Chương 2: CUỘC ĐỤNG ĐỘ ĐẦU TIÊN
Chuyển sang C2 không bao lâu thì học kỳ một kết thúc, bởi kỳ thi học sinh giỏi trường thường diễn ra vào cuối kỳ học thứ nhất để nhà trường trao giấy chứng nhận cùng với giấy khen luôn, và đây coi như là niềm an ủi duy nhất của tôi sau chuỗi ngày ảm đạm vừa qua.
Vì mới sang C2 nên vào kỳ nghỉ Tết năm đó chúng tôi vẫn tập trung đi chơi cùng C1, và dĩ nhiên thầy chủ nhiệm mà tôi đi Tết cũng là thầy Chung chứ chẳng phải “Mít tờ” Tuyên. Sau khi đi thầy chủ nhiệm, lớp tôi tập trung tại nhà Việt Anh tổ chức ăn uống, vừa là chúc Tết, vừa là buổi chia tay tống tiễn một số đứa về chân trời mới, trong đó có cả tôi.
Cũng nhờ cái buổi liên hoan này mà tôi mới biết ở C1 cũ có một đứa con trai âm thầm thích mình, và thật ra thì hồi còn học C1 tôi cũng hơi thinh thích cậu ta một chút. Nhưng giờ thì hết rồi, chuyển lớp, mối tình học trò trong sáng thuần khiết của tôi chưa kịp gửi trao đã bị bóp chết từ trong trứng nước. Hai lớp dù chỉ cách nhau một vách tường nhưng cái tính sĩ diện của đứa con trai bị thất bại trong cuộc thi học sinh giỏi vừa rồi không cho phép cậu ta tiếp tục theo đuổi một người đã được vinh danh ngồi ở lớp đầu tàu như tôi. Và thế đấy, chúng tôi xa mặt, cũng dần cách lòng. Thậm chí đến bây giờ khi ngồi kể cho các bạn câu chuyện này tôi chẳng còn nhớ rõ mặt mũi cậu ta trông thế nào nữa.
Hết hai tuần nghỉ Tết, tôi vác cái thân xác rũ rượi đến lớp. Bạn bè xung quanh đứa nào cũng mặt mày hớn hở, đứa thì khoe Tết vừa rồi được bay vào Sài Gòn chơi, đứa thì khoe cái túi quần rủng rỉnh tiền mừng tuổi... Mỗi đứa đều chìm đắm trong những niềm hạnh phúc không giống nhau. Còn tôi, hết Tết đồng nghĩa với việc lại phải đến trường và đối diện với một vài khuôn mặt mà tôi chẳng ưa chút nào.
Hình như từ cái ngày chuyển sang C2 vận xui cứ đeo đuổi tôi liên tục, bằng chứng là tiết đầu tiên của học kỳ mới lại là cái môn mà gần đây tôi thấy rõ ác cảm – Toán. Hồi trước còn ở C1, thầy Lực dạy Toán sướng biết bao nhiêu. Thầy cứ chép vài cái đề lên bảng rồi để bọn tôi ngồi tự giải, còn mình thì lên văn phòng uống nước chè hoặc thi thoảng ghé qua nhà thăm vợ con (vì nhà thầy ấy cách cổng trường chỉ có mấy bước chân), đến lúc gần hết tiết mới về lớp, đứa nào giải được thì lên bảng chữa bài, đứa chưa làm ra ngồi đợi kết quả rồi chép vào vở. Xong thì nghỉ, hôm nào thầy vui tính còn cho lớp nghỉ sớm vài phút, chúng tôi tha hồ đánh cờ ca-rô hoặc tám tùm lum đủ thứ chuyện. Còn Mít tờ Tuyên thì khác biệt hoàn toàn, tận dụng đến từng giây phút cuối cùng, nhiều hôm còn ăn bớt cả năm phút giải lao quý giá của tôi để giảng nốt bài.
Mà cái đó vẫn chưa phải là oái ăm nhất. Từ ngày vào C2, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với phương pháp kiểm tra bài cũ môn Toán bằng hình thức lên bảng trình bày phần lý thuyết. Mẹ ơi! Gần mười năm đi học các thầy cô dạy Toán của tôi có ai là không dò bài theo kiểu ra bài tập rồi gọi học sinh lên bảng để xem có áp dụng đúng công thức không, làm gì có ai hỏi mấy câu nhạt nhẽo và vô vị như kiểu hình vuông là gì, trình bày các tính chất của tam giác,... Tôi cứ tưởng cái cách kiểm tra đó chỉ dành cho học sinh tiểu học, vậy mà ông thầy chủ nhiệm cấp ba này của tôi lại hồn nhiên áp dụng, hơn nữa còn là áp dụng một cách rất thường xuyên và liên tục.
Thậm chí ngay đến cả buổi học đầu tiên của học kỳ mới, khi các thầy cô bộ môn khác đều thông cảm rằng chúng tôi đã gián đoạn một thời gian dài không đụng đến sách vở và vẫn còn dư vị của mấy ngày Tết để lại nên sẽ không kiểm tra bài cũ, thì vị thầy giáo đáng mến ấy vẫn bắt chúng tôi phải nhớ lại kiến thức của học kỳ vừa qua một cách rất nhân đạo.
Vừa mới bước vào lớp sau tiết chào cờ, còn chưa kịp ngồi cho ấm mông tôi đã nghe thấy một giọng nói nhẹ nhàng quen thuộc phát ra từ phía bàn giáo viên:
- Đầu năm, ôn lại kiến thức tí nhờ.
Tôi cam đoan rằng cả thảy năm mươi bảy đứa trong lớp đều giật mình khi nghe thông báo này chứ không riêng gì tôi. Đôi mắt cả lớp nhìn thầy, ngạc nhiên có, xúc động có, van lơn có... mà có nhiều nhất là sợ hãi. Tôi biết dù có là thành viên C2 cũ hay C2 mới, trong lòng mỗi đứa đều có một nỗi khiếp sợ mang tên Hoàng Tuyên. Còn đối với tôi, đó không chỉ có nỗi sợ, mà còn là nỗi ghét.
Nhưng dù ghét dù sợ gì thì cũng không thay đổi được một thực tế rằng vài giây nữa sẽ có một cái tên được xướng lên bục giảng. Khả năng cái tên đó có thể là tôi lắm chứ, dù rằng tôi vẫn thầm hy vọng đầu năm thầy sẽ chọn mấy đứa đầu danh sách mà gọi, tên tôi ở gần cuối chắc xác suất bị lên bảng sẽ không cao lắm đâu.
Nhưng cái định luật bánh bơ [2] nó lại vận vào tôi đúng chóc. Mà tôi cũng không biết có nên tính hành động ngu ngốc của mình làm chất xúc tác cho định luật đó xảy đến một cách chắc chắn hơn hay không. Bởi vì khi nghe thầy chủ nhiệm nhẩn nha nói từng chữ như vậy, tôi đã ngay lập tức mở tung quyển sách Hình học để trên bàn xem bài cuối cùng của học kỳ một chúng tôi học là gì. Và không đợi tôi nhìn cho hết cái tiêu đề, hành động ấy đã thu hút được sự chú ý của thầy chủ nhiệm:
[2] Định luật bánh bơ (hay định luật Murphy) có nội dung chính như sau: Nếu một điều xấu CÓ THỂ xảy ra, nó SẼ xảy ra, và vào thời điểm tệ nhất có thể. Hoặc chúng ta hãy hiểu đơn giản thế này: nếu có nhiều phương án để lựa chọn, và một trong số chúng có thể dẫn đến thảm họa thì con người lại thường hay chọn chính phương án đó!
- Á à, ông kia đang giở tài liệu đấy à? Giở làm gì, tôi kiểm tra cả quyển mà.
Thầy giáo nhìn tôi, ánh mắt sắc lẻm, nụ cười trông gian manh đến sợ.
Tôi thấy khắp người nổi hết da gà.
- Ông lên bảng coi.
Chắc ít có vị giáo viên nào lại xưng hô với học sinh một cách loạn ngôn như ông thầy chủ nhiệm này của tôi. Lúc thì kêu bằng ông, lúc lại gọi là “ả”,... Nhưng bây giờ tôi đâu còn tâm trạng mà để ý thầy giáo gọi tôi là ông hay ả nữa. Trước ánh mắt mừng vui như trút được gánh nặng của cả lớp, tôi lê lết cái thân xác tàn tạ về phía bàn giáo viên, trong đầu hoàn toàn trống rỗng.
- Bài tập giao trước Tết làm hết chưa?
Cái câu hỏi đầu tiên đã làm tôi hoàn toàn đổ gục. Bài tập trước Tết của chúng tôi chỉ có vỏn vẹn một dòng: “Làm hết bài trong sách giáo khoa và sách bài tập”. Nói đến đây chắc các bạn cũng thấu hiểu rồi chứ, đừng thấy tập bài giao trước Tết gồm hai, ba trang dày đặc chữ và số mà kêu lên kêu xuống, hai ba trang đấy của các bạn chưa thấm vào đâu so với cái dòng chữ ngắn gọn này của ông thầy tôi đâu.
Dĩ nhiên là tôi chưa làm hết, Tết phải ăn chơi ngủ rồi mới đến học mà. Vậy nên tôi chọn cách im lặng. Ông thầy giở vở bài tập của tôi ra, gọi tên tôi đầy âu yếm:
- Linh Trang?
Chắc cái tên này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho thầy lắm đây.
Thầy nheo mắt tỏ vẻ không hài lòng, tôi dùng từ không hài lòng để giảm nhẹ cho cái ánh nhìn mà tôi nghĩ phải tính là “khó chịu”. Thầy gập quyển vở bài tập chưa đạt một phần ba yêu cầu ấy của tôi, tông giọng cao thêm một bậc.
- Không chịu để ý học hành gì cả. Đọc định nghĩa và nêu tính chất của đường tròn ngoại tiếp tam giác xem nào.
Định nghĩa thì tôi nêu được:
“Đường tròn ngoại tiếp của một tam giác là đường tròn đi qua ba đỉnh của tam giác đó”. Nhưng còn tính chất, để tôi nhớ lại coi nào...
Ừm, một là,
tâm đường tròn ngoại tiếp tam giác là giao điểm ba đường trung trực của tam giác đó.
...
- Gì nữa? – Giọng thầy lại lạnh lùng vang lên.
- Còn... hai là...
Thầy hạ gọng kính xuống, đưa tay lên day day trán. Tôi nhìn về phía Đường Tăng, nó ngồi im như đang tĩnh tu, không dám hở môi nhắc tôi một lời. Lại nhìn quyển sách giáo khoa trên bàn giáo viên, tôi nghển cổ lên một chút xem có liếc được chữ nào không. Kết quả bị ông thầy đưa tay che lại, sau đó bắn về phía tôi ánh mắt hình viên đạn:
- Ông học hành thế đấy à?
Tim tôi rớt xuống đất cái “bịch”. Phen này thì thảm rồi, đã không làm hết bài tập về nhà còn thêm cái tội chưa học bài cũ, kiểu gì cũng ôm gậy hoặc trứng về chỗ ngồi cho coi. Tôi xác định vậy, cũng thấy buồn buồn trong lòng, buồn một mà lo mười, dù gì thì từ trước đến nay tôi cũng chưa bao giờ bị điểm kém vì cái tội chưa học bài cũ.
Thế mà thầy giáo không cho tôi ăn gậy hay trứng hay ngỗng gì hết, ổng xử lý tôi hệt như mấy thầy cô dạy tôi hồi tiểu học, cho cầm quyển sách giáo khoa về góc lớp đứng đọc đến khi nào thuộc bài thì thôi. Sau đó ổng lần lượt gọi tên Tuất và nhỏ Hồ Ly lên bảng, bực mình một nỗi là hai cái đứa này trả lời cứ vanh vách, bài tập thì làm không sót một ý, tôi nghe đến đâu mặt đỏ lên đến đó. Xấu hổ không để đâu cho hết, nhân vật đầu tiên của C1 lên bảng mà đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp thế này.
Đầu óc tôi cũng không phải thuộc dạng ngu lâu, dốt dai, khó đào tạo. Hơn nữa lúc nãy một phần do căng thẳng nên tôi mới không nhớ ra mấy cái tính chất của đường tròn ngoại tiếp tam giác thôi, giờ được đọc lại sách giáo khoa rồi, tôi cũng trả lời trơn tuột từ đầu đến cuối. Thấy không còn gì phải hỏi thêm nữa, ông thầy rốt cuộc cũng quyết định đặc xá cho tôi về chỗ ngồi.
Mới ngày đầu đến lớp, thấy đen đủi gì đâu.
Mấy tiết học sau của ngày hôm đó mặt tôi cứ nhăn như đít khỉ, để mặc Đường Tăng bên cạnh tự hỏi tự trả lời. Về sau thấy tôi không có phản ứng gì với “câu chuyện đầu năm” của nó, nó quay sang huých mạnh cùi chỏ vào cánh tay tôi:
- Mày sao thế? Vẫn để ý vụ lên bảng lúc nãy à? Thầy giáo có cho điểm thấp đâu mà cái mặt như bị táo bón vậy.
Tôi nhăn mặt cau có:
- Không bị điểm thấp mà bị đứng góc bảng cũng nhục như nhau.
- Vừa nãy tính nhắc mà thầy nhìn kinh quá, chả ho he gì được.
Đương nhiên là tôi hiểu cái hoàn cảnh khó xử của nó chứ, vì thế cũng không nỡ trách.
- Sao tao cứ có cảm giác thầy này ghét tao mày ơi.
- Hơ... mày làm gì đâu mà thầy ghét.
- Ợ, thì có nhiều người không làm gì mà cũng cứ tự nhiên bị ghét vậy. Cũng giống như tao ấy, càng nhìn thằng Tuất với nhỏ Hồ Ly càng thấy không vừa mắt, mà rõ là bọn nó có làm gì tao đâu.
- Mày ghen ăn tức ở với người ta thì có?
- Tao mà là kiểu người thế à?
- Ờ, mày không thế... chỉ hơn thế thôi. – Đường Tăng nháy mắt chòng ghẹo tôi.
Hai đứa tôi cứ hồn nhiên câu qua câu lại, không hề biết đã lọt vào mắt xanh của cô Hương dạy Tiếng Anh từ lúc nào. Tự nhiên thấy xung quanh lớp im lặng như tờ, tôi với Đường Tăng giật mình ngẩng đầu lên đã thấy mình nhanh chóng trở thành trung tâm của sự chú ý.
- Hai chị muốn nói chuyện thì ra ngoài!– Cô Hương nhìn chúng tôi, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két.
Khi giáo viên trường tôi đã sử dụng từ “anh/chị” thì nghĩa là cường độ tức giận không hề nhẹ rồi. Mà cô Hương còn nổi tiếng là hắc xì dầu nữa chứ. Dưới cái nhìn không thể thân thiện hơn của cô Hương cùng hơn năm mươi cặp mắt còn lại, tôi với Đường Tăng muối mặt đứng lên xin lỗi, hứa lên hứa xuống từ giờ sẽ không nói chuyện riêng nữa. Chắc là hôm nay không phải ngày cô bị “bà dì” hỏi thăm, hoặc là Tết vừa rồi tâm tình tương đối tốt, vì thế cô không hoạnh họe lên xuống như mọi khi. Sau khi lườm một cái khiến chúng tôi nổi hết da gà cô cũng chịu để hai đứa ngồi xuống và tiếp tục giảng bài.
Cứ tưởng cô Hương cứ thế mà cho qua, ai ngờ cuối tiết hôm đó tôi với Đường Tăng vinh dự được làm hai cái tên đầu tiên ngồi vào sổ đầu bài trong kỳ học mới. Giờ học của lớp bị xếp loại B, tên Tuất và Hồ Ly quay sang nhìn hai đứa tôi với vẻ không hài lòng, mấy đứa cán sự khác trong lớp cũng chẳng lấy làm vui vẻ gì. Nhưng đó không phải là điều khiến tôi khó chịu nhất, tôi còn phải nghĩ cách đối phó với cơn thịnh nộ của ông thầy chủ nhiệm khi nhìn thấy con B chình ình trong sổ đầu bài kia nữa cơ. Kiểu gì thứ Sáu tiết sinh hoạt chả bị đứng lên tra khảo này nọ, rồi chắc chắn không thoát được màn “về viết bản kiểm điểm có chữ ký, ý kiến của phụ huynh, ngày mai không có thì đừng vác mặt đến lớp”. Càng nghĩ về tương lai phía trước tôi càng thấy sao mà mờ mịt, mà hình như từ cái hôm đặt chân vào C2 tôi đã có ngày nào được “tươi sáng” đâu. Cái tập thể lớp mới này cứ như là hố đen của cuộc đời tôi vậy.
Trên đường về bẻ tay lái tránh cái xe máy thì tông ngay vào bãi cứt trâu. Đúng là “max” nhọ, thôi còn gì đen đủi nữa thì đen nốt cho hết ngày đi.
*********
Bình thường đi học cả tuần thích nhất là thứ Bảy, bởi vì sáng thứ Bảy lớp tôi không có toán, thời khóa biểu chỉ gồm hai tiết Ngữ văn, một tiết Công nghệ, một tiết Sinh và một tiết Thể dục. Thể dục thì coi như nhà trường biếu không cho học sinh bốn lăm phút chơi hợp pháp trong giờ hành chính rồi, còn mấy tiết kia giáo viên phải nói là siêu dễ, học cũng như chơi. Thầy Hùng dạy Văn bị nghễnh ngãng, thế nên trên bục thầy vô tư giảng bài, dưới lớp tôi với Đường Tăng ngồi họp chợ cũng ít khi bị phát hiện. Thầy Bình dạy Công nghệ thì đáng yêu không thể tả được, nhớ có lần còn học bên C1 cũng thầy này dạy, tôi lên bảng trả bài ấp úng được vài ba ý mà thầy cho tận chín điểm, tôi cứ phải gọi là nhảy tưng tưng, thiếu điều chạy lại ôm lấy cổ thầy mà hôn lên má chùn chụt.
Còn thầy Khang dạy Sinh thì khỏi nói, có lẽ trước khi đi làm giáo viên Sinh học thầy đã có một niềm đam mê mãnh liệt với hội họa. Học Sinh học gì mà thầy suốt ngày kêu học sinh mở vở ra vẽ đậu Hà Lan với Ruồi giấm, rồi điểm kiểm tra mười lăm phút cũng chơi trò chấm hình, đứa nào vẽ đẹp thì điểm cao. Tôi được cái có tám hoa tay nên vẽ vời không tệ, vì thế điểm phải nói là cao chót vót mà kiến thức thì chả đọng trong đầu được bao nhiêu.
Vậy nên mới nói cả tuần tôi thích nhất là thứ Bảy. Chắc các bạn thắc mắc sao không thích Chủ nhật luôn đi phải không, được nghỉ nguyên ngày mà. Thì không hiểu sao cái tính tôi vậy, tôi không thích Chủ nhật vì qua Chủ nhật sẽ đến thứ Hai, lại bắt đầu một tuần học tập căng thẳng với năm tiết Toán, bốn tiết Lý và bốn tiết Hóa rồi. Còn nếu sống trong ngày thứ Bảy, tâm hồn tôi sẽ thư thái vô cùng khi biết mai là một ngày nghỉ xả láng, tôi có thể tha hồ xem phim đến tận đêm mà không lo buổi sáng phải dậy sớm đi học, có thể bỏ bê đống bài tập vì còn có nguyên một ngày mai để làm cơ mà. Thế mới nói, cứ đến thứ Bảy là lòng tôi sướng phát điên lên được.
Cơ mà muốn tới thứ Bảy thì phải qua thứ Sáu. Thứ Sáu có hai tiết Toán, tôi vốn đã ghét rồi, còn ghét hơn nữa là lại có thêm một tiết Sinh hoạt. So với những tuần vừa rồi, lần này tôi đặc biệt sợ tiết Sinh hoạt. Vì sao thì chắc các bạn cũng biết rồi đó, đây vốn là thời điểm để giáo viên chủ nhiệm xét xử những đứa vi phạm nội quy của trường, của lớp tuần qua. Mà hồi đầu tuần tôi với Đường Tăng lại trót lên sổ đầu bài ngồi trong giờ Tiếng Anh rồi.
Đang nghĩ coi làm thế nào để sống sót qua tiết Sinh hoạt thì may quá... tôi bị ốm. Chỉ là cảm cúm bình thường, hắt hơi sổ mũi tí thôi nhưng tôi vật lên vật xuống, khổ sở lăn lộn, đỏ mặt tía tai rặn ra mà ho những mong mẹ sẽ thương tình xin cho tôi nghỉ một buổi học. Chắc do tôi giả vờ khéo quá, mẹ tôi nhíu mày suy nghĩ một lát cũng quyết định ký vào đơn xin nghỉ học rồi gửi anh Tẻo hàng xóm nhà tôi cầm đến trường nộp hộ.
Đang an nhàn cuộn chăn tận hưởng cảm giác của người may mắn thoát được kiếp nạn thì Đường Tăng gọi điện. Tôi nhìn đồng hồ thấy gần mười hai giờ rồi. Trường tôi tan tiết năm vào lúc mười một rưỡi, nhà Đường Tăng cách trường gần bốn cây số, cong mông đạp về cũng phải mất khoảng ba mươi phút. Hôm nay về sớm thế này chắc là tiết cuối sinh hoạt được Mít tờ Tuyên giải phóng cho sớm rồi.
Gọi đúng lúc quá, tôi đang định chờ khoảng mười hai rưỡi thì gọi hỏi thăm nó xem hôm nay có biến cố gì không. Dù sao nó cũng là một trong những phạm nhân bị đem ra pháp trường ngày hôm nay mà. Ai dè vừa đặt cái ống nghe lên tai đã thấy nó phun cho một tràng:
- Con lợn kia! Mày bỏ rơi bạn bè trong lúc khó khăn hoạn nạn thế à? Thế mà cái mồm lúc nào cũng bô bô “bạn thân”, “bạn thân”. Hừ!
Quả này chắc hôm nay cô bạn thân của tôi chịu nhục không ít rồi, có tôi ở đó ít ra hai đứa đứng trước lớp nghe chửi còn đỡ xấu hổ. Haiz, Đường Tăng à, xin lỗi mày quá. Nghĩ vậy nên tôi cười cầu tài:
- Hề hề, thì đúng là thân mà, thân ai người nấy lo, có phúc cùng hưởng, có họa tự chịu. Thôi mày đừng điên nữa, kể tao nghe xem hôm nay ở lớp có gì hót đi.
- Hót cái con khỉ? Còn có vụ gì ngoài vụ xử lý mấy đứa bị lên sổ đầu bài nữa chứ.
Nó nói “mấy đứa” cho nhiều vậy thôi, chứ tính đến hết chiều hôm qua thì hình như có mỗi tên tôi với Đường Tăng trong sổ đầu bài, còn hôm nay có thêm đứa nào xui xẻo lên ngồi nữa không thì tôi không biết. Nếu vậy thì nghĩa là hôm nay chỉ có mỗi nó đứng ra chịu trận, tội thân con bạn ghê gớm, thảo nào mà nó bức xúc vậy.
- Rồi ông Tuyên có nói gì không? - Tôi thăm dò, để coi nổi tiếng Hít-le như Mít tờ Tuyên sẽ dùng cách gì để xử lý bọn tôi.
- Chửi chán rồi về bắt viết bản kiểm điểm có chữ ký, ý kiến của phụ huynh chứ sao?
- Ẹc. Lại bản kiểm điểm nữa à?
- Ừ, vẫn phong cách cũ, “tuần sau mà không có thì đừng vác mặt đến lớp”.
Nếu có người hỏi câu cửa miệng của Hít-le Tuyên khi xử lý vi phạm của học sinh C2 là gì, tôi sẽ không cần phải suy nghĩ đến nửa giây mà trả lời ngay tắp lự:
Về viết bản kiểm điểm có chữ ký, ý kiến của phụ huynh, mai ông nào không có thì đừng vác mặt đến lớp.
Và cái ông nào của ngày hôm đó chính là Đường Tăng tội nghiệp của tôi.
Dù rất thương cảm với hoàn cảnh của Đường Tăng, tôi không khỏi rung đùi và cảm khái bản thân khi đưa ra một quyết định vô cùng sáng suốt là nghỉ học. Phải nói rằng năm năm tiểu học, bốn năm trung học và kỳ học đầu của ba năm phổ thông, tôi chưa từng biết tới “bản kiểm điểm” là gì. Tôi không phải là học sinh ngoan ngoãn đến mức chưa bao giờ vi phạm nội quy của lớp, của trường, chỉ là so với những học sinh khác, tôi đặc biệt hơn một chút. Mẹ tôi quen biết hầu hết giáo viên cấp một, bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, và là đồng nghiệp của toàn thể giáo viên cấp hai, vì thế những sai phạm của tôi mẹ còn biết trước khi tôi kịp bị đem ra xử lý trong giờ sinh hoạt, cũng sẽ lăng chì trước khi tôi xin được chữ ký vào bản kiểm điểm rồi. Thế mới nói hồi đó nếu tôi có hành vi gì không đúng chuẩn mực thầy cô thường báo cáo trực tiếp với mẹ tôi chứ chả thừa hơi bắt tôi viết bản kiểm điểm đem đến nộp rồi lại mất công về ngồi đọc làm gì.
Nhưng lên cấp ba thì khác, quy mô giảng dạy của trường cấp ba khá rộng, học sinh thường đến từ nhiều xã khác nhau chứ không phải chỉ tập trung ở một xã như hồi cấp một và cấp hai. Và dù quan hệ của mẹ tôi có rộng cỡ nào cũng không thể quen biết hết với gần một trăm giáo viên của trường cấp ba để mà kiểm soát mọi hoạt động của tôi được. Sợi dây liên lạc duy nhất để mẹ nắm bắt được thông tin của tôi ở trường là thông qua giáo viên chủ nhiệm, và số điện thoại của Mít tờ Tuyên cũng được mẹ tôi rất ưu ái cho vào danh sách những thuê bao quan trọng trong danh bạ.
Đang sung sướng vì mình vừa thoát khỏi kiếp nạn mang tên “bản kiểm điểm” thì điện thoại di động của mẹ tôi để ở đầu giường rung lên bần bật. Trước khi chõ miệng gào mẹ tôi đang hì hụi nấu ăn dưới bếp lên nghe điện thoại, tôi cũng thử liếc qua màn hình một cái, mà trong thoáng chốc trái tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực.
Mẹ ơi!Trên nền điện thoại xanh xanh hiển thị tên người gọi đến là “Thầy Tuyên”. Tôi giật mình, tái mặt. Ông thầy này quyết tâm đuổi cùng giết tận thế này, còn gọi điện thông báo cho mẹ tôi nữa chứ. Tôi nhanh chóng phản xạ nhấn vào nút “im lặng” trước khi mẹ tôi kịp nghe tiếng chuông điện thoại, lòng ngồn ngang trăm mối tơ vò, không biết nên xử lý tình huống này thế nào cho thỏa đáng.
Nghe hay là không đây?
Nếu nghe thì biết đối đáp thế nào. Nếu không nghe, ai dám đảm bảo con người thừa thời gian và kiên nhẫn kia không gọi lại cho mẹ tôi lần hai, lần ba. Và rồi sớm muộn gì tôi cũng sẽ tan xương nát thịt dưới cơn phẫn nộ của mẹ mà thôi.
Sau cùng, tôi hít một hơi thật sâu, can đảm nhấn vào nút nhận cuộc gọi.
“Alo.” – Giọng tôi khản đặc vang lên. Mất công giả bệnh thì cũng phải giả cho giống một chút.
“Chào chị. Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em Trang.” – Ông thầy của tôi cực kỳ nhã nhặn và lịch sự qua điện thoại, và vẫn chưa biết cái người nghe máy chính là “em Trang” đây chứ đâu.
“Thầy ơi, em nè”. – Tôi nói lí nhí, còn cố tình hắt xì hơi một cái rõ to, ra chiều đang bị ốm nặng lắm.
“Ớ...” – Sau phút ngạc nhiên, Mít tờ Tuyên rốt cuộc cũng trở lại cái giọng điệu bá đạo dọa chết chúng tôi mỗi ngày: “Sao hôm nay trốn học?”
“Dạ, em bị ốm thầy ạ.”
“Ốm đau gì, chắc sợ bị tôi phạt nên không dám đến lớp phải không?” – Ông thầy không khách khí lật tẩy ý đồ đen tối của tôi. “Mà sao lại nghe máy của mẹ?”
Tôi nuốt nước bọt, tìm cách nói dối:
“Dạ, mẹ em vừa ra ngoài quên mang điện thoại.”
Thấy bên đầu dây kia im lặng một lúc, chắc ông thầy đang phân vân xem có nên tin cái đứa nói dối thành thần như tôi hay không?
“Ốm có nặng không?” – Cuối cùng ông ấy cũng chịu nhân đạo hỏi thăm tôi vài câu, dù cho trong lời hỏi thăm tôi chẳng cảm nhận được chút tình cảm nào. “Uống thuốc cho khỏi rồi mà còn đi học chứ!”
“Dạ, em bị cảm, em uống thuốc cũng đỡ rồi, chắc thứ Hai là đến lớp được đó thầy.” – Tôi ngoan ngoãn.
“Ừ, thứ Hai đến thì nhớ mang theo cả bản kiểm điểm, có chữ ký, ý kiến của phụ huynh.”
Tôi ngồi bật dậy từ trên giường, suýt chút nữa thì lăn luôn xuống đất. Hu hu, đã trốn đến nước phải nghỉ nguyên cả một buổi học mà cuối cùng vẫn phải viết bản kiểm điểm thế này, thử hỏi có ai độc ác và tàn nhẫn hơn ông thầy chủ nhiệm của tôi không hả trời? Tôi nức nở không nói lên thành tiếng. Thấy tôi im lặng, ông thầy Hít le lại giả bộ thắc mắc:
“Sao thế? Không biết tại sao phải viết bản kiểm điểm à?”
“Dạ biết... Nói chuyện riêng trong giờ Tiếng Anh.” – Tôi đau khổ nuốt nước bọt.
“Ừ, lần sau mà còn thế nữa tôi hạ hạnh kiểm với mời phụ huynh lên đấy. Ngồi học thì tập trung vào.” – Giọng thầy lạnh tanh, còn tôi có thể khẳng định câu hỏi thăm tình trạng sức khỏe của tôi một phút trước đây chỉ là hỏi cho có mà thôi.
Dã man, tàn bạo, vô nhân đạo. Đến giam giữ tù nhân cũng còn phải xem xét đến tình trạng sức khỏe của họ nữa là. Giờ thì tôi đã thấm thía sâu sắc vì sao lớp lớp học sinh đều nói trường học giống như trại quản giáo và lũ học sinh chúng tôi chính là những tù nhân đáng thương trong cái nhà tù “văn minh” đó.
“Nghe rõ chưa đấy?” – Ông thầy lại đòi tôi xác nhận lại yêu cầu, quả này có muốn “quên” cũng không được nữa rồi.
“Dạ.” – Tôi xụ mặt.
“Hỏi nghe rõ chưa dạ dạ cái gì?”
“Rõ rồi.” – Tôi bực mình gắt lên. Cũng biết cư xử thế là sai nhưng mà mỗi lần trong bụng tức tối điều gì tôi thường không kiểm soát được lời nói và hành động của mình. Chẳng biết vì sao nhưng cái tật xấu này cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa sửa được.
Đầu dây bên kia thoáng im lặng, có lẽ thầy cũng hơi bất ngờ với thái độ này của tôi, trong bụng không biết có đang chửi tôi là láo toét không nữa. Nhưng giờ phút này tôi đâu có quan tâm đến mấy chuyện đó, chỉ thấy bực mình thì muốn xả ra cho hết nỗi bực dọc trong người mà thôi.
“Nói với thầy thế đấy à?” – Ông ấy vặn lại tôi, có chút hằn học.
“Thì em nói rõ rồi, thứ Hai em sẽ mang bản kiểm điểm nộp cho thầy. Giờ em mệt rồi, thầy cho em nghỉ chút.” Tôi hậm hực tuôn ra một tràng rồi ngắt luôn điện thoại.
Tắt máy, tôi quẳng luôn cái điện thoại của mẹ xuống đuôi giường rồi nằm úp mặt vào chăn, nước mắt tự nhiên trào ra không sao ngăn lại được. Cũng chẳng biết tôi khóc vì giận dữ, sợ hãi hay tủi thân, nhưng dường như trong dòng nước mắt còn chứa đựng cả một dòng hối hận. Vì sao tôi hối hận ư? Vì lẽ ra cái ngày bị chuyển sang C2 tôi phải sống chết xin thầy chủ nhiệm cũ cho ở lại học C1 mới đúng. Đáng đời, ai bảo tôi ngày đó cũng ham hố cái danh ngồi lớp chọn cơ, bây giờ học được nửa học kỳ rồi mẹ còn lâu mới đồng ý cho tôi chuyển lớp. Càng nghĩ càng thấy hối hận, buồn rầu và tức tưởi, nhưng giờ đây tôi còn biết làm gì hơn ngoài việc chấp nhận số phận và tiếp tục vùi đầu vào chăn rấm rứt khóc.
Khóc chán khóc chê tôi lò dò xuống bếp tìm mẹ. Mẹ cũng vừa mới đi trường về, vẫn đang hì hụi nấu cơm. Nghĩ sao mà hồi xưa tôi tệ quá, ở nhà cả buổi nhưng cũng không chịu thò tay vào làm bất cứ việc gì, lúc khỏe tôi vốn đã lười như vậy rồi, huống hố bây giờ lại còn đang giả ốm. Thế nên mẹ dạy xong ở trường về chưa kịp nghỉ ngơi chút nào đã phải xắn tay vào bếp nấu cơm.
Tôi mở lồng bàn ra liếc qua mấy món xem trưa nay ăn gì. Mẹ đang nấu canh, nhìn thấy tôi đầu tóc bù xù vì nằm trên giường từ sáng tới giờ không thèm chải, dịu dàng hỏi thăm:
- Đỡ chưa con?
Tôi mà khỏe thì mẹ tôi không bao giờ có khái niệm nhẹ nhàng như vậy, nhưng cứ mỗi lần ốm, tôi lại có cảm giác mẹ tôi đang từ dì ghẻ chuyển thành cô Tấm vậy. Nghĩ thế, tôi cũng giả bộ mệt mỏi.
- Cũng đỡ rồi nhưng vẫn còn đau đầu lắm mẹ.
- Ừ, chịu khó ăn rồi còn uống thuốc. Sáng mẹ có mua quả tim về nấu cháo đấy.
Tôi không có hứng thú gì với món cháo tim cháo cật ấy cả. Tôi đang nghĩ phải làm sao nói khéo để mẹ chịu ký vào cái bản kiểm điểm tai vạ kia.
- Mẹ này... - Tôi liếc xéo nồi cháo, rồi liếc sang mẹ, giọng thăm dò.
- Ừ.
- Hôm Thứ hai đầu tuần cả lớp con mất trật tự. Thế là thầy Tuyên bắt cả lớp viết bản kiểm điểm.
Mẹ tôi nhướng máy nhìn lên, giọng đa nghi:
- Sao lại cả lớp mất trật tự là thế nào?
- Thì tại hôm đó tiết Tiếng Anh, cô Hương vào lớp muộn, thế là trong lúc chờ cô giáo có mấy đứa ngồi buôn dưa lê. - Tôi nói dối như xiếc – sau đó bị thầy Đan dạy Toán ở C3 bên cạnh sang quạt cho một trận.
- Thế đứa nào nói chuyện thì đứa đó viết bản kiểm điểm thôi chứ. Sao lại bắt cả lớp viết?
- Thì lúc thầy Tuyên vào hỏi không đứa nào chịu đứng lên nhận cả. Nên thầy giáo tức bắt cả lớp phải viết hết. - Tôi bắt đầu giả giọng ấm ức, làm như mình bị oan uổng lắm.
Mẹ tôi không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu rồi đi lấy muôi khuấy nồi cháo.
- Chắc mày cũng có trong thành phần đó chứ gì?
Tôi giơ tay lên, giọng tỉnh rụi:
- Không có đâu mẹ, lúc đó con đang làm Toán mà.
Mẹ tôi lườm khẽ:
- Làm Toán trong giờ Tiếng Anh?
- Ớ... tại lúc đó cô giáo chưa lên, nên con... tranh thủ. – Tôi ấp úng chống chế, và rồi thở phào khi thấy mẹ không truy xét thêm nữa.
- Mày chỉ giỏi lý do lý trấu, thôi chuẩn bị dọn cơm ăn.
Tôi cười hề hề, nhanh chóng chạy vọt ra bàn ăn sắp xếp bát đũa. Vừa làm vừa hát ngêu ngao, tự thấy phục bản thân mình quá đi, cái cách hay như thế mà tôi cũng có thể nghĩ ra được. Nếu mẹ tôi biết cả lớp chỉ có tôi với Đường Tăng phải viết bản kiểm điểm đảm bảo mẹ sẽ cho tôi nghe một khúc tình ca chấn động đại dương, cộng thêm mấy cán chổi lông gà sưng vù đít mới chịu ký giấy cho tôi đem đi nộp. Nhưng nếu cả lớp cùng phải viết thì lại khác, trách nhiệm tập thể lúc nào chẳng nhẹ nhàng hơn trách nhiệm cá nhân. Hề hề.
Vì thế, buổi tối Chủ nhật, tôi ung dung viết cái bản kiểm điểm gần kín mặt giấy, đương nhiên là tôi viết làm sao để mít tờ Tuyên đọc đủ hiểu rằng tôi đang ăn năn hối cải về việc nói chuyện riêng trong giờ Tiếng Anh, còn mẹ tôi khi đọc thì không thể phát hiện ra rằng mình tôi nói hay cả lớp nói. Sau đó, tôi điềm nhiên đặt tờ bản kiểm điểm ra trước mặt để chờ mẹ hạ bút. Mẹ đã được tôi làm công tác tư tưởng trước rồi nên chỉ khẽ liếc qua, thấy không có gì khả nghi thì cầm bút ký roẹt một cái nhẹ nhàng.
- Còn cái ý kiến nữa mẹ ơi! – Tôi đẩy tờ giấy lại gần mẹ hơn, - Ông Tuyên lắm sẹo lắm, ký thôi không được đâu.
Mẹ tôi đang soạn bài, vừa viết mấy dòng vừa lẩm bẩm:
- Gớm, ông ấy chả rảnh mà đọc ý kiến phụ huynh của cả lớp mày.
- Thì mẹ cứ ghi vào, cẩn tắc vô áy náy. – Tôi chớp mắt.
Đại công cáo thành, tôi cầm tờ bản kiểm điểm đã đầy đủ chữ ký và ý kiến của phụ huynh nhảy chân sáo về phía bàn học. Mẹ tôi nhìn theo khẽ nheo mắt, chắc trong bụng đang thắc mắc phải viết bản kiểm điểm mà sao trông nó có vẻ vui mừng thế.
********
Sau tiết chào cờ hôm thứ Hai là tiết Toán, vừa bước vào lớp, Mít tờ Tuyên đã đưa mắt quét qua một lượt, và rõ ràng khi lướt qua chỗ tôi ánh mắt đó thoáng dừng lại một chút, hai hàng lông mày cau lại. Tôi bình thản lôi tờ bản kiểm điểm trong cặp ra để sẵn lên bàn.
- Linh Trang, Huyền Trang,... đã viết bản kiểm điểm chưa?
Tôi biết ngay kiểu gì ông ấy cũng hỏi câu này mà.
Đường Tăng đau khổ rút tờ bản kiểm điểm trong cặp ra, cũng có đầy đủ chữ ký và ý kiến, nhưng nhìn cái mặt nhăn như khỉ ăn ớt của nó tôi biết để có được chữ ký và ý kiến đó chắc nó phải ăn chửi không ít rồi.
Khổ thân con bạn, biết thế tôi đã gọi điện truyền cho nó ít kinh nghiệm.
Đường Tăng cầm bản kiểm điểm lên bảng, tôi không thèm nhấc mông khỏi ghế, đưa luôn cho nó mang lên nộp hộ. Mít tờ Tuyên nhìn điệu bộ uể oải và khinh đời của tôi, khẽ lắc đầu. Tôi đoán lúc này trong đầu ông ấy đang chửi tôi ghê lắm, nhưng thế thì đã sao, tôi cũng đâu cần ông ấy phải yêu quý mình.
Ông thầy chủ nhiệm cầm bản kiểm điểm, đọc đi đọc lại mấy lần, sau đó bỏ vào cặp, lôi quyển sách Toán ra bắt đầu bài giảng. Tôi thấy hơi lạ là ông ấy không hề truy xét cái thái độ hỗn xược của tôi hôm trước, mất công cả buổi sáng tôi kỳ công chuẩn bị đủ các tình huống có thể xảy ra để lựa dần phương án đối phó. Rốt cuộc kết quả ông ấy trả về cho tôi chỉ là sự im lặng, và từ đầu đến cuối không hề đả động gì đến những câu nói hôm vừa rồi của tôi.
Thế càng tốt, dù sao những phương án tôi dự phòng cũng chẳng có cái nào ra hồn.
Thế nhưng cuối buổi học hôm đó, hết tiết năm, ông ấy lại lò dò lên lớp. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị ông ấy “mời” lên văn phòng uống nước chè và giáo huấn cho một bài khi thấy mình cứ bị nhìn chăm chăm rồi, ai dè ông ấy mắt thì nhìn tôi mà mồm lại kêu tên Tuất và Hồ Ly ở lại, nói có mấy việc cần bàn với cán sự lớp.
- Cả lớp cứ về đi, Tuấn với Ly ở lại, thầy có chút việc cần bàn.
Quay lại Mục lục <<