Cảm nhận Câu chuyện về những chiến binh cầu vồng

Tĩnh Tâm 82

Gà con
Tham gia
25/3/17
Bài viết
9
Gạo
0,0
NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ CÁC CHIẾN BINH CẦU VỒNG

(Cảm nhận tác phẩm Chiến binh cầu vồng của tác giả Andrea Hirata)

1.Trong cuộc đời đi học, mỗi chúng ta hẳn đều đứng trước những tình huống như thế này:

Nếu một hôm bạn đi học, xe đạp của bạn bị thủng lốp giữa đường, bạn sẽ làm gì: quay về hay dắt bộ xe đến trường?Tôi đoán nhiều bạn trong chúng ta sẽ hành động như thế này: Ồ, xe hỏng rồi, mình không thể đến trường được, thật đen quá. Nhưng thực chất, bạn nghĩ thế này: May quá, hôm nay được nghỉ học hợp pháp rồi, cô giáo và bố mẹ sẽ chẳng thể nào trách phạt được chúng ta

Nếu hôm nay bạn chiếc áo đồng phục của bạn bị đứt cúc, chiếc dép xăng đan của bạn bị đứt quai, mà bạn lại không còn chiếc áo và đôi dép nào để đi, bạn sẽ đeo chúng tới trường hay quyết định nghỉ một buổi học? Tôi đoán đa phần chúng ta sẽ nghỉ học, sau đó chúng ta sẽ bù lu bù loa với bố mẹ về chiếc áo và đôi dép cũ nát, và chúng ta sẽ nức nở khóc đòi nghỉ học, vì cảm thấy xấu hổ với các bạn. Bố mẹ các bạn hẳn sẽ vô cùng đau lòng, và ngày mai, có thể lắm, họ sẽ phải bán đi chiếc nhẫn cưới hay phải đi vay nợ để trang bị cho bạn đầy đủ tới trường

Điều tôi muốn nói với các bạn qua hai tình huống trên là: Chúng ta luôn suy nghĩ về một ngày nghỉ được tự do ở nhà lướt facebook, về chiếc áo mất cúc, về đôi dép rách quai, thay vì nghĩ rằng: chúng ta đã đánh mất một buổi học, chúng ta sẽ mất đi một phần kiến thức được học. Chúng ta, tôi và các bạn, sinh ra đã là những đứa trẻ được cắp sách đến trường. Chúng ta luôn nghĩ đó là một nghĩa vụ hơn là một quyền lợi, và bất cứ khi nào trốn được nghĩa vụ đó, chúng ta sẽ tận dụng. Và ai xung quanh ta cũng suy nghĩ như vậy, khiến chúng ta quên đi rằng: ở trên trái đất này, còn rất nhiều nơi có những đứa trẻ khao khát được cắp sách đến trường mà không thể, chúng phải nghỉ học để làm cu li phục vụ cho kinh tế gia đình, chúng phải nghỉ học vì ngôi trường làng cũ nát bị bão giật đổ mà không có ai xây dựng lại. Đó là những đứa trẻ sống trên đảo Belitong của đất nước Indonesia mà tôi muốn trò chuyện với các bạn qua cuốn sách Chiến binh cầu vồng nổi tiếng của tác giả Andrea Hirata .

2.Tôi không muốn nói về tác phẩm này bằng cảm xúc của riêng tôi, tôi chỉ muốn kể cho các bạn nghe một vài câu chuyện, trong số rất nhiều câu chuyện về các chiến binh cầu vồng và người hướng đạo cho họ- các thầy cô giáo. Và cảm nhận ra sao, tôi nghĩ, mỗi người chúng ta sẽ có một cảm nhận riêng.

2.1.Câu chuyện thứ nhất: câu chuyện về chú bé Lin-tang

Lin tang là một cậu bé sinh ra trong một làng chài nghèo khổ. Để đến được ngôi trường làng , cậu phải đi bộ 40 cây số một ngày. Một hôm, cậu đang đi thì gặp một con cá sấu khổng lồ nằm ven đường. Các bạn nghĩ xem, Lin tang sẽ làm gì? Cậu ấy sẽ hoảng sợ chạy thục mạng quay về hay sẽ vượt qua con quái vật ăn thịt người khủng khiếp đó để đến trường. Câu trả lời là: cậu kiên trì tìm cách đuổi con cá sấu đi để tiếp tục đến trường. Bởi hôm nay có tiết lịch sử đạo Hồi quá hấp dẫn và cũng bởi, từ nghỉ học không có từ điển của Lin Tang. Các bạn nghĩ xem, Lin tang sẽ làm như thế nào để đến trường? Câu trả lời đang chờ đợi bạn trong cuốn sách tuyệt vời này: Chiến binh cầu vồng

Lin tang có ba lời hứa. Tôi nhớ là khi Lin tang cầm chiếc nhẫn cưới của mẹ mình để đi mua chiếc lốp xe cho vào chiếc xe đạp cà khổ của mình để đến trường, cậu đã hứa lời hứa thứ hai: sẽ đạt giải nhất học sinh giỏi thành phố. Các bạn có tin rằng, mình – một học sinh của trường cấp ba bình thường, tại một huyện của ngoại thành nào đó - một ngày nào đó sẽ đạt giải nhất Quốc gia cho một môn học nào đó không? Tôi cá là không ai trong chúng ta ngồi đây từng có ý nghĩ ấy. Vậy mà Lin Tang, một cậu bé thậm chí không có một chiếc áo đầy đủ cúc nào để đến trường đã dám ước mơ điều đó. Và không chỉ ước mơ, cậu ấy còn thực hiện nó một cách tuyệt vời. Lin Tang đã nâng đôi cánh ước mơ cho tất cả những đứa trẻ nghèo, sống trong tăm tối, phân biệt giai cấp nghiệt ngã trên đảo Belitong ấy, biến chúng thành những chiến binh cầu vồng, dám ước mơ, dám tin tưởng vào tương lai, dám dấn thân vào con đường học hành đầy chông gai nhưng cũng tràn ngập những điều bí ẩn tuyệt vời với mong muốn chiến thắng số phận . Chúng ta có thể làm được như Lin Tang đã làm hay không? Các bạn có tin rằng, một ngày nào đó, các bạn học sinh của một trường chuyên nổi tiếng nào đó sẽ phải ngả mũ thán phục trước một các bạn- một học sinh tại một ngôi trường bình thường không tiếng tăm hay không? Chao ôi, vấn đề là chúng ta có dám nghĩ hay không, ngay cả nghĩ mà chúng ta cũng không dám thì thử hỏi chúng ta có thể làm được gì? Lin Tang- cậu bé làng chài nghèo khổ ấy đã từng làm được, vậy cớ gì chúng ta không có được một phần dũng khí đó?

Nghe tôi kể chuyện, các bạn hẳn đã nghĩ, Chiến binh cầu vồng là một câu chuyện cổ tích đầy màu hồng về thế giới trẻ thơ. Nhưng rất tiếc không phải là như vậy. Các bạn sẽ không thấy ở đây một thế giới trẻ thơ trong veo như thường thấy trong các tác phẩm về trẻ thơ. Lin tang có bộ óc của NewTon ấy cuối cùng sẽ có một cái kết khiến tất cả chúng ta đều rơi lệ, khiến chúng ta phải căm phẫn cái thực tại bất công khiến cho những đưa trẻ không thể đến trường. Và khi kể về người bạn tuyệt vời nhưng đáng thương đó, cậu bé Ikal-hóa thân của tác giả- đã không cầm lòng được mà kêu lên phẫn nộ: Tại sao trẻ em không được thực hiện quyền cơ bản của chúng: quyền được học hành. Và tại sao trên đời này, có những đứa trẻ có đầy đủ điều kiện học hành lại không thể học hành cho tử tế. Tôi đã thấy mình trong đó, tôi nghĩ ai đã từng đọc cuốn sách này đều tự vấn một điều giống như tôi: Mình đã học hành tử tế chưa? Có biết bao đứa trẻ trên thế giới này như Lin Tang. Tôi nhớ đến một câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi biết đến những người không có chân để đi giày”

Tôi đã nói quá nhiều về Lin Tang. Còn mười người bạn khác trong đội chiến binh cầu vồng nữa. Mỗi người là một câu chuyện, ngộ nghĩnh như Ha run, đẹp trai như Trapali, cá tính và lập dị như Mahar, ngốc nghếch như Samson, đanh đá và cũng rất đỗi kiên trì như Sahara, lãng mạn như Ikal, trung thành như Akiong…Mỗi nhân vật một nét đẹp riêng, cá tính riêng. Các bạn cứ tin tôi đi, đây là một trong những câu chuyện tuyệt vời về tuổi học trò. Nếu các bạn đã từng đọc Tuổi thơ dữ dội, Hãy cho tôi một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, thì các bạn sẽ không hối tiếc khi mua một cuốn sách như Chiến binh cầu vồng.Nó sẽ thực sự là kho báu tinh thần, là hành trang không thể thiếu trên hành trình tuổi thơ của mỗi chúng ta

2.Câu chuyện thứ 2: câu chuyện về thầy Harfan

Các bạn đã từng đặt câu hỏi này bao giờ chưa: chúng ta đến trường để làm gì? Phần đông chúng ta sẽ trả lời rằng: đi học để sau này có công ăn việc làm, có cuộc sống khá giả hoặc chí ít cũng yên ổn. Chúng ta coi đó là một mục đích hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, chúng ta tập trung cho khối mà mình ôn thi. Các bạn khối A sẽ đau khổ khi nghe những giờ lịch sử và văn học nhàm chán. Các bạn khối C sẽ coi tiểu thuyết trong giờ Toán Lí Hóa. Chúng ta không cần những môn không giúp ích gì cho ý đồ tương lai của mình. Thầy Harfan trong Chiến binh cầu vồng đã định nghĩa điều đó là: “Trường học ngày nay là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và quyền lực” Còn đối với thầy, học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng của văn minh. Quan điểm giáo dục của thầy là: kiến thức chính là chân giá trị và giáo dục là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Chính về thế, thầy dùng cả cuộc đời mình để dựng lên cây cột thiêng của Trường tiểu học Muhammadiyah. Thầy phải bỏ tiền túi ra để trang trải các khoản phí của trường, không được nhận bất cứ đồng lương nào khi đi dạy. Thầy đã không bao giờ từ bỏ nỗ lực thuyết phục những đứa trẻ nghèo dưới đáy xã hội đến trường chỉ vì mong muốn chúng có được niềm vui khi cắp sách đến trường. các học trò của thầy, các bạn nhỏ trong đội chiến binh cầu vồng đã học được ở thầy niềm yêu quý và khát khao tri thức. Đối với chúng, cảm nhận được vẻ đẹp của tri thức, từ đó không ngừng hoàn thiện nhân cách là ý nghĩa thực sự của việc đến trường. Đọc cuốn sách này, hi vọng rằng, mỗi chúng ta sẽ trả lại ý nghĩa thực sự cho nơi được gọi là Trường học và việc học tập. Đó không phải là một kế hoạch tư bản để làm giàu, chỉ nhằm mục đích thực dụng, mà đó là nơi hội tụ niềm vui vô tận của ánh sáng văn hóa, văn minh.

“Vào một đêm tĩnh lặng, ông giáo nghèo với tấm lòng bao la như trời bể đó đã trút hơi thở cuối cùng” “Không có phát súng tiễn biệt, không một vòng hoa viếng, không phần thưởng nào từ chính quyền hay bài phúng điếu từ Bộ Giáo Dục, không một lời ngợi ca nào từ bất kỳ ai. Nhưng thầy đã để lại một cái giếng mát lành trong tim của mười một đứa học sinh chúng tôi, một cái giếng kiến thức không bao giờ cạn”

Chiến binh cầu vồng như vậy không phải chỉ là bài thơ tuyệt đẹp về tuổi học trò, còn là khúc ca vinh danh những người thầy giáo, cô giáo. Câu chuyện về thầy Harfan, về cô Mus (mà tôi sẽ nói đến trong câu chuyện ở bài viết tiếp theo) đã khiến mỗi chúng ta bồi hồi cảm động. Đọc tác phẩm, tôi tin rằng, mỗi chúng ta sẽ càng thêm yêu quý những người thầy đang cần mẫn từng ngày mang những mầm tri thức đến với chúng ta.

(Còn tiếp)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên