Mở đầu
Tôi và anh cùng đi ngắm bình minh. Bình minh vốn đã đẹp, nhưng bình minh trên biển mới mang trọn vẹn sự hoàn mĩ , như thể đó là thời điểm chuyển giao giữa thế giới ta đang sống với một chiều không gian khác, một thực tại khác. Tôi nói với anh rằng đó là thời điểm một thế giới mới được sinh ra, tôi và anh cũng sẽ được sinh ra một lần nữa.
Chân tôi rất mỏi, nhưng tôi cứ giả như không có gì mà bắt kịp bước chân của anh. Cũng không khó khăn mấy, vì anh luôn bước chậm mỗi khi đi cùng tôi. Anh cao hơn tôi, bàn tay ấm áp hơn tôi, dáng hình vững chãi hơn tôi khi đứng trước màn đêm sâu thẳm và đằng đẵng. Anh có thể rơi nước mắt vì tôi, còn tôi từ lâu lắm rồi đã không còn nhớ mùi vị của nước mắt ra sao. Tôi dường như dửng dưng trước tất cả, còn anh lại luôn ôm lấy tôi vào lòng, để mặt tôi vùi vào ngực anh.
Bởi anh biết, tôi không muốn người khác nhìn thấy tấm mặt nạ của mình bị phá vỡ.
***
Chương 1
24 tháng 12 năm 1998
Tiếng còi hú vọng lại từ cửa sổ, đột ngột phá tan sự trầm ngâm trên khuôn mặt Thượng tá Dũng. Một nhân viên trong phòng hình sự ngó ra ngoài cửa, quát cậu thực tập sinh đang loay hoay trong xe cảnh sát.
“Người mới năm nay thật là…”, Thiếu úy Trung lắc đầu, tiếp tục tiến hành thu thập vật chứng, “Lại đúng thời điểm xảy ra nhiều án mạng nghiêm trọng, đã bận lại còn vướng tay chân người khác. Anh Dũng… anh Dũng!”
“Ừ, tìm thấy gì rồi à?”
“Không nhiều lắm”, tiểu đội trưởng phòng hình sự lắc nhẹ hai chiếc bao trong suốt dùng để đựng vật chứng, “Ngoài một miếng vải rách và một ít đất. Theo em quan sát thì có lẽ chỗ đất này trùng với đất bám trên giày của hai nạn nhân, còn miếng vải là của chiếc váy nạn nhân nữ đang mặc, bị rách trong quá trình xảy ra xô xát.”
“Ừm, nếu không còn gì thì chúng ta sẽ về trụ sở cảnh sát trước để thẩm vấn nhân chứng càng sớm càng tốt. Cậu cử người ở lại gác hiện trường, thu xếp cho gọn gàng. Gọi cho tổ pháp y, nói họ hoàn thành báo cáo giám định vào sáng mai.”
“Rõ, thưa thủ trưởng.”
“Còn nữa…”, Thượng tá Dũng thở dài, “Đưa hai đứa trẻ đó tới bệnh viện Nhi Trung ương, cử người theo dõi sát sao và báo cáo tình hình lại cho tôi.”
***
Ánh sáng từ chiếc đèn tuýp phủ lên gương mặt tròn trịa của bé gái, soi rọi những đường nét xinh xắn. Màu trắng đặc trưng của bệnh viện bao phủ xung quanh khiến da dẻ em nhìn thêm phần nhợt nhạt. Vị bác sĩ già lặng lẽ quan sát biểu cảm cứng ngắc trên khuôn mặt cô bé trong vài giây rồi tiếp tục đặt câu hỏi:
“Cháu có nhớ gia đình mình làm gì sau khi ăn tối không?”
“Hát... Cháu hát. Khen, vỗ tay”, cô bé đưa tay lên trán, xoa nhẹ, “Hôn… mẹ hôn cháu.”
“Tốt lắm. Còn em cháu?”
“Đánh… đánh đàn. Cho cháu… cháu hát.”
“Em cháu giỏi quá”, vị bác sĩ mỉm cười đôn hậu, “Mới mười tuổi mà đã biết đệm đàn cho cháu hát.”
“Vâng”, mắt đứa bé sáng lên trong chốc lát, “Giỏi. Rất thông minh, trường… điểm… điểm cao hơn cháu.”
Thượng tá Dũng, che giấu thân phận bằng chiếc áo khoác blouse trắng theo yêu cầu của bác sĩ để tham gia quá trình “phỏng vấn nhân chứng đặc biệt”, liếc nhìn đứa bé trai nằm ở cuối giường, nó dường như đang cố gắng bó mình lại trong bộ đồ bệnh nhân. Đôi mắt nhắm nghiền của đứa trẻ khẽ động, bàn tay nắm chặt lấy tay chị gái. Theo báo cáo, hai đứa trẻ không chịu rời nhau nửa bước kể từ thời điểm được công an phát hiện tại hiện trường. Bệnh viện đành ghép giường lại cho chúng nằm chung với nhau và tiến hành trị liệu đồng thời.
“Vậy, sau khi hát xong thì cháu làm gì nữa?”
“Gọi… gọi điện cho ông nội ở… ở London. Em… em trai muốn xem vô tuyến.”
“Mấy giờ các cháu đi ngủ?”
“Chín… chín giờ ba mươi… Nhưng… Giáng sinh… mười… mười giờ ba mươi cháu mới… đi ngủ.”
Báo cáo giám định xác nhận thời gian tử vong là từ mười một giờ ba mươi tới mười hai giờ - Thượng tá Dũng suy đoán
. Hôm đó lại là đêm Giáng sinh, như vậy, nếu lũ trẻ đi ngủ vào mười giờ ba mươi, hẳn chúng cũng không thể lập tức ngủ ngay được do háo hức nghĩ về những món quà sẽ nhận được vào sáng hôm sau. Thời điểm xáy ra án mạng, hai đứa trẻ có thể đã chìm vào giấc ngủ nhưng chưa đủ sâu, do vậy chúng đã bị những tiếng động ở đại sảnh tầng dưới đánh thức khi cha mẹ chúng xô xát với hung thủ.
Chúng cùng đi xuống cầu thang, sợ hãi và tò mò, nhưng có lẽ phần nhiều là sợ hãi. Và rồi khi chúng tới được đại sảnh…
Giọng nói từ tốn của vị bác sĩ cắt ngang dòng suy nghĩ của thượng tá Dũng.
“Cháu có nghe thấy tiếng động gì khi đang ngủ không?”
“Dạ… có...”, đứa bé gái ngập ngừng, “Người lớn… cãi…cãi nhau… cháu…nhìn… Mẹ… mẹ…”
Đứa bé gái đột ngột lao tới bên người em trai, một tay bịt miệng em, một tay che kín miệng của chính mình. Được vài giây, đứa trẻ đột ngột mở trừng mắt, thì thào bằng chất giọng trầm trầm quái lạ:
“Tao giết mày… ha ha… giết hết chúng mày! Giết! Giết! Trói nó lại!”
Tiếng cười như xé vải bao trùm khắp căn phòng. Thượng tá Dũng định can thiệp, nhưng thấy vị bác sĩ già vẫn yên lặng quan sát, liền dừng lại. Đứa bé trai đã mở mắt, nó nhìn tất cả bằng ánh mắt trống rỗng, thân thể như một cái xác không hề nhúc nhích.
Tràng cười ma quái trở nên nhỏ dần, đứa bé gái chuyển sang biểu cảm sợ sệt, quay sang người em trai, đặt ngón trỏ lên miệng kêu “suỵt, suỵt”.
“Mẹ bảo yên lặng, yên lặng nếu không ông kẹ sẽ đến bắt cả nhà! Suỵt! Suỵt!”
Vị bác sĩ già hỏi:
“Ông kẹ trông như thế nào?”
Đứa bé gái lẩm bẩm, giọng run rẩy:
“Ông kẹ… ông kẹ… có ba đầu… Đầu hổ… đ…đầu bà… kẹ, đầu rắn…”
“Ông kẹ có cao lớn không?”
“Cao… không, thấp… lùn… cao.”
“Ông kẹ già hay trẻ?”
Đứa bé gái một mực lắc đầu, mếu máo:
“Suỵt! Suỵt! Ông kẹ sẽ nghe thấy!”
Vị bác sĩ già gật đầu, đặt ngón trỏ lên miệng mình. Đứa bé cố nén tiếng sụt sịt, đôi mắt to tròn nhìn ra xung quanh, ngơ ngác.
“Nhà… nhà… cháu… về nhà…”
Tiếng gào thét đột ngột vang lên, khiến đứa bé trai giật mình. Vị bác sĩ già gọi hai y tá đang trực ở ngoài. Họ nhanh chóng truyền thuốc vào mũi tiêm đã để sẵn ở chiếc tủ bên giường, vừa dỗ dành đứa bé đang giãy giụa gào lớn, vừa thực hiện mũi tiêm. Chỉ vài phút sau, bé gái chìm vào giấc ngủ. Đứa bé trai đã ngồi dậy, nó nhìn mọi việc trước mắt với biểu cảm không hề thay đổi từ đầu tới cuối.
Sau khi dặn dò hai y tá chăm sóc lũ trẻ, vị bác sĩ già bước ra ngoài cùng Thượng tá Dũng.
“Bé gái đó, như cậu thấy, có biểu hiện của chứng chậm phát triển, có khả năng đi kèm với rối loạn thần kinh chức năng. Cả hai đứa trẻ đều có biểu hiện của rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý*. Tuy mới chỉ là giai đoạn đầu và cách thời điểm xảy ra vụ việc chưa lâu, chúng cần được chẩn đoán và điều trị tâm lý càng sớm càng tốt.”
“Ý của bác sĩ là… phải đưa chúng ra nước ngoài chữa trị?”
Vị bác sĩ già thở dài, lắc đầu:
“Theo như tôi biết thì ở nước ta, thời điểm này chưa có bác sĩ chuyên môn đủ năng lực để điều trị những ca bệnh tâm lý nghiêm trọng như vậy. Tôi đã làm hết sức có thể, thật xin lỗi anh.”
“Vậy… những lời nói của đứa bé gái vừa rồi là tất cả manh mối mà chúng ta có.”
“Đúng vậy. Và tôi khuyên các anh không nên cố gắng tìm thêm thông tin gì từ hai đứa trẻ nữa, chúng cần được điều trị ngay lập tức chứ không phải đưa vào phòng thẩm vấn nhân chứng.”
“Tôi hiểu”, Thượng tá Dũng bắt tay vị bác sĩ. “Rất cảm ơn sự hợp tác của ông và phía bệnh viện. Vài ngày nữa những đứa trẻ này sẽ được họ hàng của chúng đón về Anh quốc, tôi tin là chúng sẽ được điều trị chu đáo.”
“Vậy tôi cũng yên tâm phần nào”, vị bác sĩ già nhìn vào phía phòng bệnh, chợt ngạc nhiên, “Sao cháu lại ra đây, có chuyện gì sao?”
------------
Chú thích:
Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD) là một loại rối loạn lo âu kích hoạt bởi một sự kiện chấn thương tâm lý. Có thể phát triển chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý khi có trải nghiệm hoặc chứng kiến một sự kiện gây căng thẳng sợ hãi, bất lực hoặc kinh dị.(Nguồn: dieutri.vn)