Cảm nhận Con đường Hồi giáo - Tiếng gọi thống thiết từ vùng đất thiêng

Linh Lan 213

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/7/17
Bài viết
84
Gạo
0,0
search
Dạo gần đây tôi đã chán những quyển tiểu thuyết tình cảm Trung Quốc ẩm ương, hay những tác phẩm kinh điển của Âu châu. Tôi bây giờ, bắt đầu có hứng thú đi tìm hiểu văn hóa các nước gần xa. Một hôm đẹp trời, vô tình lướt qua mấy trang web review sách, tôi biết đến “Con đường Hồi giáo” của chị Nguyễn Phương Mai. Thú thật là động lực để tôi nhấp vào tìm hiểu cuốn sách này chỉ bởi… bìa sách khá đẹp và bắt mắt (cười).

Cuốn sách đích thị là một tấm bản đồ chỉ đường và khai sáng cái trí óc còn mơ hồ của tôi, giúp tôi hiểu ra rằng những từ như “Trung Đông”, “Hồi giáo”, “thờ độc thần”, “những con người tử vì đạo” thực sự là như thế nào. Từ đó đến nay, bao nhiêu định kiến như: Hồi giáo là gì nhỉ? Một tôn giáo ở đâu tít mù bên Trung Đông, tổ chức nhà nước Hồi giáo cực đoan Taliban, cưỡng hiếp phụ nữ tập thể, nhân quyền thấp kém, khủng bố, chiến tranh Syria, Mỹ và các nước châu Âu xâu xé Palestine,… mà tôi hằng ngày nghe trên báo đài. Thế là bao nhiêu là cái xấu xa nhất tôi đều đổ lên đầu những đất nước đáng thương này.

Cuốn sách là ghi lại những suy nghĩ cảm nhận một cách khách quan và trung lập nhất trong cuộc trình chỉ vỏn vẹn gần một năm của một nữ nhà báo người Việt, đang sống và định cư ở Hà Lan để tìm hiểu về nền văn hóa tôn giáo của các nước Trung Đông: Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo,... Ý nghĩ sẽ làm một chuyến du lịch bụi vi vu các nước Trung Đông của chị nảy sinh trong lúc chị… đang ngủ và bất thần tỉnh dậy. Thế là chị lặp tức viết giấy xin nghỉ phép không lương đưa cho ông sếp của mình, rồi cắp ba lô lên đường.

Cánh cửa đi đến các vị thần cũng mở ra từ đó.

Chuyến đi trải dài qua mười bốn quốc gia, khởi đầu là Ả Rập Saudi và kết thúc tại Tây Ban Nha. Bạn có thắc mắc tại sao người phóng viên này lại đi một quảng đường vòng vèo, từ Á tỏa sang Âu rồi qua Phi, cuối cùng lại vòng về Âu. Đơn giản đây là cuộc hành trình tìm hiểu văn hóa tôn giáo, mà tôn giáo có bao giờ chỉ vỏn vẹn trong một quốc gia, một vùng lãnh thổ nào đó. Tôn giáo là một dòng sông, chảy tràn qua biên giới của mỗi quốc gia, thấm đẫm và nồng nàn vào từng mạch sống của con người nơi đó. Những vùng đất linh thiêng, đậm đặc mùi vị tôn giáo, những thánh đường cổ kính hằng ngàn năm tuổi, nơi ánh sáng lịch sử tôn giáo chói lọi và rực rỡ hơn cả ánh mặt trời.

Nhưng đâu chỉ có thế, tôi biết được rằng Thiên chúa giáo không bắt nguồn ở châu Âu như bao người vẫn tưởng, mà Trung Đông mới là cái nôi thực sự của tôn giáo này và của hơn ba tôn giáo khác, với những nhánh, dòng lớn nhỏ đan xen chòng chéo lên nhau, có tốt có xấu, hòa trộn nhưng không hòa lẫn. Biết được rằng kết câu xã hội của Trung Đông sau gần bốn ngàn năm vẫn bất biến, trung thành với lối sống du canh du cư, kiểu sống bầy đàn và bộ lạc hủ lậu.

Những đất nước như Ả Rập Saudi, Dubai, phất lên nhờ dầu mỏ, sa hoa tráng lệ với những siêu xe, khách sạn dát vàng và thánh đường Mecca linh thiêng với khối kaaba thu hút hàng triệu tín đồ viếng thăm, nhưng núp bóng sau vẻ hào nhoáng đó là một nền dân chủ độc tôn thần thánh, xem kinh thánh như luật pháp, uốn cong, xoắn vặn tôn giáo, biến nó trở thành một miếng mồi thơm ngon béo bở để thu hút tín đồ sùng đạo từ bốn phương tám hướng về thăm viếng bái lạy và… chi tiền.

Nơi mà những đất nước Syria, Li Băng, Jordan, Afghanistan, Pakistan chưa ngày nào dứt tiếng bom bay đạn lạc, lỡ bước chân đường mà xui xẻo là ăn ngay một quả rocket mất mạng như chơi, từ nam cho đến nữ đều phải tham gia quân đội, trong nhà, từ đàn ông cho đến những người phụ nữ nội trợ đơn thuần, ai cũng phải thủ sẵn súng và dao trong người, chuẩn bị cho chiến tranh tôn giáo giữa các phe phái bất kì lúc nào cũng có thể xảy ra.

Điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất khi đọc cuốn sách này chính là không có quốc gia nào tên là Palestine cả, gần một ngàn bốn trăm năm trước đây là vùng đất của người Do Thái, sau đó quân Hồi giáo tràn vào chiếm đóng, rồi đến các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức lần mò đến xâm lược rồi chia nhau từng mảng thịt lớn, tách vùng đất này thành năm quốc gia khác nhau. Người Do Thái bị quân phát xít Đức truy cùng đuổi tận, có nhà mà không thể ở, có quê hương mà không dám trở về, tha phương viễn xứ gần hai ngàn năm. Đến ngày họ đường đường chính chính trở về, quốc gia không có, tôn giáo bị chia cắt nên phai mờ, xung quanh ngày xưa là anh em ruột thịt, cùng thờ chung một Thượng Đế, bây giờ lại xem họ như cái gai trong mắt, chỉ chờ cơ hội dội bom diệt sạch. Thương thay cho một dân tộc thông minh lỗi lạc bậc nhất, lại lâm vào hoàn cảnh khốn cùng thế này.

Vậy còn con người ở đây thì sao, nơi vùng đất linh thiêng đến mức niềm tin tôn còn quan trọng hơn tình máu mủ ruột thịt?

Nói đến người Hồi giáo là nói đến những chiến binh cảm tử, sẵn sàng tử vì đạo, những người phụ nữ ra đường phải che mặt, chỉ lộ mỗi cặp mắt. Phụ nữ ở đây đáng thương biết bao, việc nhỏ việc to đến đâu, tất cả đều đặt trên cửa miệng đàn ông, tôi có nghe đâu đó một câu nói đùa thế này: “Trọng nam khinh nữ ở Việt Nam làm sao so bằng Trung Quốc, nhưng mà Trung Quốc còn lâu mới so được với Trung Đông.”

Đến sự thanh cao, trong sạch của cả một dòng họ gia tộc đều dựa vào cái màng trinh mỏng manh của những cô con gái trong nhà mà định đoạt. Màng trinh quyết định tất cả, từ danh dự gia tộc đến danh phẩm của cô gái, thậm chí là tính mạng của họ. Một người con gái mất trinh khi chưa lấy chồng (dù cho họ tự nguyện) nếu để người ngoài biết được thì thà chết đi còn hơn sống mà để gia đình chịu sự ô nhục. Họ còn là công cụ giải tỏa cơn khát tình dục của chiến binh Hồi giáo ngày đêm bận xông pha trận mạc. Nhưng khủng khiếp nhất chính là những người phụ nữ ở đây, việc dâng hiến bản thân cho những người đàn ông xa lạ như thế, từ nhỏ được giáo dục như một hành động cao cả, một sự chứng minh tấm lòng ngoan đạo của họ, nếu họ đồng ý hiến trinh thì chắc chắn sẽ dành được một vé lên… thiên đàng. E hèm! Thế là bao nhiêu phụ nữ hoặc cam chịu ở lại hoặc dũng cảm bỏ xứ ra đi để bảo toàn trinh tiết.

Nhưng không phải cả bức tranh Trung Đông chỉ toàn một màu u ám đến thế. May mắn làm sao, khi xung quanh là bom đạn chiến tranh, là tang thương mất mát, là tầng tầng lớp lớp tôn giáo chồng chéo lên nhau một cách gây gắt và cực đoan, là những xã hội loạn lạc vì vô chính phủ, vẫn còn những câu chuyện cổ tích nên thơ như đất nước Oman. Những ngôi nhà sơn trắng phau phau nép mình bên những dãy núi xanh tươi mơn mởn, những con người hiếu khách đến mức sẵn sàng móc tiền trả cho khách du lịch nếu họ bắt gặp bạn trên đường. Oman dù là bơi trong bể dầu, vẫn tự mình vươn lên, đầu tư mạnh vào giáo dục, đẩy mạnh bình đẳng giới, đưa phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong chính phủ, bảo tồn thiên nhiên, trẻ con được đẫn di dọn rác ở bãi biển sau giờ học, cơ sở vật chất hơn cả châu Âu, đường xá cầu cống thuộc hàng bật nhất thế giới. Tất cả đều nhờ vào một nhà vua đức độ, một nhà độc tài nhân hậu, yêu dân như con, thậm chí ở Oman từng có biểu tình đòi lật đổ chính quyền, nhưng người biểu tình tuyệt đối không đụng đến nhà vua, họ tuyên bố thế này: “Chúng tôi cần một chính phủ mới, nhưng người cầm quyền cứ giữ nguyên như thế.”

Và còn rất nhiều rất nhiều điều bất ngờ khác qua mỗi trang sách mà bạn nhất định phải tự mình trải nghiệm thì mới thấm thía hết được.

Khép quyển sách lại, tôi lại thấm được một bài học mới: “Trên đời không có chuyện gì tuyệt đối, không có ai tốt nhất và cũng không có ai xấu nhất. Chỉ có người tốt nhiều và người tốt ít, người xấu nhiều và người xấu ít” dù cho đó là Trung Đông hay châu Á, châu Âu. Trong biển khói chiến tranh, dù mỗi người dân đêm ngày vẫn đang oằn mình chống lại những điều phi lý và cực đoan trong chính tôn giáo của mình, dù cho bao người phải bỏ xứ mà đi vì bị chính quê hương của mình đuổi đánh, biết bao con người nơi đất khách quê người đánh vật mạng sống đòi lại quyền lợi đáng được hưởng thụ cho dân tộc và tôn giáo mình, những con người Trung Đông thân yêu, tôi biết họ đã mỏi mệt rồi, bởi họ đã chiến đấu vì quê hương của mình không chỉ trong thời đại này mà còn hơn ba ngàn năm trước – chỉ mục đích duy nhất là để khẳng định mình. Có đau thương thế nào, trong tim họ vẫn luôn hướng về một phương, trung thành với tôn giáo của mình, vẫn tin yêu vào tương lai phía trước, sẵn sàng đánh cược và trả giá để lấy lại tín ngưỡng của mình từ tay những kẻ ngoại đạo xâm lăng. Họ chính là những chiến binh dũng cảm nhất và kiên cường nhất trong tim tôi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên