Tôi, một cô gái 22, luôn nhìn đời bằng ánh mắt màu hồng, lòng chẳng vương chút bụi trần, không ưu tư, không đắn đo tương lai. Bởi luôn nghĩ “Khi Thượng Đế đóng cánh cửa này lại, Ngài sẽ lại mở ra một cánh cửa khác cho ta.”
Nhưng, tôi của 23 đã không thể nghĩ thế được nữa. Hôm bước từ bệnh viện ra, ngồi uống pepsi ở quán nước ven đường, bật khóc nức nở như một đứa trẻ, lòng thầm oán ông trời bất công.
Tôi, một người bình thường cũng sợ chết như bao con người khác khi đối mặt với sinh lão bệnh tử. Bao nhiêu câu hỏi cứ vòng quanh đầu tôi, ba năm là thời gian dài đến thế nào chứ? Tái phát là cái khái niệm quỷ quái gì? Nguy cơ chuyển thành viêm gan khi uống thuốc là cái gì? Biến chứng khi tái phát là biến chứng gì? Suy tim? Có chết không?
Một bà lão đầu cạo trọc, mặc một bộ đồ ở nhà đã ngả màu thời gian chìa chiếc thố nhựa ra. “Con cho già xin miếng nước uống.” – Nói rồi chỉ tay vào chai pepsi còn nguyên vẹn trên bàn.
Tôi nhìn bà lão ấy bằng ánh mắt lạ lẫm, có lẽ cuộc đời bà đã trải qua nhiều thăng trầm, vết chân chim chạy dài khóe mắt người phụ nữ luống tuổi ấy.
“Dạ, con gửi bà.” – Tôi dùng hai tay chìa chai nước ra cho bà cụ. Bà ấy mỉm cười cám ơn tôi, một cách thật lòng nhất.
Tôi chợt nhận ra, một người phụ nữ với hình dáng như thế, loanh quanh bệnh viện Ung – Bướu, có lẽ bà ấy bị ung thư. Lúc ấy mới chợt nhận ra rằng, tôi có lý do để ngồi khóc nãy giờ sao? Bao nhiêu con người còn bị bệnh tật dày vò hơn tôi nhiều, còn khổ sở vì miếng cơm manh áo thì tôi lấy tư cách gì nói cuộc đời không công bằng. Cũng chỉ là một cái bướu độc thôi mà, chẳng chết được. Bỗng mỉm cười theo bà cụ, bà ấy vướng căn bệnh như thế còn mỉm cười lạc quan, tại sao tôi không thể chứ.
Tôi, một cô gái trước 23, chỉ nghĩ đơn giản rằng, khi đối xử tốt với một người, người ấy sẽ lại đối xử tốt với ta. Nhưng tôi của 23 mới nhận ra rằng, không có định luật cân bằng trong vấn đề đối nhân xử thế, bởi lòng người nông sâu khác nhau. Tôi giúp chị ấy những lúc chị ấy nhờ vả chỉ để đổi lấy một câu nói khi tôi sốt 40 độ không lết ra khỏi giường được: “Mệt mày, chiều về tao chở mẹ đi siêu thị rồi, không đổi ca được đâu. Mày vô làm đi, sốt có tí, ăn thua gì.” Thế đấy, miệng ngày nào cũng niệm kinh không có nghĩa là họ sẵn sàng bỏ ra mà không suy tính thiệt hơn. Chị trong công ty bảo, thôi em đừng khóc vì loại người ấy, không đáng. Phải, không đáng, thế nhưng cũng có lúc chị ấy cũng phải khóc vì sự quá đáng của một người không đáng ấy. Lòng lại nguội thêm một ít.
Tôi thôi nghĩ rằng cuộc đời luôn màu hồng, nhưng không có nghĩa tôi nhìn đời màu đen.
Tôi, 24, vẫn cười, nụ cười rất thật lòng, chỉ là ít đi mà thôi. Vẫn lạc quan, nhìn số thuốc trong hộp ngày một ít đi lại nghĩ rằng, mình chỉ cách ngày khỏi bệnh một khoảng cách rất gần. Vì ít ra tôi còn có gia đình ở bên, bảo bọc che chở.
“Cứ cố gắng, cho đến khi mệt mỏi quá không thể tiếp tục thì về đây, bố nuôi. Một hai tháng, một năm bố đều nuôi được cả.”
Nước mắt lại lặng thầm lăn dài, nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Nỗ lực lên, mạnh mẽ lên tôi ơi, rồi hôm nay sẽ qua, ngày mai sẽ đến, bình yên hơn.
Viết cho tháng ngày không bao giờ trở lại,
Thu Dương.
Thu Dương.