Phần 3
Thành bước từng bậc cầu thang lên tầng trên của căn nhà, khi anh vịn tay vào khúc ngoặt, tiếng gỗ rít lên kẽo kẹt, nhắc nhở anh về những năm tháng đã trôi qua. Khoảng thời gian mà chiếc cầu thang, theo lẽ tự nhiên, ngay cả khi nó chỉ là một vật vô tri vô giác, in dấu. Khoảng thời gian mà đối với Kiên, chủ nhân của nó, chỉ như một đoạn của chiếc băng cát-sét được tua đi mỗi sáng anh thức dậy và tua lại mỗi đêm anh chìm vào giấc mộng. Kiên thấy gì trong những giấc mộng đó? Thành từng không kiềm được nỗi lo lắng, và có lẽ cả sự tò mò, đối với tình trạng của người bạn thuở nhỏ của mình, và gặng hỏi anh. Câu trả lời luôn luôn miêu tả cùng một mộng cảnh: “cái ngày đó” hai mươi ba năm về trước.
Kiên từng bảo, cười xòa như người ta nói về một chủ đề vặt vãnh vô nghĩa ở quán bia, rằng ngay cả khi anh thức giấc, anh có cảm giác mình vẫn còn kẹt lại trong giấc mộng đó.
Điều này khiến Thành tự hỏi, liệu đối với Kiên, cuộc đời này chỉ như một giấc mộng kinh hoàng dài đằng đẵng, không điểm bắt đầu và cũng không điểm kết thúc?
Anh không dám tưởng tượng một cuộc sống mà cho mỗi bước chân tiến lên phía trước, một bàn tay vô hình lại bám lấy, kéo mình trở về điểm xuất phát. Chỉ ý nghĩ thoáng qua về điều đó thôi đã khiến anh phát điên. Sẽ chẳng còn gì cả ngoài những vết bầm dập, tóe máu của những cú ngã, chằng chịt chồng lên nhau, vết này chưa lành những vết mới đã hằn lên.
Anh không hiểu nổi Kiên, cũng như anh không hiểu nổi chiếc cầu thang gỗ của căn nhà mặt đường hai tầng này. Anh không phải là một nhà ngoại cảm để có thể đọc được những ý niệm tồn đọng trong một vật thể. Nếu được hỏi, chắc hẳn ai cũng trả lời rằng “đọc” những suy nghĩ, cảm nhận của một con người sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng đôi lúc, sự im lặng của Kiên, sự bình thản đến lạ thường của anh còn lạnh lẽo hơn cả bức tường của căn nhà cũ kỹ không có hệ thống sưởi này vào mùa đông, và còn đáng sợ hơn cả tiếng kẽo kẹt của chiếc cầu thang gỗ dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn tuýp phản chiếu từ dưới bếp. Sự im lặng như một lời khẳng định của chính nó, rằng bất kể một câu trả lời nào cũng vô nghĩa.
“Bởi không một từ ngữ nào có thể diễn tả, và không một con người nào có thể thấu hiểu.”
Thành ước gì mình có khả năng siêu nhiên. Nếu anh có thể “nhặt” được những âm hưởng thét gào trong im lặng ấy, liệu gánh nặng trên vai Kiên có vơi đi được đôi chút?
Anh dừng bước trước ngưỡng cửa căn phòng lớn nhất của căn nhà. Kiên đang nằm trên giường, có vẻ như vừa thức dậy, nửa thân dưới vẫn phủ dưới chăn, không nhúc nhích. Mắt anh mở to, lạnh và trong như nước hồ mùa thu. Anh đang nhìn chằm chằm vào những dòng chữ được sơn màu đỏ trên khoảng trần vàng nhạt ngay phía trên giường. Một phút trôi qua trong yên lặng, dài tựa một thiên niên kỷ. Trong một phút ấy, Thành không biết được Kiên đã suy nghĩ những gì, đã cảm thấy những gì, nhưng sau đó, vô ngoại lệ, anh luôn bước xuống giường, xỏ chân vào đôi dép vải đi trong nhà với vẻ rất đỗi thản nhiên, rồi mở cánh cửa dẫn từ căn phòng lớn ra ban công. Mặt của chiếc vòng cổ, một tệp những mảnh giấy ghi nhớ hình chữ nhật nhỏ được cố định một cạnh lại với nhau, trượt khỏi vai anh, lủng lẳng đằng sau lưng.
Anh đặt cả hai tay lên những khối lập phương nhô ra trên lan can bằng gạch được xẻ rãnh theo lối kiến trúc tường răng cưa, như nâng niu, vuốt ve bờ mặt thô ráp quen thuộc của chúng. Từ trên vỉa hè nhìn lên, ngôi nhà trông như một pháo đài bị cô lập, nó cũ kỹ và thấp tẹt so với hàng loạt những căn hộ mảnh khảnh vọt lên xung quanh. Thế nhưng, chiễm chệ trên khu phố mà cả người lẫn vật đều đổi thay một cách chóng mặt này, tàn tích của một thời đại đã qua ấy đem lại một cảm giác vững chắc lạ kỳ. Ít nhất, đối với Kiên, ngôi nhà là bờ neo duy nhất giữa dòng chảy vô tận, xiết trôi một cách tàn nhẫn của thời gian, của những ký ức tăm tối.
Nếu một sáng, khi anh tỉnh dậy, trước mắt anh không còn là khung cảnh của ngôi nhà và khu phố thân thuộc, có lẽ anh thực sự sẽ trôi lạc và bị nhấn chìm trong dòng chảy ấy. Anh hiểu rõ một điều rằng những con người từng sống cùng anh trong ngôi nhà này sẽ không bao giờ còn có thể quay trở lại được nữa. Và chỉ cần một cái liếc nhanh thôi, anh có thể nhận ra rằng khu phố này không còn là khu phố lặng lẽ yên bình khắc sâu trong tâm trí anh. Thế nhưng, giữa “hiện tại” của anh, và “hiện tại” của thế giới bên ngoài, ngôi nhà và khu phố là những vật thể trùng lặp, dù chúng có một vài điểm không nhất quán. Chúng trấn an anh rằng anh vẫn đang tồn tại nơi đây, giữa lòng thế giới. Chúng đem lại cho anh cái ảo ảnh êm đềm rằng cha mẹ vẫn còn hiện hữu đâu đó quanh đây, và đang dõi theo anh.
Mặc dù đêm hôm trước trời đã mưa một trận to, buổi sáng tháng mười một ấy trời mới hửng nắng lên ấm dìu dịu. Bên ngoài ban công luôn để sẵn một đôi dép nhựa, nhưng Kiên đã mang cả dép vải trong nhà đi ra ngoài, và giờ chúng ướt đẫm nước. Khi Kiên quay trở lại phòng chào anh, Thành nhận thấy Kiên chỉ đi chân trần. Đôi dép vải đã bị bỏ lại ngoài ban công, xếp ngay ngắn bên cạnh đôi dép nhựa ngược hướng với chúng, trên nền đá hoa láng nước mưa.