Chuyện qua ánh mắt - Cập nhật - EmBi

EmBi

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
19/8/16
Bài viết
67
Gạo
0,0
GIỚI THIỆU
Tình yêu học trò là những rung cảm vô cùng đẹp đẽ đối với ai đã từng có những năm tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường. Cũng như Nguyên - cô gái tuổi mười lăm đã thực sự hạnh phúc khi được trải qua những cảm xúc hồn nhiên, không mảy may vẩn đục bởi những khắc nghiệt của cuộc sống khi đã bước qua cánh cửa học đường. Đó không phải là những chiều lang thang cùng cậu ấy chạy dài trên những triền đê mênh mông gió với cánh diều, không phải những lần ngồi thẹn thùng bên nhau trước sân trường ghế đá, không phải trao nhau những dòng lưu bút thắm đỏ cánh phượng và bịn rịn lúc chia xa… Cuộc sống hoàn toàn tự lập và tách biệt ở môi trường của những học sinh nội trú đã nảy sinh trong Nguyên một tình cảm hết sức đáng yêu và chân thành. Để rồi khi bước chân trưởng thành mang cô khôn lớn giữa cuộc đời, những kỉ niệm ấy là hành trang ngọt ngào mà Nguyên đã cố công mang theo cả một thời tuổi trẻ. Chỉ bởi, chẳng ai thay thế được ánh mắt màu hổ phách trong veo ấy trong lòng cô…


Tên truyện: CHUYỆN QUA ÁNH MẮT
Tình trạng sáng tác: Chưa hoàn thành | Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: Không xác định
Thể loại: Học đường
Độ dài: Chưa xác định
Giới hạn độ tuổi: Không | Cảnh báo nội dung: Không
 
Chỉnh sửa lần cuối:

EmBi

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
19/8/16
Bài viết
67
Gạo
0,0
CHƯƠNG 1: "CHÓ GHẺ" GỬI THƯ TAY

"Mày làm gì nhìn tao hoài?" Nguyên viết mấy chữ gọn lỏn trên mảnh giấy xé vội ở cuối vở, vò lại rồi vứt qua dãy bàn bên cạnh. Thấy cục giấy bay sang bàn mình, Vinh quay lại nhìn Nguyên, ánh mắt ngơ ngác như muốn hỏi: “Chủ nhân nó là ai?” Dãy bàn có nó và Quốc, cục giấy được vo tròn lại ngoài việc dễ dàng thảy nó đi xa hơn, còn ám chỉ rằng nó chỉ dành cho duy nhất một đứa nào đó. Chứ nếu muốn giao tiếp với cả nhóm dăm ba đứa trong tiết học, chỉ cần truyền mảnh giấy qua tay từng đứa, để đứa nào cũng đọc được.


Nguyên hất hàm nhìn Vinh:


- Thằng bên cạnh mày ấy!


Vinh cầm cục giấy toan định mở vì thói tò mò, khóe miệng ánh lên một điệu cười ranh ma khiến người khác phải khó chịu. Đôi mắt ti hí như mắt lợn nheo lại, chỉ còn là hai đường đen dưới hàng lông mày thưa thớt. Nguyên nhìn hắn cáu bẳn, cổ họng khẽ rít lên một lời hù dọa:


- Mày thích chết không?


Vinh thôi đùa, đưa tay khều ngay hông sườn Quốc đang nằm ngủ ngoan như con cún nhỏ. Sự va chạm làm Quốc ngẩng đầu lên, kèm theo khuôn mặt nhăn nhó. Được ru ngủ bằng giọng điệu thánh thót đang giảng bài của cô Vy, Quốc cảm giác như mỗi giấc ngủ ngắn vào lúc ấy làm nó dễ chịu hơn bao giờ hết. Trên đời này, chỉ có những tiết Văn chán ngấy ấy mới có thể đưa nó chìm vào giấc ngủ nhanh gọn không gì sánh bằng. Tiên sư cái thằng khỉ gió nào dám làm phiền mình, nó chửi thầm, kiểu gì cũng phải cho nó một trận nên thân mới được.


- “Chó ghẻ” gửi mày đấy!


Vinh chìa cục giấy trước mặt Quốc, không quên vứt lại cho nó cái nhìn khinh khỉnh rồi tiếp tục hí hoáy chép bài.


“Chó ghẻ” - biệt danh trong lớp của Nguyên. Sau lần cãi tay đôi với thằng Ngân “đít nhọn”, cả đám hùa theo gọi Nguyên với cái tên chẳng mấy đẹp đẽ như thế, thậm chí còn có phần gớm ghiếc. Chả là thằng Ngân, con trai mà mồm mép như đàn bà con gái, không chịu thua bất kì một cuộc đấu khẩu nào dù cho đối phương của nó là một đứa con gái như Nguyên. Nguyên lỳ lợm, nhưng ít nói. Mỗi đứa trong lớp đều có một biệt danh khác nhau bắt nguồn từ những đặc điểm hình thể, tính cách, hay một sự việc nào đó đã từng xảy ra trong lớp. Và “chó ghẻ” là một biệt danh điển hình để luôn nhắc cả lớp luôn nhớ về trận cãi nhau nảy lửa giữa Nguyên và thằng Ngân chỉ bởi một lí do bé tẹo mà cho đến giờ, chẳng ai hiểu nổi lí do ấy bắt nguồn từ đâu.


Hoặc như Trúc “vịt”. Trúc chân ngắn, đi sandal chả bao giờ chịu cài quai sau, thêm bước đi mạnh nện xuống sàn. Thành ra cả lớp gọi là Trúc “vịt”. Trang “heo”. Vì nó mập như heo. Nam “bê đê”, Phát “mập”, Khanh “thúi”, Tú “bom”, Mạnh "sịp"... Cả thảy ba mươi hai gương mặt lớp 9A chẳng sót mạng nào.


Dụi mắt cho tỉnh ngủ, Quốc kín đáo nhìn mắt cô Vy một cách dò xét rồi cho hai tay vào ngăn bàn mở mảnh giấy đã nhàu nát: “Mày làm gì nhìn tao hoài?”


Quốc thất thần quay sang Nguyên, rồi rất nhanh lại liếc xuống mảnh giấy đọc lại thêm lần nữa; như sợ nhìn nhiều hơn một giây, hai ánh mắt từ hai dãy bàn đối diện lại choảng nhau không chừng.


Nó mới chuyển vào lớp Nguyên từ hè năm lớp chín, còn Nguyên đã gắn bó với lớp đã được một năm lớp tám. Ở những trường nội trú trong Sài Gòn, khái niệm nghỉ hè dường như không có. Sau khi kết thúc một năm học, các học sinh chỉ được nghỉ vỏn vẹn nửa tháng, rồi tiếp tục quay trở lại trường bắt đầu chương trình của một lớp cao hơn. Tất nhiên, không một ngôi trường nào bắt buộc học sinh phải học hai tháng hè ấy, nhưng các bậc phụ huynh đưa con vào trường nội trú dù vì bất kì lý do gì cũng đều muốn chúng học đầy đủ các khóa học tại trường. Học sinh nội trú luôn bị gán với vô vàn những tật xấu và là đề tài muôn thuở để các bậc phụ huynh có con em học trường công đem ra bàn tán. Đứa thì mê điện tử, bỏ bê học hành; đứa thì mới tí tuổi đầu đã giở thói du côn, thích làm anh – chị đại và đè đầu cưỡi cổ những học sinh yếu thế hơn; đứa lại lầm lì, tự kỉ; chưa kể một số đứa còn có quan hệ mật thất với những thành phần thất học, bất hảo hay từng có dính dáng đến pháp luật… Nhìn chung, học sinh nội trú đa phần đều xuất thân từ những gia đình có điều kiện, và không thiếu những đứa vì ba mẹ chúng quá mải mê kiếm tiền mà quên đi sự hiện diện của những đứa con đang đến tuổi nổi loạn cần được dạy bảo. Nếu nói về mức độ ngoan ngoãn của học sinh giữa các trường công lập và nội trú thì có lẽ học sinh trường công lập hẳn nhiên sẽ được đánh giá cao hơn. Nhưng đối với Nguyên, sự so sánh ấy chẳng có nghĩa lý gì. Ba mẹ Nguyên muốn nó được hưởng một nền giáo dục sát sao và cặn kẽ từng li từng tí, nên sau khi học hết lớp bảy ở nhà, Nguyên đã được chuyển vào một trường nội trú nằm ở quận Phú Nhuận. Giữa một Sài Gòn phồn hoa náo nhiệt và cuộc sống luôn có phần vội vã này, những trường nội trú là một thế giới rất khác mà ở đó, học sinh hầu như bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Để Nguyên muốn ngắm nhìn ánh bình minh mỗi sáng cũng là một điều vô cùng hiếm hoi!


Nhà Nguyên ở Gia Lai, còn Quốc ở ĐakLak. Hai tỉnh Tây Nguyên hàng xóm với nhau. Quốc tuy mới vào lớp nhưng nhanh chóng trở nên thân quen với mọi người nhờ tính cách vui nhộn và hòa đồng. Cậu ta trắng trẻo, cao, gầy. Nụ cười luôn gây được thiện cảm bởi cái miệng móm để lộ hàm răng hơi lộn xộn. Nhưng chính chiếc răng khểnh mới là điểm nhấn cho nụ cười tỏa nắng của Quốc, trông đáng yêu vô cùng.


Ngoại hình và việc học của Quốc dường như tỉ lệ thuận với nhau về việc tạo nên sự chú ý trong mắt mọi người, nhưng đem so sánh kết quả của hai vấn đề ấy thì khác xa nhau một trời một vực. Nó luôn bị các thầy cô giáo bộ môn nhắc nhở vì thái độ lơ là, lười chép bài và đặc biệt – thích ngủ. Từ đặc điểm ấy mà thằng Ngân liên tưởng đến những con gấu trúc ngủ xuyên suốt vào mùa đông. Nhưng với cái thằng “miệng mồm đàn bà” và thích xỏ xiên người khác như thế, đời nào nó chịu đặt cho Quốc cái biệt danh “gấu” dễ thương. Nó gọi Quốc là “thú”. Nguyên nghe còn thấy tởm hơn cả hai từ “chó ghẻ” mà chúng nó cứ í ới gọi mình thay cho cái tên cực kì nữ tính Hà Nguyên. Sự khó chịu về cái biệt danh mà thằng đàn bà đầu sỏ trong lớp thường đầu têu đã tan biến, chỉ bởi Nguyên thấy nó còn đẹp chán, đẹp hơn “thú”. Dù rằng nghe chúng đều “bẩn bựa” như nhau!


Quốc để mặc mảnh giấy, rút hai tay đặt lên quyển sách mở hờ trước mặt, mắt giả vờ dán vào từng dòng chữ trong trang sách làm bộ đang chăm chú đọc, đầu óc mông lung nghĩ ngợi. Quốc nhớ lại, mỗi lúc gặp một tiết học tẻ nhạt, nó đều nằm rạp xuống, áp một bên má vào trang vở kê phía dưới, nhìn sang dãy bàn đối diện. Nguyên và nó đều ngồi bàn thứ ba từ bàn giáo viên đếm xuôi xuống, nhưng hai bàn khác dãy nhau. Cả phòng học có hai dãy ngăn cách nhau bằng lối đi tầm một mét. Nguyên ngồi đầu bàn ba, tức là chỉ cách nó một khoảng trống lối đi, và thằng Vinh. Những tiết Ngữ Văn chẳng bao giờ đánh thức nổi sự hứng thú với Quốc thì đổi lại, Nguyên cực kì say mê nó. Nguyên chú tâm nghe giảng, ghi chép bài vở một cách đầy đủ và tỉ mẩn. Cả những dòng lưu chú ngoài lề bảng, Nguyên cũng viết lại vào mấy tờ note nhỏ xinh hình con thỏ nhiều màu, rồi kẹp lại vào từng trang vở. Không chỉ riêng môn Văn, bất kể môn nào Nguyên cũng áp dụng một phương pháp học nghiêm túc như thế. Quốc biết, vì nhiều lần, các thầy cô thường cầm vở Nguyên dơ cao trước bục giảng khen ngợi và đề nghị cả lớp nên học theo cách làm ấy.


Còn câu hỏi trong mảnh giấy Nguyên gửi, đúng là có lần nhìn sang, nó vô tình va phải ánh mắt Nguyên. Mà có khi nào nó để khoảnh khắc ấy ngưng đọng quá lâu đâu. Nó cụp mắt xuống để hai hàng mi dài như liễu rủ che bớt tầm nhìn, rồi dần dần chìm vào giấc ngủ ngắn.


Một lần. À, không. Hai, ba... hoặc nhiều hơn thế mới phải. Như thế thì Nguyên mới hỏi vì sao nó nhìn Nguyên hoài. Mà kì thực, nó có cố ý quan sát Nguyên đâu cơ chứ. Chỉ là giống như một phản xạ tự nhiên, trước khi ngủ hay nhìn lâu vào một hướng nào đó rồi mới từ từ nhắm mắt lại thôi. Chẳng lẽ Nguyên để ý nó? Hay Nguyên thích nó rồi? Gớm, cái con “chó ghẻ” lì như trâu này, từ ngày vào lớp đến giờ có thèm bắt chuyện với Quốc đâu. Mà một khi Nguyên mở lời, toàn những câu ra lệnh hách dịch đến bực bội. Ngẫm cũng đúng quá, Nguyên là lớp phó học tập, bọn trong lớp thì trơ trẽn và quậy phá chọc trời, chẳng chịu học hành gì; nếu ăn nói nhẹ nhàng mà có hiệu quả, chắc Nguyên cũng không ngu gì hò hét, dọa nạt chúng nó cho khô cổ bỏng họng. Chưa bao giờ Nguyên để giáo viên phải nhắc nhở, quở trách vì chuyện học tập hay sinh hoạt nội trú. Quốc không hiểu nổi một động lực ghê gớm nào đã thôi thúc và tôi luyện cho Nguyên luôn nằm ở top ba trong danh sách các học sinh có thành tích cao nhất khối. Chả cần ai nói Quốc cũng biết thừa, thành tích của Nguyên được dán ở chính giữa bảng thông báo ngay lối cổng ra vào của trường. Mọi người nhìn vào đều hiểu dụng ý của tấm bảng ấy, để khoe khoang hay nói một cách chua ngoa hơn, nhà trường muốn phô trương cho các bậc phụ huynh thấy rằng, những thành tích vượt trội ấy đã chứng tỏ nền giáo dục ở đây thực sự tốt, là nơi đáng tin cậy để gửi gắm con em mình vào. Sống trong một môi trường mà những đứa xung quanh toàn là yêu quái đầu đảng, cha mẹ chúng không thuần phục nổi mà phải nhét vào đây nhưng Nguyên không bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu đó kể ra cũng tài. Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đem ra nói về trường hợp của Nguyên thì sai bét nhè. Chẳng giống Quốc, mới nhập học được một tuần đã nhận được sự chỉ dạy nhiệt tình bởi những thằng “cớm” trong lớp, nên nó thông thuộc hầu hết các chiêu thức chống đối và tránh né tội lỗi với giáo viên trong trường!


Sau một hồi lan man suy nghĩ, Quốc lôi mảnh giấy trong ngăn bàn ra, đặt bút viết: “Mày cũng phải nhìn tao, thì mới biết tao nhìn mày chứ, đúng không?”


Năm phút sau khi Quốc trả lời, mảnh giấy mới được thảy ngược lại về bàn Nguyên. Chẳng hiểu lí do nhưng cảm giác hơi sợ sệt xen lẫn ngại ngùng làm Quốc chần chừ. Hay là thôi, ngó lơ cho qua!


Nhưng Nguyên nó là con gái, nó chẳng ngại mà mở lời bắt chuyện trước, dù cách bắt chuyện có phần hạnh họe, thì sao một thằng con trai như mình phải ngại thay. Cũng chỉ là trả lời một mảnh giấy, đâu phải trực tiếp mặt đối mặt, đâu phải cãi nhau, đâu phải bắt lỗi mình vừa ngủ gật... sợ gì chứ?


Ý nghĩ ấy làm Quốc mạnh dạn trả mảnh giấy về cho chủ nhân đích thực của nó.


Nguyên nhìn cô Vy, xem cô có đang đưa mắt về phía mình không rồi từ tốn mở mảnh giấy ra xem câu trả lời. Chà, hắn ta trả lời thông minh phết! Nguyên nghĩ thầm rồi tủm tỉm cười. Suốt từ lúc quyết định gửi giấy cho Quốc, Nguyên bồn chồn đến khó tả. Chính nó cũng chẳng tìm ra được một lý do chính đáng để giải thích cho việc làm đấy. Nhưng chuyện nó để ý Quốc là có thật. Mỗi lần cắm cúi chép bài, qua kẽ hở giữa những sợi tóc kiểu mái ngố trước trán, Nguyên nhìn thấy lờ mờ hình ảnh Quốc nằm rạp xuống hướng đôi mắt về bàn nó. Nguyên không chắc Quốc có đang nhìn nó không, hay chỉ thuận mắt nhìn ra khoảng không gian phía trước bao gồm cả Nguyên trong ấy. Nó vén mái tóc ngố chấm ngang dưới hàng chân mày lên nhìn lại. Ánh mắt phía bàn đối diện bỗng nhiên cụp xuống, chỉ để Nguyên sững sờ bởi hàng lông mi dài và cong vút chẳng khác nào con gái. Vài lần tương tự diễn ra như thế trong khoảng thời gian một tuần từ khi Quốc chuyển đến lớp. Nguyên chẳng nhớ nổi chính xác là bao nhiêu, nhưng nhiều hơn một lần sự việc ấy diễn ra khiến Nguyên khẳng định chắc nịch, không thể có chuyện ngẫu nhiên được.


“Mày cũng phải nhìn tao, thì mới biết tao nhìn mày chứ, đúng không?” Quốc quả là một tên con trai thông minh và láu cá. Nó biến một câu trả lời thành một câu hỏi khó nhằn, biến mình từ thế bị động sang chủ động, để Nguyên bây giờ trở nên lúng túng lạ thường. Nguyên tạm thời chưa tìm được câu trả lời cao tay hơn, bèn gấp mảnh giấy lại làm tư rồi cất vào hộp bút kèm với sự thích thú về Quốc. Chỉ tiếc rằng, giá như lúc ấy Nguyên gửi cho Quốc mảnh giấy vuông vức, đàng hoàng hơn, như một tờ note màu hồng con thỏ mà nó luôn có sẵn một cục dày chẳng hạn...


Tiếng chuông báo tiết học Ngữ Văn kết thúc!


Ở trường cũ nơi Nguyên học, mọi giờ giấc bắt đầu hay kết thúc đều báo hiệu bằng tiếng trống. Bảy năm học, tiếng trống mòn mỏi và ngân dài đi vào lòng Nguyên như một bài ca quen thuộc. Quen đến nhẵn nhụi, quen đến mức thuộc làu rằng nó bao nhiêu tiếng dùi đánh, tiếng trống trước cách tiếng trống sau bao nhiêu tích tắc, đứng ở đâu nghe vang và rõ nhất... Nguyên đều nhớ cả. Bây giờ đã bắt đầu chuyển sang năm thứ hai học nội trú, số lần nghe chuông nhiều gấp ba lần trong một ngày Nguyên nghe tiếng trống, nhưng Nguyên chẳng thể yêu nổi cái tiếng chuông réo inh tai ấy. Phòng học 9A ở tầng bốn. Ngay góc trần nhà phía bên ngoài cửa lớp lại còn được trang bị thêm một chiếc loa để các tầng trên nghe chuông được rõ hơn. Điều đó khiến Nguyên càng khó chịu. Nó nhớ da diết tiếng trống trường ngày ấy, nó yêu tiếng “Tùng! Tùng! Tùng!” đơn sơ, giản dị, yêu như thể tình yêu giữa những con người ruột rà máu mủ; hay đơn giản hơn, một thói quen lặp đi lặp lại suốt chín tháng trong một năm. Và bảy năm cho một thói quen, chắc chẳng ai nỡ lãng quên.


Nhưng hôm nay Nguyên chẳng đủ tâm trí để cau có với tiếng chuông, cũng chẳng vội chạy xuống tận tầng trệt để vào căn-tin mua nước uống giữa giờ giải lao. Nó lặng lẽ cất sách vở môn Văn vào ngăn bàn, mắt lại quay sang bàn ba đối diện, như muốn tìm kiếm một hình ảnh thường thấy lờ mờ qua kẽ tóc giữa lớp học đang nhốn nháo. Chẳng thấy Quốc đâu.


Hẳn cậu ta đã chạy biến ra hành lang nghịch ngợm chơi trò đuổi bắt với đám đực rựa cùng lớp rồi. Hôm nào mà Nguyên chả thấy Quốc đầm đìa mồ hôi, quần áo xộc xệch. Phần tà áo phía sau bung ra khỏi quần mà trước đó đã được sơ-vin nghiêm chỉnh, còn phần lưng áo thì ướt nhẹp dính sát vào cơ thể, thở hồng hộc như một con bò mộng vừa thi đấu sau những bước chân chạy đuổi, những tiếng la ó ầm ĩ khi kết thúc hai mươi phút ra chơi.


Nguyên thoáng buồn. Từ lúc gửi mảnh giấy lại cho nó, Quốc chả thèm nhìn nó lấy một cái. Quốc không hiểu rằng nó đang để ý Quốc sao? Chẳng có đứa con gái nào lại đi viết giấy trong giờ học chỉ để hỏi một câu ngớ ngẩn ấy. Nếu có, thì cứ đứng trước mặt hỏi công khai minh bạch, ngại ngần đến nỗi nào đâu mà phải viết giấy. Mà Nguyên cũng lạ, để ý cậu ta chỉ vì hai hàng mi đẹp thôi sao? Thế thì lạ quá. Người Nguyên thích trước nhất phải nghiêm túc và tích cực trong học tập, còn Quốc thì... ôi thôi! Nguyên chưa xem qua thành tích học tập năm rồi của Quốc, chỉ nhìn cung cách cậu ta cư xử với việc học thì chắc điểm trung bình cuối năm cũng chẳng khá khẩm gì. Nhưng ánh mắt ấy duyên lắm, dường như còn là ánh mắt mắt biết nói. Chúng trong veo màu hổ phách và không gợn chút vẩn đục. Chết thật, chẳng lẽ Nguyên tương tư một người chỉ vì họ có đôi mắt đẹp, có nụ cười ấm áp?


Không đời nào!


Nguyên gạt ngay ý nghĩ ấy ra khỏi đầu. Phim ảnh, báo chí chả thường nhan nhản rêu rao rằng những mối quan hệ nam nữ chung lớp, chung công ty thường mau chóng lụi tàn đấy sao? Lại còn học ở một môi trường khắc nghiệt này, thầy cô, giám thị và quản phòng nghiêm cấm yêu đương nam nữ qua lại với nhau. Mỗi sáng thứ hai và tối thứ tư hàng tuần sinh hoạt nội trú, thầy tổng giám thị chẳng bao giờ quên nhắc điều ấy kèm theo những lời cảnh báo vô cùng đáng sợ. Các cô cậu liệu hồn đấy nhé, cha mẹ bỏ hàng đống tiền ra để vào đây ăn học, chứ không phải yêu đương nhăng nhít rồi lơ là việc chính đâu. Tôi mà phát hiện ra cặp nào, lần đầu sẽ nhắc nhở, bỏ qua. Lần hai còn thì lập biên bản, mời phụ huynh vào làm việc. Mà cha mẹ các em ở xa xôi, nhà có khi ở tít Quy Nhơn, Phú Yên, Cà Mau... bỏ công bỏ việc vào đây chỉ để nghe thầy cô mắng vốn có đáng không? Lần thứ ba để tôi bắt gặp thì xác định rõ một trong hai người của cặp ấy phải chuyển trường khác, hoặc rút hồ sơ về quê mà học đi nhé! Tôi ngày đêm ăn ở, học hành, sinh hoạt cùng các em, đừng nghĩ đến chuyện có thể lén lút qua mặt tôi. Thầy giám thị vừa gằn giọng để nhấn mạnh, vừa cầm chiếc roi mây huơ huơ trước đám học sinh. Đứa nào đứa nấy im thin thít. Cái roi ấy mà quất vào mông thì cả tháng mới hết bầm.


Nguyên nhớ lại khuôn mặt dữ dằn cùng những lời nói đáng sợ ấy mà rùng mình. Nó bỏ quên luôn ý nghĩ sẽ trả lời câu hỏi hóc búa của Quốc bởi những quy định ngặt nghèo trong ngôi trường mà nó đang sống và học tập mỗi ngày. Cảm giác thích một ai đó vào quãng đời học sinh thuần khiết như những giọt ở mạch nước ngầm trong vắt khẽ rỉ ra bên ngoài, rồi len lỏi vào các phiến đá, hòa quyện lại với nhau tạo nên tiếng róc rách vui tai. Nhưng trong lòng Nguyên, nó thoáng lo sợ nhiều hơn vui, tình cảm ấy mà lớn dần lên thật chẳng hay ho gì.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

EmBi

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
19/8/16
Bài viết
67
Gạo
0,0

CHƯƠNG 2: MỘT TRẬN ĐÒN OAN

Thời gian qua đi, bài vở mỗi ngày một nhiều thêm. Nguyên chăm chỉ học tập như một chú ong thợ cần mẫn làm việc giữa một vườn hoa nở rực, thơm ngát. Vườn hoa của Nguyên là những môn học, những kiến thức mới mẻ và hấp dẫn mà nó được tiếp thu mỗi ngày. Nó bỏ quên đâu đó cảm giác biết rung động trước một câu con trai, quên những lần va chạm bằng ánh mắt, quên cả những lần quan sát đôi mi cong dài của ai kia.


Quốc cũng quên béng vụ mảnh giấy, những tiết học ngủ gật và sự nghịch ngợm vẫn cứ tiếp diễn ngày qua ngày.


Một chiều, cả lớp đang đứng ở khu thể thao của trường, Nguyên ngồi xuống lúi húi mang vớ, xỏ giày để chuẩn bị đến lượt ra sân bóng chuyền cùng với tổ hai của nó. Bỗng thằng Quân "màu mè" từ đâu lao đến. Nó dúi vội vào cặp Nguyên một cái bọc màu đen, rồi lí nhí ghé vào tai Nguyên nói, giọng sợ hãi:


- "Chó ghẻ", giấu hộ tao cái này. Ông thầy Nhân sắp đến đấy!


Nguyên ngơ ngác, ngước ánh mắt khó hiểu bị che khuất dưới chiếc nón kết màu đen lên nhìn. Quân đã chạy biến đi, hòa lẫn vào đám đông con trai đang tụ tập gần đấy. Cái thằng này, đã nhờ vả rồi còn không chịu gọi tên Nguyên cho tử tế. Mà bọc đen ấy là cái gì, sao khiến nó phải hoảng sợ tột độ như vậy? Nguyên ra chiều thắc mắc, nhưng không định mở ra xem. Đồ đạc được gói trong bọc đen thế này, hẳn là không muốn cho ai thấy. Khu thể thao thì đông người, ngoài lớp 9A còn có ba lớp khối mười một đang đánh cầu lông bên kia. Phải giấu diếm kiểu đó, chắc chắc là đồ bị cấm sử dụng trong trường rồi. Đồ của bọn con trai, chúng đưa Nguyên giữ làm gì?


Bao nhiêu câu hỏi cứ bám víu lấy tâm trí Nguyên như đang muốn yêu cầu nhận được câu trả lời rõ ràng. Nguyên trước giờ chỉ khắt khe với bọn bạn trong việc học. Phần vì muốn làm tròn bổn phận của một lớp phó học tập. Phần còn lại, nó mong các bạn cùng lớp học hành chăm chỉ và nghiêm túc, để cuối năm chẳng đứa nào vác cái mặt méo mó khi nhận được kết quả học tập. Nguyên ít nói nhưng không quá trầm tính, nó vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động vui chơi của cả lớp, thậm chí còn hưởng ứng nhiệt tình. 9A là một lớp đoàn kết. Đúng như người ta vẫn hay nói, khi ngồi chung một con thuyền, sự đoàn kết và hợp sức mang lại kết quả cho cả một đoàn người ngồi trên nó chứ không riêng một cá thể nào. Lớp Nguyên về khoản học hành có hơi kém thật, nhưng trong những ngày hội thi đua do nhà trường tổ chức, chẳng lần nào không có giải. Giải nhất bóng đá khối cấp hai, giải ba cắm hoa, giải triển vọng cho tiết mục tài năng, giải nhì phần thi thiết kế trang phục dân tộc bằng các vật dụng từ thiên nhiên... Nguyên hạnh phúc khi được học cùng một lớp với những con người như thế. Biệt danh "chó ghẻ" mà chúng gán cho Nguyên, thực ra cũng chẳng có sự ghét bỏ hay xa lánh gì cả. Cái tên ấy như đánh dấu cột mốc đáng nhớ cho những việc đã từng diễn ra. Dẫu vì bất kỳ lí do gì và với cái tên gì, Nguyên đều tin rằng, mọi thành viên trong lớp đều yêu thương và quý mến lẫn nhau. Ngôi trường giờ đây biến thành ngôi nhà chung cho tất cả, thầy cô là cha mẹ, và bạn bè chẳng khác gì anh chị em một nhà. Yêu thương nhau cũng là điều dễ hiểu.


Nguyên đưa tay siết mạnh dây giày, chỉnh cho ngay ngắn lại, đứng phắt dậy gọi Quỳnh "còi". Nó không quên kéo dây khóa cặp cho cẩn thận kẻo lộ cái bọc đen bí hiểm ấy ra ngoài. Quỳnh là bạn thân của Nguyên, người còi như học sinh lớp sáu mặc dù ăn uống rất tợn. Quỳnh đang ở căn-tin mua hai phần fast food kèm hai cốc co-ca cho cả hai đứa. Nghe tiếng Nguyên gọi, Quỳnh ở phía xa đưa tay ra ám hiệu đợi nó một lát. Nguyên định theo vào căn-tin, nhưng thầy Nhân đã đứng sau nó từ bao giờ. Với khuôn mặt nghiêm nghị, hai tay để phía sau mông chụm lại với nhau cùng chiếc roi mây. Roi mây ở trường nhiều lắm, hầu như mỗi thầy giám thị đều có một chiếc. Mỗi chiếc to nhỏ, dài ngắn khác nhau, Nguyên đếm được tương đối bảy cái, còn cả một đống dự phòng được dựng ngay góc nhà bếp trong khu ăn uống. Biết có chuyện chẳng lành nhưng Nguyên vẫn bình tĩnh chào:


- Con chào thầy. (Ở các trường học miền Nam, học sinh thường xưng "con" thay vì xưng "em.")


- Nguyên, con có điều gì giấu thầy không đấy?


Thầy Nhân chậm rãi hỏi dò.


Nguyên biết thầy đang hỏi về cái bọc đen kia. Ông thầy này được mệnh danh là "chó trinh sát" trong trường vì đánh hơi cực giỏi những tội lỗi của bọn học sinh nội trú. Đứa nào cũng khiếp xanh mặt mỗi lúc phạm lỗi. Trong trường, những lỗi của học sinh đa phần đều bị phạt bằng roi, hiếm hoi lắm mới thấy bị lập biên bản hoặc mời phụ huynh. Cha mẹ ở nhà giáo dục một đứa con thôi đã khổ lên bờ xuống ruộng. Còn các giám thị ở đây phải quản lí đến vài trăm học sinh. Toàn những thành phần quỷ sứ, lì lợm, ngang bướng. Dùng bất kỳ ngôn từ nào cũng chẳng diễn tả nổi sự khó bảo của chúng. Bảo ban, nhắc nhở nhẹ nhàng dường như là một chuyện xa vời, chúng chẳng hề mang lại hiệu quả như mong muốn bằng những lời dọa nạt và mấy cái roi. Ngoài biệt danh là "chó trinh sát", thầy Nhân còn được chúng gọi bằng một cái tên khác - "thánh roi." Chiếc roi của thầy chỉ to bằng ngón tay út, quấn chặt bằng băng keo đen phía ngoài. Nguyên ngày mới vào trường cũng ngơ ngác chẳng hiểu vì sao thầy ấy phải làm thế. Những thứ lần đầu được thấy, đối với ai chẳng lạ lẫm. Nhiều lần chứng kiến cảnh các học sinh khác bị đánh, Nguyên hiểu ra, thầy dán băng keo để chiếc roi không bị nát, không bị gãy, không bị tách ra làm đôi ba phần vì sử dựng quá nhiều.


Nguyên liếc nhìn chiếc cặp da nâu của nó ở ghế đá rồi bối rối nhìn thầy Nhân:


- Con chẳng giấu gì!


Lúc ấy, cả đám lớp nó đã ùa lại, vây quanh hai thầy trò, xì xào, bàn tán không hiểu gì cả. Chỉ có Quân cùng một vài tên con trai khác là hiểu đầu đuôi ngọn ngành. Chúng nhìn Nguyên với con mắt nửa ái ngại nửa lo sợ. Nguyên mà khai ra chủ nhân cái bọc đen ấy là đứa nào, không chỉ Quân mà nhiều tên khác phen này phải lãnh cả trận "mưa roi" không chừng.


Nguyên vẫn đứng thẳng, tỏ ý không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Quốc chiều nay bị sốt siêu vi, đang nằm truyền nước ở phòng y tế nên không có mặt lúc ấy. Có tiếng thì thầm to nhỏ trong đám con gái, chúng không biết Nguyên phạm phải lỗi gì. Nguyên xưa nay tiếng chăm học, không để phật ý các thầy cô bao giờ. Vậy mà thầy Nhân đến tìm nó với chiếc roi cứ lăm le thế kia. Lạ thật!


Thầy Nhân im lặng chờ đợi sự thành thật của Nguyên, như cho Nguyên một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm sau câu nói dối kia.


Nhưng không!


Không có sự thành thật nào được lên tiếng!


Khuôn mặt thầy Nhân bỗng chốc đanh lại, trở nên giận dữ và trông vô cùng đáng sợ. Vừa lúc ấy Quỳnh đã mua xong đồ ăn, từ căn-tin trở ra. Nhìn lớp đứng tụm lại thành một vòng tròn, nó hớt hải chạy đến xem có chuyện gì. Thấy Quỳnh, thầy Nhân gọi:


- Quỳnh mang cặp sách của Nguyên ra đây cho thầy!


Quỳnh "còi" ngáo ngơ, trông mặt nó lúc ấy đáng thương đến tội nghiệp. Quỳnh lo cho Nguyên nhưng vẫn nghe lời thầy tiến lại ghế đá, mang cặp của Nguyên đưa cho thầy. Thầy Nhân kẹp chiếc roi "siêu nhân đen" vào nách, mở khóa lôi ra từ bên trong cặp một cái bọc màu đen vứt phịch xuống nền sân. Những đồ vật từ trong bọc đen văng ra, bốn gói thuốc lá ba số năm, hai gói Dunhil, và cả một chiếc hộp hơi dẹp hình chữ nhật màu vàng sáng loáng bị bật tung nắp rơi ra năm điếu "xì-gà" màu nâu đậm. Nguyên choáng váng. Những suy đoán ban đầu của nó là đúng. Học sinh bị cấm hút thuốc lá trong trường là điều không thể chối cãi. Mà bọn con trai lớp nó cũng chỉ mười lăm, mười sáu, có đứa mười bảy tuổi là cùng. Chưa gì đã tập tành cái thói hư thân mất nết này rồi. Mặt Nguyên cúi gằm xuống. Bọn con gái há hốc mồm kinh ngạc. Nhưng chắc chắn chẳng ai tin những thứ đó là của Nguyên. Không một tiếng động nào phát ra từ đám con trai. Nguyên cảm tưởng kể cả việc hít thở ngay lúc này cũng bị chúng nén lại vì quá sợ.


- Những thứ này của ai?


Câu hỏi không chỉ dành cho Nguyên mà cho tất thảy những ai đang có mặt. Nguyên không trả lời, sự im lặng bao trùm khắp bốn bề.


- Tôi hỏi của aiiiiii?


Thấy Nhân nhắc lại, kéo dài chữ cuối cùng như muốn nhấn mạnh, thêm một lần nữa kiên nhẫn chờ đợi sự dũng cảm của thủ phạm.


Những tiếng khàn đục xen lẫn sự tức giận đỉnh điểm của thầy Nhân khiến tất cả đám học trò đứng khép nép với nhau. Thằng Quân khiếp đảm, mặt mày tái mét, nó đưa tay lên ngực trái như muốn lấp liếm cho quả tim nhỏ đang run lên. Vẫn chẳng có sự dũng cảm nào được thể hiện.


- Nguyên theo tôi về phòng kỷ luật!


Câu nói lạnh lùng và ánh mắt hiện rõ những đường mạch máu đỏ tươi như gạch nung của thầy Nhân để lại sau những bước đi nhanh thoăn thoắt của thầy.


Nguyên lẽo đẽo đi sau thầy. Quỳnh chạy lại, níu lấy tay Nguyên dồn dập hỏi:


- Có chuyện gì vậy? Sao trong cặp mày có thuốc lá? Không phải của mày đúng không?


Nguyên im lặng, sự lì lợm hiện diện trên khuôn mặt nó không hề bị biến đổi. Điều Nguyên đang phân vân lúc này là có nên để sự thật được phơi bày hay không? Mình mà khai ra, kiểu gì thằng Quân, hay thêm một vài thằng khác nữa nhừ đòn đợt này. Bị đánh cũng đáng, lỗi của chúng cơ mà. Việc gì phải chịu tội thay chúng vì một cái lỗi to đùng như thế! Nhưng như vậy thì ác quá. Lỡ đâu chúng không những bị đánh, mà bị đuổi học thì sao? Nó chẳng muốn điều ấy xảy ra.


Còn im lặng. Mình có bị ăn đòn không? Xưa nay đã bao giờ mình nếm thử cái hương vị "ngọt ngào trào máu" của chiếc roi mây hôn lên cặp mông mình đâu. Đau là cái chắc. Thậm chí còn rất đau, bọn con trai bị đánh có khi còn rơm rớm nước mắt cơ mà...


Sự việc động trời này làm tan tành cả một buổi học thể dục chiều thứ bảy hôm ấy...



Phòng kỉ luật...


Nguyên bước vào, thầy Nhân đã đứng sẵn ở đấy. Đám 9A lố nhố đứng nhìn ngoài cửa. Thầy gõ đầu chiếc roi mây lên cái bàn dài màu nâu sẫm, ra hiệu cho Nguyên nằm lên. Chiếc bàn ấy chẳng bao giờ thấy ai ngồi học, nó chỉ có một công dụng duy nhất là để cho những học sinh vi phạm nội quy nằm chịu đòn!


Hiểu ý, Nguyên không chút sợ hãi, trèo lên bàn nằm sấp lại.


- Thầy hỏi con lần cuối, thuốc lá của ai?


Nguyên dựa cằm lên hai bàn tay để úp trên bàn, chân duỗi thẳng, mắt nhắm nghiền. Sự lì lợm và thương xót cho đám con trai khiến đôi môi nó mím chặt, không thốt ra một lời.


- Vút! Vút! Vút! Vút!


Tiếng roi mây hoạt động nhịp nhàng và liên hồi đáp xuống. Đám con gái la ó. Quỳnh bật khóc quay người lại về phía đám bạn:


- Chúng mày đứa nào là thủ phạm khai nhanh, để nó bị đánh oan thế kia hả?


Các gương mặt nhớn nhác nhìn nhau, cả vô tội lẫn có tội. Một vài đứa con gái hùa theo trách móc:


- Con trai gì mà hèn quá!


Nguyên thấy tai mình ù đi, một cảm giác bỏng rát ở mông lan tỏa khắp cơ thể. Nó không nhúc nhích, mắt rưng rưng nước toan trào ra ở hốc mắt nhưng Nguyên kiên định không để một giọt nào rớt xuống. Tiếng roi "vút, vút" đã ngưng, vậy mà cảm giác đau thấu trời ấy vẫn chưa dứt. Nguyên từng bị ba mẹ đánh, nhưng không giống cảm giác lúc này chút nào. Một từ "đau" thôi làm sao diễn tả hết.


- Bao nhiêu roi rồi mấy đứa?


Thầy Nhân hỏi cả đám.


Có tiếng rất nhỏ trong đám trả lời:


- Bốn!


Nguyên thấy oan ức. Chính sự ngoan cố đã đẩy nó vào cảm giác ấy. Khai ra là xong chuyện, tại sao phải giấu cơ chứ? Thế này chỉ làm thầy càng giận thêm. Chắc thầy biết thừa không phải nó là chủ nhân, nhưng vẫn đánh vì tội bao che. Cả lúc thằng Nhân chạy đến đưa cái bọc đen cho Nguyên, nó đang đeo khẩu trang. Thầy chỉ ngờ ngợ cái bóng dáng chứ không biết chính xác ai. Thêm nữa, thầy muốn thủ phạm nhìn thấy Nguyên bị oan mà lên tiếng nhận tội. Nhưng bọn nó hèn quá. Hèn cũng đúng. Đắc tội với thầy Nhân là không xong rồi. Nghĩ thế nên Nguyên chẳng thể trách nổi sự hèn nhát của bọn con trai lớp mình.


- Thầy biết số thuốc lá đó không phải của con. Nhưng thầy đã hỏi rất nhiều lần mà con không chịu khai. Thầy đánh con mười roi vì tội bao che. Như thế là không tốt, là dung túng cho các bạn vi phạm nội quy nhà trường. Thầy thất vọng vì con nữa. Một học sinh gương mẫu như con mà lại phạm phải cái lỗi ấy. Con đủ thông minh để hiểu việc làm sai trái của con đúng không? Nếu hôm nay thầy không đánh con, chắc cả cái lớp 9A này làm loạn lên mất!


Cơn đau điếng vừa rồi làm Nguyên không còn tâm trí nghe những lời thầy nói. Nhưng con số "mười roi" thì nó nghe rõ mồn một. Mới bốn roi mà nó đã xụi lơ thế này, mười roi thì cặp mông của nó chắc tan ra bã mất. Sáu tiếng vút quất vào mông Nguyên liên tiếp khi Nguyên còn chưa kịp chuẩn bị tinh thần. Nó thấy khó thở nơi lồng ngực. Nằm sấp mới được mười phút thôi, nên đó không phải lý do khiến Nguyên có cảm giác ấy. Vết roi mới chồng vết roi cũ. Ánh mắt nó gắn chặt xuống mặt bàn. Nó không khóc, nhưng vài giọt nóng hổi đã rơi. Rất nhanh, Nguyên đưa tay lau vội, cố không để ai nhìn thấy. Cảm giác hơi ướt ở mông, máu rỉ ra. Thầy Nhân đã bước ra khỏi phòng, đám bạn cũng tản đi phân nửa. Nguyên quá quen với cách sử dụng roi vọt của thầy Nhân. Thầy bao giờ cũng đánh vài roi trước, rồi mới bắt đầu nói lí do vì sao học sinh bị đánh. Sau khi kết luận tội của chúng bị phạt bao nhiêu roi, nếu đã đủ số roi thầy đánh ban đầu thì thôi, còn không thầy lại bất thình lình quất thêm tiếp cho đủ với số hình phạt đã đưa ra. Mà có bao giờ thầy kết luận ngang bằng với số roi bị đánh ban đầu đâu. Tội có nhẹ lắm thì cũng phải ba roi. Đấy là gặp lúc thầy không mấy tức tối. Còn lần này, thầy Nhân tức đến sôi máu còn gì. Thầy bất lực trước sự ngoan cố của Nguyên còn gì. Phải cái đứa nào mau mồm mau miệng, xin khất thầy mấy roi sau kèm theo những lời hứa nhăng hứa cuội rằng sẽ ngoan, sẽ nghe lời, sẽ không tái phạm nữa... Nếu may mắn, số roi khất nợ ấy sẽ đi vào dĩ vãng. Thầy chẳng nhớ, mà trò lại càng muốn quên.


Nhưng Nguyên thì không, Nguyên lãnh đủ số hình phạt và chẳng hề có lấy một lời xin xỏ.


Quỳnh vẫn còn mếu máo, chạy vào đỡ Nguyên xuống. Nguyên cố gắng gượng dậy bước từng bước khó khăn. Gương mặt lì lợm thật là vũ khí đắc lực. Nó che giấu dùm Nguyên sự đau đớn khốn cùng ngay lúc ấy, thản nhiên như chưa hề bị đánh bao giờ. Nguyên bước vài bước rồi dừng lại, cố hít một hơi thật sâu, lấy hết tinh thần và sức lực để đi một cách bình thường nhất như mọi ngày.



Quốc nằm mê man trong phòng y tế suốt từ rạng sáng đến mãi chiều tối, truyền hết ba bình nước biển. Bàn tay phải chích kim truyền đau ê ẩm, đầu buốt không tả. Trưa nay, chị My - chị ruột của Quốc đã vào thăm, định đưa nó về nhà chị ở quận Bình Thạnh mấy hôm nhưng nó từ chối. Cả cô y tá chuyên phụ trách chăm sóc cho học sinh ở trường cũng cam đoan trong trường đều có đầy đủ thuốc men và các vật dụng cần thiết. Nghe vậy, chị My dặn dò nó, bắt phải dùng hết số trái cây và sữa chị đã đem đến rồi mới yên tâm ra về. Quốc chẳng muốn về nhà chị My. Chị ấy là giáo viên cấp ba, đi dạy cả ngày. Tối lại đi dạy thêm ở trung tâm luyện thi. Mỗi lần về nhà chị My, nó chỉ biết lủi thủi ngồi xem ti vi, chán chết. Ở đây còn có một bầy nặc nô như nó, dại gì mà về nhà.


17h45, chuông reng báo hiệu giờ ăn cơm chiều.


Học sinh túa ra từ hai dãy nội trú nam - nữ đổ về khu ăn uống mau chóng ngồi vào những chiếc bàn tròn đã xếp sẵn những khay thức ăn. Quốc thấy đầu đã bớt choáng, người cũng không còn nóng hừng hực như hai hôm trước nữa. Nó mò dậy tiến ra phòng ăn, ngồi vào bàn chung với bọn con trai cùng lớp. Vinh "híp" thấy nó, vỗ vai chào hỏi:


- Thằng giặc này chán cháo thèm cơm rồi à? Đã khỏe hẳn chưa mà ra đây thế?


Người Quốc vẫn còn dư âm của trận sốt, làm sao khỏe khoắn như bình thường. Bị Vinh vỗ vai, cơ thể nó mềm oặt như cọng bún chúi đầu về phía trước.


- Mày không nhẹ tay hơn được à?


Quốc nhăn nhó. Vinh híp cười hề hề xí xóa.


- Chiều nay "chó ghẻ" lớp mình bị thầy Nhân đánh mười roi đấy mày!


Thằng Vinh mách lẻo. Nó là cái loa truyền phát thông tin di động của lớp, chuyện gì cũng bép xép cho được. Nhưng lần này nó đâu có nhiều chuyện. Nguyên bị đánh, cả lớp chứng kiến hết cả, Vinh chỉ thuật lại cho cái thằng "thú" tù mù này thôi, có gì xấu đâu.


Đang nhai dở miếng thịt bò, Quốc nghe thế giật mình hỏi:


- Nguyên bị đánh á? Tao có thấy nó phạm lỗi gì ghê gớm bao giờ đâu?


Vinh vẫn cắm cúi ăn, miệng vừa nhóp nhép vừa trả lời:


- Nó giấu hộ thằng Quân "màu mè" mấy gói thuốc lá của anh em mình. Thầy Nhân bắt được, nó không chịu khai nên bị đánh. Công nhận con "chó ghẻ" trông vậy mà gan lì. Nó thậm chí còn chẳng thèm khóc nữa. Tao hôm trước bị đánh ba roi đã xót quắn cả đít lên. Con Nguyên nó cứ trơ ra như người sắt ý.


Quốc thả mạnh chiếc nĩa trên tay xuống. Một cảm giác tội lỗi bao trùm lên thân thể vừa mới ốm dậy của nó. Đầu óc choáng hẳn đi. Hai từ "anh em" mà thằng Vinh vừa nhắc đến, bao gồm cả nó trong ấy. Bọn con trai thường chọn mỗi chiều thứ bảy học thể dục để dễ bề hành sự. Ở khu thể thao có một cái cửa sắt nhỏ, thường gọi là cửa sau của trường. Chẳng bao giờ người ta mở cửa cho học sinh đi lối ấy, và hầu như nó được đóng im ỉm. Chỉ mở hai lần mỗi ngày sáng chiều để người giao hàng đưa thực phẩm vào trường, và các cô dọn vệ sinh cũng lựa thời gian đó ra ngoài đổ rác bằng cửa sau. Bốn bề quanh trường đều được bao bọc bởi những bức tường cao hai mét rưỡi sừng sững, phía trên được bọc lưới chắc chắn. Quốc phải thốt lên kinh ngạc ngày mới vào trường bởi cảnh tượng này. Đây là nhà tù chứ trường học cái quái gì. Thằng nào có ý định "trốn tù" thì thách cả bố con nhà nó cũng chẳng thoát ra nổi.


Phía ngoài cánh cửa có mấy bác xe ôm hay đứng chờ khách trước con đường T5. Quốc là ma mới, chẳng hiểu cái bọn ma cũ lớp nó móc nối thế nào được với một bác xe ôm già, thường nhờ bác mua dùm mấy ổ bánh mì ở cái xe đẩy nhỏ gần đấy. Bánh mì ngon lắm, chúng gọi là "bánh mì cổng sau". Rồi dần dần thành quen, ngoài việc nhờ bác ta mua đồ ăn, bọn nó còn nhờ bác mua được cả thuốc lá nữa. Đó chính là cách mà những thứ bị cấm sử dụng vẫn có thể có mặt trong một môi trường khắc nghiệt này. Mỗi tuần một lần vào chiều thứ bảy đều đặn như thế.


Quốc cũng hút thuốc. Quốc hút từ khi còn ở nhà, nhưng giấu mọi người. Chuyển vào trường nội trú, Quốc như cá gặp nước. Cả bọn bàn bạc rồi đồng lòng nhất trí thay phiên nhau mỗi đứa một tuần chịu trách nhiệm ra mua thuốc lá. Để che mắt giám thị, chúng lúc nào cũng mua đầy ắp những ổ bánh mì thơm ngậy và đồ ăn vặt, được đựng trong cái bọc đen. Những gói thuốc lá nằm len lỏi trong cái bọc đen ấy.


Nhưng lần này tại sao bị phát hiện? Thằng Quân "màu mè" cũng lanh lẹ lắm cơ mà. Nó đem sự thắc mắc ấy quay sang hỏi Vinh. Vinh "híp" đã ăn xong dĩa cơm, đang ngồi chén trái chuối bự tổ chảng, vàng ươm một màu.


- Vì nó tham quá, bình thường thì chỉ mua bốn gói thôi. Hôm nay nó mua hẳn sáu gói với một hộp xì-gà. Mày nghĩ xem, cái đống đồ ăn có che nổi từng ấy gói thuốc không? Vì nhiều quá, không thể giấu ở giữa các ổ mì, nó để chèn dưới góc. Đúng lúc ông thầy Nhân đi qua, nhìn cái bọc đen bất thường. Ổ mì nó dài cơ mà, làm gì có chuyện nó vuông vuông hiện rõ thế kia? Thằng này thì chúa nhát, vừa thấy dáng "chó trinh sát" xuất hiện, mặt nó đã hoảng loạn như cháy nhà, ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi. "Thánh roi" thấy hết, thấy nó giấu cái bọc đen vào cặp sách "Chó ghẻ". Thế là vỡ lở!


Ra thế. Quốc chưa biết nói gì thêm, thằng Vinh tiếp tục sang sảng:


- May là Nguyên nó im thin thít, chứ khai ra là chết cả lũ. Giờ này nằm xếp hàng chờ "siêu nhân roi" ghé thăm chứ làm gì có chuyện ngồi đây hốc chuối thế này. Nó khai ra, không những bị đánh, mà đổ bể hết cả kế hoạch, bí mật bị bại lộ. Tao đứng nhìn nó bị đánh mà đau thay!


Vậy thì Quốc cũng chính là tòng phạm khiến Nguyên bị oan uổng. Nhưng kể cả là nó có mặt ở đấy, chắc gì đã can đảm nhận tội. Không chừng lại bị cả đám con trai tẩy chay vì không biết bảo vệ đồng đội. Quốc từng bị đánh, nó quá hiểu cái cảm giác bị đánh đến rớm máu ấy. Nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình, lần ấy nó bị đánh năm roi vì tội chểnh mảng học hành. Năm roi thôi mà cả tuần trời đứng lên ngồi xuống nó còn thấy đau. Huống gì Nguyên bị đánh gấp đôi nó. Nguyên lại là con gái nữa chứ. Chắc chắn nỗi đau không phải là nhân đôi, mà là nhân lên gấp vạn lần vì sự oan khuất mà Nguyên đã hứng chịu thay để bao che cái lũ con trai hèn, trong ấy có cả nó.


Quốc thấy thương Nguyên quá!


Nó đưa mắt nhìn sang bàn ăn của bọn con gái cùng lớp tìm Nguyên. Chẳng thấy Nguyên đâu.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

EmBi

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
19/8/16
Bài viết
67
Gạo
0,0
CHƯƠNG 3: TẤM VÁCH GỖ


Nội trú nữ tầng ba, phòng số một, giường số mười bảy...


Nguyên nằm sấp, hai chân duỗi thẳng y hệt như lúc nằm trên bàn bị đánh. Nó bỏ cơm. Thông thường, chiều thứ bảy là ngày các học sinh mong ngóng nhất. Trong một tuần học mệt mỏi, chiều thứ bảy được chơi thể thao, học ngoại khóa. Sau bữa cơm chiều chúng cũng không phải học mà được vui chơi tự do. Ai có người nhà đến đón thì được ra ngoài. Ba mẹ Nguyên ở xa, họ hàng trong Sài Gòn cũng bận bịu. Nên khái niệm “được-đón-ra-ngoài” với nó dường như không tồn tại. Nguyên vẫn nghĩ mãi không thôi về chuyện đó. Nó mệt mỏi thiếp dần đi. Quỳnh đã ăn cơm xong, mang theo lên phòng một ly súp cua đến gần Nguyên:


- Tao mua cho mày món mày thích đây, ăn đi cho nóng “con chó”!


Nguyên vờ không nghe thấy, nằm im không động đậy, tâm trí nào mà ăn uống giờ này.


- Ơ con này, đau mông chứ đã điếc đâu. Nốc đi rồi lấy sức mà “sủa” cho tao nghe đầu đuôi xem nào!


- Mày để đấy, tao ngủ xíu rồi lát dậy ăn!


Quỳnh quá hiểu tính nó, một khi không muốn thì có ép đằng trời cũng chẳng được. Thở dài, Quỳnh lặng lẽ đặt ly súp lên chiếc bàn gấp cuối giường rồi đứng dậy lấy quần áo đi tắm.


Phòng nội trú nữ cấp hai bao gồm hết bốn khối từ lớp sáu đến lớp chín. Chiều thứ bảy thật ồn ào. Đứa thu xếp đồ đạc chuẩn bị người nhà đón ra ngoài, nhóm thì giành giật nhau cái remote ti vi để chuyển kênh mà chúng thích xem. Ti vi phát một MV Hàn Quốc đang hot, bao nhiêu tiếng trầm trồ, bàn tán anh ca sĩ ấy đẹp trai, hát cực đỉnh, nhảy cực ngầu... Đứa lại nhóp nhép ngồi nhai bánh tráng trộn và thi thoảng hít hà vì quá cay, Nguyên nghe được cả tiếng “ừng ực” đang trôi qua cổ họng lúc chúng uống co-ca để giải tỏa vị cay nồng... Những âm thanh cứ thế trôi xa dần cho đến khi nó thực sự chìm vào giấc ngủ.


Nhưng giấc ngủ cũng chỉ kéo dài được mười lăm phút...


- Nguyên, thằng Quốc tìm mày ở hành lang kìa!


Quỳnh vỗ vào vai, lay Nguyên dậy. Nó uể oải:


- Ừ, tao biết rồi!


- Nhanh không để người ta chờ!


Quỳnh hối, câu nói như có hàm ý châm chọc. Nguyên mắt đã chịu mở, nhưng vẫn nằm ù lì.


Hành lanh là nơi phơi đồ. Bên cạnh là phòng Tin học. Hai hành lang được ngăm cách bởi một tấm vách gỗ tạp mỏng dính, nghe được cả bước chân và giọng nói từ hai bên. Trước kia nó là một hành lang thông suốt. Nhưng từ khi “tội phạm” trong “nhà tù” tăng lên đột biến, nhà trường đành phải ngăn cách một phần hành lang lấy chỗ cho học sinh nữ phơi quần áo.


Nó sẽ chẳng có gì đặc biệt và chỉ là một tấm gỗ ngăn cách bình thường nếu như không bị khoét một góc nhỏ bên dưới. Lỗ đủ lọt một cái đầu người. Nhưng chẳng ai dại nằm rạp xuống mà thò đầu qua, vì lỗ nằm kề sát nền nhà. Bên cạnh có một cửa sổ khá lớn, có thể quan sát hầu như mọi góc độ dưới sân trường. Lâu nay, nơi này đã được tận dụng để các cặp “tình nhân” trong trường hẹn hò. Nhất là mấy chị cấp ba tầng bốn, hay chạy xuống mượn cái lỗ ấy ở phòng Nguyên gặp người yêu. Có lần Nguyên còn thấy chị Hạnh, học mười một, cầm chiếc áo đồng phục của học sinh nam đã được là phẳng phiu nhét qua lỗ, nói với anh Vũ học cùng lớp đang ngồi cách nhau tấm vách gỗ.


- Em giặt và ủi cả bảng tên vào cho anh rồi này!


Nguyên thấy vừa đáng yêu vừa buồn cười! Quần áo của học sinh đều có “bộ phận chuyên trách” riêng của nhà trường đảm nhiệm công việc giặt giũ. Mỗi chiều các ngày lẻ trong tuần, quần áo dơ được ném vào một cái thùng lớn giữa phòng. Sẽ có người lên mang đi giải quyết, trừ đồ lót thì phải tự túc. Cảnh tượng ấy chả khác nào thăm nuôi trong nhà tù, được nhận đồ tiếp tế của thân nhân!


Tình yêu học trò ở nội trú là thế này sao?


Đẹp như thiên đường vậy sao?


Đơn giản chỉ là thập thò nói chuyện dăm ba câu qua cái khe nhỏ xíu ấy; chăm sóc cho nhau khi thì cái áo, khi lại một ly nước cam bổ dưỡng cho anh người yêu vừa chơi bóng đã mệt nhoài, mồ hôi bết bát; lúc lại là một hộp quà hình trái tim màu hường... Bao nhiêu điều được cái khe nhỏ bé ấy chứng kiến. Toàn những điều lớn lao mà chắc rằng bất kỳ ai ngồi sau tấm vách gỗ, tuy chẳng nhìn thấy mặt nhau, nhưng không ai là không cảm nhận được niềm hạnh phúc khó giấu đang lan tỏa.


Tất nhiên, hạnh phúc và nỗi đau luôn song hành. Thiên đường cũng có lúc khổ đau chứ! Chẳng thiếu những giọt nước mắt, những lần tức giận, hay nóng nảy cãi nhau của một tình yêu đầu đời xảy ra ở nơi này. Nguyên nhiều khi phải đảm nhận cái nhiệm vụ bất đắc dĩ – canh chừng. Phải canh, lỡ xui xẻo bị cô quản phòng bắt được thì xác định là... to chuyện luôn!


Nhưng canh thì canh, vẫn có lúc bị tóm cổ như thường.


- Con ra đây làm gì?


- Thằng nào đang thậm thụt bên kia nữa?


- Lần sau mà còn bén mảng lại chỗ này thì liệu hồn nghe chưa?


Chẳng đứa nào dám thú nhận đâu. Chúng toàn chối đây đẩy.


- Con ra phơi đồ!


- Con ra đứng nhìn cửa sổ!


- Con... hóng gió!


Khỉ thật, sân trường bị bịt kín mít bởi những mái vòm bằng tôn lạnh màu xanh đậm, làm gió có cơn gió nào ghé được vào đây mà... hóng!


Cô quản phòng của Nguyên đích thị là một con cọp già. Cô tên Sen, suýt soát năm mươi, người miền Tây. Người càng về già càng khó tính, đúng quá!

Tuổi ngũ tuần mang đi nhan sắc tươi trẻ thời xuân thì, để lại những vết chân chim chằng chịt đổ dồn trên khóe mắt cô. Cô níu kéo thanh xuân bằng việc xăm chân mày, xăm môi. Cặp lông mày dữ dằn và đôi môi màu hồng đậm làm mất đi vẻ thiện cảm trong mắt bọn học sinh chúng nó. Cô chỉ thích những đứa ngoan thiệt ngoan, hay gần gũi và trò chuyện với cô. À, môi trên của cô Sen còn có một nốt ruồi to bằng hạt đậu đen. Bọn chúng gọi là... ”ve chó!”


Khiếp!


Còn gì miêu tả chính xác hơn từ “khiếp” nữa không trời?


Nguyên nghe mà buồn nôn. Tự hỏi bọn này chứa gì trong não mà liên tưởng đến cái sinh vật hút máu chó tanh tưởi và tởm lợm như thế. Phục bọn này sát đất luôn! Nhiều khi đi ngang qua một lũ đang ba xàm ba láp, đúng hơn là nói xấu cô Sen, Nguyên phải thốt lên:


- Các thánh có ăn gì không để con cúng ạ!


Ôi, cuộc đời! Sao lại để Nguyên ăn ở cùng với cái lũ “thánh sống” này cơ chứ! Ngày nào cũng phải rút hết ruột gan phèo phổi lòng mề mà ngoác đến rách cả miệng ra. Vừa tốn calo vừa khô hết cổ họng, tổn hại long thể quá đi mất. Chúng cũng nhìn Nguyên mà cười không nhặt nổi mồm!!!


...


Quốc tìm nó làm gì?


Lại thích chơi trò “đấu mắt” để rồi làm người ta phải thổn thức vì đôi mắt đẹp của mình à?


Thôi, quên đi nhé. Bà đây không dễ dãi mà rung động nhanh thế đâu!


Ừ, còn lâu nhé!


Cứ đợi đi nhé!


Đợi chán cũng phải bỏ cuộc thôi!


Con gái là phải thật... chảnh! Biết chưa Nguyên?


Con gái phải sống thật kiêu hãnh! Nghe chưa Nguyên?


Đừng có cái kiểu vừa thấy trai gọi đã tất tưởi chạy ra! Hiểu chưa Nguyên?


Ơ mà khoan!


Gặp ngoài hành lang, làm gì nhìn thấy nhau. Nguyên bật cười vì cái suy nghĩ củ chuối của mình. Kiêu hãnh kiểu gì mà viết giấy hỏi người ta một câu vô duyên thế kia! Ngay từ đầu đã bị đánh gục bởi ánh mắt ướt át ấy rồi, chảnh với đầu gối à?

...

Quốc cũng bỏ dĩa cơm đang ăn dở, một suy nghĩ “cực bạo” xoẹt qua đầu. Nó rảo bước lên hành lang phòng tin học. Đó không phải là bước chân của một kẻ mới ốm dậy, mà là bước chân của một kẻ hối lỗi, thương xót. Nói lời xin lỗi với Nguyên sao? Ôi, sến sẩm quá! Hỏi Nguyên bị đánh có đau không? Ô hay cái thằng cù lần này, nhìn thôi cũng biết là đau rồi, hỏi thừa thế nhỉ? Hỏi Nguyên sao không khai ra, chịu oan làm gì? Thế càng ngốc, lí do rõ mười mươi ra thế, nó biết tỏng rồi cơ mà!


Vậy nói gì bây giờ?


Khó nghĩ quá!


Nó băn khoăn không biết nên nói gì với Nguyên sau tấm vách. Dường như lời nói lúc này trở nên thừa thãi, mà gặp mặt trực tiếp lại càng không thể. Nguyên đời nào chịu gặp, mới bị đánh rớt máu ra thế kia nữa, nỡ lòng nào mình lại hành nó lết xuống sân trường.


Quốc bỗng nhớ cái bóng dáng yêu kiều của Nguyên, nhớ cô lớp phó học tập tóc mái ngố và gương mặt lì lợm. Nhớ luôn cả một ánh mắt đột nhiên ngước lên làm đôi mi nó bối rối rủ xuống. Mới một ngày không nhìn thấy Nguyên trên lớp thôi mà cảm giác lạ lẫm gì đang bao phủ lấy Quốc vậy? Kể từ ngày trả lời mảnh giấy ấy đến nay cũng ngót nghét cả tháng, Nguyên không đoái hoài gì đến nó. Chính nó còn quên cơ mà. Phong độ hằng ngày biến đi đâu mất rồi, sao lại để Quốc trơ trọi với những băn khoăn không lời đáp vì một đứa con gái thế?


Được mệnh danh là có tài biến hóa và đối đáp nhanh như chớp, hiểm như nọc rắn, rồi cuối cùng lại phải điêu đứng trước cuộc gặp gỡ với một con người con gái sắp xảy ra? Chứng tỏ Nguyên là một điều gì đặc biệt hơn bình thường trong lòng nó. Biết phải “biến hóa” thế nào trong hoàn cảnh này cho cả hai bên cùng thoải mái đây?


Trước khi đến hành lang, Quốc ghé vào phòng nó mở va li lôi ra hộp sắt nhỏ màu xanh dương trang trí cùng những họa tiết vô cùng giản dị. Vài ba con sò nằm rải rác trên cát, biển xanh trong và bầu trời không một gợn mây. Trước ngày vào trường, chị My đã cẩn thận sắm sửa và đặt chiếc hộp sắt ấy vào vali cho nó. Quốc ngúng nguẩy:


- Hai (chị Hai) nghĩ sao em đem cái này vào trường, chúng cười cho thúi mặt à?


Chị My lừ mắt:


- Mày quậy còn hơn thằng Cuội. Không trầy trật tay chân, sứt đầu mẻ trán vì chạy nhảy, banh bóng mới lạ. Cứ đem vào trường, sẽ có lúc cần đến. Hai lo cho mày lắm Út ạ!


Chiếc hộp vẫn bị bỏ rơi, nằm trong góc va li đến hôm nay. Đúng là có lúc cần đến thật, nhưng không phải cho Quốc mà cho Nguyên.


Đến nơi, Quốc đứng im chẳng biết nên làm gì. Nghe bước chân và tiếng động, Quốc biết có người đang ra lấy đồ, định nhờ bên đó nhắn dùm Nguyên ra cho Quốc gặp thì đã nghe hành lang nữ lên tiếng:


- Tao mua súp đem lên mà nó nằm dài không chịu ăn. Cứ câm như hến, hỏi không thèm nói!


Là tiếng của Quỳnh. Quỳnh đang nói chuyện với Yến “điệu” về Nguyên. Quốc vội cất lời như sợ Quỳnh đi vào phòng sẽ chẳng còn cơ hội gặp Nguyên lần nào nữa.


- Quỳnh, mày kêu Nguyên ra tao nhờ tí!


Quỳnh đanh đá:


- Nhờ vả gì, bọn con trai chúng mày hại nó nằm bẹp dí suốt chiều giờ. Còn tính nhờ nó giấu thuốc nữa à?


- Tao Quốc á, mày giúp tao cái. Chiều thứ bảy tới tao mua “bánh mì cổng sau” cho. Hẳn hai ổ. Ô-kê không?


Quỳnh sáng mắt, nghe ăn là bấn loạn lên hết cả nhưng vẫn làm giọng hạch sách:


- Chờ đấy!!!


Quốc thở phào, không ngờ thỏa hiệp với cái con háu ăn này dễ thế! Tưởng nó lại căn vẹo vụ thuốc lá thì cứng họng mất.


...


- Tìm Nguyên có chuyện gì thế?


Nguyên đã ra hành lang, Quốc lúng túng không biết nói gì, trông nó cầm chiếc hộp đứng bần thần dựa vào vách gỗ đến là tồ. Chẳng khác gì tỏ tình mà bị từ chối ấy, thảm quá!


Có tiếng trượt dần trên vách rồi ngồi thụp xuống, Nguyên thấy một bàn tay đang chìa chiếc hộp qua khe.


- Cầm lấy đi!


Nguyên không biết trong hộp ấy chứa gì nhưng hẳn nhiên là dành cho mình. Nó bật khóc như cơn mưa nhỏ. Sự gan lì, mạnh mẽ hoàn toàn biến mất bởi sự quan tâm bất ngờ đang đến với nó lúc này.


Ba từ Quốc vừa thốt ra nghe run rẩy hòa lẫn sự chờ đợi. Tiếng khóc bên kia vách dội vào lòng Quốc nghe yếu đuối làm sao! Nguyên nghĩ gì thế? Nguyên nói gì đi chứ! Khổ thân Nguyên quá! Là lỗi của quốc, xin hãy nói gì đó đi! Gì cũng được! Chửi rủa bọn con trai cũng được, hay hỏi chuyện thuốc lá cũng được. Vách gỗ ơi, mày tàng hình đi một lúc được không? Để Quốc được thấy Nguyên, để xua bớt đi cảm giác tội lỗi và bất lực này. Một chút thôi được không? Quốc muốn nhìn, Quốc muốn được chạm vào bờ vai nhỏ bé ấy, muốn nắm đôi tay ấy. Không phải để an ủi, mà chỉ để cảm nhận một phần cảm giác của Nguyên lúc này. Có ai nói dùm với Quốc phải làm gì đó bây giờ không? Có ai nói hộ lòng Quốc cho Nguyên biết được không? Có ai đó không?


Đầu óc Quốc chếnh choáng như người say, say bởi những giọt nước mắt đang bị cái vách gỗ chết tiệt che lấp.


Làm ơn, đừng để Nguyên khóc nữa. Quốc nghe mà thấy bản thân mình hèn lắm! Quốc thương Nguyên! Đừng khóc, đừng khóc Nguyên ơi!


Nguyên lặng lẽ cúi xuống nhận chiếc hộp.


- Ăn súp đi, đừng nằm nữa!


Quốc can đảm lên tiếng sau những phút im lặng kéo dài. Nguyên vẫn chẳng nói, chỉ còn lại tiếng bước chân dần xa. Quốc đã đi.


Nguyên bấy giờ mới ngồi bệt xuống, nâng chiếc hộp sắt lên nhìn qua màn nước mắt nhạt nhòa. Nước mắt dường như được tích tụ lâu ngày; khóc vì đau mông, khóc vì oan ức, vì giận, vì cái vỏ bọc kiên cường bị tháo gỡ... vì cả sự quan tâm.


Trong suốt những năm tháng làm người, chắc hẳn ai cũng có những chuyện, cho dù bánh xe thời gian có hối hả quay vòng và mạnh mẽ cuốn phăng đi mọi thứ cũng không bao giờ quên được. Nguyên sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên bị đánh ở trường, lần đầu tiên biết khóc vì một người khác giới. Những cảm giác đó, tuy không giữ được tròn vạnh, nhưng dư âm còn vang mãi suốt một đời. Ấy là vào những ngày hè năm 2008.


Hóa ra, sự quan tâm còn có cả những dư vị khác!


Dư vị chẳng diễn tả nên lời.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

EmBi

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
19/8/16
Bài viết
67
Gạo
0,0

CHƯƠNG 4: MẢNH ĐỜI ĐAU THƯƠNG




Quốc rời đi khi sự bất lực đang bao vây bốn bề và đè nặng lên tâm trí nó. Nghĩ không đành, Quốc dừng lại bên cửa sổ cuối hành lang. Những tiếng nấc thổn thức của Nguyên đã xa dần, nhưng vẫn chưa thôi vang vọng trong đầu nó. Từ cửa sổ nhìn xuống sân trường, các anh chị cấp ba đang tu tập bên dàn âm thanh để hát karaoke. Tiếng hát khỏe khoắn của giọng ca nữ hòa vào giai điệu bài hát: “Giọt sương trên mí mắt” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Nó biết bài này, chị My sáng nào thức dậy cũng mở, đều đặn như một thói quen. Chị My bị ba mẹ ngăn cấm vì yêu phải ông bố đơn thân sống một mình cùng đứa con gái hai tuổi. Chuyện ấy khiến cả nhà nó nhốn nháo suốt một thời gian dài. Nhiều lần nó thấy chị My trốn trong phòng khóc rấm rứt. Nó chưa đủ lớn để thấu hiểu nỗi đau của chị My nhưng mỗi lần nghe chị khóc, Quốc thương chị đến não lòng. Thời gian sau đó, chẳng bao giờ thấy chị khóc nữa. Chị quăng mình vào một núi công việc, quanh quẩn suốt ngày bên những trang giáo án điện tử và tận tụy trên bục giảng là cách chị chọn để vùi chôn những đau thương.


“Có nhưng lúc em cười thật buồn


Sao em không khóc?


Cho lòng, lòng nhẹ nhàng hơn.”


Quốc thuộc nằm lòng từng ca từ trong bài hát. Chắc Nguyên lúc này không thể nghe thấy những giai điệu ý nghĩa ấy nhưng hi vọng nước mắt sẽ làm Nguyên nhẹ nhõm hơn . Khóc được hãy cứ khóc đi, hà tất phải kìm nén làm gì? Không khóc được mới bất hạnh, những cảm giác tệ hại bây giờ sẽ theo dòng nước mắt của Nguyên mà trôi đi, rồi mọi chuyện sẽ khá hơn thôi Nguyên à! Quốc thấy quyết định im lặng của mình khi chứng kiến Nguyên khóc thật đúng đắn. Chỉ tiếc rằng ngay lúc ấy nó không thể làm điểm tựa cho Nguyên bám víu vào mà thả trôi những gì Nguyên đã gồng mình gánh chịu. Nguyên mạnh mẽ lắm, cho đến lúc này, can đảm để khóc cũng là một điều mạnh mẽ đấy Nguyên biết không?


Còn Quốc, làm gì có ai như Quốc. Người ta vì mình mà khóc thế kia lại lạnh lùng bỏ đi. Nhưng kể ra bây giờ cứ tỏ ra hâm hâm dở dở, ngờ nghệch không biết nên làm gì ngoài việc trốn tránh lại hay. Mà nếu cứ ngồi đối diện với Nguyên sau tấm vách thêm một lúc nữa, chắc gì nó đã biết phải xử trí thế nào?



Nguyên quệt nước mắt, đứng dậy mang chiếc hộp sắt cất trong tủ. Quỳnh nãy giờ đã chứng kiến tất cả. Nó không cố ý rình trộm xem Quốc và Nguyên nói gì với nhau. Nó chỉ muốn canh chừng cô quản phòng giúp Nguyên. Mặc dù Nguyên không hề mở lời nhờ nó, nhưng với cương vị là một đứa bạn thân, nó cảm thấy có trách nhiệm cần phải làm thế. Nguyên vừa bị đánh hồi chiều vì tội bao che rồi, giờ thêm tội thậm thụt với học sinh nam ngoài hành lang nữa thì phen này thật khó mà yên ổn. Quỳnh thân với Nguyên nhưng chưa bao giờ nghe Nguyên kể gì về chuyện tình cảm. Trong mắt nó, Nguyên là đứa mạnh mẽ, siêu tốt bụng nhưng đôi khi cũng khiến người khác phải cáu phát tiết lên vì thói lầm lì. Hay chúng nó giấu mình hẹn hò với nhau? Quỳnh chợt nghĩ rồi vội xua tay gạt phắt đi!


Đời nào lại thế được!


Quốc đâu phải mẫu người lý tưởng mà Nguyên thích. Nhưng rõ ràng Quốc nói chuyện có vẻ đang quan tâm lo lắng cho Nguyên nhiều lắm, lại còn tặng quà cho nhau nữa mà. Thằng Quốc nó dễ thương thật, mấy lần Quỳnh tận mắt thấy các em học sinh lớp tám còn gửi thư lên làm quen tán tỉnh nó. Khổ thân các em ý, gặp phải anh chàng vô tư quá đâm ra vô tâm, chẳng bao giờ thấy đoái hoài hay hồi âm lại cho bất kỳ em nào. Làm các em mấy ngày liền lượn lờ trước phòng học 9A trong giờ ra chơi xem có ai trả thư rồi lại thất thểu vác khuôn mặt như đưa đám về lớp. Quốc có nụ cười tỏa nắng nhưng lại vô cùng lạnh lùng. Đám thằng Ngân rủ nó qua các lớp khác ngắm các em xinh tươi mới vào trường, nó đều kiếm cớ không đi. Bọn con trai được thể, chọc quê nó bằng những từ ngữ “đứa nhát gái”, “bị gay” hòng khiêu khích tính sĩ diện “của một thằng đàn ông” trong Quốc nổi dậy. Nhưng đố lần nào chúng mỉa mai mà thành đấy! Quốc vờ như điếc, tỏ vẻ chẳng quan tâm, xem ra nó vẫn còn trẻ con và trong sáng chán. Nhìn nó mỗi giờ ra chơi mướt mồ hôi chạy nhảy, nghịch ngợm thế kia là biết.


Nhưng quái lạ, hôm nay Quốc hành sự chẳng lạnh lùng tí nào. Hai câu thốt ra với Nguyên tuy cộc lốc mà súc tích quá chừng, chứng tỏ mối quan hệ này không hề bình thường. Quỳnh nghe mà còn thấy sự ganh tị nhen nhóm trong lòng. Phải cái anh đẹp trai nào quan tâm nó như thế, chắc cảm động mà khóc luôn một dòng sông quá!


Quỳnh mơ mộng không thôi.

...


Nguyên đã tắm xong, đang ngồi bên giường sấy tóc. Quỳnh bước đến, giật mạnh chiếc máy sấy trên tay Nguyên và nói:


- Để tao!


Quỳnh ngồi xuống sau lưng Nguyên, một tay luồn vào từng mớ tóc đang ướt của Nguyên vuốt dần từ chân tóc ra, tay còn lại lắc nhẹ chiếc máy sấy và di chuyển ngang tầm với mớ tóc nó đang vuốt. Quỳnh đã quá thành thục việc này. Mỗi lần gội đầu, hai đứa lại sấy tóc cho nhau.


Hai đứa thân nhau từ giữa học kì một năm lớp tám. Nguyên thương Quỳnh lắm. Và ngược lại, Quỳnh cũng coi Nguyên như chị em máu mủ, chẳng giấu diếm điều gì. Quỳnh có lẽ là con ma cũ nhất trong lớp cùng với một vài đứa khác. Đã bước sang năm thứ tư Quỳnh sống trong môi trường này. Ngày đầu mới vào lớp, Nguyên đã để ý đến Quỳnh. Cô bạn nhỏ như hạt tiêu nhưng đanh đá thôi rồi. Càng quan sát Nguyên càng nhận ra, sự chua ngoa đanh đá trong từng lời nói của Quỳnh chỉ là một chiếc mặt nạ mà Quỳnh mang nó mỗi ngày để che giấu đi bản chất thật trong nó. Quỳnh muốn trở thành một con người bị tất cả ghét cay ghét đắng, bị xa lánh, bị bỏ rơi. Quỳnh thích một mình, những lúc như thế nó mới thấy cuộc sống xung quanh được an toàn, không ai đến gần có nghĩa là không ai sẽ làm hại, hay làm tổn thương nó; cả về thể xác lẫn tinh thần. Sau này khi đã tin tưởng và trở nên thân thiết hơn, Nguyên mới thấy Quỳnh là một cô gái tội nghiệp, một cô gái mang trong mình những vết thương lòng sâu hoắm chỉ bởi Quỳnh đã có những năm tháng tuổi thơ không lành lặn như bao người.


Quê của Quỳnh ở Cà Mau, vùng đất tận cùng Tổ quốc. Năm lên bốn, ba Quỳnh mất sớm để lại hai mẹ con Quỳnh bơ vơ cảnh vợ góa con côi sống lênh đênh trên chiếc ghe cũ. Những ngày tháng bé bỏng ấy, khi Nguyên còn lăn kềnh ra giữa nền nhà nằm giãy đành đạch, khóc ăn vạ chỉ vì chú chó nhà hàng xóm đã đưa tiễn con búp bê mà Nguyên yêu thích nhất về nơi chín suối bằng cách cắn nát đầu và tay chân, chỉ còn trơ trọi cái thân búp bê nham nhở, thì Quỳnh đã phải bươn bả theo mẹ đi lần mò từng con cua con ốc sống qua ngày. Không đành lòng với cuộc sống khổ cực, ăn bữa nay lo bữa mai, mẹ Quỳnh gửi nó lại cho dì ruột rồi lên Sài Gòn kiếm tiền. Quỳnh xa mẹ từ đấy. Còn gì đau đớn hơn khi đang ở độ tuổi cần có vòng tay cha mẹ bao bọc, chở che nhất của cuộc đời, Quỳnh bỗng dưng biến thành một đứa trẻ thiếu thốn tình thương gia đình. Mất cha, mẹ còn cũng như không, năm thì mười thuở mẹ Quỳnh mới về thăm, dúi cho dì nó một ít tiền rồi lại tất tả ra đi. Một đứa trẻ xa mẹ quá lâu, dường như Quỳnh đã không còn nhớ nổi hơi ấm và những nụ hôn lên trán của mẹ dành cho nó trước kia có mùi vị thế nào?


Ừ thì, trẻ con, trách làm sao bây giờ?


Khi đã học lớp hai, Quỳnh bắt đầu ý thức được hoàn cảnh của mình và chấp nhận một sự thật chua xót rằng, nó sẽ phải lớn lên mà không có tay mẹ dìu dắt, không có vai cha dang rộng chở che. Dì Sáu thương Quỳnh, nhưng dì còn cả một bầy con lít nhít, xếp hàng dắt díu nhau đi chơi chắc cũng chiếm nửa đội bóng. Mà ở vùng đất gắn liền với những cánh rừng đước bạt ngàn và u uẩn này, người nông dân có cần cù, chăm chỉ bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ tạm gọi là không chết đói mà thôi. Thế nên Quỳnh đã cố gắng sống tự lập nhất có thể, không vòi vĩnh hay mè nheo điều gì, được đi học bằng những đồng tiền mẹ nó com cóp gửi về đối với nó đã may mắn lắm rồi.


Vào một ngày định mệnh, Quỳnh thấy mẹ nó trở về, khác xa với người mẹ lam lũ, khổ sở trước đây của nó. Bà ấy nhìn vui vẻ, hoạt bát nói cười trong bộ dạng của một người đàn bà có tiền, tiếng vòng vàng va vào nhau nghe “leng keng” ở bộ lắc sáng chói mỗi khi mẹ Quỳnh đưa tay lên xoa đầu rồi ôm rịt nó vào lòng. Nghe đâu cuộc đời mẹ nó đã sang chương khác, chương của một cuộc sống nhàn tênh và tiêu tiền không phải nghĩ. Quỳnh chẳng biết từng ấy năm mẹ xa nó, mẹ đã làm những việc gì để kiếm tiền gửi về quê cho dì Sáu thay mẹ nuôi Quỳnh, nhưng bây giờ không cần gửi nữa. Lần này bà ấy về đón Quỳnh đi. Gương mặt hớn hở cùng với một sấp polyme thơm mùi nhựa mới trên bàn tay được sơn móng màu đỏ lòe loẹt của mẹ nó đang lần lượt phát cho từng đứa con nhà dì Sáu và những đứa trẻ hàng xóm có mặt ở đó. Gần chục đứa trẻ con mặt mũi đen đúa, lấm lem cát bụi phù sa, chân chim nứt nẻ đứng vây quanh mẹ nó chỉ chờ đến lượt mình được cầm vào tờ tiền mới tinh và khoanh tay cúi gập người xuống cảm ơn mẹ nó rối rít, vậy mà sấp tiền ấy chẳng vơi đi là bao. Số tiền còn lại được phóng khoáng trao đến tay dì Sáu, như để đền đáp công ơn nuôi dưỡng Quỳnh suốt bốn năm trời.


Mẹ Quỳnh tái giá. Một ông già gấp đôi cả tuổi mẹ nó, nhưng bù lại ông ấy giàu có, vợ chết, của chìm của nổi đến cả đời Quỳnh tiêu chẳng hết. Bà ấy lên Sài Gòn làm ô sin cho nhà ông ta, khi ấy vợ ông đã ung thư giai đoạn cuối, ông vô phúc chẳng có con cái gì. Đúng là đến người giàu cũng khóc là vậy. Sau khi vợ chết được hai năm, ông để ý mẹ Quỳnh siêng năng, cần mẫn, người miền tây lại cao ráo, những mối lo toan cơm áo gạo tiền không làm mẹ nó xuống sắc mà thậm chí còn có phần mặn mà theo thời gian. Ông ta ngỏ ý muốn mẹ Quỳnh làm vợ hai. Mẹ Quỳnh một bước lên tiên, mới ngày nào còn cùi cũi thân phận ô sin, nay đã chễm chệ lên làm bà vợ hai giàu có. Bà con chòm xóm hồ hởi sang chúc mừng, nào là: “nhất mày nhé Quỳnh, nhờ mẹ mà mày được sống sung sướng rồi đấy,” nào là: “vịt hóa thiên nga rồi Quỳnh ơi!”… Ngờ đâu, hai từ “sung sướng” vô tình được phát ra như báo trước một cơn đau chẳng biết ngày quên lãng.


Lòng Quỳnh dâng lên một nỗi trống trải, từ bao lâu rồi nó khao khát được sống gần mẹ thì hôm nay, sự khao khát ấy đã được toại nguyện nhưng không hề mang đến niềm vui như Quỳnh đã từng mường tượng trong suy nghĩ nhỏ dại của nó. Rồi từ đây, nó phải xa những chiếc ghe lặng lẽ trên sông, xa cánh cò trắng phau thường lướt qua cánh đồng, xa lũ em thơ con dì Sáu, xa cả một trời thương nhớ nơi này…


Quỳnh rụt rè làm quen với cuộc sống của một cô tiểu thư nơi đất chật người đông. Đâu rồi tiếng ầu ơ ru em mỗi trưa hè nắng chát, đâu rồi những mùa nước nổi lềnh bềnh cho cá trôi trắng sông, đâu rồi những ngày yên bình trong vắt chẳng có lấy một tiếng quạ kêu giật thót người… Quỳnh tự hỏi, tất cả đi đâu rồi mà sao nay nay hụt hẫng cứ bám rịt lấy tâm hồn nó thế? Cuộc sống vẫn cứ vội vã chuyển mình, chỉ để lại trong Quỳnh bao khắc khoải không thôi về những năm tháng tuổi thơ nghèo khó thuở nào!


Cơm áo nơi thị thành và những vật chất phủ phê nuôi Quỳnh khôn lớn, cứ ngỡ đó là quãng thời gian yên ả nhất trong cuộc đời thì bất ngờ biến cố ập đến. Giá như cuộc sống cứ bình lặng trôi đi mãi thì tốt biết mấy. Nhưng đời, nào có mấy ai yên ả cả kiếp người!


Năm ấy Quỳnh gần mười hai, bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên ở ngưỡng cửa trung học cơ sở. Một chiều tháng tám mưa tầm tã, đang ngồi học bên cửa sổ, Quỳnh thấy chiếc taxi đỗ xịch trước cổng. Vài chục giây sau, một người đàn ông thấp lùn bước ra khỏi xe, bụng phệ ngang bà bầu chửa bốn tháng, là dượng Quỳnh. Nghe tiếng chuông bấm inh ỏi, Quỳnh đội dù ra mở cổng. Lão vừa đi nhậu về, mặt đỏ bừng như vừa được lai giống bởi một… con gà chọi, từng bước khệ nệ đi vào nhà, chân nọ đá chân kia, người phát ra nồng nặc mùi rượu bia.


- Mẹ mày đâu?


Giọng lão lè nhè hỏi, Quỳnh lí nhí đáp:


- Dạ mẹ con đang nấu ăn!


Bốn năm qua, dường như Quỳnh đã quá quen với cảnh này. Việc tiếp theo mà lão làm thể nào chẳng là quăng giày quăng vớ vào một góc, vào phòng ngủ thả cái thân hình béo ục ịch của lão xuống giường mà ngáy o o. Nhưng hôm nay khác.


- Mày vào đây tao nhờ chút!


Lão buông một lời nhờ vả chẳng mấy thiện cảm. Quỳnh đâm lo, lão nhờ mình việc gì? Phải đến lần thứ hai lão cất tiếng gọi, Quỳnh mới rón rén bước vào. Vừa thấy Quỳnh, lão đã bế thốc nó lên vứt mạnh xuống giường. Quỳnh ngơ ngác, rồi dần sợ hãi khi trí thông minh của một học sinh lớp sáu mách bảo rằng nó đang có nguy cơ bị xâm hại. Nó vội vàng bò dậy định lao ra khỏi giường thì bàn tay to khỏe của lão đã đè hai vai Quỳnh xuống, lấy thân mình ngồi hẳn lên chân Quỳnh để ngăn nó giãy giụa. Trước mắt Quỳnh không còn là một con người. Lão như mất hết nhân tính, những ngón tay dơ bẩn đang tìm cách mở toang chiếc áo sơ mi trên người Quỳnh và sờ soạng khắp cơ thể còn chưa kịp phát triển toàn diện của nó. Nhìn Quỳnh la hét, lão khoái trá nhe hàm răng đã vàng ố cười sằng sặc. Khốn kiếp! Một có thú hoang đang thèm khát nhục dục, một con thú đội lốt người! Lão tha hóa đến nỗi con riêng của vợ cũng chẳng tha.


- Dượng đừng làm thế, con sợ lắm!


Một cái tát nổ đom đóm giáng mạnh xuống má Quỳnh, hai tai nó ù đi, máu ở khóe miệng chảy ra.


Câu nói của Quỳnh chẳng làm lão thức tỉnh, nó cố rướn đầu dậy dốc hết sức lực nhỏ bé của mình cắn thật mạnh vào cổ tay con quái vật già. Bất thình lình bị tấn công cộng với cơn thèm khát dụng vọng không được giải tỏa, lão rút chiếc thắt lưng trên người vụt liên tục vào cơ thể nhỏ bé của Quỳnh.


- A con chó này, nuôi cho mẹ con mày ăn sung mặc sướng rồi giờ quay ra cắn tao hả? Hả? Hả? Hả?


Mỗi tiếng “hả” thốt lên là một lần chiếc roi da lại vụt xuống, cơ thể bé nhỏ Quỳnh oằn mình hứng chịu một trận mưa roi. Mẹ Quỳnh lúc ấy đã kịp phát hiện ra tiếng cô con gái la hét, nghi có chuyện chẳng lành, bà hộc tốc chạy vào phòng. Phải chứng kiến một cảnh tượng dã man như trong sử sách thời phong kiến ngày xưa đã ghi chép lại, bà bất lực đau đớn, vội quỳ hẳn xuống sàn ôm lấy chân lão mà van nài:


- Em lạy anh, anh tha cho con! Nó còn bé lắm!


Mặc kệ những lời van xin thống khổ của mẹ Quỳnh, lão trút xuống Quỳnh bao nhiêu cơn bực dọc và tức tối bằng sự đau đớn thể xác tàn độc với một đứa trẻ đáng thương. Phải đến khi không còn thấy Quỳnh cử động nữa, lão mới ngưng tay, vứt toẹt chiếc thắt lưng xuống sàn và lạnh lùng bỏ đi. Mẹ Quỳnh bấy giờ mới chạy lại nâng cơ thể đã chi chết những vết thương, ôm con vào lòng, tiếng khóc thảm thiết vang lên:


- Sao con tôi lại ra nông nỗi này? Mẹ hại con rồi Quỳnh ơi!


Gương mặt Quỳnh thấm đẫm nước mắt chảy xuống từ hai bên gò má mẹ. Vào cái ngày kinh khủng ấy, tâm hồn Quỳnh đã chết, như một đóa hoa chưa kịp xòe cánh nở rộ đã úa tàn.


- Mẹ… ơi… con… đau… quá!


Quỳnh yếu ớt nhìn mẹ một cách khổ sở. Nó liếc xuống những vết thương hai cánh tay và đùi đang rớm máu.


- Con đau chỗ này đây mẹ, miệng con chảy cả máu nữa phải không? Ngày mai làm sao con đến trường mẹ nhỉ? Sao mẹ bỏ con một mình hả mẹ? Lúc ấy mẹ ở đâu? Con cứ ngỡ mẹ sẽ đến cứu con đúng lúc, ông ấy muốn giết con đấy mẹ à! Mẹ ơi con sợ lắm! Mẹ đưa con đi với ba nhé! Con xin mẹ! Ở nơi này đau lắm, làm sao con chịu được? Con xin mẹ, xin mẹ!


Từng lời nói của Quỳnh như xát muối vào trái tim nơi ngực trái người mẹ, tại sao bao nhiêu cơ cực và bất hạnh lại đổ lên đầu Quỳnh. Nào nó đã làm gì nên tội đâu! Sao nơi này lạnh lẽo quá! Sao đang nằm trong vòng tay mẹ, được mẹ ôm ấp vào lòng và cảm nhận được cả hơi ấm tỏa ra từ thân nhiệt của mẹ nó, Quỳnh vẫn thấy lạnh thấu xương. Người ta bảo Nam Cực là nơi lạnh lẽo nhất trên thế giới. Thật phét lác! Nơi lạnh nhất phải chính là nơi này, trong căn phòng này, và ngay lúc này; nơi không có tình thương, nơi con người không sống với nhau bằng tình người; nơi mà lí trí của con người đã bị chó tha mất, nơi chỉ để lại những kí ức khổ đau.


- Mẹ xin con, đừng nghĩ quẩn. Mẹ xin lỗi con, là tại mẹ! Mẹ không bảo vệ được con. Con ơi, Quỳnh ơi, mẹ xin con đấy!


Quỳnh lả đi trước những lời đau đớn của mẹ, mọi thứ dần nhạt nhòa, tan vào hư không.


Khi thức dậy, nó thấy mình đang nằm ở bệnh viện. Còn mẹ nó đã nhanh chóng rút hồ sơ và chuyển vào một trường nội trú, chỉ có cách này mới bảo vệ được Quỳnh, mong Quỳnh có một môi trường mới mà quên đi những chuyện đã qua. Thêm một lần Quỳnh xa mẹ, lần này chẳng phải vì mưu sinh chia cách, mà vì một con dã thú đội lốt người.


Nước mắt Nguyên rơi lã chã khi được Quỳnh vén tấm màn của một bi kịch tuổi thơ trong nó. Vội ôm lấy bạn hệt như ngày bé Nguyên vẫn được mẹ ôm vào lòng những khi lên cơn sốt.


- Xin lỗi mày! Tao đến bên mày muộn quá phải không? Hai năm qua, tao chỉ biết nhảy dây, đá cầu và sống bình yên trong vòng tay cha mẹ thì mày đã làm những gì để chống chọi với cơn đau khủng khiếp đấy hả Quỳnh? Tao biết mày đau lắm, chắc vết thương tâm hồn đã lở loét và thối rữa ra rồi. Cuộc đời cay đắng quá, chua chát quá! Tao xin lỗi, là tại tao tệ! Thương mày quá Quỳnh ơi!


Quỳnh nức nở, bao nhiêu đau đớn được phơi bày một cách trần truồng. Cả hai như đọc được những tâm tư trong mắt nhau, hai đôi mắt chan hòa nước, mặn chát và hanh hao. Nước mắt của cô đơn, tủi hờn, nước mắt của sự chia sẻ và cảm thông cứ thế tuôn trào.


Khóc đi Quỳnh, khóc để gột rửa những bụi bẩn của kí ức. Khóc cho cạn kiệt những nỗi đau. Khóc cho những vết thương còn có ngày thành sẹo, cho phai mờ theo năm tháng.


Hãy cứ khóc đi, Nguyên sẽ ở đây, cảm nhận chung một nỗi đau, quyện chung một dòng nước mắt, nhé Quỳnh!


Bạn thân, là một ngày có thể tuôn ra hàng mấy chục câu phũ phàng nhưng sẽ không bao giờ làm tổn thương nhau. Bạn thân, là có thể chửi nhau như hát hay, nhưng chẳng bao giờ biết đến hai chữ “giận hờn.” Để kéo Quỳnh ra khỏi bóng tối, Nguyên đã phải kiên trì từng ngày hòng đẽo gọt đi những thanh sắt của “cái chuồng” mà Quỳnh đã tự nhốt mình lại trong đó. Nguyên đã cố gắng chứng minh cho Quỳnh thấy rằng cuộc sống không đáng sợ như nó nghĩ. Ở nơi này, và xã hội ngoài kia còn có rất nhiều người sống bằng nhân cách của con người, sống bằng những trái tim nhân ái. Chuyện của những năm về trước của Quỳnh, nó chỉ là nạn nhân, cũng chẳng phải là một “vết nhơ” gì ghê gớm mà phải tự đẩy mình vào cảnh bị cô lập, chỉ cần mở lòng và đón nhận, những điều tốt đẹp rồi sẽ đến.


Cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, Quỳnh đã vui vẻ hơn, biết nhìn cuộc sống một cách lạc quan và yêu đời hơn. Nguyên cảm thấy vui thay cho bạn vì Quỳnh không còn phải sống trong cảm giác mệt mỏi với một tính cách giả tạo mà nó khoác lên mình mỗi ngày.


Và niềm tin của Nguyên đối với kết quả so sánh giữa học sinh công lập và học sinh nội trú chả có ý nghĩa gì là hoàn toàn đúng. Mỗi một học sinh đều có những lý do khác nhau, những hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau khi đưa đến quyết định bước chân vào trường nội trú. Trên đời, không thể dựa vào một hoặc một vài cá nhân mà đánh đồng có một tập thể một cách phiến diện như thế được!

***

Khi tóc đã được hong khô, Quỳnh cầm lấy ly súp cua khi nãy đặt lên tay Nguyên rồi lên giọng:


- Quốc nó bảo mày ăn chứ không phải tao đâu nhé! Ăn xong rồi “ẳng” cho tao nghe. Nhưng tao quên vụ hồi chiều rồi, cái tao cần nghe bây giờ là mày với thằng Quốc ấy!

Nguyên cầm muỗng khuấy đều ly súp rồi múc từng muỗng đưa vào miệng, súp đã nguội, lại thêm cảm giác không muốn ăn nên súp cứ ứ lại trong cổ họng, chẳng thể nuốt trôi. Được vài thìa, như chợt nhớ ra đang bỏ quên vật gì, Nguyên đặt ly súp xuống bàn rồi mở tủ lôi chiếc hộp ra. Quỳnh vẫn chú ý quan sát bạn, gương mặt Nguyên không có lấy một chút thái độ gì. Chiếc hộp được mở nắp, toàn những đồ dùng cần thiết cho một vết thương hở ngoài da như salonpas, thuốc tím, bông gòn, urgo...


Quỳnh nhanh nhẩu cầm hộp salonpas lên rồi cười một cách nham nhở:


- Hắn định đưa cái này cho mày dán vào mông sao? Hóa ra chúng nó dùng những thứ này để điều trị vết thương do “siêu nhân roi” gây ra à? Ôi cái thằng, bờm không tả được!


Nguyên cũng bật cười vì sự liên tưởng của Quỳnh. Nhưng không đúng, tất cả đồ dùng chưa được sử dụng bao giờ. Mấy chai thuốc rửa vết thương còn nguyên nắp chưa vặn, hộp salonpas cũng chưa kịp xé, chứng tỏ chưa từng được Quốc ngó ngàng đến. Một cảm nhận khác về Quốc len lỏi qua đầu Nguyên, đó đâu phải là cử chỉ thường thấy của một thằng con trai vô tâm, lạnh lùng. Thì ra, ẩn sâu bên trong con người ấy lại là một trái tim chu đáo, và ấm áp.


Quỳnh vẫn chưa thôi chọc ghẹo:


- Mày quay mông lại đây tao bôi thuốc đỏ và dán salonpas cho, không lại uổng tấm chân tình của người ta này!


Nghe chừng Quỳnh có vẻ khoái chí khi được thả ga châm chọc Nguyên như vậy.


- Mày thôi đi, ấm đầu nó vừa thôi!


- Ơ con “pet” này, tao chỉ thay Quốc quan tâm mày thôi mà!


Quỳnh giãy nảy lên, được thể nhào vào hỏi lấy hỏi để:


- Sao nó gửi cho mày những thứ này? Chúng mày thích nhau mà giấu tao đúng không? Tao tinh tường lắm nhé, đừng hòng “lòe” được! Khai mau, có khi nghe chuyện tình hấp dẫn quá tao lại ân xá cho mày tội giấu diếm cũng nên.


- Tao có hiểu chuyện gì đang xảy ra đâu!


Nguyên chống chế. Chính Nguyên còn chẳng hiểu động cơ nào khiến Quốc làm như vậy.


- Lại còn bao biện! Thế tao hỏi mày có thích nó không?


Quỳnh tiếp tục tra khảo, Nguyên ấp úng trước con bạn tinh quái:


- Ừ... thì... Mấy lần tao với nó có chạm mắt nhau. Nhưng chỉ có thể thôi. Tao thề đấy!


Nguyên nhìn Quỳnh với ánh mắt xem chừng vô tội lắm. Quỳnh vẫn chưa mệt để lải nhải thêm một lô xích xông dài dằng dặc về Quốc. Nó cũng công nhận đôi mắt Quốc rất đẹp, mắt ướt như con gái và vô cùng hút hồn. Quỳnh còn không quên kể lại chuyện mấy em lớp dưới rồi xiên xỏ:


- Cỡ như hắn, chớp mắt một cái là các em gái đã chết đứ đừ, nằm rạp dưới chân hắn nguyện xin chết. Nhưng còn mày cũng góp mặt trong đám con gái theo đuổi hắn sao Nguyên? Vụ này lạ à nha!


Nguyên bỗng thấy hai má nóng bừng, có chút thẹn thùng vấn vít quanh đây. Nhưng “theo đuổi” thì hơi quá! Nào đã có chủ đích hay hành động gì rõ ràng đâu mà. Con Quỳnh này quá quắt thật, dám đánh đồng Nguyên với cái đám con gái còn nhỏ nhít, thấy trai đẹp là cứ tơm tớp đòi làm quen. Nguyên mà là người như thế á, quên đi! Đợi đến mùa khủng long đẻ trứng chắc gì nó đã theo đuổi Quốc!


Mắt đẹp thì để ngắm tí cũng được chứ có sao? Con người ai chả thích cái đẹp, hay chả lẽ lại đi để ý cái đứa mặt mày gian dâm như Tây Môn Khánh. Họa có mà điên mất!


- Mà tao thấy mắt mày cũng đẹp nữa Nguyên à!


Nguyên sửng sốt nhìn Quỳnh.



- Tao nói thật đấy, trông nó cứ buồn buồn làm sao, đuôi mắt lại dài nữa!


Quỳnh giải thích như muốn khẳng định chắc nịch lời nó nói là đúng.


- Buồn với dài là đẹp à, mày lôi đâu ra cái triết lý đấy vậy?


Nguyên chẳng tin. Quỳnh đanh đá nguýt dài:


- Con này mày làm sao vậy? Tao lừa mày tao được gì? Đã khen đẹp còn bị la, đúng là đồ thần kinh!



Trong tiềm thức của Nguyên, mắt đẹp phải là một đôi mắt có hồn, nhìn một lần rồi cứ muốn nhìn mãi. Chứ mắt buồn, nhìn vào người ta cũng thấy buồn lây, chẳng có gì ấn tượng, chẳng có gì để đáng phải ghi nhớ.



Câu chuyện về đôi mắt vẫn cứ kéo dài cho đến khi chuông báo giờ đi ngủ. Nguyên cất chiếc hộp vào tủ, mỉm cười vì món quà đáng yêu của Quốc. Và trên hết, nó lại thấy tình cảm của mình dành cho đôi mắt bàn đối diện dường như đã bị lãng quên đâu đó nay lại trỗi dậy trong lòng. Lần này Nguyên chẳng muốn phủ nhận hay phũ phàng gạt phắt tình cảm ấy đi, xao xuyến một ánh mắt có gì là xấu?


Ừ, chả có gì là xấu cả.


Nguyên bỗng thấy tim mình loạn nhịp khi nghĩ về Quốc, chẳng những thấy nhớ màu hổ phách trong mắt Quốc, mà còn nhớ cả nụ cười tỏa nắng khiến người khác phải vấn vương. Đã biết nhớ nhiều vậy sao? Nguyên nhún vai, thừa nhận lòng đã trót nhớ nhung Quốc thật rồi!
 
Chỉnh sửa lần cuối:

EmBi

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
19/8/16
Bài viết
67
Gạo
0,0
CHƯƠNG 5: LỜI XIN LỖI!


Sáng chủ nhật, không ai bị làm phiền giấc ngủ bởi tiếng chuông réo ỉnh ỏi như mọi ngày. Trong tuần chỉ có duy nhất một ngày như thế, mọi người được tha hồ ngủ nướng. Nguyên vẫn giữ thói quen dậy sớm, liếc qua giường Quỳnh, thấy bạn vẫn còn đang say giấc, Nguyên không nỡ gọi dậy, nên đánh răng rửa mặt rồi xuống căn-tin ăn sáng một mình. Nó gọi một phần sandwich kẹp thịt không rau thơm và một chai sữa tươi. Trường vắng vẻ, đa phần học sinh đã được người thân đón ra ngoài sau một tuần tù túng trong trường, số còn lại hầu hết là ngủ thí xác đến gần trưa mới dậy.


Không gian yên ắng, căn–tin cũng chỉ lác đác vài người.


Nguyên thấy có vật gì mềm mại đang dụi dưới chân mình, nó mỉm cười chắc mẩm là con Heo đây rồi. Heo là con mèo được nuôi trong trường, vì hưởng thụ quá nhiều đồ ăn thừa của học sinh nên đâm ra ú nu, Nguyên gọi nó là Heo. Cúi xuống bế Heo lên đặt vào lòng, Nguyên vuốt ve phần lông dưới cổ nó, rồi xé một mẩu thịt ở phần ăn sáng của mình cho nó ăn. Nguyên yêu mèo, mỗi sáng chủ nhật Nguyên đều dành khoảng thời gian ăn sáng của mình cùng ăn và cưng nựng, vỗ về nó. Heo có bộ lông đen tuyền, giữa ngực và đuôi được tô điểm bởi những chỏm lông trắng, bước đi nặng nề, Nguyên ước chừng nó phải nặng đến năm cân là bình thường. Heo rất quấn Nguyên, mỗi lần được Nguyên vuốt ve, nó cứ thế nằm ngoan trong lòng, mắt lim dim thích thú.


Quốc cũng dậy sớm vào căn- tin ăn sáng, nó gọi một tô hủ tiếu. Thấy Nguyên, Quốc lặng lẽ bưng tô hủ tiếu ra phía sau chiếc bàn cách Nguyên không xa, đủ để quan sát được mọi cử chỉ của cô lớp phó học tập. Nguyên vừa ăn vừa trò chuyện với Heo như hai người bạn lâu năm, chả hiểu Nguyên nói gì mà cứ tủm tỉm cười thế. Quốc chăm chú nhìn. Nguyên mặc chiếc váy ngủ dài trên đầu gối màu xanh lá, chiếc áo len mỏng khoác hờ trên vai không che được đôi vai gầy để lộ xương quai xanh yêu kiều, mái tóc đen buông xõa. Nguyên không có nhan sắc quá nổi bật nhưng hôm nay, trong mắt Quốc, Nguyên đẹp đến lạ. Vẻ đẹp tự nhiên mà trước đây Quốc chưa từng thấy. Hóa ra Nguyên yêu mèo. Người yêu động vật là người sống rất tình cảm và đôi khi mang hơi hướm nội tâm. Dù Nguyên không quá đẹp nhưng dường như Quốc bị thu hút bởi cách Nguyên cư xử với động vật nhẹ nhàng và đầy trìu mến như thế. Ngoài vẻ đẹp mạnh mẽ Quốc thường thấy ở Nguyên, hôm nay Quốc còn nhận ra ở Nguyên những điều tuyệt vời khác. Nó không nằm ở ngoại hình, mà ẩn nấp kín đáo trong sâu thẳm tâm hồn Nguyên – một cô gái đầy sức hút.


Ngoài kia, nắng bắt đầu thả những tia nhẹ xuyên qua cây bàng trước căn-tin. Tô hủ tiếu đã nguội, Quốc buông đôi đũa trên tay, đứng dậy bước đi lặng lẽ như khi ngồi xuống ban nãy, sợ Nguyên phát hiện ra sự hiện diện của nó lúc này. Quốc không muốn ngắm trộm Nguyên nữa, khoảnh khắc ấy kéo dài chỉ làm lòng nó thêm bồi hồi.


Bước vào phòng nội trú, hai thằng Mạnh “híp” và Quân “màu mè” đang đứng thẫn thờ bên cửa sổ, trong phòng còn lác đác vài đưa ngủ chưa dậy. Quốc vỗ nhẹ vai Quân:


- Có chuyện gì à?


Quân chẳng đáp, mắt cứ dán chặt vào những song sắt cửa đã gỉ sét. Thằng này hệt như con gái ấy, mỗi lần có chuyện là im thin thít, chẳng nói chẳng rằng, gặng hỏi mãi, có lúc phải dọa cho ăn đấm mới chịu hé răng. Mạnh lên tiếng:


- Vụ thuốc lá đấy! Nó sợ mai đi học chạm mặt “chó ghẻ” không biết phải làm gì?


Quốc cau mày:


- Bọn mày thôi gọi Nguyên là “chó ghẻ” đi. Tao nghe thấy ghê!


Mạnh ồ lên một tiếng châm chọc rồi bắt đầu đá xéo Quốc:


- Bọn tao gọi mày là “thú” mà chả thấy mày ý kiến ý cò gì, sao tự dưng hôm nay lại bênh vực người ta thế? Hay nghe tao kể chuyện nó bị đánh thấy mủi lòng rồi hả thằng chết bằm này?


- Mày im đi. Tên người ta đẹp vậy sao không gọi!



- Ờ thì, bọn tao gọi thế nhưng có ghét bỏ gì nó đâu, mày làm gì căng vậy?


Quốc chuyển đến lớp sau khi biệt danh của Nguyên được hình thành nên nó chẳng hiểu cái tên ấy xuất phát từ đâu. Dù là không ghét bỏ gì, nhưng mười người nghe thì đến mười một người không có thiện cảm với cái biệt danh ấy. Chẳng lẽ giờ cứ đi bịt mồm từng đứa cấm tiệt chúng không được gọi Nguyên bằng “chó ghẻ” nữa à? Ôi, làm lố quá, Nguyên biết được lại thấy khó chịu.


- Thôi mặc xác chúng mày đấy, còn vụ thuốc lá thì để tao xin lỗi Nguyên cho.


Chẳng đợi hai thằng trả lời, Quốc hỏi tiếp:


- Đứa nào ra sân đánh cầu lông với tao không, lôi thêm một thằng dậy cho đủ bốn đứa chia hai cặp!


- Khỏi cần lôi, tao dậy rồi đây!


Tiếng thằng Sơn “đầu bò” đang còn ngái ngái ngủ vọng ra từ nhà vệ sinh. Vinh chỉ tay về phía mặt Sơn nói:


- Thằng này khá, biết sắp bị phá giấc ngủ nên tự giác dậy còn hơn là bị cưỡng chế đúng không?


- Tự giác con khỉ, tiếng mày ông ổng phá giấc ngủ của tao thì có. May cho mày là mấy thằng kia tối qua đá bóng nên sáng nay mới ngủ mê mệt vậy đấy. Không thì tao cam đoan, mày thể nào cũng bị tẩn cho một trận hội đồng rồi.



- Ờ, mày định rung cây dọa khỉ à? Tí ra sân xem đứa nào hơn đứa nào nhé! Tao biết chắc là hai ta không bắt cặp được rồi đấy.


Giọng Vinh đầy thách thức cùng nụ cười hiểm, đôi mắt một mí nheo lại mỗi khi cười làm gương mặt nó tăng thêm phần gian trá. Sơn cũng chẳng vừa, đáp trả một cách hào hùng:


- Mày đợi đấy! Bố đi đánh răng, rồi kiếm gì lót dạ. Chúng mày cứ ra sân khởi động vài đường cơ bản đi. Tao bắt cặp với thằng Quốc nhé. Quốc, mày lấy vợt cho tao luôn đi!


- Ô-kê, tao cho mày mười phút. Nhanh-gọn-lẹ!


Quốc nháy mắt ra lệnh. Sơn gật đầu đáp:


- Yes sir!


Bốn thằng quần quật suốt từ chín giờ sáng cho đến khi chuông reo báo giờ cơm trưa mới chịu đi cất vợt. Thằng nào thằng nấy mồ hôi nhễ nhại, chảy thành từng dòng nhỏ giọt xuống, lưng áo thì ướt đẫm như dính mưa mặc dù đã mặc đồ thể thao có chất liệu thấm hút tốt. Cả bọn chạy đi rửa mặt rồi vội vã di chuyển qua khu ăn uống. Trưa chủ nhật không ăn cơm mà thường là các món bún phở đủ loại. Hôm nay là món bún bò. Đi ngang qua bàn nữ, Quốc nhận ra Nguyên bởi chiếc váy ngủ màu xanh lá. Nguyên đang dùng đũa vớt hành lá ra khỏi tô. Quốc nhíu mày đứng sau nhìn rồi bưng một tô bún được xếp sẵn ở bàn kế bên đi nhanh vào quầy nói với cô phụ bếp:


- Cho con đổi một tô không hành được không? Con không ăn được hành.


Yêu cầu của Quốc nhanh chóng được đáp ứng, Quốc cảm ơn rồi cẩn thận bưng tô bún đi. Đến gần Nguyên, một tay Quốc kéo tô bún Nguyên vẫn đang cắm cúi vớt hành ra cho trống chỗ rồi đặt tô bún không hành xuống. Hành động ấy diễn ra không quá ba giây, chưa kịp để Nguyên ngước lên, Quốc đã bưng tô bún của Nguyên về bàn của đám con trai. Nguyên bị bất ngờ, phản ứng đầu tiên là quay lại nhận dạng người vừa cả gan hành động khi chưa được nó cho phép. Phát hiện ra Quốc, cả Quỳnh cũng nhìn chăm chăm.

- Thằng Quốc là hiện thân của tảng băng trôi, nổi tiếng lạnh lùng với con gái. Nhưng xem ra nó đặc biệt đối xử khác với mày đấy Nguyên à!


Nguyên ngượng chín mặt, vội đá vào chân Quỳnh nói nhỏ:


- Mày giảm âm lượng từ cái mồm mày hộ tao xuống đi, người ta nghe hết bây giờ!


Quỳnh lại bắt đầu lên cơn đanh đá, mồm miệng tuôn ra một tràng dài dằng dặc:


- Mày sợ gì? Cả bàn đều nhìn thấy chứ riêng tao đấy à? Thích nhau thì nói thích, còn định làm giá cành cao vờ vịt e thẹn, ngại ngùng làm đếch gì? Mày cứ như đang sống ở cái thời cổ lỗ sĩ nào ấy mà phải lấp liếm. Tao biết tỏng, tao đọc được trong mắt chúng mày đang có gì luôn đấy!


- Thôi được rồi, con lạy mẹ. Đây, bún của mẹ đây. Ăn đi cho con nhờ, không lại nguội hết cả.


Nguyên lên tiếng stop cơn nói nhiều của Quỳnh bằng cách đánh lảng sang chuyện ăn. Quỳnh mà, chỉ có ăn uống mới kìm được dây thanh quản của nó!


Nguyên cũng bắt đầu cầm đũa, gương mặt lỳ lợm không biểu cảm thường ngày hôm nay thật vô tác dụng. Nó chẳng còn tài tình để giấu đi cảm xúc vui vẻ đang dấy lên trong Nguyên. Sao Quốc biết Nguyên không ăn được hành mà đổi cho nó một tô khác? Gặp đồ ăn có hành, nó phải ngồi nhặt nhạnh cho bằng hết những cọng hành được thái nhỏ mới thôi. Từ bao giờ Quốc để ý đến những thói quen vụn vặt của nó vậy? Một hành động diễn ra trong im lặng, chẳng ai nói với ai, chẳng có ánh mắt nào được va chạm. Quốc khôn khéo rời đi để không làm cả hai phải ngượng ngùng. Thật là khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong đời Nguyên dù chỉ là một việc hết sức cỏn con. Sao Nguyên không thể nhận ra sớm hơn rằng Quốc không hề lạnh lùng với mình? Chẳng bao giờ Nguyên tìm ra được câu trả lời chính xác, vì Quốc chẳng nói. Tất cả chỉ gói gọn trong một hành động ba giây, quá nhanh nhưng cũng đủ để Nguyên cảm nhận được sự quan tâm từ Quốc.

Bữa ăn trưa trôi qua chậm rãi bởi những dư vị ngọt ngào đọng lại trong Nguyên.

Khi đã ăn gần xong, Nguyên nghe có tiếng thằng Vinh lướt qua:


- Nguyên tí nữa ra căn-tin gặp Quốc nhé, Quốc đang chờ!


Vinh đi rất nhanh sau khi vừa dứt câu. Quỳnh ngồi bên cũng đã nghe rõ lời Vinh vừa nhắn nhủ. Nó lại lanh chanh hỏi trong khi Nguyên ngơ ngác:


- Á à, chúng mày giờ lại còn hẹn hò nữa cơ à? Quốc gặp mày có chuyện gì?


Nguyên trả lời cộc lốc:


- Không biết.


Nguyên khuấy đũa vớt những cọng bún cuối cùng với vẻ mặt thản nhiên nhưng trong lòng đầy thắc mắc.


- Vậy thôi tao lên phòng trước, có gì kể tí về kể tao nghe nha!


Quỳnh để Nguyên ngồi lại một mình ở bàn ăn, Nguyên vẫn chưa đi ngay. Nó ngồi chần chừ một lát mới đứng dậy tiến về căng-tin. Gần tới nơi, Nguyên sực nhớ lại bộ đồ nó đang khoác trên người, trông thật chẳng ra làm sao. Ai lại để một thằng con trai thấy mình ăn mặc xuề xòa như thế này chứ. Nghĩ rồi Nguyên quay bước lại về nội trú nữ định thay đồ thì Quốc gọi giật lại:


- Nguyên, căn-tin ở đây, đi đâu vậy?


Vừa nói Quốc vừa bước gần đến Nguyên. Xấu hổ quá, Nguyên cúi xuống tránh ánh mắt Quốc, đôi tay trở nên thừa thãi cứ lúng túng cầm vạt áo len mân mê.


- Nguyên định về thay đồ rồi mới vào căn-tin.


Nguyên trả lời lí nhí. Quốc cố để không làm Nguyên ngượng ngùng bằng thái độ hết sức bình thường.


- Không sao, Quốc thích nhìn Nguyên như thế này!


Giờ đây chiếc váy ngủ không còn là nguyên nhân khiến Nguyên xấu hổ nữa, thay vào đó chính là lời nói phát ra từ Quốc. Cái quái gì thế này? Một bộ dạng không thể xấu xí hơn được nữa mà Quốc lại thích sao? Đầu óc Quốc có đang bình thường không thế? Gu thẩm mĩ của Quốc có lạ quá không? Mồ hôi rịn ra ở trán Nguyên, vì đứng giữa trời nắng, hay vì câu nói vừa rồi? Quốc cắt ngang dòng suy nghĩ của Nguyên bằng cách lấy chiếc nón kết mà Quốc đang đội chụp lên đầu nó:


- Vào trong đi, nắng đổ mồ hôi rồi!


Thêm một cử chỉ quan tâm, nhưng lần này khác. Quốc bước vào căn-tin trước, để lại cho Nguyên một lời nhắc nhở. Nguyên thấy tim mình đập thình thịch, nó đang vui vì được quan tâm hay ngạc nhiên vì hành động vừa rồi của Quốc? Cảm giác khó diễn tả quá! May mà nãy giờ Nguyên không nhìn trực diện vào mắt Quốc, chứ không thì làm sao che được gương mặt đang bị bao vây bởi sự ngơ ngác và lúng túng không biết phải làm gì của nó. Trời trưa nắng gắt, Nguyên bắt đầu cảm nhận được sự ngớ ngẩn khi đứng bần thần một mình để sức nóng đang phả lên từ nền sân dưới chân. Nó co giò chạy thẳng vào căng-tin.


- Nguyên uống gì?


Vừa thấy Nguyên tiến lại bàn, Quốc lên tiếng hỏi. Nguyên chưa vội trả lời, đưa tay kéo ghế ngồi xuống phía đối diện, không quên lấy chiếc nón trên đầu đẩy về phía Quốc.


- Nguyên uống trà sữa bạc hà!


Quốc đứng dậy đi về quầy đồ uống, gọi một trà sữa bạc hà cho Nguyên và một lon Redbull cho mình. Đang tính tiền thì những tiếng bàn tán từ bàn bên cạnh lọt vào tai Quốc, là đám học sinh nữ lớp tám:


- Sao tự dưng cái con đó lại đi với anh Quốc? Hai người quen nhau sao?


- Hôm qua bị “chó trinh sát” đánh mười cây lận. Tôi bao che thuốc lá cho bọn con trai. Đúng là đồ dại trai!



- Con Tâm xinh đẹp được mệnh danh là hoa khôi cấp hai, lại còn hạ mình gửi thư làm quen cho ảnh mà ảnh không thèm gửi thư trả lời. Tự dưng đi yêu cái con mặt mày lúc nào cũng lầm lì như bao cát. Phí một đời trai đẹp!


Quốc sa sầm mặt, vội tính tiền rồi quay lại chỗ Nguyên. Tiếng bàn tán lộ liễu thế, chắc chắn Nguyên sẽ nghe được. Nguyên đang chống cằm ngước nhìn mông lung ra cửa sổ. Đặt ly trà sữa trước mặt Nguyên rồi ngồi xuống, Quốc hướng mắt về phía đám con gái vô duyên bằng cái nhìn tỏ vẻ khó chịu, chúng vẫn chưa im, sang sảng lớn tiếng như thể không biết đến sự hiện diện của Nguyên lúc này. Đầu óc Nguyên rối bời, những lời vừa nghe khiến Nguyên chạnh lòng. Nhưng thôi, chấp vặt làm gì bọn lớp dưới không biết điều. Nguyên không hề biết Tâm gửi thư làm quen cho Quốc mà chỉ nghe Quỳnh kể qua, chuyện này cũng chả liên quan gì đến nó. Chưa bao giờ Nguyên để hiềm khích xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày ở nội trú nữ, dù không quá thân thiết với mọi người trong phòng trừ Quỳnh nhưng Nguyên luôn cố gắng sống chan hòa và cư xử nhã nhặn với tất cả. Tâm xinh đẹp thật, và sau nó là những cái đuôi đeo bám a dua, hùa theo nịnh bợ. Chỉ bởi Tâm là con nhà giàu, nếu bám theo để ton hót và tâng bốc Tâm, chúng cũng sẽ được hưởng lợi lộc từ những chầu ăn uống, hay hưởng sái quần áo, phấn son mà Tâm thừa mứa hoặc đã sử dụng chán chê. Cuộc sống nội trú là một xã hội thu nhỏ nằm tách biệt với xã hội lớn ngoài kia, nhưng nó bao hàm mọi nhân cách và đủ loại người. Phân biệt giàu – nghèo có, sang – hèn có, ích kỉ, bon chen có… Tuổi mới lớn nổi loạn và ưa làm mình làm mẩy, thích thể hiện, thích vượt trội, thích đẳng cấp… Gì cũng có cả!


- Nguyên đang nghĩ gì thế?


Nguyên giật mình nhìn Quốc. Lại đôi mắt trong veo và tĩnh lặng như mặt hồ được viền bao quanh bởi những hàng mi cong dài làm Nguyên run rẩy. Nó thấy hình ảnh với gương mặt bối rối của mình hiện rõ trong con ngươi màu hổ phách của Quốc. Đến cả một khoảnh khắc bình thường nhất, đôi mắt ấy vẫn không ngớt cuốn hút người đối diện, Nguyên tưởng như muốn gục ngã, tưởng như cả con người mình đã bị thu phục bởi đôi mắt chứa đầy ma lực kia.


Nguyên lơ đãng nhìn ánh nắng chiếu xuyên qua ly trà sữa trước mắt, hờ hững để đôi tay nghịch ngợm hơi nước đọng lại từng giọt bám quanh thành ly, bình tĩnh hỏi:


- Có chuyện gì vậy Quốc?


Quốc ngập ngừng, giọng nói trùng xuống:


- Về chuyện thuốc lá chiều qua, Quốc thay mặt thằng Quân và những đứa khác xin lỗi Nguyên. Đường hoàng là thân trai mà lại núp dưới váy Nguyên để trốn tránh tội lỗi, bọn nó thấy hổ thẹn không dám gặp Nguyên!


- Vậy trong đám Quốc vừa nói có Quốc không?


Quốc không bất ngờ vì câu hỏi ấy, nó thành thật không chút e dè:


- Có!


Một tích tắc của ánh mắt hình viên đạn từ Nguyên thoáng qua nhưng rất nhanh lại trở về trạng thái ban đầu. Nguyên không giận. Nguyên cảm thấy nhẹ nhõm. Ít ra cũng tìm được thêm lí do chính đáng để giải thích cho hành động bao che của Nguyên. Nó không muốn Quốc bị đánh.


- Giận không?


Quốc hỏi lạnh lùng. Cảm giác tức giận trong Nguyên là chưa hề có. Nhưng thú thật điều ấy thì chả có gì hay ho. Nguyên không tìm được câu trả lời hợp lý, đành im lặng, tay vẫn không thôi nghịch chiếc ống hút và những giọt nước lúc này đã chảy ra mặt bàn. Nguyên không giận, cũng chẳng khuyên Quốc phải bỏ thuốc. Nó thấy mình chưa đủ tư cách để làm việc đó. Với cả, có khuyên cũng bằng thừa. Bọn con trai giờ cũng đã lớn, gì chứ thuốc lá cũng là chuyện sớm muộn trong đời chúng nó, chỉ sai là, hút thuốc khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Hi vọng chúng sẽ không bị phát giác.


Nguyên chợt tò mò:


- Sao thằng Quân mua được thuốc?


Quốc đắn đo xem có nên cho Nguyên kế hoạch bí mật của bọn con trai không. Nhưng dù sao Nguyên bây giờ cũng chẳng khác gì cùng hội cùng thuyền với bọn nó, giấu làm gì nữa. Quốc thuật lại mánh khóe và cách để những gói thuốc chui vào trường sao cho trót lọt. Nguyên thốt lên:


- Thông minh quá nhỉ, nhưng lần sau phải cảnh giác hơn. Chắc chắn “thánh roi” thế nào cũng theo dõi sát sao đấy!


Lời nhắc nhở của Nguyên làm Quốc chột dạ. Kiểu này phải về bàn với bọn nó dừng hết mọi hành động lại trong tuần tới. Nhưng Nguyên không hề có ý can ngăn hay cấm đoán, thậm chí còn nhắc chúng phải cẩn thận. Là sao nhỉ? Nguyên đồng tình với cách phạm lỗi của chúng nó sao? Hay Nguyên biết thừa muốn khuyên cũng chẳng đem lại kết quả gì? Nguyên đã uống quá nửa ly trà sữa, cuộc nói chuyện vẫn chỉ xoay quanh vụ thuốc lá. Lời xin lỗi tuy muộn màng và thừa thãi nhưng cũng đủ làm Nguyên giải tỏa hết những cảm xúc không vui ngày hôm qua. Nguyên đứng dậy:


- Thôi Nguyên về ngủ trưa nhé!


Quốc chẳng nói gì, một lần nữa chụp chiếc nón kết của nó lên đầu Nguyên rồi bỏ đi thẳng.


Đôi khi sự quan tâm không cần thốt lên lời, những cử chỉ nhỏ nhặt ấy đã thay cho bao nhiêu lời nói không cần thiết. Nó khiến Nguyên có cảm giác nhỏ bé và quá đỗi mong manh trước mặt Quốc, khó có thể cản trở cho con tim ngừng rung động trước một cách cư xử lạnh lùng mà tràn trề ấm áp như thế. Nguyên thấy mình chẳng khác gì con Heo, mắt cứ lim dim thích thú khi được Nguyên cưng nựng và ôm ấp trong lòng. Nguyên cũng thích, thật sự thích!


Đám lớp tám bỏ về phòng khi nào chẳng ai hay. Chúng về phòng mà vẫn chưa ngớt nói xấu Nguyên. Quỳnh lúc này nghe được, cơn thịnh nộ nổi lên ngút trời:


- Chúng mày đứa nào nói con Nguyên là dại trai? Biết gì không mà nói?


Quỳnh đứng chống nạnh giữa phòng nhìn về đám chúng nó như thách thức. Có tiếng trong đám mỉa mai:


- Chả dại trai thì là gì? Không những dại với một thằng mà tận bao nhiêu thằng cơ. Nhưng có đứa nào thèm để ý đâu, chắc lại thích thể hiện ta đây thương bạn sao?


Cả đám cười hô hố, những điệu cười khả ố như đổ thêm dầu vào cơn tức đang bùng cháy của Quỳnh. Nó lao đến tát vào cái miệng thối tha vừa thốt ra những lời mà Quỳnh cho là xúc phạm bạn thân của nó. Vừa lúc ấy Nguyên bước vào, lao đến lôi Quỳnh ra hét lên:


- Mày làm cái khỉ gì vậy? Bước về giường cho tao!


- Nhưng nó xúc phạm mày, tao phải dạy cho nó một bài học!



- Mày cần gì phải phí sức như thế? Nghe tao đi Quỳnh!


Nguyên cố gắng ngăn cản. Đứa vừa bị tát là Tâm, nó chẳng vừa, túm lấy tóc Quỳnh đè xuống, đưa cùi chỏ dụi thùm thụp vào gáy Quỳnh, cả đám được thể lao vào hùa theo như lũ đói khát vớ phải miếng mồi ngon mà cấu xé. Nguyên hốt hoảng kéo bạn ra, quát lên như sắp khóc:


- Bọn kia dừng tay lại, tao gọi cô Sen lên bây giờ!


Nghe Nguyên dọa, chúng dừng tay. Tâm chỉ thẳng vào mặt Nguyên:


- Đồ dại trai, mày biết thừa tao thích anh Quốc mà còn dám mon men lại gần à? Mày nhìn xem mày có xứng không? Chúng mày nhìn nó xem, tính mặc váy ngủ đi quyến rũ anh Quốc à?


Tâm nhìn về lũ bạn như muốn tìm sự tán thành với kết luận nó vừa đưa ra. Quả thật, không ngoài mong đợi của nó.


- Nhan sắc tệ quá thì phải dùng đến cách hèn hạ ấy chứ sao?


Cả đám lại phá lên cười khoái trá và nham nhở vì câu nói sỉ nhục Nguyên vừa rồi. Không ngờ cái lũ nhỏ nhít này miệng mồm như những bà bán thịt đầy tanh hôi và xoen xoét dành khách nhau ngoài chợ. Nguyên bình tĩnh đáp:


- Mày cứ việc công khai tán tỉnh Quốc, tao chẳng tranh giành đâu. Nhưng tán đổ được hay không thì lại là chuyện khác!


Nguyên nói xong kéo Quỳnh về giường của mình để mặc Tâm và lũ “chó hùa” tức tối ra mặt.


- Sao mày không để tao cho nó thêm vài cái, cỡ nó phải sái quai hàm mới chừa thói xấc láo!


Quỳnh vẫn chưa hết tức. Nguyên lấy lược chải lại cái đầu đang rối như ổ quạ của Quỳnh, nhẹ nhàng hỏi:


- Đau không?


- Tức!


Quỳnh gắt gỏng trả lời.


- Đánh nó chỉ tổ đau tay, lại chẳng khác nào xếp mình ngang hàng với cái loại nhân cách rẻ tiền như thế!


Quỳnh là đứa dễ manh động khi cảm thấy bị tổn thương, phản xạ sẵn sàng ra tay với kẻ làm tổn thương mình luôn thường trực và bùng nổ ngay tức khắc. Đối với Nguyên, nó cũng coi như bản thân mình, hết sức yêu thương và quý trọng.


- Nhưng dễ dàng bỏ qua như thế được à? Quốc lại đang thích mày nữa, chắc chắn chúng không để yên đâu!


Cơn thịnh nộ trong Quỳnh đã dịu đi, cảm giác hờn tức chuyển thành lo lắng.

Nguyên trấn an:


- Đừng lo quá, mày tưởng cô Sen ở đây để làm cảnh à? Bọn nó không dám lộng hành đâu!


- À, đúng rồi! Quốc hẹn mày có chuyện gì thế?


Nguyên lấy chiếc kẹp hình con thỏ ở đầu giường kẹp lại tóc cho Quỳnh thật gọn gàng.

Rồi bảo Quỳnh về giường lấy gối qua đây hai đứa nằm ngủ trưa chung. Khi hai đứa đã nằm bên nhau, Nguyên thì thầm:


- Quốc xin lỗi tao vụ thuốc lá, rồi kể cho tao nghe chuyện bọn nó mua thuốc lá như thế nào.


- Mày trả lời sao? Thằng Quốc có dính líu đến không?


- Có!


- Chỉ vậy thôi à?

- Ừ!


Quỳnh bĩu môi, cho rằng Nguyên đang giấu diếm:


- Phét vừa thôi cô ơi!


- Ừ thì, có bao nhiêu tao kể nghe bấy nhiêu! Giấu mày làm gì?



- Thằng Quốc còn biểu cảm gì khác nữa không?


Nguyên lại ngượng ngùng, chẳng lẽ kể về đôi mắt của Quốc đã phát ra một ma lực đầy mãnh liệt thu hút nó. Thấy Nguyên im lặng, Quỳnh nói như đoán trúng tim đen:


- Hay lại bị đôi mắt của người ta hớp hồn, không để ý được gì khác nữa đúng không?


Nguyên thở dài. Đúng là thân quá, nhiều lúc cũng thấy ghét nhau. Sao nó cứ biết tỏng trạng thái mà Nguyên đang bị rơi vào thế nhỉ? Nó đi guốc trong bụng Nguyên, hay hai bộ não vì thân thiết với nhau quá mà ăn nhập lại thành một lối suy nghĩ giống nhau? Nguyên đánh trống lảng:


- Thôi ngủ đi! Nhiều chuyện quá!
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Hexagon

-trong sáng-
Tham gia
6/12/13
Bài viết
4.042
Gạo
320,0

EmBi

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
19/8/16
Bài viết
67
Gạo
0,0
Bạn vẫn còn lỗi thiếu khoảng trống sau dấu chấm lửng. Dấu chấm lửng chỉ gồm 3 chấm và có khoảng trống mới đến nội dung tiếp theo. Bạn sửa lại toàn bộ dấu chấm lửng trong bài nhé.
Đã sửa, cảm ơn bạn nhé. :)
 

nhatlienhoan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
9/6/16
Bài viết
334
Gạo
1.500,0
Thề là chương 3 này dài kinh khủng ấy. Bao nhiêu chữ thế? Đọc mà ngóng coi chừng nào nó hết. :))
Nội dung chương 3 nói thật là mình chưa cảm được nhiều lắm. Một phần vì quên bà nó nội dung chương hai Nguyên bị đánh vì gì rồi. Lúc sau đọc lại coi sao. Một phần nữa mình cảm thấy nó hơi lan man. Kiểu đang khúc Quốc muốn gặp Nguyên. Xong nhảy qua tấm ván, các cặp đôi rồi bà cô này nọ. Nó dễ làm người đọc quên trọng tâm ở đâu ấy. Những đoạn kia có nhưng tìm cách rút ngắn lại mà phát triển đoạn chính hơn. :D
làm gió có cơn gió nào ghé được vào đây mà...hóng!
Sau dấu chấm lửng là dấu cách. Trong bài nhiều lỗi này lắm luôn. Chương nào cũng có hết á.
khi đến hành lang, Nguyên ghé vào phòng nó mở vali lôi ra hộp sắt nhỏ màu xanh dương trang
Trước ngày vào trường, chị My đã cẩn thận sắm sửa và đặt chiếc hộp sắt ấy vào vali cho nó. Quốc ngúng nguẩy:
- Hai (chị Hai) nghĩ sao em đem cái này vào trường,
Đoạn này bị nhầm vai Nguyên và Quốc thì phải. Phải là Quốc mở vali lấy hộp chứ?
Sẽ đọc tiếp những chương sau của bạn. ;)
 

phongnhi2183

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/16
Bài viết
530
Gạo
0,0
Quỳnh nức nở, bao nhiêu đau đớn được phơi bày một cách trần truồng. Cả hai như đọc được những tâm tư trong mắt nhau, hai đôi mắt chan hòa nước, mặn chát và hanh hao. Nước mắt của cô đơn, tủi hờn, nước mắt của sự chia sẻ và cảm thông cứ thế tuôn trào.


Khóc đi Quỳnh, khóc để gột rửa những bụi bẩn của kí ức. Khóc cho cạn kiệt những nỗi đau. Khóc cho những vết thương còn có ngày thành sẹo, cho phai phờ theo năm tháng.
Anh đoán là hai bạn ấy sau này có tình cảm với nhau. Q và N. Nhưng anh thắc mắc một chút thôi, hai bạn đang học lớp 9 đúng không em? theo anh thôi thì chưa cần miêu tả sâu sắc đến như vậy.
Anh thấy hoàn cảnh của cô bé Q này khá là đặc biệt, em khai thác sâu một chút để tạo cá tính cho Q sau này sẽ nổi bật hơn.
Anh còn một ý này nữa, có gì sai em thông cảm nhé! Anh bỏ chương 1 một đoạn dài, vì anh bị dị ứng xưng hô. Anh biết ngôi Mày Tao là để tạo sự thân thiết, nhưng mà không nên lạm dụng nó,
Cuối cùng anh hứa sẽ chờ những hồi sau... và ném gạch cho em...
 
Bên trên