Cảm nhận Cưỡng cơn gió bấc và Con sóng thứ bảy - Daniel Gattuer

Thiệp Mộng

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/7/16
Bài viết
44
Gạo
0,0
Cảm nhận khi đọc xong hai cuốn “Cưỡng cơn gió bấc” và “Con sóng thứ bảy”.


tumblr_m481ux04KY1rusr10o1_500.jpg

Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ viết cảm nhận về “Cưỡng cơn gió bấc” của Daniel Glattauer. Dù sao, cũng đã có quá nhiều người đọc và viết về nó. Một kẻ như tôi cảm thấy mình chả có tư cách gì để phê bình văn chương cả. Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải lọ mọ dậy bật laptop, sau một đêm không ngủ để đọc nó và thêm một đêm nữa mất ngủ vì những câu chữ trong “Cưỡng cơn gió bấc” cứ lởn vởn trong đầu.

Ô hay, Daniel Glattauer đã làm bùa phép gì lên đầu óc tôi vậy? Tôi tưởng rằng nếu mình không ngồi dậy và viết ngay những dòng này, cả đời tôi sẽ chẳng tìm lại nổi giọng văn vốn có của mình mà bị ám ảnh bởi những gì “cô Emmi” và “anh Leo” viết mất.

Bạn sẽ cười tôi và cho rằng tôi nói quá. Daniel Glattauer có tài phép gì mà làm được như vậy? Ông ấy đâu đáng sợ đến thế. Nhưng đấy là do bạn chưa đọc “Cưỡng cơn gió bấc” và “Con sóng thứ bảy” thôi. Tin tôi đi, sau khi đọc xong hai quyển sách này, bạn sẽ tin những gì tôi nói.

“Cưỡng cơn gió bấc” trong cái nhìn của cá nhân tôi, trong hồi tưởng của một người từng đọc văn chương của hai mươi thế kỉ nhân loại bồi đắp – tất nhiên, tôi thích đọc văn chương Âu Mỹ từ hồi bé tí, tầm lớp sáu lớp bảy gì đấy, quá trẻ để đọc “Những người khốn khổ” hay “Thằng gù nhà thờ đức bà” (Nhưng mà dù bạn tin hay không, thì hồi đấy tôi vẫn đọc chúng, thứ văn chương cổ điển khó hiểu tưởng chỉ người già mới đọc.) – khiến tôi cảm thấy dù được viết ở thế kỉ XX, có một cốt truyện rất hợp thời, sử dụng cách thức thể hiện mới lạ và độc đáo, vẫn cho tôi liên tưởng đến một vở kịch Opera, hay một vở kịch nào đó người ta vẫn xem vào cái thời mà trường phái lãng mạn lên ngôi ở châu Âu – cái thời lâu lắm rồi, cái thời của Romeo và Juliet.

Không phải hay sao? Không lẽ cách so sánh của tôi khập khiễng. À vâng nó khập khiễng về thời gian. Nhưng nó đúng phần nào về mặt cảm giác. Emmi và Leo ấy, họ viết cho nhau những dòng tâm sự qua thư. Dù câu chuyện mở đầu gượng gạo và bình thường như bao cuộc nói chuyện không đầu không cuối khác. Nhưng cách họ thể hiện, nói chuyện với nhau cho ta cảm giác như đang xem một vở kịch mà chỉ có hai người là nhân vật chính. Chỉ hai người. Dù xung quanh họ vẫn có thế giới của họ với nhiều con người khác nhau. Nhưng đây là thế giới riêng của họ. Của Chàng và Nàng, hai nhân vật duy nhất.

Vâng, nhưng dĩ nhiên, Leo của Daniel không phải là Romeo. Dù anh ta lịch thiệp, duyên dáng, giỏi giang, thông minh, điềm đạm, cuốn hút, phóng thái và “hấp dẫn”- như Emmi nhận định trong cái danh sách bảy người đàn ông cô cho là hấp dẫn nhất “đàn ông lái xe đua, đàn ông đến hội chợ, đàn ông đi xăng đan, đàn ông uống bia lễ hội, đàn ông dỗi và đàn ông hay sợ”. “Rủi” thay, trong cái bảng danh sách đấy Leo chiếm cả bảy. Và ta đã hiểu phần nào cái cách sử dụng từ ngữ hài hước, cái khiếu trào phúng đáng yêu của cô nàng. Nhưng, không, Leo dù có thế nào đi nữa vẫn không phải là Romeo. Anh không phải là vị hoàng tử bạch mã từ trên trời rơi xuống cho thỏa giấc mộng của các chị em. Càng chả phải là vị đế vương quyền năng gì. Anh là Leo, Leo là Leo, thế thôi. Anh chắc chắn chẳng đứng hàng giờ trước cửa sổ nhà Juliet, chỉ để ngắm nàng và nói với nàng những lời yêu đương thắm thiết. Anh đã ba mươi bảy tuổi. Anh chín chắn và lí trí hơn nhiều. Nhưng anh vẫn cô đơn. Cô đơn như mọi người lớn cô đơn. Cô đơn như mọi người đàn ông cô đơn.

Anh trên những dòng email anh viết cho Emmi nó thiếu cái nam tính, hay cái được gọi là “dục vọng đàn ông” mà Emmi vẫn lấy ra trêu đùa anh lắm. Ở đấy tôi thấy anh nhạy cảm, yếu đuối, lãng mạn và chung thủy. Anh yêu và chỉ yêu một cô gái duy nhất trước khi biết Emmi, cô nàng Marlene nào đó, tóc vàng (tôi không nhớ rõ), xinh đẹp, như một thiên thần (có lẽ thế). Anh yêu cô ấy một tình yêu dai dẳng và khốn khổ. Bởi vì cô ấy không yêu anh. Hay nói đúng hơn, không hiểu anh. Vì không hiểu nên không yêu. Và cũng vì cô ấy, một cái tin nhắn gửi nhầm của Emmi vào đúng “giây phút sinh tử” trong mối tình giữa hai người đã khởi đầu một mối quan hệ mới. Quan hệ “Bạn bè qua thư”. Quả nhiên, cuộc sống vẫn rất diệu kì. Có những thứ được gọi là định mệnh. Định mệnh giữa anh và Marlene chấm dứt. Định mệnh giữa anh và Emmi bắt đầu.

Ồ, tôi không muốn tiết lộ nhiều về điều này. Bạn hãy tự tìm hiểu. Nếu không bạn sẽ lỡ mất một cuốn sách thú vị và hài hước một cách phi-thực-tế. (Tôi lại dùng cái kiểu chữ-có-những-dấu-cách-ở -giữa giống Emmi rồi. Thật may tôi chưa mắc thêm tật viết hoa những chữ cần nhấn mạnh hay viết nhân thêm nhiều chữ cho một từ cuối câu như một tiếng à ơi kéo dài giống cô ấy nữa. Cũng thêm hàng tá những cái cách viết-đậm-chất-Emmi nữa. Tin tôi đi, bạn sớm muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng.)

Ta nói về Leo rồi. Giờ ta nói về Emmi. Emmi, nói thế nào cho dễ hình dung nhỉ. Là một phụ nữ hấp dẫn. Hấp dẫn nhé, chưa chắc là đẹp. Đẹp chưa chắc đã hấp dẫn. Mà hấp dẫn không có nghĩa là đẹp. Ít ra đó là quan niệm của người phương Tây. Họ thích những cô gái có làn da rám nắng, cơ thể săn chắc, nước da mịn màng. Đôi mắt hay khuôn mặt của người Âu Mỹ thì khỏi cần nói rồi. Nó đẹp. Với đôi mắt hoặc có thể xanh thăm thẳm như biển Địa Trung Hải, hoặc có thể là nâu khói mơ màng. Hoặc có thể, nâu đậm sắc sảo và hoạt bát. Ngay từ những dòng đầu tiên, Leo đã bằng khả năng phán đoán của một nhà ngôn ngữ học nhận diện vẻ bề ngoài của cô mà chưa hề gặp mặt một lần nào. “Chị viết như 30, và 42 tuổi. Đúng không? Cỡ giày chị là 36. Chị thấp, nhỏ người và hiếu động, tóc ngắn màu sẫm. Và chị nói nhanh. Đúng không?”.

Đáp lại những câu “Đúng không?” của Leo. Emmi chỉ im lặng. Dường như cô ấy xấu hổ vì bị đoán trúng. Hoặc có thể, cười khẩy vào “ông giáo sư già ngạo mạn” chưa hề biết mặt. Điều đó càng làm thôi thúc trí tưởng tượng của độc giả về một Emmi tưởng như rất dễ nắm bắt, rất đơn giản và “viết thẳng tuột những gì mình nghĩ lên giấy” nhưng thực chất không hề đơn giản. Cô ấy, Emmi, bằng sự kích động và cái tính nóng nảy khó kiềm chế của mình, thật bất ngờ, lại là người điều khiển cuộc chơi này.

Khác với Leo, Emmi không cô đơn. Emmi đã “yên bề gia thất” với một người đàn ông “hoàn hảo” và hai đứa con riêng của chồng. Chỉ riêng điều này thôi, cũng đã cho thấy cô ấy không phải là Juliet, càng không giống bất cứ nữ chính nào trong những cuốn tiểu thuyết lãng mạn từ xưa đến nay. Mà không chỉ đối với nữ chính trong thế giới tưởng tượng. Ngay cả trong thực tế, cũng chả tìm thấy đâu một nữ chính như Emmi cả. Tất cả những người phụ nữ trong cuộc sống này, họ làm gì? Yêu khi còn trẻ, làm vợ làm mẹ khi đã lập gia đình. Và mệt mỏi khi về già. Họ sống hết quãng đời thanh xuân cho những mộng mơ hão huyền rồi, và họ mệt mỏi với những điều đó, đi tìm một bến đỗ bình yên. Có ai như Emmi, đã có gia đình yên ấm, vẫn kiếm tìm một cuộc phiêu lưu tình ái với một người đàn ông xa lạ qua những con chữ trên email? Không, chẳng có ai cả. Hoặc có, nhưng chẳng dám đi xa đến thế như cô nàng. Đấy cũng chính là điều phi-lý-đến-hợp-lý của nhà văn khi xây dựng tình huống này.

Qua những đoạn hội thoại lúc ngắn ngủi, lúc dông dài, lúc hời hợt khách sáo, lúc tha thiết, lúc dâng trào của họ, trái tim tôi cứ lượn những đường lên xuống, mà nếu có cái biểu đồ nào ghi lại nhịp tim của tôi lúc đó, chắc sẽ đủ sức khiến các nhà khoa học phải sửng sốt mất. Tôi đồ rằng nó chả nhảy lên nhảy xuống như dãy núi đá vôi lởm chởm đâu, chắc phải kiểu như cái đường tàu lượn cao tốc trên không trong mấy trung tâm giải trí ấy. Thế mới lột tả đúng cái cảm giác của tôi khi bị ông Daniel hất tung lên rồi dìm xuống đến tơi tả và thảm thương tới mức nào.

Leo điềm tĩnh và lí trí đến mức ấy, kẻ đã nhắc nhở không biết bao nhiêu lần với Emmi, “chị còn Bernhard của chị đấy”, vậy mà vẫn say, để rồi trong cơn say anh nói ra những lời tha thiết nhất, nỗi khát khao sâu thẳm nhất của anh về một “Emmi trong ảo ảnh”, một “Emmi mà anh chỉ có thể thấy mà chẳng thể chạm vào”. Anh lúc ấy, đáng yêu đến kì lạ. Anh không còn là ngôn ngữ học. Không còn là quý ông lịch thiệp và đạo mạo “không thích nói về tình dục”. Anh chỉ còn là anh. Ngổn ngang với những “chiếc tủ cảm xúc”. Anh lúc này, là Leo. Là Leo đàn ông nguyên thủy nhất với bản năng về tình yêu nguyên thủy nhất. Anh không giấu những cảm xúc anh dành cho Emmi. Và đây là lí do vì sao tôi nói khi đọc tôi thấy có sự quen thuộc của những vở nhạc kịch lãng mạn. Leo lúc này, cũng giống Romeo. Tôi nói là hai người lúc này giống nhau chứ không phải Leo giống Romeo. Không! Hai cái đấy khác nhau. Leo là Leo. Nhưng Leo cũng là đàn ông. Và đàn ông trong tình yêu đều có phần nào đấy giống nhau. Như khi Leo đã gạt phăng lí trí sang một bên, thay vào đó là cơn say chuếnh choáng và con tim ngập tràn cảm xúc. Leo lúc đấy, giống mọi người đàn ông khác, nên tôi thấy ở đấy dáng dấp của Romeo.

Nhưng xét cho cùng, Leo cũng vẫn không phải Romeo. Leo không ấu trĩ và nóng nảy như anh ta. Leo cố giữ mình. Leo dằn vặt tội lỗi. Leo sám hối. Leo sợ hãi. Leo chạy trốn hiện thực. Leo lại cô đơn trong mùa gió bấc rồi lại run rẩy khi “gặp lại” Emmi. Leo từ đầu đến cuối chỉ đánh lừa cảm giác của mình vào mọi lý do, cố gắng bấu víu vào đấy như những tư duy duy lý thích hợp nhất cho hoàn cảnh hiện tại. Phải, Leo đã vật lộn như thế rất lâu. Dù cho không “đọc” được những dòng miêu tả về cảm xúc của anh, nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được. Mỗi lần anh nhắc đến Bernhard là một lần anh tự nhắc nhở mình. Nhưng đi kèm với cái giọng hờn mát dỗi hờn của một chú bé con. Anh không hề biết là lúc đó, anh đã yêu Emmi. Leo lúc này, đàn ông hơn lúc nào hết.

Bạn có thể thấy lạ lại tại vì sao tôi nói quá nhiều về Leo thay vì Emmi. Đơn giản tôi thích Leo. Một mẫu đàn ông khó kiếm. Một mẫu đàn ông không phải kiểu mẫu của mọi chị em. Nhưng hấp dẫn và khó cưỡng. Trong xã hội tạp nham này. Một người đàn ông nặng tình và nhạy cảm, tinh tế và cô đơn như thế, hiếm không? Có, tôi phải nói là rất hiếm. Đàn ông cô đơn như Leo, chiếm ba phần tư đàn ông ngoài kia. Đàn ông thông minh như Leo, chiếm một phần hai. Đàn ông tinh tế như Leo, chiếm một phần sáu. Đàn ông nặng tình, chiếm một phần mười. Nhưng đàn ông duy lý và “không thích nói về tình dục”, cô đơn, nhạy cảm, tinh tế, yếu đuối, thông minh, duyên dáng, lịch thiệp, cuốn hút, nặng tình như Leo thì chỉ có một. Anh là phần tử duy nhất của tập giao duy nhất giữa những “tập hợp” đàn ông có chung những đặc tính đấy. Ít nhất thì cũng là “cái chấm” phần tử duy nhất được tìm thấy trong tiểu thuyết của Daniel.

Vì thế, vì Leo lí trí và cố giữ mình ấy, toàn bộ cảm xúc của anh cứ dồn nén và ứ đọng trong từng con chữ. Nó không bật ra như hết như Emmi, nó không đơn giản như Emmi. Nên ta cứ phải mò mẫm trong cái bạt ngàn anh viết cho Emmi, lần từng đầu mối, rồi đi giải mã chúng, say sưa với chúng, rồi mệt nhoài với chúng.

Bạn sẽ hỏi tôi, cuối cùng thì cái chuyện này nó nói về cái gì? Một chuyện tình ngang trái, hay một cuộc ngoại tình công khai và tởm lợm? Không, không. Ta khoan nói đến đề tài này ở đây. Cái đề tài từ lâu đã nhuốm màu sắc dục dù trong văn học phương Tây hay văn học phương Đông.

Đọc câu chuyện này, đâu tiên ta thấy thú vị đã. Thú vị trong từng con chữ. Trong cái cách họ tìm hiểu nhau, tán tỉnh nhau, say mê nhau, ghen tuông nhau, dằn vặt nhau. Nó thật tự nhiên. Trong sáng. Thật đấy! Và dễ thương. Một cuộc tình chỉ bắt đầu bằng email, kéo dài bằng email, và thậm chí, sẽ mãi mãi tiếp diễn bằng email. Ở đây, nó không nhuốm màu sắc dục như những áng văn khác. Nó khác, rất khác. Nhất là đối với nền văn học phương Tây vốn chả ngại gì cái chuyện người ta cho là “bản năng”. Nhưng nó, mặc dù có không ít lần đả động đến chuyện “dục vọng” bằng những ngôn từ hoa mỹ nhất, mặc dù không ít lần hai nhân vật chính lẳng lơ mà nửa công khai nửa phủ nhận muốn làm “chuyện đó” với nhau. Nhưng, vậy thì sao chứ? Ta chỉ đọc thấy trong đây sự đáng yêu của hai tâm hồn đồng điệu. Hai tâm hồn bị thu hút nhau từ những chữ cái đầu tiên. Từ cách nói chuyện hóm hỉnh và chân thật. Vậy đấy, họ phát triển từ mối quan hệ “bạn qua thư” đến “bạn tâm giao” cuối cùng có là “bạn tình” cũng là hiển nhiên thôi.

Không, tôi không cổ súy cho sự đồi bại, cho cái trò ngoại tình mèo mả gà đồng vẫn đang nhan nhản ngoài kia. Mà đâu chỉ ngoài kia, nó xảy ra trong chính gia đình tôi đây này, giữa những người thân xung quanh tôi, giữa những bạn bè tôi. Cãi nhau, bồ bịch, ly hôn. Dường như những người trẻ đang phải vật lộn quá nhiều trong sự mệt mỏi của cảm xúc và trong sự thất vọng tột cùng của tiếng nói ước vọng trong họ về hôn nhân. Điều ít thấy ở ông bà cha mẹ ta, những thế hệ xưa. Bạn nghĩ rằng thời xưa khác thời nay, và thế hệ cũ họ có ít vấn đề để dẫn đến lý hôn hơn. Bạn nhầm! Bất kì thời nào cũng có vấn đề cả. Chẳng qua thời xưa họ nhẫn nhịn tốt hơn chúng ta thôi. Và nhất là phụ nữ. Họ hi sinh, một sự hi sinh không giới hạn để giữ gìn mái ấm, để cho con cháu họ những điều tốt đẹp nhất. Chính nhờ sự nhẫn nhịn của họ mà chúng ta mới có những mái nhà có đầy đủ ông bà cha mẹ. Nhưng điều đó có phải là điều tốt nhất cho họ không? Hỡi ôi! Không! Không hề. Nhẫn nhịn chỉ khiến người phụ nữ khổ sở hơn với những nỗi đắng cay cùng cực mà thôi. Sẽ ra sao nếu cái vòng luẩn quẩn “phụ nữ phải hy sinh” đấy cứ tiếp tục tiếp diễn? Không! Chẳng là gì. Chẳng có gì tốt cả. Tôi là phụ nữ, và tôi chẳng muốn điều dó chút nào.

Nhưng vậy thì điều gì là tốt? Không lẽ cứ mơ mộng hão huyền và ngoại tình để tìm lối thoát cho mình như Emmi mới là điều tốt. Không! Đừng hiểu nhầm. Tôi không cổ vũ điều này. Có thể bạn thấy ghê tởm và khinh thường Emmi, có thể bạn thấy cô ấy trơ trẽn, tởm lợm, giả tạo, tham lam, đòi hỏi, lăng loàn. Nhưng làm ơn, đừng coi rẻ và khinh thường cảm xúc của cô ấy. Cảm xúc của Emmi, nó là thật, chân thật đến không thể chân thật hơn. Nó thuần túy và chẳng hề giả dối. Emmi đã làm gì sai chưa? Xin thưa. Chưa sai. Cảm xúc của cô ấy chúng ta có thể hiểu, chúng ta trân trọng nó. Cô ấy không phản bội chồng mình, ít nhất là về mặt thể xác. Nhưng cô ấy vẫn sai. Sai ở chỗ để cảm xúc chi phối quá nhiều và để nó vượt lên trên gia đình. Nhưng khổ nỗi Emmi chỉ sống cho bản thân mình. Hay, Emmi từ lúc biết Leo đã biết sống cho bản thân mình. Điều mà từ trước đến nay cô chưa từng thử?

Theo chân những cuộc trò chuyện rong ruổi của họ, lạc giữa mê hồn trận của ngôn ngữ do Daniel tạo ra. Ta mới lờ mờ nhận ra một điều. Thì ra, con người giữa xã hội này. Dù cho tưởng chừng như hạnh phúc, nhưng thật ra lại chả hề hạnh phúc. Chúng ta có hạnh phúc không? Chỉ chúng ta biết rõ. Còn những nhận định của người ngoài như kiểu “Chị A lấy chồng giàu, có con trai giỏi giang” hay “Chị B có mẹ chồng thương yêu sướng lắm suốt ngày chả phải làm gì chồng đi làm lấy tiền đưa hết cho vợ” là hạnh phúc. Thì xin lỗi, bạn nhận định về hạnh phúc quá đơn giản rồi. Chúng ta không thể nhìn thấy người ta sướng hay không chỉ bằng mắt thường được. Tựa như ngôi nhà dù xây móng cứng chắc, gạch men, vữa vôi, xi măng, sơn Dulex toàn hàng cao cấp. Nhưng nó xây nên, mười năm, hai mươi năm, hay một trăm năm. Nếu không sửa chữa và làm mới, thì ít nhiều cũng bị xuống cấp và hư hại đúng không? Đấy còn chưa kể là “Gia đình”- một thứ được xây dựng nên bằng những mối quan hệ giữa người với người- những mối liên kết còn lỏng lẻo hơn cả gạch đá, vôi vữa, xi măng.

Vì vậy, hỡi những người phụ nữ, làm ơn đừng cố gồng mình lên để làm ra vẻ hạnh phúc nữa. Đừng có trưng ra khuôn mặt cười giả tạo với đứa con thân yêu hay với bất cứ ai rằng mình đều ổn, rằng mỗi đêm bạn chẳng phải rơi nước mắt. Ngừng lại đi.(Tôi nói vậy thôi chứ tôi mờ mịt lắm. Tôi đang nghe thấy tiếng cháu tôi khóc phòng bên. Nó nói rằng nó đang nhớ bố. Nó làm từng giọt nước mắt tôi rơi trên bàn phím đang viết. Thật tệ.)

Tôi sẽ không xem vào bài viết này những đoạn viết về cảm xúc, về chuyện riêng của mình nữa. Nhiều người bảo “Con sóng thứ bảy” không thú vị như “Cưỡng cơn gió bấc”. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi biết “Con sóng thứ bảy” không còn trong trắng tinh khôi thuần khiết như phần một của nó. Nhưng thử hỏi nếu cái kết của nó lửng lơ ở phần một, nó sẽ nói lên điều gì? Cái kết là khi Emmi lờ mờ đoán ra chồng mình biết cô đang có “một quan hệ qua thư” với ai đó cô không biết mặt và Leo cứ thế trốn mất tăm mất tích. Cái kết như vậy, nó đem lại ý nghĩa gì? Không! Không! Không! Quá vớ vẩn. Quá lãng nhách. Không thể chấp nhận được. Nó cho người ta cái cảm giác như một “bài học giáo dục” về sự suy đồi đạo đức gia đình, và minh chứng rõ nét cho sự phản bội bị trừng phạt vậy. Chưa kể đến cái cảm giác như kiểu Leo phản bội và mọi mối tình phiêu lưu ngoài bờ tường của ngôi nhà mang tên “gia đình” ấy đều là cơn gió thoáng qua chóng vánh và mờ nhạt. Và không có thực. Và sự phản bội là một sự sai lầm ngu ngốc. Phải thế không? Hỡi những nhà giảng đạo đức luân lý của tôi?

Một Anna Karenia mới của văn học hiện đại? Không, nếu bạn nghĩ cái kết phải thế, là bạn quá coi thường Daniel. Ở phần hai, phần tiếp nối. Daniel đa cho chúng ta thấy, à không dẫn dắt chúng ta thoát khỏi mê trận lạc lối và giúp cho chúng ta tìm thấy một chìa khóa. Chìa khóa của sự bền vững trong mọi mối quan hệ. Kể cả đó là tình bạn, tình yêu hay hôn nhân.

Và chiếc chìa khóa đó, đơn giản thay, và cũng trớ trêu thay lại bị chúng ta hờ hững và bỏ quên. Đó là sự kết nối chặt chẽ của hai tâm hồn.

Nghe có vẻ đơn giản. Đúng. Nó quá đơn giản. Nhưng đừng coi thường, mọi mối quan hệ đổ vỡ cũng là từ nó. Bạn còn nhớ những ngày đầu tiên lúc hẹn hò yêu đương, những tin nhắn tình cảm ngày nào cũng được gửi đều đặn giữa bạn và người ấy chứ? Hồi mới tìm hiểu nhau, và còn (có lí do) để tìm hiểu nhau, chúng ta đều chẳng tiếc tiền nhắn tin hỏi thăm hoặc tâm sự với nhau đúng không? Đó là quãng thời gian đẹp nhất, ngày mà mọi thứ vẫn còn mới lạ, bí ẩn và hấp dẫn.

Nhưng mọi thứ nhạt dần khi hai người quen nhau được một thời gian. Và những tin nhắn ít dần đi. Có cũng chỉ là tin nhắn kiểu thông báo một điều gì đấy. Hay là những dòng ngớ ngẩn cũ rích đến phát ốm.

Điều gì đã thay đổi? Có thể là bạn đã thấy hết hứng thú, hoặc bạn thấy sự nhàm chán từ đối phương nên cũng hết muốn nhắn tin. Hoặc, cả hai người đều bận rộn với những chuyện riêng của mình. Hoặc, cả hai đã đạt được mục đích (về dục vọng chẳng hạn) của mình nên không còn có động lực nhắn tin như xưa nữa.

Hoặc bạn cảm thấy khi đã ở bên nhau rồi, không còn cần phải nói gì nữa. Hoặc bạn nghĩ là chỉ cần nói bằng miệng với nhau là được rồi. Hoặc bạn nghĩ rằng thật phiền phức, thật mất thời gian khi cứ phải nhắn nhắn viết viết.

Bạn biết đấy, nhắn qua email không tốn tiền. Không tốn tiền như nhắn qua điện thoại. Bạn có thể check ở bất kì đâu bất cứ lúc nào nếu có wifi. Và bạn đừng bao giờ coi thường những cuộc đối thoại. Trò chuyện là nhu cầu của tất cả mọi người, mọi độ tuổi, mọi tầng lớp. Đừng coi thường sự kết nối của tâm hồn, đừng gián đoạn nó.

Dĩ nhiên. Không phải ai cũng hài hước và sắc bén như Emmi, cũng không phải ai cũng tinh tế và thông minh như Leo. Vậy nên đó là lí do họ hấp dẫn nhau. Họ tôn trọng nhau đã, rồi họ thích thú, thu hút, bị thu hút. Rồi họ tò mò, họ hàm ơn, họ cần nhau, họ mê đắm nhau. Đấy là cách mà những cuộc đối thoại thú vị diễn ra. Và trong cái câu chuyện tưởng tượng này của Daniel, ta thấy một Emmi trơ trẽn đến tột cùng, ở dưới sự cùng cực của lẳng lơ hóa ra lại trên đỉnh cao của sự trong trắng. Một Leo nghiêm cẩn, giữ mình và lúc nào cũng ra vẻ “chả quan tâm đến sex” – trích nguyên văn, hóa ra lại khao khát đến thế, một Leo tưởng chừng thực tế và duy lý hóa ra lại đầy mơ mộng trong “ảo ảnh” như thế.

Bạn có thể cảm nhận thấy nhiều điều khác nhau ở hai cuốn tiểu thuyết này. Với bạn, đó có thể là sự cô đơn của những con người hiện đại, nỗi cô đơn giữa xã hội đang sống thật nhanh và vội vã, là sự thiếu vắng và thiếu sự cảm thông, thiếu nỗi giãi bày, dù rằng tưởng chừng ai cũng có bạn bè và gia đình, nhưng vẫn lạc loài giữa xã hội rối ren. Đó cũng có thể là một tình yêu sẵn sàng đến với nhau bất chấp những rào cản của cuộc sống. Hoặc có thể, như tôi đã nói, là đòn cảnh tỉnh cho những cuộc hôn nhân đang mất đi màu sắc, vì thiếu sự sẻ chia cảm xúc và suy nghĩ mà dẫn đến lứa đôi xa cách, đứng trên bờ vực của sự tan rã.

Tôi không hề muốn viết đoạn kết dài bốn năm dòng với tầm hơn hai trăm kí tự tóm tắt cảm nghĩ của tôi về tác phẩm. Không đây không phải bài tập làm văn thời trung học. Tôi không thể viết một cái kết như thế được. Tôi đã quá cái tuổi viết những bài văn đấy rồi. Tôi đã là một cô gái hai mươi mốt. Cái tuổi chưa phải lớn để dạy đời, nhưng cũng chẳng còn trẻ để mà kêu gọi hay cổ vũ ai nữa. Tôi đã có đủ những trải nghiệm của riêng mình, và nhìn đời với con mắt đủ khoan dung. Tôi chỉ muốn viết những dòng này gửi cho chị tôi, cho những người phụ nữ tôi quen. Dù tôi biết sẽ chẳng bao giờ gửi được đến họ. Mà có đến họ cũng chưa chắc đã đọc nó. Tôi muốn họ dũng cảm hơn trước cuộc sống này. Một lần nữa dám yêu dám hận. Cũng là sự chia sẻ của tôi về cuộc sống qua con mắt của nhà văn Daniel. Và cũng là lời cảm ơn của tôi đến ông, đến những “cơn gió bấc” và “Con sóng thứ bảy” của ông. Nó đem đến cho tôi nhiều dư vị. Và cho chúng tôi nhiều suy ngẫm. Trong những chiều bảng lảng ngồi uống cà phê một mình tại một nơi nào đó thân quen và đọc “Daniel của chúng tôi” theo cách riêng của mình.

Thiệp Mộng.

Sài Gòn, đêm mưa, ngày 21 tháng 05 năm 2016
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Sienna

đứa trẻ bốc đồng
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
4.122
Gạo
3.600,0
Re: Cưỡng cơn gió bấc và Con sóng thứ bảy - Daniel Gattuer
Mình mới được tặng 2 cuốn sách này. Đọc xong bài cảm nhận của bạn làm mình muốn đọc chúng ghê luôn. :))
 

Linhoang

Gà ngẫn
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
3/1/14
Bài viết
1.566
Gạo
2.508,0
Re: Cưỡng cơn gió bấc và Con sóng thứ bảy - Daniel Gattuer
Thiệp Mộng : Bạn viết sai tên tác giả trên tiêu đề rồi, bạn sửa lại nhé.
 
Bên trên