Đóa sen bên hồ Tả Vọng - Cập nhật - Dưa Hấu

Linhduahau

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/5/14
Bài viết
754
Gạo
500,0
Tên truyện: Đóa sen bên hồ Tả Vọng ( Tên cũ: Không cách nào buông tay)​
Tên tác giả: Dưa Hấu
Trình trạng truyện: Đang viết
Thể loại: Xuyên không, tình cảm, sử Việt

bia sach.jpg

(Bìa: Nhật Hy )

Giới thiệu truyện:

Chàng mang trong mình dòng máu vương tử cao quý, vì một giấc mộng rồng mà được sinh ra, được người người khom lưng cúi đầu. Từ đó vận mệnh của chàng gắn với vận mệnh của gia tộc, gắn với tranh bá quyền hành.

Nàng là một cô gái hiện đại, chỉ vì một tai nạn bất ngờ, linh hồn nàng quay ngược thời gian nhập vào thể xác của một cô gái đang hấp hối, sống cách nàng đến hơn 200 năm, nước Đại Việt thế kỷ 18. Từ đây, nàng gặp được chàng và bị cuốn vào thời thế hỗn loạn.

Vận mệnh liệu có xoay vần? Nàng với những kiến thức hiện đại, liệu có thể thay đổi được số phận của chàng? Có thể thay đổi được lịch sử?

***

Đau thấu tâm can nhưng không cách nào buông tay. Trái tim chỉ có thể rỉ máu cho đến khi khô cằn, cho đến khi mỗi nhịp tim đập đều trở nên vô hồn.


MỤC LỤC

* ~ * ~ * Phần 1: Gặp gỡ như mộng * ~ * ~ *

Chương 1 %%- Chương 2 %%- Chương 3 %%- Chương 4 %%- Chương 5
Chương 6 %%- Chương 7 (1) * * * Chương 7 (2) %%- Chương 8 %%- Chương 9
Chương 10 %%- Chương 11 %%- Chương 12 %%- Chương 13 %%- Chương 14
Chương 15 %%- Chương 16 %%- Chương 17 %%- Chương 18 %%- Chương 19
Chương 20 (1) * * * Chương 20 (2) %%- Chương 21 (1) * * * Chương 21 (2)
Chương 22 (1) * * * Chương 22 (2) %%- Chương 23 (1) * * * Chương 23 (2)
Chương 24 (1) * * * Chương 24 (2)
Chương 25

* ~ * ~ * Phần 2: Sóng gió ngai vàng * ~ * ~ *

Chương 26 %%- Chương 27 %%- Chương 28 %%- Chương 29 %%- Chương 30
Chương 31 %%- Chương 32 %%- Chương 33 %%- Chương 34 %%- Chương 35
Chương 36.1 * * * Chương 36.2 %%- Chương 37.1 * * * Chương 37.2
Chương 38.1 * * * Chương 38.2 %%- Chương 39.1 * * * Chương 39.2
Chương 40.1 * * * Chương 40.2 %%- Chương 41.1 * * * Chương 41.2
Chương 42 %%- Chương 43.1 * * * Chương 43.2 %%- Chương 44
%%- Chương 45 %%- Chương 46 %%-
Chương 47 %%- Chương 48 %%- Chương 49 %%- Chương 50.1 *** Chương 50.2


 
Chỉnh sửa lần cuối:

Linhduahau

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/5/14
Bài viết
754
Gạo
500,0
CHƯƠNG 1: LINH HỒN ĐI LẠC


- Tiểu thư, tiểu thư, người tỉnh lại đi.

Nhức đầu quá, hình như ai đang lay gọi mình. Tôi nhíu mày lại nhưng vẫn không cách nào mở được mắt. Cứ như là đang bị bóng đè vậy, tôi thử huơ huơ tay vào khoảng không trước mặt thì bị một bàn tay nhỏ chụp lấy, lại bị lay lay.

- Tiểu thư, người tỉnh lại đi, tiểu thư?

Mắt khó nhọc mở ra thì thấy một khuôn mặt lạ hoắc phóng lớn ngay trước mặt. Một khuôn mặt lạ hoắc, gầy gầy hơi đen lại có chút hoảng hốt xen vui mừng trên mặt. Là y tá sao? Tôi tự nhủ là tai mình nghe lầm rồi, sao có thể gọi mình là tiểu thư được. Khóe môi khẽ cử động nhưng phát hiện ra có chút đau, môi bị nứt nẻ muốn rỉ máu đỏ.

Y tá nhanh tay đưa một chén nước kề vào môi, tôi khẽ nhấp một ngụm nhỏ. Nước mát lạnh làm dịu đi cổ họng, trôi vào ruột xoa dịu cơn đau đang thắt lại.

Tôi nói không ra tiếng, chỉ nghe như đang thì thào:

- Tôi đang ở đâu vậy?

- Tiểu thư, người bị sốt nặng, hôn mê mấy ngày rồi. May quá, cuối cùng người đã tỉnh.

Cái gì thế? Sốt nặng? Không phải là suýt bị chết đuối sao.

- Đây là đâu?

- Tiểu thư, là phòng riêng của người, người không nhớ chút nào ư? Huhu. Em phải đi báo với quận công ngay.

Cô bé đen nhẻm quay lưng bỏ chạy ra phía cửa. Phòng riêng ư? Tôi cố ngước mắt nhìn quanh, làm gì phải, phòng của tôi làm gì rộng thế này, giường ngủ cũng không phải thế này, cửa phòng càng không phải. Khoan. Tiểu thư? Quận công? Không lẽ nào.

Tôi cúi nhìn xuống áo quần đang mặc, quả thật quá lạ lẫm. Đừng nói là mình đã trở thành người khác rồi, là xuyên không giống trong mấy cuốn tiểu thuyết hay đọc sao? Không thể nào.

Ngước thấy có tấm gương đồng nhỏ đang úp trên bàn, tôi gắng bước đến, chân run run vì sức yếu, tay run run vì lo sợ, cầm lấy gương đưa lên trước mặt. Mặc dù không cách nào tin được nhưng khi nhìn thấy gương mặt xa lạ, xanh xao trong gương thì tôi hoàn toàn tin rằng mình đang ở trong thân thể của một người khác.

- Tiểu thư, người còn đang bệnh sao lại bước xuống giường rồi?

Giọng nói hốt hoảng của cô bé gầy đen kia lại thốt lên. Cô bé nhanh chóng chạy đến đỡ tôi quay lại giường.

Ngoài cửa cũng vừa xuất hiện bóng của một người đàn ông tầm bốn mươi tuổi, đầu đội mũ ô sa có hai tai ngang hai bên, râu ria đen bóng, vóc dáng không cao không thấp, mặc áo dài đỏ sẫm, cổ áo tròn lộ phần cổ áo trắng bên trong, ống tay áo rộng, một tay đang xách tà áo, tay kia nắm chặt sau lưng. Người đàn ông đến ngồi bên giường, cầm lấy tay tôi. Giọng người đàn ông trầm ấm vang lên:

- Con còn thấy đau chỗ nào không?

Đây chắc là cha của thân thể này rồi. Tôi nhìn qua cô bé đang đứng bên thành giường, giờ này tỉnh táo mới để ý thật kỹ. Một cô nhóc tầm mười hai tuổi, gầy, đem nhẻm, tóc quấn trong một chiếc khăn nâu búi trên đầu, yếm nâu, váy nâu, đi chân đất.

Đây chẳng phải là hình mẫu của cô gái Bắc Bộ sao? Thế này nghĩa là mình vẫn còn ở Việt Nam. Ôi, đau đầu quá.

- Ối, tiểu thư, tiểu thư ngất xỉu rồi, tiểu thư tỉnh lại đi.

***

Từ đó, tôi cứ ngơ ngơ ngác ngác cũng qua được hơn 10 ngày. Cơ thể này vốn gầy gò lại bị té từ lưng ngựa xuống khiến thương tổn cơ thể nặng, lại nằm bệnh hơn tháng trời. Mặc cho ăn và uống bao nhiêu chất bổ dưỡng nhưng vẫn chưa thể khỏe mạnh chạy nhảy được. Các thầy thuốc chẩn đoán rằng do bị sốt cao nên đầu óc tôi có chút bị ảnh hưởng, dần dần sẽ tìm lại được trí nhớ. Riêng tôi, tôi biết là không phải vậy. Một hôm tôi kéo tay Gạo hỏi thăm về tình huống hiện tại. Câu đầu tiên tôi mở miệng hỏi là:

- Tôi đang ở thời vua nào?

- Dạ. Vua Lê. – Gạo nghe thầy thuốc nói tôi bị mất trí nhớ tạm thời nên thành thật trả lời không chút nghi ngờ.

- Tiền Lê hay Hậu Lê?

- Dạ? Tiểu thư đang nói gì vậy? – Gạo hỏi lại.

À, có lẽ Tiền Lê hay Hậu Lê là do những nhà nghiên cứu lịch sử tự đặt tên như vậy để dễ phân biệt các triều đại thôi. Tôi liền đổi câu hỏi:

- Vậy vua Lê tên gì? Hiệu gì? Năm nay là năm bao nhiêu?

- Tiểu thư, em làm sao biết được tên vua, nhưng ai cũng nói là vua Lê trung hưng. Năm nay là năm Đinh Dậu, Cảnh Hưng thứ 38.

Lê trung hưng? Cảnh Hưng thứ 38? Lần đầu tiên tôi nghe tên này. Nhưng là năm bao nhiêu trong dương lịch? Được rồi, năm bao nhiêu trong dương lịch tôi sẽ tìm hiểu sau, tạm thời đã biết về thời gian thì cũng nên biết về thân thế của bản thân hiện tại. Vì vậy, tôi liên tục đặt câu hỏi với Gạo, và đây là kết quả của một buổi khảo cung:

Thân thể này tên là Hoàng Thị Đinh Thanh, con gái của quận công Huy tên Hoàng Đình Bảo với người vợ bé. Người mẹ của Đinh Thanh vốn là nàng Thuận, nổi tiếng về hát ả đào của làng Thanh, được quận công yêu thích mang về làm vợ hai. Nàng Thuận vốn cơ thể yếu ớt, mới tám tháng đã sinh non Đinh Thanh rồi qua đời sau đó ít ngày. Quận công Huy vốn thương tiếc nàng Thuận nên cũng sinh lòng yêu thương Đinh Thanh giao cho một bà vú nuôi tên Thiện chăm sóc. Gạo là con thứ năm của bà Thiện, được giữ lại theo hầu hạ Đinh Thanh. Bà Thiện giờ đang sống với chồng ở quê.

Huy quận công Hoàng Đình Bảo vừa là cháu, lại cũng vừa là con nuôi của vị lão tướng Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc. Hoàng Đình Bảo thi đỗ Hương Cống, rồi đỗ tiếp Tạo sỹ, được phong tới tước quận công và được chúa Trịnh Doanh gả con gái là quận chúa Ngọc Mai, ban cho chức trấn thủ trấn Nghệ An.

Quận công Huy là người đứng đầu trấn Nghệ An, vì thế, tôi hiện nay chính là nhị tiểu thư của nhà quan lớn.

Nói về quận chúa, từ khi được ban hôn với quận công Hoàng Đình Bảo thì phải nhiều năm sau mới sinh được một con gái là Hoàng Thị Đinh Ngọc. Đinh Ngọc lớn hơn Đinh Thanh 1 tuổi, hiện là 16 tuổi đang chờ gả đi, cũng bởi quận công và quận chúa muốn tìm một chàng trai văn võ song toàn để gả con gái, nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý.

Quận chúa Ngọc Mai thì tôi đã gặp được ba lần từ khi tỉnh dậy. Thường là bà sẽ ghé qua nhìn một chút, hỏi han vài câu sức khỏe rồi đi ngay nên ấn tượng của tôi không nhiều. Nếu có chính là lần đầu được thấy một quận chúa tuổi qua ba mươi, nét đẹp mặn mà, đôi mắt phượng sắc sảo và giọng nói thanh nhã. Như vậy tình cảm của vợ cả với thân thể này không được tốt lắm nhưng cũng không đến nỗi bị ghẻ lạnh.

Đinh Ngọc rất giống mẹ, xinh đẹp và sắc sảo. Nàng hầu như ngày nào cũng qua phòng tôi, ngoài hỏi han sức khỏe thì lúc cho bịch ô mai muối rồi đi, có lúc lại ngồi nói cười rất nhiều chuyện trong thành mà nàng nghe được kể cho tôi. Có thể nói tình cảm của hai chị em cùng cha khác mẹ này không tệ chút nào.

- Chị, sao em nghe ngoài kia có tiếng rất ồn ào?

Tôi ngồi kéo Đinh Ngọc lại hỏi chuyện. Tôi thấy mình đã khỏe rồi nhưng quận công vẫn không cho ra khỏi phòng. Cho nên chỉ có thể hỏi thăm người khác chuyện đang xảy ra.

- Ngoài kia dân chúng đang tụ tập hoan hô quận công đó tiểu thư Đinh Thanh. – Cô hầu Hoa đi theo Đinh Ngọc cười tít mắt giành trả lời trước.

Đinh Ngọc chỉ cười mỉm, cầm lấy tay tôi rồi nói, giọng dịu dàng ngọt ngào:

- Cha đã ra lệnh các phú hộ, nhà giàu mở kho quyên góp gạo phát cho toàn thể dân nghèo trong trấn Nghệ An. Người dân vui mừng kéo đến cảm ơn cha.

- A, ra cha của thân thể này là quan tốt. – Tôi thật không ngờ, quan lại cũng có thể lấy của người giàu chia cho người nghèo như vậy.

- Em nói chi vậy? Cha chúng ta tất nhiên là quan tốt rồi. – Đinh Ngọc trả lời lại.

- À, hì, thì em nói cha chúng ta đúng là vị quan tốt nhất. – Tôi cười nịnh nọt.

Tôi lại nhất thời lỡ miệng, về đây được mười ngày rồi mà vẫn chưa quen với gia đình mới này. Chờ khỏe hơn, nhất định phải ra ngoài kia xem tường tận người dân sống như thế nào, họ ăn gì, mặc gì, thị thành có khác với thời hiện đại hay không. Quả thật tôi tò mò muốn chết đi được.

Tán gẫu vài câu với Đinh Ngọc thì đến bữa cơm tối. Vì sức khỏe yếu nên tôi chỉ được ăn cháo thịt bằm, Gạo mang vào phòng mỗi giờ cơm nên tôi chưa ngồi ăn với cả nhà bữa nào. Vấn đề quan trọng chính là, tôi thực sự rất rất ghét cháo. Thật chẳng ăn nổi nữa nhưng cứ bị ép ăn. “Tôi muốn ăn cơm. Cho tôi cơm. Làm ơn.” Dù gào thét trong lòng nhưng tôi vẫn ráng nuốt từng muỗng cháo. Ai bảo tôi xuyên không về làm con nhà quan nhưng lại không có quyền quyết định gì cả.

Sau khi ăn tối, tôi nằm ngay ngắn nhìn thẳng lên xà ngang nhà. Vậy là tôi đã về đây được gần nửa tháng, không biết ở hiện đại đang như thế nào, ba mẹ chắc lo lắng lắm. Thật không ngờ được, chuyện tưởng chỉ có trong phim hay tiểu thuyết lại xảy ra với tôi. Lê Hoài An, hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, tôi quyết định làm một chuyến ra Ninh Bình thăm thú thành Tràng An. Khi đang đi xuồng ra chùa thì bất ngờ gió to thổi đến, xuồng mộc chao đảo rồi lật nghiêng. Nháy mắt cả người rơi xuống sông, dù tôi cố chới với kêu cứu nhưng vẫn vô vọng khi bị dòng nước xoáy cuốn vào. Mọi thứ tối dần và đến khi tỉnh lại thì đã nằm ở đây.

Là vận mệnh có phải không? Một cô gái hai mươi hai tuổi đang ở trong thân thể của cô gái mười lăm tuổi và sống ở Đại Việt cách xa tôi không biết mấy trăm năm.

Tôi thực sự nhớ ba mẹ, rất muốn quay về nhưng làm cách nào đây?

------------
Beta: _TA_ , timbuondoncoi
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Linhduahau

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/5/14
Bài viết
754
Gạo
500,0
CHƯƠNG 2: GẶP GỠ


Sau nhiều ngày năn nỉ, cuối cùng tôi được cho phép ra ngoài chơi, nói đúng hơn là đi dạo phố cho khuây khỏa. Tôi rất nóng lòng muốn khám phá cuộc sống của thời đại này ở bên ngoài vô cùng. Gạo tuy nhỏ con nhưng hành động rất cẩn thận, tỉ mỉ. Cô bé lấy từng lớp áo mặc giúp tôi. Đầu tiên là áo yếm màu nâu, váy màu nâu sòng, áo khoác màu trắng với vạt áo chéo có dây cột ở giữa, tay áo hơi rộng. Lại thêm một lớp áo khoác bên ngoài màu đỏ sậm, tay áo rộng thênh, vạt áo dài qua hơn đầu gối.

Lần đầu tiên được mặc trang phục nhiều lớp thế này, thật có chút khó khăn nhưng tôi rất hào hứng. Thì ra trang phục ngày xưa cũng đẹp, không tệ chút nào, tôi đung đưa hai cánh tay để thấy vạt áo bay bay. Thật may vì được xuyên không làm con nhà quan, được mặc đồ đẹp như công chúa trong phim cổ trang.

Đó là tôi còn chưa biết, trang phục công chúa còn đẹp hơn nhiều. Vấn đề là sau này gặp mới biết.

Riêng tóc của Đinh Thanh vốn vừa dày vừa dài, rất óng mượt. Gạo tính tết tóc cho tôi rồi cuộn tròn trên đầu nhưng tôi ngăn lại. Tóc đẹp như vậy, cứ thả dài, chạm qua eo, rất đẹp. Lúc đầu Gạo còn không chịu nhưng tôi lại càng kiên quyết.

hau le 1.jpg


Chân mang giày thêu, tôi háo hức bước chân ra cửa. Đúng là nhà quan, khuôn viên nhà rất rộng, ngoài các gian phòng ở của chủ nhân, còn có gian bếp, gian nhà ở cho gia nhân, người hầu. Các gian nhà được xây tách rời, giữa các gian nhà có sân rộng và vườn hoa, ở góc sân lại có một chiếc giếng rất to được chạm trổ hoa văn. Gian nhà trước là nơi tiếp khách và có cả phòng nghỉ cho khách ở lại. Gian này đặc biệt rộng, cột nhà to, cao và được chạm trổ rồng phượng từ chân lên đến mái nhà. Sân nhà được lát đá sạch sẽ, cổng ra vào còn có 2 chú sư tử bằng đá trắng trấn giữ hai bên, có một tên hầu ngồi canh cửa. Tên hầu mang áo lính, màu nâu. Có vẻ thời này chuộng màu nâu, hoặc là kỹ thuật nhuộm vải còn kém nên khó nhuộm được các màu khác?

Tôi chỉ tự suy đoán thế thôi nhưng sau này khi lên thành Thăng Long, tôi biết mình đã sai.

Ngoài kia đang giờ sáng sớm, đường phố đông người, người mua, kẻ bán ngược xuôi rất náo nhiệt. Lúc này trấn Nghệ An là một trong các thành lớn và sầm uất nhất ở phía Bắc Đại Việt.

- Tiểu thư, người có sao không? - Gạo dè dặt hỏi tôi.

Lúc đó tôi đang hai mắt long lanh, miệng hình chữ O rất lớn. Biết mình tỏ thái độ hơi quá nên đành cười qua loa:

- A, chỉ là lâu ngày không ra ngoài, thật vui quá.

- Dạ, tiểu thư, mình đi tới quán bánh đúc bà Thái chứ ạ? Tiểu thư lâu rồi không ăn chắc thèm lắm. - Cô bé Gạo lại hỏi, cười lộ ra một núm đồng tiền bên má trái.

- Ờ, đi thôi.

Thì ra cô Đinh Thanh này lúc trước thích ăn bánh đúc. Lúc ở hiện đại, tôi cũng từng ăn bánh đúc vài lần, cũng không thích lắm. Dù sao cũng lâu ngày toàn ăn cháo, đi ăn thử cũng không sao. Thế là tôi đi theo Gạo, qua mấy ngõ thì tới một quán nhỏ. Mái lợp tranh, được dựng bằng mấy thân cây gỗ to hơn cổ tay một tí. Trong quán xếp vài ba bộ bàn ghế gỗ nhỏ. Bà Thái bán bánh đúc là một bà tầm năm mươi tuổi, hơi mập, mặc yếm và váy nâu đang đổ mồ hôi cắt từng miếng bánh đúc nóng hổi ra cho khách.

Tôi ngồi xuống một bàn kê ở góc quán, mắt vẫn nhìn quanh hết sức tò mò và vui vẻ. Gạo nhanh chân đi mua bánh đúc, hai phần bánh được đựng trong lá chuối, bốc từng làn khói nhỏ. Bánh đúc gạo trắng muốt, đậu phộng thơm ngọt lẫn bên trong, ăn vừa béo, vừa bùi lại ngòn ngọt. Chấm với mắm tôm cay cay ngọt ngọt ăn thật tuyệt vời.

- Tiểu thư, ăn từ từ kẻo nóng.

Gạo vừa cười vừa nhắc nhở. Kể từ khi bị về thời đại này, đây là món đầu tiên ngon như vậy mà tôi được ăn. Tôi có phần ăn hơi vội, thật không ra dáng tiểu thư quyền quý chút nào.

Sau khi ăn xong phần bánh đúc, muốn ăn thêm nhưng lại hơi căng bụng, có lẽ do lâu ngày dạ dày chỉ toàn ăn cháo nên hơi khó chịu. Tôi không dám ăn thêm liền đứng dậy ra khỏi quán. Gạo đi chậm sát bên.

Vừa đi được một đoạn thì gặp một quán trà nhỏ bên đường. Quán trà này y hệt quán bánh đúc ban nãy, cũng mái lợp tranh, kê vài ba bộ bàn ghế nhỏ cho khách nghỉ ngơi.

Tôi liền kéo Gạo vào một chiếc bàn trống. Chưa kịp đặt mông xuống thì lại có người khác vừa ngồi xuống. Đó là hai chàng thanh niên, cả hai mặt mũi đều sáng sủa nhưng một người lại nổi bật hơn hẳn. Ở hiện đại nhìn qua biết bao hot boy nhưng đẹp trai như thế này thì lần đầu tiên tôi gặp được, lại tận mắt nhìn thấy. Mày đen nhánh, mắt sâu, lông mi cũng dài, mũi, miệng, cằm đều đẹp. Trên đầu, tóc được quấn bằng khăn màu xanh đậm, có một búi tỏi phía trên.

- Tiểu thư, nàng muốn ngồi bàn này sao? - Giọng nam trầm ấm áp vang lên.

- À à không..., à đúng... không, tôi ngồi bàn nào cũng được.

Tôi cố kéo một nụ cười che đậy sự xấu hổ. Gạo bịt miệng cười khúc khích sau lưng tôi. Chàng thanh niên mặc áo nâu sòng, đầu quấn khăn nâu cũng cười mím miệng.

Riêng anh chàng quấn khăn xanh, áo dài vát chéo màu xanh đen thì mặt lại không một chút biến đổi:

- Vậy mời tiểu thư qua bàn khác.

Lần này tôi thực sự há hốc mồm. Con trai thời này thật không biết hai chữ "ga - lăng" sao? À khoan, hình như hai chữ ga – lăng này là từ nước ngoài. Thôi đành qua bàn khác vậy.

Gạo gọi một bình trà, chậm rãi châm trà vào chén của tôi. Tôi lại ngồi vừa nhâm nhi vừa nhìn ngoài đường phố đông vui, thỉnh thoảng liếc mắt cái bàn bên kia. Hừ, tốt nhất không nên gặp lại anh ta nữa. Gạo ngồi một bên cũng nhìn bâng quơ ra đường.

- Aaaaa, hello. - Tôi đứng dậy, vỗ bàn, hét lớn.

Thật không tin vào mắt mình, thời này đã có người nước ngoài vào Việt Nam rồi, à không, nên nói là Đại Việt. Tôi không kìm nổi ngạc nhiên, hét to lên đồng thời giơ bàn tay vẫy vẫy mà không hề hay biết rằng lúc này, ngay lúc này, rất nhiều người trong quán trà và cả ngoài đường đang nhìn chằm chằm vào tôi. Gạo khẽ giật tay áo tôi, tôi biết mình lại vừa làm một hành động không phải của một tiểu thư yểu điệu thục nữ.

Hai người phương Tây, tóc vàng, mũi to dừng bước. Họ cũng mặt ngạc nhiên không kém, nhìn chằm chằm vào tôi rồi quay qua thì thào với nhau. Sau đó họ bước vào quán, đến bên bàn của tôi. Người đàn ông không râu, dùng tiếng Anh nói với tôi:

- Xin chào, tôi rất ngạc nhiên, quý cô biết nói tiếng Anh?

- Vâng, tôi biết tiếng Anh. Mời ngồi. Các vị đến từ đâu? - Tôi nhanh chóng trả lời bằng thứ tiếng Anh được học mười mấy năm trời ở thời hiện đại.

Hai người khách nước ngoài ngồi xuống, người không râu nói:

- Chúng tôi tới từ Hà Lan. Lần đầu tiên chúng tôi gặp một cô gái ở đây biết nói tiếng Anh.

- Thật sao? Các vị làm gì ở đây? - Tôi lại nổi cơn tò mò.

- Chúng tôi là thương buôn. Chúng tôi mang súng, thuốc nổ đến đổi lại gấm vóc, lụa và vài thứ hay ho đem đi nơi khác bán. - Người râu xoắn trả lời.

- Các vị đi thuyền sao? - Hỏi xong tôi cũng cảm thấy thừa thãi, nếu thời này mà đi máy bay chắc tôi sẽ chết vì ngạc nhiên mất.

- Đúng vậy. Chúng tôi cập cảng đã hai tuần. Chúng tôi muốn mua vải dệt và đồ đồng của Thanh Nghệ. - Người râu xoắn trả lời, chòm râu rung rinh theo từng cử động của môi.

Sau một hồi nói chuyện, đại khái tôi cũng biết được thời này đã có giao thương với bên ngoài. Chủ yếu là giao thương với nhà Thanh và người Pháp, còn người Hà Lan, người Tây Ban Nha và người Anh cũng có nhưng rất ít. Thêm nữa, nhờ nói chuyện với họ, tôi còn biết được năm nay là năm 1777.

Sau khi hai vị khách phương Tây chào tạm biệt và rời đi thì tôi mới phát hiện cô nhóc Gạo đang há hốc mắt miệng ngồi bên. Không những thế, toàn bộ khách ngồi trong quán cũng nhìn tôi bằng ánh mắt "không thể tin nổi", vài người còn thì thầm gì đó về tôi.

Không chịu được ánh nhìn của nhiều người, tôi kéo tay Gạo ra khỏi quán.

- Tiểu thư, sao người lại biết thứ tiếng của mấy người ngoại quốc?

- À, ta học lỏm, nghe nhiều nên biết thôi. - Tôi trả lời cho qua chuyện, làm sao có thể trả lời được rằng tôi học mười mấy năm mới được vậy đó chứ.

- Nhưng tiểu thư…

- Đừng hỏi nữa. Em cứ biết vậy là được rồi. Về ăn cơm trưa thôi.

Tôi ngắt lời, dẫu sao cũng không thể trả lời được cho nên đừng hỏi nữa có được không. Nếu mà trả lời thành thật rằng tôi là người của tương lai, có khi nào bị cho là người điên không? Vừa đi tôi lại suy nghĩ đến điều này.


***
traucanhphuong_zps350adccb.jpg


trau canh phuong.JPG


Vừa bước chân vào nhà, tôi đã gặp Đinh Ngọc và Hoa đang ngồi têm trầu trên sạp nhỏ.

- Oa, thật đẹp quá. Đinh Ngọc, chị thật khéo tay. - Tôi nhìn từng miếng trầu được têm hình cánh phượng xếp trên đĩa gỗ.

- Đinh Thanh, em chọc chị rồi. Ai cũng biết em têm trầu cánh phượng đẹp nhất. - Đinh Ngọc dùng một ngón tay gí vào trán tôi, miệng trách yêu.

- Thật sao? - Tôi thật không ngờ Đinh Thanh cũng có tài lẻ đó. Nhưng giờ tôi chứ không phải Đinh Thanh ngày trước, cho nên có lẽ phải mang tiếng "hữu danh vô thực" rồi.

- Em làm đi. Cha và mẹ cũng đã lâu không ăn trầu em têm. - Đinh Ngọc đưa lá trầu và con dao nhỏ đến bên tay tôi.

- Dạ.

Tôi cười mỉm nhận lấy lá trầu. Không xong rồi, làm thế nào nhỉ? À, đầu tiên quệt vôi, này là vôi đỏ nè. Rồi gấp lại, tôi gấp nè. Xong.

Tôi nhìn qua thấy ba đôi mắt nhìn sững miếng trầu vừa được gấp trên tay tôi. Gạo lên tiếng phá vỡ không gian im lặng:

- Tiểu thư, sau khi người tỉnh lại đã không giống người trước kia. Không chỉ không biết têm trầu mà còn bỗng dưng nói được tiếng ngoại quốc.

- Cái gì? Em nói được tiếng ngoại quốc? - Đinh Ngọc cầm lấy tay tôi, ngạc nhiên hỏi.

- Em chỉ nói vài ba câu à. - Tôi lấp liếm.

- Em thấy tiểu thư nói rất nhiều là khác. - Gạo lại chen vào.

Tôi liếc Gạo một cái, con bé này, bình thường rất ít khi nói linh tinh, sao hôm nay nhiều chuyện vậy.

- Miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu thế này thì ai dám ăn hả? - Mẹ cả cầm miếng trầu trong khay lên nói giọng trách móc.

Đó chính là miếng trầu tôi têm, vừa thảy vào. Mẹ cả này người như bóng ma, đi không nghe tiếng bước chân đã xuất hiện ngay sát bên cạnh.

- Mẹ, Đinh Thanh rất kì lạ. Em ấy quên mất cách têm trầu. - Đinh Ngọc lên tiếng.

Mẹ cả nhìn qua tôi, thở dài:

- Có lẽ là bệnh lâu ngày nên không quen tay. Thôi, các con vào nhà trong. Lát cha sẽ tiếp thế tử đến từ kinh thành, các con nhất định không được lộ mặt ra.

- Dạ.

Tôi và Đinh Ngọc đồng thanh rồi tụt xuống đi vào trong. Gạo và Hoa thu dọn và sắp đặt lại khay trầu rồi cũng đi theo.

***

- Chị, thế tử là ai? Thái tử và thế tử có giống nhau không? - Tôi tò mò hỏi Đinh Ngọc.

Đinh Ngọc thở dài, ra vẻ có chút đau lòng, trả lời tôi:

- Không biết khi nào em mới bình thường lại như trước đây, cứ như một đứa con nít lên ba vậy, không biết gì cả. Thái tử là con hoàng thượng, sẽ nối ngôi vua. Thế tử là con chúa thượng*, sẽ nối ngôi chúa. Em hiểu chưa?

Tôi gật đầu, lại cười nịnh, bám lấy hỏi thêm vài vấn đề. Ra là thế này. Ở thời vua Lê chúa Trịnh này, chúa Trịnh nắm hết quyền lực trong tay cho nên ngôi vua kia căn bản là bù nhìn. Thế tử sẽ nối nghiệp chúa, sau này lại nắm quyền hành tối cao. Mà vị thế tử kia xét theo vai vế trong dòng họ, sẽ gọi quận chúa – tức mẹ cả của tôi lúc này – là cô. Nhưng thế tử cao quý, mẹ cả vẫn phải quỳ xuống chào, gọi một tiếng "thế tử". Quên, thế tử tên là Trịnh Tông.

Còn nữa, mặc dầu tôi rất muốn ra nhìn trộm xem mặt mũi thế tử kia thế nào, nhưng Đinh Ngọc và Gạo một mực nhắc nhở tôi, một tiểu thư không nên lộ mặt khi nhà có khách, và khi chưa được người lớn cho phép. Nhất quyết kéo tôi vào phòng, đóng cửa, canh giữ. Tôi chỉ còn cách nằm dài, nhìn mấy người kia thêu thêu thùa thùa. Những cô gái thời này rất thích thêu thùa, may vá và đàn hát. Như Đinh Ngọc, nàng ấy có thể đàn nguyệt, đọc thơ, rất thanh tao.

Đến bữa cơm, tôi và Đinh Ngọc vẫn phải ăn riêng trong phòng. Gạo và Hoa đi mang cơm và thức ăn vào phòng để lên bàn. Bốn người không phân biệt chủ tớ, ngồi quanh bàn ăn cơm. Ăn xong, hai mắt tôi trĩu nặng. Tôi liền bò lên giường, kéo mền, nhắm mắt. Còn chưa kịp vào mộng đẹp đã bị Đinh Ngọc kéo tay:

- Đinh Thanh, mới ăn no, không được ngủ liền.

- Em buồn ngủ lắm rồi, kệ em đi. - Tôi quay người hướng vào trong.

Vừa mới nhắm mắt, tôi lại nghe âm thanh con trai loáng thoáng bên ngoài cửa:

- Hết răng thì choa chịu.**

- Thôi, mi đi đi. Chiều răng tui cũng xin được tiểu thư cho đi.

Tôi nghe Hoa trả lời nhỏ nhẹ, rồi tiếng bước chân. Phải rồi, tôi đang ở trấn Nghệ An, nghe tiếng địa phương là bình thường. Cả nhà quận công đều từ nơi khác chuyển đến nên mới không nói tiếng địa phương. Nhớ thời học Đại học, bạn cùng phòng trọ với tôi quê ở Hà Tĩnh, nên tôi có thể nghe hiểu được. Nghĩ đến đây, tôi bất giác nhớ lại anh chàng khó chịu gặp ban sáng, rõ ràng anh ta không hề nói tiếng địa phương, vậy là anh ta cũng là từ nơi khác đến.

Tôi tỉnh cả ngủ, quay qua nhìn Đinh Ngọc đang ngồi tựa bên giường:

- Chị, ai đang nói chuyện với Hoa vậy?

- Hắn là Tèo, làm việc vặt trong nhà. Hắn để ý con Hoa lâu rồi. - Đinh Ngọc trả lời nhẹ nhàng. Nàng dường như không quan tâm đến mẩu đối thoại đó.

Tôi ngồi hẳn dậy, chớp chớp mắt cười, nhìn Đinh Ngọc:

- Vậy chị đã để ý ai chưa?

Đinh Ngọc cười hiền nhìn ra bên ngoài:

- Cái này em cũng biết mà. Chị không biết sẽ được gả cho ai. Chỉ hi vọng đó là người tốt, che chở chị rồi sống bình yên là được rồi.

Nghe Đinh Ngọc nói, tôi dâng lên sự xúc động mạnh, đó là ước muốn của rất nhiều cô gái, không ngờ Đinh Ngọc mới 16 tuổi nhưng đã có suy nghĩ chín chắn như vậy. Tôi nắm lấy tay nàng ta:

- Chị xinh đẹp, dịu dàng lại hiền thục như vậy chắc chắn sẽ phải gả cho một người vừa giỏi vừa tốt rồi.

- Chị cũng mong vậy. - Đinh Ngọc lại cười nhìn ra sân.

Ở thời này, chính là con nhà càng quyền quý lại càng không thể tự tìm lấy tình yêu. Lấy ai, gả cho ai sẽ được cha mẹ quyết định. Có câu: “Cha mẹ đặt đâu con nằm đấy” là hoàn toàn đúng ở thời này. Tôi biết Đinh Ngọc chính là viên ngọc quý trong tay quận công và quận chúa, hai người ấy nhất định sẽ lựa chọn kỹ càng một chàng rể tốt để gả con gái đi. Còn tôi? Nếu tôi vẫn ở lại đây, rồi cũng sẽ như Đinh Ngọc? Thật sự không dám nghĩ đến.

-------------------------------
Beta: timbuondoncoi , _TA_
---> Chương 3

*Chúa thượng là danh xưng khi bậc bề tôi gọi chúa, như gọi vua là hoàng thượng. Chúa thượng đang ngồi trên ngôi chúa lúc này là Trịnh Sâm. Trịnh Sâm là thế hệ thứ 8 lên ngôi chúa, nắm mọi quyền chuyên chế trong tay. Trịnh Kiểm là người đầu tiên xưng chúa. Thật ra ngay từ đầu Trịnh Kiểm đã muốn lên ngôi vua nhưng ngại mang tiếng cướp ngôi, sợ không được sự ủng hộ của dân chúng, lại đang phải cầm binh đánh nhà Mạc phía Bắc và giặc xâm lăng lăm le bên ngoài nên phải dùng khẩu hiệu ‘Diệt Mạc phù Lê’ để được dân chúng tin tưởng. Từ đó, chúa có dinh thự riêng, cũng có các cung, tẩm này nọ như vua, có Đông cung dành cho thế tử như Đông cung của thái tử, cha truyền con nối lên nắm quyền. Chúa có quyền thay vua như thay áo, thường chọn vua trẻ con hoặc nhu nhược lên ngôi để dễ bề sai khiến.

** Hết răng thì choa chịu: Có sao thì tụi tao/tao chịu. (Thực ra mình không rành tiếng địa phương ở Nghệ An lắm, bạn nào thấy mình viết sai thì nhắc mình nhé ^^)
 
Chỉnh sửa lần cuối:

JuBy Wind

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
21/4/14
Bài viết
509
Gạo
300,0
Bạn làm mục lục đi cho các bạn đọc dễ theo dõi nha.
 

mo_nhat

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
16/5/14
Bài viết
94
Gạo
0,0
Chào tác giả! Truyện của bạn là truyện xuyên không đầu tiên mình đọc. Mình học cực dốt lịch sử nên cũng không dám nhận xét gì về các yếu tố đó khi bạn sử dụng. Mình có thói là phải thích ngay từ đầu mới tiếp tục theo dõi được, nên thích mở của bạn, chương một cũng khá ổn, mình quyết theo tiếp. Tuy nhiên, mình muốn góp ý chút thôi. Đối với mình viết bằng ngôi thứ nhất cực kỳ khó, vì không phải cứ tả những gì "tôi" nhìn thấy là hết, cái khó là sao truyền được cảm xúc của tác giả vào nhân vật cho bật ra cảm xúc chân thật nhất vào thời điểm nhân vật trải qua. Nhân vật "tôi" trong truyện của bạn, mình thấy hơi vô tư vì cô ấy chấn động tâm lý ít quá. Nếu là mình, khi mở mắt ra biết mình lạc về 200 năm trước như vậy, chắc mình phát điên mất chứ không thể thoải mái hưởng thụ như cô ấy đâu! ^^. Có lẽ sẽ hay hơn khi bạn để chương 2 thành chương 4 hoặc 5, và dành những chương trước đào sâu hơn về tâm lý của cô ấy khi sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, sẽ nhớ gia đình như thế nào, đã vấp phải khó khăn gì khi cố quen với gia đình mới.

Hơi dài, ^^, mong bạn không thấy phiền vì bình luận của mình nhé. Mình sẽ tiếp tục theo dõi. Chúc bạn thành công!
 

Linhduahau

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/5/14
Bài viết
754
Gạo
500,0
Chào tác giả! Truyện của bạn là truyện xuyên không đầu tiên mình đọc. Mình học cực dốt lịch sử nên cũng không dám nhận xét gì về các yếu tố đó khi bạn sử dụng. Mình có thói là phải thích ngay từ đầu mới tiếp tục theo dõi được, nên thích mở của bạn, chương một cũng khá ổn, mình quyết theo tiếp. Tuy nhiên, mình muốn góp ý chút thôi. Đối với mình viết bằng ngôi thứ nhất cực kỳ khó, vì không phải cứ tả những gì "tôi" nhìn thấy là hết, cái khó là sao truyền được cảm xúc của tác giả vào nhân vật cho bật ra cảm xúc chân thật nhất vào thời điểm nhân vật trải qua. Nhân vật "tôi" trong truyện của bạn, mình thấy hơi vô tư vì cô ấy chấn động tâm lý ít quá. Nếu là mình, khi mở mắt ra biết mình lạc về 200 năm trước như vậy, chắc mình phát điên mất chứ không thể thoải mái hưởng thụ như cô ấy đâu! ^^. Có lẽ sẽ hay hơn khi bạn để chương 2 thành chương 4 hoặc 5, và dành những chương trước đào sâu hơn về tâm lý của cô ấy khi sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, sẽ nhớ gia đình như thế nào, đã vấp phải khó khăn gì khi cố quen với gia đình mới.

Hơi dài, ^^, mong bạn không thấy phiền vì bình luận của mình nhé. Mình sẽ tiếp tục theo dõi. Chúc bạn thành công!

Cám ơn góp ý của bạn nha :). Thực ra ngay từ đầu mình cũng rất băn khoăn trong việc chọn ngôi kể cho câu truyện. Sau nhiều lần sửa đổi thì mình quyết định viết bằng ngôi thứ nhất, mình muốn đưa các hình ảnh, thông tin qua con mắt nhìn và cảm nhận của nhân vật nữ chính.
Còn về nhân vật nữ chính, bạn nói đúng là cô ấy chấn động tâm lý quá ít. Hi. Tính cách của nữ chính mình sẽ dần hoàn thiện và rõ nét hơn qua các chương sau.
Mình cũng đã viết các chương sau rồi, nhưng đang chỉnh sửa khá nhiều. Mong bạn tiếp tục theo dõi.
Cám ơn bạn một lần nữa ^^
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Linhduahau

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/5/14
Bài viết
754
Gạo
500,0
CHƯƠNG 3: TÁI NGỘ


Lúc tôi mở mắt ra đã là đầu giờ chiều. Tôi vẫn đang nằm trên giường của Đinh Ngọc, xung quanh không có ai. Có lẽ thấy tôi bệnh lâu ngày nên mới dễ dàng để một tiểu thư lười biếng ngủ ngày như vậy. Tôi tụt xuống giường, mang giày rồi đi ra cửa. Mặc dù buổi trưa ăn khá no nhưng ngủ dậy, tôi lại thấy hơi thèm ăn. Tôi liền đi về phía nhà bếp.

Kéttttt...

Cánh cửa bằng gỗ được mở ra, một người hầu đang xách giỏ rau đi vào. Người hầu nhìn thấy tôi chỉ cúi đầu chào rồi đi thẳng vào bếp. Tôi nhìn cánh cửa vừa khép lại kia, lòng mừng không nguôi. Thì ra trong phủ có lối cửa sau, chắc chắn đây là lối đi dành cho gia nhân trong nhà.

Tôi nhìn quanh, không có ai, liền đi nhanh đến bên cửa.

Kéttttt...

Cánh cửa mở ra, tôi luồn người ra ngoài và đóng nó lại ngay lập tức. Tôi khẽ thở phào, cười thầm, đây cũng được tính là trốn đi chơi.

Cánh cửa sau thông ra một con đường nhỏ, rất ít người qua lại. Tôi đi dọc theo bờ tường, rồi theo lối mòn thì ra đến một con đường lớn đông đúc. Lần này tôi đi chậm rãi ngắm nhìn cảnh vật và con người của thời này.

Người người đi qua đi về, đàn bà có người cắp rổ bên nách, đàn ông có người ở trần vác cuốc trên vai, người kéo xe hàng, người đội khay bánh trên đầu… rất đông đúc nhưng lại rất nhịp nhàng, không quá ồn ào lại không khói bụi. Quả thật môi trường thời này chưa bị ô nhiễm, rất trong lành.

Tôi thong thả vừa đi vừa ngắm, dọc theo con đường dẫn ra cổng thành. Vừa bước ra cổng thành tôi đã bị một bức tranh đồng quê ập thẳng vào mắt. Trên kia là bầu trời xanh thẳm, vài đám mây trắng bồng bềnh. Bên dưới là đồng ruộng vàng ươm, rộng mênh mông bát ngát, ở giữa cánh đồng là con đường đất kéo ra đến vô tận, hàng cây bạch đàn hai bên đường xanh tỏa bóng mát. Trên con đường đất giữa ruộng, xe kéo, ngựa, người đi lại khá đông vui. Tôi rẽ vào con đường nhỏ ít người, có hàng tre xanh phủ bóng. Đi được một đoạn thì thấy một cái ao lớn giữa đồng, trong ao có hoa sen đang nở, bên bờ ao lại có một cây đa lớn, xung quanh không có một bóng người. Tôi chậm rãi đến, ngồi xuống một rễ cây lớn trồi trên mặt đất, bên tai chỉ nghe tiếng lá cây đung đưa theo gió.

Thời này thật tốt, cuộc sống yên ả, chỉ tiếc là thiếu điện và internet. Nghĩ đến đây, tôi lại thấy xon xót trong lòng. Không biết lúc này ở hiện đại thân thể tôi đang như thế nào, còn sống hay không? Ba mẹ đã biết tin tôi gặp nạn chưa? Đã hơn mười ngày rồi, không biết đã tìm thấy xác của tôi chưa hay là… Những ngày qua, tôi vẫn chỉ dám nghĩ đến đây, lại không dám nghĩ thêm nữa.

Nhờ tai nạn hi hữu này, tôi cũng đã nghĩ thông một số chuyện. Bí mật kia tôi không nên biết. Dẫu sao ba mẹ đã cho tôi một nơi nương tựa, đã nuôi tôi trưởng thành. Đáng lẽ lúc này tôi nên ở bên cạnh để báo đáp công ơn nuôi dưỡng nhưng tôi lại đang bị mắc kẹt ở đây. Ba mẹ chỉ có mình tôi, mất mát này liệu họ sẽ sống tiếp như thế nào. Chỉ nghĩ đến cũng thấy đau lòng.

Khoan, một ý nghĩ nhất thời nảy ra trong đầu. Tôi vì suýt chết đuối mà quay về thời này, nếu như muốn quay trở lại, không lẽ phải giống như lúc đến?

Nghĩ vậy, tôi cởi giày, xách váy đứng dậy, từ từ đi chân trần đến bên bờ ao. Trước tiên, tôi nhúng thử một chân xuống nước, liền bị nước ngập đến đầu gối. Nếu đi thêm mấy bước nữa, chắc chắn tôi sẽ bị rơi tõm vào vùng nước sâu. Nước ao mát lạnh làm đầu óc của tôi thanh tĩnh. Càng tỉnh táo, tôi lại thêm phần sợ hãi. Phải nói với một người không biết bơi, lại có tiền sử suýt chết đuối thì việc đi từ từ xuống nước để chìm dần là một việc đáng sợ thế nào. Tôi không đủ dũng khí.

Tôi kéo váy lui lại lên bờ, đến bên gốc cây, thở dốc. Tuy rằng đang sợ hãi nhưng trong đầu lại đang có một giọng nói vang đến. “Mày định ở đây luôn sao? Mày không muốn trở về nhà à?” Tôi cắn môi, do dự. Tôi không đủ can đảm để từ từ chìm xuống nước, nhưng nếu tôi đột nhiên rớt ngay xuống vùng nước sâu thì sao?

Nghĩ là làm, tôi bám cành cây thấp leo lên, lại leo lên cành cây to đang chĩa ra ngoài ao. Cây cổ thụ, cành lá chằng chịt nên tôi rất dễ leo, một tay tôi giữ cành cây trên đầu, tay kia bám vào cành cây khác, chân trần đi trên cành to. Tôi đi từ từ cẩn thận ra phía đầu cành, khi nhìn xuống dưới chân thấy nước thì tôi lại bắt đầu chảy mồ hôi lạnh.

Có nên nhảy hay không? Lỡ như tôi không quay về được mà chết đuối ở đây luôn thì phải làm sao? Giờ này xung quanh không có một ai, nếu tôi nhảy xuống, chắc chắn sẽ chết, không ai cứu. Tôi lại nhớ đến cảm giác vùng vẫy bất lực trong nước. Tôi không tự giác cứ đi lùi dần về phía sau.

Đang suy nghĩ thì tôi bị một lực kéo rất mạnh về phía sau rồi ngã người xuống phía dưới. Miệng chỉ kịp la một tiếng “Áaaa”.

Kì lạ là tôi chỉ thấy hơi chóng mặt nhưng ngã không hề đau một chút nào. Một người nào đó đang một tay ôm lấy eo của tôi, cả người tôi đều dựa vào ngực của người đó. Tôi liền cảnh giác cao độ, nhảy tới trước hai bước, quay lại nhìn thẳng vào mặt người đó:

- Anh muốn làm gì?

Người đó sau khi có chút bất ngờ vì hành động của tôi, cũng bình tĩnh nhìn lại tôi. Là anh chàng áo xanh đen ban sáng. Sao lại trùng hợp như vậy.

- Tiểu thư, tôi mới là người phải hỏi nàng câu đó. Nàng muốn quyên sinh sao?

Quyên sinh? Tôi nhanh chóng hiểu ra, anh ta nhìn thấy tôi muốn tự tử. Cái cảm giác bị phát hiện làm việc xấu chính là đây, tôi xấu hổ nhưng vẫn cố vớt vát:

- Không có. Tôi trèo lên đó ngắm sen cho rõ. Anh chỉ cần gọi tôi là được rồi, có cần kéo mạnh thế không? Làm tôi sợ muốn chết.

Anh ta có vẻ bất ngờ với câu trả lời của tôi:

- Ta đã gọi nàng mấy lần. Nàng không nghe thấy sao?

- Không. Tôi đang tập trung ngắm sen sao nghe thấy được. – Tôi thực sự không nghe thấy gì cả.

Tôi bước đến nhặt giày mang vào chân, tay phủi phủi tà áo trước cho thẳng. Anh ta đứng nhìn một loạt hành động của tôi, rồi hừ một tiếng trong miệng. Anh ta giũ mạnh tay áo, quay người bước đi. Tôi thực sự ngạc nhiên, con trai thời này thật hết thuốc chữa, có cần ra vẻ thế kia không. Tôi liền chạy đến kéo tay áo anh ta lại:

- Này anh kia, anh đi đâu vậy? Anh hù tôi sợ muốn chết rồi bỏ mặc sao?

Nói xong câu này, tôi thấy mặt tôi có vẻ dày thêm một phân. Anh ta nhìn tôi rồi lại nhìn xuống cái tay tôi đang nắm áo anh tôi. Nhìn lên nhìn xuống rồi thả một câu:

- Tiểu thư, nam nữ thọ thọ bất tương thân. Nàng đã không muốn quyên sinh, vậy ta tránh đi để nàng tự do ngắm sen.

Nghe anh ta nói thản nhiên làm tôi xấu hổ thêm, nhưng càng xấu hổ, con người ta lại càng muốn dày mặt. Tôi càng cầm chặt tay áo anh ta, nói mạnh miệng:

- Được, công tử nói rất đúng. Nam nữ phân biệt. Vậy lúc nãy công tử ôm lấy eo tôi thì sao?

Anh ta lại tỏ vẻ mặt ngạc nhiên, rồi hơi nhíu mày, day day trán, nói:

- Tiểu thư, đó là hiểu lầm nên mới chạm người nàng. Dù sao đó cũng là cứu nàng.

Tôi mặt dày thêm nữa:

- Tôi không biết, công tử đụng vào người tôi, phải đền bù, không đền bù, tôi la lên để người khác biết có người ăn hiếp phụ nữ giữa ban ngày.

Anh ta chắc chắn lần đầu tiên bị ăn vạ thế này, đỏ mặt, tức giận:

- Được, nàng nói đi. Nàng muốn gì?

Tôi đổi bộ dáng, thả tay áo đang nắm ra, cười hì hì:

- Công tử mời tôi ăn gì ngon là được.

Anh ta làm bộ nghe không rõ, hỏi lại:

- Ăn?

- Phải, tôi đang thấy hơi đói.

Vừa nói, tôi vừa làm bộ dáng tội nghiệp, tay sờ sờ bụng. Anh ta nhìn thấy, tỏ vẻ bất lực:

- Được.

Tôi nghe vậy, mắt sáng, cười nịnh nọt đi theo bên cạnh. Vừa đi vừa huyên thuyên:

- Công tử không phải người ở đây đúng không? Vậy anh có biết quán ăn nào ngon không?

Anh ta liếc mắt tôi một cái, lại im lặng đi tiếp. Tôi bĩu môi, có cần lạnh lùng thế kia không? Tỏ vẻ cao ngạo à, tính tuổi thật có khi tôi còn hơn tuổi anh đấy, nhóc con. Tôi mặc kệ anh ta, vừa đi vừa lấy tay áo che nắng trên đầu.

- Trời nắng thế này uống nước đá là tuyệt nhất. Mà lại quên, thời này làm gì có tủ lạnh. Mà có tủ lạnh cũng không có điện chạy. Không biết khi nào Việt Nam mới có điện nhỉ? – Tôi lầm bầm trong miệng mà quên mất anh ta có thể nghe thấy.

Quả nhiên, anh ta nghe được. Anh ta đứng khựng lại, nhìn tôi rồi nói:

- Nàng nãy giờ là đang nói gì vậy? Ta nghe không hiểu gì cả.

Tôi cào cào tóc, thật ngượng, tôi lại nói linh tinh, nhiều từ lạ như vậy, anh ta nghe không hiểu cũng phải thôi. Tôi tìm cách đổi đề tài:

- Anh, à không, công tử tên gì?

Anh ta mím môi, suy nghĩ khoảng năm giây, rồi trả lời nhẹ bẫng:

- Trịnh Khải. Còn nàng?

- Hoài An. - Tôi trả lời theo phản xạ mà quên mất rằng tôi lúc này không còn là Hoài An nữa. Tôi đang là Đinh Thanh. Mà thôi, cũng chỉ là cái tên. Vốn dĩ cái tên Hoài An kia cũng không thuộc về tôi.

- Nàng là tiểu thư nhà ai? Người hầu của nàng ban sáng đâu? – Trịnh Khải vừa đi vừa hỏi.

Nếu là Đinh Thanh thì là con nhà quận công Huy rồi, nhưng Hoài An thì không phải. Tôi đành trả lời qua loa:

- Tôi không phải người ở đây. Người hầu của tôi đang bận.

Tôi trả lời xong lại thấy mình thật thông minh. Cả nhà quận công không phải người trấn Nghệ An, vì vậy Đinh Thanh tất nhiên không phải người ở đây rồi. Tôi lại càng không phải người ở đây. Nghĩ kiểu gì cũng thấy hợp lý.

Anh ta nghe xong câu trả lời mập mờ của tôi cũng không hỏi thêm gì nữa. Sau đó tôi và anh ta im lặng đi bộ ra đường lớn. Đến một quán nhỏ, trên treo một tấm bảng viết chữ Hán. Tôi là người hiện đại, không biết chữ Hán cũng đương nhiên, do đó quay qua hỏi anh ta:

- Trên đó viết gì vậy?

Anh ta nhìn tôi một cái rồi đi vào, quán lúc này chưa có khách. Trịnh Khải chọn ngồi một bàn gần cửa sổ, tôi lại ngồi đối diện. Anh ta lại nhìn tôi:

- Tiểu thư không biết chữ?

Tôi lấp liếm:

- Không phải chỉ có mấy chữ ngoằn ngoèo thôi sao. Tôi không học thì tất nhiên không biết rồi. Rốt cuộc công tử cũng không biết chữ sao? Nếu biết thì trả lời là được rồi.

Anh ta cười nhạt:

- Tiểu thư nàng nói nhiều thật. Tấm bảng kia viết “Thanh Phong Quán”.

Tôi gật gù:

- Không ngờ thời này đã có người biết xây dựng thương hiệu rồi. Quán ăn nhỏ mà đặt tên hay như vậy.

- Xây dựng thương hiệu? Nàng đang nói gì vậy? - Anh ta lại trưng ra vẻ mặt không hiểu.

Tôi biết tôi lại nhanh miệng nói linh tinh, tất nhiên những cụm từ của hiện đại không thể nói ở thời này, nếu không có ngày tôi bị tống vào nhà thương điên mất. Tôi liền cười giả lả:

- À đó chẳng qua là mấy từ địa phương ở nơi tôi sống thôi, nó nghĩa là khen quán tên hay đó mà.

Một anh chàng ở đâu đứng bên bàn nãy giờ nghe được liền cười khì khì, nói:

- Dạ tên đó là tên do ông chủ, chồng của bà chủ quán đặt ra. Ông chủ ngày trước có lên kinh ứng thí nhưng mãi không đậu. Bà chủ mở quán cơm kiếm tiền nuôi ông chủ học hành. Ông chủ chỉ đặt một cái tên, bà chủ liền cho người làm tấm bảng treo ở cửa vào.

Tôi lắng tai nghe anh ta nói một lèo, biết anh ta là người phục vụ của quán, chuyện anh ta kể cứ như truyện cổ tích, chỉ cần khách nào thắc mắc có thể nói ra một lượt, không vấp một từ. Tôi cười lại với anh ta, “à” một tiếng thể hiện thích thú. Nhưng ai đó mặt lạnh lên tiếng:

- Mang những món ngon của quán ra đây. Thêm một bầu rượu.

- Dạ có ngay. - Anh chàng phục vụ cười trả lời rồi lủi vào trong.

Sau đó là một hồi im lặng trong khi chờ thức ăn. Tôi lại quan sát kĩ một chút quán ăn nhỏ này. Cả quán có tất thảy chưa tới mười bàn, bàn làm bằng tre, ghế cũng bằng tre nứa. Mái ngói, vách được đắp đất bùn ở dưới, phần trên được che chắn bằng tre đan từng thếp. Cửa sổ lớn ở cả trước và sau nên quán không hề tối chút nào, lại nhìn ra được đường phố bên ngoài nhộn nhịp.

Tôi nhìn quán, nhìn phố xá lại nhìn vào người ngồi trước mặt. Anh ta ngồi thẳng thớm, hai tay để trên gối, gương mặt tuấn tú kia lạnh nhạt nhìn thẳng vào tôi. Tôi không biết anh ta đang nghĩ gì trong đầu, sao lại nhìn tôi chằm chằm như đang soi mói tôi vậy. Tôi liền giả vờ nhìn xuống bàn, rồi lại nhìn ra phố.

Khi tôi đang suy nghĩ nên nói gì để anh ta thôi nhìn tôi thì thức ăn được mang đến. Một dĩa rau xào lòng gà, nửa con gà nướng và một bầu rượu. Chủ quán này tay nghề rất khá, thức ăn mang lên thơm ngào ngạt khiến bụng tôi sôi ùng ục. Tôi tay cầm đũa, tay cầm chén, nhìn anh ta, cười ngọt:

- Ăn thôi.

Anh ta liếc tôi một cái rồi cầm bầu rượu rót vào ly, mang lên miệng nhấp một cái. Tôi bĩu môi, còn trẻ mà tướng đã như ông cụ. Mặc kệ, tôi cứ ăn trước đã. Tôi tập trung toàn bộ tinh lực lên các món ăn, không cần để ý xung quanh. Gắp, lại gắp, đến khi giữa chừng ngẩng mặt lên thì mới phát hiện ra người đối diện tôi chưa ăn miếng nào. Anh ta ngoài nhấp ngụm rượu ban đầu thì không hề đụng đũa. Tôi nghĩ nghĩ, dù sao bữa ăn này cũng là bắt anh ta trả tiền, không thể một mình ăn hết, liền cầm đũa, gắp một miếng thịt gà bỏ vào chén anh ta, cười:

- Công tử không ăn thử sao? Rất là ngon nha.

Anh ta có vẻ hơi bất ngờ, nhìn miếng thịt trong chén rồi lại nhìn tôi:

- Tiểu thư, ta không đói. Nàng cứ ăn một mình đi.

Tôi hừ một tiếng, đoán chắc anh ta chê đũa tôi dơ nên không dám động đũa vào miếng ăn tôi vừa gắp. Nghĩ sao làm vậy, tôi gắp lại miếng thịt từ chén anh ta bỏ vào chén của mình, rồi ăn trước gương mặt ngạc nhiên của anh ta.

Ăn xong miếng thịt, tôi cũng buông đũa. Tôi lại tò mò, không biết rượu ở đây có ngon không, tôi đem bầu rượu rót một ít vào ly, đưa lên miệng nhấp thử. Cay xè, không ngon tí nào. Tôi nhăn mặt, dẫu sao cũng không bằng rượu nho mà lúc ở hiện đại tôi hay uống trộm của ba.

- Hoài An, nàng không giống một tiểu thư khuê các, không có một điểm nào hiền thục.

----------
Beta: timbuondoncoi
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Linhduahau

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/5/14
Bài viết
754
Gạo
500,0
CHƯƠNG 4: GẶP CƯỚP

Anh ta nói như thế rốt cuộc chính là đang chê tôi không phải con gái sao? Tôi nổi máu nóng lên mặt, tức giận:

- Công tử, tôi thấy anh mới không có ra dáng nam tử hán đầu đội trời, chân đạp đất một tí nào cả. – Anh ta không coi tôi là nữ nhi, tôi không cần coi anh ta là nam nhi.

Con người là vậy, tuy biết bản thân mình có khuyết điểm nhưng không chịu được bị người khác nói huỵch toẹt nó ra. Hơn nữa, tôi vốn tính cách thoải mái đã quen, về đây tất nhiên không phù hợp với cái mà gọi là “khuê các, hiền thục” ở thời này rồi. Ban đầu cũng không phải tôi muốn trêu chọc anh ta, chỉ tại đúng lúc tâm trạng không tốt, anh ta lại xuất hiện làm gì.

Nhìn thấy mặt anh ta biến đổi, tôi nghĩ nghĩ, chỉ ăn vạ anh ta một bữa ăn mà bị chê này nọ, tôi lại giận hơn, tức giận làm mụ mị đầu óc:

- Bữa này tôi ăn, tôi trả tiền. Rượu đó, tôi có uống, cũng trả luôn. Coi như anh uống rượu thừa của tôi đi, tôi không thèm tính toán.

Mặt anh ta chuyển sang đỏ rồi đen. Tôi đoán anh ta tức giận lắm rồi, phải nhanh móc tiền ra trả rồi chạy về nhà thôi. Nhưng tôi lại chợt nhớ ra, tôi trốn đi chơi không mang theo tiền. Lần này khuôn mặt của tôi chính là từ đỏ chuyển sang trắng.

Anh ta kiên nhẫn nhìn tôi rồi quay qua gọi người đến trả tiền. Xong anh ta đứng dậy, ánh mắt nhìn tôi từ trên xuống dưới rất đáng sợ:

- Tiểu thư, nàng nên cẩn thận cái miệng của mình. Lần này, ta tha cho nàng.

Người tôi hơi run lên một cái rồi nhanh chóng đi theo anh ta ra đường. Tôi quyết không để mất mặt như vậy, tôi đứng chặn trước mặt anh ta, hùng hổ:

- Coi như tôi nợ anh. Tôi sẽ trả lại. Có cần hung dữ vậy không?

Anh ta liếc tôi một cái, lách người qua một bên, tiếp tục đi về phía trước. Tôi chạy theo, nói:

- Anh nói đi, nhà anh ở đâu, tôi sẽ mang đến trả.

Đúng vậy, đã chửi anh ta nhiều như vậy, tôi nhất quyết phải trả tiền cho anh ta để giữ hình tượng mới được. Trả tiền xong, tôi mới có thể vênh mặt chửi anh ta tiếp được. Nếu không, tôi sẽ thấy hổ thẹn trong lòng.

- Tránh ra. - Anh ta gằn từng tiếng một.

- Tôi không tránh, anh nói đi, nhà ở đâu tôi biết mới mang tiền trả lại được. - Tôi cứ quyết bám lấy không buông.

Anh ta bị tôi bám một đoạn, cuối cùng kiềm chế mà nói:

- Được. Hoặc là nàng trả ngay lúc này. Hoặc là quên chuyện này đi. Ta không tiếc mấy xu lẻ kia.

Tôi có chút bối rối, anh ta hẳn tức giận lắm rồi. Dù tôi chưa rành về đồng tiền và chi tiêu ở đây, nhưng tôi biết, bữa ăn hết hai đồng không phải là xu lẻ. Anh ta thì vẫn đang đứng im nhìn tôi. Tôi nhanh mắt nhìn thấy hai người đàn ông ngoại quốc buổi sáng đang đứng ở phía trước, hình như đang cố gắng nói chuyện với một người địa phương. Tôi liền nảy ra một ý, cười với anh ta:

- Được, tôi trả ngay bây giờ. Anh đứng đợi tôi. Nhất định không được đi đâu.

Nói xong, tôi đi nhanh đến trước mặt hai người Hà Lan kia, mở miệng hỏi thăm. Hai người đó thấy tôi như vớ được pháo cứu sinh, nhanh chóng kể lể. Ra là họ muốn mua những bộ ly chén bằng đồng thau được khắc họa tiết kia nhưng họ chỉ biết một ít tiếng Việt, nói tiếng Hoa thì người bán không hiểu. Người bán lại nói tiếng địa phương Nghệ An, hai người Hà Lan kia căn bản không thể nghe ra được từ nào. Thế là tôi đứng ra phiên dịch. Người bán bán được nên vui mừng, người mua lại càng vui mừng hơn.

Người đàn ông râu xoăn liên tục cám ơn tôi, lại hỏi có thể làm gì để báo đáp. Tôi vui mừng nói, tôi đang mắc nợ hai đồng, có thể cho tôi mượn được không. Họ cười lớn, đưa tiền, lại nói, không cần trả. Tôi cười cám ơn.

Vẫy vẫy tay tạm biệt hai người ngoại quốc, tôi nhìn qua anh chàng áo xanh đen đang đứng một bên. Tôi miệng cười, ngửa tay xòe ra hai đồng ở trong đó, đưa lên trước mặt anh ta:

- Trả cho công tử. Vậy là hết nợ nhé.

Trịnh Khải vẫn đứng im, nhìn sững tôi. Tôi đoán chắc anh ta đang không ngờ tôi lại tài giỏi như vậy. Tôi cười tít mắt.

Tình huống lúc này là thế này. Tôi và Trịnh Khải đang đứng bên đường, một tay tôi đang xòe tiền, anh ta thì đứng bất động. Mặt tôi thì cười xán lạn, mặt anh ta thì đơ ra, không biết đang suy nghĩ gì.

“Á”

Tôi theo phản xạ mà la lên khi bả vai của mình bị ai đó đụng mạnh vào. Người tôi không phòng bị ngã ra sau thì Trịnh Khải đã nhanh tay kéo tôi lại. Tôi vừa đứng vững đã thấy anh ta nhanh chân đuổi theo ai đó sau lưng tôi.

Lúc này tôi mới hoàn hồn lại. Tôi vừa bị giật tiền. Tôi vừa bị giật tiền ở thời này. Ra là ở đâu cũng giống nhau. Tôi thở dài, nhìn lòng bàn tay có ba vết dấu đỏ do bị cào, may mà không bị trầy xước.

A, Trịnh Khải, anh ta đi đâu? Không phải là đuổi theo tên giật tiền đó chứ?

Tôi chạy về hướng Trịnh Khải đuổi chạy ban nãy. Vừa tới góc đường đã thấy Trịnh Khải và một người áo đen đang đánh nhau. Người dân đứng xem xung quanh nhưng không ai dám tới gần.

Khi tôi chạy đến gần thì Trịnh Khải đã áp chế được tên áo đen. Tuy ngắn ngủi nhưng tôi biết Trịnh Khải võ công rất giỏi, nhanh như vậy đã bắt được tên cướp. Lúc này những người xung quanh bắt đầu ồn ào trở lại. Người vỗ tay khen Trịnh Khải, người chỉ trỏ mắng chửi tên giật tiền.

Tên áo đen thấy tôi xòe tiền không phòng bị, lại thấy Trịnh Khải khăn áo lượt là, tưởng công tử bột nên mới ra tay. Thật không ngờ, hắn ta gặp xui.

Trịnh Khải lấy lại hai đồng tiền, giao tên áo đen cho những người đàn ông xung quanh, giải lên quan phủ.

Còn tôi, tôi đang đứng sững, bất động. Trong đầu tôi lúc này hiện lên câu nói ban nãy của anh ta: “Lần này, ta tha cho nàng.” Nếu anh ta không tha cho tôi, vậy anh ta sẽ làm gì? Cái miệng hại cái thân, lần sau tôi phải cẩn thận hơn mới được.

Trịnh Khải phủi tà áo, đến gần tôi, chìa hai đồng tiền ra:

- Tiểu thư, ta không muốn làm người keo kiệt. Nàng cầm đi.

Anh ta rõ ràng đang nói móc tôi đây mà, tôi hơi ngượng, nhưng cũng không nên kì kèo, liền cầm lấy, đầu cúi xuống đất, nói nhỏ:

- Tôi xin lỗi vì ban nãy hơi nóng tính đã nói nhiều lời không hay.

Nói lời xin lỗi chính là vì tôi cảm thấy mình đã làm quá lên, lại còn mắng anh ta, thật mất hình tượng. Anh ta hơi sững người rồi cười, trả lời:

- Tiểu thư thật không giống những cô gái khác. Tuy rằng nàng nói nhiều thứ ta không thể hiểu được nhưng…

- Nhưng gì? - Tôi ngước mặt chờ anh ta nói tiếp.

- Nhưng ta cảm thấy nàng rất đặc biệt. Không ngốc tí nào.

Trịnh Khải nói xong thì quay mặt đi thẳng bỏ tôi đang đứng ngỡ ngàng. Anh ta vừa nói tôi đặc biệt, tôi không ngốc? Ý là của anh ta là gì? Tôi nhìn bóng anh ta rẽ sang con đường khác rồi nhìn hai đồng tiền trong tay. Trời đang chiều tà. Tôi cũng nên về thôi. Nhưng, tôi không biết đường về nhà.

A, không phải mẹ tôi hay nói đường nằm ngay dưới mũi sao. Tôi hỏi thăm một ông chú đang kéo mấy con nghé trên đường, hỏi đường đến nhà của quận công Huy. Ông chú chỉ đường: đi tới trước gặp quán nước, rẽ trái đi tới miếu nhỏ lại rẽ phải, đi thẳng tới cây đa thì nhìn đối diện là nhà quận công Huy.

Tôi nói cám ơn rồi nhẩm nhẩm lại, sợ quên mất. Nhưng tôi chỉ mới tới trước cái miếu nhỏ đã gặp Gạo đang hớt hải chạy tới, nói là đang đi tìm tôi.

-----------------
Beta: timbuondoncoi
 
Chỉnh sửa lần cuối:

mo_nhat

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
16/5/14
Bài viết
94
Gạo
0,0
Đọc hai chương mới này của bạn có hứng hơn nhiều rồi. ^^. Duy chỉ cái tính vô tư của cô An là mình phải bái phục. Nhưng mà đó cũng là điểm mạnh của cô ấy. ^^. Mình không có tí khái niệm nào về trai cổ đại, nhưng nghe tính anh Trịnh Khải này cũng hay đó nha. Mình đợi chương tiếp.

P.s: Mình muốn hỏi chút, mình nghĩ thôi nhé, là con vua / chúa đi ra ngoài thành chơi, thường sẽ tự giấu tên thật. Vì họ của vua chúa, trong dân thường không được đặt. Trịnh Khải cũng không biết cô ấy là người của tương lai đáp về, xưng tên ngay như thế có phải hơi nguy hiểm không? :-ss
 
Bên trên