Bài nhận xét theo yêu cầu của tác giả trong mục
Review truyện theo yêu cầu cho các tác giả Gác.
Chào
Giáo Sư Ngốc Nghếch,
Giống như với các truyện dài khác, cô sẽ chỉ đọc ba chương đầu và nhận xét trên ba chương đó, vừa khéo là cháu cũng mới up có ba chương.
Về ưu điểm thì truyện của cháu chính tả chỉn chu; nội dung, trình bày mạch lạc, rõ ràng. Ngoài ra thì cô thích mấy đoạn “thả thính” cuối chương, khá gợi tò mò và cuốn hút người đọc.
Tuy vậy, vấn đề của truyện này là lời văn chưa được tự nhiên, chưa kéo được người đọc hoà mình vào nhân vật. Thẳng thắn thì cảm giác truyện hơi “kịch”, từ sự nhí nhảnh hồn nhiên ở Mập Mạp đến sự trải đời ở Lung Linh đều lộ bàn tay đạo diễn của tác giả chứ nhân vật chưa có cái hồn riêng, hay nói cách khác là chưa thấy nhân vật thực sự “sống”.
Theo như lời đề tựa thì cháu không sử dụng thủ pháp nhân cách hoá mà “muốn viết về loài vật như viết về loài người, sống trong thế giới của chúng, đi theo từng bước chân của chúng” thì cá nhân cô thấy hiệu quả chưa tới. Nếu cháu đã muốn viết dưới góc độ loài vật thì cần tìm hiểu kỹ hơn về thói quen, tập quán, thậm chí cả tâm lý của động vật thay vì gán suy nghĩ của mình - một con người - lên chúng. Cụ thể như sau:
Cô đã từng nuôi chó nhưng chưa từng thấy chó xoa đầu nhau bao giờ, kể cả mẹ với con.
Tập quán của loài chó không giống người, không phải kiểu “ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình”. Chó đực và chó cái đơn giản chỉ là phối giống, lứa này phối với một con, lứa sau phối con khác là bình thường, xong việc ai về nhà nấy có khi chẳng bao giờ gặp lại nên may ra chó mẹ và chó con còn có sự kết nối chứ chó bố và chó con khá mờ nhạt, nhất là lại không ở gần nhau. Vì thế, câu thoại này không những không gây xúc động mà còn có chút ‘làm màu’, sến sẩm.
Chó con tách đàn (chủ đem bán/cho/tặng) từ lúc mấy tháng là hoàn toàn bình thường nên việc chó con xa rời hẳn cha mẹ không bao giờ gặp lại chẳng có gì gọi là “éo le” cả. Ở vị trí một con mèo già “đã trải đời” mà lại rưng rưng cảm xúc vì chuyện này thì mới là bất thường.
Chó là động vật trong nhà (domestic animal) nên rất khó biết thế nào là rừng lẫn những quy luật sinh tồn trong rừng, đặc biệt là chó thành phố thì càng chẳng thể biết được (mẹ Mập Mạp chắc không phải chó rừng được thuần hoá đâu nhỉ?)
Cô đang cố tưởng tượng ra cảnh con chó mà “trán ướt đầm, mồ hôi tuôn đầy mặt” là như thế nào. Nếu Mập Mạp chưa cạo hết lông trên đầu thì mồ hôi nào chảy cho đủ để ướt lướt thướt như thế?
Tóm lại, dù chọn chủ đề nào thì tính chân thật luôn rất quan trọng, cố gắng làm sao để “bịa như thật”, để người đọc dù chưa xuýt xoa thì ít nhất cũng có thể gật gù đồng ý với những gì tác giả viết ra. Vì thế, cháu nên tìm hiểu nhiều hơn trước khi chọn nhân vật chính là động vật nhé.
Chúc cháu viết tốt và ngày càng có nhiều độc giả.