Cái cò lặn lội ban trưa
Vai gầy cõng nắng cõng mưa cuộc đời
Ngọt ngào từng tiếng à ơi
Kẽo cà cánh võng mẹ ngồi mẹ ru…
Nằm giữa dòng Cổ Chiên mênh mông, hiền hòa có một cù lao nhỏ. Đó là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, nơi gắn liền với từng ký ức tuổi thơ, nơi luôn dõi theo từng bước chân tôi , lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi dưới mái ấm gia đình và trong vòng tay mẹ.
Tôi không nhớ là bao lâu nữa? Nghe kể lại rằng ngày miền Nam còn chưa giải phóng ông bà tôi dắt theo bầy con nhỏ lặn lội về đây khai hoang lập nghiệp. Khi ấy nơi đây chỉ là một vùng đồng hoang cỏ cháy, heo hút vắng người. Bốn bề bạt ngàn một màu xanh của rừng dừa nước và bần nối tiếp nhau. Cuộc sống những năm đầu của người đi khai hoang khó khăn vô kể, bao nhiêu gánh nặng đè lên vai ông, bà tôi mỗi năm mỗi sinh nên nhà đã túng lại càng túng thiếu hơn. Mẹ tôi lúc đó mới vừa tám tuổi đã biết trông em và làm hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Mỗi ngày nước lớn mẹ mang quần áo ra sông giặt khi nước cạn thì lộn xuống kênh xúc tép, bắt cua, tối về bên ánh đèn dầu mù mờ mẹ ngồi tập khâu vá áo bên bà. Mười hai tuổi mẹ phơi mình trên những cánh đồng cấy gặt như bao người lớn. Thời buổi “người khôn của khó”, người lũ lượt kéo về ngày càng đông, đất ngày càng ít lại, chỉ mảnh đất của ông không đủ nuôi sống cả nhà nên mỗi ngày sau khi xong việc ở nhà mẹ phải đi làm thuê cho mấy nhà khá giả trong xóm. Ông tôi theo nho giáo ngày xưa nên còn rất nặng về thành kiến “trọng nam khinh nữ”. Ông chỉ cho con trai đi học còn con gái phải làm tất cả mọi việc nhà và chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Mẹ học lỏm từ cậu không nhiều nhưng tôi nhớ như in hai chữ “bài làm” mềm mại, ngay ngắn trong vở bài tập lớp hai của tôi mà mẹ viết. Đẹp như chính con người và tâm hồn mẹ vậy.
Năm hai mươi tuổi mẹ giã từ thời con gái vô tư về làm dâu một gia đình cuối xóm. Ông nội tôi thời đó là chủ điền lớn đất đai mênh mông nhà đông con cháu, ba tôi là con thứ lại không được ông thương yêu nên mẹ đã sống kiếp làm dâu không khác một con ở không công cho nhà chủ. Nếu không nghe bà kể lại tôi đã nghĩ chuyện nấu nước rửa chân cho cha mẹ chồng, giặt giũ cho cả nhà chồng, ngày cháy nắng trên đồng đêm về cháy mặt trong bếp…chỉ có trong một bộ phim thời xưa nào đó mà tôi thường kêu là không thực tế. Mẹ thường bảo rằng không biết sức mạnh nào đã giúp mẹ vượt qua những ngày tháng đó tôi hay đùa : “vì mẹ là siêu nhân!” mà không hay biết rằng là do lòng hi sinh của mẹ quá lớn.
Khi mẹ sinh chị hai rồi chị ba, ba mẹ đã có được mảnh đất nhỏ ông cho tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Rồi tôi ra đời, là con gái thứ ba, tôi sinh ra với sự chào đón hờ hững của ba và nhà nội. Nghe ngoại kể lại rằng ngày ngoại đưa mẹ con tôi về trên chiếc xuồng nhỏ ba chỉ đứng trên cầu lặng lẽ nhìn rồi buông tiếng thở dài. Mẹ ôm tôi vào lòng mà khóc. Năm đó mất mùa đói kém, ba đi làm quần quật cả ngày mà vẫn thiếu ăn. Mẹ chưa tròn tháng đã lội xuống đồng cấy mướn, mò cua bắt ốc về cho lũ con nhỏ nhóc nheo. Mẹ càng ngày càng gầy guộc ốm o, tôi thiếu sữa khóc hoài không dứt, mẹ khuấy nước cơm pha đường thay sữa nuôi tôi vậy mà tôi lớn lên vẫn trắng trẻo, xinh tươi như bao trẻ khác. Mẹ cười nói “con gái biết thân nên không chăm mà tự lớn!” Tôi lớn lên trong những lời ru ngọt ngào của mẹ, những “cái cò mày đi ăn đêm,…ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo” đã in sâu trong tâm trí của tôi. Mẹ còn ru tôi bằng những câu hò, điệu lý quê hương, những câu vọng cổ mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Khi tôi lên tám, mẹ sinh em trai cả nhà mừng vui vô kể. Mẹ cười trong nước mắt “dù thế nào con vẫn là cục vàng của mẹ”. Tôi biết mẹ sợ tôi tủi thân, mỗi buổi trưa tan học về mẹ vẫn ru tôi, tôi đã lớn có thể hát hòa chung với mẹ.
Khi mối tình đầu tan vỡ, tôi đã khóc rất nhiều. Mười tám tuổi tôi nghĩ tình yêu là tất cả và ướp mình bằng nước mắt. Mẹ nhẹ nhàng đến bên tôi bảo rằng: “Những gì của con sẽ mãi thuộc về con, nếu khi không phải thì dù con khóc bao nhiêu cũng không thay đổi được. Rồi sẽ có ngày con thấy buồn cười vì những giọt nước mắt hôm nay”. Mười tám tuổi, tôi không hiểu lắm những gì mẹ nói nhưng đã không khóc nữa.
Khi mối tình thứ hai tan vỡ, tôi không khóc nhiều như trước. Hai mươi tuổi tôi giấu nỗi đau vào tim với một chút hụt hẫng, một chút tổn thương. Nước mắt chảy vào đêm và đôi môi tắt hẳn nụ cười. Mẹ nói với tôi: “Khi người ta bơ vơ giữa thị thành đông đúc, con tim lạc lõng họ nghĩ về con nhưng khi đã quên với nhộn nhịp, ánh đèn họ không còn nhớ về con nữa. Đó không phải là tình yêu. Rồi sẽ có ngày con thấy may mắn vì những giọt nước mắt hôm nay”. Hai mươi tuổi tôi hiểu hơn những gì mẹ nói và mạnh mẽ đi qua kỷ niệm. Từ đó về sau con tim tôi chưa một lần rung động trở lại.
Hai mươi lăm tuổi tôi nghe tiếng thở dài của mẹ nhiều hơn “con gái cần một chỗ dựa, có rất nhiều việc con không thể làm nếu chỉ có một mình. Hãy mở lòng thì hạnh phúc mới đến được với con”. Hai mươi lăm tuổi, mẹ vẫn tất bật tìm chỗ dựa cho tôi còn tôi vẫn loay hoay trong chuỗi ngày tự do đầy ưu phiền của mẹ. Có khi nhăn nhó mặt mày, khi lại cười xòa như con ngốc khi nghe mẹ nhắc đến anh chàng nào đó. Khi lại dỗi hờn: “Chẳng phải mẹ luôn bảo con là cục vàng của mẹ hay sao?”.
Ngày mẹ nằm trong phòng cấp cứu đứa con gái hai mươi bảy tuổi như tôi đã gục xuống khóc òa như đứa trẻ. Cố dặn lòng ngàn lần mạnh mẽ mà vẫn run rẩy không đứng vững trên đôi chân của mình. Như một buổi tối mùa đông mẹ vắng nhà cứ ra đứng trông đầu ngõ. Như một sáng xuân nào để vuột bàn tay ra khỏi tà áo mẹ buổi chợ phiên.
Tôi bỗng thấy mình như một cánh chim, cứ nghĩ bản thân đã đủ cứng cáp, trưởng thành nên cứ cắm đầu bay mãi. Qua bao đại dương bao la, ghé biết bao vùng đất lạ. Kỳ quan hùng vỹ, cảnh vật xinh tươi lấp đầy tâm trí không nhớ nổi một ánh mắt hiền hòa luôn dõi theo và chờ đợi phía sau. Rồi một ngày mỏi gối, chồn chân chợt thèm được ôm ấp, vỗ về như ngày nào bên cánh võng. Thèm bữa cơm quê với cá và rau, thèm được mẹ dắt tay qua con đường làng trơn trợt, thèm ngọn roi khi làm sai, thèm câu cằn nhằn “mãi không chịu lấy chồng cho tôi nhờ”, thèm câu vọng cổ ngọt ngào như ngày bé mẹ ru.
Để chiều nay tôi đứng giữa cù lao, nghe cơn gió lao xao thổi tóc tung bay bất chợt hai tiếng “mẹ ơi!” mà nước mắt nhòa ướt má. Cánh cò đã xa, tôi đứng giữa quê hương mà thấy mình như kẻ lạ. Muốn cất lên lời gọi “Mẹ” sao nghẹn đắng lòng đau…
Ps: Hãy yêu thương mẹ nhiều hơn khi còn có thể đừng để một ngày phải nghẹn ngào hối hận vì mẹ là kỳ quan đẹp nhất mà ta có trên cuộc đời này!
Chỉnh sửa lần cuối: