- MỞ ĐẦU -
“Có những nơi đã đến bao lần, ngược xuôi khắp nẻo, rời xa vẫn không tiếc nuối.Có những vùng lần đầu hội ngộ, ngỡ ngàng tiếp xúc, chia tay chợt thấy luyến lưu.
Tây Tạng cao ngất trên địa cầu với những thảo nguyên xanh rờn, rộng mênh mông.
Thời tiết khắc nghiệt, địa hình trắc trở với bao ngả đường vắt vẻo.
Đồi núi chập chùng, những phong tục tập quá kỳ lạ, niềm tin tôn giáo kiên cố, những con người chất phác hiền hòa.
Một lần đi sẽ khó thể quên.”
Khi lần đầu tiên xem bộ phim tài liệu “Những nẻo đường Tây Tạng” trên một website tôn giáo, không thể phủ nhận rằng, chính những lời bình mang đầy tính khơi gợi ở trên đã thu hút tôi. Và rồi, như có một lực hút mãnh liệt, tôi hoàn toàn bị cuốn vào bộ phim tài liệu ấy mà không cách nào thoát ra được.
Tò mò, hiếu kỳ, thích thú, tiếc nuối là những cảm xúc luôn rộn ràng trong tôi khi dõi theo từng thước phim sống động và chân thật về miền đất nằm lẫn trong mây.
Tây Tạng.
“Nơi ấy, cách bầu trời rất gần, cách giấc mơ rất xa.
Nơi ấy, tuyết đọng ngàn năm, kinh phướn cắm đầy.
Nơi ấy, các tín đồ đều tin rằng mỗi một con bò, con cừu đều có tình cảm, mỗi một ngọn cỏ gốc cây đều có linh hồn, mỗi một đám mây đang lờ lững trôi đều có nước mắt, còn núi non sông ngòi, chim chóc sâu kiến đều có tính Phật và tôn nghiêm không thể nói thành lời của chúng.(1)
Sự say mê của tôi đối với vùng đất thảo nguyên bao la cô tịch, nơi có núi thần hồ thánh và lòng thành kính đặc biệt mà tôi dành cho niềm tin tôn giáo nơi đây đã được khơi nguồn từ chính bộ phim tài liệu mang mục đích hoằng pháp này.
- VUI -
Tôi tìm thấy “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” của tác giả Bạch Lạc Mai trong một cửa hàng sách nhỏ vốn đã quen thuộc từ lâu. Khi ấy, mục đích của tôi là tìm kiếm những tác phẩm tiểu thuyết tình cảm mà mình yêu thích. Thế nhưng, sau một lúc loay hoay trong không gian nhỏ hẹp thoảng mùi giấy mới, mùi mực in pha lẫn chút bụi bặm đặc trưng của không khí đô thị, tôi đã nhìn thấy “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” trên một ngăn kệ khá khuất tầm mắt.
Lặng lẽ, cô liêu và buồn man mác như chính cái tựa và cái bìa mà nó được thể hiện.
Ngay từ những trang viết đầu tiên của “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”, tôi đã vui vì sau bao ngày cắt ghép những thông tin rời rạc lượm lặt được trên mạng ảo, tôi đã tìm thấy một quyển sách – một quyển sách xuất bản hẳn hoi - viết về vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ sáu của Phật giáo Tạng truyền. Vị Lạt Ma mà từ lâu lắm rồi, tôi đã rất hiếu kỳ muốn biết rốt cuộc thân thế và cuộc đời của ngài như thế nào mà hơn 300 năm qua, người đời vẫn gọi ngài là vị tình tăng “sinh vì Phật, sống vì tình”.
Chiều đó, khi về đến nhà, tôi lập tức bỏ qua tất cả những quyển tiểu thuyết yêu thích đang đọc dở dang để bắt đầu với “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”. Tôi không lạ gì với cách viết mang hơi hướng “thiền” đầy thanh nhã của tác giả bởi trước đó tôi đã đọc hai tác phẩm khác cũng của tác giả này. Chính vì vậy, không quá khó để tôi có thể bắt nhịp vào cuốn sách ngay khi những con chữ đầu tiên xuất hiện trên trang giấy.
Bỏ qua những hào quang chói lọi của ngai Phật cao quý, vứt bỏ những âm mưu đen tối phía sau hậu trường của một “sân khấu chính trị” khổng lồ mà vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ sáu của Phật giáo Tạng truyền là một trong số những cá nhân quan trọng đảm nhận vai chính trong vở kịch hào nhoáng ấy, tôi phát hiện ra một Tsangyang Gyatso đời thường rất đỗi thân quen, một chàng trai dân tộc Monpa sống vui vẻ tại ngôi làng Monyu ở sườn phía nam của dãy Himalaya cao ngất.
“Dân tộc cổ xưa này tình quê chất phác, phong tục cởi mở, cách xa huyên náo, không tranh với đời.... Cuộc sống tản mạn khiến họ không câu nệ tiểu tiết, uống rượu mạnh, hát tình ca, tổ tiên đời đời sống hạnh phúc, tự do yêu đương trên mảnh đất yên tịnh này.”(2)
Suốt chiều dài hai mươi lăm cuộc của đời ngắn ngủi của Tsangyang Gyatso, tôi thích nhất là khoảng thời gian ngài sống cùng cha mẹ và những người dân chân chất nhưng tự do và phóng khoáng tại thôn làng Monyu. Ban ngày, ngài chăn dê cừu trên thảo nguyên bao la, ngắm nhìn non xanh nước biếc, tự do tự tại như chim chao liệng trên trời, như cá lội dưới nước. Ban đêm, ngài say mê hát tình ca bên cô gái làng bên môi đỏ má hồng, hiền hậu dịu dàng. Một quãng đời đẹp như tranh vẽ và đầy ắp âm thanh cuộc sống nơi thôn dã.
Cảnh tượng ấy, cuộc sống ấy sẽ chẳng ai nỡ nhẫn tâm mà xé toạc thành từng mảnh.
Có lẽ, mười bốn năm đó cũng chính là khoảng thời gian đẹp nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của ngài. Tôi cho là như thế bởi ngài đã được sống trọn vẹn với tuổi thơ của mình – tuổi thơ của chính bản thân ngài mà không phải là sự tái sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm nào đó nơi chốn tẩm cung Potala xa xôi. Ngài chỉ là một chàng trai Monpa thích hát tình ca, một tình lang đẹp nhất trên thảo nguyên bao la thanh bình nơi làng quê Monyu.
- BUỒN -
Thế nhưng...
Tôi luôn ước gì cuộc sống này đừng bao giờ có từ “nhưng” bởi đằng sau từ ngữ vô tri vô giác ấy luôn là một vế đối lập với những gì tốt đẹp vừa được thể hiện trước đó.
Nhưng, tôi buộc phải nói từ “nhưng” mà bản thân tôi không thích một chút nào khi phải viết điều gì về cuốn sách “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”. Tất cả cũng bởi cuốn sách đã bày ra trước mắt tôi một thế cục chính trị rối rắm và phức tạp của xứ tuyết đường mây ba trăm năm trước.
Tây Tạng là nơi mà sự tọa thiền của Đạt Lai Lạt Ma trên ngai Phật cao ngất chính là niềm tin tôn giáo thần thánh nhất của tín đồ nơi đây.
Nơi ấy tưởng chừng như là chốn thiền môn thanh sạch giữa hồng trần bụi bặm hóa ra lại là sân khấu chính trị tàn khốc và phức tạp nhuốm đầy tham ái quyền lực thế gian.
Nơi ấy có những linh đồng chuyển thế mà kể từ lúc mới sinh ra đã được số mệnh trao cho một vinh quang – một vinh quang vay mượn từ tiền kiếp. Và vì thế họ sẽ sống cho tiền kiếp, cho hiện tại và cho cả kiếp sau. Suốt cuộc đời của những linh đồng chuyển thế, họ luôn mang trên vai một sứ mệnh. Sứ mệnh ấy vinh quang đấy, chói lọi đấy nhưng cũng nặng nề và ngột ngạt khiến họ phải oằn vai còng lưng mà chỉ có ai may mắn hoặc bất hạnh – tôi cũng không rõ là may hay rủi - như Tsangyang Gyatso mới có thể thấu hiểu hết được.
Đọc “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”, tôi buồn làm sao và cũng bi ai làm sao bởi đằng sau từ “nhưng” trong câu chuyện cuộc đời của Tsangyang Gyatso lại tan thương, cô quạnh và nhiều máu đến vậy. Cuộc đời ngài gắn liền với lịch sử của dân tộc Tạng. Sự xuất hiện hay rời đi của ngài với thân phận Phật sống sẽ quyết định đến vận mệnh của cả một dân tộc.
Tôi luôn tự hỏi, trong mười một năm kể từ thời khắc tọa sàn ngồi lên ngai Phật cao ngất tại cung điện Potala, ngài có hối tiếc điều gì không?
Năm ấy, ngài rời làng quê nhỏ Monyu để tới Lhasa. Ngài có hối tiếc điều đó không?
Chắc chắc là không, thậm chí ngài còn gói ghém niềm hân hoan và lâng lâng một niềm vui khó tả vào hành trang mang theo đến Lhasa.
Khi ngài giả trang thành chàng lãng tử Dangsang Wangpo, rong chơi khắp kinh thành Lhasa. Ngài có hối tiếc điều đó không?
Chắc chắn cũng không bởi Dangsang Wangpo mới đích thực là Tsangyang Gyatso được sinh ra và lớn lên ở Monyu.
Khi ngài rút lại lời đề nghị trả lại ngai Phật gây chấn động, chấp nhận diễn tiếp vai diễn Phật sống tại tẩm cung Potala. Ngài có hối tiếc điều đó không?
Lại càng không bởi nếu hối tiếc ngài đã chẳng lựa chọn một quyết định khó khăn đến vậy. Bí mật đằng sau sự lựa chọn này là gì vẫn là một câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp nhưng tôi chắc rằng ngài chưa bao giờ hối tiếc về điều đó.
Có chăng, ngài hối tiếc mùa thu năm ấy ra đi quá vội, chưa kịp nói lời tạm biệt với cô gái làng bên. Có chăng, ngài hối tiếc tại sao đêm không dài để ngài có thêm chút thời gian được là chính mình. Có chăng, ngài hối tiếc vì sao số mệnh lại sắp đặt ngài là linh đồng chuyển thế cao quý nhưng cũng lấy đi tất cả của cuộc đời ngài.
Sự đời biến hóa vô thường, lòng người thẳm sâu không đáy, rốt cuộc ngài chỉ có thể khuất phục trước số kiếp không thể thay đổi. Ngài là chim sống trên trời, là cá bơi dưới nước nhưng cuối cùng phải sống một cuộc đời chim lồng cá chậu, không thể đổi thay.
- CÔ LIÊU -
Một tối, khi tôi đang đọc dở “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” tại trang thứ một trăm mười ba thì nghe được một bài hát. Bài hát rất quen thuộc với tôi bởi từ lâu rồi, kể từ khi bắt đầu yêu quý xứ Tạng, tôi đã tìm được bài hát ấy.
Chất giọng nhừa nhựa, trầm ấm của nam ca sĩ Hà Đồ cứ vang lên theo điệu nhạc mang hơi hướng cổ xưa như nói thay nỗi buồn thương chất chứa trong lòng chẳng thể tỏ cùng ai của Tsangyang Gyatso khiến tôi bỗng chốc ngẩn ngơ.
“... Ngẩng đầu lại thấy một mảng trời xanh chẳng như xưa.
Người ấy ngồi bên cung Potala, ngẫm ngợi thật lâu.” (3)
Tôi ngẩn ngơ bởi lẽ khi nghe bài hát ấy, ngay tại đoạn điệp khúc ấy tôi như nhìn thấy một thân ảnh khoác trên mình màu áo đỏ thẫm của sư tăng. Màu áo ấy nổi bật trên nền tuyết trắng xóa của cung điện Potala đồ sộ. Im lìm, cô liêu và quạnh quẽ đến nhức nhối.
“Mùa xuân này, mùa xuân của Lhasa, trong gió xuân dịu dàng, Tsangyang Gyatso ngửi thấy hương thơm thanh khiết thoang thoảng của cỏ xanh, nhìn thấy mây trắng nhàn nhã lướt qua trước cửa sổ. Những cảnh vật tự nhiên này lại gợi lên trong lòng Ngài khát vọng vô hạn đối với quê hương.
... Nỗi nhớ như cỏ dại mọc tràn nơi đáy lòng...
Không ai thật sự hiểu được tâm sự của Ngài.”(4)
Lầu son gác tía, điện vàng ghế ngọc, ngai Phật cao quý có thể mang đến cho ngài những vinh quang chói lọi của một vị Phật sống, có thể khiến hàng nghìn tín đồ quỳ rạp dưới chân ngài, có thể mang đến cho ngài quyền lực tối thượng tại xứ tuyết mênh mông nhưng cũng lấy đi của ngài sự ấm áp của mùa xuân Monyu, tình quê chan chứa của những con người Monpa, còn có tình yêu đầu đời đầy thơ ca và âm nhạc với cô gái làng bên má đỏ môi hồng.
Ngài cô liêu, lạc lõng giữ Lhasa thần thánh.
- TỰ DO -
Vui làm sao khi tôi biết rằng, dẫu đã có lúc tâm trí ngài bị quyền lực và hào quang ngai Phật che phủ nhưng rốt cuộc chàng trai thảo nguyên Tsangyang Gyatso vẫn là chàng trai Monpa thích tự do và say mê với những bản tình ca.
Ngày đọc kinh Phật, tham thiền chính sự nhưng khi đêm đến, dưới ánh sáng leo loét phát ra từ những chiếc đèn thắp bằng mỡ trâu, trong không gian đặc quánh hơi lạnh, tuyết bay lả tả, ngài lại ngồi trước bàn nhỏ viết nên những vần thơ đầy phóng khoáng và thấm đẫm tình yêu. Sự lãng mạn dào dạt, tình yêu tự do, chân thành sâu sắc trong thơ tình của ngài bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nếu chẳng may trót lỡ được nghe.
Nhưng cũng buồn làm sao khi tôi vỡ lẽ ra rằng, đằng sau những vần thơ du dương và tràn đầy tình yêu ấy là một thể xác bị giam cầm nơi cung cấm. Ngài bị người khác mặc nhiên đẩy vào một sân khấu muôn màu có tên là “cục diện chính trị” để diễn một vai diễn mà người đã chết chưa kịp hoàn thành, vấn vương tái sinh vào thân xác vốn thuộc về ngài. Với thân phận ấy, ngài bị điều khiển như những con rối trên sân khấu chính trị với lý do cao cả vì lợi ích dân tộc. Ngài bị trói buộc bởi những thanh quy giới luật nghiêm ngặt của một tôn giáo mà nơi nơi trên khắp ngã đường của vùng hồ thiên núi thánh, đất tuyết sương giăng tôn sùng như một thứ tín ngưỡng vừa thuần khiết vừa kiên cố như chính những ngọn núi băng sừng sững hiện diện trên mảnh đất thảo nguyên cô tịch Tây Tạng.
Nhưng rồi tôi lại vui khi rốt cuộc tôi đã hiểu ra một điều rất đơn giản rằng, dù cho Đệ ba Sangye Gyatso luôn làm mọi cách để tước bỏ sự tự do của ngài đến mức nào, dù cho người dân Tạng vô tình ràng buộc ngài vào ngai Phật chặt đến mức nào, dù cho lịch sử có ép buộc ngài ra sao thì ngài vẫn là một người tự do.
Tsangyang Gyatso, ngài đã tự do sống cuộc đời của chính mình, bằng cách này hay cách khác.
Ngài tự do khi quyết định mở toang cánh cửa nhỏ nối liền cung Potala tới quán rượu nhỏ Makye Ame. Nơi đó ngài tự do làm thơ, hòa ca và say men tình ái với nàng Dawa Dolma xinh đẹp. Ngài tự do sống cuộc đời của mình dưới thân phận Dangsang Wangpo - chàng tình lang đẹp nhất thành Lhasa.
Khi ngài xin với thầy của mình được trả lại ngai Phật, trở về với thế tục hồng trần, không ai có thể can thiệp và thay đổi được quyết định của ngài trừ bản thân ngài. Và nếu thời cuộc và lịch sử đã bắt buộc, dù không thật nguyện ý nhưng ngài vẫn quyết định diễn tiếp vai diễn của người đứng đầu chính giáo Tây Tạng, nghiêm nghị ngồi trên ngai Phật nhìn chúng sinh quỳ rạp dưới chân. Quyết định ấy cũng của riêng ngài.
Tôi vẫn cho rằng Tsangyang Gyatso luôn có sự tự do – một sự tự do tối cao mà không ai có thể cướp đoạt được của ngài. Ngài chỉ hoàn toàn mất tự do khi bản thân ngài thực sự muốn điều đó.
Tẩm cung Potala dẫu tường cao mái chắc, thanh quy giới luật nhà Phật dẫu nghiêm khắc khó phạm nhưng cũng chỉ có thể cầm tù nhục thân của ngài còn suy nghĩ và nhận thức của ngài không một ai có thể xen vào được.
Ngài mãi tự do, luôn tự do.
- KẾT -
Một ngày cách đây không lâu, khi tôi đọc đến những trang cuối cùng của “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”, tôi cứ mãi quyến luyến như thể chuẩn bị rời xa một người bạn mới quen nhưng thân thiết từ lâu lắm rồi.
Quyển sách không quá dày để trở nên lê thê, cũng không quá mỏng để thiếu ý sót câu. Một sự vừa đủ hoàn chỉnh để tôi cứ mãi lưu luyến nó, rồi dặn lòng sẽ đọc lại lần nữa nếu có thời gian rảnh rỗi.
Cho đến một ngày cách đó không xa lắm, khi tôi bị nhấn chìm trong nỗi buồn thương vì mất đi người thân, tôi đã lấy quyển sách ra khỏi kệ và bắt đầu đọc lại từ trang đầu tiên.
Không hẳn vì muốn đánh lạc hướng nỗi buồn thương chất chứa trong lòng, cũng chẳng vì muốn so sánh nỗi buồn thương của Tsangyang Gyatso và của tôi, của ai nặng nhẹ hơn của ai. Tôi đọc lại “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” bởi tôi bắt gặp trong cuốn sách những triết lý nhân sinh rất phù hợp với hoàn cảnh thực tại mà tôi đang trải qua.
Tôi đã dừng lại rất lâu tại trang thứ mười một, dòng thứ bảy.
“... Đời người duyên khởi duyên diệt, đến đến đi đi, ly ly hợp hợp, không thể cưỡng cầu.”(5)
Và rồi tôi cứ nấn ná mãi tại trang thứ năm mươi tám, dòng thứ sáu.
“... Mỗi một sinh mệnh đến hoặc đi, đều như bụi cát, rơi xuống dòng sông dài của năm tháng mênh mang, không ai có thể tìm kiếm ai.
... Dù một đời huy hoàng hay ảm đạm, vào ngày chết đi đều sẽ tan tành như mây khói.”(6)
Tôi đã nghĩ gì khi đọc những dòng viết ấy, có lẽ, tôi nên giữ lại cho riêng mình.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 11 năm 2014.
(1), (2), (4), (5), (6): trích từ "Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất - Tác giả Bạch Lạc Mai.
(3): Bài hát Lhasa loạn tuyết - Bản dịch của Kikyou_412
P/s: Thật lâu rồi mới ngồi vào bàn và viết. Vẫn thói quen viết dài, viết dai mãi chẳng bỏ được.
Chúc các bạn tìm được quyển sách ưng ý.
Chỉnh sửa lần cuối: