Cảm nhận Đại mạc thương lang

yushi199x

Gà con
Tham gia
25/2/15
Bài viết
2
Gạo
0,0
c2XHe1E.jpg


Điều hấp dẫn nhất trong Đại mạc thương lang chính là trí tưởng tượng tiệm cận đến điên cuồng và những cuộc thám hiểm tưởng chừng vô cùng điên rồ của các nhân vật trong tác phẩm, hai yếu tố đó liên tục kích thích hệ thần kinh độc giả, đặc biệt là những độc giả thích tìm hiểu những sự vật mới lạ và thần bí. Nam Phái Tam Thúc đúng là cao thủ viết tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm. Cảm giác khi đọc Đại mạc thương lang gần giống với cảm giác khi xem phim “Lost” (Mất tích) của Mỹ. Cũng chỉ hai tác phẩm này khiến tôi nảy sinh cảm giác như vậy, bởi cả hai đều có ý tưởng và trí tưởng tượng đạt đến độ điên cuồng. Tình tiết của cả hai tác phẩm này đều vô cùng hấp dẫn độc giả, nó thoả mãn trí tò mò của tất cả mọi người. Đó cũng chính là điểm thành công nhất của tác phẩm.

Trong Đại mạc thương lang có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, nó nối các chi tiết rời rạc lại với nhau, đó chính là hành trình thâm nhập lòng đất của đội thám trắc địa chất. Cùng với bước chân của các thành viên trong đội, độc giả cũng ngày một đến gần với chân tướng của sự thật hơn, nhưng đáp án cuối cùng lại không thể mở được hết các nút thắt, bởi vậy các nút thắt cứ đan cài vào nhau tạo ra một nhịp điệu rất chắc chắn, liên tục thu hút độc giả từ đầu cho đến kết thúc câu chuyện, liên tục khiến độc giả hồi hộp, lo lắng cho số phận của từng nhân vật trong truyện, đồng thời tò mò về bí mật dưới vực sâu. Trong tác phẩm gài rất nhiều manh mối gợi mở, nhưng đến tận cuối truyện, tác giả vẫn không hoàn toàn mở ra lời giải đáp về bí mật thực sự nằm dưới vực sâu. Nam Phái Tam Thúc vô cùng thông minh khi giao manh mối quyết định này vào tay một nhân vật khác. Nhân vật nhảy dù xuống đáy vực và có 70 giờ để tìm kiếm bí mật cũng như hi vọng sống cho mình. Thứ duy nhất anh ta có thể bấu víu chính là dải sáng hắt lên từ dưới vực. Và như vậy câu chuyện đã kết thúc, để lại cho độc giả không gian suy tượng vô hạn.

Cuối cùng câu chuyện kết thúc với lối kết thúc mở, chúng ta có thể tưởng tượng ra vô số khả năng có thể xảy ra sau này. Câu “Tất nhiên dẫn đến tất nhiên” nói cho chúng ta biết về quy luật lặp đi lặp lại trong lịch sử. Sau khi “tôi” thực hiện chuyến bay và trở về quá khứ, “tôi” đã gặp lại đội thám trắc địa chất đầu tiên và Viên Hỉ Lạc, vì “tôi” biết mọi chuyện sẽ phát sinh sau này nên“tôi” cố gắng tìm cách đưa “tôi” trong quá khứ men theo con đường mà mình từng đi trước đây. Và thế là vòng tuần hoàn chết được hình thành: Trở về quá khứ → cùng tham gia thám trắc với đội thám trắc thứ nhất → “tôi” hiện tại tham gia vào đội thám trắc thứ hai → “tôi” quá khứ sẽ dẫn dụ “tôi” hiện tại → tiến hành chuyến bay → trở về quá khứ. Nếu tiếp tục phát triển theo dây chuyền đó thì sẽ có vô số “tôi” bước ra khỏi vòng tuần hoàn, rồi sau đó lại có vô số “tôi” bước vào vòng tuần hoàn, như vậy đồng nghĩa với việc liên tục có đội thám trắc địa chất thứ nhất thâm nhập lòng đất, hi sinh, tiếp đến đội thám trắc địa chất thứ hai thâm nhập lòng đất và cũng hi sinh, sau đó “tôi” trở về quá khứ, đội thám trắc địa chất thứ nhất lại thâm nhập lòng đất, lại hi sinh, rồi đội thám trắc thứ hai thâm nhập và hi sinh… Vòng tuần hoàn chết trong bộ tiểu thuyết này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim “Triangle” (Tam giác quỷ). Trong đó chi tiết khiến tôi thấy rùng rợn nhất trong phim chính là đống thi thể của một nữ nhân vật được chất đầy trong một góc con tàu, còn trong Đại mạc thương lang là một đống “tôi” sống sót trong “trạm lánh nạn”. Trong “Tam giác quỷ” nhân vật nữ chính trong phim luôn tìm cách trở về quá khứ để thay đổi vận mệnh của mình, nhưng bất kể cô đưa ra các quyết định khác nhau hay hành động khác nhau thì kết quả cô nhận được vẫn chỉ có một. Bộ phim Mỹ này lấy cảm hứng từ một thần thoại Hi Lạp, câu chuyện kể về thần Sisyphus đã vô tình xúc phạm đến chúng thần, các vị thần đã trừng phạt Sisyphus bằng cách bắt ông phải đẩy một tảng đá khổng lồ lên đỉnh núi, nhưng vì tảng đá quá nặng nên mỗi lần gần lên tới đỉnh nó lại lăn xuống chân núi, thế là bao công cố gắng của thần Sisyphus đều trở thành vô ích. Thế là thần không ngừng phải lặp đi lặp lại hành động nhọc nhằn đó, vĩnh viễn không thể ngừng lại. Đọc Đại mạc thương lang, ta cũng dễ dàng thấy hình bóng của thần Sisyphus trong nhân vật tôi. “Tôi” cứ loanh quanh mãi trong vòng tuần hoàn này, anh ta nhất định sẽ phát điên bởi rốt cuộc anh ta không thể thay đổi được điều gì, thực ra kết cục cuối cùng đã được định đoạt, cho dù anh ta cố gắng thay đổi quá trình thì vẫn không thay đổi được kết quả. Hãy tưởng tượng mà xem, nếu bạn đang sống trong bóng tối và nỗi khiếp đảm, trong vùng nước tù hôi thối và ẩm ướt không người nào biết, bạn đi lại khắp nơi, tìm kiếm khắp nơi hòng thay đổi kết cục và giải cứu chính mình, nhưng bạn hoài công vô ích hết lần này đến lần khác, phải lặp lại vòng tuần hoàn đáng sợ hết lần này đến lần khác, cảm giác ấy thực sự khiến người ta không thể không cảm thấy kinh hoàng.

Đọc câu chuyện của Nam Phái Tam Thúc thực sự thấy mất sức hơn tưởng tượng ban đầu. Bởi tư duy logic của tác giả vô cùng đặc biệt, nhìn thì có vẻ rất chặt chẽ và có đầu có cuối, nhưng thực tế lại vô cùng hỗn loạn. Kiểu truyện nhìn thì có vẻ rõ ràng nhưng thực chất lại rối rắm bao giờ cũng kinh dị hơn loại truyện vừa nhìn đã thấy rối rắm. Cũng nhờ thế mà Đại mạc thương lang trở nên thu hút hơn.
 
Bên trên