Nhã Đình vọt tay ga, chạy xe thẳng vào trong sân. Cu Bin, con trai đầu lòng của anh Quân, đang chơi bịt mắt bắt dê cùng đám bạn hàng xóm, vừa thấy cô về liền vội vàng nhảy chân sáo tới bên cạnh, ríu ra ríu rít đòi quà.
Nhã Đình bật cười bất lực nhưng vẫn mở cốp xe, lôi ra một bộ đồ chơi siêu nhân mới tinh đưa cho thằng nhóc. Trong lúc thằng nhóc vẫn mải mân mê thứ đồ chơi mới thì anh Quân bỗng ló đầu khỏi cửa sổ phòng đọc sách, khẽ reo lên: “A, cuối cùng cô Đình cũng chịu về nhà rồi!”, ngay sau đó thì nhăn mặt nhìn hộp đồ chơi trên tay cu Bin, cằn nhằn: “Về thì về thôi còn mua quà cho thằng quỷ này làm gì không biết. Chỉ tại cô cứ chiều hư nó.”
Nhã Đình nhe răng cười với anh trai một cái rồi đẩy cu Bin ra ngoài chơi cùng đám trẻ con. Anh Quân từ phòng đọc sách xỏ dép bước ra ngoài sân, cất cao giọng gọi với vào trong bếp: “Mẹ ơi, cái Đình nó về rồi này!”
Ngay lập tức từ trong bếp vọng ra một giọng nói cao vút: “Ừ, mẹ ra ngay đấy.”
Nhã Đình hơi chột dạ thốt lên: “Chết, mẹ ‘xử’ em chết mất, anh phải nói giúp em vài câu nhé.”
Anh Quân chưa kịp đáp lời thì từ phía trong đã vang lên tiếng dép loẹt xoẹt lê trên sân gạch, bóng mẹ cô thấp thoáng sau bờ giếng bằng xi măng. Vừa rảo bước bà Hạnh vừa cất tiếng càu nhàu: “Có mỗi cái Tết mà giục năm lần bảy lượt mới thấy cô con gái út ít về thăm nhà.”
Nhã Đình nhăn mặt đánh mắt nhìn sang anh trai cầu cứu, ai ngờ lão lại tỉnh bơ nói, “Thôi, anh chúc cô ra đi thanh thản, chào thân ái và quyết thắng!”, rồi vội vội vàng vàng rút vào trong phòng đọc sách, đã vậy còn ý nhị khép kín cửa phòng lại.
Các cụ ta đã có câu “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đi chặn thế mạnh của giặc”, Nhã Đình vừa ngoan ngoãn chạy lại đỡ đĩa nộm trên tay mẹ vừa nũng nịu, thỏ thẻ: “Thì con đã về với mẹ rồi còn gì…”
Bà Hạnh lườm cô con gái út một cái, tay giữ lại đĩa nộm, ngữ điệu cũng mềm hẳn đi: “Thôi thôi, vào rửa mặt mũi chân tay rồi xuống ăn cơm.”
“Tuân lệnh mama!”
Nhã Đình vui vẻ xách hành lí trở về căn phòng cũ của mình. Từ ngày cô lên Hà Nội học Đại học thì đã ít khi sử dụng tới nó, sau khi tốt nghiệp cũng quyết định ở lại thủ đô, vì thế căn phòng gần như quanh năm không có người ở.Vậy nhưng mẹ cô vẫn thường xuyên quét dọn sạch sẽ, mọi đồ vật vẫn ở nguyên vị trí cũ như thời cô còn học cấp ba. Khi anh Quân muốn trưng dụng căn phòng thành phòng đọc sách, mẹ cô cũng nhất quyết phản đối, nói là để Nhã Đình trở về còn có chỗ nghỉ ngơi, không muốn cô cảm thấy mình giống như người khách tạm trú trong nhà.
Về sau anh Quân trong lúc buột miệng đã kể cho Nhã Đình nghe câu chuyện đó, báo hại cô cảm động tới mức suýt khóc.
Bởi vì trước đây mẹ hay cằn nhằn công việc của cô vất vả, cằn nhằn cô không biết chăm sóc bản thân, cằn nhằn bọng mắt thâm quầng vì thói quen làm việc muộn của cô, cằn nhằn làn da hơi một chút sẽ nổi mụn vì phải thường xuyên thức khuya… Cho nên cô ít tâm sự trò chuyện cùng mẹ, ít gọi điện hỏi thăm sức khỏe mẹ; từ nhỏ đến lớn cô vẫn luôn thân thiết với ba hơn mẹ.
Nhã Đình đặt túi hành lý xuống chân giường, đưa mắt nhìn những tấm poster thần tượng vẫn còn dính nham nhở trên tường, trên mặt bàn học. Trước đây là mẹ hay mắng cô lén lút dùng tiền ăn sáng để mua những thứ vớ vẩn, sau này cũng là mẹ, không nỡ vứt bỏ niềm đam mê cuồng si một thời của cô…
Khi Nhã Đình trở lên phòng khách, mẹ và chị Yên đã dọn xong mâm thức ăn. Ba và anh Quân đang hăng say bàn bạc về một vấn đề nào đó trên bàn nước, còn cu Bin thì mải mê nghịch món đồ chơi mới.
Suốt bữa cơm, cả nhà rôm rả trò chuyện, bàn hết chuyện thóc lúa, rau màu lại bàn sang việc cho cu Bin đi học vào hè năm tới. Nhã Đình thi thoảng mới góp một, hai câu, còn lại cô chỉ cắm cúi vào mấy món thức ăn trên bàn.
“Đình, đến chuyện của con rồi đấy.”
Nhã Đình đang hết sức tập trung xử lí đĩa nem của mẹ, nghe thấy tiếng ba nói thì vội vàng ngẩng đầu lên, hai mắt tròn xoe ra vẻ không hiểu gì. “Vâng, chuyện của con… thì làm sao ạ?”
Thấy mẹ đặt bát cơm đang ăn dở xuống mặt bàn, Nhã Đình hơi lo lắng đánh mắt nhìn sang anh Quân và chị Yên ở phía đối diện. Ai ngờ cả hai đều cố tình lảng tránh ánh mắt cầu cứu của cô, ông anh trai lại còn tủm tỉm cười một cách ý nhị.
Bà Hạnh đột nhiên nắm lấy cổ tay gầy gò của con gái, giọng thủ thỉ: “Đình này, ba mẹ thấy một mình con sống trên Hà Nội không ổn…”
Vừa nghe mẹ nói vậy, Nhã Đình giật mình thốt lên: “Không ổn là sao hả mẹ? Con vẫn đi làm bình thường trên đó đấy thôi?”
Này, này, đừng nói là vì bấy lâu nay cô “lộng hành tự tung tự tác” nên mẹ cô muốn gả cô đi lấy chồng đấy chứ?!
Bà Hạnh lườm Nhã Đình một cái, bàn tay vô tình siết chặt lấy cổ tay cô đau đến thấu xương. “Ổn cái ở chỗ nào nào? Cô nhìn lại mình đi tôi xem, con gái con đứa gì mà không biết tự chăm sóc cho bản thân chút nào hết. Mặt mũi thì hốc hác, hai mắt lúc nào cũng thâm quầng lên rồi đen sì sì như cái đít nồi cháy ấy! Thảo nào mà tới giờ vẫn chưa có bạn trai.” Đang hào hứng nói một tràng dài, bà Hạnh bỗng quay sang liếc ông Lâm sắc lẻm, “Đừng tưởng tôi không biết gì nhé, tối nào ba con ông chả nhắn tin qua lại với nhau. Ông toàn nói dối tôi để che giấu cho cô con gái rượu thôi!”
Chung quy qua lại vẫn là chuyện Nhã Đình sinh hoạt không có nề nếp, không biết cách chăm chút bản thân cho nên vẫn chưa tìm được bạn trai. “Bài ca” này của mẹ, Nhã Đình đã nằm lòng lâu lắm rồi.
Nhã Đình suy nghĩ nhanh chóng rồi đi tới kết luận: tóm lại vẫn nên chống “cơn bão” trước mắt này đã. Cô vội vàng đặt bát đũa xuống, hai tay ôm lấy vai mẹ, nũng nịu giở “mánh” cũ: “Con hứa với mẹ, năm sau con sẽ ăn ngủ đúng giờ, không uống cà phê thay nước, ăn mì tôm thay cơm; sẽ nhanh chóng tìm bạn trai có đủ ‘công, dung, ngôn, hạnh’ à nhầm, phải là có đủ ‘nhân, nghĩa, trí, dũng, tín’ đem về ra mắt với mẹ. Mẹ, năm mới bỏ qua chuyện năm cũ…”
Không ngờ chiêu thức cô vẫn thường xài lại không có tác dụng trong lúc này. Bà Hạnh phũ phàng hất tay Nhã Đình ra, giọng nói có vẻ đã hạ quyết tâm: “Năm nào cô chả xoen xoét mấy lời này với mẹ? Mẹ thuộc lòng rồi đây này, thế mà có thấy tiến bộ gì đâu? Một sợi tóc của thằng bạn trai cô, cả nhà còn chưa được nhìn bao giờ.”
Cảm thấy tình hình có vẻ không khả quan, Nhã Đình nhanh nhạy quay qua nài nỉ ba, “Ba! Ba nói với mẹ hộ con đi ~.”
Bà Hạnh bỗng ho khan hai tiếng, ngữ điệu tràn ngập sự uy hiếp: “Tôi với ông đã bàn bạc thế nào?”
Ông Lâm vừa đụng phải ánh mắt “tôi thách ông đấy” của vợ thì lời nói chưa kịp thốt ra đã mắc nghẹn lại trong cổ họng. Ông vội vã xua xua tay, yếu thế an ủi cô con gái: “Thôi thì con nghe lời mẹ vậy, mẹ cũng chỉ muốn tốt cho con…”
“Chiêu bài” cuối cùng cũng không có tác dụng, Nhã Đình đành ỉu xìu chịu thua: “Vâng, mẹ nói đi con nghe.”
Như chỉ chờ cô nói thế, bà Hạnh vội sáp lại gần Nhã Đình, tươi cười thủ thỉ vào tai cô, “Mẹ bảo nhé, trước đây ông nội con có một người bạn thân từ thời chiến đấu trong Nam. Tuy bây giờ cả hai ông đã mất nhưng gia đình mình vẫn đi lại với gia đình bên ấy. Vợ của ông ấy vừa vặn có nhà cao cửa rộng trên Hà Nội, nhưng bác con trai đã mất cách đây mấy năm, người cháu lại tương đối bận rộn, không có nhiều thời gian chăm sóc cho bà. Vậy nên…”
Bà Hạnh bỏ lửng câu nói đầy ẩn ý, Nhã Đình nghe xong thì không có có chút giật mình: “Ý của mẹ là… con dọn tới ở cùng hai bà cháu nhà người ta?!”
Mẹ cô dứt khoát gật đầu, “Bên ấy đã mở lời mà ba mẹ thì cũng đã đồng ý cả rồi. Qua Tết này là con chuyển đi luôn. Bà Hoàng Lan còn nói, chuyện tiền nong, ăn ở không thành vấn đề!”
Nhã Đình vò vò mái tóc dài, trong lòng đang hoài nghi có phải là ba mẹ cô đang tìm cách tống cô đi cho rảnh nợ không?
Thấy cô con gái có phần do dự, bà Hạnh tiếp tục “tấn công” theo kiểu mưa dầm thấm lâu, “Con ở trên đó đầy đủ, tiện nghi, không phải lo lắng điều gì. Phần ba mẹ cũng an tâm hơn khi có người quản lý, đốc thúc con. Như vậy còn chẳng phải là vẹn toàn đôi đường à?”
Nhã Đình nghĩ ngợi một lúc rồi cũng ậm ừ cho qua, cô hoàn toàn không để ý đến cái liếc mắt đầy ẩn ý giữa ba và mẹ.
Quái, mà sao cái lão Quân kia cứ cười nham nhở một cách rất đáng nghi? Nhã Đình chưa kịp lườm ông anh cháy mắt thì bà Hạnh đã lên tiếng dặn dò, “Ừ, thế mấy ngày nữa mẹ dẫn con đi chúc Tết bà ấy. Nhớ sửa soạn quần áo cho gọn gàng một chút, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng.”
Nhã Đình cúi đầu, ngoan ngoãn đáp: “Vâng, con biết rồi.”
Lúc đó cô chỉ nghĩ rất đơn giản rằng, trước mắt cứ tạm thời nghe theo sắp xếp của ba mẹ, rồi sau này tìm cách trở về căn hộ cũ của cô như trước kia là được. Nhã Đình đâu có ngờ, đã quyết định bước chân vô cánh cổng ấy là cuộc đời cô hoàn toàn bị xáo trộn bởi một cái tên xa lạ mà cô ngàn vạn lần không bao giờ nghĩ tới…
*
* *
Mấy ngày đầu năm trôi qua trong nhàm chán, họ hàng đến chúc Tết ai cũng giục giã Nhã Đình dẫn người yêu về ra mắt, cứ như thể sợ ném cô ra ngoài đường cũng không có ai thèm nhặt vậy.
Mồng Sáu Tết, Nhã Đình vừa nằm ườn trong phòng vừa ăn mứt dừa chị Yên làm, thỉnh thoảng lại bật cười khúc khích vì chương trình Táo Quân đang phát lại trên màn hình ti vi. Bỗng nhiên, bà Hạnh xông vào phòng cô mà chẳng thèm gõ cửa, bà đặt lên giường một chiếc váy màu trắng, sốt ruột giục giã: “Thay đồ rồi còn đi chứ Đình!”
Cô uể oải tắt ti vi và đóng hộp mứt lại rồi chờ cho bà Hạnh đi khuất sau cánh cửa, mới trở dậy thay chiếc váy không biết đã được chuẩn bị từ lúc nào kia.
Thường ngày Nhã Đình ít khi diện váy vó cho đỡ phiền phức, ai ngờ chiếc váy mà mẹ chọn cho cô lại là váy ren, dáng bó sát, đã vậy bà Hạnh còn bảo chị Yên dặm cho cô ít phấn, thoa chút son đỏ cho xinh.
Cuối cùng nhìn đôi giày cao gót năm phân đặt ngay ngắn dưới bậc cửa, Nhã Đình bất lực phản kháng: “Mẹ… Sao cứ phải cầu kỳ thế ạ? Con có phải là đi xem mắt đâu cơ chứ…”
Ai dè bà Hạnh vừa chỉnh tà váy cho cô vừa lẩm bẩm: “Thì cũng có khác đi xem mắt là mấy…” Nhưng khi Nhã Đình vặn hỏi, bà lại vờ lảng sang chuyện khác rồi giục giã rối rít: “Mau lên taxi đi kẻo lại muộn bây giờ!”
“Đến nơi rồi.”
Bác tài vừa dứt lời, chiếc taxi liền đỗ “xịch” trước cổng một căn nhà lớn nằm trên cung đường vắng lặng. Nhã Đình là người nhảy xuống khỏi xe đầu tiên, cô ngẩng đầu ngắm nhìn tòa nhà bốn tầng sơn màu trắng tao nhã, được thiết kế theo phong cách châu Âu cổ điển.
Nhã Đình đang không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ trong lòng thì đột nhiên cô có cảm giác một ai đó đang nhìn chằm chằm vào mình. Bất giác, Nhã Đình hơi ngẩng đầu lên. Trên tầng hai của tòa biệt thự, tấm rèm màu trắng sữa phấp phới bay khi có làn gió nhẹ lướt qua, để lộ một bóng dáng cao lớn thấp thoáng. Người đó đứng bên ô cửa sổ, trầm mặc quan sát cô với ánh mắt chăm chú. Trong thoáng chốc, Nhã Đình ngẩn người như mất hồn.
“Đình, nhìn gì đấy?”
“Ơ… không có gì ạ.”
Nhã Đình giật mình đáp lời mẹ, khi cô quay đầu lại thì bóng dáng người kia cũng đã biến mất khỏi tầm nhìn. Chẳng hiểu sao cô không khỏi có chút bần thần trong lòng.
Bà Hạnh cúi đầu chỉnh trang lại váy áo cho Nhã Đình, hài lòng ngắm cô một lượt từ đầu đến chân rồi mới nhẹ nhàng đưa tay ấn hai lần chuông cửa. Chẳng để gia đình họ đợi lâu, chỉ vài giây sau, một người phụ nữ trung niên với kiểu cách ăn mặc giản dị từ phía bên trong tòa biệt thự bước ra mở cổng. Nhã Đình đoán rằng có lẽ là người giúp việc trong nhà.
“Chào ông bà, chào cô, bà chủ đang đợi mọi người trong phòng khách.”
Người phụ nữ từ tốn đóng cổng lại, sau đó đi trước dẫn đường cho Nhã Đình và ba mẹ cô. Càng tiến sâu vào trong sân, Nhã Đình càng tỏ ra thích thú trước lối kiến trúc tinh tế, kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển duyên dáng và quý phái hiện đại. Thiết kế cột vòm và hai bức tượng chiến binh cổ đại đặt ở sảnh lớn dẫn vào phòng khách làm Nhã Đình không thôi liên tưởng tới nghệ thuật thời kì phục hưng châu Âu vào giữa thế kỷ thứ mười lăm.
“Chà, căn biệt thự này mới được xây xong vào năm ngoái phải không? Nghe bác Hoàng Lan nhắc tới đã lâu giờ mới có dịp được chiêm ngưỡng.” Ông Lâm vừa ngắm nghía tòa nhà vừa trầm trồ cất tiếng.
Người phụ nữ trung niên không nén nổi vẻ tự hào: “Vâng, đúng rồi đấy ạ. Tòa nhà hoàn toàn được xây theo bản thiết kế của cậu Khôi Vĩ.” Đưa tay chỉ chiếc xe ô tô con đỗ ngoài sân, dì ấy tươi cười: “Hôm nay cậu Vĩ cũng không có ra ngoài, lát nữa ông bà sẽ được gặp cậu ấy thôi.”
Trong lúc ba mẹ gật gù tán thưởng thiết kế của căn biệt thự thì Nhã Đình lại bị thu hút bởi biển số của chiếc xe thể thao bốn chỗ màu đen nằm gọn trong khuôn viên sân vườn.
Cô đưa tay day day hai bên thái dương, mồ hôi lạnh không biết từ đâu túa ra lòng bàn tay nhỏ nhắn. Nếu trí nhớ chưa phản bội lại cô thì chiếc xe ô tô này chính là chiếc xe đã rượt đuổi cô vào ngày 28 Tết. Xem ra sắp tới sẽ có một màn “tái ngộ” oan gia không kém phần nảy lửa rồi.
“Đình, ngơ ngẩn gì đấy? Đi thôi!”
Tiếng giục giã rối rít của mẹ đã kéo Nhã Đình thoát khỏi dòng suy nghĩ. Cô vội vàng chạy theo ba mẹ tiến vào phòng khách của tòa nhà.
Tông màu chủ đạo của căn phòng là màu vàng trầm ấm, ở chính giữa có đặt một bộ salon thiết kế sang trọng, đèn chùm pha lê treo trên tường nhà tỏa ra thứ ánh sáng dịu không quá rực rỡ. Xen kẽ nội thất là những chậu cây màu xanh nhỏ làm cho không gian thêm phần thoáng đãng, không quá ngột ngạt bí bách. Sát liền kề chiếc kệ ti vi là một lọ lục bình bằng sứ cắm cành đào thất thốn đã nở hết, cánh hoa đào màu đỏ rực rơi xuống chân bình.
Một người phụ nữ thất tuần ngồi trên ghế salon, bà vừa chỉnh chiếc kính đặt trên sống mũi vừa chăm chú đọc tờ báo Tết. Khi vừa nghe thấy tiếng động, bà Hoàng Lan vội ngẩng đầu lên, khóe miệng mỉm cười hiền hậu.
Nhã Đình nhanh nhẹn cúi đầu: “Con chào bà ạ.” Bà Hoàng Lan gật đầu nhẹ, bà đặt tờ báo lên giá sách ở gần đó rồi vẫy vẫy tay với Nhã Đình: “Đình lại đây bà xem nào.”
Cô vội vàng chạy lại ngồi kế bên bà Hoàng Lan, vừa cười ngượng nghịu vừa để mặc bà xoa tay vuốt tóc mình. Ba mẹ Nhã Đình ngồi xuống chiếc ghế salon ở phía đối diện, ông Lâm nhìn quanh quất hồi lâu mới khẽ lên tiếng: “Bà, Khôi Vĩ đâu rồi ạ? Cháu tưởng hôm nay thằng bé ở nhà?”
“Nó ở trên phòng đó chú Lâm, để tôi kêu dì Quyên gọi nó xuống.” Bà Lan nhẹ nhàng vẫy tay với người phụ nữ giúp việc ban nãy. Dì Quyên “dạ” một tiếng thật to rồi vội vàng đi lên lầu trên.
Sau đó Nhã Đình mải mê chuyện trò với bà Lan, tâm trí cũng vô thức đá thẳng bay cái tên Khôi Vĩ vẫn lởn vởn nãy giờ ra khỏi đầu. Nhưng khi tiếng chân gõ xuống nền gỗ êm ái đều đặn vang lên từ phía cầu thang xoắn ốc, không hiểu sao trong lòng Nhã Đình chợt nổi lên những dự cảm không lành.
Khôi Vĩ từng bước chậm rãi tiến về phía bàn trà, dáng vẻ nhàn tản xỏ hai tay vào túi quần âu thẳng thớm, nhưng khóe miệng đã sớm mủm mỉm cười tinh quái.
“Ồ, chào em?”