Cảm nhận Cuối năm, nghĩ về "Người về bét" của Macxen Aymê và những cái "bét" trong cuộc đời

CF-S

Gà cận
☆☆☆
Tham gia
23/10/14
Bài viết
314
Gạo
1.500,0
"The difference between ordinary and extraordinary is that little extra."
-Sự khác biệt giữa cái bình thường và cái phi thường chỉ là một chút xíu cố gắng đó thôi -
Jimmy Johnson

Những dòng chữ in nghiêng và cái tựa “Cố thêm chút nữa” là tôi tạm dịch từ câu nói của Jimmy Johnson và clip The Extra Degree xem trên youtube.

Vâng, ở nhiệt độ 211 độ F thì nước nóng nhưng thêm một độ thôi, 212 độ - nước sôi.

Nước nóng thì tốt, nhưng chỉ là nước nóng. Còn nước sôi sẽ tạo ra hơi nước.

Hơi nước có thể cung cấp năng lượng cho cả một đầu máy.

Đầu máy chạy thì guồng quay mới sẽ hình thành. Chỉ một độ chênh lệch mà tạo ra mọi sự khác biệt. Chỉ thêm một độ mà chuyện bình thường biến thành vĩ đại.

Thông điệp của “The extra degree” rõ ràng là hay, rất hay. Trừ một vài ngoại lệ, còn thì ai chẳng muốn làm người thành công. Ai chẳng muốn sau một năm, hay sau một chặng đường; nhìn lại và mỉm cười thấy mình đã-tiến-thêm-một-bước. Nhưng trong cuộc đời dài, mỏi mệt và đầy biến động này, để sống được, sống bình thường thôi cũng đủ vất vả lắm rồi, liệu người ta có còn niềm tin và sự kiên trì để dấn thân thêm chút nữa cho “1 độ” đó thăng hoa không?

le-tour-de-france-02.jpg

(Hình: Internet)

Tôi từng đọc một entry rất hay ở blog của một người chị trên BTV nói về câu chuyện “Người về bét” của Macxen Aymê do Phùng Văn Tửu dịch. Macxen Aymê là một nhà văn người Pháp, nếu ai từng yêu thích “Người đi xuyên tường” chắc sẽ biết đến ông.

Chuyện kể rằng có một tay đua xe đạp tên là Mactanh chuyên đua về… bét. Bao giờ cũng vậy, Mactanh luôn là người về sau cùng trong các cuộc đua, đến nổi cái áo may-ô màu xanh lam rất dịu mang hình nhánh hồng hoang dại đính trên ngực trái của anh trở thành biểu tượng gây cười, châm chọc cho người cổ vũ. Chỉ cần thấy anh đạp say sưa như người về nhất là mọi người ồ lên chế nhạo.

- Kìa, Mactanh có vẻ to khỏe ra. Thế thì càng hay. Lần này anh ta sẽ tới đích ở Tua, lần này anh sẽ tới đích ở giữa tốp.

- Ê! Mactanh kìa! Chính anh ta là người về nhất tính từ cuối tính đi!

Không biết Mactanh có hiểu những câu nói độc địa ấy dành cho anh không khi họ cười, anh cũng cười. Chỉ cười thôi, rồi anh lại gò lưng trên ghi đông, hàm nghiến chặt, đạp xe kiên cường từ Borđô đến Orlêăng, hoặc đâu đó từ Đoongkec đến Macxây hoặc ở Secbua. Năm này qua năm khác, mùa giải này qua mùa giải khác, anh ta chỉ biết có một việc đạp và đạp. Với người khác, có lẽ cuộc đua đã khép lại từ lâu, nhưng với Mactanh, tất cả như vừa mới bắt đầu hôm qua nên kết thúc cuộc đua trước là anh ghi tên mình vào tiếp cuộc đua sau. Trong anh, chưa bao giờ thôi hy vọng về nhất.

Tóc anh bạc dần, lưng anh còng xuống, tuổi tác chẳng còn nhớ rõ, gia đình mờ mịt sau lưng. Nhưng… như bất kỳ một người nào khác sống có lý tưởng trên đời này, anh miệt mài cố thêm một chút, rướn thêm một chút chờ đợi khoảnh khắc “1 độ” của mình nở bung thành sự phi thường. Dường như anh chẳng còn để ý đến xung quanh, cũng chẳng còn nhớ rằng mình là người luôn về bét, thậm chí, không biết mỗi ngày qua đi, mình đang về chậm hơn trước hai, ba lần!

Một ngày hè, trên đỉnh dốc Orlêăng quen thuộc, xe Mactanh bị xẹp lốp nên anh phải dừng xe nhảy xuống thay săm. Đang lúi húi bên vệ đường thì có hai người đàn bà một già một trẻ bế đứa bé lại gần anh hỏi chuyện. Khi họ đến kề bên, anh mới nhận ra họ chính là vợ và con gái của mình. Trời ơi, bao nhiêu năm xa nhà biền biệt, anh không biết con gái anh đã lập gia đình, còn người vợ trẻ trung xinh đẹp đã lên bà từ lâu. Mactanh cảm động lắm, nhưng sau khi sửa xe anh chỉ kịp hôn cháu một cái, vẫy tay từ biệt gia đình rồi vội vàng nhảy phóc lên yên cho khỏi nhỡ chặng đua…!

Câu chuyện là như thế, không có kết thúc.

Đúng hơn, tác giả đã để lại một cái kết thúc rất bi hài. Rằng rất nhiều năm sau đó, ở một cuộc đua tiếp theo trong guồng đua bất tận của mình, khi Mactanh vội vàng đạp xe ra khỏi cửa ô Mayô thì có một chiếc xe tải va vào, hất văng anh xuống mặt đường. Xe tải chạy qua, còn Mactanh lồm cồm bò dậy, nắm lấy cái gi đông xe đạp bẹp dúm nói lời cuối cùng

- Ta sẽ đạp dấn kỳ cho tới đích.

Vậy đó, “Sự khác biệt giữa cái bình thường và cái phi thường chỉ là một chút xíu cố gắng thôi” như Jimmy Johnson nói không phải bao giờ cũng mang lại vòng nguyệt quế. Có những cái “cố gắng” không hề “chút xíu”, nó lấy mất của người ta cả một cuộc đời. Có những cái “cố gắng” chưa bao giờ tạo thành sự phi thường, thay vào đó, nó để lại quá nhiều chua xót. Nhất là khi chính người trong cuộc không nhận ra, vẫn luôn tự huyễn hoặc tin vào bản thân để dành cả cuộc đời cho một mục tiêu, một hy vọng không sao đạt được, mặc kệ thời gian lướt qua, mặc kệ người thân trông ngóng, chờ đợi.

Cái sự dấn thân cho mục đích trong cuộc đời đó được gọi tên là lý tưởng hay là phù phiếm? Câu hỏi thật khó trả lời khi ẩn dưới mỗi một câu chuyện là nhiều tầng ý nghĩa.

le-tour-de-france-01.jpg

(Hình: Internet)

Vẫn chuyện đua xe đạp. Rất lâu rất lâu trước đó tôi đã đọc một truyện ngắn đăng trên Văn Nghệ Quân Đội viết về một cua rơ xe đạp tên là Vũ, biệt danh Vũ Già. Cua rơ ấy cũng ôm mộng được một lần mặc chiếc áo vàng chung cuộc khi leo đèo Chó Đẻ. Vợ con ở quê bán từng lứa lợn cho anh mua cái khung, tậu bộ lốp, chỉnh dàn sên... Giống như Mactanh, Vũ đua bằng đam mê kỳ lạ của mình. Anh không có sự cổ vũ nào cả, hoàn toàn đơn độc, không đồng đội, không nhà tài trợ, vợ chì chiết, con trách hờn. Cho đến một lần, ở chặng đua cuối trước khi giải nghệ, anh gặp một cô gái điếm “hết đát” tên Sương. Cô gái đã tin tưởng và tiếp sức cho Vũ bằng nhiều tình tiết rất cảm động và rất thực. Hình ảnh cuối cùng là Vũ nghiến răng, mặt hóp lại, da vàng khè, bụng rỗng tuếch, gò lưng trên chiếc xe đạp tự chế, vượt qua đèo Chó Đẻ, Trước mặt là tiếng loa gọi tên anh, sau lưng là bóng dáng cô gái cầm một chiếc ô xanh, rất nhạt nhoà...

Tôi không có ý định so sánh, cũng không cố tìm cách giải thích làm gì, chỉ tự dưng nghĩ ngợi. Đã đành là có niềm tin, ý chí, nghị lực, động cơ… nhưng anh cua rơ Mactanh chuyên về bét kia phải chăng không may bằng Vũ ? Cái “bét” của anh ấy, cái “bét” của bạn, hay cái “bét” của tôi, biết đâu không nằm ở giữa chặng đua ...!?

CF-S
 
Chỉnh sửa lần cuối:

ngocnungocnu

Gà trùm
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
11/9/14
Bài viết
5.251
Gạo
1.500,0
Re: Cuối năm, nghĩ về "Người về bét" của Macxen Aymê và những cái "bét" trong cuộc đời
Em nghĩ cái "bét" của một người là do người ta tự đánh giá thôi ạ. Ví dụ như: ai bảo đua xe thì phải về nhanh nhất. Vẫn có cuộc thi xem ai đi chậm nhất đấy thôi. Và còn nhiều thứ khác nữa. Tốt xấu, hơn thua đều do người ta tự đặt ra cả. Còn đối với em, em không có khái niệm về "bét".
Có những cái “cố gắng” không hề “chút xíu”, nó lấy mất của người ta cả một cuộc đời. Có những cái “cố gắng” chưa bao giờ tạo thành sự phi thường, thay vào đó, nó để lại quá nhiều chua xót. Nhất là khi chính người trong cuộc không nhận ra, vẫn luôn tự huyễn hoặc tin vào bản thân để dành cả cuộc đời cho một mục tiêu, một hy vọng không sao đạt được, mặc kệ thời gian lướt qua, mặc kệ người thân trông ngóng, chờ đợi.
Cái câu này làm em liên tưởng đến nghiệp viết lách quá. :) . Có đôi khi đến với một nghề nào đó có lẽ cũng còn do cái duyên. Không đơn thuần chỉ là ở năng lực và sự cố gắng, chị CF-S ạ.
 

CF-S

Gà cận
☆☆☆
Tham gia
23/10/14
Bài viết
314
Gạo
1.500,0
Re: Cuối năm, nghĩ về "Người về bét" của Macxen Aymê và những cái "bét" trong cuộc đời
Em nghĩ cái "bét" của một người là do người ta tự đánh giá thôi ạ. Ví dụ như: ai bảo đua xe thì phải về nhanh nhất. Vẫn có cuộc thi xem ai đi chậm nhất đấy thôi. Và còn nhiều thứ khác nữa. Tốt xấu, hơn thua đều do người ta tự đặt ra cả. Còn đối với em, em không có khái niệm về "bét".

Chị hiểu ý em. "Bét" là một khái niệm vừa rõ ràng lại vừa mơ hồ, vừa lý tính lại vừa cảm tính. Nhưng ở đây, trong phạm trù bài viết này, cái chị muốn nói đến là việc "về bét" thực sự, tức là "thất bại" thật sự, "thua cuộc" thật sự. Trong đời, không phải lúc nào chúng ta cũng tự biện minh hay an ủi ta rằng "tôi đã cố gắng hết sức, tôi thua không có nghĩa là tôi "bét" vì cuối cùng tôi cũng đã học được rất nhiều từ cái thua của mình...", hoặc "dù thua thì tôi cũng đã được làm chính mình, thỏa mãn ước mơ, đam mê... của mình". Có những thời điểm chúng ta buộc phải tự mình đối mặt với sự thành công hay thất bại của mình để tự tìm hướng đi thích hợp cho mình. Có những sự thất bại đến từ chính chúng ta (ngộ nhận tài năng, bất cẩn, không cố gắng hết sức, thiếu nghị lực...) nhưng cũng có những sự thất bại là do ngoại cuộc (thiếu may mắn, không đủ điều kiện...) Vấn đề là, ta có nhận ra mình đã/đang thua không, có biết vì sao thua không, có nghĩ thua thì làm gì không...?

Nghiệp viết lách mà em nói cũng chính là một cuộc đua rất cần sự nhạy cảm và tỉnh táo để nhận biết mình đang thực sự ở đâu trong cái bể người người đều viết này.

Riêng ý "Có đôi khi đến với một nghề nào đó có lẽ cũng còn do cái duyên. Không đơn thuần chỉ là ở năng lực và sự cố gắng..." mà em nói thì chị đồng ý. :)
 
Bên trên