Chim vẫn chưa chụp ảnh cho cuốn này nữa nên mượn tạm của bạn Nhã Linh.
Đề tặng anh Phúc Lai!
KIÊN NHẪN MỘT CÁCH TỬ TẾ
Khi xưa bạn rất ngưỡng mộ những ông bố bà mẹ dạy con biết vâng lời, tức là không cần phải nhắc lại lần thứ hai, thứ ba. Vì kinh sợ, vì kính nể, vì gì thì cũng là điều bạn ao ước làm được khi có những đứa trẻ của riêng mình.
Bạn quen anh Phúc Lai trên Facebook trong một hội chả liên quan gì đến sách vở. Cho đến bây giờ cũng chưa gặp mặt hay trò chuyện gì thân thiết cả nhưng bạn nghĩ anh ấy là một trong những người bạn lớn đáng ngưỡng mộ, theo kiểu vừa được nhắc bên trên.
Chuyện con chuyện cha là sản phẩm được in ra từ những bài viết trên Face (hay Blog) theo trào lưu hiện nay - nghe đồn vậy chớ bạn không đọc dòng sách này nên cũng hông rõ. Nhưng vì sao bạn lại phá lệ với quyển này? Vì bạn quen tác giả. Vì quyển sách là những lần trò chuyện dạy dỗ con chan chứa tình yêu thương của người cha. (Vì để dành chừng gặp tác giả thì xin chữ ký cho nó oách xà lách.)
Mặc dù quyển sách được xếp vào danh mục tạp văn nhưng cá nhân bạn cho rằng hoàn toàn có thể xếp nó vào danh mục kỹ năng. Thể loại sách nuôi dạy con thế này, bạn đã đọc qua Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương rồi nên có thể so sánh quyển Chuyện con chuyện cha nhỉnh hơn một tẹo.
Nhìn từ góc độ khách quan, người đọc hấp thụ được bao nhiêu phần nội dung của quyển sách phụ thuộc nhiều vào khả năng tiêu hóa của họ. Vì thế cùng một quyển có người hiểu có người không. Nhìn từ góc độ chủ quan, người đọc hiểu quyển nào hơn nghĩa là họ hợp gu với quyển đó.
Bạn hợp gu với Chuyện con chuyện cha. Ngoài những mẩu truyện dạy con cụ thể ra, bạn nhặt được ở đó một bài học quý giá xuyên suốt (xuyên suốt quyển sách của tác giả và xuyên suốt quá trình chăm dạy con của bất kỳ bố mẹ nào): Kiên nhẫn. Kiên nhẫn lắng nghe rồi giải thích, kiên nhẫn lặp lại hơn một lần, kiên nhẫn chờ con hiểu vấn đề, v.v... Còn đọc Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương bạn cảm giác như đang nghe thuyết giáo, mặc dù Sara Imas cũng dựa vào những câu chuyện có thật giữa bà và các con.
Tuy nhiên, vì các câu chuyện quá chân tình lại tràn đầy lòng kiên nhẫn, bạn đâm ngờ. Ngờ rằng các câu chuyện đương nhiên có thật nhưng không hẳn được như thế. Ngờ rằng phải có lúc anh ấy cáu bẳn lên rồi câu chuyện không còn được tử tế và chậm rãi như thế. Ngờ rằng, nếu bây giờ bạn có học được cách dạy con như anh ấy thì cũng phải có lúc bạn điên máu lên rồi bài học kia bị quẳng ra khỏi đầu biến thành vô vàn lời quát mắng và đòn roi.
Thật sự có những chữ ngờ như vậy.
Nhưng mỗi lần chữ ngờ thứ nhất nổi lên, bạn lại bảo, mày không phải người ta nên đừng võ đoán, mày không thế không có nghĩa điều đó là hư vô (thầy dạy Lý cấp ba của bạn mỉa mấy đứa ngu dốt cứ cho những thứ ngoài tầm hiểu biết của mình là hư vô). Vì thế, mỗi lần chữ ngờ thứ hai nổi lên, bạn lại dằn lòng, hãy bình tĩnh, bình tĩnh (như niệm chú hít sâu thở mạnh lúc trong phòng sinh).
Bạn nghĩ, quyển sách vậy là thành công rồi.
Tác phẩm: Chuyện con chuyện cha
Tác giả: Phúc Lai
Kích thước: 13x20cm
Số trang: 213
Xuất bản và phát hành: NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2015
Tác giả: Phúc Lai
Kích thước: 13x20cm
Số trang: 213
Xuất bản và phát hành: NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2015