Truyện ngắn Cô giáo Mường

Tham gia
14/3/17
Bài viết
25
Gạo
0,0
Bước chân đầu tiên của tôi khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Tôi đã trở thành người lính cụ Hồ trước khi đủ tuổi công dân. Cùng đồng đội, tôi đã theo đơn vị đi qua nhiều miền đất của Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Mỗi vùng đất, mỗi con người tôi gặp là một kỷ niệm. Tình quân dân đã vun đắp thêm cho tôi lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Tôi đã gặp nhiều người con gái trên đường ra trận, và mỗi kỷ niệm về tình cảm tốt đẹp của họ đã như nguồn lực đi theo tôi suốt cuộc chiến tranh, giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua bao khó khăn. Nhưng những người lính như tôi tuy làm tròn bổn phận với đất nước, thì hình như lại luôn có lỗi với những người con gái đã gặp, vì mình chẳng đáp ứng được gì cho mong ước tốt đẹp của họ. Người con gái đầu tiên tôi gặp đã để lại sự tin tưởng vào chính mình của tôi là một cô giáo: cô giáo người dân tộc Mường.

Đó là mùa đông năm 1971. Lớp tân binh chúng tôi đang vào cuối kỳ huấn luyện để chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn chúng tôi hành quân dã ngoại qua thị xã Hòa Bình để xuống Tân Lạc. Tôi được cử đi trong nhóm tiền trạm do trung đội phó Thụy chỉ huy. Vượt dốc Cun hơn chục cây số, chúng tôi dừng chân tại một nông trường cam. Chỉ kịp tìm vào hỏi nghỉ nhờ một gia đình công nhân thì trời đã ập tối. Sau cơm nước, khi chuyện trò buổi tối, chúng tôi biết chủ nhà là một công nhân nông trường còn vợ là một cô giáo dạy cấp I trường bản.

Hôm sau, chúng tôi liên hệ các nhà dân tìm chỗ nghỉ đêm cho đơn vị, sau đó thì chỉ còn việc nghỉ ngơi chờ đơn vị hành quân đến. Tôi và thằng Xuyên được cử vào bản Mường gần đó kiếm rau. Tinh thần chỉ đạo là có thể mua, nhưng xin được là tốt nhất.

Hai chúng tôi hỏi đường, rồi cứ theo con đường đất to mà đi vào phía chân núi. Chưa được cây số thì thấy cả một không gian rộng mở ra trước mắt. Một con suối nước to, nông, toàn đá và trong veo chảy hiền hòa, na ná như suối cạn Bãi Nai ở Kỳ Sơn, chỗ đóng quân cũ. Bờ bên kia là cả một khu vườn trồng rau rộng lớn ríu rít tiếng của hơn chục cô cậu học sinh. Phụ trách chúng là một cô giáo ăn mặc kiểu dân tộc Mường, người nhỏ nhắn và… xinh quá đi mất. Hai thằng chúng tôi đứng ngây ra nhìn. Chỉ một nhoáng là đám học sinh đã phát hiện ra có hai chú bộ đội đứng bên kia suối. Chúng líu ríu vẫy tay gọi. Hai chúng tôi nhìn nhau rồi cùng xắn quần lội sang.

Đám học sinh quây lấy chúng tôi như người nhà, còn cô giáo thì e thẹn đứng lùi sau một chút, nhưng không giấu được nụ cười tươi. Vốn đã có một vài bài tập nho nhỏ về công tác dân vận, tôi và Xuyên hòa nhập ngay với cô giáo và học sinh. Tôi đề nghị được cùng tham gia tưới rau và nhổ cỏ. Việc này cũng dễ thôi, thằng Xuyên vốn là dân Thanh Trì, nông dân chính hiệu trước khi vào lính, còn tôi cũng đã nhiều năm sơ tán về quê.

Vừa làm vừa tán chuyện, chúng tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của đám học sinh và cả… cô giáo. Chừng một tiếng sau, chúng tôi ra về, sau khi được cô giáo và học sinh tặng cho một ôm rau cải to tướng. Được biết tên cô giáo là Hoa, và còn được cô hẹn buổi tối sẽ ra chỗ chúng tôi chơi. Giá không còn phải về lo cơm nước chung cho cả nhóm, chắc tôi và Xuyên còn muốn nhổ cỏ, bắt sâu lâu hơn nữa.

Hôm đó là một ngày thảnh thơi hiếm có từ ngày nhập ngũ. Từ đấy, tôi bắt đầu hiểu được cái sướng của đi công tác lẻ. Không chỉ ngoài Bắc mà sau này vào chiến trường cũng thế. Không gò bó, ăn uống bao giờ cũng tốt hơn và nếu khéo sắp xếp thì kể cả không phải gác, dù ở gần ngay sát địch.

Buổi chiều chúng tôi chờ đợi, nhưng vì một lý do nào đó nên đơn vị chưa đến. Thế là chúng tôi được nghỉ thêm một ngày. Tối đó cả nhóm tiền trạm tập trung ở nhà uống nước nói chuyện. Chúng tôi kể chuyện xin rau buổi sáng với chủ nhà. Anh cười, hóa ra vợ anh dạy học ở đúng cái trường cấp I mà lúc sáng chúng tôi đã tới. Anh chị ấy mới có một đứa con gái chừng ba tuổi. Buổi tối trời lạnh ngồi trong nhà uống nước, tôi ngồi khoanh tròn trên giường và cho cháu bé ngồi trong lòng. Đứa bé ngồi im, thỉnh thoảng ngoái cổ ngước nhìn mặt chú bộ đội. Anh chị em công nhân cũng kéo nhau đến chơi khá đông. Anh Thụy (vốn trước đây là lính trong đội Danh dự của Quân đội, cao to, đẹp trai) trổ tài tán chuyện. Đôi lúc tôi chợt quên đi mình đang là lính, và nghĩ rằng nếu cuộc đời cứ như thế này thì đẹp biết bao nhiêu.

Hơn tám giờ tối, cô giáo chủ nhà nháy tôi ra ngoài. Cô giáo Hoa (dân tộc Mường) đang chờ tôi ngoài sân và rất mạnh bạo rủ tôi dạo chơi. Bây giờ trông Hoa bình dị như một cô gái người kinh, áo trắng (có khoác thêm một chiếc áo len hay sợi gì đó), quần lụa, cái hình ảnh thiếu nữ đơn giản một thời đã làm xao xuyến lòng trai của cả một thế hệ. Chúng tôi chậm rãi đi dạo ra phía suối. Trời mùa đông, mọi khi thì chiếc áo vệ sinh (một loại áo khoác dài tay bằng nỉ có cài khuy, màu cỏ úa phát cho lính khi đó) chưa phải đủ ấm, nhưng hôm đó tôi lại không thấy lạnh. Tôi mới 18 tuổi, và Hoa thì cũng chắc tuổi đó, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn. Nhưng cô ấy bé nhỏ và xinh xắn trước cái thằng trai mới lớn là tôi. Vụng về và ngượng nghịu, nhưng cũng khoái vì chính tôi được rủ đi dạo chứ không phải mấy thằng khác trong tốp tiền trạm.

Chúng tôi cứ chậm rãi đi trên con đường đất nhỏ và nói đủ thứ chuyện linh tinh. Hoa kể về mình ít thôi, nhưng gợi ý để tôi kể chuyện. Kể chuyện Hà Nội, chuyện lính tráng tập tành chứ không phải là tán. Thú thực là nếu cô giáo Hoa không bạo dạn, thì tôi không biết nói chuyện gì cho phải. Nhưng tôi nhớ nhất cái cảm giác lúc đó là tuy nói chuyện rất vui vẻ, nhưng trong lòng tôi thoáng có chút buồn. Chiến tranh không biết trước thế nào. Số phận con người càng mong manh, khó đoán. Đón nhận một tình cảm trên đường hành quân, liệu mình có đem lại điều tốt lành cho người ta? Tính tôi cầu toàn, nên không muốn làm điều gì trái lương tâm mình khi đó.

Chúng tôi chỉ lang thang và nói chuyện đâu đâu thế thôi, cho đến khi trở lại nhà cô giáo người kinh thì đã khuya khuya. Chia tay nhau cũng chỉ là cái bắt tay chứ không phải cầm tay. Rồi anh Thụy thò đầu ra gọi tôi đi ngủ.

Lại chơi gần một ngày nữa, chiều hôm sau đơn vị hành quân đến. Rồi sau một đêm nghỉ, cả đơn vị hành quân đi tiếp xuống phía Ninh Bình.

Chuyện thoáng qua của tôi và Hoa, nhiều đứa trong đại đội biết. Chúng nó bàn tán đủ kiểu, nhưng nói chung là bậy bạ. Tôi không chấp nhận cái kiểu sống gấp của kẻ sắp chết. Tôi tự hào mình vừa là trai Hà Nội, có học và lại là anh bộ đội cụ Hồ, nên sẽ phải sống cho xứng với niềm tự hào đó.

Chúng tôi đã dừng lại trú quân tại một bản người Mường ở Tân Lạc, cách vùng đất Nho Quan, Ninh Bình chừng hơn chục cây số. Đến nơi mới hơn một tuần, tôi nhận được thư của Hoa. Chả hiểu cô ấy hỏi ai được số hòm thư của đơn vị tôi. Không ngờ cô ấy mến tôi thật sự và muốn kết bạn. Tôi cũng có thư hồi âm cho cô ấy. Chỉ một lần thôi. Tôi đánh bạo nói là sẽ hẹn gặp cô ấy khi đơn vị hành quân trở lại Thị xã Hòa Bình sau đợt dã ngoại, khi đi ngang qua nông trường cam.

Một tháng trời ở đó, chúng tôi lo tập thêm chiến thuật, bắn đạn thật bài ba và một đợt đi leo núi dã ngoại năm ngày. Những kỹ năng cần trang bị cho một người lính để vào chiến trường đã hoàn thành.

Một ngày đầu tháng 2 năm 1972, cả tiểu đoàn báo động sớm, sắp xếp ba-lô rồi nhận lệnh hành quân về Hà Nội. Đợt dã ngoại xa này đã kết thúc toàn đợt huấn luyện và chúng tôi chuẩn bị vào chiến trường. Đêm hôm trước, chúng tôi đã được xem một buổi biểu diễn ca múa nhạc do đoàn Văn công quân đội về biểu diễn, đó là món ăn tinh thần cuối cùng trong đợt huấn luyện để động viên đoàn tân binh.

Tiểu đoàn trưởng đọc lệnh hành quân, tuyên bố chúng tôi đã hành quân dã ngoại mang vác nặng đủ 400 cây số. Còn thiếu 100 cây số nữa mới đủ tiêu chuẩn đi B, thì từ đây về Hà Nội hơn 100 cây số, cộng vào là đủ tiêu chuẩn. Thế là cả đoàn quân hăm hở lên đường. Không hiểu sao buổi sáng hôm ấy phấn khích lắm, không thấy mệt bao nhiêu. Thằng Thái anh nuôi, nhập ngũ từ đợt trước được biên chế vào trung đội tôi để đợt này vào Nam luôn, không phải ở lại làm anh nuôi nữa. Cái ba lô của nó lép xẹp, lại không phải mang súng nên nó phởn chí vừa đi vừa hát. Thằng này có biệt tài âm nhạc. Nó hát lại đúng theo các bài mà các anh chị văn công đã hát tối qua. Nó uốn giọng theo diễn viên, kể cả giọng nữ nghe cũng lả lướt mềm mại lắm. Nó làm chúng tôi không thấy mệt vì như được nghe lại buổi biểu diễn tối qua. Đoạn đường rút ngắn lại dần.

Tôi còn có một niềm vui khác ở nông trường cam. Lần này tôi không được đi tiền trạm, nhưng nếu đêm nay dừng chân ở khu nông trường cam bữa trước thì tôi cũng sẽ gặp được Hoa. Sẽ có người giúp tôi tìm Hoa, đó là vợ chồng cô giáo người kinh, chủ nhà bữa trước tôi ở. Tôi sẽ trò chuyện chân tình với Hoa. Nếu dám hẹn ước, nếu cuộc chiến tranh này còn có hồi kết thúc, nếu bom đạn chê tôi, thì tôi sẽ trở lại nơi này tìm em.

Nhưng số phận con người ta quả là do ông trời sắp đặt. Khi còn cách nông trường cam rất xa thì đơn vị tôi lại rẽ theo một con đường khác để về Hà Nội theo hướng Kim Bôi. (Con đường này là đường 128 hay gì đó, nghe nói do TNXP làm từ thời mới hòa bình 1954). Tôi hẫng cả người, rồi từ đó cứ lầm lũi đi, không còn nghe cả tiếng thằng Thái "anh nuôi" hát hay thôi lúc nào nữa. Tôi còn phải nghĩ vơ vẩn về cô giáo Hoa cho đến hết ngày hành quân đó. Thôi, số trời là vậy. Nhưng chắc Hoa cũng chẳng giận tôi hay phải buồn nhiều, vì tình cảm của chúng tôi chưa có bao nhiêu. Rồi cô ấy sẽ nhanh quên tôi. Nhưng có lẽ cô ấy cũng trách cái thằng trai Hà Nội không có được cái thật mộc mạc của những người dân tộc như cô. Tự nhiên tôi lại nghĩ quẩn là nếu vào trong kia, tôi ngã xuống trong một trận đánh nào đó, rồi tin tôi hy sinh được báo tới cô, thì khi đó cô sẽ ra bên bờ suối cạnh trường, nơi có những vườn cải xanh mướt, ngồi khóc một mình rồi tha thứ hết cho tôi. Hoa ơi, thôi anh đi đây. Bao giờ anh cũng là người có lỗi mà chẳng biết làm thế nào được. Đành đổ lỗi tất cả cho chiến tranh vậy, em nhé.

Tôi đã phải đi tiếp hơn sáu năm trời trên con đường quân ngũ. Những năm đầu vào chiến trường cũng không có điều kiện thư từ, ngay cả với gia đình. Rồi những trận đánh cứ cuốn hút tôi. Địa chỉ của Hoa, tôi đã để thất lạc nên suốt những tháng năm đó, tôi cũng không một lần thư về được cho Hoa. Tôi không còn tin tức gì của Hoa nữa. Ngày trở về, tôi cũng không tìm gặp lại cô ấy, bởi chắc Hoa đã lấy chồng.

Nhiều năm trôi qua rồi, bây giờ có gặp lại nhau chắc cũng chỉ biết man mác buồn và ôn lại kỷ niệm thôi. Nhưng tôi muốn Hoa nghĩ là tôi đã hy sinh thì tốt hơn, bởi như thế thì kỷ niệm đẹp sẽ mãi còn là kỷ niệm đẹp.

Tôi cũng hay sống lại với kỷ niệm, dù nhiều khi chỉ là những hoài niệm buồn. Chợt lúc nào đó mà có ai nói lên ba từ "Cô giáo Mường", là tôi lại chạnh lòng nhớ đến Hoa./.
 
Bên trên