Chuông gió
(Gió đổi hướng)
______________○______________
Phần 1: Rời đi.
“Ở miền đất xa xôi ấy, liệu cậu có còn nhớ đến tớ? Nhớ đến kẻ kiêu ngạo từng nghĩ bản thân là cả thế giới chứ?(Gió đổi hướng)
______________○______________
Phần 1: Rời đi.
Đã 2 năm rồi, tớ đếm không lầm chứ? Aiz cái đồ lừa đảo. Cậu bảo sẽ gửi email cho tớ hằng ngày cơ mà, từ cái ngày Cá tháng tư ấy, cậu cứ như thể bốc hơi vậy. Này, cậu cứ để tớ tự lảm nhảm một mình như con dở hơi mãi thế hở!!
Lời nói dối của cậu và gia đình cậu ngày hôm đó tớ chẳng tin đâu nhé. Thế nên ngừng trò đùa của cậu đi, chẳng vui chút nào cả. Nếu cậu cứ mãi không trả lời như thế, tớ tuyệt giao với cậu đấy. Đến lúc đó đừng trách tớ bỏ rơi cậu.
Ở nơi này tớ không hề cô đơn nữa… Nhưng nơi này không có cậu…”
Tôi lưỡng lự, con trỏ chuột đã dừng bên nút gửi. Tôi nên gửi đi chứ? Dù biết rằng cả chục tin gửi đi cũng chẳng có một lời hồi đáp. Tuy vậy, điều đó đã hình thành như thói quen. Tự bao giờ, cậu ấy trở thành cuốn nhật kí của tôi, cả quá khứ lẫn hiện tại. Không thể đánh giá cậu ấy là một quyển nhật kí tốt hay không, bởi cảm xúc khi tôi giãi bày mọi tâm tư cho cậu chàng trong quá khứ và hiện tại đã đổi thay.
Tôi lục tìm ngăn kéo, bên tai chợt vang lên thanh âm của chiếc chuông gió tôi treo trên cửa sổ. Gió đổi hướng? Thật kì lạ. Tiếng leng keng của chuông gió cứ tiếp tục vang lên, nhẹ nhàng êm dịu như bản nhạc violin cậu từng đàn cho tôi ngày ấy. Cho tôi cảm nhận về một chốn yên bình, về một nơi mà điểm số, thứ hạng không còn là nỗi ám ảnh.
- Mỗi lần tôi gặp cậu, tôi lại thấy cậu nghe bài này, cậu không chán à?
- Tớ muốn một ngày được gảy bản nhạc này, hy vọng đến ngày ấy cậu là người đầu tiên nghe nó. – Cậu mỉm cười ôn hòa.
- Sao chứ? Cậu đàn và nhạc mp3 có khác gì nhau đâu, tổ phí công.
Cậu lắc đầu:
- Âm nhạc không thể cảm nhận như thế được. Cùng một giai điệu, nhưng cảm xúc trong tâm hồn đồng điệu cùng với nốt nhạc có những cách bày tỏ riêng. Người đàn và người nghe, đôi khi có những cảm nhận trái chiều nhau. Ngay cả người nghệ sĩ, mỗi khi biểu diễn lại có những cảm xúc riêng, tuy không tách biệt với phần hồn của bản nhạc…
- Thôi thôi. – Tôi xua tay – Nói đến mòn lưỡi tôi cũng không hiểu.
Nói rồi, tôi kéo ghế lại gần cậu. Thế giới nhỏ trong tôi lúc ấy chỉ bao bọc mỗi hình dáng cậu, nhẹ tựa vào thành giường bệnh. Với một nụ cười nhẹ thoảng, cậu nhìn sâu vào mắt tôi, nhưng lại không nhìn “tôi”. Mắt cậu bần thần trong giây lát, môi mấp máy vài lời không rõ:
- Thế giới… Cuộc sống của cậu thế nào?
- Cũng vậy thôi. Nhàm chán. – Ánh mắt tôi tò mò tìm kiếm ngăn kéo tủ bệnh. Tôi đã mong chờ một vài thứ giải trí hay ho, nhưng khi mở ra lại chỉ thấy toàn là ảnh. Tẻ nhạt.
- Nhàm chán ư?
- Vâng. – Tôi kéo dài giọng – Sáng đến chiều mài mông trên ghế nhà trường, tối cắm cờ tại lớp học thêm.
- Kinh khủng vậy sao?
- Không đâu. – Tôi chăm chú nhìn cậu ta – Tôi có hẳn một hai tiếng vào buổi trưa và tối để nghỉ ngơi phây phây đấy, vui phết.
Cậu ta chỉ bật cười khẽ.
Nhiều khi tôi không hiểu, cái tên này ngoài cười ra thì cậu ta không còn biểu cảm nào khác sao?
Từng chọc ghẹo cậu ta, từng khiêu khích cho cậu ta nổi giận. Nhưng tất cả những gì cậu biểu hiện chỉ là một nụ cười ôn hòa. Có khác nào một cuộc trò chuyện giữa cha và con gái đâu chứ. Mà không, ông già nhà tôi không thế. Hó hé vài lời ngu muội là xác định số phận đêm đó bị tra tấn lỗ tai, có điên mới đâm đầu vào lửa.
- Cơ mặt của cậu chỉ có như vậy thôi sao hả? – Tôi vồ tới nắm lấy hai bên má cậu kéo lấy kéo để, trái phải lên xuống, ép thành cái vò bánh bao, mà cậu ta hiển nhiên không phản ứng!
Phải năm giây trôi qua, cánh tay phải của cậu ta mới bắt đầu rục rịch. Á à, chịu không nổi rồi chứ gì.
Trong lúc tôi đang trào dâng cảm giác chiến thắng, cậu ta liền làm một, à không, hai động tác, khiến tôi thề, thề rằng sẽ không bao giờ dám khiêu khích sức chịu đựng của cậu ta nữa.
Tay phải cậu ta nhẹ nhàng đặt lên cánh tay đang ra sức hành hạ đôi má bầu bĩnh của tôi, vỗ vài cái như “an ủi”. Tay trái thì nhẹ nhàng đặt ở một vị thế cao hơn, vọt thẳng lên đầu tôi, cũng vỗ vài cái, rồi xoa xoa, xoa như nịnh chó.
Ây tôi đếm thiếu một động tác mất rồi. Miệng, còn miệng nữa. Cái miệng đó không ngừng thốt ra những lời vàng ngọc dành cho những bé thú hư làm loạn với chủ: Thôi nào, được rồi, ngoan đi mà.
Trong mắt cậu ta tôi giống như đang làm nũng lắm ư? Tôi giống chó lắm ư? Tôi có thể làm ra những hành động tầm thường như lũ chó để dành sự chú ý của chủ nhân sao?? Không hề nhé!!
Tôi đen mặt, đình chỉ tất cả mọi hành vi. Còn cậu ta thì vẫn không ngừng dịu dàng xoa đầu tôi.
- Có thôi đi không!! – Tôi hất tay cậu ta ra. Mặt bỗng đỏ lựng lên, chẳng hiểu vì giận hay vì ngượng, căn bản là lúc đó tôi chẳng buồn để ý mà hét toáng lên – Đồ con lừa. Một con lừa thích treo một nụ cười giả dối. – Nói xong tôi làm gì? Bỏ chạy chứ làm gì.
_____________________________________________
Đùng đùng nổi giận bỏ về, tôi mới chợt nhận ra bản thân vô lí đến cỡ nào. Trong lòng ứ đọng cảm giác hối hận, nhưng cứ nhớ đến nụ cười 24/24 đó của cậu ta lại làm tôi cảm thấy mệt mỏi. Mệt ư? Suốt ngày tỏ ra bản thân rất yêu đời thì có ích gì chứ. Rõ ràng rất đau, rõ ràng là khao khát đến cháy bỏng được hòa vào không khí của thế giới, nhưng cậu ta cứ ra vẻ mình không sao cả.
Tối đó, tôi ra một quyết định, không thèm để tâm đến cái đồ rối gỗ đó nữa. Cậu ta thích thế nào thì thế ấy, định sống hết cuộc đời trên giường bệnh hay sao thì tùy, chẳng nhọc công tôi quan tâm.
Vậy mà con người của ngày hôm sau đã phản bội tôi của ngày hôm qua. Vì sao à? Cái nơi khỉ ho này thì có gì để chơi, mình không có gì để làm mới tìm đến cậu ta thôi.
______________________________________________
- Này!
Ba giây vừa đi.
- Ê tên lừa!
Thêm năm giây nữa. Làm khỉ gì lâu thế.
- Cậu giận tôi đấy à. – Tông giọng cao hơn một bậc.
Im re. Bất tỉnh rồi hay sao ấy. Thôi đến thẳng phòng vậy.
Phòng bệnh của cậu nằm ở tầng trệt, rẽ vài vòng là tới. Nhìn thấy cánh cửa ngay trước mắt, bỗng dưng bước chân tôi cảm thấy nằng nặng. Quái lạ? Hàng lang này một ngày tôi đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần, đến cả chị hộ lí ở phòng bên còn cảm thấy quen mặt.
Nhắc đến chị hộ lý, phải nói cô ấy là một người phụ nữ nhiệt thành và tận tâm với nghề. Điều đặc biệt ở chị ấy chính là nằm ở nụ cười – nụ cười chân thành. Trò chuyện với chị ấy, cả cơ thể tôi như được thả lỏng, và chúng được tự do làm những gì chúng muốn. Không kiêng dè, không gò bó. Điều mà khó có thể nào thực hiện được khi là tôi của chốn ồn ã, tấp nập.
Cậu ta có nét cười giống chị ấy. Nhưng có đôi khi, nụ cười của của cậu ta làm tôi thấy ghét. Ghét kinh khủng. Vì cái tôi trong cậu ta không cười. Bởi nó đang đau.
- Em đến rồi à? – Chị níu tay tôi lại.
- Dạ. Có việc gì hở chị? – Tôi thắc mắc. Thường ngày chỉ có tôi lẽo đẽo đi tìm chị ấy, làm gì có chuyện chị gọi giật tôi lại thế này.
- À không, chỉ là chị đang tự hỏi sao hôm nay em đến trễ thế thôi.
Trễ? Tôi nhìn đồng hồ trên tay. Chậm hơn thường ngày mười lăm phút thôi mà.
- Một ngày không gặp em chị cảm thấy buồn tủi lắm chứ gì. – Tôi chọc chị.
- Đúng rồi. – Chị cóc đầu tôi – Không có cái đuôi phe phẩy đằng sau chị mỗi ngày thì làm sao chị thấy vui được. – Chị cười lớn, nét cười không chạm đến đuôi mắt.
Giống chó? Mới một tháng hè qua đi mà bản thân mình bị giáng cấp thậm tệ vậy sao!
Tôi dỗi!
- Thôi nào. – Chị cười hiền từ, vuốt mái đầu tôi. – Không chọc em nữa. Nhanh đến thăm cậu bạn thân của em đi, kẻo lại muộn.
- Muộn gì chứ, cậu ấy cũng chẳng bốc hơi đi đâu được. Thôi em đi trước nhé. – Nói rồi, tôi quay lưng tiến thẳng đến cánh cửa màu trắng bạc, phía trên là bảng số hiệu 108, kế bên là tấm bảng con đề hai dòng chữ mà tôi vốn thuộc làu: Bệnh nhân Trần Minh – Bác sĩ thường trực: ThS. Phạm Lương Huy.
Tôi gõ cửa, hồi thứ nhất, hồi thứ hai, không ai trả lời.
- Này, tôi vào luôn đấy nhá. – Không chờ cậu ta lên tiếng nữa, tôi đẩy cửa phòng, chắc mẩm là cậu ta đang ngủ, hay lại nghe nhạc rồi thừ cả người nhìn ra ngoài cửa sổ phòng bệnh. Rõ là thèm muốn được đi ra ngoài, nhưng lúc mình rủ thì không chịu di chuyển một bước. Tên khùng.
Tôi đã chờ điều gì? Một bóng người ngồi đó, khi tôi đến sẽ quay sang nhìn tôi cười rạng rỡ, và nói: Tớ chờ câu chuyện mới của cậu hai mươi bốn tiếng rồi.
Nhưng đáp lại tôi, là không gian trắng, bức tường trắng, mùi y tế xộc thẳng vào mũi, và không có hơi ấm. Tôi đờ người ra trong giây lát. Căn phòng tựa hồ như chưa từng có người ở. Mọi thứ đều được thay mới, một mùi hương, một cảm giác mà tôi hoàn toàn xa lạ. Giật thót mình, tôi quay người tìm kiếm bảng số phòng để xác nhận lại. Đúng con số 108. Bàn tay tôi tì vào chốt cửa, cả người tôi rơi vào trạng thái đờ đẫn, không phương hướng. Đến khi sực nhớ ra điều gì, tôi ra khỏi phòng, để rồi lại điêu đứng một lần nữa.
Tấm bảng.
Trống rỗng.
Quan sát thật kĩ cả căn phòng, tôi không tin đây là nơi một tháng qua tôi hay lui tới. Mọi thứ quá xa lạ. Vì sao lại thế? Vì trước đến giờ, trong mắt tôi chỉ có cậu, chỉ thấy nụ cười nhẹ như gió thu của cậu, chỉ thấy đôi mắt chất chứa nhiều câu từ không hiện rõ thành lời.
Cậu đi rồi, không nói một lời.
Đi đâu?
Chỉ đơn thuần là rời xa nơi này, hay là rời xa tôi?
Một bàn tay thon dài khẽ chạm lên vai tôi, lại không khiến tôi giật mình. Vì thần kinh tôi chỉ tập trung ở đôi mắt, đôi mắt đang cố tìm những thứ quen thuộc. Nhưng vô vọng.
- Chị không biết chuyện gì đã xảy ra. Một nữ y tá đã đưa cho chị một lá thư, gửi cho em. Xin lỗi em, vì lúc xảy ra sự việc, chị không có ở đây. – Chị trao cho tôi lá thư, hay đúng hơn là, một mẩu giấy vuông origami nhỏ được xếp thành hình tam giác. Cậu ta trở nên đơn giản như thế từ khi nào vậy?
Cậu gấp giấy rất đẹp. Gấp vô vàn những loại hình chỉ cần cậu nghĩ ra đều có thể. Tôi xin cậu một con heo nhỏ. Cậu nhất quyết không chịu. Cuối cùng cậu cho tôi hình tam giác nhỏ nhắn. Này là đang chọc tôi đấy hử?
Ngón tay tôi khẽ di động, mở ra từng lớp một, lại thành ra một tấm giấy vuông mỏng. Trên đấy tất nhiên có chữ. Nhưng cậu ta lại chẳng tình cảm gì cả. Viết thêm vài dòng nữa thì cậu sẽ chết à.
“Cảm ơn cậu vì đã ở bên tớ. Tớ đi nhé.”