Truyện ngắn Có lần đã phải như thế

Tham gia
14/3/17
Bài viết
25
Gạo
0,0
Con đường Quốc lộ 32 trong tâm trí tôi chỉ dài có 42 cây số tính từ Hà Nội lên thị xã Sơn Tây. Đó là một con đường khốn khổ đúng nghĩa từ xưa cho đến độ cách đây vài năm.

Thời sơ tán những năm Mỹ ném bom miền Bắc, con đường này tệ hại với đủ thứ. Đường hẹp, ổ gà và ổ voi không đếm xuể. Khúc quanh vòng qua cầu Phùng thì cứ mưa to vài giờ là ngập, đường mênh mang nước cứ như đi qua đập tràn. Nạn cướp của giết người thường xảy ra, khiến người cô độc đi qua đoạn đường từ Thị trấn Phùng về đến ngã tư Nhổn vào ban đêm, luôn có cảm giác như mình là dân đen đi qua các cánh rừng trong thời Thủy Hử.

Chiến tranh mấy bận qua đi, con đường này vẫn thế. Mãi đến những năm tám mấy (198x) cung đường Sơn Tây - Kim Mã vẫn là khốn khổ. Đường rộng chỉ đủ cho xe ô tô chạy một chiều. Hai chiếc xe ca Ba Đình, loại xe khách thịnh hành khi đó mà chạy ngược chiều tránh nhau là phải lựa lựa dạt vào vệt cỏ bên đường. Còn phải tránh cả hai hàng cây xà cừ trồng dày hai bên đường nữa chứ. Nhưng còn khổ hơn nữa là nạn trộm cắp, cướp giật và đánh nhau trên các chuyến xe khách Sơn Tây - Hà Nội, mà rất nhiều khi lái phụ xe hoàn toàn bất lực. Bọn trộm cướp ngang nhiên vẫy xe ngang đường để lên xe, ngang nhiên móc túi hay thậm chí cướp giật chút hành lý ít ỏi của hành khách, mà chủ yếu cũng là người nghèo. Ngay cả bộ đội, một loại cư dân phổ biến đất Sơn Tây, khi đi phép cũng rất ngại phải trèo lên xe khách.

Thời gian đó, có một lần bác tôi nhờ tôi lên Sơn Tây nhận một số tiền và đem về Hà Nội cho bác. Có hai triệu cả thảy, nhưng lúc ấy số tiền đó là to lắm lắm. Sở dĩ tôi được giao nhiệm vụ đó vì bác tôi tin tưởng vào cái quá khứ làm lính trinh sát chiến trường mấy năm thời đánh Mỹ của tôi. Chả gì cũng lăn lộn đạn bom mà thoát chết trở về, thì cái cung đường 42 cây số mà tôi nói đây, vốn chả thấm tháp gì với núi rừng Trường Sơn huyền thoại, chắc tôi sẽ dễ dàng vượt qua.

Ôm cái ba lô có bọc tiền, khả năng bị cướp giật rất cao, mà chẳng có phương tiện gì khác ngoài cái xe khách Ba Đình tậm tạch, tôi lo lắm. So thế nào được với thời khoác áo lính, vì khi đó tôi lúc nào cũng súng đạn trong tay, và luôn coi cái chết là tất yếu, nhẹ như lông hồng. Bây giờ thân cô thế cô, đâu phải cứ nổi xung lên là hạ sát đối phương được. Vả lại sự vẹn toàn của số tiền hai triệu đồng mới là điều căn bản. Trách nhiệm lớn lao quá nên cuối cùng tôi đành liều nghĩ ra một cách, kể cũng hơi xấu mặt thằng cựu lính chiến.

Tôi đến một cái quán cắt tóc bình dân đầu làng, nhờ bác phó cạo trọc cho cái đầu. Bác thợ cạo nhìn tôi hơi nghi ngờ, không hiểu tôi là cái loại gì, nhưng dân quê vốn mộc mạc nên bác nhanh chóng cạo đầu cho tôi. Có hơi lam nham một tý, nhưng cũng vẫn tốt. Rời khỏi quán, ra đến bụi tre sát cánh đồng, tôi kéo cái vạt áo sơ mi bỏ ra ngoài quần, vò nhầu đi một tý rồi quẹt tay ngang mặt cho nó có vẻ nhếch nhác và hơi bẩn (kiểu mồ hôi nhễ nhại ấy). Tôi tụt đôi dép nhựa ra cất vào trong ba lô, đi đất. Tôi lại lộn ngược cái ba lô cũ, nhét gói tiền vào trong đó, buộc chặt lại.

Tôi lần ra bến xe từ rất sớm rồi cứ chui bừa lên chiếc xe khách sẽ về Kim Mã. Tôi tìm xuống cuối xe, ngồi bệt trên sàn ô tô và nhăn nhó nói với tay phụ xe đang đi tới, trợn mắt nhìn và định túm cổ tôi đuổi xuống:

- Anh ơi! Em vừa đi tù về, chả có đồng nào. Anh làm ơn làm phúc cho em đi nhờ về Hà Nội.

Tay phụ xe nhìn tôi đánh giá đối tượng, rồi dịu mặt xuống, gắt bảo:

- Ngồi im chỗ đấy thôi, nghe chưa.

Tôi “dạ” khẽ và ngồi nép thêm vào thành xe.

Hành khách lục tục lên xe. Chừng xì xào với nhau, biết tôi là thằng vừa ra tù nên cũng lảng xa.

Dọc đường qua thị trấn Phùng, vẫn có những gã khách thanh niên nhảy lên xe đi nhờ một đoạn, nhưng thấy đám khách quá nhếch nhác, không hy vọng làm ăn gì, nên lại nhảy xuống.

Sau gần hai tiếng đồng hồ chịu những cú xóc nảy người, tôi về đến Hà Nội và hoàn thành nhiệm vụ với bác tôi một cách xuất sắc.

Chỉ mỗi tội người đau ê ẩm đến mấy hôm./.
 
Bên trên