật thì tôi nghĩ đây là một trò đùa của mẹ tôi.

Trong viện bảo tàng, rặt những người kỳ lạ!

“Hay nhỉ? Tự dưng lại có bảo tàng trưng bày về mình. Mà cậu đoán thử xem tôi đặt thứ gì?”. Chú dừng lại một chút. “Khà khà… Đoán thế nào được. Năm ngoái tôi ký gửi hai phần ba khúc ruột hỏng. Trần đời không ai được khúc ruột nào sức trâu như ruột tôi đâu nhé. Vứt mấy mét mà vẫn khỏe như vâm”. Mắt chú ta tít lại trong khi một tay vỗ vào trái bụng. “Nhiều rượu quá nên hỏng hết, bác sĩ bảo cắt thì cắt thôi. Nhưng giờ uống, tôi vẫn uống được lon rưỡi Sài Gòn. Ghê không? Chuyện thường! Muốn lấy mạng tôi thì ông giời lấy luôn từ hồi trong phòng cấp cứu năm trước rồi. Bác sĩ quen mặt tôi suốt. Khỏe! Không tin cậu lên tầng ba, nằm góc trong cùng phía này là ruột tôi đấy. Được ướp lạnh bảo quản đầy đủ lắm.”

“Này là tấm thiệp mình gửi bảo tàng năm kia”. Chị chỉ vào tấm postcard đầy dấu hôn lồng trong tủ kính. Ánh sáng đèn bên trong ngả vàng. “Của nhân tình thằng chồng gửi mình. Con bé nhờ đưa hộ cho người yêu nó, cũng là chồng mình. Năm ấy nhận xong mình cũng ly hôn luôn. Cậu xem, tính ra mình phải gửi lại nó ít son dưỡng, môi nó khô quá nhỉ?” Chị cười. “Cậu nghĩ nên gửi Vaseline hay Astrid?”

“Tau mua đôi vớ nề sau bỏ thai. Hồi nớ tau đi mần tận Liên Xô, một mình tau ở cái thôn đó mần thôi. Qua nớ thì tau có bầu. Cả bộ choa nít thì mắc điếng nên thôi rầu…” Bác thở khẽ một hơi. “Bây thấy mầu nề xênh không?”

Chừng này thì tôi nghĩ, ai cũng sẽ tin tôi không nói đùa về chuyện mẹ tôi muốn đùa tôi. Mà không chỉ từ con người, mấy món đồ… Nói thế nào nhỉ? Hơi âm u kinh dị, kỳ quặc đúng kiểu mẹ tôi thích. Còn với tôi mà nói, thành thật tôi hoàn toàn chịu chết khi cố ngấm cuộc triển lãm kiểu này. Tôi không hiểu nổi mấy thứ đó thì thể hiện cuộc đời người ta thế nào? Trừ vụ đó ra, trông viện bảo tàng hoàn toàn chấp nhận được, trái ngược với những gì tôi lo lắng trước đó.

Ngó ra khu gửi đồ nằm sát cửa vào vẫn chật cứng. Người vừa nãy đứng sau tôi cũng chưa tiến thêm bao nhiêu. Hai mươi phút rồi, tôi bấm điện thoại, tròn một vòng dạo hết tầng trệt. Mươi phút trước tôi có chờ để gửi đồ của mẹ nhưng nản lỏng nên đã bỏ đi, hàng người sớm đã dồn lên lấp đầy khoảng trống tôi để lại. Hóa ra nhiều người lại yêu thích dịch vụ kiểu này đến thế.

Ánh sáng xanh từ sảnh giữa lấp loáng dãy hộp kính lồng đồ vật xếp dọc theo lối tham quan. Đến chục người đi qua đi lại. Họ mặc quần áo tử tế, đủ đầu, tứ chi, mắt mũi bình thường, không có hình ảnh máu me, và quan trọng là toàn bộ chân đều chạm đất. Thật lòng, tôi khó mà tin được chuyện mà mình đang chứng kiến, vốn dĩ tính tôi đã không phải dạng dễ chấp nhận sự khác thường từ người khác rồi.

Tòa nhà chính rộng, năm dãy hành lang sáng đèn quây thành hình tròn, cùng nhìn xuống sảnh giữa. Hút mắt nhất là khối cầu màu xanh phát sáng nằm lơ lửng giữa không gian tầng hai và ba. Tôi có ngó qua thì có lẽ nó được làm bằng chất liệu nhẹ nào đó, rồi chỉnh màu, cuối cùng thì treo lên thông qua dây móc sắt nối với trần nhà. Từa tựa thiết kế đèn chùm. Trần kéo cao đến nóc, lợp một lớp kính, ánh trăng vừa hay chiếu qua tạo thành một thứ ánh sáng xanh dìu dịu. Điểm hay là chất liệu làm khối cầu tôi vẫn chưa hình dung ra, chất liệu phải trong suốt, sáng bóng, đủ để xuyên thấu, và được tạo vỏ ngoài theo kiểu viên kim cương.

Ngoại trừ người ký gửi đồ, mục đích người tới đây thăm quan triển lãm cũng là điều tôi tò mò. Những đồ vật được trưng bày hầu hết là những vật dụng cá nhân cũ, lâu lâu mới có một vài thứ khó xác định hình thù (như kiểu ruột của ông chú nọ). Không có chú thích ở toàn bộ hộp kính. Tôi đã thử nhìn chằm chằm chiếc đồng hồ đeo tay hết pin làm bằng da cổ, nổ hết một bên dây đeo liên tục trong năm phút đồng hồ. Ấy thế, tôi hoàn toàn chẳng có hình dung hay cảm thụ được bất cứ điều gì cả. Những người loanh quanh sảnh chính cũng trầm lặng, nhưng khác với vẻ vật vã của tôi, họ rơi vào một không gian nào đó mà tôi không sao chạm tới được. Có lẽ vì cách tôi trông họ chăm chú quá nên đôi khi vô tình họ đối mắt với tôi. Nhưng kể cả có thế, tôi chắc chắn, họ đang nhìn mà không hề thấy tôi. Tiêu điểm mắt đã lạc đi đâu đó.

Đoàn người khi nãy cũng tản thành hai nhóm nhỏ hơn, một nhóm những người ở lại gửi đồ, còn một nhóm thì thăm thú xung quanh. Chuyện buồn cười là những người chối đây đẩy lại là những người có đồ mang theo. Tôi lên trên các tầng xem một lượt, ngoại trừ tầng bốn, tầng năm đóng cửa thì ba tầng lầu còn lại cũng không khác gì tầng trệt, chỉ có điều thưa người hơn.

Tôi trở lại chiếc ghế dựa nghỉ chân ở dưới tầng một, quyết định xếp hàng hoàn thành nốt việc cho mẹ rồi đi về.

Vậy là đủ rồi.

***

- Thế tại sao mà mẹ mày cứ nằng nặc đòi phải gửi ở đó?
- Ừ đấy, tao cũng chẳng hiểu nổi mẹ tao.
- Mày hỏi chưa? Bác bảo gì?

Tôi tư lự nhìn con bạn thân lắc đầu.

- Không nói đâu.
- Mày đã hỏi chưa đã.
- Chưa. Nhưng tao biết thừa mẹ tao. Mẹ tao không nói đâu. Hoặc là… - Tôi nheo mắt. - Lại lải nhải ỉ ôi mấy lý do vớ va vớ vẩn.

***
Lúc này thay vì bốn bàn ký gửi như trước, thì bên tổ chức triển lãm đã đặt thêm tám bàn để phục vụ cho kịp người. Nhờ đó, chẳng mấy chốc đã đến lượt của tôi.

- À, cháu gái khi nãy… - Chú mà tôi gặp ngoài bảo tàng cười cười niềm nở.

Tôi gật đầu nhỏ giọng đáp lại. Ra chú thuộc ban quản lý viện bảo tàng. Vốn từ đầu tôi đứng ở hàng bên cạnh, nhưng thấy hàng này ngắn hơn nên chuyển sang, thế nào lại va phải bàn của chú.
- Ngồi đi.

Chú chỉ vào chiếc ghế dựa, lật một tờ giấy trắng mới, chờ tôi yên vị.

- Tới gửi đồ cho ai hả?
- Dạ. Cháu gửi cho mẹ.
- Họ tên mẹ cháu là gì?
- Lê Minh Giang ạ.
- Họ tên cháu?
- Trần Lê Khánh ạ.
- Cho chú xin căn cước một lát.

Tôi lục đục chuyển ba lô lên đằng trước để tiện lấy đồ. Nghiêm túc đến vậy ư? Tôi vừa mò mẫm vừa thắc mắc mà không dám hỏi. Hàng người phía sau đứng đợi khiến tôi có chút sốt ruột theo. Cảm giác như đang có chục đôi mắt nhìn về phía tôi. Tôi hơi khom người, cố che cho ba lô khỏi hở để lộ đồ bên trong. Không hiểu sao, tôi cứ có suy nghĩ mình đang mặc đồ thiếu vải thế nào.

- Ồ, được rồi. Cháu có số điện thoại chứ?
- À có ạ.

Chú ghi rất nhanh, nhưng không làm con số méo mó và vẹo vọ.

- Từ bây giờ cháu sẽ là bên đại diện ký thác với bên chú, thay mặt cho mẹ cháu. Các vấn đề về mẫu vật chú cũng sẽ liên hệ làm việc với cháu. Nếu cháu có nhu cầu ký gửi lên Mặt Trăng phù hợp với tiêu chí bên chú thì có gì chú sẽ gọi điện và gặp mặt ở buổi khác sau.
- Dạ vâng.
- Vậy thì cháu ký vào tờ giấy chứng nhận người đại diện trước nhé.

Giấy in là giấy loại dày, in mực xanh thay vì mực đen. Tôi đọc qua một lượt. Không có gì bất thường, chỉ là tờ giấy chứng nhận gồm các lời hứa cam kết, thông tin của tôi và của mẹ. Trong lúc đó, chú đã bắt đầu chuyển sang một văn bản mới. Tôi lập bập kéo bút cắm trên bàn để ký.

- Tiếp theo là hợp đồng cam kết. Chú có thể xem đồ vật cháu mang tới được không nhỉ?
- À vâng.

Tôi cố làm vẻ vẫn bình tĩnh khi cúi xuống mở ba lô. Tai đã sớm đỏ nhừ. Tiếng nilon loạt soạt mở ra, lẫn trong âm thanh bấm bút sốt ruột của chú. Chiếc hũ nhỏ, độ dài bằng gang tay, làm từ sứ trắng trơn, để tránh rơi vỡ do xóc tôi đã buộc trong túi đen, lèn chặt thêm giấy báo. Âm thanh đồ sứ chạm lên mặt bàn gỗ “cạch” một tiếng. Chiếc hũ không nặng nhưng tay tôi đã rã rời cả.

- Đây là hũ cốt của mẹ cháu.

***

Mẹ tôi mất tháng Giêng năm ngoái. Cũng dặn tôi đem ký gửi suốt những lúc mẹ còn tỉnh táo. Cơn đau làm mẹ tôi biến dạng trong ba tháng cuối cuộc đời. Giấy xét nghiệm báo là u não giai đoạn cuối. Bố và tôi vẫn gom đủ tiền để làm một cuộc phẫu thuật trước khi mẹ mất năm ngày. Mẹ đã yếu rồi. Cuộc phẫu thuật vốn dĩ đã không có nhiều xác suất thành công.

“Hai mươi phần trăm”, bác sĩ bảo vậy.

Tôi lén đổi hũ cốt sau khi mẹ hỏa thiêu ở nhà tang lễ theo lời mẹ dặn. Bố và tôi chẳng khóc nhiều. Tôi nhớ chỉ lúc nhập quan và gọi hồn vía mẹ về, thì tôi không chịu được. Những âm thanh ê a kéo trùng tâm trạng tôi xuống. Tôi biết mẹ sẽ mất. Tôi đã chuẩn bị được ba tháng rồi. Tôi vốn không muốn hình dung cuối cùng về mẹ lại là những ngày tháng cáu bẳn, không thể tự đi vệ sinh, nằm liệt trên giường đờ đẫn, hay khóc lóc ỉ ôi trong những cơn đau hành hạ mà tôi sẽ không, và chắc chắn không thể nào hiểu được. Hoặc là bộ dạng gầy gò và tái nhợt trong quan tài kiểu này.

Mẹ tôi không phải là người như thế.

Mẹ tôi là một bà mẹ tốt, và cũng giống như nhiều bà mẹ khác, trừ những lúc tốt thì mẹ không tốt. Mẹ nấu món cá kho riềng không ai bì lại. Mẹ pha nước cam và lải nhải việc tôi không thích ăn hoa quả xấu cỡ nào. Tôi vẫn còn lưu ảnh mẹ trong một chuyến đi chơi ở Đà Lạt. Mẹ thích hoa, không phải ngày lễ mẹ cũng sẽ mua hoa về cắm. Tôi nghĩ nếu mẹ ở trên trời, người ta sẽ phân mẹ vào làm công việc chăm sóc vườn tược. Đó là ước mơ mà mẹ nói suốt. “Tao muốn một căn nhà ngoại thành, có vườn để trồng cây cối. Mỗi tháng mày chỉ cần đưa tao năm triệu với lương hưu bố mày là tao nhàn.”

Mẹ chắc đã đạt được điều đó dù không cần nhờ tôi và bố. Còn tôi thì thành đứa mất mẹ.

Mẹ vui chứ?

Tôi không hoàn thành nốt việc mẹ nhờ. Giả vờ bận rộn học hành suốt năm để quên mất hũ cốt đặt trên bàn làm việc trong phòng tôi ở nhà mẹ. Suốt từ đó cũng ít khi nào tôi gặp lại bố. Thực tế trước đấy nếu không phải vì những “phi vụ” cho vay, buôn đồ của mẹ, thì chẳng khi nào tôi thật sự đặt chân về nhà, tôi ở chung căn hộ thuê với đứa bạn với lý do gần trường. Tôi không ở cạnh mẹ nhiều, vậy nên giờ tôi muốn bù đắp phải không? Đôi khi bố gọi, cuộc trò chuyện đứt quãng và ngại ngùng. Chúng tôi không muốn chạm tới niềm đau cũ. Ai cũng lớn cả rồi, ai cũng phải biết mình cần vượt qua, ai cũng biết phải cố gắng lên chứ, cuộc đời còn nhiều thứ đáng sống lắm, sao cứ đau đáu mãi chuyện xưa làm gì.

Ừ, phải cố gắng lên chứ, đó là chuyện chẳng ai mong muốn cả. Chẳng ai mong muốn tôi là đứa mất mẹ, phải không?

***
Chú nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại. Tôi xua tay, nói dăm câu khách sáo. Tôi ghét những cái nhìn như thế. Người đằng sau xem chừng đã thôi tỏ ý sốt ruột. Tôi ghét sự đặc cách này. Ghét cả cái vẻ thương cảm và bất lực trong mắt người ta nhìn mình.

Ai mà chẳng sống rồi chết. Tôi đã chuẩn bị trước tâm lý khi mẹ tôi ra đi rồi mà. Tôi hoàn toàn bình thường, không phải sao?

Mọi sự kề đó đều nhanh hơn dự kiến. Tôi đọc hợp đồng cam kết và ký giấy. Thực tế chẳng có chữ nào vào đầu sau khi tôi đặt hũ cốt của mẹ lên mặt bàn. Không lo lắng rằng liệu mình có bị lừa hay không, hay đồ có bị gửi lên Mặt Trăng thật? Tôi cũng chẳng kịp nghĩ người ta bảo quản hũ cốt thế nào, hoặc nhỡ xảy ra việc gì thì chuyện bồi thường sẽ ra sao. Tôi cúi gằm mặt và lật thật nhanh sang trang giấy thứ hai để điền tên mình vào ô trống. Tôi muốn đi về, tôi nghĩ mình không thể giữ bình tĩnh thêm được một phút giây nào nữa nếu còn tiếp tục ở đây.

Tiếng bút gằn trên trang giấy. Tiếng âm thanh bước chân của hàng bên cạnh. Tôi thấy mình cố ký tên nhưng bút không sao ra mực. Tôi dằn mạnh, ấy thế chỉ có những nét nguệch ngoạc vô hình. Tưởng như một âm thanh nào nằm sâu trong ngực tôi vỡ ra gào thét. Tai, cổ tôi nóng bừng bừng.

Một dòng chữ in nghiêng nằm cuối mục quyền lợi người tham gia vô tình đập vào mắt tôi:

“Tất cả rồi sẽ biến mất, chỉ còn tình yêu ở lại.”

Tôi gục đầu xuống, thấy âm thanh nức nở trong ngực bao trọn lấy mình.

***

Tối hôm mẹ mất, tôi đã không ở lại bệnh viện để nhìn mẹ trút hơi thở cuối cùng.

***

Bước ra khỏi bảo tàng là chín giờ tối.

Tôi lần theo con ngõ nhỏ, ba lô đã nhẹ bẫng, xuyên qua rặng tre, tìm đến con Cub quen thuộc. Tiếng khóa chữ U kêu lạch cạch trong bóng tối. Tôi dắt xe, đi ngược trở lại đường Âu Cơ.

Gió thổi vù vù theo cơn âm ẩm nửa mùa. Dòng người chẳng hiểu sao cứ nhòe nhoẹt trong ánh sáng đèn đường đêm. Chắc vì mưa bám lên mắt kính.

Bóng ngà vẫn đi theo tôi mặc trời âm u mây mù, tôi nhìn lên ánh trăng, giả vờ như không nghĩ gì về mẹ.

***

P/s: Hiếm hoi có một bài đem đi thi mà mình ưng thế này :> Bản này là bản đã sửa, bản chưa sửa thì tồi hơn xíu :> Mình viết gần như trong tình trạng muốn tặng một người mà mình không còn duyên nữa.
 
Bên trên