Chương 1: Cấp một tồi tệ
Chuyện đi học thật khiến người ta mệt mỏi. Cuộc sống như một quyển sách, bắt đầu từ trang đầu tiên, có những chỗ kiến thức khó mà đòi hỏi ta phải nghiên cứu, mất nhiều thời gian mới đọc được nhưng rồi đọc mãi thì nó cũng sẽ đến trang cuối và kết thúc. Điều đáng tiếc rằng: Hết quyển này sẽ có quyển khác, sẽ có những quyển khác nữa với bao điều ta không hề biết trước. Thực chất nó chỉ là quyển sách với những thiên biến vạn hóa trong đó mà thôi.
Cô bé bị hội chứng tâm lí về hoàn cảnh mới, có lẽ do lần chuyển trường hồi cấp một khiến cô sinh ra hội chứng này. Theo người lớn vẫn nghĩ: Việc chuyển đổi một môi trường mới với trẻ con là chuyện đơn giản, trẻ con dễ thân với nhau rất nhanh. Nhưng nhận định này đã hoàn toàn sai lầm với cô bé chín tuổi quê mùa, chuyển nhà đến nơi khác sống, bước chân vào một lớp học - một thế giới mới tưởng như thân thiện, mới mẻ nhưng cách học và sinh hoạt hoàn toàn mới khiến cô bé không khỏi hoang mang. Vâng, tôi chính là cô bé đó. Thật ra thời học sinh của tôi cũng không có gì mới mẻ cả, chỉ là lịch sử cứ lặp đi lặp lại hết cấp này đến cấp khác.
Do chuyện gia đình và một số lí do khác, gia đình tôi chuyển lên thành phố sống. Điều đầu tiên tôi cảm thấy khi xa nơi tôi sinh ra là: Thật tuyệt vời, mình đã thoát, không phải gặp bọn nhóc xấu xa ở lớp nữa.
Tôi là một cô bé với thân hình nhỏ nhắn, thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa một chút, cuộc sống đi học của tôi diễn rất bình thường nhưng sau một đêm trôi qua thì nó biến đổi hoàn toàn. Bạn bè không muốn chơi cùng nữa, thằng bạn thân nhất từ hồi đẻ ra cũng chẳng hiểu sao thay đổi chuyển sang bắt nạt tôi, bàn ngồi bốn đứa thì ba đứa là con trai, bọn trẻ con đó lấy phấn chia cho tôi một mẩu bàn bằng quyển vở ô ly học sinh, cái ghế chỉ chừa lại cho tôi một ít, chỗ để chân cũng không có. Ngày nào cũng vậy, sáng đi học, thằng bé béo nhất bàn tôi đi lên bảng lấy phấn rồi vẽ một đường trên bàn và nói:
- Đây là phần của mày, tao cấm mày không được vượt quá vạch, biết chưa hả? Nếu vượt qua chúng tao sẽ cho mày biết tay.
Tuy sợ nhưng tôi vẫn cố gắng nói:
- Cậu cho tôi thêm chút không gian đi, như vậy tôi làm sao viết được?
Mấy thằng con trai cùng bàn còn lại thấy vậy, xúm lại đe dọa tôi:
- Mày ăn gan hùm hay sao mà dám lên tiếng đòi hỏi hả, bọn tao chỉ chia cho mày như vậy thôi, muốn gì hả?
Ngày nào cũng cái thủ tục trước khi bắt đầu học này khiến tôi mệt mỏi. Chân tôi lúc nào cũng co dúm lại, nhiều khi mất cảm giác. Tôi thử chạm vào còn không biết đó là chân mình, không có một chút cảm nhận. Nhiều khi tôi nghĩ chân mình chắc sẽ sớm bị liệt, lúc đó mình ngồi xe lăn sẽ rộng chỗ hơn nhiều thế này. Một suy nghĩ ngu ngốc của con bé mới tí tuổi đầu.
Điều đáng ghét hơn, hôm đó chúng tôi phải nộp bài văn đã chuẩn bị ở nhà cho cô giáo, chúng giật cuốn vở của tôi và đọc to lên với giọng chế nhạo, và nói:
- Ôi trời tưởng viết cái gì, chứ chép văn mẫu thì vứt. Nhà tao cũng có quyển này, hôm qua tao xem rồi. Ôi trời lại còn chép y nguyên nữa. Đúng là một đứa không có tương lai.
Bài văn do tôi nhờ sự giúp đỡ của chị tôi nghĩ nát óc mới ra thì chúng nó bảo tôi chép văn mẫu. Tôi tức quá cãi lại:
- Ai bảo vậy, đây là bài văn tôi tự viết, các cậu đọc sách nào bỏ ra đây tôi xem?
Thấy tôi cãi lại, bọn chúng tức lắm. Chắc không biết sách gì nên cãi cùn:
- À mày còn dám cãi à, tao bảo mày chép là mày chép, biết chưa?
Thấy tôi không trả lời, chúng hỏi lại:
- Biết chưa?
Tôi lặng lẽ gật đầu. Đành phải nhịn cho xong chuyện thôi. Nhưng hậu quả vẫn đến, hôm đó tôi chỉ được mẩu bàn còn ít hơn bình thường. Tôi phải gập đôi quyển vở lại để viết. Còn nữa, chữ viết chính tả thì xấu, quần áo lúc nào cũng dính mực của bọn ngồi cạnh bôi vào. Tóm lại là chẳng có chuyện gì tốt đẹp cả. Mọi cố gắng của tôi đều không được công nhận.
Nói chung là chúng nó chẳng coi tôi ra gì, một thứ bỏ đi của cái lớp này. Tôi chẳng biết làm sao cả, đành phải chịu đựng vì đã bé hơn chúng nó rồi thì có ý chí vùng lên cũng không lại chúng nó. Và đứa bé ngây thơ như tôi chỉ biết về kể lể với mẹ, với chị gái:
- Mẹ ơi, mấy thằng ngồi cạnh con cứ bắt nạt con, cho con một xíu bàn để viết.
Mẹ tôi thấy vậy nên thương, mẹ nói:
- Vậy à, để mẹ sang nhà chúng nó, nói chuyện với bố mẹ bọn nó xem sao vậy.
Nghe thế tôi yên tâm lắm. Với giọng tươi tỉnh, tôi nói:
- Mẹ nhớ nhé, mẹ xin cô giáo chuyển chỗ cho con luôn thì càng tốt.
Mẹ tôi vui vẻ gật đầu, tôi lại bắt đầu có niềm tin rằng: Cuộc sống sẽ thay đổi. Đáng tiếc, điều đó không xảy ra, mẹ tôi cũng sang nhà nói chuyện với bố mẹ chúng, nhưng hoàn toàn không có biến chuyển.Thậm chí tôi còn bị bắt nạt thêm và cũng không được đổi chỗ.
Sau nhiều lần than thở như vậy, thật không ngờ người mẹ hiền lành, bận rộn của tôi cũng chỉ sang nói thêm với bố mẹ bọn nó vài ba câu rồi thôi, còn lại một số lần khác đều nói:
- Cố gắng con ạ. Cố hết mấy năm là thoát.
Tôi thấy mẹ nói vậy cũng ậm ừ:
- Nhưng mà mẹ ơi, bọn nó xấu xa lắm, con không chịu được.
Mẹ tôi lại cái giọng an ủi:
- Thôi cố nhịn con ạ.
Chị tôi thấy vậy cũng an ủi vài phần. Từ đó, tôi nhẫn, nhịn và thật phi thường tôi nhịn được thật, đến tận mấy năm liền. Đến năm học lớp bốn, nhà tôi đã chuyển lên thành phố và thoát kiếp lần một. Sướng lắm, bây giờ đến nơi mới, không ai biết tôi là ai, hoàn toàn có thể bắt đầu cuộc sống đi học tôi hằng mơ ước.
Buổi đầu tiên ở trường mới, lớp học bắt đầu sau tiếng trống, cô chủ nhiệm bước vào, giới thiệu tôi là một học sinh mới. Lạ lẫm lắm nhưng tôi vẫn cố gắng:
- Xin chào các bạn! Mình là Erin.
Thấy các cô bé, cậu bé trong lớp, tỏ ra vô cùng háo hức vì có bạn mới, tôi nghĩ thật tuyệt mình đã tìm được một nơi có thể sống yên ổn rồi, mình sẽ không phải gặp bọn đáng ghét kia nữa. Từ nay cuộc sống của mình sẽ khác. Các bạn nháo nhào xúm lại quanh tôi, hỏi chuyện:
- Chào bạn, chào mừng bạn đến với lớp của chúng tớ.
Tôi vui lắm, gật đầu nói:
- Chào bạn.
Có một cô bé tết tóc hai bên rất xinh, hỏi tôi:
- Thế trước kia cậu học trường gì?
Tôi bắt đầu lo sợ, nhỡ nói trường nhà quê, bị cười thì sao, nhưng tôi chẳng biết trường nào ở thành phố này mà nói cả, thôi thì tôi cứ thành thật. Tôi nói:
- Trường A.
Vậy mà bọn chúng lại tưởng tôi học trường tốt ở thành phố này. Tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Mấy tiết học sau đó thật dễ chịu, bài vở cũng không khó lắm, tôi hoàn toàn có thể theo kịp. Đến giờ ăn trưa hay đi ngủ trưa tại trường, tôi không biết mình ngôi đâu, bạn bè tận tình xếp chỗ cho tôi. Tôi luôn thở phào nhẹ nhõm, luôn nghĩ cuộc đời học sinh của mình bây giờ mới bắt đầu.
Chẳng được bao lâu, lịch sử lại lặp lại, tôi vẫn là đứa bé nhất lớp, luôn ngồi bàn đầu và bị gắn cho một cái mác là “đồ nhà quê”. Đi học cấp một thì chẳng quan trọng về đồng phục lắm nên đa số đều mặc quần áo của mình, đứa nào cũng được chăm chút về váy áo, đầu tóc, được bố mẹ tết hai bím cho, thậm chí có đứa còn được làm xoăn. Tôi từ bé đã chẳng được chăm chút gì về quần áo, vẻ ngoài, quét từ trên xuống dưới, tôi cũng thấy mình chính là “đồ nhà quê”. Điều khiến tôi ghét nhất là mẹ tôi thích cái gì thì sẽ mua hẳn hai cái giống nhau, vì thế mà có bạn hỏi tôi:
- Sao cậu cứ mặc mãi cái áo này thế?
Tôi giật mình, nói:
- Tớ đâu có vậy, mẹ tớ thấy đẹp nên mua liền hai cái giống nhau cho tớ ấy mà.
- À thế à. Cô bạn thấy vậy cũng không tin lắm.
Tôi biết không ai tin nên tôi cố gắng giải thích:
- Cậu không thấy áo này của tớ có vết mực còn áo kia thì không à?
Tôi biết nói vậy thì cũng chẳng ai tin đâu. Thế là tôi lại bị vu cho cái tội “ở bẩn”, không giặt quần áo mà mặc đi mặc lại. Nhục nhã lắm. Không những thế, chúng nó luôn cười nhạo tôi vì tên tôi quê mùa, tên chúng vừa hay vừa có đệm, lại ý nghĩa. Còn tên tôi thì chẳng biết là ý nghĩa gì. Tôi tức lắm, về hỏi mẹ tôi:
- Tên con có ý nghĩa gì hả mẹ?
Mẹ nhìn tôi vẻ buồn buồn nói:
- Hồi đó nhà mình nghèo ăn chẳng xong, thời gian đâu mà nghĩ tên, tên các con đều là do chính quyền đặt cho khi làm giấy khai sinh đấy.
Không biết là nên vui hay nên buồn đây.
Sau mấy tuần đi học, một nhóm bọn trẻ lại bắt đầu bắt nạt tôi, tôi nghĩ trong đấy hội tụ toàn con nhà giàu, sung sướng từ bé nên hách dịch. Tôi không quan tâm, tôi làm thân với những bạn khác trong lớp nhưng chúng luôn ép các bạn ấy không được chơi với tôi, giờ thể dục không được bắt cặp với tôi, giờ tự học thì ghi lên bảng rằng tôi nói chuyện. Cô giáo về lớp hỏi với vẻ ngạc nhiên:
- Bạn Erin nói chuyện á?
Bọn nhà giàu kia đứa nào cũng nháo nhào đứng lên nói:
- Đúng đấy cô ạ, nói rất nhiều.
Tôi không thể cãi với mấy cái mồm được. May mắn có bạn tổ trưởng tốt bụng giúp tôi, bạn ấy nói:
- Thật ra là bạn Erin đọc bài trên bảng hộ bạn Harry bên cạnh vì bạn ấy bị gãy kính thôi ạ.
Tất nhiên là cô giáo không tin rồi vì tôi là đứa khá hiền lành, thậm chí bình thường còn ít nói. Cô nói:
- À, cô cũng nghĩ là có nguyên nhân, chứ cô rất tin tưởng bạn Erin.
Điều này lại càng làm bọn chúng căm ghét tôi hơn. Còn tồi tệ hơn nữa là bị để mấy con côn trùng hay con vật xấu xí như gián, sâu róm không biết chúng nó tìm được ở đâu vào ngăn bàn hay kẹp vào vở của tôi. Thỉnh thoảng đi qua nhau ở hành lang thì bị giật tóc ngược trở lại, vì tóc tôi dài mà lại cột đuôi ngựa nên việc tóm tóc rất dễ mà không để lại vết tích rối tung. Vì vậy chẳng ai biết tôi bị hành hung giai đoạn nhẹ. Tôi có cảm giác tôi như người ngoài không biết từ đâu chui ra, nhảy vào gia đình người ta mà sống. Và còn nhiều chuyện quái gở, phát điên hơn khác mà chắc lâu quá rồi mà tôi cũng cố quên nên cũng chẳng nhớ mà kể.
Nói vậy có nhiều người sẽ cảm thấy mọi chuyện có vậy mà không chịu đựng được, vậy là bình thường. Nhưng đối với một đứa bé chín tuổi như tôi là một chuyện vô cùng lớn. Tôi vẫn còn rất bé, sự nghiệp học hành mới bắt đầu là gặp bao nhiêu chuyện vớ vẩn khiến tôi càng co mình lại hơn. Tâm lí nhiều lúc bất ổn, sức chịu đựng của trẻ con có giới hạn, đến một mức nào đó chúng sẽ lựa chọn bung ra hoặc co lại. Với tôi, tôi chọn co lại. Nghĩ lại thì thấy mình thật ngây thơ. Đấy, mới cấp một bé danh mà cứ gọi nhau ông ông bà bà, rồi đi bắt nạt người khác thì lớn lên làm được cái gì. Mỗi sáng thức dậy của tôi là một cực hình, lấy tinh thần và luôn trong trạng thái gồng mình chịu đựng. Chịu nhiều quá thì lại phải tuôn ra, lại đi thủ thỉ với mẹ, với chị, trời ơi người mẹ bận rộn vẫn bảo tôi “nhịn”, “chịu khó”, “con sắp thoát rồi”. Đúng vậy, cái gì cũng có kỳ hạn, rồi cũng sẽ đến lúc hết. Kết thúc năm học lớp năm, chúng nó ôm nhau khóc sướt mướt còn tôi thì mặt tỉnh bơ và trong đầu lại vui sướng tột cùng, mình đã thoát bọn hách dịch này rồi, từ nay chắc sẽ chẳng bao giờ gặp chúng nó nữa. Có gặp hay không thì phải chờ sang cấp hai mới rõ.
<< Giới thiệu truyện ---
Chương 2 >>