Cảm nhận Chúa đất của Đỗ Bích Thủy - Gầu Mông trầm ngâm.

Mắt nắng

Gà BT
Tham gia
5/8/14
Bài viết
1.252
Gạo
1.000,0
Gầu Mông trầm ngâm...
Câu trích đầy đủ của đoạn dân ca người H’mông là thế này

Mưa ngâu thấm lên cây
Gầu Mông trầm ngâm làm con dâu đường xa…
Ta lê bước về nhà
Mà hồn còn ngủ ở thắt lưng em…

IMG_5370.JPG

Cuốn tiểu thuyết này phải dùng từ “Bạn bắt đọc” để nhấn mạnh đến cảm xúc khó tả của mình khi nhìn thấy tên tác giả trên bìa sách. Ba ngày gần hết mùng thì lôi ra đọc trong trạng thái, đọc để có thể trả lời vài câu hỏi mà bạn sẽ hỏi, kiểu như kiểm tra xem lời giới thiệu của nó có giá trị với mình hay không?


Đọc được bốn chương đầu tiên tôi đã có ý định viết vài cái suy nghĩ của mình về các nhân vật trong Chúa đất. Đọc thêm bốn chương nữa thì đầu óc tôi lẫn lộn giữa thực và hư, buồn vui theo cái cách rất là bà cả. Bà là người về làm vợ Chúa Đà thủa ông ta còn là thằng trai Mông đẹp. Trong suy nghĩ lúc ấy tôi thấy hình như tôi đang đứng sau lưng bà cả nhìn bàn tay đếm bạc thoăn thoắt của bà. Bạc nhiều như thế mới phải làm kho để cất, làm chòi gắn vũ khí để canh, vậy con người làm chủ đống bạc ấy phải có uy quyền để đống bạc có chỗ mà thị uy. Tôi lại liên tưởng đến cái kho bạc trong dinh thự nhà họ Vương. Trích một câu trong dân ca Mông làm tựa đề: Gầu Mông trầm ngâm... Vâng, những người đàn bà trong Chúa đất chỉ có câu đó mới có thể diễn tả hết được cái ý nổi, ý chìm về những nỗi đau vô hình của họ.


Tôi đem vài cái ảnh hôm tôi chụp trong dinh thự họ Vương ra làm minh họa. Bởi tôi nghĩ có lẽ tác giả đã từ trong khuôn viên này đây mà cho ra đời được một câu chuyện buồn, hay đến thế! Và từng góc ảnh như đang hiện diện các nhân vật trong Chúa đất, họ buồn vui sợ sệt rất là sống động trong mắt tôi.

Trước tiền dinh

IMG_3508.JPG


Từ tiền dinh nhìn ra trung sân nơi thu hoạch hoa anh túc, mua bán và xử các án trong dân.

IMG_3512.JPG


IMG_3535.JPG


Cây cột bằng đá, nhẵn bóng lên nước kim loại bởi Vương cho lính lấy đồng bạc trắng hoa xòe chà lên, nghe nói rằng số bạc ấy tương đương mấy tỷ tiền đồng hiện nay.

IMG_3513.JPG


IMG_3528.JPG


Bàn đánh mạc chược của các bà vợ

IMG_3511.JPG


Bậc thềm bước ra trung sân

meo.JPG

Hai bên vọng gác cuối dinh thự

IMG_3542.JPG

Trở lại với Chúa đất, tác giả Đỗ Bích Thủy đã đưa tôi thăm lại dinh thự họ Vương ở Hà Giang một lần nữa giữa những đám mây mù trong biển mây bao quanh, cái lạnh tái tê vẫn như đang rúc vào từng thớ thịt, mũi thở ra khói, miệng nói ra khói. Tôi chợt bật cười khi hình dung chị bạn tôi làm bộ đưa ngón tay kẹp trước miệng hít hơi và thả khói như đang hút điếu thuốc, cử chỉ điệu nghệ như dân hút thuốc sành sỏi. Không gian và thời gian đó vẫn rõ ràng trong tâm trí của tôi, nhớ quá tôi bèn úp lại vài tấm ảnh ở Sà Phìn với câu: “Ngày hôm qua như giấc mơ lâu rồi.”


Từ sự suy tưởng của mình, tôi khen ngợi tác giả Đỗ Bích Thủy. Đó là một thành công rất đáng khích lệ. Tôi thường không thích các tác giả trẻ VN bây giờ viết tiểu thuyết theo kiểu ngôn tình, câu chuyện chỉ xoay quanh tình cảm với các tình tiết tréo nghoe, địa danh toàn là tưởng tượng… Chúa đất là câu chuyện tác giả viết dựa trên truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng, Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Sùng Chúa Đà (Sùng Chứ Đà – Shông Trưr Đangs) là một thổ ty người Mông hung ác, sống cách đây 200 năm. Cuộc đời Sùng Chúa Đà gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết.


Đấy là truyền thuyết, tác giả viết dựa vào nhân vật mà hư cấu ra cuốn tiểu thuyết Chúa đất mà tôi đang muốn gõ ra vài cảm nhận của mình.


Lúc vạt nắng chiếu chếch bên cái song cửa sổ cũ rích của tôi, từng vạt nắng ấy như tấm lưới phủ lên cuốn Chúa đất, tôi chợt thấy một sự diễn tả nội dung quá tuyệt vời, vội chụp lấy hình ảnh ấy để làm chủ đề cho sách. Những nhân vật trong ấy như đang bị cầm tù trong cái rọ rất mơ hồ. Đọc Chúa đất tôi thông cảm và thương nhân vật Vàng Chở, thương bà cả, thương những người đàn bà sẵn sàng chết để đánh đổi lấy cái gọi là hạnh phúc, cho dù nó chỉ đến trong chớp mắt mà thôi.

IMG_5369.JPG


Sau khi buổi chợ phiên Sà Phìn tan, tôi quay trở lại chỗ hẹn với đoàn. Trên đường đi tôi bắt gặp người phụ nữ Mông ngồi bên lề đường thêu, từng mũi kim thoăt thoắt đưa đều trên mảnh vải nhiều màu, bên cạnh là người đàn ông nằm xụi lơ trên bãi cỏ, có chiếc ô mở to che nắng che ánh nhìn của người đi qua. Cô bạn tôi nói người đàn ông đang say rượu ngô, vợ ngồi canh chờ cho chồng tỉnh rồi cùng về chung. Người kinh mình say thì kệ nhỉ, phải tìm cách đưa về chứ công đâu mà ngồi đợi. Tôi băn khoăn họ có cảm xúc gì khi nhìn thấy chúng tôi khách du phương đến ngắm nhìn họ. Chị bạn lại nói suy nghĩ của họ đơn giản và vô tư hơn bọn mình nhiều. Bởi cuộc sống của họ đâu bị nhiễm nhiều thứ bụi không tên. Thật sự những câu nói của chị bạn đã làm tôi bâng khuâng.


Đỗ Bích Thủy dùng chính cách nói và cách suy nghĩ ấy mà thủ thỉ câu chuyện về những bi kịch trong Chúa đất. Một câu chuyện buồn buồn như đám mây trong sương, có lẽ do mình đã đến đứng trong đất trời ấy nên mới cảm nhận sâu đến như thế.


Bài dân ca Mông tôi lấy làm tựa đề phần nào là câu chuyện bi thương của Vàng và Xính trong Chúa đất. Pó đứa em sinh đôi của Vàng đã lựa chọn chết thay anh trên cây cột đá. Cái chết ấy là tình huynh đệ quá sâu sắc làm cho người đọc không khỏi ngưỡng mộ, cái quyết định chết thay thốt lên một cách đương nhiên, nó làm đau lòng người đọc đến thảnh thốt.


Thế truyền thuyết kể gì? Thay vì tóm tắt thì tôi thích nói đến truyền thuyết hơn. Truyền thuyết kể rằng Sùng Chúa Đà có một bà vợ bé rất xinh đẹp, ông ta là một người cực kì ghen tuông, không bao giờ các bà vợ được phép ra khỏi nhà. Chúa Đà cho làm một cây cột đá, bất kì người đàn ông nào dám trêu ghẹo vợ là ông ta cho treo lên cây cột đá, cây cột ấy còn dùng để hành quyết những người nào làm trái ý Chúa Đà.


Chúa Đất của ĐBT là người đàn ông Mông không thể có con, dù có cưới bao nhiêu gái Mông cũng không thể biến họ thành đàn bà. Cuộc sống đủ đầy vẫn không lấp được những u tối trong góc khuất. Thế nhưng vẫn mang cái quyền tối cao mà gây tội ác, ác giả thì ác báo đó chính là kết thúc của câu chuyện. Lời văn không cầu kì, không mang nặng thứ chân lý cao siêu, cuộc sống của những con người ở Đường Thượng ấy đơn giản mà sâu sắc đến lạ lùng.


Cuốn tiểu thuyết Chúa Đất chỉ dày 290 trang khổ 15 – 22cm nhưng tôi phải đọc đến ba ngày liền mới xong, vì sao ư? Vì tôi thương bà cả và thương những câu văn của tác giả, đọc chậm để yêu hơn mà thôi.


K. 2-3-2016
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Re: Chúa đất của Đỗ Bích Thủy - Gầu Mông trầm ngâm.
Đỗ Bích Thủy
Em cũng đang muốn mua cuốn này đọc. :) Nghe tên tác giả này lâu lắm rồi mà chưa được đọc cuốn nào.
Nhưng tác giả là "Đỗ Bích Thúy" chứ chị.
 
Bên trên