Hoàn thành Dùng cả đời trả nợ - Hoàn thành - Sherry

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Dùng cả đời trả nợ

Tác giả: Sherry



Tình trạng sáng tác: Hoàn thành
Tình trạng đăng: Hoàn thành
Lịch đăng: Không cố định
Thể loại: Thập cẩm
Độ dài: 36 chương
Giới hạn độ tuổi đọc: 16+
Cảnh báo về nội dung: Mọi cá nhân, tổ chức, tình tiết trong truyện đều là hư cấu, không nhằm ám chỉ bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Mọi sự trùng hợp nếu có chỉ là ngẫu nhiên.

Giới thiệu tóm tắt:

Nếu hắn là màu đen u tối thì cô là màu xanh tươi sáng và ngập tràn hy vọng như bầu trời rộng lớn trên kia.

Nếu hắn là con người lọc lõi, đầy âm mưu, tính toán và nghi kỵ thì cô hồn nhiên, giản đơn đến ngốc nghếch.

Nếu hắn ưa thích sự chỉn chu và những gì có tính thẩm mỹ cao thì cô xuề xoà tới độ tuềnh toàng.

Hai con người tưởng chừng không liên quan bỗng vướng vào nhau như một trò đùa của số phận khiến Phương có lúc đã tự hỏi, nếu sinh ra trong hoàn cảnh khác, liệu kết quả của hắn và cô có khác đi không?

Lưu ý: Tôi cần nói trước, nam và nữ chính bộ truyện này không phải người tốt. Cách hành xử của họ không hề mang tính nhân văn hay cao thượng nên có thể gây khó chịu cho độc giả. Tuy vẫn lấy đề tài tình cảm nhưng đây là bộ truyện tương đối khác so với các tác phẩm trước của tôi, không phải ở cách kể chuyện, giọng văn mà ở cách xây dựng nhân vật, coi như một trải nghiệm mới mẻ cho đỡ nhàm chán, lối mòn :D.

Mục lục:

Chương 1.
Chương 2.
Chương 3.
Chương 4.
Chương 5.
Chương 6.
Chương 7.
Chương 8.
Chương 9.
Chương 10.
Chương 11.
Chương 12.
Chương 13.
Chương 14.
Chương 15.
Chương 16.
Chương 17.
Chương 18.
Chương 19.
Chương 20.
Chương 21.
Chương 22.
Chương 23.
Chương 24.
Chương 25.
Chương 26.
Chương 27.
Chương 28.
Chương 29.
Chương 30.
Chương 31.
Chương 32.
Chương 33.
Chương 34.
Chương 35.
Chương 36.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Chương 1.


Trên đời, có một số công việc mà vô lương tâm lại là một loại đạo đức nghề nghiệp.

Ví dụ như cho vay nặng lãi.

Dưới khía cạnh này thì Phương là một trong những kẻ có đạo đức nghề nghiệp cao nhất. Ra đời từ năm mười sáu tuổi, bắt đầu là thằng đòi nợ thuê tép riu để rồi đến giờ, sau hơn mười năm lăn lộn, hắn đã trở thành một “chủ họ” có tiếng nhất nhì thành phố. Nhìn bề ngoài, chẳng ai nghĩ hắn là tay giang hồ máu mặt mà chỉ nghĩ là một gã trí thức hay chủ doanh nghiệp thành đạt. Luôn khoác trên người sơ mi quần âu, mùa đông mặc vest cùng áo khoác dạ dáng dài, tóc cắt gọn gàng, không một hình xăm nào lộ ra, và đặc biệt lối ăn nói nhã nhặn khiến hắn rất khác các “đồng nghiệp” trong ngành. Chỉ riêng đám đàn em thân cận nhất mới biết bên dưới bộ âu phục kia là vô số những vết sẹo ngang dọc sâu hoắm, cùng hình xăm phượng hoàng đỏ rực bay lên từ lửa chiếm toàn bộ mảng lưng.

- Tại sao anh lại xăm hình này? Em tưởng phượng hoàng thiên về tính âm nên… - Có lần Thắng, đàn em thân thiết nhất của hắn đánh bạo hỏi.

- Chỉ phù hợp với đàn bà? Ý mày là thế hả? - Hắn ngắt lời, khoát tay cười. - Dương khí anh mạnh quá nên xăm hình phượng cho cân bằng thôi.

Tất cả cười ồ. Thực ra Phương trả lời qua quýt vì cảm thấy không cần kể lể quá chi tiết. Phượng hoàng là biểu trưng của sự tái sinh, vươn lên từ tro tàn, chính là hình ảnh đại diện chính xác nhất cho hắn. Nhưng bất cứ cái gì cũng có giá của nó. Để có được ngày hôm nay, con đường hắn đi là lội trong vũng máu, là bán cả mạng lẫn linh hồn cho quỷ dữ.

Điều đặc biệt nhất về Phương là so với mặt bằng chung của dân cho vay nặng lãi, hắn thuộc loại có trình độ. Thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung, am hiểu về tài chính và còn có cả chứng chỉ hành nghề luật sư dù trước đó chỉ học đại học luật văn bằng hai. Thực tế, Phương thừa khả năng tìm một nghề lương thiện kiếm sống nhưng hắn vẫn nói, hắn đã bán linh hồn thì sẽ không có chuyện bán lỗ. Linh hồn của hắn giá trị hơn bất cứ mức lương nào có thể mang lại.

……

Phương ngắm nghía căn nhà mặt phố năm tầng trước mặt, thầm đánh giá. Đây chỉ là ngõ nhỏ, bề ngang khoảng hai thân ô tô, đổi lại hai đầu đều nối với phố lớn. Hắn đã lên Sở địa chính thành phố và được xác nhận rằng trong vòng ba năm tới sẽ mở đường. Theo bản đồ quy hoạch, con đường vuông góc với ngõ sẽ mở rộng thêm năm mét mỗi bên, vừa đủ để biến căn nhà này thành hai mặt đường. Phương đọc kỹ ảnh chụp sổ đỏ ngôi nhà, năm mươi mét vuông mặt sàn. Theo thời giá hiện tại là khoảng hai trăm triệu một mét, và nếu mở đường theo kế hoạch thì giá trị căn nhà sẽ tăng ít nhất bốn lần.

- Mình vào đi anh. - Thắng cùng một thằng đàn em bước tới mở cửa cho hắn.

Căn nhà là trụ sở văn phòng công ty môi giới bất động sản. Ông chủ run run bắt tay hắn, hai vai khòng xuống. Phương vỗ nhẹ tay lên tay anh ta, giọng nhẹ nhàng:

- Ai làm ăn cũng có lúc khó khăn, chúng tôi rất hiểu.

- Cám ơn anh… Tại tôi đang kẹt mà thủ tục ngân hàng phức tạp quá, căn nhà lại không đứng tên tôi nên…

- Đó là lý do mà chúng tôi tồn tại. - Phương mỉm cười thân thiện. - Bọn tôi rất linh hoạt… Anh vay bao lâu nhỉ?

- Sáu tháng.

- Thắng bảo với tôi anh cần sáu tỉ mà mấy chỗ khác lại giữ trước lãi nên xoay không đủ hả? - Thấy anh ta gật đầu, hắn nói tiếp. - Tôi sẽ đưa anh đủ sáu tỉ, lãi suất cũng rất ưu đãi…

Ưu đãi ở đây là hai ngàn trên một triệu một ngày, đổi lại anh ta phải ký giấy nhận cọc bán nhà. Nếu sau sáu tháng không hoàn trả được cả gốc lẫn lời, căn nhà sẽ thuộc về Phương. Dũng biết giá trị căn nhà phải hơn thế nhưng thứ nhất là khó tìm được người mua trong thời gian ngắn, và thứ hai là sổ đỏ vẫn đứng tên bố mẹ anh ta mà ông bà già thì dứt khoát không bao giờ chịu bán. Hơn nữa, anh ta tin rằng chỉ sau ba tháng công việc kinh doanh sẽ được phục hồi, dễ dàng trả dứt nợ.

- Nhưng nhà lại đứng tên bố mẹ anh, thực sự…

- Tôi có giấy uỷ quyền, tôi đã… - Nói đến đây Dũng im bặt.

Phương không nói gì, chỉ nhấp một ngụm trà, cố giấu nụ cười đằng sau chiếc tách. Hắn biết thừa anh chàng khách hàng đã lừa hai ông bà già ký vào tờ giấy uỷ quyền, có thể không đủ thẩm quyền để bán nhà nhưng đủ đứng ra giao dịch nhận cọc.

- Vậy chúng ta ra phòng công chứng… Chúng tôi luôn làm ăn dựa trên pháp luật. - Phương nói trơn tru, không buồn để ý sự mỉa mai trong đó.

- Vâng…

- Mà sao anh tên Dũng nhưng công ty lại tên Gia Linh nhỉ? - Hắn thân mật hỏi.

- Là tên con gái tôi.

Vừa lúc đó, một cô bé con rất xinh xắn độ mười một, mười hai tuổi chạy ào vào:

- Con chào bố. - Cô bé nhìn xung quanh rồi nhanh nhảu tiếp lời. - Cháu chào các chú.

- Chào cháu, cháu mới đi học về hả? - Phương vui vẻ đáp. - Cháu tên Gia Linh đúng không?

- Vâng ạ. Sao chú biết?

- Con lên nhà đi. - Dũng trầm giọng. - Bố phải đi có việc với các chú bây giờ.

Nhìn theo bóng cô bé, hắn bâng quơ hỏi:

- Gia đình anh sống ở đây luôn à?

- Vâng, tầng một và hai là văn phòng công ty, còn gia đình tôi sống bên trên…

Phương gật gù, từ đó cho tới cuối buổi giao dịch, nội dung cuộc nói chuyện chỉ xoay quanh mấy chủ đề thể thao, xã hội. Điểm khác biệt lớn nhất của hắn với những tay “bốc bát họ” khác là hắn không tham, lãi suất luôn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Nhưng đổi lại, hắn luôn đòi hỏi sự bảo đảm nhất định từ phía con nợ, không cách này thì cách khác. Chính nhờ phương thức làm ăn phóng khoáng mà chắc chắn đó, Phương đã rất thành công. Những năm về sau này, hắn thường xuyên có những giao dịch lớn thay vì đôi ba triệu cò con, nhỏ lẻ.

Sau nửa buổi làm việc, từ lúng túng, sợ sệt, Dũng đã dạn dĩ hơn nhờ cách nói chuyện cởi mở, duyên dáng của Phương. Anh ta cảm thấy hắn còn nhã nhặn hơn cả đám nhân viên ngân hàng mang tiếng có ăn có học.

- Mày chắc đấy chứ? - Trên đường về, Phương hỏi Thắng.

- Chắc chắn ạ, cha Dũng này dính phải dự án ma, thằng chủ đầu tư sắp ôm cọc bỏ trốn rồi.

Không ngoài dự đoán, nửa năm sau Thắng về thông báo con nợ xin khất thêm hai tháng, hứa sẽ trả cả vốn lẫn lời. Phương ra vẻ dễ dãi đồng ý.

Hết hai tháng tiếp theo, khi Dũng không còn khả năng xoay xở nữa thì cơn ác mộng của anh ta mới thực sự bắt đầu. Phương đến, chìa ra bộ chứng từ đặt cọc nhà và vấp phải sự từ chối cứng rắn của bố mẹ Dũng. Hắn không ép, lẳng lặng bỏ về nhưng sau đó đám đàn em đêm ngày nhắn tin, gọi điện, xuất hiện trước cửa nhà Dũng chửi bới, mắng nhiếc. Không một thành viên nào trong gia đình, kể cả Gia Linh được yên ổn. Đám đòi nợ thuê lượn lờ trước trường học của Linh, trước cơ quan của vợ Dũng, có mặt cả trong hội hưu trí bố mẹ Dũng sinh hoạt. Cuối cùng sau ba lần bị sơn cửa và tạt dầu luyn, Phương được mời tới nhà để nghe hai vợ chồng Dũng quỳ xuống khóc lóc trình bày về việc không còn nơi nào để ở, và rằng con còn nhỏ.

- Nếu nước mắt mà có thể giãn hay xoá nợ thì chắc tôi xây được nguyên bể bơi nước mặn trong nhà rồi. - Phương cười khẩy, thản nhiên nhìn cảnh hai vợ chồng quỳ lạy trước mặt mình.

- Đừng tàn nhẫn như vậy… xin anh, tôi còn bố mẹ già và con nhỏ…

Hắn bình thản châm điếu cigar, phả khói mờ không gian phòng khách vốn đã rất ngột ngạt.

- Lúc mở công ty kinh doanh anh có nghĩ tới bố mẹ già và con nhỏ không? Lúc lừa bố mẹ anh ký giấy uỷ quyền để vay tiền tôi anh có thương họ không? Ai mới tàn nhẫn ở đây? Gia đình anh là gì của tôi mà đòi tôi phải có trách nhiệm?

- …

- Không muốn mất nhà thì tôi sẽ kiện anh ra toà. Tôi có đầy đủ giấy tờ, chứng cứ để tống anh vào tù. - Phương mỉm cười. - Nói không phải khoe chứ trong tù tôi nhiều bạn bè lắm…

Đến nước này dù muốn hay không, bố mẹ Dũng đành nuốt nước mắt ký giấy bán, cay đắng nhìn căn nhà hương hoả bị siết với giá bằng khoảng hai phần ba giá thị trường. Họ cũng thừa biết nếu không vì kế hoạch mở đường của thành phố thì Phương đã chẳng “hào phóng” như vậy. Nhưng tất cả đã quá muộn. Từ một gia đình có điều kiện, cả nhà Dũng phải chuyển tới căn chung cư tái định cư giá thuê rẻ mạt ngoài ngoại thành. Năm người chui rúc trong căn hộ một phòng ngủ rộng bốn mươi mét vuông, bám víu vào lương hưu ít ỏi của bố mẹ và mức lương công chức ba cọc ba đồng của vợ Dũng.

Đây là một trong những phi vụ êm đẹp và nhẹ nhàng nhất của Phương.

……

Giống nhiều người làm cho vay nặng lãi, Phương cũng có một công ty bình phong, kinh doanh thập cẩm từ bất động sản, xe ô tô tới đồ lạc-xoong. Nhân viên của hắn ngoài Thắng và vài đàn em thân cận khác thì còn nguyên một đội quân nghiện ngập chuyên dùng đi thu nợ. Đám này chính là những con nợ lâu ngày không có khả năng thanh toán. Tất nhiên, khoản vay gốc đều chẳng đáng là bao, giá trị chỉ tương đương mấy cái mạng dặt dẹo chờ chết. Và đó lại là những tay sai đắc lực nhất bởi chỉ cần cấp đủ tiền một tép bột trắng thì chúng sẵn sàng xả thân làm theo lệnh.

- Đối tượng khó nhằn nhất là ai?

- Cờ bạc lô đề bóng bánh. Bọn đấy vừa là khách hàng lớn nhất, vừa khó đòi nhất. - Thắng giải thích. - Nên cho bọn này vay lãi cao lắm, bình thường là bảy đến mười ngàn một triệu còn vào mùa cao điểm kiểu Euro, World Cup thì phải hai mươi ngàn. Vậy là ít lắm rồi, nhiều chỗ khác lãi gấp đôi bọn tao, nhưng sếp tao bảo tham quá là mất cả chì lẫn chài.

Cả đám ngồi im, chăm chú nghe. Đây là hội bạn nhậu bên ngoài của Thắng, những người hầu như không liên quan gì tới thế giới tín dụng đen nên rất tò mò muốn biết hệ thống này vận hành ra sao. Bình thường Thắng khá kín tiếng, chỉ những lúc rượu vào ngà ngà gã mới vui miệng tiết lộ vài câu.

- Gặp đứa chây ì thì đòi thế nào?

- Mày chân đất mắt toét thì ai cho mày vay? - Gã cười khẩy. - Phải nhìn xem nhà có gì, thường thì mấy thằng này toàn công tử phá gia chi tử, cứ báo mồm hoặc vay nóng xong bố mẹ è cổ ra trả. Nước mắt chảy xuôi mà, với cả, không chảy bọn tao cũng ép cho chảy ấy chứ.

- Đánh đập hả? - Một người khác vọt miệng.

- Điên. - Thắng phẩy tay. - Ngày xưa thôi, giờ không ngông nghênh đánh người được đâu, quá tay nhà chúng nó báo án là ăn ***, khéo phải đền ngược ốm luôn.

- Thế ép cách nào?

- Thiếu gì… Doạ nạt bố mẹ, con cái, làm ầm lên ở chỗ làm, chỗ học, dọn vào ăn ngủ cùng gia đình, rồi tạt dầu luyn pha mắm tôm hay *** vào cửa. Có lúc tao lập cả bàn thờ trước cổng, khiêng quan tài, vòng hoa đến nhà. Nói chung lắm trò lắm, chủ yếu là ép về tinh thần, tuỳ mức độ lì của nhà con nợ. Nhà nào có tiền hoặc còn xoay được thì sớm muộn cũng phải xuỳ ra…

Điều Thắng không nói nốt là tuy không ra mặt đánh đập nhưng đôi ba vụ tai nạn ngã xe thì không thiếu.

- Còn trường hợp con nợ thực sự không còn gì mà ép thì sao? - Một người khác rụt rè lên tiếng.

Tới đây Thắng cười nhạt không đáp. Dù say cỡ nào thì thông tin này gã không bao giờ dám tiết lộ với ai, bằng không chính gã sẽ không xong với Phương. Chỉ có người trong giới hay đám con nợ rỉ tai nhau tuy chẳng bao giờ có bằng chứng. Với những kẻ không còn gì để mất, ở bước đường cùng sẽ được tặng một “chuyến du lịch miễn phí”. Đích thân Phương sẽ bố trí người lái xe đưa con nợ qua Trung Quốc bằng đường bộ, ở đó “đối tác” của hắn đã chờ sẵn trong những phòng mổ dã chiến, lấy tất cả những gì có thể như thận, gan, máu, tuỷ, tay, chân cho đến khi món nợ được hoàn tất, để rồi đến khi trở về, con nợ chỉ còn là một cái bóng vật vờ chờ chết. Có uất ức tới đâu, con nợ cũng không bao giờ có thể làm gì, kể cả tố cáo bởi Phương luôn đảm bảo nạn nhân đều ký đầy đủ giấy tờ cần thiết về việc tự nguyện hiến tạng. Không những cực kì am hiểu luật pháp, có mạng lưới quan hệ rộng, hắn còn cẩn thận thực hiện các ca phẫu thuật ở bên kia biên giới khiến cho việc truy tố hắn là điều gần như không thể. “Tri thức là sức mạnh”, chân lý này không thể đúng với ai hơn Phương.

- Sếp mày là người thế nào? - Thấy Thắng không trả lời câu trước, một người khác liền hỏi tiếp. Nhìn tướng tá dữ dằn của gã với cái đầu trọc lốc, cơ bắp cuồn cuộn và một vết sẹo chạy từ má xuống tận ngực cùng các hình xăm chi chít hai cánh tay khiến người ta dễ dàng tưởng tượng ra một ông sếp ngoại hình cỡ ác thần gác chùa.

- Rất trẻ, ưa nhìn, cực kỳ nhã nhặn, thậm chí hầu như không bao giờ văng tục.

- *** đùa à? - Cả lũ há hốc mồm.

- Ờ, dị lắm, chỉ thỉnh thoảng hút cigar với cần chứ tuyệt nhiên không đụng vào bất kỳ chất kích thích nào kể cả rượu. Không cờ bạc dưới mọi hình thức. Sở thích duy nhất là thể thao.

Cả đám nhìn nhau, không biết phải nói sao. Những gì Thắng kể về Phương hoàn toàn khác những gì họ luôn nghĩ về dân “bốc bát họ”, tự hỏi một kẻ như thế sao lại sa chân vào cái nghề bị kỳ thị đặc biệt này.

___________

Duyên Nguyễn 2101 Thanhkhe Lê La suongthuytinh : Chỉ muốn mạn phép thông báo là mình đào hố mới, xin phép một lần tag mà không hỏi trước :"> .

Chương sau >>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Chương 2.


Đám đàn em của Phương ngồi quanh bàn nhậu, đứa nào đứa nấy đã ngà ngà, một thằng mới vỗ vai Thắng:

- Anh theo sếp lâu rồi, đã bao giờ thấy sếp có bạn gái chưa?

- Chưa.

- Vì sao? Sếp có… gay không?

- Láo toét, cẩn thận cái mồm. - Gã gắt lên. - Sếp cặp kè kín nên chúng mày không biết.

- Không phải với con nợ đấy chứ? - Cả lũ cười hô hố nhưng bắt gặp cái lườm của Thắng vội im bặt. - Em đùa mà, ai mà chả biết sếp cấm tiệt.

- Tính sếp rõ ràng, sòng phẳng. Nợ là phải trả nhưng không tranh thủ lợi dụng. Chúng mày làm ở đây đừng có léng phéng, ông ấy mà biết là ông ấy thiến đấy, tao *** doạ đâu.

- Thế bình thường sếp cặp kè với thể loại nào thế anh?

- Đa dạng lắm, diễn viên, người mẫu, dân văn phòng, sinh viên, đại khái cứ vừa mắt là được, nhưng tất cả đều có một điểm chung là không ràng buộc. Cứ cặp kè vài bữa, đưa ít quà hay tiền xong thì đường ai nấy đi, nhanh gọn lẹ.

- Chẳng lẽ sếp không rung động với ai à, lạ thật… Con người chứ có phải gỗ đá đâu.

Thắng huých tay thằng đang thao thao bất tuyệt, gã liền im bặt. Từ cửa Phương đi vào, gật đầu chào cả lũ. Hắn mặc vest xám nhạt mở cúc, sơ mi đen, không cà vạt khiến bộ trang phục vừa đủ lịch sự mà không quá trang trọng. Ảnh hưởng bởi phong cách của Phương, trừ đám chân rết cấp thấp, những thằng kề cận hắn cũng đều ăn mặc rất nhã nhặn, có gu.

- Sếp ăn gì chưa? Ngồi cùng bọn em.

- Khỏi. - Hắn khoát tay rồi chỉ vào Thắng. - Mày còn đủ tỉnh để lái xe không? Đưa anh đi một lát.

- Vâng. - Gã đứng bật dậy. - Đi đâu vậy anh?

- Mày nhớ ông già chuyên phụ tùng ô tô không? Con gái ông ấy hẹn gặp, chắc để bàn vụ cái biệt thự.

……

Thiên Kim nhìn đồng hồ rồi thấp thỏm hướng mắt ra cửa. Cô cố tình đến sớm để giành chút chủ động ít ỏi trong cuộc gặp mặt.

“Chúng ta chỉ còn mỗi cái nhà này.”

Câu nói của bố với mẹ mà Kim nghe lỏm được cứ văng vẳng trong đầu như lời tuyên án. Cô vẫn chưa tin nổi mình đã dám giấu bố mẹ tự ý liên lạc hẹn gặp chủ nợ hôm nay. Vốn được bao bọc trong nhung lụa từ tấm bé, Kim chính là hình ảnh điển hình của một cô tiểu thư bước ra từ trang sách. Nhan sắc xinh đẹp, tính tình dịu dàng, học giỏi lại cầm kỳ thi hoạ, cô luôn là ước mơ của biết bao người xung quanh. Có lẽ cả đời Kim sẽ mãi được bao bọc trong cuộc sống màu hồng như vậy nếu tai hoạ không bất ngờ giáng xuống gia đình. Không hiểu vì lý do gì, bố cô lại vướng vào một khoản nợ khổng lồ khiến cả nhà rơi vào nguy cơ tay trắng ra đường. Chẳng còn cách nào khác, cô tiểu thư ngây thơ trong trẻo đành phải bước một chân vào cuộc đời ô trọc bằng cuộc điện thoại cho chủ nợ.

Kim thở dài, ngán ngẩm mường tượng ra một lão già to béo thô bỉ, cổ tròng xích vàng lồng nanh hổ, tay đeo nhẫn vàng ta mặt ngọc thạch to bản, mồm miệng bốc mùi cùng điệu cười khả ố. Nhưng cô thừa biết là kể cả có bị yêu cầu trở thành tình nhân hay “sugar baby” cho hắn để trừ nợ cô cũng phải làm. Bố mẹ đã nuôi nấng, nâng niu suốt bao năm, giờ là lúc cô cần đền ơn sinh thành dưỡng dục. Chỉ có ý nghĩ mình là cứu cánh duy nhất cho gia đình mới có thể giúp Kim nén lại cảm giác ghê tởm, buồn nôn trước viễn cảnh tương lai đầy ảm đạm.

- Thiên Kim phải không? Tôi là Phương, em chờ tôi lâu chưa?

Cô ngẩng đầu, mất mấy giây sững sờ trước khi đứng lên nắm lấy bàn tay đang chìa về phía mình. Đối diện với cô là một thanh niên trẻ, khuôn mặt không hẳn là đẹp nhưng đậm nét nam tính, phong trần với đôi mắt sắc sảo, sâu hút hồn. Kim cao một mét bảy, và cô đã không nghĩ tới việc bên cạnh Phương, kể cả đã đi giày cao gót, cô vẫn phải ngẩng đầu để nhìn mặt hắn. Mùi nước hoa Creed Aventus hoà quyện với cơ thể hắn tạo nên một mùi hương tinh tế quyến rũ rất riêng làm cô thoáng ngẩn người.

Sau khi cả hai yên vị, Kim tự tay rót nước vào cốc Phương, lúng túng nói:

- Thật ra bố mẹ không biết em đã liên lạc với anh. Em rất cảm ơn vì anh đã đồng ý gặp em… - Thấy hắn không tiếp lời, cô cắn môi, chuyển đề tài. - Để em gọi rượu cho anh, nghe nói vang ở đây rất ngon…

- Xin lỗi, tôi không uống được rượu. Nhưng nếu em muốn thì cứ tự nhiên.

Kim lắc đầu, trong lòng như trút được gánh nặng. Cô không thể ngờ chủ nợ của bố lại là người lịch thiệp và… cuốn hút đến vậy.

- Chắc anh cũng biết em hẹn anh vì việc gì. - Cô rụt rè mở lời. - Bố em, không, cả gia đình em rất mong anh rộng lòng…

Mắt Kim rưng rưng, khuôn mặt đỏ bừng, những lời muốn nói cứ mãi ấp úng trong miệng.

Chỉ nhìn thoáng qua là Phương đã biết nỗi khổ sở của Kim. Đôi mắt trong veo đầy lo lắng không giấu được nét ngây thơ thuần khiết. Hẳn ông bố Kim sẽ rất đau lòng nếu phải chứng kiến cảnh cô con gái cưng run rẩy bất lực cầu xin sự thương hại của tay giang hồ lọc lõi thế này.

- Em muốn xin cho bố khoản nợ đúng không?

- Vâng… - Kim sụt sịt, nước mắt lăn dài trên làn da mịn màng, trắng hồng tự nhiên. - công ty gia đình em phá sản rồi, giờ chỉ còn mỗi căn nhà trú chân.

“Căn nhà trú chân” đó trị giá cả triệu đô la, Phương nghĩ thầm. Số tiền hàng trăm tỷ nợ ngân hàng có thể giải quyết bằng tờ giấy công bố phá sản, nhưng hắn không phải ngân hàng. Hắn chưa bao giờ giao dịch với những thứ mơ hồ mang tên “công ty”, “doanh nghiệp”. Đồng tiền của hắn là thật thì người nhận nó cũng phải bằng xương bằng thịt và có tài sản thế chấp thực tế. Phương bưng cốc nước uống một ngụm rồi nheo mắt nhìn người đối diện:

- Vậy đổi lại tôi được gì?

- Em… em sẽ… làm bất cứ… - Kim không thể nói hết câu, dáng vẻ tội nghiệp đến đáng thương.

- Bất cứ điều gì? Kể cả “bán mình chuộc cha” sao? - Hắn mỉm cười. Giọng nói trầm ấm khiến câu nói không những không hề mang âm sắc thô tục mà còn quyến rũ lạ thường.

Kim đỏ mặt, đầu cúi thấp, nước mắt vẫn lã chã. Vừa lúc đó nhân viên phục vụ bưng đồ ăn đặt xuống bàn, giả tảng không thấy không khí bối rối giữa hai vị khách. Phương đợi anh ta đi khuất mới tiếp tục nói:

- Em có biết số tiền bố em nợ tôi không?

- Bố bảo vay anh bốn trăm ngàn đô…

- Bố em nợ tôi một triệu đô. - Phương đính chính. - Xin phép cho tôi hỏi, năm nay em bao tuổi?

- Hai mốt ạ… - Cô ngơ ngác đáp. - Năm sau em sẽ tốt nghiệp đại học.

- Để tôi kể em nghe một chuyện. - Hắn ngả người vào ghế, không tỏ vẻ gì muốn đụng vào đĩa thức ăn. - Tháng trước tôi vừa đi cùng một người mẫu, cho tôi được giấu tên vì cô ấy khá nổi tiếng, tôi ở bên cô ấy ba ngày và tặng cô ấy một chiếc túi Chanel.

- …

- Chiếc túi đó trị giá bảy ngàn đô, vị chi là hơn hai ngàn đô một ngày nhưng tất nhiên, em phải khác cô ấy. - Phương nhìn thẳng vào người đối diện. - Em không phải hoa hậu hay siêu mẫu, thậm chí chẳng có tiếng tăm gì nên năm mươi triệu một tháng là cao rồi…

- Anh… - Kim đập bàn, mặt tái mét, hai mắt long lên vì tức giận. - đừng có xúc phạm tôi.

- Tôi xúc phạm gì em? Chính em gợi ý trước đấy chứ? - Hắn nhún vai.

- …

- Em nghĩ với giá đó thì mất bao lâu em sẽ trả xong nợ cho bố? - Hắn mỉm cười. - Chưa cần nói đến lãi phát sinh, kể cả giờ tôi khoanh nợ cho em thì em cũng mất ít nhất hơn ba chục năm.

- …

- Nhưng năm nay em hai mốt rồi, tối đa em chỉ “trả nợ” được mười năm thôi, sau đó có muốn trả tiếp tôi cũng không nhận, vậy em tính thế nào?

Bàn tay Kim vung lên nhưng không dám hạ xuống, cứ run rẩy treo trên không.

- Em đừng manh động, giá tát tôi cao đấy, đừng bắt bố gánh thêm nợ nữa.

Phương ôn tồn nói rồi đứng lên, hơi nghiêng người:

- Xin phép em tôi về trước, em trả tiền bữa ăn nhé, trừ cho lãi vay của ngày hôm nay. Số còn thiếu coi như quà tôi tặng em… Nhắn bố giúp tôi là hạn cuối trả nợ là thứ sáu tuần sau, không lùi thêm một ngày nào nữa.

……

- Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, vậy mà sếp… - Thắng xuýt xoa sau khi biết chuyện.

- Vì anh không phải anh hùng. - Phương cười khẩy. - Quan điểm của anh đơn giản lắm, chi tiền xứng đáng, không được mua hớ.

- Anh nói vậy có quá đáng không? - Gã chép miệng, bất giác tội nghiệp cho cô tiểu thư xinh đẹp.

- Chỉ có đồ ngu mới mua ngọc trai nuôi với giá kim cương tự nhiên thôi!

………………

Phương đút tay túi quần đi lững thững, vẩn vơ nghĩ tới mấy khoản nợ khó đòi. Hắn thích đi bộ trên phố lúc đêm khuya, đường phố thanh vắng cho hắn cảm giác dễ chịu, giúp đầu óc minh mẫn hơn.

Đáng tiếc, không khí thanh bình chẳng giữ được lâu.

Qua khoé mắt, Phương nhận ra mình đang bị hai gã ma cô bám đuôi đằng sau. Hắn khẽ thở dài rồi kín đáo liếc mắt xung quanh đánh giá tình hình. Từ đây về nhà hắn buộc phải đi qua một con ngõ nhỏ, trong đó chỉ có một ngọn đèn đường mờ mờ, không cửa hàng cửa hiệu, và hắn biết chắc chẳng nhà nào lắp camera an ninh. Phương nhìn trước sau, tính bắt một chiếc taxi, tránh bớt rắc rối không cần thiết nhưng chẳng có lấy một chiếc trống chạy qua. Hắn không mạo hiểm rút điện thoại ra gọi bởi biết chắc hai gã kia chỉ chờ có thế mà hắn không muốn có chuyện ầm ĩ giữa phố. Cuối cùng hết cách, Phương chậm rãi cất bước về phía ngõ nhỏ, tính toán làm sao để giải quyết mọi thứ cho gọn gàng.

Hai gã ma cô lặng lẽ bám sát con mồi như hình với bóng.

Hắn đi qua cột đèn giữa ngõ rồi bất thần quay lại đối mặt với hai kẻ theo đuôi.

- Cũng biết điều đấy. - Một thằng cười khẩy. - Đưa ví và điện thoại đây rồi biến đi.

Phương chỉ vừa nắm tay, chưa kịp thủ thế thì một giọng lanh lảnh vang lên từ góc tối khiến tất cả giật bắn mình:

- Hai thằng giẻ rách kia đừng có giở trò.

Dưới ánh đèn mờ mờ, một cô gái chậm rãi bước ra. Cô nàng buộc tóc đuôi ngựa, vóc dáng cao ráo nhưng hơi thô, đặc trưng của dân tập thể thao. Mặt cô gái trẻ măng, ngoài chiếc mũi cao thanh thoát thì mọi đường nét không quá đẹp nhưng điều làm Phương bất ngờ hơn cả là cảm giác quyết liệt toả ra từ cô, thứ hắn thường chỉ thấy ở những kẻ kỳ cựu. Và điểm kỳ lạ nữa ở cô nàng là bộ đồng phục học sinh áo trắng quần xanh cùng đôi giày bata giản dị.

- Tưởng ai hoá ra một con ranh con… Cút!

- *** chúng mày, bố mày *** cút đấy, chúng mày định làm gì? - Cô nàng cười khẩy, giọng đanh lại rồi quay qua Phương. - Tránh ra, đừng làm vướng chân tôi.

Cô gái rút trong túi quần ra một con dao gấp, xoè lưỡi rồi lăm lăm tiến đến. Nhìn cách cô ta cầm ngược con dao một cách thành thạo, Phương khẽ cười, lùi xuống nửa bước. Giây tiếp theo, hai gã ma cô xông tới cùng lúc để rồi một thằng lãnh trọn một cú đấm vào họng, một thằng ăn cú đá giữa chỗ hiểm. Cách ra đòn của cô gái không hoa mỹ nhưng cực kỳ hiệu quả, chính xác từng milimet và đầy uy lực. Thằng ăn cú đá nằm ngay tại chỗ, thằng còn lại đang choáng váng ôm cổ họng thì mũi dao đã ép sát quai hàm dưới mang tai.

- Giờ thì ai sẽ cút? - Cô nàng gằn giọng.

Không cần nhắc tới câu thứ hai, hai thằng dìu nhau tập tễnh lủi đi trong chớp mắt.

- Cám ơn nhé, em mạnh thật đấy. - Phương mỉm cười. - Em tên gì vậy?

Lúc này nửa gương mặt cô gái lộ ra dưới ánh đèn, hắn mới hơi giật mình thấy một bên mắt cô tím bầm.

- Ơ kìa, em trúng đòn lúc nào thế? Có sao…

- Tôi không sao. - Cô nàng lạnh lùng ngắt lời, tay nhét con dao gấp trở lại túi quần. - Anh về cẩn thận.

Đêm hôm đó nằm trên giường, hình ảnh cô gái kỳ lạ cứ vương vất trong đầu Phương, tạm thổi bay mối bận tâm về mấy con nợ còn đang chây ì.

……

- Chúng mày gặp con gái đánh võ đặc công bao giờ chưa? - Hôm sau Phương hỏi mấy đứa đàn em.

- Karate, Taekwondo thì đầy chứ của hiếm đấy đâu ra đại ca?

- Không chỉ biết đâu. - Hắn chỉ đại vào mấy thằng xung quanh. - Đánh tay đôi với chúng mày chưa biết ai hơn ai.

- Anh cứ đùa… - Thắng gượng cười rồi quay ra nạt đám đàn em. - Sếp đang chửi chúng mày vô dụng đấy, có mấy khoản đòi mãi không xong. Báo cáo tình hình đi.

Một thằng gãi đầu:

- Thực ra cơ bản cũng xong rồi, nhưng còn một trường hợp thực sự khó. Là ông Tân ạ.

- Cái lão nhà trong khu tập thể cũ đúng không? - Phương nhíu mày. - Lão nợ có hơn ba trăm triệu mà còn cả cái nhà mà.

- Không đơn giản như thế đâu ạ…

Chương sau >>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Chương 3.


Trúc ngáp ngắn ngáp dài đứng trước cổng trường, chán nản nghĩ tới còn một năm học nữa mới có được tấm bằng phổ thông. Cô chỉ mong nhanh chóng ra trường.

- Sao chưa vào đi, đứng đây làm gì? - Một cô bé nhỏ nhắn xinh đẹp đi tới khoác tay cô. - Đừng nói mày sẽ trốn tiết đầu nhé?

- Ý hay đấy, đang mệt.

- Không được. - Đan lắc đầu quầy quậy. - Mày mà trốn là tao không mua đồ ăn sáng cho đâu.

Nhiều người vẫn thắc mắc vì sao một học sinh ngoan ngoãn chăm chỉ như Đan lại luôn kè kè với học sinh cá biệt như Trúc thì người trong cuộc chỉ cười. Ngạc nhiên hơn nữa là bố mẹ Đan cũng không hề phản đối tình bạn của cả hai như cách các bậc phụ huynh mẫu mực thường làm.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm lớp mười một.

Do trường bố trí ca học theo khối nên hệ A, hệ B mỗi khối đều học chung ca, khiến buổi sáng đầu ngày và giờ ra chơi, sân trường là tập hợp lẫn lộn từ học sinh giỏi thành phố, quốc gia tới đám cá biệt ngấp nghé bị đuổi học. Sự xáo trộn đó đã gián tiếp gây ra không ít vụ lộn xộn không cần thiết. Và một trong những vụ nổi tiếng nhất lại dính líu tới Hà Đan, học sinh lớp chọn với bảng thành tích đầy mình. Vừa học giỏi, vừa hiền lành dễ thương, nhìn chung Đan là một người tương đối toàn diện nên ít ai ngờ có ngày cô nàng lại dính vào rắc rối như vậy.

Tất cả bắt nguồn từ nhược điểm lớn nhất của Đan: tính tò mò, hiếu kỳ.

Chính bởi cái tính này, cô đã nhìn chằm chằm nhóm hot girl hệ B khi phát hiện cách họ trang điểm lẫn bộ đồng phục đều quá khác biệt với các nữ sinh khác. Tuy trên vai áo vẫn đính logo trường nhưng cả quần lẫn áo đều ôm sát cơ thể, tôn lên những đường cong nóng bỏng.

- *** con *** kia, mày soi cái *** gì đấy? - Một đứa trong nhóm bỗng hất hàm nhìn Đan.

- Không, tớ… không… - Cô lắp bắp, tay đẩy gọng kính theo thói quen.

- Không không cái ***. - Cả nhóm quây lại rồi lôi Đan vào góc cầu thang phụ dãy nhà sau mặc cho cô giãy dụa chống đối. Đây là chỗ vắng vẻ, ít người lui tới nhất trong trường.

- Bỏ tớ ra.

- Tao sẽ dạy cho mày một bài học tội soi đểu.

Một đứa hùng hổ đẩy Đan ngã phịch xuống đất, tiếp theo là một cái tát trời giáng giữa mặt, đứa khác cầm đuôi tóc Đan giật mạnh làm cô đau đến mức hét lên.

Bốp.

- Hét nữa là ăn tát tiếp.

Đan còn đang rúm ró vì kinh hãi thì một giọng ngái ngủ vọng tới từ gầm cầu thang mà trước đó không ai để ý.

- *** vào đây ngủ mà cũng *** yên thân.

Trúc xuất hiện, mắt kèm nhèm, đầu tóc bù xù, mép còn vệt nước dãi chưa kịp lau. Tay cô đút túi quần, dưới chân là đôi giày bata cũ mèm.

- Mày học lớp M đúng không? - Con bé nhóm trưởng đang nắm tóc Đan liền buông ra để đứng lên đối mặt với người mới đến. - Biến ra ngoài cho tao xử con này.

- Ờ, tao là Thanh Trúc lớp M còn mày là con *** nào tao *** biết, sao tao phải nghe lời mày? - Trúc hất hàm.

- A, *** con chó này lắm nữa.

Lời còn chưa dứt, cả lũ liền xông tới nhưng trước khi kịp vung tay thì một đứa đã bị đá vào khuỷu chân quỵ xuống, một đứa bị đạp vào bụng đau gập người. Tới khi hai đứa hoàn hồn ngẩng lên thì hình ảnh đập vào mắt chúng là Trúc một tay vẫn đút túi quần, tay còn lại đang nắm chặt yết hầu trưởng nhóm hot girl. Cô khẽ siết lại khiến mặt con bé nhăn nhúm vì đau nhưng không kêu được thành tiếng.

- Cút!

Ba giây sau, góc cầu thang chỉ còn hai cô gái, Trúc với bộ dạng xộc xệch và Đan tóc tai rũ rượi chưa hết cơn sụt sịt. Trúc chẳng nói chẳng rằng, quay lưng định bỏ vào gầm cầu thang ngủ tiếp thì một đôi bàn tay mềm mại bỗng níu lấy cánh tay cô:

- Cậu tên Trúc đúng không? Cám ơn nhiều nha.

- Khỏi, tao chỉ tự vệ thôi, chẳng liên quan gì đến mày cả. Biến đi, đừng làm phiền tao.

Chưa dứt câu, bụng cô nàng bỗng kêu ục một tiếng.

- Cậu chưa ăn sáng hả? - Khuôn mặt Đan sáng bừng. - Vậy ra căng tin đi, tớ mời cậu để cảm ơn.

Lần này thì Trúc không khách sáo. Cô đi theo Đan, thản nhiên bóc thêm hai gói bò khô thả vào bát mì ăn ngon lành.

- Tớ tên Hà Đan 11B. - Lần đầu tiên trong đời Đan cảm thấy ái ngại vì cái mác lớp chọn của mình. - Cậu học 11M hả?

- Ờ. - Trúc húp bát mì cái soạp rồi lấy giấy lau mồm. - Cám ơn nhé, vậy là mình hết nợ.

Lẽ ra câu chuyện sẽ là thế nếu buổi tan trường trưa hôm ấy không xảy ra một vụ việc mà sau này đã trở thành huyền thoại được truyền tụng tới nhiều khoá đàn em.

Trúc vừa khoác balo đi khỏi cổng trường vài mét thì nhận ra có người đang chờ mình. Nhóm hot girl ban nãy cùng ba thằng con trai cao to lừ lừ quây lấy cô. Vốn mấy đứa con gái này ngang ngược quậy phá mà không ai dám động vào là nhờ sự “bảo kê” của ba thằng người yêu “có số có má” bên trường bổ túc. Đám bạn cùng lớp của hai bên đánh hơi thấy kịch hay vội đứng thành vòng tròn lớn, choán hết vỉa hè. Tuy Trúc không phải đứa ngoan hiền gì nhưng chẳng ai tưởng tượng được có ngày cô lại bị cuốn vào một vụ đánh nhau trước cổng trường thế này.

- Chúng mày muốn gì? - Trúc nắm chặt quai balo, cảnh giác hỏi.

- Cho mày một bài học để biết thân biết phận.

Ỷ y có bạn trai, đám hot girl khoanh tay đứng bên hò hét, chửi bới cổ vũ tinh thần. Ba thằng con trai chia ra ba góc, từ từ khép dần khoảng cách với “con mồi”.

Đột nhiên chiếc balo của Trúc bay tới đập thẳng mặt thằng đứng giữa, nhanh đến mức không ai kịp nhìn xem chuyện gì đã xảy ra. Và gần như cùng lúc, thằng bên trái ăn một cú đấm giữa ngực nhưng Trúc cũng trúng một cú đá vào bụng từ thằng bên phải. Cô loạng choạng lùi lại, cười nhạt:

- *** chúng mày quyết ăn thua đủ hả?

Trúc bước lên một bước lấy đà rồi xoay người, làm một cú đá vòng cung tuyệt đẹp giáng xuống quai hàm đứa vừa đạp mình. Thằng con trai cao trên mét bảy bật ngửa ra sau ngất xỉu. Thằng bị đập balo vào mặt lao đến tấn công nhưng còn chưa kịp vung tay thì ăn ngay một cú đấm ngang mặt cùng một cú đá bồi mạng sườn và lập tức nằm dài cạnh thằng bạn.

Trúc ngoảnh đầu, nhìn bốn đứa còn lại mặt mày đang tái mét, khịt mũi:

- *** chúng mày nhanh lên, đánh nốt đi cho bố mày còn về.

May phước cho bốn đứa, trước khi Trúc kịp động thủ thì bảo vệ cùng các giáo viên của trường đã rẽ đám đông xông vào, giải cứu vừa đúng lúc. Hai thằng con trai ngất xỉu được đưa lên xe cấp cứu, cả lũ còn lại bị đưa qua phòng hội đồng.

Ngoài những kẻ trực tiếp tham gia trận chiến thì còn thêm sự có mặt của một nhân vật đặc biệt: Hà Đan.

Vừa nhìn thấy Trúc, Đan vội lao tới sờ nắn đầu cổ bạn, khóc lóc ầm ĩ:

- Cậu có sao không? Tớ vừa thấy chúng nó quây cậu liền chạy đi báo cho các thầy, các thầy có đến kịp không?

Trúc gạt cô bạn ra, mặt đầy ngao ngán.

- Mày đừng có nhiệt tình cộng ngu dốt nữa được không?

Đan còn đang ngơ ngác thì thầy hiệu trưởng quay lại, giọng đầy nghiêm trọng thông báo tình trạng hai thằng đang nằm trong viện. Một đứa bị vỡ xương hàm và nứt đốt sống cổ, một thằng gãy mũi, vỡ xương gò má và rạn xương sườn. Những người có mặt, kể cả giáo viên đều tái mặt, không ai dám tưởng tượng đây lại là “chiến tích” của một đứa con gái.

- Sao em có thể đánh người ta như vậy? - Thầy hiệu trưởng đập bàn quát lên. - Em là học sinh hay côn đồ?

- Thầy đã bao giờ bị đánh hội đồng chưa ạ? - Trúc bình tĩnh đáp. - Nếu em không đủ mạnh tay để loại đi càng nhiều đối thủ càng tốt, chúng nó cùng lao tới thì em đỡ thế nào được?

- …

- Tại sao thầy không hỏi ba thằng con trai quây đánh một đứa con gái mà lại mắng em? Em phải bị đánh chết thì mới thành nạn nhân hay sao ạ? Lỗi của em chỉ là quá mạnh so với bọn nó thôi.

Các giáo viên cứng họng, loay hoay chưa biết nói sao thì Đan bước ra, chỉ vào vết sưng đỏ trên má chưa tan, rành mạch kể lại toàn bộ câu chuyện. Lời làm chứng của một học sinh thành tích đầy mình như Đan là thừa giá trị giúp Trúc thoát tội, chưa kể đám học sinh “khán giả” cũng xác nhận rằng Trúc không hề gây sự mà cô vừa bước ra đã bị nhóm kia chủ động tấn công. Cô được tha bổng trong khi đám học sinh gây rối phải viết tường trình.

- Thầy tò mò một chút. - Ông thầy thể dục bỗng vọt miệng trước khi Trúc rời phòng hội đồng. - Em theo học môn phái nào đó? Có thể đại diện trường đi thi đấu không?

- Trường không có môn phái của em ạ - Trúc lắc đầu.

- Em chắc không? Mình có đủ Taekwondo, Karate, Vovinam…

- Bố em là đặc công. - Cô ngắt lời ông thầy. - Trường mình có môn này không ạ?

- …

- Nhân đây em cũng muốn nói rõ ràng để không còn gặp rắc rối nữa. - Trúc quét mắt về đám gây sự đang ngồi túm lại một góc lấm lét nhìn cô. - Nếu muốn đấu với em nữa thì hãy tìm một người chạy hai mươi cây, nhảy dây năm trăm cái, chống đẩy một trăm lần và hai tiếng tập thực chiến mỗi ngày đã nhé.

- …

- Em không thể tham gia bất cứ giải đấu nào vì em chỉ biết vài đòn đấm đá cơ bản, - Cô thở dài. - nhưng đòn nào cũng là đòn sát thủ… Chắc không đủ tiêu chuẩn tham gia đâu thầy nhỉ?

Đan đi theo Trúc ra ngoài, xuýt xoa:

- Cậu… - Thấy cái lườm sắc lẻm của cô bạn, cô vội đổi lại. - Mày thực sự tập như vậy hàng ngày à hay chỉ nói thế để doạ chúng nó thôi?

- Ừm, thực ra…

- Tao biết mà… mày bốc phét chứ ai mà tập được như thế.

- Tao chưa nói hết. - Trúc nhếch mép. - Là tay chân tao đeo bốn cái tạ, mỗi cái ba cân trong lúc tập.

Đan há hốc mồm, tự hỏi mình vừa kết bạn với thể loại “quái vật” nào vậy.

- Tao đói quá, mời tao ăn gì đi. - Trúc thản nhiên. - Tại mày mà tao dính vào đống rắc rối này.

- Được được.

Đan gắp miếng thịt đặt vào bát cô bạn mới quen, lân la hỏi chuyện:

- Mày tập nặng mà sao sáng nay không ăn sáng vậy?

- Thế nên tao mới chui vào trong đấy ngủ cho qua cơn đói thì bị chúng mày phá đám.

- Vì sao?

- Vì không ăn chứ sao. - Trúc nhún vai. - Tao ít ăn sáng lắm.

Bề ngoài Đan có vẻ hồn nhiên nhưng thực chất là người rất nhạy cảm. Nhận thấy câu trả lời của Trúc có gì đó không bình thường, cô không hỏi lại, chỉ vui vẻ nói:

- Thế từ giờ ăn với tao nhé, tao bao mày? - Rồi trước khi cô bạn kịp từ chối, Đan nói tiếp. - Đổi lại mày làm vệ sĩ cho tao, tao sợ bọn kia trả thù lắm. Chúng nó sợ mày nhưng sẽ tìm tao.

- …

- Mày muốn thêm cái gì cứ nói.

- Ăn sáng đủ rồi. - Trúc mỉm cười, nụ cười thành thật lần đầu Đan nhìn thấy. - Coi như tao làm thuê cho mày.

……

Nhớ lại chuyện cũ khiến Đan tủm tỉm cười. Cô luôn trân trọng từng chút những kỷ niệm đã có giữa mình và Trúc, chỉ có kẻ vô tình như Trúc thì luôn cười khẩy và gọi cô là đứa lắm chuyện.

- Mày cười cái gì đấy? Nhìn như con ngẫn.

- Mày không thể ăn nói dịu dàng hơn được à? - Đan đẩy gọng kính lên mũi. - Hôm nay lớp mày có kiểm tra một tiết toán đấy, học gì chưa?

- Mày hỏi đểu tao hả?

Đan tặc lưỡi.

- Năm nay năm cuối rồi, mày không định cố học lên một tí à?

- Không. - Trúc nhún vai. - Thi tốt nghiệp kiểu gì các thầy cô chả thả cho đỗ.

- Nhưng…

- Hay mày nghĩ tao sẽ thi đại học? - Trúc cười khẩy. - Để tao nộp hồ sơ vào Bách Khoa hay Ngoại thương, biết đâu lại thủ khoa.

- Mày có mơ ước gì về công việc sau này không? - Đan nhìn bạn chăm chú, loay hoay tìm cách thuyết phục cô nhìn nhận chuyện học hành nghiêm túc hơn.

- Tao chỉ muốn làm đầu bếp. - Trúc đáp không cần suy nghĩ.

- Mày thích nấu nướng thế à?

- Để không bị đói!

Đan cố nén tiếng thở dài và ánh mắt thương cảm. Nếu không vì hoàn cảnh quá sức đặc biệt, Trúc hẳn sẽ không phải có những ước mơ kỳ quặc đến vậy.

- Thay vì làm cái mặt nhàu nhĩ hãm tài thì mày có thể gọi thêm cho tao bát phở nữa mà.

- Tự gọi đi, ai biết mày thích ăn gì. - Đan càu nhàu.

……

Nhờ hai bát phở buổi sáng của Đan, trưa Trúc về nhà với tâm trạng rất tốt. Cô vừa huýt sáo một điệu nhạc ngẫu hứng, vừa đổ gạo vào nồi, tính toán vừa đủ một suất ăn.

Rầm.

Trúc không giật mình cũng chẳng buồn quay ra. Cánh cửa ra vào tuy có hơi xập xệ nhưng còn đủ tốt để vẫn yên vị trên bản lề sau vô số những cú đạp trời giáng. Mà với cô, nó giữ nguyên hay long ra đều chẳng thành vấn đề.

- Mày đang làm gì đấy? - Một giọng lè nhè, khê nồng vọng tới, dù cách mấy mét Trúc vẫn ngửi thấy mùi rượu nồng nặc.

- Nấu cơm. Ông đi mấy hôm liền rồi mà chưa chết hả?

- Còn lâu tao mới chết.

- Bất hạnh đời tôi. - Trúc chép miệng, vẫn không thèm ngoảnh đầu lại. - Tôi nói trước, không có cơm cho ông đâu, tôi chỉ nấu phần tôi thôi.

- *** mày lắm nữa con mất dạy…

Trúc bỗng quay ngoắt người, lao tới người đàn ông cao lớn đứng khật khưỡng nơi ngưỡng cửa. Cô chỉ thẳng vào mặt ông ta:

- Cấm nhắc tới mẹ tôi, đi mà *** đứa khác, riêng mẹ tôi thì cấm chỉ.

Người kia giơ tay thụi mạnh vào bụng Trúc khiến cô suýt ngã ngửa, nghiến răng để không bật ra tiếng kêu. Cú đấm của ông ta khác hẳn những thằng công tử choai choai thích thể hiện. Cả hai gườm gườm nhìn nhau.

Trúc chủ động tấn công nhưng ông ta tránh được, đồng thời đấm ngang mặt cô. Gò má Trúc liền hơi tím lại sau cú đấm thôi sơn.

- Bầm mắt hôm trước chưa chừa hả?

Trúc không nói không rằng, tung chân trái đá ngang hông đối phương, ông ta giơ tay đỡ nhưng đây chỉ là cú đá dứ, trong lúc chân trái còn chưa hạ xuống thì chân phải cô đã bật cao, sút thẳng vào hạ bộ khiến người đàn ông ré lên một tiếng và sụp xuống. Trúc đặt chân lên gáy ông ta, ấn chặt:

- Đừng để tôi nghe thấy cái mồm thối của ông nhắc tới mẹ tôi lần nào nữa, nhớ lấy thằng già.

Nói rồi cô bỏ mặc nạn nhân nằm đó, thản nhiên quay vào nấu nốt bữa. Gọi là bữa ăn cho oai chứ thực chất chỉ là một bát ô tô đầy cơm, trên để mấy miếng thịt bèo nhèo và vài cọng rau già. Cô ăn gần hết thì người đàn ông mới bắt đầu ngọ nguậy được.

- Cho tao một miếng… - Tiếng thì thào pha lẫn rên rỉ.

- Tôi còn có một ít, ông đói lắm hả? - Trúc hỏi, giọng thông cảm.

- Cả ngày hôm qua tao chưa có gì vào bụng…

Cô bưng bát ngồi xuống bên cạnh, và rồi trong ánh mắt mong chờ của ông ta, chậm rãi lùa nốt chỗ cơm vào miệng, nhai nhồm nhoàm vẻ ngon lành.

- Con ranh con, con ***.

- Biết điều rồi đấy. - Trúc gật đầu. - Chửi tôi thì tôi coi như chó sủa thôi, thoải mái đi. Nhưng cứ đụng vào mẹ tôi là tôi sẽ sống chết với ông.

Chương sau >>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Chương 4.


Rửa bát xong xuôi, Trúc lấy xe đạp, thong thả đạp đi. Trên người cô vẫn là bộ đồng phục và đôi giày cũ mèm, chiếc xe thì kêu lọc xọc nhưng cô biết sẽ còn rất lâu nữa mới phải sửa. Mặc kệ xung quanh vô số “ninja Lead” che kín từ đầu đến chân, Trúc là đứa con gái duy nhất phơi mặt ra đường giữa cái nắng chiều gay gắt mà không có cả mũ.

Nơi cô tới là một phòng tập nằm trong con ngõ nhỏ. Bên trong phòng tập rộng rãi nhưng đơn sơ với vài bao cát và ít dụng cụ tự chế. Trúc lẳng lặng mở tủ cá nhân lấy bộ đồ thể thao đi vào phòng thay đồ, lát sau ra đeo bốn chiếc tạ của riêng mình lên tay chân, băng chặt khớp tay, mặc giáp rồi làm vài động tác khởi động. Mấy gã trai ngoài hai mươi nhìn thấy vết bầm trên mặt cô đã chủ động ra góc khác tập với nhau. Họ biết tâm trạng của Trúc lúc này không tốt, tập cùng cô sẽ chẳng khác gì bao cát sống cho cô trút giận.

- Lại bị ông ấy đánh à? - Một người đàn ông trung niên vạm vỡ vỗ vai cô thân mật hỏi.

- Con chào bác… - Nụ cười tươi tắn khiến khuôn mặt Trúc sáng bừng, cô lắc đầu. - đánh nhau ạ. Giờ ông ấy không dám gây sự với con đâu.

- Ai thắng?

- Bác nghĩ sao? - Cô cười, vỗ nhẹ vết bầm trên má. - Ông ấy mà thắng thì sao con chỉ có một vết bầm này được? Bác bảo mấy anh qua tập cùng con đi, đừng sợ. Hôm nay con đánh ông ấy bết xê lết nên đang vui lắm.

Ông Lê gõ nhẹ vào đầu Trúc cười, cố nén tiếng thở dài. Ông ra hiệu cho đám thanh niên phía bên kia phòng tập tiến lại rồi chia nhóm đánh.

- Nhanh, mạnh và chính xác là nguyên tắc duy nhất. - Ông đứng giữa phòng, luôn miệng hò hét. - Đánh đấm không cần đẹp mắt, quan trọng là hiệu quả. Các cậu là võ sĩ, không phải diễn viên múa, đừng có õng ẹo.

Ngoại trừ ông Lê, ai cũng đeo giáp kín mít từ đầu tới chân. Không có võ phục hay những chiếc đai màu sắc để phân chia đẳng cấp, các bài tập ông thiết kế khá đơn giản nhưng rất thực dụng và mang tính sát thương cao khiến đám học viên luôn phải tập trung cao độ nếu không muốn bị chấn thương nặng. Do đặc tính khắc nghiệt này, lò võ của ông chỉ có những học viên thực sự có năng lực và sức chịu đựng phi thường. Bất cứ ai tìm đến với mục đích tập võ “lấy le” đều từ bỏ chỉ sau một tuần. Và trong số tất cả môn sinh của ông, Trúc là người trẻ nhất nhưng cũng là học trò cưng nhất.

Sau buổi tập, ông Lê gọi Trúc ra riêng một góc, dúi vào tay cô một chiếc túi:

- Mừng con vào năm học mới.

Cô mở ra, bên trong là một bộ quần áo thể thao rất đẹp mà cô vẫn mơ ước và đôi giày bata mới toanh. Trúc nhìn ông, đôi mắt long lanh cảm động nhưng cũng sầm ngay xuống.

- Con cám ơn bác… Cơ mà, ngoài đôi giày ra, bác cho con gửi bộ quần áo ở đây nha.

- Lại sợ ông ấy bán mất à?

- Vâng… Phút mốt bác ạ.

Ông Lê gật đầu rồi trầm giọng:

- Trúc này, mấy tháng nay con đã thành trợ thủ đắc lực của bác, tương đương huấn luyện viên rồi nên bác muốn con nghĩ lại chuyện nhận lương…

- Sao bác cứ nói mãi chuyện này thế? - Trúc cau mày ngắt lời. - Bác còn nói nữa là con nghỉ luôn đấy.

- Con lớn rồi, giờ cũng cần thêm tiền chứ. Bác đâu có cho không con, đó là số tiền con tự tay kiếm được.

Cô vẫn lắc đầu quầy quậy:

- Con vẫn là học viên của bác thôi, con giỏi hơn các anh đâu có nghĩa con thành huấn luyện viên. Bác còn phải chi trả cả đống chi phí, lương hưu thì đáng bao nhiêu… Với cả ông bà ngoại ở quê vẫn gửi tiền cho con mà.

- Ông bà làm ruộng thì lấy đâu ra nhiều tiền mà gửi? Thôi nào, bác đâu có nghèo…

- Vậy bác lấy tiền mà mua áo mới. - Cô chỉ vào vết trầy trên vai áo ông, nhoẻn cười. - Bác trừ lương vào tiền học của con suốt mấy năm qua đi.

- Trúc!

- Con về đây kẻo muộn.

Trước khi ông kịp nói gì thêm, cô nhanh chóng cầm đôi giày mới chạy đi. Ông Lê nhìn theo bóng cô trò cưng khẽ lắc đầu, ánh mắt vừa yêu thương vừa xót xa.

……

Trúc guồng chân đạp xe, lòng cầu mong mình không bị muộn. Lưng áo, đầu tóc cô vẫn còn ướt sũng mồ hôi. Dù có đi bất cứ đâu cô đều mặc đồng phục, đơn giản bởi đây là bộ đồ duy nhất của cô ngoài quần áo ngủ.

Cô phanh kít trước một quán cơm bình dân đang khép hờ cửa. Bên trong nhân viên chạy qua lại dọn dẹp, sắp xếp chuẩn bị cho đợt khách tối.

- Con kia, sao giờ này mày mới tới? - Bà chủ quán to béo chống nạnh quát lên.

- Cháu xin lỗi. - Trúc gãi đầu cười trừ, mắt kín đáo liếc đồng hồ trên tường. Cô chỉ chậm năm phút.

- Xin cái *** tao nè, chỉ giỏi ăn cắp ăn bớt. Ăn thì *** ai bằng nhưng làm thì nhác, mày xem còn việc *** gì không hay tao làm hết rồi.

- Được rồi ma ma tổng quản, cháu vào làm ngay đây.

Đáp vài câu quấy quá, Trúc lủi nhanh vào bếp, khoác lên cái áo bông cũ và tạp dề để tránh dây bẩn chiếc áo trắng rồi xông xáo rửa núi bát đĩa từ lượt khách buổi trưa. Xung quanh cô, mấy người khác đang mau mắn sơ chế rau củ thịt cá. Một cô gái tầm hai lăm, hai sáu lân la bưng rổ rau tới sát bên, vừa nhặt vừa nói vẻ ái ngại:

- Mày nhịn giỏi thật đấy, ngày nào cũng bị bà ấy mạt sát như thế mà vẫn im.

- Sao đâu chị? - Trúc nhoẻn miệng cười. - Vài câu chửi ảnh hưởng gì, mình bỏ ngoài tai là xong.

- Tao chịu mày đấy.

- Nghe chửi không chết đâu, đói mới chết. - Cô chép miệng. - Dù sao cũng có mỗi bà ấy chịu nhận em chứ người ta nhìn bộ đồng phục của em đã đuổi như đuổi tà. Với cả làm có mấy tiếng mà được ăn uống thoải mái…

- Nhưng bà ấy có trả lương cho mày đâu.

- Em thấy vậy là được rồi.

Nơi Trúc làm thêm tuy chỉ là quán cơm bình dân nhưng khá nổi tiếng. Quán có hơn chục bàn đôi mà trưa cũng như tối luôn kín khách nên bà chủ phải thuê tới ba người giúp còn bà ta lo nấu nướng và ông chồng phụ trách thu tiền. Nguồn cơn của việc Trúc có mặt ở đây là hai năm trước, cô đi ngang qua thấy biển tuyển nhân viên bán thời gian buổi tối nên đã đánh liều xin vào làm. Thoạt tiên nhìn cô nhóc trong bộ đồng phục học sinh, bà ta đã toan từ chối nhưng khi nghe cô trình bày rằng không đòi lương mà chỉ cần một bữa tối thì xiêu lòng. Từ đó đến nay, Trúc luôn làm tại quán từ bốn rưỡi chiều đến hơn chín giờ tối mỗi ngày, bảy ngày một tuần.

Đúng như quy trình điển hình ở phần lớn quán cơm bình dân, khách đến đây phải tự gọi đồ tại quầy, tự bưng ra bàn nên công việc của Trúc là xếp xe khi khách đến, thu dọn, lau bàn sau khi khách ăn xong và tranh thủ rửa bát. Cứ thế cho tới tầm chín giờ tối cô mới được nghỉ tay ăn cơm. Do không có lương nên trừ ra những món đắt tiền như tôm hay mực, cô được phép ăn uống thoải mái. Và với một người “dạ dày không đáy” như Trúc thì như vậy là quá đủ.

- Mày bớt vận động đi thì không phải ăn nhiều thế nữa đâu. - Bà chủ chép miệng khi cô xới bát ô tô cơm thứ ba.

- Cháu mà bớt thì ai bảo vệ cửa hàng? - Cô cười hì hì. - Trả tiền bảo kê đắt hơn tiền cơm cháu ăn đấy ma ma ơi.

- Tiên sư bố con mất dạy. Thời buổi giờ đừng tưởng có cái nắm đấm là oai. - Bà ta bĩu môi. - Mày thử ra ngoài xem có kiếm nổi miếng ăn không hay lại chỉ có đàn đúm với đám ma cô rồi có ngày rục xương trong tù.

- Cháu mà ra ngoài làm bảo kê thì sẽ đến hàng này quậy đầu tiên. - Cô lè lưỡi.

Lần này bà chủ chỉ nguýt dài chứ không dám nói gì thêm. Công bằng thì Trúc rất được việc. Một mình cô năng suất bằng hai người khác, lại không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào ngoài một bữa tối no bụng. Đó là còn chưa kể tới mấy vụ ẩu đả “ra tấm ra món” làm đám bảo kê không còn dám ho he tìm bà gây rối. Thời buổi này kiếm đâu ra được nhân viên như vậy nữa? Nghĩ tới đó, bà liền chép miệng:

- Thịt bò hôm nay ế quá, mày ăn nốt đi không mai cũng chả bán được.

Dĩ nhiên cô chẳng khách sáo, đưa đũa lùa nốt đĩa thịt về bát. Mấy nhân viên khác chỉ tủm tỉm cười. Tất cả đều coi cô nhóc con to xác, hồn nhiên này như em gái mình, họ chỉ không hiểu lý do tại sao một cô bé còn đi học lại phải làm việc bán mạng mỗi ngày, chịu đủ mọi lời nhiếc móc, róc rỉa chỉ vì miếng ăn đơn sơ như vậy.

……

Trúc thường về nhà vào khoảng mười giờ kém hai mươi, vừa kịp tắm rửa, giặt giũ bộ đồ bẩn và đi ngủ lúc mười giờ để có thể đảm bảo giấc ngủ ít nhất hơn sáu tiếng. Cô luôn dậy đúng bốn rưỡi sáng, vệ sinh cá nhân rồi mặc nguyên đồ ngủ, đeo tạ lên người ra đường chạy hai mươi cây, về nhà tiếp tục nhảy dây và chống đẩy. Sau khi hoàn tất bài tập, cô mới thay đồ, tắm rửa và đến trường.

- Tại sao mày cứ phải hành xác như thế? - Đan từng cảm thán thốt lên. - Con gái con đứa mà tay chân rắn đanh, tập đến sắt hết cả người lại.

- Nếu mày là tao, giữa chết và tập thì mày chọn cái gì? - Cô cười.

………………

Trúc biết mình đang nằm mơ nhưng lại không thể tỉnh. Một gương mặt mờ mờ quen thuộc lúc gần lúc xa xoay quanh cô. Đã nhiều năm trôi qua, cô đã thay đổi rất nhiều so với con bé con mười một tuổi năm ấy, chỉ có những ký ức là không bao giờ phai mờ. Những giấc mơ là cây cầu duy nhất giúp cô nối thực tại với quá khứ.

- Trúc ơi, mẹ xin lỗi, mẹ không thể chịu nổi nữa.

- Mẹ… mẹ đừng đi… con xin mẹ…

- Mẹ xin lỗi, tự chăm sóc mình con nhé…

- MẸ!


Trúc hét lên, bật dậy, mồ hôi ướt sũng. Cô ngẩng đầu nhìn trần nhà rồi ôm lấy đầu gối khóc nức nở. Một cảm giác có lỗi vô lý cứ dấy mãi trong lòng.

“Nếu con mạnh mẽ sớm hơn thì mẹ có bỏ con đi như vậy không?”

……

- Sao mày không dọn đi, để thế mà sống được à? - Người đàn ông khật khưỡng nói với Trúc, tay bịt mũi, mặt nhăn nhó cố hít thở trong bầu không khí đậm mùi xú uế. Trái với vẻ thoải mái của cô, ông ta như con cá bị quẳng lên cạn.

- Nhờ phước ông cả thôi. - Cô cười khẩy. - Dọn làm *** gì mấy bữa nữa lại như cũ.

- Đồ con gái dơ dáy.

- Thích ứng cuộc sống mà, ở với thứ bẩn thỉu thì sạch sẽ làm *** cho thiệt thân.

Ông ta theo phản xạ bật dậy, vung tay. Phía đối diện Trúc đã thủ thế.

- Lâu không ăn đòn lại nhớ phải không? - Cô khịt mũi.

Người đàn ông kia không nói gì, ngồi phịch xuống đất. Cô nhìn ông ta tràn đầy khinh miệt:

- Đồ hèn hạ, giẻ rách.

………………

Phương ngồi quán nước cạnh cổng trường, cốc trà đá loãng thếch trên bàn còn nguyên chưa đụng vào. Ba gã xăm trổ sứt sẹo đang đứng cách đó mấy mét, đủ để hắn có thể nhìn và nghe mọi chuyện sắp diễn ra. Hắn tò mò muốn biết mặt con nợ khó đòi nhất của mình, tự hỏi loại người nào có thể thản nhiên trước mọi chiêu trò đòi nợ của hắn, nhất là kẻ đó mới mười bảy, mười tám.

Trống trường gióng lên, đám học sinh ùa ra như ong vỡ tổ. Qua mấy phút, mật độ học sinh bắt đầu vãn đi một chút thì mấy đứa đàn em kín đáo ra hiệu cho Phương. Liền sau đó, một cô nữ sinh vóc người cao ráo nổi bật nhưng gương mặt nhợt nhạt không chút phấn son, tóc buộc đuôi ngựa lững thững bước ra. Cô nàng nhìn thấy ba gã xăm trổ vẫn bình tĩnh tiến đến như thể đã biết trước. Phương bỗng giật mình, nhìn trân trân vào cô gái không sao rời mắt.

- *** con chó kia, trả tiền cho bố mày đi. - Mấy gã đòi nợ thuê la ó.

- Ấy ấy, mấy anh giai từ từ. - Cô gái bỗng cười, giơ tay. - Đợi tôi mấy phút nhé, mấy phút thôi.

- Gì hả? - Một gã hất hàm.

- Đừng đi đâu cả, đợi tôi xíu.

Cô gái chạy vào trường rồi đúng hai phút sau quay lại cùng mấy học sinh khác.

- Mấy anh tìm tôi có việc gì vậy?

- *** con *** đừng làm trò nữa, về bảo bố mày trả nợ đi. *** biết vay mà *** biết trả à? - Một gã mở máy, tuôn một tràng những câu tục tĩu.

Cô gái kia quay qua mấy người bạn đang ngơ ngác, cười tươi:

- Thấy chưa, lớp trưởng, bí thư ơi, tao đã bảo rồi mà. Ông già tao nợ đầm đìa như chúa chổm, người ta đến tận trường đòi nợ tao kia kìa, tao có điêu đâu. Tiền học tao còn cố được chứ tiền quỹ lớp để chụp kỷ yếu, đi chơi này nọ tao lấy *** đâu ra?

- …

- Mắt thấy tai nghe rồi thì từ giờ đừng hỏi tao tiền nữa nhé, cứ coi như tao không tồn tại trong lớp đi. Tao chả tham gia hoạt động gì đâu.

Nói xong cô nàng lại quay ra đám ma cô, giọng phân trần:

- Các anh muốn chửi thì đi theo tôi mà chửi được không? Tôi còn nhiều việc lắm, không đứng lại nghe được đâu.

- Mày có tin tao ném…

- Tất nhiên tin. - Cô khoát tay. - Cửa nhà tôi vẫn nguyên cứt, dầu luyn với mắm tôm các anh ném từ mấy lần trước đấy, các anh tới ném tiếp đi, cho hàng xóm biến hẳn luôn. Họ phải đi thuê nhà bên ngoài mấy tuần nay rồi.

Nếu Phương không ra hiệu thì mấy gã ma cô đã xông tới đánh cô gái. Chúng hậm hực buông thêm mấy câu chửi rồi bỏ mặc cô nàng cùng đám bạn giải tán.

- Sao sếp không cho em đánh nó? Em biết kiềm chế mà, cùng lắm lên đồn ngồi mấy hôm thôi, em nhịn nó lắm rồi, con ranh bố láo bố toét.

- Tao không lo cho nó. - Phương chậm rãi nói. - Tao lo cho chúng mày đấy.

- Gì ạ?

- Mày thử đụng vào nó xem, ba cái xác khô này nó đánh cho bò lê bò càng ra thì nhục cả tao.

Mấy thằng mặt nhăn nhúm như nuốt phải kí-ninh:

- Sếp cứ đùa…

Phương không thèm trả lời, quay qua bà bán nước, nhỏ nhẹ hỏi:

- Bác biết con bé đấy không ạ?

- Ôi dào, ai lạ gì nó. - Bà ta phẩy phẩy chiếc quạt. - Năm ngoái nó vung tay mấy cái mà hai thằng cao to bằng mấy chúng mày nằm lăn quay đi cấp cứu, nhập viện cả tuần.

- …

Phương trả tiền nước, không nói không rằng cùng mấy thằng đàn em trở về văn phòng.

Chương sau >>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Chương 5.



Vài ngày sau, Thắng đến, tay cầm một xấp giấy tờ.

- Em điều tra kỹ rồi ạ.

Phương tự tay rót chén trà đẩy về phía gã rồi ngả người vào ghế, sẵn sàng lắng nghe.

- Con bé tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Trúc, bố là Nguyễn Văn Tân, mẹ là Đinh Thu Quỳnh. Lão Tân đấy nhìn giẻ rách thế mà từng là đặc công đấy anh…

Hắn tiếp nhận thông tin này với vẻ mặt không quá ngạc nhiên, chỉ ra hiệu cho Thắng nói tiếp.

- Bố lão Tân, tức ông nội con Trúc ngày xưa là đại tá quân đội, hai vợ chồng chỉ có mình lão. Lão Tân được cái cao to, sức khỏe cực tốt, thêm gốc con nhà nòi nên ngày trẻ đi bộ đội được tuyển vào đặc công, cũng có vài thành tích nho nhỏ. Nhưng về sau lão bập vào cờ bạc, rượu chè, bản tính lại quá hung hãn nên bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành. Từ đó lão ở nhà chả làm ăn gì, chỉ lê la chơi bời qua ngày, khi nào hết tiền thì lại về nã ông bà già và vợ. Ông bà già lão mất khá lâu rồi…

- Còn vợ?

- Lão Tân tính tình hung bạo, thường xuyên bạo hành vợ con nên bà vợ chịu không nổi, năm năm trước đã tự tử ngay trong nhà. Thấy bảo là con Trúc đi học về thì mẹ đã treo cổ chết từ bao giờ, chính nó là người hạ mẹ xuống. Từ đấy, mọi đòn thù của lão già đều trút xuống con bé. Chuyện nó bị bố đánh nằm viện ngày xưa là như cơm bữa, nó còn sống đến bây giờ cũng là rất may mắn.

- …

- Anh nhớ ông Nguyễn Lê không ạ? - Thắng vừa nói vừa chìa cho Phương một tờ giấy đã khá cũ.

- Lâu quá rồi sao nhớ được? - Hắn nhìn ngày tháng trên tờ giấy, lắc đầu.

- Ông ấy là thủ trưởng cũ của lão Tân, cũng chính là người đã tố cáo khiến lão bị tước quân tịch, chắc cảm thấy có lỗi nên giúp đỡ mẹ con Trúc khá nhiều. Ông ấy về hưu thì mở một lò võ nhỏ, chuyên đào tạo võ thực chiến dựa trên kỹ thuật của đặc công. Ngay sau khi bà Quỳnh mất, ông ấy đã nhận Trúc vào đào tạo. Em lân la ra quán nước gần đó thì được nghe kể là ông Lê không có con gái nên coi con Trúc như con, ông ấy đào tạo nó rất kỹ. Được cái con bé cũng rất tài năng, nó là học trò cưng nhất của ông Lê.

- Anh nói có sai đâu, mấy đứa lâu nhâu của mình đánh sao nổi nó?

- Đúng thế ạ. - Thắng hơi nhăn mặt. - Đám võ sinh nhà ông Lê nể nó lắm, bảo con gái tuổi còn trẻ mà vô cùng chịu khó. Thật ra, mục đích đào tạo ban đầu của ông Lê đơn giản là để Trúc tự vệ chứ không có ngày lão Tân sẽ đánh chết nó.

- Lắm chuyện. Ông ấy chỉ cần báo công an bắt thằng cha kia đi tù là xong chứ gì?

- Anh biết lão Tân đấy, dạng Chí Phèo của xóm nên chẳng một ai muốn dây, kể cả công an khu vực. Con Trúc thì không dám tố cáo bố vì sợ bố đi tù thì nó sẽ bị cưỡng chế vào trung tâm bảo trợ hay phải về quê với ông bà ngoại. Nó dứt khoát không đi đâu, kêu thà chết trong nhà mình còn hơn sống ở nhà khác, công nhận là cứng đầu kinh khủng. Nhưng sau khoảng ba năm theo ông Lê tập võ, nó đã tự vệ được, và giờ thì đánh lại bố rồi. Một phần cũng vì lão rượu chè bê tha nên thể lực mấy năm nay sa sút kha khá.

- Nó lấy tiền đâu mà sống?

- Ông bà ngoại nó mỗi tháng gửi cho năm trăm, một triệu, tuỳ vào mức thu nhập. Hai ông bà làm ruộng, thu nhập bấp bênh, lại ở nhà con trai cả nên muốn cho cháu ngoại nhiều hơn cũng không được.

- Năm trăm, một triệu mỗi tháng thời buổi này? - Phương thốt lên.

- Vâng, thế mà nó vẫn sống được mới tài. Nó dùng tiền đó trả tiền điện nước, đóng tiền học ở trường và mua đồ ăn. Nó ăn ở nhà có bữa trưa, tối đi làm thêm ở một quán cơm và ăn luôn ở đó.

Phương huýt một tiếng sáo.

- Ok, biết thế, nhưng còn khoản nợ tính sao? Không đòi được con Trúc thì tới siết nhà đi chứ lằng nhằng gì?

- À, như em nói đợt trước rồi anh. Căn tập thể đấy vốn là nhà được phân của ông nội Trúc. Vì biết tính con trai nên trước lúc mất ông bà có viết di chúc để lại cho đứa cháu nội duy nhất, chú thích rất rõ ràng là bố mẹ con bé không được phép bán, chỉ được ở đó chăm sóc nó tới khi nó đủ mười tám thì sổ đỏ sẽ sang tên cho nó. Toàn bộ giấy tờ ông Lê giữ, chính ông ấy cũng là người làm chứng di chúc. Lão Tân tìm đủ cách rồi nhưng không bán được nhà, mà tình hình là chỉ một, hai tháng nữa, Trúc đủ mười tám, chắc chắn nó sẽ đuổi bố đi, lúc đó lão trên răng dưới dép, một xu chắc mình cũng không đòi được.

- Thế sao mày lại cho vay?

- Em xin lỗi… - Thắng gãi đầu. - Lão đưa cho em bản photo hộ khẩu với sổ đỏ, thấy lão có tên trong hộ khẩu, ông bà già lẫn vợ chết rồi nên em nghĩ căn hộ mặc nhiên của lão…

Phương ngả lưng vào ghế, nhíu mày suy nghĩ, tính toán các phương án khả dĩ nhất. Cuối cùng hắn ngồi thẳng dậy, ra lệnh chắc nịch:

- Mai qua nhà lão Tân.

……

Phương theo chân đám đàn em đi vào một khu tập thể cũ. Toà nhà năm tầng, bề mặt vôi ve tróc lở toát lên sự lụp xụp, cũ kỹ. Những chiếc chuồng cọp nhấp nhô vươn ra ngoài không theo bất kỳ quy chuẩn kiến trúc nào tựa như mụn trứng cá trên mặt thiếu niên giai đoạn dậy thì. Cầu thang rộng chưa tới hai mét với gờ giữa để dắt xe, tối đen và ẩm thấp dù đang là ban ngày.

- Nhà lão Tân trên tầng hai anh ạ.

Chẳng cần ai giới thiệu Phương cũng biết. Từ chân cầu thang, mùi xú uế nồng nặc đã chọc thẳng vào khứu giác hắn. Cánh cửa phun sơn chằng chịt, các vết dầu, phân và mắm tôm trộn lẫn dính két ở cửa và bờ tường.

Đám đàn em đạp cửa xông vào. Theo lẽ thông thường, mỗi khi tới nhà con nợ cứng đầu, chúng sẽ lập tức đập phá mọi thứ tan hoang để thị uy.

Đây là trường hợp ngoại lệ đầu tiên.

Phương cố giấu vẻ ngạc nhiên trước không gian trống hoác, tuyệt không có một thứ nội thất hay đồ đạc gì. Căn nhà khoảng bốn mươi mét bao gồm cả phần cơi nới ngoài giấy tờ, và tất cả những gì hắn nhìn thấy là một chiếc xe đạp rách nát tròng mấy vòng xích sắt qua chấn song cửa sổ, khoá lại bằng khoá chống cắt, một dây phơi phơi hai bộ đồ, một bếp ga cá nhân, một túi gạo, một cái nồi và vài cái bát sứt. Xa xa trong góc tường treo hai chiếc áo khoác cũ sờn để dành cho mùa đông. Hắn vừa nhìn ngó xung quanh vừa thầm rủa xả Thắng đã bất cẩn cho một gã mạt hạng vay tiền để rồi bị sa lầy thảm hại thế này.

- Dậy, dậy đi thằng già. - Thắng đạp vào thân hình cao to đang nằm bất động giữa nhà.

Ông Tân còn ú ớ chưa tỉnh thì có tiếng chân người, Phương quay ra, vừa vặn bắt gặp Trúc mặc đồng phục đeo balo lách qua cửa. Thấy đám đầu trâu mặt ngựa lố nhố trong nhà, cô bình thản gật đầu rồi đi thẳng tới bếp vo gạo chuẩn bị thổi cơm.

- Này con ranh… - Một thằng lớn tiếng.

- Này nọ gì? - Trúc vẫn tiếp tục chăm chú nhặt sạn, đầu không ngoảnh lại. - Qua đòi tiền lão già đúng không? Cứ tự nhiên, đừng đụng vào tôi là được. Tôi chẳng liên quan.

Phương bỗng nhiên thấy buồn cười. Kiểu thái độ này hắn chưa từng gặp ở bất cứ con nợ nào khác. Hắn hắng giọng:

- Trúc, em có nhận ra tôi không?

Lần này thì Trúc quay ra, mặt lộ chút ngạc nhiên vì lời nói nhã nhặn, dễ nghe hoàn toàn trái ngược với đám thu nợ ồn ào, tục tĩu thông thường. Cô nhìn Phương chăm chú rồi lắc đầu:

- Không, tôi đã gặp anh bao giờ đâu?

- Em từng cứu tôi mà? - Hắn cười. - Hôm em đánh hai thằng trấn lột trong ngõ đó.

Trúc ngớ ra mất mấy giây rồi mới ồ lên:

- Là anh à? Tôi không để ý nên không nhớ… Mà chẳng quan trọng đâu, tối hôm đấy tôi đánh nhau với lão già, sơ ý bị lão đấm bầm mắt nên bực mình đi lang thang, tìm người trút giận thôi chứ không phải tôi muốn cứu anh.

Phương hơi bất ngờ, tự hỏi sao cô nhóc con này lại thật thà đến vậy. Hắn cười to hơn:

- Sao em không tranh thủ bắt tôi đền ơn bằng việc xoá nợ?

- Vớ vẩn, tôi nợ nần gì anh? Lão già nợ anh thì tự lo mà trả. Nhưng tôi nói trước, cái nhà này ông bà di chúc lại cho tôi, các anh đừng hòng động vào. Ông ấy không có quyền bán chác gì hết.

Khi Phương nói chuyện thì đám đàn em không đứa nào dám lên tiếng xen ngang. Chúng biết rằng, sếp càng lịch sự thì hậu quả có thể càng thảm khốc hơn.

- Vậy tôi làm thế nào để thu hồi nợ đây?

- Việc của tôi chắc? - Trúc gắt lên. - Tham lam cho vay bừa bãi giờ đòi không được thì tìm tôi ăn vạ à?

- …

- Đấy, nhìn xem trong nhà còn cái gì khuân được thì khuân nốt hộ cái. Đến gương toilet lão già còn mang bán được thì anh chắc chỉ có bẩy nốt cái bồn cầu khiêng đi trừ nợ thôi.

Trúc vừa nói vừa bỏ gạo lên bếp đun rồi tiếp tục nhặt rau, thái thịt, kiên quyết không vì mớ rắc rối không phải của mình mà ảnh hưởng tới lịch sinh hoạt hàng ngày.

- Bố em đã ký giấy hiến tạng rồi. Nếu không trả được nợ, ông ấy sẽ mất thận, gan…

- Ha ha… - Cô cười phá lên, ngắt lời Phương. - Lục phủ ngũ tạng lão già nghiện ngập, dặt dẹo này còn cái gì chưa hỏng đâu. Lão tha không xin của người khác thì thôi, ai thèm ba cái thứ đồ bỏ đấy?

- Nhưng còn tay? Tay giá cao lắm.

Lần này Trúc cảnh giác hỏi lại:

- Lão nợ anh bao nhiêu, tay trả được bao nhiêu?

- Một khoản xấp xỉ năm chục triệu, vừa đúng một cánh tay.

- Tuyệt, may quá. - Cô thở phào. - May mà chỉ một chứ lỡ mà lấy cả hai thì lão thành tàn phế mất.

- Vẫn còn biết lo cho bố hả?

Trúc phì một tiếng khinh miệt rồi bỗng không kiềm chế được, văng tục:

- Thằng già chó chết, tôi *** quan tâm lão nhưng theo luật, nếu tàn phế, lão sẽ nghiễm nhiên dự phần di chúc. Tôi không chịu được chuyện đó.

- Ok tôi hiểu. - Phương nhún vai. - Khoản một coi như xong. Lát tôi sẽ đưa bố em đi để xử lý cái tay. Có khách đang giục rồi. Nhưng còn khoản thứ hai…

- Thôi thôi, giết lão đi giùm tôi rồi lấy hết tim gan phèo phổi, lấy luôn cả bộ óc chó của lão cho hết *** nợ đi. Đừng trình bày với tôi nữa. - Trúc đảo nồi cơm, giọng đầy ngao ngán.

Phương rút ra một tờ giấy chìa về phía cô, điềm đạm nói tiếp:

- Cả gốc lẫn lời là gần hai trăm triệu, do bác Lê của em đứng ra bảo lãnh. Bố em không trả thì ông bác em sẽ phải trả.

Cạch, đôi đũa trên tay Trúc rơi xuống đất. Cô quay lại, mặt tái mét:

- Đừng hòng lừa tôi. Bác Lê quá biết tính thằng già, còn lâu mới bảo lãnh cho lão.

- Vì lão doạ sẽ bán em. Khoản kia vay năm ngoái còn khoản này từ cách đây gần năm năm, tiền gốc có tầm mười triệu thôi. Lúc đó em còn nhỏ, mẹ lại mới mất nên ông Lê bất đắc dĩ phải ký. Ông ấy vẫn tin là bố em đã trả hết rồi.

Trúc cắn môi, uất ức nhìn bóng người cao lớn vẫn đang say quắc nơi xó nhà rồi xăm xăm đi tới, dùng hết lực đấm đá ông ta, mồm tuôn ra những câu chửi rủa tục tĩu nhất. Sự hung hăng của cô mất kiểm soát đến mức Phương phải ra hiệu cho đám đàn em cản lại kẻo cô đánh chết lão thì không kịp lấy cánh tay đang cần bán cho khách.

Trúc nắm chặt tay, cố ép mình phải bình tĩnh. Cô cúi đầu ngẫm nghĩ, cuối cùng lau sạch nước mắt, tiến đến trước mặt Phương. Và trước sự kinh ngạc tột bậc của mọi người xung quanh, cô quỳ mọp xuống, trán chạm đất:

- Xin anh, đừng làm phiền tới bác Lê, để tôi thay bác trả nợ cho anh.

- Em định trả thế nào? - Hắn từ trên nhìn cô, giọng đầy giễu cợt.

- Tôi sẽ làm tay chân, vệ sĩ, thu nợ hoặc bất cứ việc gì anh yêu cầu.

Hắn khoanh tay, cố ý im lặng một chút để không khí thêm phần căng thẳng, mãi sau mới nhẹ nhàng nói:

- Tôi tuyển người rất khắt khe, muốn làm cho tôi thì phải đủ năng lực.

- Được. - Trúc đứng phắt dậy, ánh mắt đầy tự tin. - Gọi bất cứ đứa đàn em nào của anh ra đây.

- Không… - Phương mỉm cười. - Chỉ cần thử với người yếu nhất thôi.

- Là ai?

- Sếp lớn luôn bị coi là yếu nhất, cần được bảo vệ còn gì?

Cả lũ nhìn nhau hoang mang, đứa nào đứa nấy tự hỏi vì sao sếp lại quyết ăn thua đủ với một con nhóc con như vậy. Hầu như ở đây chưa ai được chứng kiến sếp động thủ nhưng huyền thoại về hắn thì đều nghe ít nhiều. Phương mặc kệ đám đàn em, từ từ cởi chiếc sơ mi đưa cho Thắng, lộ ra hình xăm phượng hoàng lửa ngạo nghễ sau lưng.

- Anh xăm hình gà tây nướng à? - Trúc buột miệng và lập tức ân hận, tự rủa thói tham ăn đến ám ảnh của mình.

Nếu không vì sợ sếp, đám lâu nhâu đã phá lên cười. Ai cũng mặc định là Trúc cố tình trêu tức Phương chứ không hề cho rằng cô đã thực sự nghĩ thế. Xét cho cùng thì cô vẫn chỉ là một con nhóc mười bảy, đôi khi hồn nhiên đến ngốc nghếch.

Phương hơi khựng lại một chút rồi khẽ cười:

- Chắc tôi nên thuê em đến nện cậu thợ xăm nhỉ?

- Mà này, - Giọng Trúc ngập ngừng. - sao anh lại cởi áo ra thế? Sợ rách à?

- Cho đỡ vướng thôi. - Phương bình thản trả lời, hắn đã quen với những câu hỏi kỳ quặc của cô.

- Vậy cho tôi mượn được không? - Cô hơi xấu hổ cúi đầu. - Tôi có mỗi hai cái áo đồng phục, sợ đánh nhau với anh rách thì không có gì mặc… Đằng nào anh cũng không lo rách áo mà.

Hắn chẳng nói chẳng rằng quẳng cái áo vào tay Trúc, còn cô không cần hai lời, lủi ngay vào nhà tắm thay ra. Chiếc áo khá rộng làm cô phải xắn tay áo lên mấy gấu và buộc chặt hai vạt lại. Khi cô bước ra, tất cả đã đứng gọn một góc. May mắn là căn hộ không chia phòng, tất cả nằm trong một không gian và chẳng có đồ đạc gì nên khá rộng rãi, đủ chỗ cho một cuộc giao đấu tay đôi.

Trúc hơi hạ người xuống tấn. Tuy ngoài mặt thoải mái, cô biết đây không phải một đối thủ dễ xơi. Kinh nghiệm trận mạc của cô đủ dày dặn để “đánh hơi” ra năng lực đối thủ chỉ qua cách họ di chuyển. Vóc người Phương cân đối gọn gàng nhưng các múi cơ cuồn cuộn nổi rõ, thể hiện một chế độ luyện tập gắt gao. Vô số vết sẹo chồng chéo ngang dọc trên người hắn đủ làm những kẻ yếu bóng vía chết khiếp. Trúc không yếu bóng vía, có điều cô hiểu những vết sẹo này có ý nghĩa thế nào.

Đôi bên vờn quanh thăm dò đối phương thay vì vội vàng tấn công. Cách thủ thế hơi co người cùng bước chân linh hoạt của Phương cho cô biết hắn chuyên boxing, “môn phái” thuộc dạng khó nhằn nhất theo quan điểm của cô.

Đúng như Trúc phán đoán, hắn nhảy tới tung cú đấm bằng tay phải, cô liền nghiêng người tránh, cùng lúc co chân trái đá vào bên mạng sườn hắn. Nhưng nếu cô đã nhanh thì hắn còn nhanh hơn. Hai tay Phương túm lấy chân cô kéo mạnh, đồng thời lấy chân quét chân trụ đối phương, vật cô ra sàn. Hằn chồm tới, khoá chặt tay chân và ghè cổ cô.

Trúc bị ghì đến nghẹt thở, máu dồn lên mặt đỏ gay. Tay chân bị khoá không ngọ nguậy được, cô liền lấy hết sức bình sinh cố xoay đầu… ngoạm thẳng vào cánh tay hắn. Phương hơi lỏng tay, có lẽ vì bất ngờ, và một tích tắc đó đủ để cô xoay người, đạp hắn ra.

- Không ngờ em dùng cả chiêu này. - Hắn nhìn dấu răng rớm máu trên tay mình, lắc đầu.

- Đừng đạo đức giả. - Cô thở hồng hộc, mặt chưa hết đỏ. - Chết rồi chơi đẹp cho ai ngắm.

Rút kinh nghiệm, lần này Trúc tấn công trước. Cô dứ dứ tay rồi nhân lúc Phương sơ hở, áp sát đấm ba phát liên tiếp vào mặt hắn khiến hắn bị choáng, toàn thân hơi lảo đảo.

Nhưng ngay khoảnh khắc Trúc dồn sức cho đòn knock out thì hắn bỗng lùi lại rồi xoay người, tung cú đá vòng cung, mỉa mai thay, đây lại chính là đòn đá sở trường của cô. Gót chân hắn nện vào mạng sườn Trúc và cô còn kịp cảm thấy một tiếng “rắc” nhỏ trước khi ngã sóng soài ra đất.

- Em gãy xương sườn rồi, còn muốn đấu tiếp không? - Phương dùng tay quẹt ngang mặt, lau đi máu mũi đang ồ ạt chảy. Mặt hắn đã sưng vù, mắt tím ngắt sau mấy cú đấm từ cô.

Trúc nghiến răng bật dậy. Đã khá lâu cô không bị chấn thương nặng thế này. Cô đưa tay sờ chỗ vừa bị đá, cảm thấy may mắn là chiếc xương bị gãy không lệch khỏi vị trí, như vậy cô vẫn có thể đánh tiếp mà không sợ xương đâm vào nội tạng. Dù rất không muốn, Trúc vẫn phải thừa nhận là mình đã thừa hưởng bản năng chiến đấu của bố. Càng bị đau, cô càng say đòn và tấn công mạnh mẽ hơn. Ông Lê từng cảnh báo cô phải biết điểm dừng, biết rút lui và bỏ chạy đúng lúc để giữ mạng sống.

Nhưng giờ cô đã quên hết lời dặn của người thầy đáng kính, mọi tâm trí chỉ còn đặt lên đối thủ trước mặt. Có thể ngày hôm nay cô sẽ bị đánh chết trong nhà mình, nhưng ít nhất như thế cô sẽ được thoả mãn nguyện ước chết cùng một chỗ với mẹ.

Tuy bị gãy xương sườn nhưng Trúc biết Phương cũng đã tối tăm mặt mày vì đòn đấm liên hoàn của mình. Cô liền hét to một tiếng, tay đấm thẳng mặt đối phương và trong lúc hắn còn mải đỡ, chân phải cô vung lên nhanh như chớp thực hiện một cú đá vòng cầu ngược ngang cổ hắn. Nếu trúng đòn này, chắc chắn Phương sẽ gãy cổ, nhưng hắn đã may mắn kịp nghiêng người tránh trong đường tơ kẽ tóc, khiến gót chân cô chỉ đập vào xương quai xanh. Trúc dám cá mười ăn một là khúc xương đó cũng đã chịu chung số phận với dẻ xương sườn của cô.

Đáng tiếc, cô còn chưa kịp hạ chân thì một cú đấm móc hàm đã knock-out cô bật ngửa ra sàn. Trúc nằm thẳng băng, tay chân xụi lơ không thể ngọ nguậy.

Phương ôm vai từ từ đứng dậy, bóng hắn đổ dài, phủ kín người cô. Nằm dưới đất trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, Trúc không sao nhìn rõ khuôn mặt ngược sáng ngay phía trên mình, chỉ có tiếng nói trầm ấm là vẫn rõ mồn một.

- Tôi không cần thứ vô dụng. Nếu không muốn ông Lê phải gánh nợ thì em lo sang tên nhà đi là vừa.

Chương sau >>
 

Ai_Sherry

Gà cận
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
☆☆☆
Tham gia
11/8/15
Bài viết
692
Gạo
9.320,0
Chương 6.



Khi Trúc bò được dậy thì đám thu nợ đã rời đi cùng ông Tân từ lâu. Cô cố nhớ lại tên anh chàng đại ca có hình xăm “gà tây nướng” mà không sao nghĩ ra. Hình như anh ta chưa từng giới thiệu về bản thân.

Trong nhà chẳng có lấy một chiếc gương nhưng cô biết hiện trông mình thật sự rất kinh khủng. Mặt dính bết máu, mạng sườn đau như bị liên tục thúc từng cú mạnh, toàn thân bầm tím. Trúc nén đau, chậm rãi đi vào nhà tắm. Cô vã nước rửa qua mặt mũi tay chân, thay lại chiếc áo đồng phục rồi quay ra bếp, xúc một tô cơm đầy.

“Dù trời có sập thì cũng vẫn phải ăn no khi còn có thể” là quan điểm bất di bất dịch của cô.

Trúc tới phòng tập trễ gần một tiếng so với bình thường. Ngay khi cô xuất hiện, tất cả liền nhốn nháo.

- Em bị bao nhiêu thằng đánh hội đồng vậy Trúc?

- Đứa nào đánh em đến mức này, nói đi để anh em đi xử chúng nó.

Thấy bộ dạng rách nát của cô, ông Lê không hỏi han gì nhiều, chỉ lặng lẽ giúp cô chườm các chỗ sưng, sát trùng mấy vết thương hở. Có nhiều kinh nghiệm điều trị chấn thương, ông chỉ khám ngoài là nắm được tình trạng rạn xương của Trúc mà không cần chụp chiếu. Ông bôi lên chỗ rạn một lớp cao dày rồi băng cố định lại.

- Nhớ chườm đá liên tục. Ba ngày qua đây thay băng một lần, lát bác đưa thuốc cho về mà sắc. Chịu khó uống đều cho nhanh khỏi.

- Vâng ạ.

- Đánh được con thế này thì cũng là quái vật chứ không phải người thường đâu.

- …

- Có muốn kể cho bác vì sao không?

- Không có gì đâu ạ, tại con dở thôi. - Cô gượng cười, nụ cười méo mó do mặt sưng húp. - Bác cho con thêm ít cao và ba thang thuốc nữa được không ạ?

- Xem ra không chỉ một người bị đau rồi. - Ông Lê tủm tỉm.

………………

- Mày biến đi cho tao, nhìn cái mặt thế kia khách nào dám ngồi ăn? - Bà chủ quán tru tréo ngay khi cô bước chân vào tiệm. - Tao đã nói rồi, hay ho *** gì cái trò đấm đá, thôi xéo ngay, đừng đứng đấy ngứa mắt lắm.

- Thôi mà ma ma, cho cháu làm tiếp đi. Nhìn cháu vậy thôi chứ chỉ trầy xước tí bên ngoài ấy mà. - Cô nài nỉ.

- Đừng nhiều lời, tao bảo phắn là phắn, lèo nhèo là tao đuổi luôn đấy.

Vừa lúc đó, Ngần, cô bạn thân nhất với Trúc ở quán tiến lại, nhỏ nhẹ nói:

- Cô cho nó làm đi, cháu sắp đến ngày, đau bụng khó chịu lắm, có nó đỡ cho thì tốt hơn ạ.

- Á à, chúng mày định phản tao à? Tao…

- Cô biết cháu rồi đấy, có bao giờ lười hay trốn việc đâu nhưng người mệt thì biết làm sao, muốn cố cũng chịu. - Ngần vẫn kiên quyết nói.

Bà chủ quán khựng lại một chút trước vẻ tha thiết của Trúc và ánh mắt cương quyết của Ngần. Dù mồm miệng nanh nọc, chua ngoa, bà thừa hiểu đạo lý “già néo đứt dây”. Lương bà trả ở đây không phải cao, công việc lại nặng, bà có thể bắt nạt con nhóc học sinh cấp ba là Trúc chứ với người trưởng thành khôn ngoan như Ngần, ép cô không phải dễ. Nếu làm quá, cô sẽ có thể kéo Trúc đi xin việc nhà khác là bà mất hai nhân viên chăm chỉ, biết điều, những phẩm chất rất khó kiếm trong thời buổi hiện nay.

- Thôi tuỳ chúng mày. - Cuối cùng bà lầu bầu. - Tự sắp xếp giao việc cho nhau. Con kia gãy xương đừng có dắt xe bưng bê gì nữa, lỡ làm sao thì nhà tao phải vạ.

- Vâng ạ. - Trúc cười tươi rồi theo phản xạ sờ lên mặt vì sợ vết rách lại bung ra.

- Kiếp trước tao gây tội nghiệt gì mà kiếp này khổ đủ đường, cứ như mắc nợ mấy con ranh chúng mày…

Ngần vội đưa Trúc vào trong, tránh đi mấy lời càm ràm khó nghe.

- Cám ơn chị. - Cô xúc động nói.

- Đừng có nhún quá bà ấy được thể. - Ngần chép miệng. - Mày phải có cái giá của mày, hiểu chưa?

- Vâng.

- Ra rửa bát đi, hôm nay không làm gì ngoài rửa và lau bát. - Cô nhìn quanh, mấy nhân viên khác liền gật đầu đồng tình, nhao nhao theo. - Cứ làm tí việc nhẹ nhàng thôi, còn để các anh chị đỡ cho.

Trúc bỗng thấy mắt cay cay. Số phận không cho cô một gia đình toàn vẹn nhưng cô vẫn tìm được sự quan tâm ấm áp vào những thời điểm khó khăn nhất. Đồng môn ở võ đường hay “đồng nghiệp” ở quán ăn chẳng phải những người anh, người chị của cô hay sao? Trong một chừng mực nào đó, Trúc vẫn cho là mình may mắn hơn nhiều người ngoài kia.

………………

Phương uống hai viên giảm đau rồi dằn cốc nước xuống bàn, cố nén lại bực bội. Mặt hắn vẫn còn tím ngắt, hai mắt sưng húp, toàn thân đau nhức, vai đeo băng thun cố định. Nếu không nhờ đống thuốc giảm đau, hẳn hắn đã mất ngủ cả đêm. Phương không ngạc nhiên về năng lực của Trúc nhưng sự liều mạng của cô thì ngoài dự liệu. Hắn buộc lòng cay đắng thừa nhận việc knock out được cô phút cuối phần nhiều là nhờ may mắn. Hôm qua, sau khi gượng đứng dậy sau trận đấu và ra khỏi cửa, hắn đã sụp xuống và Thắng phải dìu hắn vào thẳng bệnh viện.

Tiếng gõ cửa bỗng rụt rè vang lên.

Phương hơi ngạc nhiên thấy người mình đang nghĩ đến lò dò bước vào, tay xách nách mang. Nhìn tình trạng của cô có vẻ cũng không khá hơn hắn là mấy.

- Sao em tìm được tôi?

- Anh không biết mình nổi tiếng thế nào sao? - Trúc cười. - Cứ túm bừa một thằng trong mấy hội ba cây, xóc đĩa của lão già là hỏi được ngay.

- Em qua có việc gì?

Phương hỏi rồi bỗng cảm thấy mình hơi gắt gỏng, điều khá hiếm hoi ở hắn. Bình thường trong hoàn cảnh nào hắn cũng đều rất nhã nhặn. Nhưng dường như Trúc không để ý, cô lúi húi lục balo lấy ra chiếc áo sơ mi gấp gọn gàng, dùng hai tay đưa cho hắn.

- Tôi qua trả áo cho anh. Tôi đã giặt sạch sẽ, hơi nhàu tí xíu vì nhà không có bàn là, anh thông cảm nhé.

Trước khi Phương kịp trả lời, cô tiếp tục đặt lên bàn một chiếc nồi chằng buộc bằng nhiều lớp túi nilon.

- Cái gì đấy?

- Thuốc liền xương. Tôi sắc sẵn rồi, anh uống luôn cho nóng. Một thang uống ba ngày, phải uống tổng cộng ba thang, tôi sẽ sắc và mang qua cho anh.

- Khỏi. - Phương gạt tay. - Đừng mất công làm việc bao đồng.

- Tuỳ anh thôi, đây là bài thuốc bí truyền của người dân tộc bác Lê học được hồi hoạt động ở mấy tỉnh miền núi. - Trúc nhún vai. - Chắc bác sĩ cũng nói vết rạn xương của anh phải sáu tuần tới hai tháng mới khỏi đúng không? Uống thuốc này và bó cao thì chỉ mười ngày là khỏi hẳn, không để lại di chứng gì.

- …

- Cường độ huấn luyện của bác Lê như thế, nếu không có những phương pháp đặc trị thì bọn tôi có mà gục hết vì chấn thương lâu rồi.

Tới đây thì Phương chịu thua. Đúng là hắn đang rầu rĩ vì bị bác sĩ bắt tĩnh dưỡng ít nhất một tháng. Thôi thì cũng chẳng mất gì. Thấy hắn im lặng, Trúc biết mình đã thắng, liền mau mắn lấy ra cái bát rót đầy thuốc vào. Phương ngán ngẩm nhìn cái nồi cháy, đống túi nilon cũ nhàu nhĩ và cái bát mẻ đựng thứ chất lỏng đen xì toả ra mùi hăng hắc.

- Em có lòng mang thuốc cho tôi sao không bỏ vào bình giữ nhiệt cho nó thẩm mỹ?

- Ừm… anh biết nhà tôi mà, bất cứ cái gì bán được đều chẳng thọ quá một ngày đâu.

Chờ Phương uống xong, Trúc dọn dẹp rồi lại lôi từ trong balo ra một cái lọ nhỏ và đống băng.

- Để tôi bôi cao cho. Cao này cũng do bác Lê nấu từ lá, cứ trong uống ngoài xoa, hiệu nghiệm lắm.

Hắn lẳng lặng cởi áo, mặc cho cô loay hoay tháo băng thun rồi bôi thuốc lên. Bình thường cô có vẻ cục súc nhưng động tác chăm sóc vết thương lại rất nhẹ nhàng, chuyên nghiệp, không khác gì hộ lý lành nghề.

- Tôi thường phải băng bó giúp các anh em ở phòng tập nên quen tay lắm, anh yên tâm.

- Em băng bó cho họ vì em là đứa con gái duy nhất ở đấy hay vì họ là nạn nhân của em? - Hắn khẽ cười.

- Cả hai! - Cô thản nhiên đáp.

Khi Trúc đứng sát bên, không gian bao quanh Phương bỗng tràn ngập một mùi hương, chính xác là một hỗn hợp của mùi cao, mùi thuốc, mùi xà phòng và thoảng nhẹ chút mùi mồ hôi. Phương nhắm hờ mắt. Mùi hương tự nhiên, có chút gì đó hoang dã của Trúc dễ chịu hơn rất nhiều các loại hương thơm nhân tạo hắn vẫn thường xuyên tiếp xúc.

- Xong rồi, ba hôm nữa tôi sẽ thay băng cho.

Một cảm giác hụt hẫng mơ hồ chợt xuất hiện lúc Trúc lùi ra.

Hắn mặc lại áo, nhìn chăm chú người đối diện, trầm giọng nói:

- Giờ thì em nói mục đích của mình đi. Tôi không ảo tưởng gì chuyện em quý mến tôi tới mức quan tâm thế này đâu.

- Tôi muốn đầu quân cho anh. Chỉ cần anh buông tha cho bác Lê và căn hộ của tôi, tôi sẵn sàng bán mạng vì anh.

- Em kiên định quá nhỉ?

- Anh thừa biết tôi mạnh hơn đám quân của anh mà, không tin anh cứ gọi họ ra lần lượt đấu tay đôi với tôi đi.

Một nụ cười kín đáo lướt qua môi Phương.

- Hoá ra em nghĩ công việc của chúng tôi chỉ đơn giản là dùng nắm đấm nói chuyện sao?

- …

- Phải, em rất mạnh, tôi không phản đối nhưng đó không phải thứ tôi cần.

Hắn nói rồi rút điện thoại bấm mấy cái, trên màn hình liền hiện ra một video, khung cảnh hỗn loạn với đám đông lố nhố. Ở chính giữa, một người phụ nữ tầm ngoài hai mươi một tay ôm đứa trẻ khoảng ba tuổi, một tay cầm con dao, la hét, khóc lóc om sòm.

“Các người là lũ tán tận lương tâm, loài giòi bọ hút máu. Chính các người dồn mẹ con tôi vào chỗ chết…”

Phương dừng đoạn video, chậm rãi giải thích:

- Đây là một con nợ của tôi. Chồng cô ta nợ tôi năm tỉ nhưng đã vào tù vì một tội khác. Trước khi vào tù anh ta có ký một hợp đồng mua hàng, theo tính toán ban đầu là sau khi bán hết hàng, trả nợ tôi anh ta sẽ lãi được hai tỉ. Thế nhưng do thị trường, hàng xuống giá thành ra nếu trả nợ, gia đình anh ta sẽ trắng tay. Hai vợ chồng liền lên kế hoạch là ngay khi hàng về tới nơi, cô vợ sẽ lập tức giao lại cho đại lý, lấy tiền và cùng con bỏ trốn. Họ ở nơi khác đến, nhà thuê, lô hàng đó chính là tài sản thế chấp. Nếu cô ta kịp tẩu tán số hàng rồi bỏ đi thì chắc hết đời tôi không nhìn lại được chỗ tiền của mình. Và khi Thắng đưa người tới thì cô ta la lối ăn vạ, đòi tự tử cùng con như vậy đó. Đặt em vào vị trí của Thắng, em sẽ xử lý thế nào?

Trúc cắn môi ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp cả quyết:

- Đá văng con dao của cô ta đi, giành lấy đứa bé rồi xiết hàng.

- Em nghĩ mình làm được vậy hả?

- Vâng.

Phương bỗng cười sằng sặc, bất chấp khuôn mặt sưng húp trở nên méo mó nom rất khôi hài.

- Tôi bảo em võ biền vô dụng có sai đâu nào?

- …

- Em thử đụng một ngón tay vào cô ta hay đứa bé xem, cô ả sẽ lu loa là em hành hung cô ta và bắt cóc trẻ con. Dân đứng xung quanh rất nhiều, họ sẵn sàng làm chứng và còn cả quay phim lại, em sẽ thanh minh thế nào? Kết quả, em vừa đi tù, vừa không đòi được tiền.

- Vậy thì phải làm sao? - Trúc kêu lên vẻ không phục.

- Tránh xa cô ta, đồng thời gọi 113 ngay lập tức. Cô ta sẽ bị bắt tội gây rối trật tự, thậm chí bị đưa đi giám định tâm thần vì dùng dao doạ giết con. Cô ta đi rồi, chúng ta có giấy tờ thế chấp lô hàng thì cứ ung dung mà lấy thôi.

Trúc cúi đầu im lặng, không còn gì để tranh cãi.

- Em về đi, tôi không cần một con nhóc chỉ biết gây rối.

……

Trưa hôm sau, đúng giờ Trúc lại mang thuốc tới.

- Hay anh cho tôi làm vệ sĩ đi. - Cô rụt rè nói khi Phương uống xong bát thuốc.

- Tôi cần vệ sĩ làm gì?

- Lỡ có ngày anh bị quây đánh thì sao? Anh khoẻ cỡ nào cũng chẳng đánh nổi mười thằng, ít nhất lúc đó tôi có thể cầm chân bọn nó cho anh chạy thoát.

- Quân của tôi rất đông, tôi chưa thảm hại đến nỗi phải thuê một con nhóc làm vệ sĩ.

- …

Cứ như vậy, ngày nào đến đưa thuốc hay thay băng, Trúc cũng đều tìm cách thuyết phục Phương nhận mình vào làm, mặc cho câu trả lời luôn là không.

Cho tới một tuần sau đó, Nam, một trong những tay chân thân cận của Phương đang lững thững đi trên đường thì bỗng có người vỗ vai. Gã giật mình quay lại, lập tức đối diện với một gương mặt tươi cười.

- Có việc gì không?

- Tôi muốn hỏi anh mấy chuyện. - Trúc thân thiện nói.

Ngày tiếp theo, cô tới văn phòng công ty Phương sớm hơn thường lệ. Thay vì chỉ mang nồi thuốc như mọi lần, cô lỉnh kỉnh xách theo mấy chiếc hộp nhựa lớn, mùi thơm toả ra rất hấp dẫn.

- Hôm nay em được nghỉ à?

- Tôi trốn tiết. - Cô tỉnh bơ đáp.

- Để làm gì?

- Mang đồ cho anh kịp ăn trưa.

Cô mở hộp, bày ra bàn vịt om sấu, bún cùng rau thơm các loại.

- Em lại tính làm gì đây? Tôi đã nói là sẽ không nhận em đâu, đừng phí công nịnh bợ nữa.

- Thì anh cứ ăn thử đi đã, mất công tôi mang tới rồi.

Phương miễn cưỡng cầm đũa lên nhưng ngay sau miếng đầu tiên thì hắn không khách sáo nữa. Món vịt của Trúc mềm tan trong miệng, vị chua cay mặn ngọt đều rất hài hoà. Loáng cái hắn đã ăn hết hai phần ba hộp.

- Ngon không? - Cô cười khúc khích.

- Tàm tạm. - Hắn nhún vai. - Giờ nói xem em muốn gì?

- Anh thuê tôi nấu cơm đi. Hàng ngày tôi sẽ làm cho anh hai bữa, đảm bảo ngon miệng.

- …

- Tôi không chỉ khoẻ đâu, tôi còn nấu ăn ngon nữa. Ước mơ của tôi là thành đầu bếp nên mấy năm nay đi làm ở quán cơm, tôi luôn để ý học hỏi bà chủ. Anh không cần tôi mấy vụ đánh đấm thì cho tôi làm hậu cần được không?

Phương chưa trả lời ngay mà lặng lẽ gắp thêm một miếng thịt, ăn xong hắn mới hỏi lại:

- Vì đâu mà có ý tưởng này?

Trúc khẽ cười.

……

Nam theo phản xạ hơi lùi lại. Gã đã tận mắt chứng kiến màn “long tranh hổ đấu” giữa sếp và đứa con gái trước mặt, tự biết mình không nên gây sự với cô làm gì.

- Tôi có ăn thịt anh đâu, dân “thơ nụ” gì mà nhát cáy thế? - Trúc thân mật nói với anh chàng xăm trổ.

- Lỡ sếp thấy tôi đứng với cô lại tưởng dây dưa gì thì mệt lắm. - Nam nhún vai.

- Sếp anh còn bận nghỉ ngơi cho khoẻ, không rảnh lang thang ra đây đâu. - Cô nói rồi đổi sang giọng nghiêm túc. - Tôi cần hỏi anh một việc.

- Việc gì?

- Tôi muốn đầu quân cho anh Phương, làm gì cũng được nhưng ông ấy cứ dứt khoát từ chối tôi, hết chê bai võ biền đến ngu ngốc. Anh làm cho ông ấy lâu, có biết gì hay ho không, kể tôi nghe đi, biết đâu lại có ích.

- Sếp kín đáo lắm, đến thằng Thắng còn chả biết gì nhiều huống hồ là tôi. - Nam lẩm bẩm. - Không rượu chè, cờ bạc, nói chung chẳng có sở thích gì đặc biệt.

- …

- À, có hơi khó tính chuyện ăn uống một tị… - Gã chép miệng.

- Vậy hả? - Trúc sáng mắt lên.

- Ừ, bọn tôi ăn uống rất xuề xoà, bạ đâu ăn đó, chỉ cần có tí “cay cay” là xong nhưng sếp thì khó hơn, ăn uống kén chọn lắm… Nhưng như thế thì liên quan gì đến cô?

- Chưa biết được. Trong chiến tranh, tin tình báo rất quan trọng, bà giáo dạy sử của tôi bảo thế. - Cô cười bí hiểm. - Anh Phương đã có vợ chưa?

- Chưa.

- Có giúp việc không?

- Hình như không.

……

Trúc thật thà kể lại câu chuyện rồi kết luận:

- Một người khó tính chuyện ăn uống mà chưa có vợ hay giúp việc nấu nướng riêng cho, cứ cơm đường cháo chợ suốt thì chắc cũng khó chịu lắm, nên tôi nghĩ có thể mình sẽ có ích cho anh vụ này.

Phương gác đũa, thủng thẳng hỏi tiếp:

- Nhà em không có điều kiện nấu nướng, hộp nhựa, bát đũa đẹp thế này cũng không có. Em lấy đâu ra?

- Tôi mua nguyên liệu rồi qua nhà Đan xin nấu nhờ, bát đũa cũng mượn nhà nó. Đan là bạn thân tôi, tôi cứu nó khỏi mấy con ranh xấu tính bắt nạt nên bố mẹ nó quý tôi lắm. - Cô thao thao nói rồi cẩn thận bổ sung. - Nhưng đây là tôi nấu toàn bộ, không ai giúp đâu nhé.

- Được rồi, câu hỏi thứ hai: Em lấy đâu ra tiền mua đồ?

- Ừm… tôi mới nhận tiền ông bà ngoại gửi. Ông bà ngoại tháng nào cũng gửi tiền nuôi tôi.

- Nhìn cách em sống là biết ông bà gửi nhiều tiền thế nào rồi. - Phương khẽ cười. - Sao em liều vậy? Không sợ tôi từ chối tiếp thì em mất oan cả khoản tiền lớn sao?

- Tôi có nhiều thứ đáng giá hơn để mất. - Trúc buồn bã nói. - Nên kể cả chỉ là một tia hy vọng mong manh tôi cũng sẽ bám lấy.

Chương sau >>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

S.Ngư

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/8/16
Bài viết
580
Gạo
562,0
Hi hi, cám ơn em nhiều nhiều :-*. Nhưng truyện này hình tượng nhân vật khá là khác những truyện khác của chị, lỡ mà... ghét quá thì chị xin lỗi trước nhớ :">.
Ôi, không hề nhé ạ. Em không phải kiểu chỉ thích mấy hình mẫu tốt đẹp, cao thượng, đạo đức này kia đâu. Chỉ cần “hợp lý” là em thích hết. Hay là được chị ạ. Có chương mới cứ tag em nha. Hehe
 
Bên trên