Biên niên sử xứ Rồng Tiên
Chương 3
Đời Hùng Vương thứ sáu, năm thứ ba, nửa năm đầu trời hạn lớn, nửa năm sau lũ nặng. Vào một đêm tháng tám trời ken mây dày đặc, bỗng có một tia sáng xẹt ngang trời rớt xuống phương nam. Quan Lang bấm đốt ngón tay đoán đó là điềm giặc giã, bèn báo lại cho nhà vua. Vua lấy làm lo lắng lắm.
Sang mùa xuân năm sau, đương lúc khí trời ấm áp, muôn hoa đua nở, giặc Phương Bắc tụ lại rất đông kéo xuống theo lối sông Hồng đánh vào vùng quan ải. Lối đó thuộc về bộ Tân Hưng. Thế giặc tràn đến như lũ, quân ta chống không được, quẳng giáo mà chạy. Thành ra thành quách bị hạ như rạ. Giặc Bắc thừa thế ùa xuống đánh chiếm trọn Tân Hưng bộ, càng ngày càng tới gần kinh đô. Tin bại trận truyền về triều như mưa sa, thế mất nước càng lúc càng rõ.
Vua hội các quan bàn chuyện chống giặc. Quan Lang luận rằng binh lực nước ta hẵng còn yếu ớt lắm, tổ chức còn sơ sài lắm, quân số còn ít ỏi lắm. Vậy xin vua truyền lệnh khắp đất nước dỗ dân chúng đầu quân, nhất là chiêu dụ người tài ra cứu nước. Ai lập được công tất sẽ ban thưởng.
Vua nghe lời tấu, bèn lập đàn tế trời trên đỉnh Lạc Thiên gần kinh đô. Đang lúc tế thì trên trời hiện ra một quầng sáng lớn mang hình chim Lạc. Quan Lang bàn rằng chim Lạc là vật tổ của dân Việt, nay hiện ra đó là điềm có người trời xuống giúp. Sau lễ vua xuống chiếu cứu nước sai sứ giả phát đi toàn cõi. Dân chúng nghe lời hiệu triệu quy tụ dưới trướng vua đông như kiến cỏ. Chẳng bao lâu sau một sứ giả truyền tin về nói rằng làng Phù Đổng ở bộ Vũ Ninh có người tài, xin được ra giúp nước. Người tài đó lập tức được đưa vào điện diện kiến vua. Đó là một thanh niên tướng tá phi phàm, cao lớn khác người, thần thái uy phong dũng mãnh, chẳng khác hổ báo chốn Hùng lâm. Quan Lang nhìn thấy liền cúi đầu nói: “Thần tướng từ trời giáng hạ giúp nước Văn Lang, thật là phúc cho muôn dân.”
Tướng nhà trời yêu cầu được cấp cho một con ngựa sắt, một bộ giáp sắt và một thanh gươm báu. Vua gấp rút sai người chuẩn bị, xong đích thân ngự ban rồi phong cho làm Tổng Binh. Giữa lúc ấy thì giặc Bắc đã chiếm xong bộ Tân Hưng, hiện đã kéo vào bộ Giao Chỉ.
Tổng Binh cưỡi ngựa thống lĩnh ba quân lập tức lên đường cự địch. Đích thân vua cũng thân chinh ra trận, giục lòng quân lính. Ai nấy hăng hái lắm vì biết có tướng nhà trời xuống giúp, lại có vua theo cùng.
Hai quân giáp mặt nhau tại bộ Giao Chỉ rồi ùa vào giao chiến. Tổng Binh cưỡi ngựa sắt phun ra lửa tả xung hữu đột giữa quân thù, khí thế như đốt rạ. Quân Bắc trông thấy vị thần ấy thì hoảng sợ lắm, giày xéo lên nhau mà chạy về phương bắc. Quân ta thừa thế đuổi theo cho đến tận quan ải mới quay trở về.
Diệt xong quân xâm lăng, Tổng Binh trả lại áo giáp và gươm báu cho vua, chỉ xin giữ lại con ngựa sắt. Rồi ngài nói rằng: “Thế giặc đã tan, đã đến lúc ta phải về trời, xin nhà vua từ nay về sau đem hết sức mình mà chăm lo cho dân chúng.”
Vua tôi lạy tạ mãi không thôi. Tổng Binh lại nói: “Chẳng hay nhà vua cùng Quan Lang có thể tiễn ta một chặng đường chăng?”
Vậy vua và Quan Lang tiễn Tổng Binh đến núi Sóc Hùng thì dừng. Tại đây Tổng Binh phán rằng: “Trong Thiên Thư đã định sẵn bờ cõi các quốc gia, qua thời gian dần sẽ ổn định. Theo đó sẽ không có bất cứ một quốc gia nào, một dân tộc nào có thể dựa vào sức mạnh loài người để tru diệt, để xóa bỏ một quốc gia khác mà danh tính đã được ghi vào Thiên Thư. Nước Văn Lang tuy là nước nhỏ, nhưng bờ cõi cư trú đã được định sẵn từ nay cho đến ngàn sau, không kẻ nào có thể tiêu diệt. Cố ý làm như thế là nghịch lại Thiên Mệnh.
Tuy nói như thế, nhưng bản thân các người, và con cháu các người về sau phải chung lòng giữ nước, phải thuận theo ý trời, phải thương dân như con, bằng không, lòng Trời không dung. Ta nay ban cho các người hai bảo vật. Thứ nhất là Quyển Sổ Đế Vương, ta trao cho Quan Lang, và dòng dõi nhà ngươi đời đời nắm giữ, sử dụng nó thế nào về sau ngươi sẽ rõ. Thứ hai là Bia Trời, trên đây ghi khắc lãnh thổ đất nước mà dân tộc các người sẽ cư ngụ cho đến ngàn sau. Hãy dựng một ngôi đền thờ bia, để từ rày về sau có kẻ ngoại xâm nào muốn thôn tính đất nước này, sẽ thấy bia mà nghĩ đến mệnh trời.”
Vị Tổng Binh nói tới đó thì thúc ngựa hí vang, thần mã phun ra một tràng lửa lớn mù mịt không trung rồi cất vó bay thẳng lên trời. Trên mặt đất hiện ra hai vật: một cuốn sổ và một tấm bia đá lớn. Vua và quan chia nhau giữ hai vật ấy theo lời thần đã dặn, rồi quay trở về điện.
Toàn thể đoạn văn là như vậy. Tôi nghe xong mà ngơ hết cả người, không biết phải hiểu câu chuyện này thế nào. Nhân vật chính trong truyện rõ ràng là Thánh Gióng vô cùng quen thuộc với tôi và với tất cả những người Việt Nam, nhưng không hiểu sao lại có phiên bản Thánh Gióng lạ lùng đến như thế này.
Ả Đặng gấp sách lại. Ánh mắt nàng thoáng một chút buồn rất mờ nhạt nhưng rồi tan biến ngay. Nàng nở nụ cười nói: “Chắc Nam cũng biết nhân vật trong đoạn văn này là ai rồi chứ.”
Tôi gật đầu xác nhận, nàng tiếp, với một giọng chắc nịch: “Và điều trước tiên Ả Đặng phải khẳng định rõ ràng với Nam, rằng đây không phải là truyện cổ tích, không phải là thần thoại, không phải là truyền thuyết, mà đây là chính sử, là sự thật lịch sử một trăm phần trăm, được viết ngay sau khi sự kiện xảy ra, do chính nhân vật Quan Lang mà Nam vừa nghe. Và Quan Lang đó chính là tổ phụ của dòng họ nhà Ả Đặng, là dòng họ đã được chỉ định sẽ kế tục nhau nắm giữ Quyển Sổ Đế Vương cho đến muôn đời.”
Thần thái của Ả Đặng khi nói ra những lời này vô cùng trịnh trọng và nghiêm trang đến nỗi tôi không dám nghi ngờ rằng nàng ta đang nói luyên thuyên. Nhưng quả thật trong lòng tôi vẫn khó mà chấp nhận được “sự thật lịch sử” bất ngờ và hoành tráng này, mà tôi nghĩ ai trong hoàn cảnh tôi cũng sẽ vậy cả thôi. Nhưng mãi cho đến sau này tôi mới biết rằng, “sự thật lịch sử” mà Ả Đặng vừa khẳng định đó còn vĩ đại hơn nhiều, còn choáng ngợp hơn nhiều.
Lại nghe Ả Đặng nói tiếp: “Nam hãy tin, và phải tin, vì đây là sự thật chẳng có gì dối trá, như thế chúng ta mới có thể nói tiếp những chuyện phía sau được. Còn nếu Nam thấy mọi thứ hoang đường thì Nam đi về được rồi.”
Tôi cảm thấy khá lúng túng trước sự quyết liệt của nàng, nhưng kiểu gì thì kiểu tôi cũng không về đâu. Tôi mơ hồ cảm thấy sự có mặt của tôi hôm nay, câu chuyện của Ả Đặng hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên, nó nhất định mang một mục đích và một ý nghĩa gì đó do ai đã trù bị sẵn. Tức là vẫn còn rất nhiều điều ẩn giấu phía sau. Nhưng trên hết, tôi đang hết sức tò mò.
Vậy nên tôi bèn đáp: “Nam không phủ nhận những gì Ả Đặng nói, và Nam cũng sẽ tin, nhưng hãy cho Nam thời gian để hiểu rõ hơn trước khi tin.”
Câu trả lời đó tuy có vẻ không đúng như ý Ả Đặng muốn nhưng hình như cũng làm cho nàng ta hài lòng.
“Vậy tiếp theo thế nào?” Tôi quay lại đề tài chính. “Quyển Số Đế Vương đó gia đình Ả Đặng vẫn còn giữ chứ, và tấm Bia Trời kia thì sau đó ra sao?”
“Tất nhiên là nhà Ả Đặng vẫn giữ nó, vì nó vẫn còn phải được viết tiếp.” Nàng ta nói. “Trong cuốn số đó ghi tên tất cả các vị vua và các vị sẽ lãnh đạo Đại Việt. Nhưng cái hay của nó là tên của họ được viết trước khi họ lên làm vua nhiều năm. Nam hiểu Ả Đặng đang nói gì không?”
Tôi gật đầu nói: “Ý của Ả Đặng đó là một cuốn sổ tiên tri ư?”
“Không hẳn vậy!” Nàng phủ nhận. “Nó là một cuốn sổ định mệnh. Mỗi khi đến thời điểm thay triều đổi đại, trong cuốn sổ ấy sẽ hiện ra tên vị vua kế tiếp. Nhiệm vụ của dòng dõi Ả Đặng chính là đi tìm vị vua này để phò trợ.”
“Ờ Nam hiểu rồi.” Tôi nén những hoài nghi trong lòng mình đáp. “Nhưng hiểu thì hiểu vậy thôi, còn cụ thể thế nào Nam cũng khó hình dung lắm. Thế còn Bia Trời. Tấm bia ấy thế nào, và giờ nó ra sao rồi.”
“Đây chính là điều quan trọng nhất.” Ả Đặng hạ giọng tỏ ý kín đáo. “Sau khi nhận được Bia Trời, vua Hùng lập tức lập một ngôi đền để thờ bia như lời Tổng Binh dạy. Đền thờ bia về các đời sau này như nhà Lý, nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Lê lần lượt chuyển đổi vị trí và xây cho to hơn. Nhưng rốt cuộc lai lịch của Bia Trời cũng bị giặc Phương Bắc biết được. Chúng tràn quân sang nước ta, phá đổ đền thờ bia rồi đem bia chôn sâu xuống lòng đất ở một vị trí vĩnh viễn bị lãng quên. Ý đồ của chúng là muốn đất nước chúng ta mất đi sự liên kết với Trời, mất đi sự bảo hộ. Kể từ đó loạn lạc triền miên ụp xuống dân ta. Các vị vua kế tiếp nhau không ngừng cho người tìm kiếm tung tích Bia Trời nhưng đều không thành công.”
Tôi bắt đầu mơ hồ đoán ra được điều Ả Đặng sắp nói, đó rất có thể sẽ là một tin trọng đại với tôi, tất nhiên là nếu tấm Bia Trời kia có thật, và những câu chuyện liên quan tới nó cũng có thật. Thay vì đặt câu hỏi tôi im lặng nghe Ả Đặng nói tiếp.
“Các đời Quan Lang nhà Ả Đặng cũng rất trăn trở vì để mất đi Bia Trời, cũng không ngừng mày mò tìm kiếm tung tích của nó. Cho đến gần đây, Quan Lang kỉ Cận Đại, truy lùng toàn bộ lịch sử Việt Nam, đã có thể phác họa được một bức tranh đầy đủ về hành trình của Bia Trời.”
“Hành trình của Bia Trời ư!” Tôi thốt lên vì không hiểu rõ lắm ý nghĩa của cụm từ này. “Chẳng lẽ tấm bia trời đã bị giặc Phương Bắc chôn xuống dưới lòng đất kia lại có thể tự di chuyển từ nơi này đến nơi khác hay sao?”
“Đúng như vậy!” Ả Đặng khẳng định chắc nịch. “Bọn chúng không chỉ đơn giản chôn xuống là xong, nhưng luôn luôn thay đổi vị trí chôn giấu. Và công việc này do một dòng họ phương ấy đảm nhiệm. Các đời nối kết nhau của dòng họ này đến thời điểm đã định sẽ bí mật đào tấm bia ấy lên để đem chôn ở một nơi khác.”
“Ghê ghớm thật!” Tôi quá đỗi ngạc nhiên. “Bọn chúng thật nham hiểm. Thế rồi sao?” Câu hỏi thế rồi sao này của tôi quả thật rất mơ hồ, nhưng tôi không thể đặt được một câu hỏi nào rõ ràng hơn.
Ả Đặng tiếp tục giải thích: “Cách chôn giấu của họ không hề ngẫu nhiên nhưng tuân theo những quy luật mà Quan Lang nhà Ả Đặng đã phát hiện ra. Việc của chúng ta chính là phải dựa vào những quy luật này tìm cho ra tấm bia ấy.”
Tôi gật đầu lia lịa đồng ý nói: “Phải, phải lắm! Chúng ta phải tìm cho ra tấm bia ấy. Nhưng… nhưng sao nhà Ả Đặng không đi báo với chính quyền, họ sẽ làm việc này tốt hơn chúng ta.”
“Điều này không được.” Nàng nói. “Còn lí do vì sao thì Ả Đặng không nói với Nam được, nhưng Quan Lang đương nhiệm sẽ nói cho Nam biết.”
Tôi gật đầu đồng ý. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra trong lời nói của nàng một chuyện làm tôi rất ngạc nhiên. “Ý Ả Đặng là Nam sẽ đi gặp Quan Lang ư?”
“Tất nhiên rồi.” Nàng thản nhiên nói. “Nếu không thì Ả Đặng tìm Nam làm cái gì, chẳng lẽ chỉ để nói chuyện cho vui sao. Để có thể tìm ra được tung tích của Bia Trời, là công việc mà Nam sẽ phải làm đấy, thì Nam phải nắm được toàn bộ diễn biến lịch sử của nước ta. Việc này sẽ do đích thân Quan Lang chỉ dạy cho Nam. Nam yên tâm, cách dạy của Quan Lang sẽ rất khác với cách dạy mà Nam đã biết trong trường học, và lịch sử mà Quan Lang dạy cũng sẽ rất khác. Rồi Nam sẽ thấy rằng mọi thứ không đơn giản như Nam vẫn tưởng đâu.”
Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng khi chuyện này càng lúc càng có vẻ rắc rối, tấm Bia Trời kia tôi chẳng biết nó mặt mũi ra sao, đến cái tên hôm nay mới được nghe lần đầu, mà Ả Đặng lại khẳng định tôi phải là người đi tìm kiếm nó, cứ như thể cái bia ấy là của tôi không bằng, thật khó mà thông suốt những chuyện này.
“Nam đừng lo lắng quá.” Ả Đặng vui vẻ nói. “Sắp được nghỉ hè rồi. Hè Nam hãy cùng đi với Ả Đặng về bản của Ả Đặng, tại đó Nam sẽ được rõ mọi chuyện. Còn từ đây đến lúc đó, chúng ta hãy cứ sống bình thường thôi.”
Cách nói của nàng hệt như một mệnh lệnh khiến tôi nhất thời không biết nên đồng ý hay từ chối. Nhưng dù thế nào thì đó hứa hẹn sẽ là một chuyến đi hay ho, một chuyến đi mà lúc đó tôi không hề nghĩ rằng sẽ dẫn tôi vào một khu rừng trùng trùng của lịch sử với vô vàn những chi tiết kinh ngạc mà tôi chưa từng biết tới, và chắc chắn là chưa ai từng biết tới, về chính đất nước tôi. Với lại dẫu sao nghỉ hè này tôi cũng tính làm một chuyến đi xa đâu đó, về miền núi kể ra cũng thú vị. Tôi nghĩ tới việc sẽ phải rủ thêm nhóm bạn thân của tôi đi nữa, không thì buồn chết.
“Vậy Nam rủ thêm bạn đi được không, nếu như lúc đó Nam có đi.” Tôi hỏi ý kiến nàng.
Nàng hơi trầm ngâm một tí rồi mới nói: “Bạn trong lớp mình phải không?”
“Chứ còn bạn nào nữa.” Tôi cười.
“Cũng được. Nhưng trước mắt Nam đừng nói cho ai biết chuyện này nhé. Và khi nào đến lúc khởi hành chúng ta sẽ xem lại chuyện đó.”
Tôi thấy đã đến lúc đặt ra câu hỏi cuối cùng, bèn nói: “Tại sao lại là Nam mà không phải ai khác?”
Ả Đặng cười nói: “Rồi tự nhiên Nam sẽ biết thôi mà, không cần phải vội đâu.”
Giá chiều nay không bận đi học thêm thì có lẽ tôi sẽ còn ngồi lại lâu, nhưng liếc nhìn đồng hồ thì đã trễ lắm rồi. Vậy tôi lên tiếng xin phép Ả Đặng ra về. Nàng cũng không giữ lại nữa, tươi cười đưa tôi ra cổng.