Cảm nhận Cảm nhận về bản dịch Dưới Bánh Xe Cuộc Đời

Tĩnh Hoàng

Gà con
Tham gia
30/8/18
Bài viết
3
Gạo
0,0
Dưới Bánh Xe Cuộc Đời
  • Tựa gốc: Unterm Rad
  • Tác giả: Hermann Hesse
  • Ngôn ngữ: tiếng Đức
  • Dịch giả: Hiền Trang
  • Nhà xuất bản: Tsuki Books & Nhà xuất bản Thế Giới
  • Khổ sách: 13x18 (gần bằng khổ giấy A5)
  • Xuất bản lần đầu năm 1906 bởi Nhà xuất bản S. Fisherman
  • Được dịch sang tiếng Anh và tái bản năm 1957 dưới tên The Prodigy bởi Nhà xuất bản Peter Owen, dịch giả W. J. Strachan
  • Dịch sang tiếng Anh và tái bản năm 1968 dưới tên Beneath The Wheel bởi nhà xuất bản Bantam Book, dịch giả Michael Roloff
Dưới Bánh Xe Cuộc Đời là một truyện dài của nhà văn Hermann Hesse - người đã đạt giải Nobel Văn học và giải Goethe năm 1946 cùng nhiều giải thưởng khác. Tác phẩm là một lời chỉ trích nặng nề dành cho nền giáo dục chỉ chú trọng đến kết quả học tập chứ không phải là việc phát triển con người toàn diện, từ đó đã vô tình hủy hoại cuộc đời của những đứa trẻ mà tài năng của chúng không biểu hiện theo chiều hướng được trường học mong muốn. Dù được viết cách đây hơn một thế kỷ, những vấn đề được tác phẩm nêu ra vẫn còn hiện diện đâu đó trong nền giáo dục thời nay.

Trước tác phẩm này, mình đã được tiếp xúc với những tác phẩm khác của Hermann Hesse gồm Shiddhartha (Dịch giả Lê Chu Cầu), Huệ Tím (Dịch giả Thái Kim Lan), Demian (Dịch giả HCI, và bản dịch khác hay hơn trên mạng). Mặc dù trước đây rất lâu, một số tác phẩm của ông đã được xuất bản ở Việt Nam như: Câu Chuyện Dòng Sông (Shiddartha), Sói Thảo Nguyên (Der Steppenwolf), Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang (Narziß und Goldmund), Tuổi Trẻ Băn Khoăn (Demian)...; nhưng hầu như đều không được dịch từ nguyên bản tiếng Đức và tên nhân vật thì dịch sang tiếng Việt, nên mình đều đợi để mua các bản dịch mới từ bản gốc. Lúc hay tin tác phẩm Dưới Bánh Xe Cuộc Đời được xuất bản, mình rất vui và đặt sách ngay lập tức, tuy rằng có hơi lưỡng lự khi thấy tên dịch giả nhưng sự hâm mộ dành cho Hermann Hesse vẫn chiến thắng tất cả.

Và sau một phần ba quyển sách, với sự cạn kiệt của lòng bao dung, mình thật sự tức giận vì trình độ dịch thuật của dịch giả Hiền Trang. Từ cách dùng từ, đặt câu cho đến việc diễn giải đều đầy sai sót, thể hiện sự non kém, cẩu thả trong việc dịch thuật và biên tập. Các bản dịch của dịch giả Lê Chu Cầu và Thái Kim Lan đã đưa mình đến với một Herrmann Hesse có văn phong mượt mà, đầy thơ mộng và dễ thấm bao nhiêu, thì bản dịch của Hiền Trang đã khiến văn phong ấy trở thành những câu chữ thô vụn, rời rạc khó hiểu bấy nhiêu.

Điều khó chịu đầu tiên là cách trình bày tác phẩm. Có lẽ do thói quen viết văn trên mạng nên mỗi lần xuống dòng đều là dòng đôi, giống như bài viết này, khiến các đoạn văn bị kéo rời ra, đặc biệt khó chịu khi đọc đến những màn đối thoại, đôi lúc một trang giấy trông như bị tách thành bảy đến tám khúc ngắn, VD như trang 54, 57, 217, 224... Kiểu chữ in có nét cứng, không rõ dấu, và khoảng cách giữa các chữ quá rộng, tạo cảm giác mỏi mắt và khiến nội dung trong trang giấy bị rút ngắn, dẫn đến độ dày của sách tăng lên. Điều này chứng tỏ người phụ trách trình bày bản in không được đào tạo chuyên môn và không có kinh nghiệm.

Tiếp đến, như đã đề cập ở trên, khiến mình không thể thấm nổi bản dịch này là ở văn phong dịch. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1906, hơn một thế kỉ trước, nhưng dịch giả lại sử dụng cách dùng từ rất hiện đại, đôi khi là văn nói, không hề phù hợp với bối cảnh ra đời của tác phẩm lẫn cách viết của tác giả, điển hình như sau:
  • “... dặt dẹo ốm đau...” – Trang 8
  • ·“... gọi những vị đó là tên lon ton(?) hay công chức bần cố...” – Trang 9
  • “... đối với toàn thể cái làng này...” – Trang 10
  • “Trúng phóc luôn” - Trang 170
  • “... rất chuẩn chỉnh...” Trang 171
  • “... đáng xách dép...” Trang 203
Lại có những đoạn dịch bám quá sát, đọc lên rất thô cứng, điển hình như sau:
  • “Cho dù là nhiều hơn một vụ làm ăn sáng giá cùng các đối tác khi bàn về công việc cũng không thể khiến ông vi phạm hạn mức về những gì được pháp luật chấp thuận” – Trang 6
  • “Nếu thời tiết ổn, em có thể mang theo những cuốn sách của mình và đọc nó ở ngoài trời...” – Trang 15
  • “Chúa ơi, nó không làm con xấu hổ đấy chứ? Cứ ăn đi.” – Trang 35
  • “Ồ vâng, con hài lòng vì điều đó.” – Trang 23
  • “Ta có vài lời muốn nói với em. Nhưng ta có thể gọi em là Hans, phải không?” – Trang 196, thoại của thầy hiệu trưởng. Các câu thoại khác cũng thường xuyên được kết thúc bằng “phải không”
  • Và nhiều chỗ tương tự, trên đây chỉ là trích dẫn ngẫu nhiên
Điều khó chịu nhất vẫn là lỗi chính tả và cách dùng từ. Sách khổ nhỏ, giãn cách dòng rồi mà cứ vài trang là lại có một lỗi đập vào mắt, cụ thể như sau:
  • “… một ngưới bán buôn…” – Trang 5. Mất thiện cảm ngày từ dòng đầu tiên của tác phẩm
  • “... ngoại hình nghiêm túc...” – Trang 8. ‘Nghiêm túc’ dùng để bổ nghĩa cho tính từ hoặc động từ, ở trường hợp này nên dùng ‘nghiêm nghị’ hoặc ‘nghiêm trang’
  • “... cùng với những cử động duyên dáng đến thế...” – Trang 8. Đang tả về đặc tính của con người thì nên là ‘cử chỉ’ mới đúng
  • “... dược thừa hưởng...” – Trang 8
  • “... viển vông...” – Trang 10
  • “... nhập học học viện thần học...” – Trang 10
  • “... thậm chí chỉ gọi tên cậu...” – Trang 13. Này nghĩa là ‘chỉ có gọi tên Hans thôi’ hay là ‘điểm mặt gọi tên Hans’?
  • “Suy nghĩ của Hans trở về với ngày Chủ Nhật vừa rồi khi cậu được nhận học và khoảng thời gian đó cậu thấy mình ôn lại [...] giữa dịp lễ hội trang nghiêm.” – Trang 20. Hans vốn đang theo học ở trường làng và đang chuẩn bị cho kì thi lớn, trường đoạn trước đó chỉ kể về việc học trong tuần và chuyến đi dạo của Hans, không hề có chi tiết nào nhắc đến việc Hans được nhận vào đâu học hay có bất cứ lễ hội nào
  • “... đã dược đóng gói chưa” - Trang 28
  • “... xe trở cỏ khô...” - Trang 65
  • “... sau đó run rấy...” - Trang 123
  • “... kỷ nghỉ đầu tiên...”, “... giẽ gai...” - Trang 169
  • “... với thấy hiệu trưởng...” - Trang 182
  • “... rụt bước vào...” - Trang 196
  • “... bỏ lỡ ở trưởng...” - Trang 202
  • “... trong bầu không lạnh lẽo(?)...” - Trang 204. Là “bầu không khí lạnh lẽo” chăng?
  • “... xa lạ và tín kính(?) quá khác so với bạn...” - Trang 205
  • Và còn nữa nhưng mình không còn sức để nhặt sạn
Đôi khi lại có những cái tên, những khái niệm không thường gặp cần được diễn giải để độc giả có thể hiểu rõ hơn về ý đồ của tác giả hay bối cảnh của câu chuyện thì dịch giả lại bỏ qua (những diễn giải sau đây đều được mình tìm qua Google và chú thích thêm, có thể có sai sót, mong bạn đọc góp ý):
  • “Zarathustra đã nói như thế” – Trang 9. Đây là tác phẩm chính yếu của nhà triết học Friedrich Nietzche, viết về cuộc hoá thân của tinh thần con người. Chi tiết này nhấn mạnh tư duy hạn hẹp, lạc hậu và nông cạn của dânlàng Rừng Đen.
  • “... các nhân vật của Botticelli.” – Trang 16. Alessandro di Mariano di Vanni Filipepi, được biết đến với tên gọi Sandro Botticelli, là một họa sĩ người Ý, tác giả của bức tranh Sự ra đời của thần Vệ Nữ
  • Bengel, Oetinger (viết sai tên thành Otinger), Steinhofer, Mörike – Trang 80. Lần lượt là Johann Albrecht Bengel (hay Bengelius, là một giáo sĩ Lutheran và học giả ngôn ngữ Hy Lạp, nổi tiếng với ấn bản Tân Ước Hy Lạp và những bình luận của ông dành cho cuốn sách này), Friedrich Christoph Oetinger (là một nhà thần học Lutheran người Đức), Friedrich Christoph Steinhofer (là một nhà thần học và nhà khoa học người Wurm), Eduard Friedrich Mörike (là một mục sư Lutheran người Đức, đồng thời là một trong những nhà thơ và nhà văn lãng mạn vĩ đại nhất của Đức). Bổ sung: Giáo hội Tin Lành Lutheran, Giáo hội Luther, là một nhánh của Cơ Đốc giáo
  • Turmhahn – Trang 80. Tác phẩm thơ Der alte Turmhahn (Cựu Turmhahn) của Eduard Friedrich Mörike
  • Trang 121, các phòng ở của học sinh được đặt tên là: Forum, Hellas, Athens, Sparta, Acropolis và Germania, lần lượt là tên các thành phố, bang và vùng dân cư của Hy Lạp cổ đại. Cái tên Hellas của căn phòng mà Hans ở chính là tên Hy Lạp trong tiếng Hy Lạp.
  • “Cậu bé này rồi sẽ kết thúc với bệnh múa giật,” – Trang 196. Hans lúc này bị suy nhược thần kinh và chuyên gia thần kinh đã nói như vậy với thầy hiệu trưởng. Bệnh múa giật, hay bệnh Huntington (tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘múa giật’) là bệnh rối loạn vận động làm cho cơ thể bị co giật hoặc chuyển động không có chủ ý, đồng thời sa sút trí tuệ
  • Và những chỗ tương tự
Cuối cùng, là một lỗi chú giải sai lớn nằm ngay trang lót bìa trước:

“Dịch từ tác phẩm “BENEATH THE WHEEL” của tác giả Hermann Hesse. Cuốn sách xuất bản lần đầu tiên vào năm 1906, sau đó được tái bản vào năm 1957.”

Như đã giới thiệu từ đầu, tên gốc của tác phẩm là Unterm Rad, cái tên Beneath The Wheel chỉ là dịch ra tiếng Anh của Unterm Rad, tương tự như dịch ra tiếng Việt thì Unterm Rad có nghĩa là Dưới Bánh Xe. Ở đây đúng ra phải chú giải như thế này:

“Dịch từ tác phẩm “UNTERM RAD” của tác giả Hermann Hesse.”

Hoặc giả, thực ra thì tác phẩm vốn không được dịch từ nguyên bản tiếng Đức mà là dịch lại từ bản tiếng anh Beneath The Wheel của nxb Bantam Book. Nhưng dịch giả không hề nhắc đến bản tái bản năm 1968, nên lúc đầu mình hoàn toàn không biết và vẫn cứ đinh ninh rằng dịch giả dịch trực tiếp từ bản gốc tiếng Đức có đối chiếu với bản dịch tiếng Anh của nxb Peter Owen, có nghĩa rằng, dịch giả biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức. Việc lập lờ thông tin khiến độc giả hiểu lầm này có thể xem là một sự lừa dối độc giả?

Để tìm hiểu xem thực chất dịch giả đã dịch lại từ phiên bản nào, sau đây mình sẽ ngẫu nhiên đối chiếu vài đoạn văn giữa các bản: bản của Hiền Trang, bản tiếng Đức, bản tiếng Anh của nxb Peter Owen, và bản tiếng Anh của nxb Bantam Book, lần lượt theo các nguồn:

Bản tiếng Đức Unterm Rad:

https://epdf.pub/unterm-rad.html

Bản tiếng Anh The Prodigy, dịch bởi W. J. Strachan:

https://www.holybooks.com/wp-content/uploads/The-Prodigy-By-Hermann-Hesse.pdf

Bản tiếng Anh Beneath The Wheel, dịch bởi Michael Roloff:

https://epdf.pub/beneath-the-wheelce53818278cea9b9d71e65b3fde7614851700.html

Mình không biết tiếng Đức nên sẽ dùng Google Translate chuyển về tiếng Anh, chủ yếu để xem dấu câu và ý chính.

******

Hiền Trang dịch:
  • “Dẫu không phải một người bài trừ rượu, nhưng không bao giờ có chuyện ông uống say hay quá chén. Cho dù là nhiều hơn một vụ làm ăn sáng giá cùng các đối tác khi bàn về công việc cũng không thể khiến ông vi phạm hạn mức về những gì được pháp luật chấp thuận.”
Bản gốc:
  • “Er trank manchen Schoppen, war aber niemals betrunken. Er unternahm nebenher manche nicht einwandfreie Geschäfte, aber er führte sie nie über die Grenzen des formell Erlaubten hinaus.”
  • Google Translate: “He drank some pint, but he was never drunk. He did a lot of bad business on the side, but he never put it beyond the bounds of formalism.”
Bản The Prodigy:
  • “He drank his share of beer but never got drunk. He embarked on more than one somewhat doubtful deal but never overstepped the bounds of strict legality.”
Bản Beneath The Wheel:
  • “Though no teetotaler, he never drank to excess; though engaged in more than one questionable deal, he never transgressed the limits of what was legally permitted.”
Chỗ này hẳn nên dịch là:

“Ông có uống lai rai nhưng không bao giờ quá chén. Hơn một lần ông dấn thân vào cuộc giao dịch đáng ngờ nào đó nhưng không bao giờ vượt qua lằn ranh của luật pháp nghiêm ngặt.”

=> Hiền Trang dịch theo bản Beneath The Wheel và chế thêm lời.

******

Hiền Trang dịch:
  • “Đương nhiên mọi thứ phải có chừng mực. Lâu lâu đi bộ một lần là rất cần thiết và sẽ mang lại cho em những điều kỳ diệu,” thầy giáo nói với cậu bé như vậy. “Nếu thời tiết ổn, em có thể mang theo những cuốn sách của mình và đọc nó ở ngoài trời. Rồi em sẽ thấy học theo cách này thật dễ dàng và dễ chịu biết bao. Quan trọng hơn cả là những tri thức ấy sẽ giúp em có thể ngẩng cao đầu lên mà sống.”
Bản gốc:
  • »Natürlich mit Maß, mit Maß! Ein-, zweimal in der Woche Spazierengehen ist notwendig und tut Wunder. Bei schönem Wetterkannmanjaauchein Buch mit ins Freie nehmen - du wirst sehen, wie leicht und fröhlich es sich in der frischen Luft draußenl ernen läßt. Überhaupt Kopf hoch!«
  • Google Translate: "Of course, with measure, with measure! Walking once or twice a week is necessary and works wonders. When the weather is fine, you can take a book with you to the outdoors - you'll see how easy and happy it is to get out in the fresh air. Head up! "
Bản The Prodigy:
  • “In moderation, of course! A walk once or twice a week is neccessary for health and will do you a power of good. When the weather permits you can take a book out into the fresh air with you – you will find how easy and pleasant it is to learn things in the open air. Above all, keep your chin up!”
Bản Beneath The Wheel:
  • "Everything with moderation, of course. Going for an occasional walk is neccessary and does wonders,” the teacher said. “If the weather is fine, you can even take a book along and read in the open. You'll see how easy and pleasant it is to learn that way. Above all, keep your chin up."
Chỗ này hẳn nên dịch là:

“Đương nhiên phải có chừng mực! Đi dạo một hoặc hai lần một tuần rất cần thiết cho sức khoẻ và rất tốt cho em. Khi trời đẹp thì em có thể mang theo sách ra ngoài hít thở khí trời – em sẽ thấy học ngoài trời dễ dàng và thú vị như thế nào. Mà hơn hết là hãy tự tin lên!”

=> Hiền Trang đã dịch theo bản Beneath The Wheel và chế thêm lời. Chưa kể còn cố diễn giải chỗ “ngẩng cao đầu lên mà sống” như sau:

“Theo nguyên gốc sử dụng cụm “keep your chin up”, nghĩa là hãy lạc quan lên, nhưng theo nghĩa đen nghĩa là nâng cằm lên.”

=> càng chứng tỏ Hiền Trang đã dịch từ bản tiếng Anh, bởi vì trong nguyên tác, “Kopf hoch” nghĩa là “ngẩng đầu lên”.

******

Hiền Trang dịch:
  • “Suy nghĩ của Hans trở về với ngày Chủ Nhật vừa rồi khi cậu được nhận học và khoảng thời gian đó cậu thấy mình ôn lại phần chia động từ tiếng Hy Lạp giữa dịp lễ hội trang nghiêm.”
Bản gốc:
  • “Der Knabe dachte an den Konfirmationssonntag, der kürzlich gewesen war und an dem er sich dabei ertappt hatte, daß er mitten in der Feierlichkeit und Rührung innerlich ein griechisches Verbum memorierte.”
  • Google Translate: “The boy thought of the Confirmation Sunday, which had been recently, and in which he had found himself memorizing a Greek verb in the midst of solemnity and emotion.”
Bản The Prodigy:
  • “Hans' thoughts went back to the Sunday of his recent confirmation during which, right in the middle of all the excitement and solemnity he had caught himself out memoriiing a Greek verb.”
Bản Beneath The Wheel:
  • “Hans' thoughts went back to the recent Sunday on which he had been confirmed and during which he had caught himself going over the conjugation of a Greek verb amidst the solemn festive occasion.”
Chỗ này hẳn nên dịch là:

“Suy nghĩ của Hans trở về với lễ Thêm sức ngày Chủ Nhật gần đây của cậu mà lúc đó, ngay giữa tất cả những sự phấn khích và trang trọng thì cậu lại thấy mình đang ghi nhớ một động từ Hy Lạp.”

(Confirmation: Lễ Thêm sức của người Công giáo, nhằm tăng cường sức mạnh tinh thần được trao sau lễ rửa tội và củng cố niềm tin của giáo dân)

=> Hiền Trang không biết “confirmation” là “thêm sức” nên dịch bừa là “nhận học” và chế thêm “lễ hội trang nghiêm”. Trong khi trước đó, ở trang 13, khái niệm “Thêm sức” đã xuất hiện trong đoạn sau:

  • “... cậu bé được cho tham gia một lớp “Thêm sức” vào buổi sáng trong vòng một tiếng đồng hồ...”
Với chú thích bên dưới là:
  • Bí tích “Thêm sức” là dấu chỉ nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần của người Công giáo (Wikipedia)
Không bàn tới việc dẫn nguồn từ trang Wikipedia, thật bó tay khi chỉ mới từ trang 13 đến trang 20 mà dịch giả đã quên mất khái nệm mình vừa chú thích là cái gì.

******

Hiền Trang dịch:
  • “Chúa ơi, nó không làm con xấu hổ đấy chứ? Cứ ăn đi.”
Bản gốc:
  • »Lieber Gott, du wirst dich doch nicht genieren? Nein iß nur, iß!«
  • Google translate: "Dear God, you will not be embarrassed? No, just eat, eat! "
Bản The Prodigy:
  • “For heaven’s sake! You’re not going to be awkward, are you? Just eat it up.”
Bản Beneath The Wheel:
  • "My God, it doesn't embarrass you, does it? Go ahead, eat it."
=> Dịch word-by-word theo bản Beneath The Wheel.

******

Hiền Trang dịch:
  • “Bộ sưu tập trưng bày quý giá trong thư viện vị mục sư cũng bao gồm sách của Bengel, Otinger, Steinhofer, cộng thêm tất cả bộ sưu tập các bài ca sùng đạo đã được Mörike xử lí một cách thật trìu mến trong “Turmhahn”, tuy nhiên trông chúng thật thiếu vắng hoặc mờ nhạt giữa hàng đống những tác phẩm hiện đại.”
Bản gốc:
  • “Die ehrenwerten Prunkstücke einer Pfarrbücherei, die Bengel, Oetinger, Steinhofer samt frommen Liedersängern, welche Mörike im »Turmhahn« so schön besingt, fehlten hier oder verschwanden doch in der Menge moderner Werke.”
  • Google Translate: “The honorable showpieces of a parish library, the Bengel, Oetinger, Steinhofer and pious song singers, which Mörike sings so beautifully in the "Turmhahn", were missing here or disappeared in the crowd of modern works.”
Bản The Prodigy:
  • “The highly-esteemed show-pieces of a parson's library, the volumes by Bengel, Oetinger and Steinhofer and the mystical hymn-writers whom Morike treats so affectionately in his Turmhahn were lacking here or submerged among a host of modern works.”
Bản Beneath The Wheel:
  • “The esteemed showpieces of the pastor's library, volumes by Bengel, Otinger, Steinhofer, plus all the collections of devout songs which Mörike treats so affectionately in the Turmhahn, were missing or lacked prominence among the mass of modern works.”
Chỗ này hẳn nên dịch là:

“Những mẫu trưng bày đáng quý trong thư viện của một vị mục sư, tuyển tập của Bengel, Oetinger, Steinhofer và cả nhà thơ ca thần bí mà Mörikeđã đối đãi thật trìu mến trong quyển Turmhahn của ông, đều vắng bóng tại đây hoặc bị vùi chôn giữa hàng loạt tác phẩm hiện đại.”

=> Hiền Trang đã dịch theo và sai đúng tên của Oetinger như trong bản Beneath The Wheel, đã vậy còn dịch bậy.

***

Những điểm trên đây chưa phải là toàn bộ lỗi trong sách, thực tế còn rất nhiều những lỗi đã nêu rải đều toàn bộ cuốn sách. Sau khi mua và đọc phải bản dịch Dưới Bánh Xe Cuộc Đời này, mình xin trân trọng tặng lại cho Hiền Trang câu danh ngôn sau của Nam Cao:

“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.”

Ngày 11 tháng 10 năm 2019
Seaside_Beach​
 
Bên trên