Dịch giả Dương Tường: Đời phu chữ

Cà phê Muối

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
10/2/23
Bài viết
36
Gạo
347,0
Khi dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Anh ở tuổi 87, Dương Tường phải tiêm thuốc trợ lực vào mắt vài chục lần trong hai năm.

Dịch giả, nhà thơ Dương Tường qua đời tối 24/2 ở Hà Nội, thọ 91 tuổi. Hay tin, nhiều độc giả trích lại câu thơ duy nhất trong bài Để ghi trên mộ chí sau này của ông: "Tôi đứng về phe nước mắt". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói Dương Tường là người dấn thân cả đời cho văn chương. Ông đã trải qua một cuộc đời vẻ vang, nhiều buồn vui với con chữ.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói dịch giả là tên tuổi tiêu biểu của thế hệ trí thức khởi nghiệp từ vốn tiếng Pháp được dạy trong các trường Tây, đi vào vùng kháng chiến và tự học thành tài. Thời kỳ làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam, sau khi làm quen công việc dịch thuật qua một số tập truyện ngắn của Nga, ông bắt đầu chinh phục những tác phẩm kinh điển như Anna Karenina (Lev Tolstoy), Lolita (Vladimir Nabokov), Cái trống thiếc (Gunter Grass)... Ông nói luôn chọn tác phẩm khó để thách thức bản thân. 60 năm làm nghề, ông đưa nhiều tác phẩm kinh điển của văn học thế giới như Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Kafka bên bờ biển, Đi tìm thời gian đã mất đến với độc giả Việt.

Nhà vắn Dương Tường. Lễ viếng ông diễn ra lúc 9h15 ngày 1/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhà vắn Dương Tường. Lễ viếng ông diễn ra lúc 9h15 ngày 1/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trong đời dịch thuật, một số bản dịch của Dương Tường từng bị người đọc, giới phê bình "đánh" vì có lỗi sai, nhất là Lolita (2011). Ông không coi đó là tai nạn, chỉ tự nhủ đã làm hết sức với cái tâm của mình. Sinh thời, ông quan niệm "một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó dịch giả là đồng tác giả". Khi chuyển ngữ, ông sống cùng nguyên tác trước rồi mới "đẻ" ra bản dịch. Trung bình, ông dành khoảng một năm chuyển ngữ một tác phẩm, có những cuốn khó mất hai, ba năm. Trước khi dịch, ông đọc sách ít nhất hai lần, tìm hiểu tiểu sử, phong cách tác giả, vị trí của họ trong nền văn học.

Dương Tường từng nói ông "không ăn gian của trời một ngày nào", làm việc đến khi sức cùng lực kiệt. Năm 2019, khi ra mắt bản dịch Chết chịu của nhà văn Pháp Louis-Ferninand Céline, đơn vị phát hành tổ chức buổi tọa đàm với độc giả để ông "rửa tay gác kiếm". Thế nhưng sau Chết chịu, ông vẫn chưa dừng lại, tiếp tục chinh phục "đỉnh núi Everest cuối cùng của cuộc đời", là chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Anh.

Năm 2020, dịch giả ra mắt Kiều in Dương Tường's version, là kết quả sau thời gian ông miệt mài soi kính lúp gõ từng con chữ. Ông nói cuốn sách là "nén hương dâng lên cụ Nguyễn Du, lên tổ nghề, là thành phẩm để trả ơn tiếng Việt".

Thời điểm mới dịch Truyện Kiều, ông mắc zona thần kinh nặng, không nhấc nổi tay chân, mắt gần lòa, nhìn người chỉ còn thấy bóng. Dịch giả làm việc trên một chiếc máy tính nối với màn hình lớn, phải phóng to đến mức cả màn hình chỉ chứa được vài dòng. Ông phải tiêm thuốc trợ lực trực tiếp vào mắt đến vài chục lần. Dịch giả còn gặp khó khăn vì không thể tra cứu từ điển hay các tài liệu, dựa tất cả vào trí nhớ. Khi hoàn thành tác phẩm, ông đến giai đoạn sức cùng lực kiệt, không thể tự kiểm tra bản dịch. Sau Truyện Kiều, Dương Tường vẫn thi thoảng dịch một số bài thơ ra tiếng Anh, tiếng Pháp, trong đó có Màu tím hoa sim của Hữu Loan.

Tuyển tập Dương Tường - Thơ do Nhã Nam ấn hành. Ảnh: Nhã Nam

Tuyển tập "Dương Tường - Thơ" do Nhã Nam ấn hành. Ảnh: Nhã Nam

Dương Tường vốn là nhà thơ nhưng cống hiến cho dịch thuật nhiều hơn, ngoài đam mê còn vì "cơm áo gạo tiền". Thời kỳ khó khăn, một nách ba con nhỏ, ông từng giấu vợ đi bán máu kiếm tiền. Công việc dịch sách, tài liệu giúp ông có thêm đồng ra đồng vào. Khi ra mắt tập Mea culpa và những bài khác năm 2005, ông nói: "Tôi là kẻ lỡ thời. Giá như những bài thơ của tôi được công bố đúng lúc thì sự phản hồi sẽ thúc tôi đi tiếp tốt hơn con đường đã chọn. Giờ thì muộn rồi. Dường như đó là cái phận. Không kịp thời nhận ra cái phận của mình, đó chẳng phải là một lỗi lầm sao?". Dương Tường cứ thế nợ thơ cả một đời.


Ông từng in các tập Dương Tường - Thơ, 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời), Thơ Dương Tường - Mea culpa và những bài khác, mỗi tập đều thể hiện nỗ lực và khao khát cách tân, tìm tòi con chữ của ông, với các thể loại như "thơ ngoài lời", "thơ thị giác".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kể những năm cuối đời, Dương Tường luôn thèm được ngồi với người trẻ. Nặng tai, phải đeo máy trợ thính, ông vẫn thích nghe tiếng xe cộ ngoài đường, những cuộc trò chuyện của thế hệ sau vọng lại từ ngoài ngõ. Tiễn Dương Tường, nhiều bạn văn trích lại những câu thơ ông viết trong bài Mea Culpa và những bài thơ khác (Mea Culpa là "lỗi lầm của tôi"):

"lặn mặt trời rồi
tôi về
m ư ư a a"

Hà Thu (Vnexpress)
 
Bên trên