BÀI THAM GIA TRÒ CHƠI "CẢM SÁCH THEO CÁCH CỦA TÔI" - SỐ 1/2015
Người viết vivian.nguyen - Thành viên đội bị thách đố
Tiêu đề bài viết: Đặt tầm nhìn thật thấp, thả trí tưởng tượng bay cao và bài học về cuộc sống
***
Tôi đến với Đồi thỏ trong tư thế đầy thụ động và lắm băn khoăn: tác phẩm đạt nhiều giải thưởng lớn, thể loại văn học không hợp gu, số lượng trang sách không hề ít, nội dung và hàm ý truyện khá rộng,... Những điều này khiến tôi gặp khó khăn ít nhiều khi viết bài cảm nhận, bởi thật sự tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Mãi cho tới lúc chiều muộn hôm nay, khi tôi nằm dài dưới giàn mai hoàng yến đang rộ hoa vàng rực - chính khoảnh khắc đặt tầm nhìn từ vị trí thấp thật thấp ấy, tôi chợt phát hiện ra giàn hoa vàng rộm kia không lòa xòa như tôi vẫn tưởng còn bầu trời cao lại thêm cao. Vậy là tôi bật cười. Phải rồi, sao cứ phải đi tìm những cảm hứng cao siêu xa xôi khó nắm bắt nhỉ? Hãy cứ thành thật và bắt đầu bằng những xúc cảm đơn thuần tự nhiên nhất - giống như cách mà Richard Adams đã dẫn chúng ta vào câu chuyện: cứ đặt tầm nhìn thật thấp và thả trí tưởng tượng bay thật cao.Người viết vivian.nguyen - Thành viên đội bị thách đố
Tiêu đề bài viết: Đặt tầm nhìn thật thấp, thả trí tưởng tượng bay cao và bài học về cuộc sống
***
Đồi thỏ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên nơi vùng đất của thỏ: vùng đất trống sát bìa rừng, nơi có những bụi mâm xôi rậm rạp, những cụm hoa anh thảo đang tàn xen kẽ vô số loại cây với muôn hình muôn vẻ. Tôi vẫn biết khi đến với một cuốn sách thiếu nhi như Đồi thỏ mà mang “thủ pháp xây dựng nhân vật diệu kỳ” hay “bút pháp tả cảnh độc đáo” của Richard Adam ra để cảm nhận như một người trưởng thành thì thật khô cứng nhưng tôi không khỏi cảm thấy mê mẩn khi “nhìn” ông miêu tả thiên nhiên. Ông tự đặt mình vào vị trí của một chú thỏ thực sự: giương đôi mắt ngắm nhìn thế giới từ tầm nhìn có vị trí thật thấp rồi cảm nhận thiên nhiên bằng bản năng và cả trái tim. Bởi vậy, thiên nhiên trong Đồi thỏ hiện lên vừa thân thuộc, mới mẻ vừa vô cùng sống động: mỗi gốc cây, mỗi lùm cỏ dường như ẩn giấu trong mình cả một thế giới sực nức hương vị của cuộc sống, và từ những thứ nhỏ bé vụn vặt tồn tại trong câm lặng ấy sự sống lặng lẽ đâm chồi. Thủ pháp “miêu tả từ góc cảm nhận của một chú thỏ” xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, tạo nên một không gian truyện đặc sắc: vạn vật xung quanh trở nên cao lớn hơn, rộng rãi hơn, nhiều mùi vị hơn, âm thanh sắc rõ hơn. Không gian truyện đầy mê hoặc ấy vừa thu hút choán đầy tâm trí độc giả vừa gợi mở thông điệp mà khi thường ta như đã lãng quên: tự nhiên là cái nôi của cuộc sống, điều vĩ đại nào cũng khởi điểm từ những tồn tại nhỏ bé quanh mình. Nhà văn Nicholas Tucker còn nhận xét rằng qua Đồi thỏ bạn đọc có thể thấy được“tình yêu và hiểu biết của tác giả về chim chóc, cỏ cây, côn trùng. Ông biến một vùng quê nho nhỏ thành cả một vũ trụ đầy xúc động.” Và, chính trong không gian truyện đầy thú vị này Richard Adams đã tạo nên một câu chuyện tuyệt vời.
Xuyên suốt tác phẩm là cuộc di cư đầy tính phiêu lưu của bầy thỏ. Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ cánh đồng thỏ Sandlefort, từ những chú thỏ non ở “vùng ngoài”, lũ thỏ dám tin tưởng vào linh cảm về hiểm họa của Thứ Năm: chúng dũng cảm rời bỏ cánh đồng thỏ, dứt khoát ào ra thế giới bên ngoài hòng kiếm tìm vùng đất an lành để bắt đầu cuộc sống mới. Từ đó, thiên anh hùng ca về hành trình gian khổ của những chú thỏ vùng Sandlefort bắt đầu. Dưới sự chỉ đạo của Cây Phỉ cùng linh cảm của Thứ Năm nhỏ bé, bầy thỏ vượt qua không biết bao nhiêu thử thách khó khăn: từ cánh đồng thỏ “nhân tạo” của bọn Anh Thảo Vàng, cuộc chạm trán mòng biển Kehaar, rồi thử thách tìm thỏ cái ở trang trại Nuthanger và Efrafa, cuộc đối mặt với Thống Soái Hoắc Hương, với con người, v.v… Chính trong những lần vật lộn sinh tử ấy, những phẩm chất tuyệt đẹp của mỗi chú thỏ đều được phô bày: tình yêu thương, sự đoàn kết, lòng dũng cảm,… Và cũng bởi vậy, không ít lần tôi đọc sách mà nghe trong lòng khẽ cựa âm thanh của những xúc cảm khó diễn đạt thành lời. Sức hút khó cưỡng từ lối dẫn dắt tài tình của Richard Adams chính là tác nhân khiến độc giả nhập tâm vào từng tình tiết truyện, để rồi đến hồi cuối cùng, khi một cánh đồng thỏ mới an bình thịnh vượng mọc lên trên ngọn đồi Waterdown Ship, tôi không tránh khỏi vừa xúc động, vừa vui mừng, như một đứa trẻ hoài niệm về những chuyến phiêu lưu đồng hành cùng bầy thỏ trong tâm tưởng.
Thêm một điểm độc đáo trong tác phẩm này là những câu chuyện cổ về tổ tiên loài thỏ - hoàng tử có ngàn kẻ thù El-Ahraihah - được kể xen giữa cuộc hành trình của bầy thỏ. Những câu chuyện cổ này được kể bằng giọng dí dỏm, hóm hỉnh hệt như nét nhấn nhá khiến mạch truyện trở nên tươi vui, mới mẻ. Và, cũng như những câu chuyện cổ loài người, truyện cổ tích của loài thỏ cũng như một kho báu vô tận về cách sống, cách nghĩ như con cháu của El-Ahraihah, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho bầy thỏ tiếp tục lên đường kiếm tìm vùng đất mới.
“Đôi khi ta để cho mình nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn nếu ta có thể đến được nơi nào đó hoặc làm được việc nào đó. Nhưng khi đạt được điều đó rồi mới thấy mọi việc không đơn giản như vậy.”
“Loài vật không cư xử như con người. Nếu phải đánh nhau chúng sẽ đánh, nếu phải giết chúng sẽ giết. Nhưng chúng không không ngồi lại với nhau, dùng trí khôn của mình để nghĩ ra những cách thức khác nhau hòng huỷ hoại cuộc sống hoặc làm tổn thương những sinh vật khác. Chúng có lòng tự trọng và tính thú.”
“Nhiều người nói rằng họ thích mùa đông, nhưng thực ra cái mà họ thích là cảm giác mình có thể chống lại mùa đông lạnh giá ấy. Với họ, thức ăn trong mùa đông không thành vấn đề. Họ có bếp lửa và quần áo ấm. Mùa đông không thể làm hại họ và vì thế chỉ làm tăng cảm nhận của họ về sự khôn ngoan và an toàn. Với chim chóc, muông thú và cả những người nghèo, mùa đông lại là cả một vấn đề.”
“Loài người sẽ không bao giờ dừng lại cho tới khi họ làm ô nhiễm cả trái đất và huỷ hoại các loài động vật.”
Rõ ràng Richard Adams hướng tới mục tiêu rất lớn, lớn hơn một cánh đồng thỏ rất nhiều. Trải suốt tác phẩm, tôi luôn tìm thấy những tư tưởng, những suy nghĩ, những trăn trở về cuộc sống ẩn sau từng con chữ. Và chính điều ấy khiến tôi không thể không ngồi lặng mà chìm vào những nghĩ suy. Câu chuyện về hành trình đi tìm vùng đất mới của bầy thỏ sao giống như hành trình trưởng thành nên có ở mỗi người: can đảm đối diện với những nguy cơ thách thức, không chấp nhận lối sống hèn nhát, ù lì, mộng mị trong sung túc giả tạo mà lãng quên, phủ định bản ngã của chính mình.
Có thể bạn sẽ e ngại Đồi thỏ dường như hơi “quá lớn” đối với dòng sách thiếu nhi nhưng tôi nghĩ Richard Adams có lí do của mình khi viết tác phẩm đồ sộ như vậy. Tùy theo lứa tuổi, các độc giả nhỏ sẽ đọc và cảm nhận những khía cạnh khác nhau. Có thể ban đầu các em chỉ say mê với những cuộc chiến chinh của bầy thỏ hay những câu chuyện cổ về hoàng tử với ngàn kẻ thủ; nhưng lớn dần lên, các em sẽ dần hiểu và bắt kịp ý nghĩa sau từng mẩu chuyện, và như thế, giống một cách định hình trong tiềm thức - như bầy thỏ trong câu chuyện - suy nghĩ của các em sẽ trưởng thành.
Vivian Nguyễn