BÀI THAM GIA TRÒ CHƠI "CẢM SÁCH THEO CÁCH CỦA TÔI" - SỐ 1/2015
Người viết Phương Linh Nhi - Thành viên đội bị thách đố
Tiêu đề bài viết: Sự trải nghiệm về những cảm xúc li kì
(Nguồn Internet)
Bạn có tin vào những điều mang tính ngẫu nhiên luôn có trong cuộc sống không? Ví như mơ một giấc mơ về người bạn mà ta vô tình gặp lại, đến một nơi mà ta đã từng gặp đâu đó trong tiềm thức hoặc lựa chọn một điều trùng hợp với những gì sẽ xảy ra ở tương lai? Nhiều người cho rằng đó là sắp đặt kỳ diệu của bộ não. Một khi ta thật sự lưu tâm đến hay nghĩ về, ta sẽ “gặp (lại) nó” đâu đó, trước hoặc sau sự kiện. Riêng tôi, tôi vẫn muốn cuộc sống có một chút lãng mạn, một chút bất ngờ, một chút bí ẩn nên tôi đơn giản nghĩ rằng đó là sự trải nghiệm về cảm xúc ly kỳ. Giống như cách mà tôi đã “tìm được” Đảo Giấu Vàng ngay trước hôm nhận lời tham gia Game “Cảm nghĩ theo cách của tôi” trên Gác Sách.Người viết Phương Linh Nhi - Thành viên đội bị thách đố
Tiêu đề bài viết: Sự trải nghiệm về những cảm xúc li kì
![m4fIEE8.jpg](/proxy.php?image=http%3A%2F%2Fi.imgur.com%2Fm4fIEE8.jpg&hash=aa893b473aa4013ec3f02dc8c3f2e0e7)
(Nguồn Internet)
Hôm đó – tức là hôm trước cuộc thi - tôi soạn lại đống sách giáo khoa lớp bốn của tôi cho thằng em nhà kế bên và vô tình lật quyển Tiếng Việt lớp bốn ra, không hiểu sao tôi lại giở đúng trang tập đọc “Khuất phục tên cướp biển” – Trích đoạn “Đảo Giấu vàng” của nhà văn Robert Louis Stevenson (1850 – 1894). Một đoạn trích thú vị! Đọc xong, tôi mỉm cười rồi dọn sách. Thế nhưng hôm sau, khi đội bạn đưa ra lời thách đấu và một trong ba cuốn đưa ra chính là “Đảo Giấu vàng” thì tôi đã sững sờ. Sau đó, một nguồn cảm hứng gần như bùng nổ. Tôi hối hả tìm lại sách, đọc lại và để cảm xúc của mình trôi theo từng trang trong cuốn tiểu thuyết viết cho thiếu nhi này.
Xoay quanh câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm về cuộc tìm kiếm kho báu của cậu bé Jim Hawkin thông minh gan dạ cùng với bác sĩ Lee Livesey chính trực và ông John Trelawney tốt bụng, nhà văn Robert Louis Stevenson đã khắc họa được từng sự diễn biến tâm lí của Jim thật rõ nét. Câu chuyện phiêu lưu pha thêm chút sắc màu cổ tích về một hòn đảo đâu đó ngoài khơi xa có cất giữ cả một kho vàng, về bọn cướp biển gian xảo hung ác thường hát nhưng câu vô nghĩa “... mười lăm thằng trên hòm người chết, ý à ỳ à ỳ à...”, về cậu bé Jim nhanh trí và dũng cảm hay những con người thiện lương như bác sĩ Li, ông Tre đã nhắc lại cho tôi một thế giới tuổi thơ luôn được mơ ước làm anh hùng trừ gian diệt bạo.
Có một sự thú vị mà tôi nhận ra khi gấp lại những trang sách sau cùng. Ấy là tính chất “giáo dục” về thái độ sống của trẻ em được lồng ghép rất tự nhiên, không hề gượng ép thông qua nhân vật Jim khi mô tả chú bé này tuy còn nhỏ tuổi nhưng rất có bản lĩnh, sống có trách nhiệm và còn có những xử lí rất thông minh. Và thêm một điểm sáng nữa, đó là dù trong sách có những đoạn kịch tính nhưng được tác giả bằng tài năng tuyệt vời của ông “hóa phép” để diễn ra khá nhanh, đơn giản, không quá bạo lực và hoàn toàn thuyết phục được người đọc. Tôi tin chắc là không chỉ có “bọn trẻ con” vừa tò mò, vừa mơ mộng như “tôi hồi nhỏ” hay như lứa tuổi “Ai thông minh hơn học sinh lớp năm” bây giờ mà với cả những bạn “nhỡ nhỡ tuổi teen” hay chọn đọc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc giống tôi cũng sẽ yêu thích. Ví như đoạn mô tả cuộc chạy trốn đầy may mắn của Jim trong thùng tàu cướp biển xảy ra thế này:
“- Thôi! Ăn lê làm quái gì! Lấy cốc "rum" cho nó đỡ nhạt mồm. Tên Xin-ve bảo:
- Đích! Cái chìa khóa đây. Anh đến chỗ thùng rượu mà lấy. Nhớ đừng quên khóa.
Tuy run sợ, nhưng tôi vẫn nhớ ngay đến viên thuyền phó. ông ta đã bỏ mạng vì cái thìa khóa hầm rượu này. Khi tên Đích mang rượu đến thì một tia sáng rọi vào thùng chỗ tôi ngồi. Tôi ngẩng lên: trăng đã mọc lấp loáng trên đầu cột buồm sau và chiếu trắng cánh buồm. Ngay lúc ấy, nguời gác chòi kêu to:
-Đất liền kia rồi!
Mọi người rầm rập chạy lên boong. Tôi vội chui ra khỏi thùng lê, lẩn sau cột buồm rồi đi vòng lại.” [1]
Những câu chuyện về cướp biển trong các đoạn khác cũng rất ly kỳ. Phần hấp dẫn nhất của tác phẩm là trận chiến đấu ở phần cuối. Khi đọc đoạn đó, cảm giác của tôi rất hồi hộp không biết kết quả cuối cùng sẽ như thế nào. Cái cảm giác đọc truyện phiêu lưu rất thích là ở chỗ bạn có thể tự hình dung, tưởng tượng ra những tình tiết, diễn biến trong truyện.
Điều đặc biệt ở câu truyện này nữa là từ đoạn đầu đến cuối câu chuyện chỉ xuất hiện một người phụ nữ là mẹ của Jim. Khi tìm hiểu sâu hơn về Đảo Giấu vàng, tôi ngạc nhiên phát hiện lý do của sự “thiếu vắng phụ nữ” ấy là do Lloyd – con trai của nhà văn Stevenson khăng khăng đòi “không có phụ nữ trong truyện”. Vì con, tác giả đã để mẹ của cậu bé Jim xuất hiện thật nhanh ở chương đầu, song chỉ cần xuất hiện có vài đoạn ngắn ngủi nhưng Stevenson đã xây dựng nhân vật mẹ Jim thành một người mẹ hết lòng yêu thương con trai và luôn có bản tính thiện lương trong tâm hồn. Cứ nhìn cách bà chỉ lấy đủ số tiền mà tên chúa tàu Billy đã nợ quán cơm của họ hay như khi bà chấp nhận hy sinh để Jim được sống, tôi không khỏi xúc động.
“Thốt nhiên mẹ tôi quỵ xuống nói như giối giăng:
-Con ơi! Cầm lấy tiền mà chạy đi thôi. Mẹ đuối sức rồi, không bước được nữa.
May sao đã đến gần cầu. Trong gian nguy, sức tôi khỏe lên gấp bội. Tôi xốc nách, dìu mẹ tôi men theo bờ lạch, đến mãi dưới gầm cầu. Mẹ tôi thở hắt một tiếng rồi nằm vật ra. Chúng tôi chỉ cách hàng cơm một quãng ngắn.”[2]
Sự góp mặt của mẹ Jim không chỉ làm đẹp thêm tình mẫu tử mà còn tô đậm thêm cho nhân vật Jim một đức tính tốt đẹp nữa là rất thương yêu, hiếu thảo với mẹ.
Tôi có một chút băn khoăn khi đọc cuốn sách này, đó là phần từ ngữ trong truyện, hay nói đúng hơn là những lời nói của mấy tên cướp biển đầy sự tục tĩu. Tôi không biết nếu bỏ đi hoặc chỉnh sửa lại lối đối thoại thì có phù hợp hơn cho trẻ em không? Có phải bắt buộc giữ lại những lời thoại đó để bọn trẻ có ấn tượng “khủng khiếp” về lũ cướp biển tàn bạo không hay nếu viết lại một lời thoại khác thì câu chuyện của cậu bé Jim trên đảo giấu vàng có còn hấp dẫn không? Nhưng nói gì thì nói, Đảo Giấu Vàng là một thiểu thuyết tuyệt vời không chỉ dành cho thiếu nhi mà ngay cả những người lớn ưa thích phiêu lưu mạo hiểm chắc chắn cũng sẽ rất phấn khích khi đọc nó bởi sự “trải nghiệm cảm xúc ly kỳ” của nó trải dài và đều từ đầu chương cho đến giây phút cuối cùng.
- Phương Linh Nhi -
_______
Ghi chú:
“Đảo giấu vàng” là tiểu thuyết của nhà văn Robert Louis Stevenson (1850 – 1894) người Scotlan. “Đảo giấu vàng” được Steveson sáng tác khi ông 30 tuổi vào mùa hè năm 1881 khi cùng gia đình nghỉ hè tại Braema (cao nguyên Scotland) cùng với năm thành viên khác trong gia đình. Đó là thời điểm lạnh lẽo và nhiều mưa. Khi xem bức tranh vẽ một hòn đảo màu nước của Lloyd Osbourne (con riêng của vợ Stevenson), Stevenson đã có ý tưởng về một hòn đảo chứa châu báu của cướp biển. Stevenson nói chính vợ và con ông là những người đã đem đến cho ông nghị lực và cảm hứng viết văn. Ngoài viết tiểu thuyết, Stevenson còn được nhiều người mến phục về tinh thần chống lại bệnh tật với sự vui vẻ và lòng can đảm của ông.
[1] Trích đoạn Jim chốn trong thùng lê, chương 9.
[2] Trích đoạn chương 4.