Chương II: Những bậc thang ma quái
Mi mắt nó bắt đầu díu lại, trĩu nặng như thể buộc hai quả tạ vậy. Nó cố gắng liếc nhìn sang những con số trên mặt đồng hồ:
“Uầy, đã 11 rưỡi rồi!”
Nó lắc qua lắc lại cái đầu cho thông những mạch máu cổ. Suốt từ bốn giờ chiều, nghĩa là đã hơn bảy tiếng đồng hồ trôi qua, hai mông quần nó không rời mặt ghế, khuỷu tay nó không nhấc khỏi mặt bàn tẹo nào. Mảng da từ ngón tay út xuống gần cổ tay nó đen bóng vì tì xuống mặt giấy vẽ chì. Bức chân dung sắp hoàn thành họa theo ảnh chụp một cô nàng – người trong mộng của nó – với nụ cười mỉm dịu dàng, mái tóc lượn sóng phủ lấp nửa vầng trán và một đôi mắt buồn xa xăm kiều diễm...
Dương đứng dậy, hai tay vươn lên, cột sống nó như được hưởng nhờ nguồn oxi rạo rực mà phổi vừa hít vào. Ôi, đôi bàn tọa của nó mới sung sướng làm sao! Cả cái cổ khốn khổ vì bảy tiếng rưỡi cắm cúi của nó nữa, cũng muốn được thốt lên nhẹ nhõm nếu như cái miệng nhượng lại quyền nói năng thưa gửi...
Bước ra khỏi đống hỗn độn giấy bút – cả tối nó đã phải vẽ lại hơn chục tờ mới được bức ưng ý cuối cùng – nó lê chân “cộp cộp” quanh phòng. Nó định nghỉ giải lao một lúc rồi sẽ quay lại bàn, chỉnh sửa nét môi lần cuối để hoàn thành bức vẽ. Vừa đi đi lại lại, nó vừa suy nghĩ sẽ nói những câu gì với nàng trong buổi hẹn hò ngày mai, cũng là dịp sinh nhật của nàng. Nó suy nghĩ, suy nghĩ... Có lúc vẻ mặt đăm chiêu, có lúc lại nở một nụ cười tủm tỉm, sướng sướng... Rồi chợt nghe tiếng vo ve của một con muỗi đang lượn lờ quanh tai, nó đưa tay đánh “bép” một tiếng, miệng bật ra một-câu-chẳng-liên-quan, làm cái chất nghệ sĩ nãy giờ của nó biến đâu mất:
“Tiên sư chổi sể!”
Có lẽ con muỗi dù bẹp dí trong lòng bàn tay của Dương, cũng vẫn mỉm cười vì tổ tiên mình không bị lôi vào câu chửi của nó. Một-câu-chẳng-liên-quan. Là vì dạo trước, có một ngày nọ, cũng phải đến ba lần Dương bị vấp phải chiếc chổi nằm ở cửa ra vào. Ngã đau, cay cú và cũng không biết trút giận vào ai, nó cầm chiếc chổi lên, hai bàn tay thắt chặt như đang bóp cổ người nào:
“Tiên sư mày! Tiên sư chổi sể mày!”
Và từ đó, mỗi khi cáu tiết chuyện gì, nó lại buột miệng một cách vô thức:
“Tiên sư chổi sể mày!”
Và giờ, con muỗi đã nhắm mắt xuôi tay. Không gian căn phòng lại trở nên tĩnh mịch. Đúng hơn, đó là sự tĩnh mịch của của một căn gác xép có trần khá cao và sàn rộng, lát gỗ vân, phía ngoài là một ban công dài ba mét, nhìn ra một nghĩa trang sau nhà, đủ thoáng để hóng gió lộng đêm hè. Thế nên bất kỳ ai ở trong căn gác này cũng có cảm giác như ngôi nhà xây lầu hai vậy.
Thực ra, bố mẹ Dương không thích lên tầng cho ngôi nhà, chỉ dựng căn gác này cho Dương có chỗ riêng để học thôi. Ở đây, không gian rộng rãi đủ thỏa mãn thói bày bừa giấy tờ, bút sách của Dương. Cái bàn học như một “thảo nguyên” kỳ thú với đủ loại màu mè, đường nét: những hộp màu nước, sơn xịt, bảng pha màu, những chiếc bút lông đủ các kích cỡ, những bức tranh ký họa,... Nhưng chưa hết, trên sàn còn la liệt những cuộn giấy khác nữa, khổ to, được trải rộng ra, đến nỗi nếu đặt trên “thảo nguyên” mênh mông kia thì cũng không chứa hết. Đó là đất dụng võ của vô số ý tưởng phối màu hình họa, thiết kế kiểu chữ, họa tiết, thậm chí cả những sáng chế máy móc được phác họa. Tất cả phát sinh từ cái đầu quái đản, muôn hình muôn vẻ và không bao giờ chấp nhận sự nhàm chán của Dương, để rồi biến hóa, kết tinh thành những đường nét của các bản thiết kế, các mẫu phác thảo. Cho dù có được dựng thành sản phẩm cuối cùng hay không.
Không gian phía trên của căn gác sẽ còn gây ngạc nhiên hơn gấp bội cho ai bước chân vào thăm thú. Đó dường như là một vườn treo lấp lánh những khối hình lạ thường. Tất cả đều làm bằng giấy. Có khối hình lục giác, có khối hình cầu, có khối hình giống như kim tự tháp... Chúng xoay xoay theo sự chuyển động của không khí, vẻ lấp lánh tỏa ra nhờ những bề mặt giấy bóng kính, hay bột nhũ được rắc đều, phản chiếu ánh sáng từ chiếc đèn bàn phía dưới. Lạ mắt nhất là khối hình lập phương độc đáo chính giữa, có nhiều lớp lớp đan xen, được thiết kế tài tình khiến cho tầm mắt tưởng chừng như bị đánh lừa ngoạn mục: Thấy mà như không thấy lớp lõi giấy tận cùng bên trong – vốn bao bọc một bóng đèn nhỏ, tỏa ánh sáng dịu... chập chờn huyền ảo...
Có một sợi dây dù mảnh mà chắc, buộc cố định trên trần, thòng thẳng xuống lưng chừng khoảng giữa cầu thang dẫn xuống nhà dưới. Sợi dây có gắn vô số những hình lập phương với các kích cỡ, đều có nền trắng, sáu mặt dán hình trái tim đỏ hồng.
Các khối lập phương ấy, nhìn từ khoảng cách hai mét trở ra, ai đó sẽ có cảm giác như đang thấy chúng bay lơ lửng trên không trung, xoay xoay quanh một trục vô hình...
* * *
Ngoài cửa sổ, tiếng sấm rền trời. Nhưng không có mưa như đêm qua.
0:00. Dương bước lại gần cầu thang, mắt lờ đờ, định xuống nhà dưới để “giải quyết nỗi buồn”. Nó lững thững bước từng bước, sờ vào tay vịn cầu thang. Đêm hôm khuya khoắt, lại chỉ có mỗi ánh đèn bàn ở một góc phòng, đã thế nó lại mắt nhắm mắt mở, chân bước xuống từng bậc thang mà tựa như mon men bên vách núi đá vậy. Cuối cùng, cảm giác bước đi theo linh tính của nó cũng chạm bậc đầu tiên... Và bậc thứ hai... Rồi bậc thứ ba...
Chưa đến bậc thứ tư thì nó bước hụt.
Một ánh chớp chói lòa nổ đùng qua ban công.
Có một tích tắc – là cái khoảnh khắc đầu tiên nó nhận ra nhịp bước hụt định mệnh ấy – mắt nó mở to nhìn vào cái khoảng không tối hù cuối chân cầu thang, tay trái đang vịn của nó dứt ra vì không bám chắc, còn tay phải hất tung lên vì chới với. Cả thân người nó bổ nhào về phía trước, lao xuống theo định luật “Vạn vật hấp dẫn” của Newton. Trong khoảnh khắc ấy, khi sắp dứt chân khỏi bậc thang thứ ba thì người nó nghiêng người sang trái nên trên đoạn còn lại, nó lăn, lăn, và lăn, như một khúc gỗ nằm ngang thả theo triền dốc xuống.
“Aaa...!”
“Lộc cộc lộc cộc!”
Và kết thúc chuỗi âm thanh đắng lòng ấy là một tiếng “Bịch!”
Đau ê ẩm. Đầu gối, khuỷu tay và cái mũi đáng thương của nó hôm nay có cảm giác mạnh vì được dịp thi thố độ cứng với những thanh gỗ của cầu thang. Một cú lăn có lẽ cả đời nó sẽ không quên...
Nó vẫn chưa nhổm dậy, đang nằm ngửa, mặt nhăn nhó, miệng thì xuýt xoa thay cho hai cánh tay đau thấu xương. Và cũng lại không quên bộc phát câu cửa miệng:
“Tiên sư chổi sể mày!”
Mở mắt ra, nó hậm hực quay lên nhìn cái cầu thang.
“Khỉ gió!”
Có một sự thật mà nó thừa biết, nhưng không bao giờ thừa nhận: Tất cả chỉ vì nó, vì những bước đi bất cẩn của nó nên cơ sự mới ra nông nỗi này...
Với với bàn tay để tìm chiếc kính cận bị văng ra đâu đấy, bắt trúng, nó đeo lại lên mắt. Vẫn hậm hực nhìn cầu thang.
Bất chợt, sau một khoảnh khắc lặng im, mắt nó mở to ra không chớp. Cả người nó không động đậy, không phải vì bất toại, mà vì lúc này, mọi động tác của nó dồn hết lên đôi mắt. Miệng nó há hốc vài giây rồi thốt lên:
“Cái quái gì thế này?”
Trước mắt nó, cầu thang vẫn bất di bất dịch, nhưng sừng sững khổng lồ. Và mỗi bậc giờ đây... cao gấp đôi người nó!...