Truyện ngắn Con rắn trắng

Tham gia
14/3/17
Bài viết
25
Gạo
0,0
Chuyện đã xa rồi, xa tới nửa thế kỷ. Gần một đời người, mấy ai còn nhớ, mấy ai còn nhắc nữa.

Làng Kim Liên khi đó tuy nằm bên trong vùng đê quai của Hà Nội, nhưng cũng có thể coi như ngoại thành. Từ tháp Rùa hồ Gươm về tới làng tuy chỉ có 4 cây số, nhưng cũng chẳng mấy ai ra đến đây làm gì. Đình Kim Liên là một trong Tứ trấn của Thành Thăng Long. Con đường Đào Duy Anh kéo dài đến Ô Chợ dừa được mệnh danh là đắt nhất hành tinh ngày nay, khi đó chỉ là những ruộng rau muống nằm ngoài đê quai. Các khu Kim Liên, Trung Tự ngày ấy còn là bãi tha ma, ruộng lúa và đầm rau muống. Dân làng Kim Liên chủ yếu sống về làm ruộng, và đặc biệt là trồng rau muống cung cấp cho cả Hà Nội. Trai làng thì có biệt tài câu bắt cá trộm tại các hồ Bảy mẫu và Ba mẫu. Cá của Hợp tác xã giữa hồ rộng mênh mông mà như cá trong ao của họ. Trong làng đa phần nhà ngói, nhưng vẫn còn nhiều nhà tranh, và hầu như nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng đủ các thứ rau. Nhiều nhà vườn rộng không trồng hết đất, còn để cỏ lác mọc um tùm.

Nhà ông Bá Hường nằm gần hồ Ba Mẫu. Vườn rộng, cây cối um tùm. Gọi là ông Bá, nhưng hình như đó là tên dòng họ chứ không phải chức vị gì liên quan đến chính quyền nhà nước. Cô Huyền là con dâu của ông Bá, mới hai mươi tuổi, đẹp người nhất làng. Cô vừa ở cữ, sinh hạ một đứa bé trai bụ bẫm và kháu khỉnh. Chẳng biết theo lệ gì, cô được ở riêng một gian nhà ngang be bé, trong đó chỉ kê một chiếc giường nhỏ. Có người nhà chăm sóc, nên cô cũng chỉ có việc hàng ngày là ăn, ngủ và cho con bú.

Là gái làng, khỏe mạnh và sinh con so, nên cô Huyền rất nhiều sữa. Chỉ sinh con được một ngày là sữa đã về đầy căng hai bầu ngực của cô. Cô sinh con tại nhà, có bà đỡ bên nhà thương Phủ Doãn sang giúp, nên đã dạy cô những điều tân tiến truyền bá từ sứ Phăng-xe tận bên trời Tây sang. Cô cũng lau rửa sạch sẽ hai bầu ngực bằng khăn mềm, ấm mỗi lần cho con bú, và cũng vắt bỏ phần sữa đầu, sữa cuối. Nếu như bầu sữa của cô chỉ nhiều một chút, mỗi lần vắt bỏ một ít thì không sao. Đằng này cô lại có quá nhiều sữa. Ở thôn quê hay có kiểu cho bú nhờ, bú chực của những người đàn bà có nhiều sữa, cho những đứa trẻ trong làng, mà mẹ chúng mất sữa, hay bố chúng rơi vào cảnh gà trống nuôi con quá sớm.

Cô Huyền đây lại là con dâu ông Bá, kinh tế khá giả nên không làm chuyện đó. Bầu ngực căng quá, đau rức không chịu được nên mỗi lần cho con bú xong, cô Huyền lại phải vắt bỏ đi cả một bát sữa to. Sữa người là có nhiều chất bổ vào hạng nhất và có những kháng sinh tự nhiên rất quý, nhưng trong nhà không ai sử dụng phần sữa dư đó, kể cả chồng cô. Thế là người giúp việc tiện tay đặt cái bát sữa dư xuống đất, cạnh cái chân giường, để đến buổi sau thì đổ đi. Nhưng chỉ một hai lần thì không phải đổ, vì bát sữa cạn hết tự lúc nào. Mọi người nghĩ đơn giản, chắc con chó vện nuôi trong nhà vào uống hết. Ngày nào cũng một hai lần như thế, cả nhà cảm thấy quen và chẳng ai chú ý gì nữa. Chị giúp việc vẫn làm cái phận sự là rửa cái bát đó đều đặn mỗi ngày.

Dần dà đứa trẻ bú nhiều hơn, lượng sữa dư ít dần. Đầu tiên là mỗi ngày chỉ còn vắt bỏ hai lần, mỗi lần nửa bát. Về sau chỉ vắt bỏ mỗi ngày một lần, có nửa bát, và cô Huyền tự tay đặt xuống chân giường.

Hơn một tháng trôi qua. Rồi cũng đến lúc đứa trẻ bú cạn bầu sữa mẹ hàng ngày, không còn sữa dư nữa. Cái bát bị bỏ không dưới chân giường.

Một buổi trưa, cả nhà chợt nghe tiếng đứa trẻ khóc lên ngằn ngặt bên cái nhà ngang. Chị giúp việc chạy sang và kêu lên thất thanh. Cả nhà hoảng hốt chạy lại. Tới cửa, mọi người cùng sững lại trước một cạnh tượng kinh hoàng. Cô Huyền vẫn nằm ngửa trên giường, áo ngực lật tung ra. Một con rắn hổ mang chúa to chưa từng thấy, cỡ trên chục cân, béo trắng, nằm cuộn khúc trên người cô Huyền. Cái miệng của nó há to, hàm răng cắn chặt vào một bên bầu sữa của người thiếu phụ. Một dòng máu lẫn sữa rỉ ra thành dòng chảy từ vệt răng con rắn, loang xuống ngực cô, đang dần khô. Cô Huyền đã chết. Đứa trẻ vẫn đang vừa khóc vừa quờ quạng bên mẹ nó, bên con rắn mà chẳng hay biết gì.

Con rằn như vẫn đang no, đang say. Người ta đễ dàng đập chết con rắn và kéo nó ra khỏi cơ thể vẫn còn hơi ấm của cô Huyền. Tại vết rắn cắn, cả bầu ngực sưng to, tím bầm.

Hóa ra những bát sữa dư của cô Huyền vắt ra không phải do con chó vện trong nhà uống hết, mà do một con rắn hổ mang chúa trong vườn nhà bò qua phát hiện được đã uống hết. Nó bò vào uống đã thành lệ, thành thói quen, thành ham thích. Chất bổ trong bát sữa người làm cho con rắn béo trắng ra. Cứ quen lệ như thế cho đến khi bát sữa ít dần, rồi không còn nữa. Giữa buổi trưa hè, khi mẹ con cô Huyền đang ngủ, con rằn đã theo mùi thơm của sữa mà bò lên người cô Huyền. Nó cắn vào bầu ngực của cô để mút sữa và tiết luôn nọc độc làm chết cô.

*

Chuyện về con rắn trắng được dân làng Kim Liên đồn đại nhiều năm. Rất nhiều người sợ hãi. Sợ, rồi người ta đồn rằng đó là con rắn thần. Đồn như thế nhưng cũng chẳng ai cúng tế.

Được ít năm, ông Bá Hường mất. Những người con ông cũng bán đất bỏ làng đi đâu không rõ. Cái mảnh đất ấy trong khoảng hai chục năm gần đây được mua đi bán lại nhiều lần. Cuối cùng, có những người giàu mới phất lên trong thời kỳ đổi mới, từ nơi khác kéo đến tậu lại. Họ xây lên nhiều căn nhà cao tầng quay ra hồ Ba Mẫu.

Câu chuyện con rắn trắng rồi không còn được ai biết hay nhắc đến nữa. Nó đã chìm vào quên lãng.
 
Bên trên