Chương 2: Hikikomori vĩ đại.
Tôi cố lết người vào trong bếp để làm một món gì đó thật ngon, nguồn năng lượng dinh dưỡng cần thiết là điều tối quan trọng để một hikikomori tồn tại khỏe mạnh, hay ít nhất là tôi nghĩ như vậy.
Own, tủ lạnh hết thức ăn rồi. Thứ duy nhất còn lại là mấy bình nước lạnh và vài gói mì trong ngăn bếp.
Hoặc tôi đã nhầm.
Cả mì gói cũng hết sạch.
Mà nghĩ lại cũng đã một tháng rồi tôi chưa đi mua thêm thức ăn dự trữ. Lũ thức ăn không thể tự nhân bản lên được nên việc chúng hết sạch cũng chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Lôi chiếc ví đã tróc da từ túi phải ra, tôi lẩm bẩm mấy câu trong đầu “cầu cho trong ví vẫn còn tiền, lạy đức thánh allah” rồi cố hết sức mở toang ta, đôi mắt như muốn híp lại hết cỡ.
Tuyệt.
Tôi thắng rồi, trong túi vẫn còn tận mười ngàn yên.
Mà thánh allah là ai ấy nhỉ? Thôi kệ. Dù sao vẫn tạ ơn ngài.
Tuy đã có tiền nhưng tôi không vội chút nào, thời cơ duy nhất là lúc trời tối, và chỉ khi ánh mặt trời dần khuất bóng nhường chỗ cho sự vĩnh hằng của bóng đêm thì tôi mới có thể ra đường.
Như đã nói ở trên, tôi là một người bị xã hội ruồng bỏ. Không có lý do gì để một kẻ như tôi lại ra đường vào ban ngày cả. Ban đêm là thời điểm cho các thế lực tà ác trỗi dậy, và tôi sẽ hưởng ké nó.
Vì cái niềm tin mù quáng vào bóng đêm nên từ sáng đến chiều, tôi chỉ ngồi và chơi MMORPG (game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi), một thể loại game khá hot hiện nay. Những khi nào thấy đói thì tôi lại tu chai nước bên cạnh vào miệng.
Cuối cùng thì thời điểm ánh sáng bị bóng tối đá đít đã đến, tôi chờ đợi nó lâu lắm rồi, cái khoảng khắc tuyệt vời này. Ôi...
Ngụy trang cho cơ thể bằng một cái áo khoác chùm hết cả đầu và cặp kính râm, đến khi không còn nhận ra mình trong gương là ai thì tôi mới yên tâm rời khỏi nhà. Bởi lẽ chẳng ai muốn chịu những lời châm chọc kiểu như “Nhìn kìn, hắn là một tên hikikomori đấy. Cá là hắn chịu hết nổi rồi nên mới lết ra đường đây. Kinh tởm thật.” hay “Tên ăn hại hikikomori lại ra đường nữa rồi, xem cái mùi mà hắn phát ra kìa.”
À, tất nhiên họ sẽ không nói thẳng ra ngoài đâu, vì đây vốn là một cái xã hội đầy sự giả tạo và hai mặt mà. Cô nhân viên thu ngân trong siêu thị sẽ niềm nở trả lời các câu hỏi của một vị khách hàng khó tính, nhưng chắc chắn là cô ta sẽ dùng cả giờ giải lao để phàn nàn về vị khách hàng đó. Đây là điều không thể tránh khỏi.
Ban đêm vắng vẻ thật, thứ duy nhất đồng hành cùng tôi là ánh đèn đường màu xanh ở phía trên và mặt đất ở phía dưới.
Tôi vừa đi vừa suy nghĩ xem bản thân sẽ phản ứng thế nào nếu tình cờ bị một tên cơ bắp cuồn cuộn, mang chiếc mặt nạ bằng sắt, còn trên tay vung vẩy cây gậy bóng chạy chặn lại. Chạy nhanh hết mức có thể sao? Không, đằng nào thì một kẻ yếu ớt như tôi cũng sẽ bị hắn túm được thôi, vậy thà đứng yên một chỗ còn hơn.
Hay là lao vào quyết chiến với hắn? Thế lại càng viễn vông. Rồi hắn sẽ cho tôi một hit vào đầu và tiễn tôi lên thiên đường trong nháy mắt.
Vậy cách duy nhất tôi – một kẻ ăn hại không có sức kháng cự làm được là đứng yên một chỗ và hét lên “Ta là một hikikomori vĩ đại, vậy nên hãy giải quyết nhanh gọn nào hỡi người anh em.”
Trên đường đi tôi cũng có gặp một vài người khác nữa, đa phần là nhân viên văn phòng và học sinh trung học. Ánh mắt họ nhìn tôi mang theo vẻ dè dặt và tất cả đều cố gắng vượt qua tôi nhanh nhất có thể. Tốt thôi, không thể trông đợi điều gì khi là một hikikomori.
- Thằng bé thế nào rồi?
- Có vẻ đang gặp nguy kịch.
- Tội nghiệp cho đứa bé, phải chịu hành hạ của người cha nghiện rượu.
Đang yên tĩnh thì bỗng có tiếng ồn ào ở phía trước. Từ những gì họ nói, có thể đoán ra được đây là một vụ bạo lực gia đình. Việc này không hiếm trong đất nước Nhật Bản nói chung hay thế giới nói riêng. Mà nguyên nhân dễ dẫn một người vào cảnh bạo lực gia đình nhất chính là do sức ép từ xã hội. Bọn xã hội khốn kiếp.
Nhìn bọn chúng kìa, liên tục nói mấy lời hay ho hoa mỹ trong khi chả tên nào thèm kêu cứu thương hay lại gần xem tình trạng của đứa bé. Rặt một lũ đạo đức giả, đi chết hết đi.
Đây là cái gọi là sự khuếch tán vô trách nhiệm. Điều này xảy ra khi những người quan sát cho rằng sẽ có ai đó can thiệp, vì vậy mỗi cá nhân cảm thấy ít có trách nhiệm hơn và hạn chế can thiệp. Nếu cứ để như vậy thì có lẽ cuối cùng thằng bé sẽ nằm bẹp dí tới sáng thôi.
“Chết tiệt, ai bảo mình là một hikikomori vĩ đại cơ chứ.” Tôi gào lên trong đầu rồi chạy lại đẩy những người đang đứng quan sát ra, tiến vào rồi bế đứa bé lên.
- Khoan đã. Anh định đưa nó đi đâu?
- “Tới bệnh viện” tôi trả lời cộc lốc.
- Không được. Chúng ta hãy đợi xe cứu thương đến đi.
- Thế cơ đấy. Tránh raaaa.
Tôi bế nó theo kiểu nằm ngang và chạy đi, chạy nhanh hết mức có thể. Mặc cho những ánh nhìn soi mói của người đi đường, tôi vẫn tiếp tục chạy. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình lại dũng cảm như thế. Tôi không nhớ mình đã bị vấp té mấy lần, cả thằng bé cũng bị rơi xuống đất. Rồi tôi lại bế nó lên và chạy, như muốn rời xa khỏi cái thế giới này.
Tôi đã khóc.