[BL]Singing “La la ~ Bigaku” - Cập nhật - Suechanlatbaingua

suechanlatbaingua

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
29/7/14
Bài viết
102
Gạo
0,0
Tên truyện: Singing “La la ~ Bigaku”
Tác giả: Suechanlatbaingua (tên khác: Suechan bà bà)
Tình trạng sáng tác: Đang tiến hành
Tình trạng đăng: Cập nhật
Thể loại: viễn tưởng, đời sống xã hội, Boy's love (bối cảnh Nhật Bản)
Giới hạn độ tuổi đọc: 16+
Cảnh báo về nội dung: Truyện có đề cập đến quan hệ nam-nam (BL). Nếu các bạn thấy không phù hợp, xin vui lòng bấm nút "back - quay lại"

Giới thiệu truyện:
..................​
Tsuyonari Nakamura là một nhân viên văn phòng mẫn cán. Anh đã sống một cuộc đời bình lặng bên cạnh mối tình hơn mười năm của mình, cho đến một ngày anh tình gờ bắt gặp một cột điện thoại công cộng bí ẩn. Một cuộc điện thoại về quá khứ đã hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời anh.
Đây là câu chuyện về một người đàn ông luôn sống trong "giấc mộng Trang Chu". Anh đã từ bỏ hiện tại để sống mãi trong giấc mơ quá khứ tươi đẹp của mình. "Trong trái tim mỗi người đàn ông đều có một “Gandhara.” Vậy thì giờ đây, liệu anh phải làm gì mới có thể tìm lấy sự bình yên cho tâm hồn mình? Liệu có một “Gandhara" thật sự dành cho anh?
"Cuối cùng, điều duy nhất tôi mong cầu là được yêu một ai đó thật sâu sắc, yêu đến mức dẫu có chết cùng cam lòng.”
'Hạnh phúc'
quả nhiên không phải là thứ dành cho tất cả mọi người.

Mục lục:
Chương 1 P1 P2 P3
Chương 1.5
 
Chỉnh sửa lần cuối:

suechanlatbaingua

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
29/7/14
Bài viết
102
Gạo
0,0
Chương 1: Gandhara (Godiego) - Phần thứ nhất
- Mối tình đầu của em là anh gia sư dạy kèm môn Tiếng Anh. Thế mối tình đầu của mọi người là với người như thế nào vậy?
Tôi phải ngừng nhai để quay sang nhìn Sasaki,cô nhân viên mới vào làm tại phòng hành chính của chúng tôi được một tuần. Bữa tiệc này cũng là nhằm mục đích chào đón sự hiện diện đầy tươi mới của cô ấy ở cái nơi vốn chỉ toàn những ông già bà cả này. Bình thường, Sasaki là một cô gái rất đỗi nhút nhát, đến nỗi chỉ cần tiếng gọi nhờ bưng trà đến bàn làm việc của trưởng phòng cũng đủ làm cô gái ấy giật mình thon thót. Thế mà lúc này, chắc hẳn là do sự tác động của men rượu, Sasaki đang vừa khoát vai trưởng phòng, vừa hớn hở cười nói với gương mặt đỏ gay.

- Ồ, quả nhiên giáo viên tiếng Anh lúc nào cũng rất “popular” nhỉ? - Yamamoto san, người vừa kết hôn hồi năm ngoái, vừa nhe răng cười vừa rót thêm bia vào chiếc cốc rỗng không trên tay Sasaki. - Mà cậu ta là người Nhật hay người nước ngoài thế?

- Là người Nhật. Ảnh chuẩn ikemen luôn đấy ạ. Khuôn mặt giống y hệt Tomoya Nagase của nhóm TOKIO hồi hai mươi lăm tuổi ấy, giọng nói cũng từa tựa nữa. Lúc đó, anh ấy chỉ mới là sinh viên thôi mà tiếng Anh đã trôi chảy như người bản xứ. - Sasaki lè nhè nói.

- Thế hai người hẹn hò được bao lâu? - Cô trợ lý Satoko cũng bắt đầu tỏ ra hứng thú với chủ đề do Sasaki khởi xướng.

- Chả được lấy một lần ạ. - Sasaki huơ tay trước mặt người đàn chị, khuôn mặt hiện rõ vẻ chán chường. - Tại vì lúc đó ảnh đang quen một chị bạn gái người Anh rất đẹp. Nghe bảo hai người yêu đương thắm thiết lắm.

- Thế à? - Chị Satoko chép miệng đầy thương cảm.

- Dạo đó, em nghĩ chắc do mình đang trong giai đoạn dậy thì nên tâm sinh lý hơi bất ổn. Suốt cả buổi học em chỉ nghĩ đến chuyện ngủ với ảnh thôi. Mà khi em nói “ngủ” tức là “ngủ” kiểu đàn ông và phụ nữ trưởng thành với nhau ấy. Thế là một ngày nọ, sau khi lén uống một chút Gin của bố, em liền tỏ tình với anh ấy. Tất nhiên là ảnh từ chối em ngay lập tức, lại còn khuyên em nên tập trung học hành vì sắp tới kỳ thi đại học rồi. Dẫu ảnh nói bằng giọng thủ thỉ tâm tình, em vẫn cảm thấy tổn thương kinh khủng. Như thể có ai đó cắm ngập dao vào tim em vậy. Thế là em cởi hết quần áo rồi nhào đến đẩy anh ấy xuống giường. Vừa lúc ấy thì mẹ mang bánh và nước cam vào. Chắc em không cần nói tiếp thì mọi người cũng có thể đoán được diễn biến tiếp theo của câu chuyện rồi nhỉ?

Tất cả mọi người có mặt tại bàn ăn lúc ấy đồng loạt gật đầu.

- Sau đó thì đúng là thảm họa. Mẹ em quẳng luôn khay thức ăn xuống đất để tới kéo em ra. Rồi bà vừa gào lên gọi bố em, vừa lấy đồ đạc ném vào người ảnh. Bố em chạy nhào từ tầng dưới lên, rồi giáng cho ảnh một cú mạnh đến nỗi gãy cả răng. Phải khó khăn lắm ảnh mới sống sót chạy được khỏi nhà em. Mọi chuyện sau đấy thì em chẳng rõ nữa. Tên của ảnh cũng chả bao giờ đề cập đến trong gia đình em nữa.

Kể đến đây, Sasaki đột nhiên dựa vào vai trưởng phòng rồi òa lên khóc. Chị Satoko dỗ dành mãi nhưng những tiếng: “Em xin lỗi, Tamaki kun” đầy xót xa cứ thổn thức mãi không ngừng. Khóc được chừng mười phút thì cô gái trẻ nằm gục xuống mặt sàn trải chiếu tatami ngủ thiếp đi.

- Đây là lỗi của anh đấy nhé, Yamamoto san. Ai bảo anh cứ ép con bé uống cơ. - Chị Satoko đập mạnh lên vai anh bạn đồng nghiệp, gằn giọng trách cứ.

- Tôi đâu có ngờ là tửu lượng của Sasaki chan lại kém thế. Mà do mặt cô bé trông vẫn rất tỉnh táo nên tôi tưởng cô bé chưa say cơ. Mà này, “mối tình đầu” là một chủ đề thú vị đấy chứ? Nhân dịp này chúng ta cũng nên tâm sự một tý để thấu hiểu lẫn nhau nào.

- Lại bày trò vớ vẩn rồi đấy. - Cô trợ lý lắc đầu ngán ngẩm.

- Nào, nào, sau đây là câu chuyện tình lâm li bi đát của Yamamoto Masami, tức là tôi đây. Mối tình đầu của tôi là với một em kouhai thích máy bay. Là máy bay theo nghĩa đen ấy nhé. Chúng tôi quen nhau nhờ cùng tham gia câu lạc bộ nghiên cứu các loại đá. Một câu lạc bộ ngớ ngẩn mà hai đứa buộc phải tham gia chỉ vì nhà trường yêu cầu tất cả học sinh của trường, nếu muốn đủ điều kiện trốn thoát khỏi cái nhà ngục ấy, thì bắt buộc phải tham gia ít nhất một câu lạc bộ ngoại khóa. Câu lạc bộ có đúng năm thành viên. Mỗi chiều, năm người chúng tôi lại ra bờ sông nhặt các loại đá sỏi có hình thù kỳ quặc đề mang về “nghiên cứu”. Tuy nhiên, trong lúc ba gã đàn anh miệt mài thực hiện công việc tìm kiếm phục vụ cái thứ được gọi là khoa học theo định nghĩa của họ, tôi và cô bé ấy lại lẻn tới một trạm xe bus bỏ hoang để tán gẫu. Cô ấy kể cho tôi toàn những chuyện liên quan đến các loại máy bay, từ cấu tạo của những chiếc Zero được sử dụng trong Đệ nhị thế chiến đến sự khác biệt trong âm thanh phát ra từ tuabin phản lực của những chiếc máy bay Boeing, etc. Còn tôi thì cứ gặp cô bé là thao thao bất tuyệt về Matsu Takako. Thời ấy, tôi mê Matsu điên đảo tâm thần, thậm chí đã nghĩ rằng nếu không thể kết hôn với người có gương mặt giống nàng diễn viên ấy thì nguyện sẽ sống độc thân suốt đời. Và cứ đúng năm giờ kém mười lăm, thời khắc chiếc máy bay trắng của hãng Japan Airline tạo nên một vệt khói xiên xiên trên nền trời màu da cam, cũng là lúc chúng tôi phải quay về gặp các senpai. Chúng tôi đã ở bên nhau như những người bạn thân thiết, không một lần cầm tay, không một nụ hôn, cho đến tận ngày tôi lên Tokyo học đại học. Thứ duy nhất liên kết chúng tôi là vẻ đẹp thanh khiết như hoa anh đào của Matsu Takako và những chiếc máy bay. Thậm chí, ngay cả khi sự say mê của tôi dành cho Matsu đã biến mất hút đi như một cơn lốc xoáy, thì hình ảnh động cơ của những chiếc máy bay Zero vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Và giây phút tình cờ bắt gặp chiếc máy bay trắng chìm dần vào ánh hoàng hôn từ cửa sổ công ty, lồng ngực tôi bất chợt đau âm ỉ, nước mắt tôi cứ thế mà tuôn trào. Tôi nhận ra tôi đã yêu nàng kouhai ấy, yêu rất nhiều, yêu hơn cả Matsu Takako. Sau này, dù đã trải qua rất nhiều mối tình, nhưng không một người gái nào mang lại cho tôi cái cảm giác như đã từng được trải nghiệm tại cái trạm xe bus hoang phế đó cả. Thế còn chị thì sao, chị Satoko?

- Tôi ấy à? - Chị Satoko nói trong lúc đang vén phần tóc phủ lòa xòa trên gương mặt Sasaki. - Chuyện của tôi thì đơn giản hơn rất nhiều. Mối tình đầu của tôi là một anh bạn cùng lớp. Cả hai hẹn hò chừng hơn một năm, chia tay vì cậu ấy chuyển sang thành phố khác. Sau đó tôi gặp mối tình thứ hai của đời mình và cũng chính là người chồng hiện tại của tôi. Chỉ thế thôi.

- Ồ, câu chuyện của chị cứ êm ả như dòng sông trong một khúc ca của Ý vậy. - Yamamoto san tán dương bằng giọng rất đỗi chân thành.

- Thế nên tôi mới thường bảo, đàn ông các anh nhiều khi cố chấp quá. Tuy nhiên, đôi khi, vào những ngày mưa, tôi vẫn nhớ tới cuộc hẹn trong khu vườn cẩm tú cầu của tôi và cậu bạn thời trung học kia.

Chị Satoko thoáng trầm ngâm, như thể đang đắm mình vào dòng chảy ký ức.

- Thế còn trưởng phòng?

Với vẻ mặt thích thú như đứa trẻ con lần đầu tiên được bố mẹ dẫn đến Disneyland, Yamamoto kun quay sang phía vị trưởng phòng khả kính của chúng tôi. Ông nhẹ nhàng đặt ly rượu xuống, từ tốn cầm chiếc khăn giấy trên bàn lên lau miệng, rồi đĩnh đạc lên tiếng:

- Mối tình đầu của tôi là với tình nhân của bố mình.

Bầu không khí trong căn phòng rộng tám chiếu bỗng dưng chùng xuống. Tôi vội vàng uống nhanh một ngụm bia mới có thể nuốt trôi được miếng yakitori. Chị Satoko làm bộ như chưa nghe thấy bất cứ điều gì, ân cần xoa lưng cho Sakaki sau khi cô bé cất tiếng ho khan trong cơn ngủ chập chờn. Riêng “kẻ đầu têu” Yamamoto kun thì bối rối gãi đầu, rồi cầm lấy chiếc thìa đưa sát mặt tôi như thể đó là một cái micro, còn tôi là một nhân vật vô cùng nổi tiếng.

- Thế còn ngài, Tsuyonari Nakamura san, mối tình đầu của ngài là ai?

Bị gọi tên một cách bất ngờ, tôi khẽ giật mình, vô tình làm chao chén canh miso trên bàn khiến thứ nước màu nâu nhạt bên trong sánh ra ngoài.

- Thật ra thì…- Tôi thoáng ngập ngừng. - tôi vẫn đang hẹn hò với mối tình đầu của mình.

- Ồ, thật thế ư? Thế thì quả thật đáng ganh tỵ đấy. - Yamamoto kun phấn khích reo lên. - Thế hai người hẹn hò được bao lâu rồi?

- Tôi chủ động tỏ tình với người đó vào năm hai đại học, tính đến giờ thì đã được mười ba năm rồi.

- Yêu một người suốt mười ba năm? Anh cũng đáng ngưỡng mộ thật đấy chứ, Nakamura san. Liệu anh có thể tiết lộ một chút thông tin về người đó cho chúng tôi được không?

- Chúng tôi là bạn học chung cấp ba và người đó trùng họ với tôi.

- Tức là một Nakamura san khác ư? - Yamamoto thốt lên kinh ngạc.

- Có thể nói như vậy.

- Bắt đầu thú vị rồi đây. Cô ấy còn đặc điểm gì thú vị nữa không?

- À, người đó rất thích cá.

- Ý anh là cô ấy thích nấu những món ăn từ cá ấy à?

- Không, ý tôi là người đó rất thích nuôi cá. Trong phòng khách nhà chúng tôi có đến tận năm cái bể cá lớn cơ. - Tôi dùng ngón tay vẽ lên trên mặt bàn bằng gỗ thông những hình chữ nhật với các kích cỡ khác nhau.

- Ồ, một cô gái mà lại có sở thích nuôi cá à? Thật hiếm có đấy. Mà nói như thế hai người chắc sẽ sớm kết hôn nhỉ?

- À, thực ra thì chúng tôi không định…

Tôi còn chưa nói dứt câu thì Yamamoto kun vội vàng nói chen vào:

- Hai người nên kết hôn ngay đi thôi. Đã hơn mười ba rồi còn gì? Hết cả tuổi xuân của con gái nhà người ta mất. Mà anh cứ yên tâm đi, Nakamura san, hôn nhân không đáng sợ như người ta vẫn nghĩ đâu.

- À, ừm, ý tôi là…

- Anh vẫn còn ngần ngại điều gì mới được cơ chứ?

- Không, thật sự thì…

Tôi cố gắng vắt óc suy nghĩ xem mình phải trả lời những câu hỏi của Yamamoto kun làm sao để anh ta không cảm nhận được việc tôi đang che giấu một bí mật. Cái bí mật luôn quấy nhiễu tôi như một hạt sạn rơi trong chiếc giày thể thao. Giữa tình thế ngặt nghèo ấy, một giọng trầm trầm bất ngờ vang lên đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Vị cứu tinh đó chính là trưởng phòng Noriguchi.

- Cũng muộn rồi. Yamamoto kun, cậu ra kêu người ta tính tiền đi.

Câu mệnh lệnh ấy xóa tan nụ cười tươi roi rói như hoa hướng dương mùa hạ của chàng nhân viên trẻ. Yamamoto kun lầm rầm một tiếng“vâng” đắng ngắt trong miệng, lảo đảo đứng dậy, rồi bước từng bước loạng choạng ra khỏi phòng. Lúc này, bầu không khí trong phòng mới có thể giãn ra một chút. Khi tiếng bước chân của anh ta đã xa dần rồi biến mất hẳn, chị Satoko cất cao giọng cảm thán.

- Đã lấy vợ rồi mà vẫn cư xử như đứa con nít mẫu giáo ấy!


Sau khi đã thanh toán xong xuôi, chị Satoko liền nhận nhiệm vụ đưa cô nhân viên Sasaki vẫn còn say khướt về nhà. Yamamoto kun uống cạn một cốc trà gừng xin từ người chủ quán tốt bụng mới xác định được phương hướng ngôi nhà của anh ta. Lúc này, chỉ còn lại một mình tôi và trưởng phòng Noriguchi đứng cạnh nhau bên dưới ngọn đèn đường vàng hiu hắt. Ông nhìn tôi, mỉm cười dịu dàng, rồi cất tiếng hỏi:

- Hình như cậu cũng đến ga Ueno phải không?

- Vâng ạ. - Tôi lễ phép đáp.

- Thế thì chúng ta đi cùng nhau nhé. Tôi cũng muốn nói chuyện với ai đó một chút.

Tôi cùng Noriguchi san, bước gần như song song với nhau, nhanh chóng rời khỏi con phố nhỏ vắng vẻ với các cửa tiệm izakaya và quán bar hạng sang xếp san sát nhau hai bên đường, để tiến thẳng ra đại lộ. Người Nhật bản quả nhiên rất yêu ngày lễ Giáng Sinh dẫu cho dân số theo đạo Công giáo ở cái xứ sở này chưa đến một phần trăm. Dù vẫn còn gần một tháng nữa, nhưng ở các khu thương xá sầm uất cũng như trên các con đường nhộn nhịp người qua lại, người ta đã bắt đầu chăng đèn kết hoa, chờ đón ngày Thiên Chúa ra đời. Trong lúc đi ngang qua một tiệm bánh kem được thiết kế theo kiến trúc một căn nhà nhỏ ở miền Nam nước Pháp, tôi vô tình liếc nhìn vào tờ poster thông báo rằng từ bây giờ cho đến ngày hai mươi hai tháng mười hai sẽ là đợt đặt hàng bánh kem Giáng Sinh cuối cùng. Có lẽ trưởng phòng đã phát hiện ra ánh mắt đó của tôi nên liền cất giọng ôn tồn, hỏi:

- Hình như cũng sắp đến sinh nhật cậu rồi nhỉ, Nakamura kun?

- Vâng ạ.- Tôi vội vàng đáp lời cấp trên.

- Chính xác là ngày bao nhiêu ấy nhỉ?

- Là ngày hai mươi hai tháng mười hai ạ.

- Chà, cũng đáng tiếc quá nhỉ? Chỉ thêm một chút nữa là cậu sẽ sinh đúng Giáng Sinh rồi. - Noriguchi san nói sau một cái khịt mũi khẽ khàng.

- Vâng, cũng tiếc thật.

“Tiếc thật nhỉ? Chỉ thêm chút nữa là cậu sẽ được hưởng đặc quyền của những người sinh vào ngày lễ lớn rồi. Cái cảm giác như được cả thế giới chúc mừng việc mình sinh ra trên đời ấy.”

Tôi bất chợt nhớ về nó, câu nói của một kẻ sinh ra đúng dịp năm mới, và có vẻ luôn tự hào về điều đó. Ban đầu, tôi không mấy bận tâm về vấn đề ngày sinh tháng đẻ của mình cho lắm. Dù gì thì tôi cũng đã lỡ có mặt trên cái cõi đời này rồi, sinh ra vào thời điểm nào có gì là quan trọng? Tuy vậy, chính những lời phát ra từ miệng của kẻ đó đã khiến cho tôi căm ghét ngày sinh nhật của mình kinh khủng. “Chỉ thêm một chút nữa là đến Giáng Sinh rồi.”, những tiếng ấy cứ vang vọng mãi trong tâm trí tôi, lanh canh ồn ào như tiếng của những chiếc lọ thí nghiệm va vào nhau suốt trên quãng đường tôi mang chúng trả về phòng thực hành bộ môn Hóa học.

- Vậy hôm ấy cậu định thế nào? Để cả văn phòng tổ chức tiệc sinh nhật cho cậu hay đi ăn với mối tình đầu?

- A, tôi không muốn làm phiền mọi người đâu ạ.

- Vậy ý cậu là nếu chúng tôi hoàn toàn không thấy phiền về chuyện đó thì cậu muốn được ăn sinh nhật cùng với cả phòng à?

Noriguchi san nhướng mày. Tôi đáp lại ông bằng một tràng im lặng kéo dài.

- Thật kỳ lạ đấy. - Noguchi san nói tiếp. - Thường thì người ta luôn muốn tổ chức tiệc sinh nhật với người yêu của mình chứ? Bộ hai người có vấn đề gì à?

- Dạ, không có gì đâu ạ. -Tôi xua tay, rối rít thanh minh. - Chỉ là do người đó thường hay về muộn. Mà dịp trước Giáng Sinh lại là lúc người đó bận rộn nhất nữa.

- Thế à. Thật là đáng tiếc. Mà Nakamura kun này,...

- Vâng ạ?

- Người yêu hiện nay của cậu thực sự là mối tình đầu của cậu đấy à?

- Vâng ạ. - Tôi nhỏ nhẻ đáp.

- Hai người bắt đầu hẹn hò từ lúc nào?

- Như tôi đã kể với Yamamoto kun. - Môi tôi mấp máy một cách đầy khổ sở. - Chúng tôi bắt đầu hẹn hò từ năm thứ hai Đại học, nhưng tôi bắt đầu có tình cảm với người đó từ năm thứ nhất cao trung kia.

- Vậy tức là trong suốt hai mươi năm, cậu chỉ yêu duy nhất một người ư?

- Vâng, tôi cũng có thử hẹn hò với một số người nhưng lúc nào cũng có cảm giác như mình đang tra tấn cả bản thân mình lẫn đối phương nên cuối cùng đành chủ động chia tay.

- Nakamura kun đúng là một chàng trai tốt.

- Dạ không, chỉ là…- Tôi nở một nụ cười méo mó. - chỉ là tôi không tài nào quan hệ được với họ. Biết nói làm sao nhỉ? Khi họ nằm trên giường, trần truồng và nói những lời ngọt ngào với tôi, tôi thực sự muốn làm họ vui lòng, nhưng cơ thể lại hoàn toàn bất lực. Dù sau đó, họ đã dịu dàng nói với tôi rằng: “Không sao cả. Lần sau chắc chắn sẽ khá hơn.” Tôi thì lại không hề tin vào điều đó. Vậy là trước khi kịp làm họ thất vọng thêm một lần nữa, tôi quyết định nói lời chia tay. Trưởng phòng biết đấy, những chuyện như tình dục thường...

Tôi còn chưa kịp nói dứt câu thì trưởng phòng đã quay sang nhìn chằm chằm bằng ánh mắt rất đỗi kinh ngạc. Chính bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về sự “bạo mồm bạo miệng” đêm nay của mình. Có lẽ là do tôi đã uống hơn hai cốc bia và một chén sake, có lẽ do câu nói lúc ở quán ăn của trưởng phòng, có lẽ do Giáng Sinh sắp đến,..., tuy nhiên, bất cứ lý do nào cũng không đủ chuẩn xác để lý giải cho lối xử sự vô cùng kỳ quặc này của tôi.

Trưởng phòng không thể nhìn thấy được, nhưng ngay lúc này đây, bàn tay phải đang mân mê chiếc móc chìa khóa có hình bé trứng lười Gudetama giá một ngàn hai trăm tám mươi yên chưa tính thuế tiêu thụ nằm im lìm trong túi áo khoác. Dạo gần đây, tôi rất thích sưu tập những món đồ có hình nhân vật này. Bỗng dưng, thay vì tìm cách giải quyết rắc rối vừa tự chuốc lấy, tôi lại ngẩn ngơ nghĩ về việc cửa hàng đồ chơi gần nhà mới treo bảng giảm giá mười phần trăm cho tất cả mọi sản phẩm. Đó luôn là cách tôi chạy trốn khỏi những vấn đề phức tạp mà bản thân biết rõ rằng sẽ chẳng thể nào tự mình xử lý được.

- Mà thật sự mối tình đầu của cậu cũng mang họ Nakamura à?

- Vâng ạ. - Tôi khẽ gật đầu.

- Cùng kanji chứ nhỉ?

- Dạ vâng, cùng kanji ạ.

- Thế thì sau này kết hôn thì cô ấy cũng không cảm thấy thiệt thòi khi phải bỏ họ của mình. Cha tôi cứ tiếc mãi cái tên thời con gái của mẹ tôi đấy. Ông bảo, nghe nó tựa như một vần thơ của Touson vậy. À, mà cậu bảo rằng cả hai chắc chắn sẽ không kết hôn phải không?

- Cả hai chúng tôi đều không hề nghĩ đến chuyện đó.

Noriguchi san gật đầu vẻ đầy thấu hiểu. Tôi và trưởng phòng của mình, hai tay đút sâu vào túi áo măng-tô, cùng bước đi trong im lặng mơ hồ, không ai có ý vượt lên trước người bên cạnh. Tôi vẫn cứ nghĩ mãi về những quả trứng lười.

Ga Ueno dần dần hiện ra từ phía đằng xa. Đến đoạn chờ đèn đỏ, trưởng phòng Noriguchi lấy ra từ túi áo một viên kẹo bạc hà, và thảy tọt vào miệng. Rồi ông quay sang cười với tôi:

- Tôi đang cai thuốc. Tôi vốn đã thử cai một lần khi vợ tôi mang thai đứa con gái đầu nhưng sau đó thất bại. Tới khi cô ấy mang thai đứa con trai thứ hai thì tôi lại hút điên cuồng, cả ở cơ quan lẫn ở nhà, thậm chí ngay cả lúc ngồi xem tivi bên cạnh vợ mình. Tôi nghĩ là vì có một người cha tồi tệ như tôi mà thằng bé bị hen suyễn nặng như thế. Cậu cũng nên cai thuốc dần đi.

- Vâng, tôi cũng đang cố gắng để cai đấy ạ.

Băng qua bên kia đường, Noriguchi san bất chợt đứng sững lại trước một cửa tiệm băng đĩa cũ nằm bên cạnh một cửa hàng quần áo nằm đối diện với cửa Shinobazu của ga Ueno. Ông lim dim đôi mắt như đang thả hồn theo giai điệu vọng ra từ đằng sau cánh cửa gỗ khép hờ. Đôi môi khô của người đàn ông trung niên ấy thấp thoáng một nụ cười buồn. Nụ cười ấy khiến tim tôi nhói đau, và ngay lúc ấy, tôi thực sự muốn được chạy đến và ôm chầm lấy ông, trút hàng thác những lời an ủi chân thành xuống cái cơ thể gầy gò được bao bọc trong chiếc áo khoác thùng thình màu lông chuột.

- Cậu biết bài hát này chứ?

- Vâng ạ. Đây có phải là là bài “Gandhara” của nhóm Godiego không ạ? Hồi đó tôi là fan cuồng của bộ phim "Tây Du Ký” đấy.

Tôi từ từ tiến đến chỗ trưởng phòng Noriguchi đứng, cố gắng tránh dẫm lên cái bóng in một cách hoàn hảo lên mặt đường của ông. Năm ngón tay của bàn tay phải tôi giấu trong túi áo, không biết từ lúc nào, đã rời khỏi chiếc móc chìa khóa Gudetama.

-Thế à? - Ông mỉm cười. Đôi mắt già nua khẽ nheo lại. - Mà Nakamura kun này, cậu đã bao giờ, trong những giờ phút cảm thấy chán nản và tuyệt vọng, thì một giai điệu vang lên và nó khiến cậu nhớ về một khuôn mặt, tâm hồn cậu chợt bình thản lạ lùng. Như thể cậu đang được nằm trên một sườn đồi ở xanh mướt của đất Thụy Sĩ, bên cạnh một đàn cừu hiền lành, ngắm mây trời bay qua chưa?

- Dạ chưa từng ạ.

- Với tôi thì là bài hát này đây. - Nói xong, ông hơi ngẩn ra một chút, tựa hồ một chú cừu giương cặp mắt ngơ ngác ngắm nhìn mặt trời lặn sau rặng núi thuộc xứ Maienfeld.

- Còn hình ảnh hiện ra trong tâm trí trưởng phòng liệu có phải là tình nhân của bố trưởng phòng không?
 

suechanlatbaingua

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
29/7/14
Bài viết
102
Gạo
0,0
Chương 1: Gandhara (Godiego) - Phần thứ hai
Đấy là lần thứ hai trong ngày trưởng phòng chiếu ánh mắt ngỡ ngàng về phía tôi.
Trước phản ứng này của ông, tôi chợt thấy hối hận vô cùng vì đã buộc miệng thốt ra những lời đó. Đấy không phải là điều để người ta hỏi chuyện trưởng phòng của mình. Không đúng, đó là câu hỏi mà người ta không nên đặt ra đối với bất cứ ai. “Cái loại rượu chết tiệt. Mới chỉ một ly thôi mà đã làm mình loạn óc.”, tôi lầm bầm đổ lỗi cho bình rượu sake thượng hạng mà mỗi giọt rượu đều được ví như nước mắt của của nàng mỹ nữ u sầu rơi xuống, làm lay động mặt hồ Biwa phẳng lặng.

Tôi đang định mở miệng xin lỗi thì nghe thấy tiếng cười từ chỗ trưởng phòng vọng lại.

- Hôm nay cậu kỳ lạ thật đấy, Nakamura kun. - Trưởng phòng Noriguchi vỗ mạnh lên vai tôi. - Cậu say rồi phải không? Loại sake ở chỗ đó mạnh thật đấy.

- Tôi thành thật xin lỗi.

- Cậu đã đoán đúng rồi thì việc gì phải xin lỗi chứ. Đúng là cô ấy đấy. Mối tình đầu của tôi. Cô ấy là bạn thân của chị gái tôi. Vì cả bố mẹ cô ấy đều làm việc tại một xí nghiệp sản xuất linh kiện điện máy ở ngoại thành nên ngày nào cũng đến tận nửa đêm mới về nhà. Thấy cô ấy cô đơn nên mỗi buổi chiều chị tôi lại mời cô ấy về nhà chơi và ăn cơm cùng gia đình chúng tôi.

Noriguchi san dừng lại, ho húng hắng một lúc rồi kể tiếp câu chuyện.

- Tình yêu quả thật rất kỳ lạ. Và nó còn kỳ lạ hơn nếu đó là mối tình đầu. Khi trưởng thành và có mối tình thứ hai, rồi thứ ba, cậu sẽ cười nhạo tình tiết chàng trai bỗng nhiên sa vào lưới tình vì nụ cười của một người con gái mà anh ta chỉ mới gặp gỡ đôi ba lần mà quên mất rằng, chính bản thân mình thời quá khứ cũng từng yêu một nàng thiếu nữ chỉ bởi một câu nói bâng quơ của cô ấy. “Kazuki kun, em có biết rằng Gandhara không phải ở Ấn Độ không?”, cô ấy đã nói với tôi câu ấy khi cả hai chúng tôi cùng ngồi xem phim ở phòng khách trong lúc đợi chị gái tôi nướng bánh, pha trà. “Chính xác thì, nó đã từng tồn tại ở miền Tây Bắc Ấn Độ, ngày nay đã trở thành vùng đất thuộc địa phận Afghanistan và một phần của Pakistan, cách đây chừng mười lăm ngàn năm trước”, cô ấy nói tiếp, “nhưng nền văn minh ấy đã bị hủy diệt trong cuộc xâm lăng của người Hồi vào khoảng thế kỷ thứ bảy.” Tuy nhiên, lúc ấy, tôi chẳng hề quan tâm đến mớ kiến thức địa lý khu vực Tây Á ấy vì đang mải mê chìm sâu vào đôi mắt nâu trong veo của người con gái lớn hơn mình ba tuổi. Tôi đâu có ngờ rằng, từ giây phút ấy, trong lòng tôi đã hình thành một “Gandhara” của riêng mình.

Ông dừng lại để lấy thêm một viên kẹo bạc hà nữa, cho vào miệng, rồi nhai rau ráu.

- Và đêm đó, tôi đã nằm mơ. Tôi mơ thấy người con gái ấy đứng bên một ngôi chùa bằng đá, xung quanh là sa mạc cát cháy. Cô ấy vận trên người một tà saree màu trắng có đường diềm xanh nước biển và họa tiết hoa sen vàng. Cô ấy cứ đăm đắm nhìn tôi bằng ánh mắt buồn thương, rồi bật khóc ngay sau đó. Tôi chưa từng được chứng kiến khuôn mặt cô ấy khi rơi nước mắt, thế mà hình ảnh trong giấc mơ ấy lại rõ nét đến mức đến tận khi choàng tỉnh dậy vào sáng hôm sau, tôi vẫn tự hỏi đâu mới là thực tại. Những giọt nước mắt lăn trên gương mặt của nàng thiếu nữ tuổi mười bảy ấy đã bám dính vào thùy hải mã của tôi, kiên trì và bền bỉ như những con sò cố dán chặt mình vào tảng đá để không bị sóng cuốn trôi đi. Ngay cả khi chị gái báo với tôi về mối quan hệ vụng trộm của cô ấy với cha, khi mẹ tôi phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị tâm lý, khi chị tôi phẫn uất cầm kéo cắt trụi mái tóc dài thơm mùi tinh dầu hoa trà mà cô ấy vẫn luôn tự hào, hay gần đây nhất là tôi và cô ấy làm chuyện đó trong một căn nhà tồi tàn tọa lạc giữa một vùng đồng không mông quạnh ở Hokkaido hồi tháng trước, luôn là gương mặt đẫm lệ trong giấc mơ thời niên thiếu hiện lên trong đầu óc tôi.

- Xin lỗi, xin ngài dừng lại một chút. - Tôi bất đắc dĩ phải ngắt lời vị trưởng phòng của mình. - Ngài vừa bảo hai người mới gặp lại nhau...và đã làm chuyện đó ư?

- Đúng vậy. Cậu nhớ không, dạo đó, tôi có chuyến công tác đến Hokkaido. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trên một chuyến tàu vắng vẻ. Cô ấy mỉm cười chào tôi như chào một người quen cũ, như thế chưa từng có bất cứ một điều bất hạnh nào xảy ra trong qua khứ. Cô ấy chia cho tôi một nửa hộp cơm mua ở ga tàu và cả hai cùng chiêm ngưỡng những cánh đồng phương Bắc phủ trắng tuyết. Tôi không hỏi cô ấy bất cứ chuyện gì và cô ấy cũng thế. Hai chúng tôi chỉ lặng im nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ. Để rồi, linh hồn tôi bất ngờ nhập vào một cánh chim đại bàng hùng dũng tung cánh trên bầu trời. Cánh chím ấy bay qua rất nhiều vùng đất, thu vào đôi mắt vô vàn con sông, ngọn núi, cánh rừng…

Cuộc nói chuyện bất ngờ bị gián đoạn bởi hai cô nữ sinh bước ra từ tiệm băng đĩa cũ. Hai cô bé giật thót mình trước sự hiện diện của hai ông chú văn phòng, khẽ kêu lên the thé bằng chất giọng từa tựa cô chuột Minnie của hãng Walt Disney. Noriguchi san mỉm cười, hơi nghiêng mình, lịch thiệp như một nhà quý tộc xứ sở sương mù, xin lỗi hai cô gái nhỏ. Đôi bạn gái lễ phép cúi đầu thật thấp đáp lại, rồi nhanh chóng rảo bước. Trước khi họ rời đi, tôi còn loáng thoáng nghe thấy một trong hai cô bé, sau khi lén liếc nhìn trưởng phòng, đã thì thầm với bạn mình: “Trông bác ấy giống Ken Watanabe quá.” Trưởng phòng dõi theo hai cô nữ sinh ấy đến tận lúc bóng dáng cả hai nàng đã mất hút đằng sau cánh cửa tự động của một tiệm bán đồ ăn nhanh gần đó.

- Rồi sau đó thế nào ạ? - Tôi nôn nóng hỏi.

- À, sau đó ấy à? Khi cái phần hồn ham vui ấy trở về lại với thân xác phàm tục, tôi đã ở trong căn nhà hoang, còn đôi cánh tay thì đang xiết chặt lấy thân hình trần trụi của cô ấy. Ngay khoảnh khắc đó, tôi lại nhớ tới cô gái mặc áo sanree trắng ở “Gandhara” năm xưa. Lẽ ra, sau tất cả những gì cô ấy đã gây ra cho gia đình tôi, tôi phải dùng chính hai cánh tay này để xiết chặt cái cổ thanh mãnh, đẹp đẽ của người phụ nữ đó cho đến khi cô ấy không còn chút biểu hiện nào của sự sống mới đúng. Nhưng tôi đã không làm thế.

- Tại sao vậy ạ? -

Lại một câu hỏi ngớ ngẩn nữa bật ra khỏi miệng tôi. Noriguchi san cười khổ, đáp:

- Cậu không biết đâu, nhưng trong trái tim mỗi người đàn ông đều có một “Gandhara”.

Noriguchi san liếc nhìn chiếc đồng hồ bằng bạc đeo ở cổ tay mình, và nhận ra trời đã khuya lắm rồi, dù xung quanh vẫn đông nghịt người. Ông vỗ vai tôi, ra hiệu cùng ông băng qua phía bên kia đường để tiến vào bên trong nhà ga. Tôi cáo lỗi với vị trưởng phòng của mình bởi chuyến tàu tôi cần lên phải hơn ba mươi phút nữa mới cập bến.

- Thế thì tôi về trước nhé. - Ông vỗ nhẹ vào vai tôi. Và không quên để lại một lời sau cuối, kèm theo một nụ cười mang phong thái của riêng mình ông. - Dù sao đi nữa, tôi cũng rất ghen tị với việc cậu đã đến được với mối tình đầu của mình. Hãy trân trọng điều đó nhé.

Tiễn trưởng phòng của mình xong, tôi quyết định đi dạo một vòng xung quanh khu vực nhà ga để tiêu khiển thời gian, đồng thời làm đầu óc mình tỉnh táo một chút. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mà sau khi suýt vấp ngã hai lần và bị mấy gã Tây say xỉn cao lớn, bặm trợn trêu chọc, tôi quyết định không về nhà nữa mà sẽ qua đêm ở công ty. Tất nhiên là tôi không quên việc phải gọi điện cho người đang sống cùng nhà để thông báo về việc này. Điện thoại của tôi luôn được để trong túi áo bên trái, bởi túi áo phải đã được định sẵn là chỗ cư ngụ của bé trứng lười yêu quý. Tôi vẫn nhớ, hồi mùa đông năm ngoái, trong một phút vội vã, tôi đã nhét chiếc điện thoại vào nhầm túi áo, và cuối ngày hôm đó, màn hình của tôi đã vỡ nát do va chạm với chùm chìa khóa. Sự bất cẩn ấy đã khiến tôi phải tiêu tốn một khoản kha khá. Nhưng kể từ cái sự kiện hy hữu ấy, tôi trở nên vô cùng thận trọng trong việc phân biệt vị trí hai túi áo khoác của mình trước khi thả bất cứ vật gì, kể cả một mảnh vé tàu hay tờ hóa đơn thanh toán của cửa tiệm tiện lợi, vào trong túi.

Điện thoại di động của tôi luôn nằm trong túi áo bên phải. Đối với tôi, nó gần như đã trở thành một chân lý, giống mặt trời lặn ở hướng Tây hay Trái đất có hình cầu. Vấn đề phát sinh ở đây là, hiện tại, chiếc điện thoại không nằm trong túi tôi. Mặc dù trong tâm trí tôi vẫn còn in đậm hình ảnh, cách đây chừng bốn tiếng đồng hồ trước, khi Yamamoto kun gọi thêm một bình rượu và ba chai bia Asahi, tôi vẫn đang nhắn tin bằng chiếc điện thoại màu trắng đó cho cái kẻ mê cá đang ngồi xem bản thu lại của chương trình “Tetsuwan Dash” ở nhà.

Và theo định luật bảo toàn năng lượng, vật chất không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nên hiển nhiên chiếc Smartphone của tôi chẳng thể nào bất thình lình biến mất khỏi thế giới này như một quả bong bóng xà phòng. Tôi cố gắng suy luận bằng bộ não vẫn đang bị chế ngự bởi men rượu của mình. Giả thuyết duy nhất được đặt ra chính là, tôi hẳn đã bỏ quên nó tại quán ăn ban nãy. Giờ có quay ngược lại chỗ đó thì quán cũng đã đóng cửa. Tôi đành buông một tiếng thở dài như nhân vật nữ chính trong mấy cuốn tiểu thuyết Dazai, rồi cất những bước chân chán chường, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm một buồng điện thoại công cộng.

Tôi cứ phăm phăm đi về phía trước trong suốt mười lăm phút, chỉ dừng lại trước một máy bán hàng tự động để mua bao thuốc lá Malboro. Dựa vào cánh cửa cuốn của một tiệm sửa ô tô gần đó, tôi châm lửa hút thuốc. Màn đêm ngày càng đậm đặc, và nhiệt độ đang không ngừng hạ xuống. Tôi phải mau chóng tìm được buồng điện thoại, báo tin đêm nay không về cho người hiện giờ có lẽ đang vui thú bên lũ cá cảnh mang những cái tên khoa học dài dằng dặc, để còn đến công ty, uống một ly trà gừng rồi ngủ đến sáng.

Nhìn làn khói thuốc bay lơ lửng trong không gian thanh vắng, tôi chợt nghĩ về tất cả những chuyện đã xảy ra hôm nay. “Mối tình đầu à?”, tôi lẩm bẩm cái từ rất đỗi lãng mạn ấy khi đang dùng mũi giày dập tắt tàn thuốc lá đang cháy dở, trước khi rút từ trong bao ra điếu thứ hai. “Có lẽ mình nên tập cai thuốc thật.”, tôi nhủ thầm.

Tôi là một tên nghiện thuốc lá nặng, rất nặng. Khó ai nhìn mặt tôi mà có thể đoán được rằng, một ngày, tôi phải hút từ hai bao trở lên. Mỗi lúc vào những phiên họp kéo dài, hay phải thương thảo hợp đồng với khách hàng khó tính, là cơ thể tôi lại bức rức, khó chịu vô cùng. Lưng áo thì ướt đẫm mồ hôi. Thậm chí, một cách hoàn toàn vô thức, tôi còn cắn móng tay ngay trước mặt đối tác.

Tôi không nghiện chất cồn, nhưng mỗi lần uống rượu tôi thường không dừng lại được. Hay nói một cách chuẩn xác hơn, tôi không muốn ép buộc bản thân mình buông ly rượu xuống. Bởi tôi thích mê cái cảm giác lâng lâng như đang bay giữa tầng không mỗi lúc men rượu ngấm vào cơ thể.

Người đang hẹn hò với tôi hiện tại, cũng là “mối tình đầu” của tôi, ghét nhất là bia rượu, và thứ nhì là thuốc lá. Có lẽ một phần sự ghét bỏ ấy bắt nguồn từ việc cha cậu ta là một bác sĩ có tiếng tại nơi chúng tôi từng sinh sống trước đây, và từ bé gã đó đã được dạy dỗ trong một môi trường “thiết quân luật”. Lý do còn lại là do khói thuốc (theo lời cậu ta) có khả năng gây hại cho đám cá cảnh ở nhà.

Vậy nên, việc hai chúng tôi sống chung với nhau trong một căn hộ rộng chừng bốn chục mét vuông với năm bể cá trong phòng khách là một trong những điều kỳ diệu của thế giới này. Tôi không thấy lũ cá phiền phức. Dẫu cho, vào một buổi chiều tà của tuần lễ vàng, trong cơn say, tôi đã thả tàn thuốc vào chiếc bể nuôi hai con cá rồng của “một Nakamura san khác”. Nếu như người đó không kìm nén cơn giận lại thì có lẽ hai đứa đã chia tay từ dạo đó. Nhưng đó chỉ đơn thuần là hành động bột phát trong tình trạng mất kiểm soát của tôi mà thôi, chứ không hề ẩn tàng chút mảy mảy thù hằn nào cả. Đã có những đêm, tôi hứng chí mang chăn gối ra nằm trên bộ ghế sofa màu xanh thẫm, và tiếng quẫy nước của lũ cá khiến tôi cảm tưởng như mình đang chìm dần vào lòng đại dương sâu thăm thẳm.

Sau khi hút xong điếu thuốc thứ ba, tôi tiếp tục công cuộc tìm kiếm của mình. Từ chỗ máy bán hàng tự động, tôi leo lên một con dốc thoai thoải, băng qua một đoạn đường tàu, chào một con mèo tam thể, và rồi tình cờ bắt gặp một buồng điện thoại trông khá cũ kỹ nằm trước một tiệm tạp hóa có cái tên nghe khá “kêu”, “Muku-no-hane”.

“Arigatou”, tôi khẽ cúi đầu bày tỏ niềm cảm kích chân thành trước sự xuất hiện kịp thời của buồng điện thoại công cộng này. Ngay đúng thời điểm bỏ đồng mười yên vào cái lỗ nhận tiền, tôi chợt nhận ra rằng mình hoàn toàn không nhớ số điện thoại của người đó. “Thật phiền phức! Hay là về nhà nhỉ?”, tôi chép miệng. Lúc này, dù tôi có thay đổi ý định và quay về nhà thật thì chuyến tàu cuối cùng cũng đã rời bến rồi. Thế là tôi đành phải lục tung tất cả các ngăn tủ trí nhớ để lùng sục cho bằng được một dãy số nào đó gợi nhắc tới gã bạn cùng phòng của tôi.

“0905-418-xxxx”

Số điện thoại ấy bất chợt lóe sáng trong tâm trí tôi như một ánh chớp chói lòa trước cơn giông tố. Tôi hít một hơi thật sâu và nhắm mắt lại. Một khuôn mặt thân thương chập chờn ẩn hiện dưới mi mắt tôi.

“0905-418-xxxx”

Không dành quá nhiều thời gian để ngẫm nghĩ xem những con số ấy có chính xác hay không, ngón tay của tôi nhảy thoăn thoắt trên các nút bấm đã mờ hết số. Vào lúc ấy, tôi giống như một con rối gỗ bị điều khiển bởi một thế lực bí ẩn vô hình.

Lắng nghe tiếng đầu dây bên kia đổ chuông trong đêm vắng khiến trái tim tôi đập dồn dập. Đầu óc tôi làng màng nhớ về cảnh tượng trong một bộ phim xưa cũ của Pháp. Bên kia màn mưa bạc, dưới ngọn đèn đường hiu hắt, trong buồng điện thoại, chàng trai đau khổ chờ đợi giọng nói ngọt ngào của người thương vang lên trong ống nghe điện thoai, nhưng tất cả những gì anh nhận được là lời nhắn nhủ: “xin hãy gọi lại sau”, lạnh lùng và vô cảm, từ bộ trả lời từ động.

Bởi người con gái ấy đã không còn trên cõi đời này nữa.

- Xin lỗi, ai ở đầu dây thế ạ?

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ do chất lượng đường truyền nên giọng nói của người ấy trở nên rất đỗi “trung tính”. Một sự pha trộn thất bại giữa giọng nam cao và giọng nữ trung. Tuy vậy, tôi vẫn đủ sức nhận ra được việc kẻ ở đầu dây bên kia đang trả lời mình bằng giọng ngái ngủ. Liếc nhìn thật nhanh chiếc đồng hồ trên cổ tay, tôi nhận ra vị chủ nhân của đàn cá cảnh đã yên giấc sớm hơn bình thường, và hoàn toàn không gợn chút mảy may lo lắng khi tôi gọi về từ một số máy lạ, giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này.

- Cậu đã ngủ rồi à? Hôm nay cậu ngủ sớm thế, TAKAYA?

- À, chỉ là tôi lỡ ngủ quên khi đang đọc nốt quyển sách thôi.

Tôi khá bất ngờ khi người đó lại xưng “boku” thay vì “ore” như mọi khi. Chẳng lẽ việc bị đánh thức khi đương say giấc nồng có thể khiến đầu óc người đó mụ mẫm đến thế ư?

- Nhưng mà…- Cậu ta nói tiếp. - ai đang ở đầu dây bên kia thế ạ?

- Là tôi đây. - Tôi cố gắng kìm chế để không bật cười. - Tsuyonari Nakamura đây.

- Tsuyonari kun?

Tôi hơi khựng lại khi nghe đối phương gọi tên mình.

- Takaya? Phải Takaya đấy không? - Tôi bồn chồn hỏi lại.

- Vâng, là Takaya Nakamura đây. Tsuyonari kun? Sao giọng cậu hôm nay lạ thế? Nghe cứ như một ông chú ngoài ba mươi vậy?

- Cậu thật sự là Takaya Nakamura chứ? - Tôi run rẩy lặp lại câu hỏi.

- Vâng?

- Nhưng…- Tôi khẽ nuốt khan, khó khăn lắm mới có thể nói cho tròn vành rõ chữ. - nhưng cậu là Takaya Nakamura nào mới được chứ?

- Chuyện gì xảy ra với cậu vậy, Tsuyonari kun? Tất nhiên, tôi là bạn cùng lớp với cậu, Nakamura Takaya, học sinh lớp 2-A, trường cao trung XX, ở thị trấn Y rồi?

- Takaya Nakamura lớp 2-A?

- Đúng rồi. Nhưng mà…

- Nakamura?

- Vâng.

- Ta...ka...ya…

Tiếng “tít tít” vang lên báo hiệu sắp hết thời gian cuộc gọi. Tôi vội vàng gác máy, lao ra khỏi buồng điện thoại ấy, rồi chạy trối chết như bị ma đuổi phía sau. Tôi cứ thế lao đi, như một mũi tên vừa bật ra khỏi dây cung của một vận động viên Olympics cự phách, xuyên qua màn đêm tĩnh lặng. Không khí lạnh bám đầy trong hai buồng phổi tôi, và làm những sợi dây thần kinh ở hốc mắt tôi nhức buốt. Không hiểu vì nguyên cớ gì mà tôi thật sự muốn khóc, nhưng nước mắt lại chẳng tài nào chảy ra được.

Chạy được chừng mười lăm phút thì cơ thể tôi thấm mệt. May sao chỗ tôi dừng chân lại ngay phía trước một nhà nghỉ tư nhân vẫn còn đang mở cửa. Tôi lập tức thuê một phòng và ngủ đến sáng.

Tám giờ sáng hôm sau, tôi được đánh thức bởi tiếng chú chó Bergie Đức ở ngôi nhà đối diện. Sau khi hoàn thành việc vệ sinh cá nhân, với một tác phong vô cùng mệt mỏi và đờ đẫn, tôi khoác áo vest lên người, thắt lại caravat rồi rời khỏi phòng. Ông chủ nhà nghỉ chào tôi bằng chất giọng sang sảng khỏe khoắn, còn tôi thì nở nụ cười méo xệch, gật đầu đáp lại.
 

suechanlatbaingua

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
29/7/14
Bài viết
102
Gạo
0,0
Chương 1: Gandhara (Godiego) - Phần thứ ba
Tôi đến công ty trễ hơn mười lăm phút so với bình thường.
Tôi đến công ty trễ hơn mười lăm phút so với bình thường. Vừa thoáng trông thấy tôi ở cửa văn phòng, Sasaki vội vàng chạy đến bên cạnh, đoạn rút từ trong túi áo chiếc Smartphone màu trắng của tôi.

- May quá, Nakamura san đã đến rồi. Hôm qua, anh để quên điện thoại lại quán. Sáng nay, mama ở quán đó đã cho người đến công ty chúng ta để trả lại đấy ạ. - Nói rồi cô đưa điện thoại cho tôi bằng hai tay.

- Thế à? - Tôi khẽ chép miệng. - Vậy chiều nay tôi phải đến đó để cảm ơn họ mới được.

Trước khi an tọa trên chiếc ghế xoay quen thuộc, tôi bật điện thoại lên kiểm tra một chút: ba cuộc gọi nhỡ và hai tin nhắn. Tôi buông một tiếng thở dài như ông cụ tám mươi, rồi bắt đầu làm việc. Phải đến tận khi đồng hồ điểm mười hai giờ ba mươi và mọi người kéo nhau đi ăn trưa, tôi mới đi ra khu vực hút thuốc của công ty, lướt điện thoại tìm đến địa chỉ liên lạc có tên “ Takaya Nakamura”. Quả nhiên, dãy số điện thoại đang rực sáng trên phông nền đen thẫm này chẳng liên quan gì đến số điện thoại tôi đã gọi tới đêm qua. Vậy thì chủ nhân của số điện thoại kia là ai? Một bàn tay chậm rãi vẽ nên một khuôn mặt nửa thân thương, nửa lạ lẫm trên bức tường tâm thức màu ngà của tôi khi tiếng nhạc chờ từ đầu dây bên kia ngân vang.

“Một ông chú gần đầu bốn rồi vẫn để nhạc chờ là bài hát của AKB48 cơ đấy.”, tôi chán nản nghĩ thầm.

- Oi, sao bây giờ cậu mới gọi cho tôi? Tôi đã chờ điện thoại của cậu cả đêm đấy.

Một giọng nam cắm cẳn vọng vào màng nhĩ tôi. Lần này thì đúng người rồi. Bàn tay tưởng tượng trong đầu tôi cũng đã biến mất.

- Cậu lo cho tôi đấy à?

- Tất nhiên rồi. Vì khuya lơ khuya lắc rồi mà chưa thấy cậu về nhà, lại hoàn toàn không liên lạc được gì cả, nên tôi đã vẽ ra hàng đống những giả thuyết ngớ ngẩn.

- Ồ, thế à? - Tôi nghiêng đầu, cố dùng cổ và vai để giữ chiếc điện thoại trong lúc tay đang bật lửa châm điếu thuốc lá. - Cậu nêu thử một ví dụ xem nào.

-Tôi đã liên tưởng tới việc cậu, với cái bản tính vụng về lóng ngóng của mình, lại làm sai gì đó. Và trùng hợp thay là công ty cậu vừa thuê được một cô nhân viên người Thái biết đến tận ba ngoại ngữ mà chỉ cần trả mức lương bằng một nửa mức lương của cậu. Tất nhiên là tên cậu được nằm gọn gàng trong danh sách thuyên giảm biên chế. Cậu mất việc nên không dám về nhà, đành đi lang thang khắp nơi như mấy con mèo hoang, tuy cậu thì chẳng dễ thương gì. Cậu rảo từng bước sầu não từ chỗ công ty, đến khu vực ga Ueno đầy người vô gia cư, rồi suy nghĩ về tương lai của mình. Cuối cùng thì quyết định kết thúc sinh mạng tại vịnh Tokyo.

- Và thế là cậu thấy lo? - Tôi định chêm thêm câu mai mỉa: “Với ba cuộc gọi và hai tin nhắn ấy à?”, nhưng rồi lại thôi.

- Ừ, tôi lo lắm. Mà đừng cố lảng sang chuyện khác nữa. Cho tôi biết lý do cậu không gọi điện về nhà đi.

- Tôi đã để quên điện thoại ở nhà hàng. - Tôi từ tốn trả lời.

- Thế thì ít nhất cậu phải mượn điện thoại của ai đó để gọi chứ? Hay dùng buồng điện thoại công cộng ấy. Có đến hàng trăm buồng điện thoại công cộng ở cái đất Tokyo này cơ mà?

- Tôi đã định gọi cho cậu nhưng lại không nhớ số. - Tôi nói một cách đầy chán chường.

- Cậu vẫn không nhớ được số của tôi cơ à? Hay thật đấy? Cậu thuộc lòng số điện thoại của tiệm đồ ăn Trung Hoa gần nhà mà không nhớ số của người đang sống chung với mình à? - Đầu dây bên kia cao giọng. Có lẽ cậu ta không hài lòng với cái lý do tôi vừa nêu ra.

- Nhưng Takaya này, cậu cũng đâu có nhớ số điện thoại của tôi đâu, phải không nào? Tôi nói, vân vê điếu thuốc đương hút dở bằng hai ngón tay. Đối phương đáp lại tôi bằng những tiếng thở khò khè, khó nhọc. Một thói quen kiểu bệnh lý của Takaya: mỗi lần gặp chuyện gì không vừa ý là cậu ta lại thở gấp như người bị bệnh hen suyễn.

- Thôi, bỏ đi. Tôi xin lỗi vì đã không gọi điện về nhà. Thế tối nay cậu có định ăn tối ở nhà không?

- Hôm nay là sinh nhật thầy hiệu trưởng nên chắc phải tới tận khuya tôi mới về. Cậu cứ ngủ trước đi, không cần đợi cửa đâu. Mà dù có không về thì tôi cũng sẽ gọi điện báo mà. Tôi không phải là người vô trách nhiệm như kẻ nào đó đâu.

Ngừng lại một chút, cậu ta nói tiếp.

- Vậy thôi nhé, sắp tới tiết học tiếp theo rồi. Tôi phải vào lớp đây.

- À, khoan đã Takaya, tôi muốn hỏi cậu một chuyện này. Có một số điện thoại…

- Ừ hửm?

- À mà thôi. - Tôi nói. - không có chuyện gì đâu. Tôi cũng sắp hết giờ nghỉ trưa rồi.

- Cậu lúc nào cũng vậy. - Kẻ mê cá tặc lưỡi. -Vậy gặp lại sau nhé.

- Ừ, gặp lại sau.

Cuộc gọi kết thúc rồi, tôi dựa vào tường, hút một hơi thuốc thật sâu, thong thả nhả ra từng vòng khói trắng, rồi thẫn thờ nhìn chúng lửng lờ bay lên để rồi tan biến vào thinh không. Một luồng ý nghĩ lạ lùng chợt lướt qua đầu tôi, thôi thúc tôi mở khóa điện thoai, và trượt ngón tay cái trên những phím số cảm ứng. Miệng tôi lầm nhẩm cái số điện thoại bí ẩn ngày hôm qua.

“090-418-xxxx”

Nhưng đáp lại tôi chỉ là giọng nói ngọt ngào của cô nhân viên tổng đài: “Số điện thoại này hiện không tồn tại, xin vui lòng kiểm tra lại.”

Xương sống tôi lạnh băng, còn phần da ở sau gáy bắt đầu ngứa ngáy. Chẳng lẽ cuộc điện thoại ngày hôm qua chỉ là một sản phẩm từ trí tưởng tượng siêu phàm bộc phát trong cơn say của tôi ư? Tôi liền nháo nhào chạy vào phòng vệ sinh, dấp nước lên mặt cho tỉnh táo, cũng không quên tự điều hòa nhịp thở của mình. Phải chăng đêm qua, tôi thực sự giống như cô bé Alice, đi lạc trong chính giấc mơ của mình?

Ngồi bên bàn làm việc, tôi cố gắng tập trung đọc hết đống hồ sơ mà trưởng phòng mới giao cho, nhưng không tài nào tập trung nổi. Hình ảnh các sự kiện xảy ra chừng mười ba tiếng đồng hồ trước cứ lần lượt tái hiện trong tâm trí tôi, như một thước phim câm mờ tỏ. Khi thước phim ấy chạy đến phân đoạn tôi đương ép tai mình vào ống nghe thì bỗng nhiên, màu sắc lại bao phủ lên vạn vật: màn đêm màu xanh nhung, ngọn đèn đường vàng vọt, chiếc điện thoại màu xanh lá… và hơn tất thảy, tôi có thể cảm nhận được giọng nói ấy, cái chất giọng “trung tính” thoát ra từ ống nghe, xoáy sâu xuống tận đáy tâm hồn của tôi.

“Tsuyonari kun”

Tôi đưa tay lên xoa khắp vùng ngực trái của mình.

“Tsuyonari kun”

Tôi bắt đầu thấy khó thở. Miệng tôi cũng trở nên khô khốc. Đầu óc cũng nặng nề như đang đội một tảng đá lớn. Một cơn thèm thuốc lá ư? Tôi lắc đầu. Không thể nào. Rõ ràng bác sĩ quen của tôi đã cam đoan rằng, tôi chưa nghiện thuốc đến mức thành bệnh (dù cậu ta vẫn chân thành khuyên tôi nên cai dần đi). Một cơn buồn nôn bất chợt ập đến. Tôi đứng bật dậy, xin phép trưởng phòng Noriguchi cho về sớm. Ông hỏi thăm vài câu, rồi dịu dàng bảo tôi cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

Tôi đoán đó là một cơn cảm cúm mùa đông.

Nhưng tôi đã nhầm to.


Ra khỏi công ty, hệ hô hấp của tôi hoạt động dễ dàng hơn một chút. Ban đầu, tôi định đi một mạch về nhà, uống một viên thuốc cảm, rồi lăn ra ngủ cho đẫy giấc. Tuy nhiên, do bất chợt nhớ ra rằng tiệm ăn ngày hôm qua cũng nằm trên con đường đi đến ga Ueno, nên tôi quyết định ghé qua đó để nói tiếng cảm ơn bà chủ. Dù gì thì cũng chẳng tốn mấy thời gian.

Nếu cứ đâm thẳng một đường, tôi sẽ chỉ mất chưa đầy năm phút để tới được quán ăn nọ. Đó là xét trên cơ sở lý thuyết. Còn trong cái thực tại mà tôi là một phần không thể tách rời khỏi nó, tôi, Tsuyonari Nakamura, gã nhân viên văn phòng lười biếng, lại lơ đãng đi theo tiếng đàn guitar từ một con ngõ nhỏ trôi đến, tựa chú nai con khát nước lần theo tiếng suối reo. Tôi đã thản nhiên rẽ vào đó mà không hề nhận ra đấy là lối dẫn tới chỗ cái buồng điện thoại công cộng ngày hôm qua. Và khi ý thức trở về, tôi đã đứng phía trước nó, buồng điện thoại cũ kỹ, xám ngắt, được gắn kinh mờ. Tôi chạm lên mặt kính lạnh lẽo, rồi đứng thừ người ra, nhìn chằm chằm vào phía trong căn buồng trống như thể bị thôi miên. “Tsuyonari kun ”, giọng nói ấy cứ váng vất mãi trong tâm trí tôi, một cách đầy ám ảnh. Tôi nuốt khan. Có lẽ tôi đã hiểu ra rồi? Sao tôi lại phải cố gắng đánh lừa bản thân mình nhỉ? Tôi muốn được nghe giọng nói ấy gọi tên mình, một lần nữa. Tôi dường như đã chờ đợi suốt gần hai mươi năm cho điều kỳ diệu này. Điều kỳ diệu bất ngờ xuất hiện, như một tia nắng mặt trời, kiên cường chiếu xuyên qua những tầng lá dày của một khu rừng rậm rạp, soi rọi vào lòng một cái giếng bỏ hoang. Linh hồn tôi, bị nhốt trong cái giếng đó, đã đón lấy ánh sáng nhiệm màu ấy, và bừng tỉnh khỏi giấc ngủ tối tăm.

Bàn tay run rẩy của tôi bỏ đồng mười yên vào, rồi bấm số điện thoại .

“090-418-xxxx”

Đúng là có tín hiệu kết nối. Quả nhiên, chuyện đêm qua không phải là một giấc mơ. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc, tôi chỉ có thể liên lạc với chủ nhân giọng nói ấy thông qua buồng điện thoại này mà thôi.


Một tiếng “cạch” nho nhỏ vang lên, và trái tim tôi đập chệch đi một nhịp.

- Moshimoshi. Takaya Nakamura đây ạ.

Đúng là giọng nói ấy, giọng nói nghe như sự giao hòa giữa đoạn cuối một khúc Clair de Lune của Debussy với đoạn mở đầu của một khúc Nocturne op.9 No.2 của Chopin. Giống như kiểu ai đó vô tình sắp xếp hai bản nhạc ấy liền kề nhau trong một đĩa nhạc cũ . Và do sự trục trặc kỹ thuật nào đó mà chúng bị chồng lên nhau, để rồi hai giai điệu nhập làm một.

- Ano, có lẽ cậu sẽ không tin đâu, nhưng tôi là …

- Anh là Tsuyonari Nakamura san ở tương lai phải không ạ?

Tôi hơi ngẩn người ra một chút, không biết nói gì hơn ngoài một tiếng “vâng”.

- Sáng nay, em đã thử gọi lại bằng số điện thoại này thì có một bà cụ nhấc máy. Bà ấy bảo với em, rằng mình là chủ nhân của tiệm tạp hóa gần đó có tên là “Muku-no-hane”.

Tôi ghé mắt nhìn ra bên ngoài thì thu lấy hình ảnh một bà cụ tướng tá phúc hậu đang cặm cụi vuốt phẳng lại mấy tờ tạp chí trên chiếc kệ gỗ đặt bên cạnh những cái thùng đựng đầy các loại rau quả.

- Và sau đó em đã hỏi bà ấy để biết về địa điểm và mốc thời gian ở chỗ anh.

- Thế à? Cậu không bất ngờ ư?

- Ban đầu thì cũng có một chút. Tuy nhiên, sau một buổi sáng đọc hết một số sách trong thư viện thì em đã hiểu ra vấn đề. Anh biết không? Thật ra hai chúng ta đang sống trong những chiều không gian biệt lập với nhau. Nhưng có đôi lúc, những chiều không gian ấy…

- Thôi được rồi. Tôi sợ mình không đủ tiền để nghe hết lời giải thích của cậu đâu. Về điểm hay nói dông nói dài thì cậu chẳng thay đổi gì cả. Và tại sao cậu lại có thể khẳng định được, tôi chính là “Tsuyonari Nakamura” từng học cùng cao trung với cậu?

- Vì khi rơi vào tình trạng hoảng hốt, “Tsuyonari kun” lúc nào cũng nói vấp ở từ cuối cùng dù giọng điệu vẫn cố tỏ ra thật bình tĩnh. Ngoài ra thì…

- Ngoài ra thì?

- Thì cách gọi tên em như thế, chỉ có một mình “Tsuyonari kun” thôi ạ. - Đầu dây bên kia thoáng im lặng. - Liệu em có thể hỏi. Ban nãy, anh bảo rằng em chẳng thay đổi gì cả. Vậy tức là trong tương lai thì em và Tsuyonari kun vẫn thường xuyên giữ liên lạc ạ?

- Còn hơn thế nữa? Cậu có muốn nghe không? Mối quan hệ của chúng ta ở hiện tại.

Lúc ấy, tôi thật sự chỉ muốn trêu chọc cậu ta một chút thôi.

- Vâng?

- Hai chúng ta, ý tôi là cậu và tôi ở tương lai, đang hẹn hò đấy. Hai chúng ta đã hẹn hò được hơn mười ba năm rồi đấy.

Đầu dây bên kia không đáp. Tôi phải dùng tay che miệng để ngăn tiếng cười của mình thoát ra.

- Sao hả? Sợ xanh mặt rồi đúng không? Tự nhiên nghe chuyện mình đang hẹn hò với một thằng con trai khác, lại còn là bạn thân của mình nữa, thì chắc hẳn là cậu thấy…

- Em vui lắm ạ.

- Hả?

Câu trả lời đột ngột của cậu ta khiến tôi ngớ người.

- Em thật sự vui lắm ạ. Nếu em và Tsuyonari kun đang thực sự hẹn hò. - Cậu ta ngừng lại. Tôi nghe có tiếng thở gấp vọng lại. - Chà, phải làm sao đây nhỉ? Anh không nhìn thấy được, nhưng chân em đang mềm nhũn ra đây này. Em thật sự…

Tiếng “tít tít” bào hiệu cuộc gọi sắp kết thúc xen ngang vào câu nói của Takaya (tồn tại ở một chiều không gian khác). Tôi vội vàng đút thêm một đồng mười yên nữa vào, và gần như thét lên.

- Cậu làm ơn lặp lại câu đó một lần nữa được không?

- A, em xin lỗi. Em muốn nói là em rất vui khi hai chúng ta có thể hẹn hò vì em thực sự có tình cảm nghiêm túc với Tsuyonari kun. Nói cách khác, em thích cậu ấy ạ.

Tôi phải cắn mạnh vào ngón tay trỏ để ngăn mình khỏi khóc nấc lên. Tôi đã khao khát được nghe câu nói này từ phía Takaya. Đây là lần đầu tiên tôi biết được rằng, cậu ấy cũng thích tôi.

- Vậy…- Cậu thiếu niên thoáng ngập ngừng. - chúng ta đã ở giai đoạn nào rồi à?

- “Giai đoạn nào?” Ý cậu là sao? - Tôi bật cười thành tiếng. Một sự thẳng thắn đạt chuẩn thương hiệu “Takaya Nakamura”

- Ý em là..kiểu như, hôn hay là nắm tay ấy.

- Không có. - Tôi trả lời dứt khoát.

- Thế còn đi chơi hai người?

- Thỉnh thoảng.

- Vậy còn...chuyện đó…chuyện mà mấy cặp đang hẹn hò hay làm vào ban đêm ấy ạ?

- Ý cậu là đánh bài ấy hả?

- Dạ không. Chuyện khác cơ ạ. Chuyện hơi riêng tư một chút ấy ạ?

- Ý cậu là chuyện tình dục chứ gì? Cứ vòng vo mãi. Mà hình như cậu hơi nhiều chuyện rồi đó, nhóc con ạ. - Tôi hơi gằn giọng, cũng chỉ với mục đích trêu chọc cậu ta một chút thôi.

- Em xin lỗi. - Cậu ta hốt hoảng đáp lời.

- Nhưng nếu là chuyện đó thì chưa bao giờ.

- Một lần cũng không ạ? - Cậu thiếu niên ở một thế giới thuộc về hai mươi năm trước kinh ngạc kêu lên.

- Đúng vậy.

- Suốt mười ba năm?

- Ừ. - Tôi đủng đỉnh đáp. Tay bỏ thêm một đồng mười yên nữa vào lỗ nhận tiền.

- Tại sao lại thế ạ? Hai người chẳng giống đang hẹn hò chút nào.

- Thế cậu biết người ta thường làm gì khi hẹn hò à?

Đầu dây bên kia bắt tôi phải chờ đợi rất lâu. Một lần nữa.

- Cậu đã từng hẹn hò trước đây rồi à? - Trong vô thức, tôi lại đưa tay lên xoa ngực trái.

- Vâng ạ. Hồi năm ba trung học ạ.

- Cô bé đó tên gì thế?

- Ami Takaaki ạ.

- Ami chan chắc dễ thương lắm nhỉ? So với tôi năm mười bảy tuổi thì sao?

- Ami chan rất dễ thương ạ. Nhưng em vẫn thấy Tsuyonari kun dễ thương hơn. A, em xin lỗi vì đã lỡ khen anh dễ thương ạ.

Tôi tưởng tượng ra cảnh cậu ta đang liên tục cúi đầu mỗi khi tiếng xin lỗi được thốt lên.

- Nhưng tại sao lại là “Tsuyonari kun” nhỉnh hơn chứ? - Tôi đương vô cùng hưng phấn với cuộc đối thoại này đây.

- Vì bây giờ, người mà em thích là Tsuyonari kun mà.

Ngay thời điểm đó, tôi có cảm tưởng như ai đó vừa giáng cho tôi một nhát búa rất mạnh vào gáy. “Người em thích là “Tsuyonari kun””, câu nói ấy cứ đương hằn sâu dần vào tâm trí tôi, như thanh sắt nung nóng đốt cháy da thịt người nô lệ khốn khổ. Đảo mắt nhìn ra ngoài, tôi phát hiện ra bà cụ chủ tiệm tạp hóa có nuôi một chú mèo màu trắng có chiếc đuôi tam thể. Tôi cố mấp máy đôi môi khô:

- Thật đáng tiếc nhỉ? Tôi ở quá khứ lại chẳng trân trọng tình cảm của cậu chút nào.

- Dạ? - Cậu thiếu niên ngơ ngác hỏi lại.

- Ừ, tôi hoàn toàn chỉ xem cậu là bạn, và hoàn toàn chỉ dừng lại ở mức ấy mà thôi. Thậm chí nếu cậu tỏ tình với tôi lúc này… - Tôi liếm môi. - thì tình bạn của chúng ta sẽ kết thúc.

- Em sẽ làm anh sợ ạ?

- Có lẽ thế. Mãi tới năm hai mươi tuổi tôi mới có bắt đầu phát sinh thứ tình cảm vượt mức tình bạn dành cho cậu. Dù cho lúc đấy, cậu không còn yêu tôi nữa.

- Thế tại sao chúng ta vẫn hẹn hò với nhau ạ?

- Vì cậu thương hại cho tôi. Dù gì thì tôi cũng là người cậu đã từng thích mà, phải vậy không? - Miệng nói, còn đôi mắt tôi dõi theo chú mèo đang cố vờn một lá cải chìa ra khỏi miệng thùng carton. - Nhưng cậu yên tâm. Tôi thì vẫn luôn yêu cậu. Dù có là cậu của hiện tại hay cậu của hai mươi năm trước chỉ có thể liên lạc với tôi bằng chiếc điện thoại này đi chăng nữa, tình cảm của tôi đây vẫn không thay đổi. Tôi vẫn luôn yêu cậu.

Tiếng “tít tít” xâm nhập vào đường hầm hình xoắn ốc phía bên trong tai tôi, gần như cùng một lượt với những tiếng thở nặng nề, gấp gáp. Tôi bình thản nói: “Hẹn gặp lại” rồi gác ống nghe, đi ra ngoài, châm một điếu thuốc lá. Cảnh vật xung quanh tôi chìm trong ánh hoàng hôn mùa đông màu cam thẫm.Vì ánh mắt lỡ giao nhau, nên tôi đành mỉm cười cúi đầu chào bà chủ tiệm tạp hóa, người đang vuốt ve con mèo trắng xinh xắn của mình. Một giọt nắng chiều rớt trên vai áo măng tô của tôi. Tôi vừa nhẩn nha hút thuốc, vừa lẩm nhẩm giai điệu của bài “Gandhara”.

Trong tâm hồn tôi, những thây ma quá khứ đang từ từ sống lại.

Kể từ lời nói dối chiều hôm ấy, cuộc đời đã rẽ sang một hướng hoàn toàn không ngờ tới được.

- Hết chương một -
 
Chỉnh sửa lần cuối:

suechanlatbaingua

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
29/7/14
Bài viết
102
Gạo
0,0
Chương 1.5: Danny boy

Takaya Nakamura bấm nút tắt trên chiếc điện thoại rồi nhét nó vào trong túi quần đồng phục của mình. Chiếc xe bus màu xanh mang số hiệu 45 đỗ xịch lại ngay trước mặt cậu. Thay vì leo lên, ngồi yên vị trên một chiếc ghế gần cửa sổ, và đọc cuốn sách về thiên văn mới mua trong lúc chiếc xe chạy bon bon đưa cậu về nhà, thì chàng thiếu niên cúi đầu, lịch sự từ chối lời mời từ bác tài xế hiền lành. Takaya muốn tĩnh tâm một chút sau tất cả những chuyện vừa xảy ra. Đôi mắt cậu thu lấy khung cảnh mặt biển xám xịt phía trước. Những con sóng đau nhau xô vào bờ kè bằng đá nhẫn nhịn, lặng câm. Trên bầu trời, từng đám mây đen nối đuôi nhau trôi về đường chân trời màu lòng đỏ trứng. Có lẽ trời sắp mưa. Bàn tay trái cậu siết chặt lon cà phê mới chỉ uống một nửa. Bỗng, tiếng còi tàu đằng xa vọng lại khiến Takaya giật thót mình, đánh rơi lon cà phê đã nguội xuống đất. Thứ nước lõng bõng có giá một trăm năm mươi yên (chưa trừ tiền thuế giá trị gia tăng và tiền cái vỏ lon bằng thiếc) đổ tràn lan trên mặt đường lạnh lẽo. Cậu nam sinh khẽ thở dài, nhặt chiếc lon rỗng lên, rồi ném nó vào thùng rác tái chế gần đó.

Takaya băng sang bên kia đường, đến đứng cạnh một chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ. Lá cờ giới thiệu món cá khô đặc sản địa phương hiên ngang bay phất phới trong gió chiều. Mùi muối biển nồng nàn xộc vào mũi cậu, khiến cho nỗi buồn trong lòng chàng thiếu niên mười bảy tuổi càng thêm mặn chát. Từ vị trí cậu đang đứng có thể nhìn thấy ngọn hải đăng màu trắng, được thiết kế như ngọn tháp đã giam cầm nàng Rapuzel suốt mười mấy năm trời cho đến ngày nàng tình cờ gặp gỡ một chàng hoàng tử lạc lối giữa rừng sâu. Nghe người ta kể lại rằng, một thương nhân giàu có người Hà Lan đã cho xây dựng nó như minh chứng cho tình yêu sâu đậm của ông tà dành cho cô nhân tình Nhật Bản của mình. Bất cứ một vị khách du lịch nào, vô tình hay cố ý, ghé ngang qua chốn này, đều sẽ được người dân địa phương dẫn đi tham quan đúng hai địa điểm được coi là biểu tượng của thị trân nhỏ bé, buồn tẻ này, một phòng tắm công cộng đã tồn tại từ thời Minh Trị và nó, ngọn hải đăng của “Quý ngài râu vểnh”.
Cậu thiếu niên cứ đứng trầm mặc như một pho tượng đẹp được chế tác bởi một nhà điêu khắc thiên tài thời Phục hưng. Đột nhiên, chiếc điện thoại trong túi quần cậu bất ngờ đổ chuông. Cậu liếc nhìn số điện thoại gọi đến, rồi khẽ mím môi.

- Tôi nghe đây, Tsuyonari kun?
Cậu cố gắng nuốt cái bọng đau khổ đắng ngắt đương chắn ngang cổ họng, mới có thể thốt nên lời.
- Cậu đang ở đâu thế, Takaya kun? Ban nãy cậu bảo có chuyện quan trọng muốn nói với tôi, nhưng tôi bận chút công chuyện. Bây giờ, tôi rảnh rang rồi. Vậy nên, nói cho tôi biết chỗ của cậu đi, tôi sẽ đến nhanh nhất có thể.
Giọng nói dịu dàng vang lên trong ống nghe điện thoại gợi lên trong lòng Takaya một cảm giác vừa buồn bã, nhưng cũng ngập tràn mến thương, như ngày thơ bé nghe thấy tiếng con mèo lông xám chào đón mình mỗi lần đi học về.
- Ban nãy đúng là tôi có chút chuyện muốn nói với cậu, nhưng giờ thì thấy không cần thiết nữa. Xin lỗi đã làm phiền nhé.
- À, không có gì đâu. Tụi mình là bạn mà. Cậu không cần phải bận tâm đâu.
- Mà Tsuyonari kun này, tôi muốn hỏi cậu một câu.
Takaya nói trong lúc ngẩng đầu nhìn bầu trời vẫn vũ mây mù. Một cánh hải âu đơn độc vô tình in bóng mình lên đôi mắt màu nâu nhạt của cậu.
- Giữa việc cậu biết rằng một người mình thích sẽ không đáp lại tình cảm của mình với việc mình sẽ không thể tiếp tục yêu người đó nữa, thì chuyện nào đáng buồn hơn?
Người con trai ở đầu dây bên kia đáp lại câu hỏi của cậu bằng một chuỗi im lặng kéo dài. Mãi cho đến tận khi tiếng còi của con tàu du lịch “Hoa hướng dương” vang lên một lần nữa, “Tsuyonari kun” mới cất giọng bình thản.

- Nếu là tôi thì hẳn là vế thứ hai nhỉ? Có lẽ vì tôi là đứa khá lỳ lợm trong chuyện tình cảm. Nếu đã có tình cảm với ai thì sẽ thích người đó mãi. Nói thì nghe thật xấu hổ chứ cả món đồ chơi yêu thích từ hồi ba, bốn tuổi, tôi vẫn cất giữ cẩn thận đấy. Vậy nên, giả dụ một buổi sáng, khi thức dậy và nhận ra tình cảm của mình dành cho người đó đã hoàn toàn tiêu biến như thể chưa từng tồn tại, thì hẳn tôi sẽ đau khổ đến không chịu nổi. Thậm chí, có lẽ tớ sẽ tự hỏi, liệu thế giới mà tôi đang sống có thực sự tồn tại.
- Thế à? Cậu nói nghe cứ như trích từ tiểu thuyết ra ấy. - Takaya bật cười thành tiếng.
- Sao? - Ở phía bên kia, Tsuyonari cũng nhanh chóng hòa cùng tiếng cười của cậu. - Nghe “sến súa” quá hả?
- Không? Chỉ là tớ nhận ra Tsuyonari kun quả nhiên chả thay đổi chút nào.
- Hả? ý cậu là sao?
- Không có gì đâu. Mà cho tôi xin lỗi nhé.
- Xin lỗi? Vì chuyện gì mới được?
- À không, chỉ là vì...đã làm mất thời gian của cậu.
- Không có gì. Đừng khách sáo thể chứ? Có gì mai lên trường chúng ta sẽ nói tiếp nhé.
- Ừ, ngày mai gặp lại.
Những con sóng vẫn mải miết vỗ vào bờ ghè, làm tung lên những bọt sóng trắng xóa. Gió thổi tung mái tóc đen mượt của cậu nhưng không tài nào cuốn đi nỗi buồn đang đè nặng trong tâm hồn cậu. Takaya Nakamura rút trong cặp ra chiếc kèn harmonica, rồi đưa lên miệng thổi. Giai điệu bài “Danny boy” nhanh chóng bị nuốt chửng tiếng sóng triều xôn xao lẫn với tiếng còi của những con tàu đánh cá. Ánh tà dương đã tắt từ lâu. Ngọn đèn kiểu Âu gắn phía trên cửa ra vào của một tiệm cà phê gần đó cũng đã được bật sáng. Takaya vẫn cứ đứng thẫn thờ. Đôi mắt cậu dán chặt vào ngọn hải đăng cổ kính. Rồi cậu khe khẽ cất tiếng hát. Một giọt nước mắt chầm chậm ứa ra từ khóe mắt chàng nam sinh.

“Oh Danny boy, oh Danny boy, I love you so”
 
Bên trên