-- Chương 1 --
Sáng nay Sài Gòn đón chào một ngày mới bằng cơn mưa giông. Khí trời ẩm ướt, gió thổi lạnh buốt nhưng dòng người vẫn vội vã dưới con đường mưa. Tôi cùng mẹ và gia đình Quang Nghĩa tiễn anh lên đường đi du học. Khi ngồi trên xe, tôi chợt nhớ về chuyện tối qua mà mình đã nói với anh. Bây giờ tôi vẫn chưa tin được rằng Quang Nghĩa bảo tôi chờ anh. Bốn năm dài đẵng ấy chắc sẽ qua mau thôi.
Quang Nghĩa là hàng xóm của tôi và lớn hơn tôi ba tuổi. Nhà tôi trú tại một con hẻm nhỏ, nhà anh nằm ở đối diện. Trong xóm không có nhiều trẻ con, mẹ tôi và dì Hoa – mẹ của Quang Nghĩa có quan hệ khá tốt nên khi còn nhỏ tôi hay qua nhà anh chơi. Tôi không biết mình thích anh từ khi nào, nhưng mỗi khi ngắm gương mặt của anh khi đang giảng bài cho tôi, tim tôi lại loạn nhịp. Năm lên lớp tám, tôi học môn Toán không giỏi nên điểm kiểm tra thường không cao, anh thì trái ngược lại. Mỗi lần muốn gặp anh, tôi hay mang vở bài tập Toán để làm cái cớ nhưng cũng muốn nghe anh giảng bài cho mình. Nghĩ lại hồi đó mình đúng thật là trẻ con.
Tôi ngồi ở hàng ghế sau, đưa mắt nhìn anh qua gương chiếu hậu. Bốn năm, chắc chắn tôi sẽ nhớ gương mặt này lắm. Bỗng Quang Nghĩa nhìn lên gương chiếu hậu, ánh mắt chúng tôi giao nhau. Tôi ngại ngùng nhìn ra ngoài cửa sổ, im lặng nghe tiếng mưa rơi khá nhỏ bên ngoài. Mẹ và dì Hoa đang cùng trò chuyện với nhau, là chuyện người lớn tôi không tiện xen vào nên chỉ biết lấy điện thoại ra nghịch. Khi đến sân bay, trời vẫn chưa tạnh mưa. Ba của Quang Nghĩa đi lấy xe đẩy cho anh.
Bước xuống xe, không khí mát lạnh của mưa cùng cơn gió khiến cho tôi rùng mình. Hôm nay Sài Gòn tiễn anh bằng cơn mưa, có phải là quá lạnh lùng và hắt hủi không?
Khi Quang Nghĩa vào bên trong khu check-in, mẹ tôi và dì Hoa vẫn không ngừng bàn chuyện. Tôi ngồi xuống bên cạnh mẹ, lấy tai nghe ra và đeo lên. Tôi chọn bừa một bản nhạc ballad, tâm trạng tôi bây giờ không biết diễn tả như thế nào, chỉ thấy giống như mình và cơn mưa có thể hòa thành một.
Khi anh từ khu check-in bước ra, mưa đã không còn tuôn xối như ban nãy, thay vào đó là cơn mưa lất phất, rơi rất nhẹ và tựa như bay nghiêng theo chiều gió. Hôm nay anh diện một chiếc áo thun trắng in chữ cùng với chiếc quần jeans nâu, đơn giản nhưng vẫn làm bật lên sự trẻ trung của tuổi đôi mươi. Quang Nghĩa đứng trò chuyện với mọi người, từ đầu đến cuối tôi vẫn im lặng và không biết nên nói gì, thỉnh thoảng lại mỉm cười nhẹ. Khi sắp đến giờ vào trong, ba mẹ anh dặn dò vài câu rồi ôm con trai mình, không nỡ xa rời. Mẹ tôi cũng trao anh cái ôm thân thiết, mẹ còn trêu anh:
“Qua đó học cho giỏi rồi về nước rước con gái bác về dinh nhé.”
Ba mẹ anh nghe vậy liền bật cười, còn tôi thì lại cảm thấy hai má mình nóng ran. Cuối cùng, người vẫn chưa ôm anh là tôi, Quang Nghĩa nhìn tôi mỉm cười:
“Không ôm tạm biệt anh hả?”
Tôi ngại ngùng bước lên và khẽ ôm anh, hai tay vòng hờ ra sau lưng anh. Nhưng Quang Nghĩa một tay thì đặt trên lưng tôi, tay còn lại xoa nhẹ đầu tôi, thì thầm vào tai tôi và nói:
“Ngoan, chờ anh về, biết chưa.”
Không hiểu sao viền mắt tôi ươn ướt. Tôi khẽ đẩy anh ra và gật đầu, mỉm cười:
“Anh đi mạnh khỏe.”
Quang Nghĩa chào mọi người và bước vào trong. Lúc sắp bước qua cửa, anh quay lại nhìn chúng tôi và vẫy tay rồi kéo va li đi thẳng. Chúng tôi gọi xe và ra về, sắc trời vẫn âm u nhưng đã tạnh mưa từ lúc nào, thỉnh thoảng lại có tiếng sấm nhỏ. Trên trời lờ mờ hiện lên cầu vồng, đây là lần thứ hai tôi tự mình phát hiện ra cầu vồng sau cơn mưa. Thường thì Quang Nghĩa hay gọi tôi ra ban công nhà ngắm cầu vồng. Lần thứ nhất tôi tự mình phát hiện ra là sau khi cùng anh tắm mưa năm mười tuổi. Nhưng hôm nay tôi thấy nó sao không đẹp như khi xưa tôi vẫn hay được ngắm. Thật ra tôi cũng thích cầu vồng, nhớ hồi đó một lần nó xuất hiện, Quang Nghĩa thường đứng trước ban công và nói lớn:
“Linh ơi, có cầu vồng kìa em, mau ra xem đi không thôi nó biến mất đó.”
Lúc đó tôi đang nằm trong phòng đọc sách, vừa nghe tiếng gọi của anh tôi liền nhanh chân mở cửa chạy ra ngoài ban công và xem. Nhà của tôi và anh đối diện nhau, chỉ cách vài bước chân. Cho nên khi vừa mở cửa chạy ra, tôi đã thấy anh và thấy cả cầu vồng.
Về đến nhà, tôi ra ban công phòng mình và ngắm cầu vồng trên trời. Nó đã mờ hơn lúc nãy và có vẻ như là sắp biến mất. Tôi nhìn ban công đối diện, trong lòng cảm thấy trống rỗng. Phải rồi, Quang Nghĩa đang trên đường đi du học, sau này sẽ không còn ai gọi tôi ra ban công cùng xem cầu vồng nữa.
Anh đã bảo tôi chờ, vậy thì tôi sẽ kiên trì chờ. Tôi đã yêu thầm anh được tám năm, vậy thì bốn năm có nhằm nhò gì. Tôi khẽ thở dài rồi mỉm cười nhẹ, bởi vì trời mưa nên hơi lạnh, tôi ôm hai bả vai mình rồi bước vào trong phòng.
Ba năm sau.
Reng… reng… reng.
Tôi thoát khỏi giấc mơ sau tiếng chuông đồng hồ báo thức. Vừa rồi đúng là một giấc mơ kì lạ, tôi không biết diễn tả như thế nào cho đúng. Nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ trên bàn đèn đang không ngừng tra tấn hai lỗ tai của tôi vào sáng sớm, tôi cầm nó lên và gạt cái nút ở phía sau để tắt chuông. Ngồi trên giường với đôi mắt lim dim vì chưa thích ứng được ánh sáng, tôi vươn vai rồi ngáp một cái, xuống giường và bước vào nhà tắm làm vệ sinh cá nhân.
Năm nay tôi đã là một cô sinh viên năm nhất, cũng đồng nghĩa với việc Quang Nghĩa đã đi du học được ba năm. Mọi thứ có vẻ đã có sự thay đổi kể từ khi anh đi. Ví dụ như gánh xôi mặn của bà Hạnh đã được nâng thành một quán xôi nhỏ ở đầu hẻm, xe nước mía của anh Mập đã không còn hoạt động, hàng cây non được trồng sau nhà bác Mai đã cao hơn một chút,… và tôi cũng đã thay đổi về vẻ ngoài. Chỉ riêng tình cảm và nỗi nhớ nhung của tôi dành cho anh vẫn không đổi thay.
Tôi làm vệ sinh cá nhân xong rồi mở tủ đồ mình, đứng đắn đo một lúc không biết hôm nay nên mặc gì. Đây cũng là một vấn đề của người con gái. Nhìn đi nhìn lại, tôi chọn bừa một chiếc áo thun màu đen đi kèm với jeans trắng. Mái tóc dài ngang lưng được tôi búi cao, gọn gàng và mát mẻ. Khi tôi xuống nhà đã là bảy giờ rưỡi sáng, ba tôi ngồi ở phòng khách xem ti-vi, còn mẹ đã đi chợ từ sớm.
“Thưa ba con đi học.”
“Ừ, đi đường cẩn thận, nhớ ăn sáng đó nha.”
Tôi gật đầu rồi loay hoay tìm chìa khóa xe của mình. Ba nói:
“Chìa khóa móc kế nón bảo hiểm kìa.”
Tôi nhìn ra kệ để nón bảo hiểm, đúng là nó được móc kế nón bảo hiểm của tôi thật. Đôi lúc tính tôi hậu đậu, đồ của mình để ở đâu bản thân còn không nhớ, vậy mà chỉ có ba mẹ nhớ giúp mình thôi. Bởi mới nói ba mẹ đúng là vị cứu tinh của tôi. Dắt xe ra nhà, cái Trúc hí hửng cầm đồ chơi chạy lại chỗ tôi, nói:
“Chị Linh ơi, chị đâu vậy? Chị đi học hả?”
Trúc là con bé hàng xóm của tôi, năm nay nó lên sáu, là một cô bé rất đáng yêu và lễ phép.
“Ừ, chị đi học. Trúc ở nhà ngoan nha. Chiều chị về chị mua bánh cho, chịu không?”
“Dạ chịu, chị Linh nhớ nha. Thích quá, chiều có bánh ăn rồi.”
Con bé bật cười thích thú rồi chạy về nhà. Tôi mỉm cười rồi đội nón bảo hiểm lên, nổ máy và chạy đến trường. Từ nhà tôi đến trường đại học tính ra chỉ mất mười phút, nhưng do mỗi lần chạy ra đường lớn tôi lại thấy sợ, bản thân tự giảm tốc độ lại nên tốn mất mười lăm phút mới đến nơi.
Sinh hoạt và học tập tại đây hơn bốn tháng, tôi quen được một cô bạn có tính tình hoạt bát, vui vẻ và hòa đồng. Trong lớp, tôi thân với cậu ấy nhất, điều trùng hợp ở đây là tên cậu ấy cũng là Linh, Mỹ Linh. Một lần chúng tôi cá cược với nhau rằng cặp đôi nổi tiếng của lớp khi nào sẽ chia tay, người thua sẽ phải bao một chầu chè Thái ở gần nhà tôi. Mỹ Linh bảo:
“Tao cá hai tháng. Bởi vì tao biết tính của thằng Dương, nó là bạn cấp ba của tao, chưa có mối tình nào mà kéo dài hơn hai tháng, có khi là chỉ một tuần. Tao nghĩ nó chỉ tình cờ có hứng thú với Minh Vân thôi.”
“Vậy tao cá một tháng mười lăm ngày, biết đâu bất ngờ.” Tôi nói.
Kết quả là ba tuần sau, cặp đôi này đã “đường ai nấy đi”, chúng tôi không ai thắng ai, Mỹ Linh nói:
“Tiếc quá, chè Thái của tao. Sao lúc đầu tao không nghĩ ra là ba tuần nhỉ.”
“Ai bảo mày ngốc hả Linh?” Tôi nhìn cô bạn, trêu.
“Ơ, mày đang tự nói mày hả Linh?” Mỹ Linh cười to.
Từ hồi xưa đến giờ tôi cũng có vài lần bị trùng tên ở lớp. Nhưng từ khi lên đại học gặp trúng cô bạn này, tôi cảm thấy vấn đề này đúng là có cái hại của nó. Đôi lúc nó khiến tôi muốn xử đẹp cô bạn của mình.
Vừa vào đến lớp, tôi chạm mặt với Nhật Khoa – người mà Mỹ Linh nói rằng đã thích thầm tôi từ ngày đầu đại học. Khi nghe cô bạn nói vậy, tôi không mấy để tâm mà chỉ gật đầu cho qua. Tôi còn nói:
“Đó là điều đương nhiên. Linh đây thân thiện như vậy đừng nói chi con trai, con gái còn phải mến.”
“Trời ơi cái nhỏ này, thích theo kiểu có tình cảm đặc biệt dành cho mày đó.”
Khi đối mặt với tôi, Nhật Khoa không ngại ngùng mà rất thoải mái, điều đó khiến cho tôi cũng cảm thấy mến cậu bạn này. Khi Nhật Khoa cười, cậu để lộ chiếc răng khểnh làm cho cậu trở thành một người con trai ngộ nghĩnh pha chút dễ thương, ít nhất trong mắt tôi là thế. Đối với tôi, cậu là một người hòa nhã và dễ mến. Nhật Khoa mỉm cười hỏi:
“Chào buổi sáng, Linh ăn gì chưa?”
“Ờ nãy có uống hộp sữa, cũng hơi no. Còn bạn?”
“Mình ăn rồi, mình còn có mang cho bạn một phần nè.”
Nhật Khoa dí vào tay tôi một hộp xốp, hơi ấm từ hộp xốp truyền đến tay tôi và cả mùi thơm cũng toát ra từ đó. Tôi nhìn cái hộp trong tay, thắc mắc:
“Cái này là gì vậy?”
“Cơm gà, nhà Khoa bán đó. Linh ăn đi, ngon lắm.”
“À… Cảm ơn Khoa nha. Mai mốt Khoa khỏi cần làm cho mình đâu, phiền lắm.”
“Có gì đâu mà phiền, làm cho Linh ăn là vinh dự của mình đó.”
Trò chuyện vài câu thì Nhật Khoa trở về chỗ ngồi. Tôi nhìn hộp cơm mà cậu đưa, định bụng sẽ mang về nhà ăn sau. Mỹ Linh đến sớm nên giữ chỗ cho tôi, lúc tôi ngồi xuống cô bạn không ngừng hỏi chuyện. Tôi cười cho qua, cất hộp cơm vào trong ba-lô của mình.
Mười một giờ trưa, tôi và Mỹ Linh cùng nhau đi uống cà phê. Quán Estilo nằm trên con đường Nguyễn Án đã hoạt động được hơn sáu năm kể từ khi tôi biết đến nó lúc còn học cấp hai. Ở đây học sinh thường đến uống nhiều hơn bởi vì nó nằm gần trường cấp hai của tôi. Quán không to, cách trang trí mang đậm phong cách phương Tây. Chiếc ghế gỗ khi xưa giờ đã được thay mới, vị trí ngồi quen thuộc của tôi và Quang Nghĩa đã được dời đi chỗ khác. Năm tôi học lớp chín, tôi thường rủ anh đến quán này để vừa làm bài tập vừa giải trí. Tôi còn nhớ rõ mỗi khi đến đây anh hay gọi cho mình một ly Americano nóng. Tôi từng hỏi anh vì sao không dùng lạnh, anh nói:
“Bởi vì chỉ khi uống nóng, anh mới cảm nhận được vị cà phê thật sự của Americano. Có lẽ đa số thường thích uống lạnh, lạnh đến buốt óc. Nhưng có một số chuyện anh muốn dùng cà phê để làm ấm lòng mình chứ không phải chỉ để làm lạnh não.”
Lúc đó tôi chỉ lờ mờ hiểu được câu nói của anh, tôi đặc biệt chú ý đến “một số chuyện” của anh nhưng lại không dám hỏi. Quang Nghĩa cũng biết tôi thích uống Mocha, mỗi khi đến quán đều là anh gọi nước cho cả hai mà không cần nhìn menu.
“Mày uống gì?” Mỹ Linh vừa nhìn menu vừa hỏi tôi.
“Tao ấy à? Mocha đi.”
“Lúc nào cũng uống Mocha thế? Sao không uống cái gì khác?”
Tôi mỉm cười và lắc đầu, không trả lời. Thật ra bản thân tôi vốn thích uống Mocha, mỗi khi uống tôi cảm thấy vị của nó giống như một ly chocolate nóng được thêm một ít espresso vào. Mocha còn có tên gọi khác mà ít ai biết đến, đó là Mocaccino. Còn lý do vì sao tôi thích Mocha thì có lẽ là do nó gợi cho tôi nhớ đến ai đó đang cách đây hàng nghìn cây số. Mãi đến giờ tôi vẫn chưa tìm được cho mình một lý do phù hợp nào khác.