(Có sách mà vẫn mượn tạm ảnh bìa.)
MỸ NỮ HẠT BUỒN
Thi thoảng trước đây, mỗi bận hoàng hôn đỏ cam buông xuống, tôi tìm đến biển. Không phải để bơi, tôi không biết bơi, mà làm những trò rất con gái: tóc xõa luồn trong gió, tai nghe biển hát thì thầm, chân lún sâu ở nơi cát và sóng quấn mình vào nhau. Nỗi u sầu thiếu nữ chẳng dịu đi nhưng tôi luôn cảm thấy được là chính mình.
Biển là như thế, không ồn ã nhưng thấu hiểu.
Biển của John Banville lại không thế.
Nàng buồn. Nàng đẹp. Hai vẻ hòa quyện đó đọng lại trong tôi khi Banville đưa chu du xuống biển câu tả toàn mỹ, sau lần gần đây được Kertész Imre dắt dạo sâu trong rừng câu dài miên man.
Thế nào đó sẽ có bạn bĩu môi với văn phong hoa mỹ của Banville. Có thể bạn đúng bởi thứ gì nhiều quá cũng khiến ta quên từng rỏ dãi thèm thuồng. Nhưng tôi thì không. Tôi vẫn sẽ đói khát mỹ từ cho đến khi nào chính tôi cũng xào nấu ra được nhiều chúng. Tựa như, tôi vốn hay viết dài dòng rồi nên khá ngán ngẩm (mặc dù vẫn rất khâm phục) Imre với câu dài lê thê trong Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời.
Giờ rẽ bất kỳ một con sóng trang trên Biển, tôi khó lòng nhặt được một câu kể tẻ nhạt và khô cứng. Banville là một kình ngư khi bơi qua lớp lớp sóng biển câu tả mà không đuối sức hay vấp phải một câu kể nào. Làm sao cừ được như vậy ư? Tôi đi dọc Biển và thấy ông rải đều am hiểu hội họa như tia nắng rơi rớt trên mặt biển tạo vô số sao sáng lấp lánh nên không ngạc nhiên với điều này.
Hạnh phúc thủa ấu thơ rất khác. Lúc ấy nó chỉ đơn giản là chuyện tích lũy, chuyện nhặt nhạnh những trải nghiệm mới, những xúc cảm mới và gắn chúng như những viên gạch lát bóng loáng lên cái sau này sẽ là tòa lầu hoàn chỉnh kỳ diệu của bản ngã. (Trích trang 178)
Quả thật cô to lớn một cách thần đồng. Tôi nghĩ nếu cái khóa cài hỏng và dây đai lưng ấy tuột mất, thân hình cô sẽ bung ra thành một hình cầu hoàn hảo với cái đầu cắm ở trên như một quả anh đào cắm trên một bánh tròn làm bằng đường. (Trích trang 245)
Biển là danh họa trong nghệ thuật văn chương. Từng con sóng chữ, từng con sóng trang đều vẽ lên trong trí tưởng tượng của tôi những khung tranh sống động tuyệt mỹ. Của bất hạnh. Của đau thương. Khả năng đặc tả của Banville là linh hồn cứu rỗi tác phẩm khỏi vẻ u buồn của hiện thực và quá vãng, như lời tựa đã viết, chính kỷ niệm đã cứu rỗi Max Morden khi Chúa Trời không ở cạnh ông.
Biển làm tôi nhớ Nàng Anna xanh xao của Heinrich Böll quá đỗi! Đẹp đó mà như gần như xa. Buồn đó mà như ẩn như hiện.
Max vẫy vùng trong muôn trùng lớp sóng cảm xúc ngắt quãng theo dòng trí nhớ đi đi về về không liền mạch giữa quá khứ và hiện tại. Đó là bất hạnh của tuổi thơ không màu yêu thương. Đó là lầm lỗi của dục vọng chớm nở. Đó là ám ảnh của những cái chết trẻ và cả rất trẻ...
Tôi tò mò suy nghĩ của Max khi quyết định quay về vùng biển ấy, nơi nhìn đâu cũng thấy toàn những vụn ký ức buồn vời vợi. Phải chăng để tìm lại bản ngã ông thường xuyên nhắc tới suốt chuyến đi? Là ông cũng giống như tôi đã từng, chỉ muốn về với cuộc sống dành cho mình?
Tôi hoài nghi về biến cố nhà Grace. Chloe là cô bé phản nghịch, Myles là cậu bé lập dị, làm sao để chấp nhận đó là một lựa chọn? Vậy là tai nạn ập đến do tâm tình dậy sóng khi sải cánh tay dưới con nước? Số phận đó của hai đứa trẻ sinh đôi cứ như cái phao cứu sinh bị xì hơi trong cuộc đời Max, là nguồn sống một thời nay là nỗi ám ảnh dai dẳng.
Biển là vô số hạt buồn thiếu liên kết, còn đó những kẽ hở khuyết lời đáp.
Không biết những vẻ đẹp tươi tắn thì mê ly đến độ nào nhưng đẹp mà buồn luôn khiến tôi bị hút mắt nhìn. Không biết những quyển sách giải thích hết ngọn ngành mọi khúc mắc thì được độc giả ồ à bao nhiêu lần nhưng Biển với những hạt buồn rời rạc được lấp đầy giữa những lời văn đẹp đẽ nhường thế đã khiến tôi phải ôi vô số lần.
Biển của John Banville là như thế, nàng đẹp mà buồn.
Biển, mỹ nữ hạt buồn!
* * *
Những linh tinh này là tất cả cảm thụ của tôi về Biển. Nhưng mỹ nữ thì cũng có khuyết điểm. Nàng đeo trên mình không ít lỗi chính tả, làm bản thân xấu đi dưới con mắt của những độc giả khó tính. Không sao. Nàng sẽ được tái bản với một diện mạo mới đeo ít (hoặc tốt hơn là không đeo) trang sức chính tả.
Tác phẩm: Biển
Tác giả: John Banville
Dịch giả: Trịnh Lữ
Kích thước: 12 x 20 cm
Số trang: 326
Xuất bản: NXB Văn Học, Cty Nhã Nam
Năm xuất bản: 2007
Tác giả: John Banville
Dịch giả: Trịnh Lữ
Kích thước: 12 x 20 cm
Số trang: 326
Xuất bản: NXB Văn Học, Cty Nhã Nam
Năm xuất bản: 2007
Chỉnh sửa lần cuối: