Ta có yêu cầu người, Đấng sáng tạo, từ đất đen
Ngào nặn ta nên hình hài không? Ta có khẩn cầu người
Từ tối tăm khai sáng cho ta không?
Ngào nặn ta nên hình hài không? Ta có khẩn cầu người
Từ tối tăm khai sáng cho ta không?
Thiên đàng đã mất (Paradise Lost) X, 743-745 - John Milton
Chúng ta đều biết việc lựa chọn đấng sinh thành, hoàn cảnh, hình hài là điều bất khả. Nhưng đấng sinh thành thì có sự lựa chọn để chúng ta ra đời hoặc không. Việc cho ra đời một sinh linh với xuất phát điểm thấp, thiếu thốn các nhu cầu cơ bản và nhu cầu an toàn là hành động bất nhân.
Ta đã bao giờ từng yêu cầu để được sinh ra không? Ta có khẩn cầu có được sự hiểu biết một khi nó cho ta nhìn thấy thực tại đau buồn không, ở những tâm hồn nhạy cảm nó càng bị nhân thêm gấp nhiều lần. Ta có muốn được sinh ra không khi cô độc vì bị tất cả mọi người ruồng rẫy?
Nhân vật chính của câu chuyện - con quái vật của Frankenstein - ra đời như vậy, không thức ăn, không quần áo, không tình thương và ngay cả cái tên cũng không có. Sinh ra từ một ý tưởng bốc đồng của một nhà khoa học, thân xác hình thành từ những mẩu vụn của xác chết chắp lại. Frankenstein đã cố gắng "tạo ra đứa con dựa theo hình ảnh mình" như hành động của Chúa Trời. Nhưng kết quả từ hành động phạm thánh ấy là một sản phẩm lỗi. Nó bị ruồng rẫy ngay khi sinh và chỉ được gọi đơn giản là quái vật từ miệng chính cha đẻ mình.
Cuốn sách được viết với văn phong bóng bẩy của dòng Gothic, đậm chất cổ điển của Kinh Thánh và ảnh hưởng nhiều bởi trường ca Thiên đàng đã mất, nó tạo cho người đọc cảm giác lãng mạn và nhân văn nhiều hơn là kinh dị. Cũng dễ hiểu vì tác giả là một người phụ nữ 18 tuổi.
Về con quái vật, trái tim nó cấu tạo để đón nhận tình yêu thương và sự thông cảm, và được dung dưỡng những năm đầu đời trong môi trường của những con người cao quý và nhân hậu. Nhưng định kiến từ con người, nỗi sợ hãi những thứ mình không hiểu cố hữu của con người khiến họ không dùng dằng mà đánh đuổi nó.
Vật cực tắc phản, con quái vật với trái tim yêu thương quay lại trả thù, tội ác đã khiến nó chìm xuống thành sinh vật đê tiện nhất. Sự trả thù với nó không khác gì tra tấn tâm hồn, với nó tiếng rên xiết chưa bao giờ là âm nhạc.
Phải chăng nó nghĩ nó đau khổ và người khác cũng đau khổ như nó thì nó sẽ bớt cô đơn. Bởi vì hình phạt tệ nhất của con người hay những sinh vật bầy đàn nói chung là bị tách ra khỏi xã hội.
Về Victor Frankenstein, anh đã từng là một con người cao quý và kiêu hãnh bao nhiêu. Nhưng nỗi sợ hãi vẫn thắng thế, anh đã kiêu ngạo tạo ra một sinh linh rồi chỉ để vứt bỏ nó. Một kẻ không dạy con mình về đạo đức và thương yêu, nhưng sẵn sàng giết nó khi nó phạm tội, kẻ đấy vô cùng bất nhân và vô trách nhiệm.
Chúng ta có thể thấy nhiều hơn một con quỷ trong tác phẩm, con quỷ luôn sợ hãi và trù dập sinh vật khác biệt và con quỷ khác sinh ra từ hệ quả của những điều đó.
Sau cùng nguyên nhân muôn thuở của tấn bi kịch vẫn là người không thấu hiểu người, không bao dung và không vị tha.