Chương 2
Mẫu giáo.
Mẫu giáo! Là trường mẫu giáo đấy! Là cái trường mẫu giáo có nhiều cầu trượt, xích đu và nhiều những đứa nhóc trạc tuổi tôi mà mấy cái đĩa nhạc thiếu nhi vẫn chiếu ấy. Biết rằng trên ti vi và ngoài đời thật thì luôn có những sự khác biệt, nhưng mà tôi chưa bao giờ nghĩ cái trường mẫu giáo tôi theo học lại nhìn giống nhà tôi đến vậy. Tôi muốn nói đến cái nước sơn vàng vàng màu lông gà con, và những cánh cửa xanh lét như tàu là chuối. Trời ạ! Người lớn, ý tôi là những người làm giáo viên – bao gồm cả hai đấng sinh thành của tôi nữa – hình như ai cũng nghĩ rằng màu vàng thì hợp với màu xanh lá cây. Ờ, thì có thể hai màu đó hợp với nhau thật, nhưng không phải trong mọi trường hợp. Ví như tôi và thằng Bin, có thể trước đây vô cùng thân thiết, nhưng bây giờ thì không thèm chơi với nhau nữa.
Nghĩ lại thì, ừ, tôi cũng chẳng ưa gì thằng Bin cả, chỉ vì không có ai chơi nên mới chơi với nó. Cũng giống như một người luôn luôn mặc cái quần rách, không phải vì người đó thích mặc cái quần rách, mà vì chẳng có đủ tiền để mua một chiếc quần mới. Tất nhiên cũng có những người thích mặc quần rách ra đường cho mốt, nhưng cái quần rách đó của họ là kiểu quần rách thời trang, còn mắc tiền hơn cả những cái quần bình thường. Riêng về phần tôi, tôi vẫn thích cái gì lành lặn nguyên vẹn hơn.
Tôi biết so sánh thằng Bin với cái quần rách thì cũng hơi tội nghiệp, nhưng cần phải thông cảm cho cái kẻ chịu tổn thương là tôi. Tôi hiếu thắng thật, tôi hay chơi đểu với nó thật, tôi còn hay đánh nó nữa, nhưng mà chả bao giờ tôi dám đánh nó đau. Thế mà thằng ranh con hay thù vặt đó lại cắn tôi chảy cả máu... Đùa chứ, tôi chưa so sánh nó với cái váy rách là tử tế lắm rồi.
Ở trường mẫu giáo, tôi được học chữ. Các cô giáo dạy chúng tôi đọc và viết, nhưng tôi không thích các giờ tập viết bằng tập đọc. Mẹ tôi cũng là giáo viên, và bà dạy tôi biết đọc từ trước khi đi mẫu giáo. Đến bây giờ tôi đã có thể đọc được lưu loát báo Họa Mi không cần phải đánh vần, nghiễm nhiên rất thích đọc. Nhưng viết thì khác. Tôi bắt đầu tập viết với tay trái, trong khi các cô giáo ở đây bắt phải dùng tay phải, bất kì đứa nào viết bằng tay trái đều sẽ bị tét vào tay. Lí do tại sao thì các cô không nói, nhưng qua mấy lần bị đánh vào tay đau quá, tôi sơ sơ ngộ ra rằng chắc viết bằng tay trái là sai, nên tôi đổi qua tay phải.
Thằng Bin có vẻ rất hả hê mỗi lần tôi bị phạt. Tôi chỉ đành nuốt cái hận này mà lờ đi. Bin không bao giờ bị tét tay cả, nó vốn thuận tay phải. Song le dù nó thuận tay phải đi nữa thì chữ nó cũng rất xấu, cô giáo thường xuyên phải tới cầm tay nó để hướng dẫn. Có lẽ nào các cô bắt chúng tôi viết tay phải là vì các cô không ai viết được bằng tay trái để cầm tay chúng tôi mà hướng dẫn không?
Thằng Bin không thích trường mẫu giáo.
Có lẽ bọn con trai chúng nó không thích đến trường. Chẳng phải mỗi mình thằng Bin, còn thằng Hoàng, thằng Quân, thằng Dũng “chuột” cùng lớp mẫu giáo hồi đó, sau này là Đỗ Quang Huy và Hải Phong, chẳng ai có hứng thú với trường học. Bọn họ lúc nào cũng tìm mọi cách để trốn. Hồi mẫu giáo, trời nóng một chút là nghỉ học, trời rét một chút cũng nghỉ học, những ngày mưa càng không phải nói. Nếu như may mắn bị ho, sổ mũi, hay là cảm lạnh, có thể viện cớ nghỉ học những mấy tuần. Tất nhiên những trò làm nũng này lớn lên không thể áp dụng nữa, cũng không cần dùng đến nữa, muốn là trốn.
Tôi đã từng trải qua thời cắp sách đến trường, tôi cũng đã từng trải qua quãng đời sinh viên, tôi biết cái mùi vị của một ca Toán Cao Cấp hai tiếng rưỡi, nên cũng hiểu được lý do Đỗ Quang Huy và Hải Phong thích trốn học. Cơ mà, tại sao thằng Bin lại thích trốn đi mẫu giáo, tôi nghĩ mãi không lý giải được.
Có những vấn đề không có sai hay là đúng, nó phụ thuộc vào góc nhìn, không thể dùng góc nhìn của mình để áp đặt lên người khác. Tôi thích chơi nhảy dây, không có nghĩa tôi có quyền bắt thằng Bin cũng phải thích nhảy dây như tôi. Bất cứ thằng nhóc con năm tuổi nào cũng sẽ không thích chơi nhảy dây đâu. Ở vào cái tuổi bắt đầu biết phân biệt con trai con gái đó, tư tưởng phân tính của chúng nó mạnh lắm.
Điều đó có nghĩa là: con trai thì chỉ chơi với đám con trai, và con gái chỉ chơi với tụi con gái, hai phe đối địch nhau, đây là luật bất thành văn rồi. Hễ mà có đứa nào lách luật, tức là chơi với một đứa khác giới, lập tức liền bị thanh trừng khỏi hội.
Có lần một con bé tên Thảo trong phe con gái bị phát hiện ra là đi học về cùng đường với thằng Hoàng bên phe con trai. Ngày hôm sau, lập tức trong lớp dấy lên tin đồn Thảo với Hoàng “yêu nhau”. Nói thật là lúc ấy có đứa nào biết “yêu nhau” là như thế nào, nhưng bị gán ghép như vậy là một chuyện vô vùng nhục nhã. Cả hai phe con gái và con trai đồng loạt tẩy chay hai đứa, cứ đến giờ ra chơi là đuổi chúng vào một xó nhà ngồi với nhau không cho chơi cùng người khác. Con Thảo và thằng Hoàng mặt đều như chàm đổ, xấu hổ quá ôm mặt khóc rưng rức. Cô giáo thấy vậy không biết là có chuyện gì, sợ quá liền gạn hỏi. Thằng nhóc và con nhóc chỉ lắc đầu không bảo gì. Tất nhiên, nếu là tôi thì tôi cũng chằng đời nào mở miệng mách người lớn một chuyện như thế.
Thảo và Hoàng hai đứa nó từ đó không còn nói chuyện với nhau.
Người ta nói: đừng gây ra cho người khác những chuyện mà mình không muốn người khác gây ra cho mình. Có điều, một đứa con gái năm tuổi không nghĩ được nhiều như vậy. Lẽ ra sau vụ Thảo Hoàng, tôi nên biết chột dạ. Thằng Bin là hàng xóm của tôi, không những đi học về cùng đường, thậm chí là ngày nào cũng được đưa đi đón về cùng nhau. Nếu như cái lũ lớp tôi biết tôi và Bin thậm chí còn tắm chung với nhau rồi, không hiểu chúng nó sẽ làm ra những trò gì nữa.
Tôi không phải đợi lâu mới biết câu trả lời.
“Thạch và Dương là một đôi chim sẻ
Khi đi nhà trẻ thì đã yêu nhau rồi
Suzuki năm mươi nhăm mét
Dương ngồi trước, Thạch ngồi sau
Hai người hôn nhau, bánh xe xẹp lép
Hai người mất dép, ngồi khóc hu hu
Hai người đi tu, cạo đầu trọc lốc”
Tất nhiên đây không phải trò duy nhất tôi dính phải, nhưng tôi cũng không tiện nhắc lại thêm, xấu hổ lắm! Tên tôi không phải Thạch, tôi tên là Thạch Anh, nhưng hai chữ Thạch Anh quá dài và quá ngang để lắp vào cái bài thơ kia, nên chúng nó rút gọn lại còn một chữ “Thạch”. Nói thật là tôi ghét cái tên này. Trong khi tất cả những đứa con gái khác trong lớp đều tên là Thảo, là Hiền, là Linh, là Trang, vừa dễ gọi vừa dễ thương; tôi – Thạch Anh – tên vừa dài vừa xấu. Gọi tên cũng phải đọc cả hai chữ “Thạch Anh”, nghe chẳng có tí thân mật nào cả. Mà tôi ghét nhất là cái chữ “Thạch”, xù xì khô khan như tảng đá. Đã thế tôi cũng chẳng có một cái tên để gọi ở nhà như thằng Bin. Bố mẹ, anh chị, cô dì chú bác tất thảy đều kêu tên khai sinh của tôi.
- Thạch Anh đi học mẫu giáo rồi cơ ah?
- Thạch Anh năm nay lớn quá nhỉ?
- Thạch Anh, con chào bác...
- Thạch Anh, ra đây anh bảo...
Thạch Anh, Thạch Anh, Thạch Anh... lúc nào cũng Thạch Anh! Làm ơn, tôi chán ngấy cái tên này. Tôi đã từng nghĩ, nếu như có cơ hội đổi tên, tôi sẽ đổi tên thành Mai, hay là Ngọc gì đó, nghe nó mềm mại đáng yêu hơn nhiều.
Sau đó khoảng gần mười năm, khi tôi học lớp tám, có một đứa học cùng lớp tôi đổi tên, từ “Nguyễn Văn Lâm” thành “Nguyễn Tùng Lâm”, đổi hẳn cả giấy khai sinh ấy. Tôi mới phát hiện hóa ra đổi tên, tuy thủ tục có hơi lằng nhằng, cũng không phải chuyện không thể. Chỉ là, mười năm sau, tôi từ lâu đã không còn muốn đổi tên nữa. Ai cũng muốn trở thành người đặc biệt – ít nhất là trên một khía cạnh nào đó, thì tại sao tôi phải cố khiến mình trở nên bình thường?
Nhưng thôi, đó là câu chuyện về sau này.
Tôi đang nói về việc tôi bị gán ghép với thằng Dương. Ờ, quên mất chưa giới thiệu, thằng Dương này chẳng phải ai khác ngoài thằng Bin, điều này tôi cũng mới biết chưa lâu. “Dương” là tên khai sinh của thằng nhóc – Phạm Hoàng Dương. Phạm là họ bố, Hoàng là họ mẹ, tên có một chữ “Dương” thôi, rất ngắn gọn súc tích. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao trời sinh tôi và Bin, đến cái tên mà cũng trái ngược như vậy?
Ấy ấy, thế mà cũng bị gán ghép với nhau mới sợ!
Có một lần vào giờ ra chơi, tôi và Bin bị lừa đứng ra một chỗ, cả lớp tôi đứng quây thành một vòng tròn, vừa di chuyển xung quanh chúng tôi, vừa vỗ tay hát ầm ĩ:
“Cô dâu chú rể
Đội rế lên đầu
Đi qua đầu cầu
Đánh rơi nải chuối
Cô dâu chết đuối...”
Đến đấy thì tôi không nhịn nổi nữa, xông ra tóm bừa lấy một thằng đánh cho một trận. Những đứa còn lại thì bị thằng Bin rượt đuổi. Song... cái thằng nhóc gầy nhom bé tí tẹo đó thì đuổi được ai? Mấy đứa bị rượt theo, thấy Bin yếu thế, được thể liền còn quay lại lêu lêu nó. Bộ dạng thằng nhóc lúc ấy trông vô cùng tức cười.
Thằng Bin ức lắm.
Nhưng tôi khẳng định là tôi còn ức hơn. Chả danh giá gì thì tôi cũng là lớp trưởng, cũng là thủ lĩnh phe con gái. Những đứa khác còn chưa biết mặt chữ thì tôi đã biết đọc, tôi giỏi và tôi cũng biết thế. Ấy... chúng nó dám ghép tôi với một cái quần rách! Chuyện đáng nói ở đây là: cái đối tượng đáng giận thì tôi không giận, mà tôi lại đem lòng cay cú với cái quần. Khi người ta bắt bạn bận một cái quần rách ra đường, và bạn bị chế nhạo, thì lỗi là ở bạn hay là ở cái quần? Chẳng lẽ lại là bạn? Không, thế nên lỗi là ở cái quần.
Ban đầu cái sự mâu thuẫn chi dừng lại ở vài cái lườm, một hai cú đấm, nhưng mà lâu ngày dần, cùng với chất xúc tác là những cái bài đồng dao giời ơi đất hỡi, nó bắt đầu thể hiện ra mặt, và cuối cùng cũng đẩy hai đứa đến một cuộc chiến tranh lần thứ hai. Cũng xin nói luôn là lần này thằng Bin lại thắng, chiến thắng tuyệt đối, cái chiến thắng đã đem nó ném ra khỏi đời tôi suốt một thời gian dài. Mặc dù thua thì hơi ức, nhưng chưa bao giờ tôi thấy hối hận về cái sự thua lần này cả.
Tôi tự hỏi là tôi đã làm nên tội tình gì mà thằng Bin nhất định hết lần này đến lần khác cứ khiến tôi phải đổ máu.
Ừ, máu.
Lần này rất nhiều máu.
Và tôi thì sợ máu.
Cái thứ chất lỏng sền sệt màu đỏ đó, lần nào chảy ra cũng đau vô cùng. Cho dù chỉ là vết đứt bé tí trên ngón tay út, lần nào chảy máu tôi cũng khóc toáng lên. Kì lạ là, vết thương lần này vừa rộng vừa chảy nhiều máu như vậy, tôi lại không khóc.
Thằng Bin, không biết thó ở đâu được một con dao cạo, và nó rạch tay tôi.
Trên cánh tay, phía dưới cổ tay một chút, chỗ người ta hay rạch tay để tự tử, nơi mà vòng tay hay đồng hồ đều không che khuất, bấy giờ xuất hiện một vết cắt ngang khá dài. Thực sự không biết làm cách nào mà một đứa nhóc hom hem như thằng Bin lại có thể tạo một vết cắt sâu đến thế. Tôi vẫn đang mải đánh nhau, thì chợt cảm thấy cái gì man mát trên tay. Giật mình nhìn lại, ống tay áo len dài màu hồng nhạt đã bị cứa rách một nửa, lấm tấm xuất hiện vài cái dấu màu đỏ mỗi lúc một loang dần. Tôi ngớ người, giương mắt nhìn con dao cạo trong tay thằng Bin, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Đáp trả tôi là một ánh mắt tương tự.
Tôi ý thức được là tôi vừa bị đứt tay và chảy máu. Đây không phải là lần đầu, tôi cứ ngỡ nó cũng chẳng khác gì những lần tôi nghịch dao và đứt tay. Vô cùng bình tĩnh, tôi lập tức buông thằng Bin ra, lấy bàn tay bên không bị thương bịt chặt chỗ chảy máu lại. Mỗi khi tôi bị đứt tay, mẹ tôi đều bịt chặt vết cắt, và kì diệu thay sau đó nó không còn chảy máu.
Không ai còn quan tâm đến việc đánh nhau. Tôi không biết thằng Bin làm gì với con dao sau đó, tôi đã về chỗ ngồi, tôi không quan tâm.
Mấy đứa nhóc cùng lớp lúc nãy còn hò reo, lúc này ngồi im thin thít, không ngừng nhìn chằm chằm vào tôi – hay đúng hơn là vào vết thương trên tay tôi, với những bộ mặt xanh xao và hoảng hốt. Chúng nó hình như rất sợ, song tôi chẳng cảm thấy gì cả. Tôi chỉ bị đứt tay. Tôi không hiểu tại sao máu vẫn túa ra khi tôi đã bịt rồi. Có lẽ tôi bịt chưa chặt, nên tôi tiếp tục siết chặt tay.
Vô hiệu.
Thôi thì cố chịu vậy, mẹ tôi sẽ đến sớm thôi. Đến sớm là lúc nào? Tôi chẳng biết. Có thể mẹ tôi sẽ đến, cũng có thể tôi tự đi bộ về nhà. Đừng ngạc nhiên, vì trường mẫu giáo của tôi rất gần nhà và không cần sang đường, bố mẹ tôi lại bận nên tôi thường xuyên phải đi về một mình. Sẽ không sao cả, đến một lúc nào đấy máu sẽ ngừng chảy thôi, luôn luôn là như thế mà! Chỉ là, vết thương này khá to, nên sẽ chảy máu lâu hơn một chút, dĩ nhiên, cũng đau hơn một chút. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi, tôi không sợ, tôi biết nó sẽ ổn. Mọi chuyện rồi sẽ ổn theo một cách nào đấy, chỉ là chưa phải bây giờ thôi.
Không chỉ rỉ máu, vết thương càng lúc càng tấy. Vết thương nào cũng vậy, lúc tấy lên nó mới thực sự đau. Cơn đau này là lần đầu tôi nếm thử. Vết cắn hồi nào trên bả vai giờ chẳng thấm vào đâu. Tôi thậm chí không dám cử động, chỉ cần vô tình chạm phải thôi cũng đau thấu xương.
Không biết nói như vậy liệu có hơi quá, cảm giác qua đã lâu rồi khó mà miêu tả chính xác được, huống chi bấy giờ tôi chỉ là đứa trẻ năm tuổi.
Nếu là người lớn, có lẽ sẽ không thấy đau như vậy. Nếu là người lớn, chắc tôi sẽ chịu được lâu hơn, chứ không phải chỉ hai mươi phút đã đổ mồ hôi và nhăn nhó. Nếu là người lớn, không cần đánh nhau cũng biết ai thắng ai thua. Và nếu là người lớn, chắc thằng Bin sẽ không đánh tôi vì một lí do cỏn con như vậy. Đàn ông thì không đánh phụ nữ.
...Người lớn, họ đối xử với nhau rất khác...
Cũng hơi buồn. Có những chuyện càng lớn thì càng không thể làm được. Ai cũng nói lớn lên sẽ làm được nhiều việc, tôi không phủ nhận, nhưng có ai từng nghĩ đến chúng ta đã phải đánh đổi những gì để lớn lên?
Thời gian là một dòng chảy tuyến tính, trưởng thành là lẽ tất nhiên. Chúng ta không có sự lựa chọn sẽ lớn lên hay không, chúng ta chỉ có thể lựa chọn sẽ lớn lên như thế nào. Điều đáng nói là, trong lúc chúng ta có thể chọn lựa, chúng ta lại chẳng mấy quan tâm đến điều đó.
>> Chương 3