Hối hận
Tác giả: Thiệp Mộng
Thể loại: Tâm lý, cuộc sống, hiện thực xã hội, học đường, tình bạn…
Rating: [K]
Length: truyện ngắn
Cảnh báo: Đây là một câu chuyện thật. Và bởi vì nó thật nên nó chắc chắn không thể làm thỏa mãn được các bạn. Nhưng nó là câu chuyện về quãng đời học sinh của mình. Và nếu bạn chưa từng trải qua những tàn khốc trong mặt trái của cuộc sống học đường, thì bạn không thể nào thấm thía được nó. Nhưng dù thế nào đi nữa. Mình cũng không mong ai đó sẽ phải trải qua. Và nếu có trải qua, mong bạn hãy giữ vững niềm tin và sự cam đảm của mình, đừng để phải hối hận giống như mình.Tác giả: Thiệp Mộng
Thể loại: Tâm lý, cuộc sống, hiện thực xã hội, học đường, tình bạn…
Rating: [K]
Length: truyện ngắn
____________________________________________________
Trong tất cả những câu chuyện mà tôi viết, tôi luôn tránh nhắc đến bản thân, nhắc đến quá khứ, tuổi thơ hay những câu chuyện về thời đi học. Bởi vì với người khác thời đi học là những năm tháng đẹp nhất, thì với tôi, thời đi học là địa ngục đáng sợ nhất.
Bạn sẽ không hiểu vì sao tôi lại nghĩ như vậy. Tổn thương trong quá khứ chăng? Không, đây không phải truyện ngôn tình. Bố mẹ tôi không li hôn, gia cảnh nhà tôi không phải là nghèo khó, và tôi cũng chả bị ngược đãi hay ghẻ lạnh gì. Tôi có một tuổi thơ bình thường với một gia đình bình thường. Quá hoàn hảo phải không, tôi còn điều gì để mà kêu ca nữa đây?
Nhưng những gì xảy ra với tôi năm cấp ba thì không hề vui vẻ. Tôi không biết nguyên nhân của nó là do đâu, là do chính tôi, hay do xã hội, nhưng tôi biết chính xác tên của nó là gì. Đó là: “Sự cô lập”.
Tôi nhớ năm tôi mười lăm tuổi, tôi thi đỗ vào một trường cấp ba công lập nhưng không phải loại trường điểm của thành phố. Ngôi trường tọa lạc tại một trong những khu dân cư phức tạp nhất Hải Phòng.
Hồi đấy tôi còn là một con bé ngây ngô khù khờ với đời lắm. Những gì tôi biết chỉ vỏn vẹn trong vòng bán kính ba trăm mét với nhà là trung tâm. Lần đầu tiên trong đời tôi được đi xa đến thế. Vừa háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ngoài kia, tôi vừa hào hứng vì nghĩ rằng sẽ rời xa được sự quản lí của bố mẹ mình.
Nhưng tôi đã không ngờ rằng năm ấy, quyết định ngây thơ đó đã bắt đầu cho chuỗi ngày khủng khiếp suốt ba năm phổ thông.
Ngày đầu tiên đến lớp, tôi khá thoải mái với bạn bè mới. Tính tôi như vậy, khá dễ hòa đồng, lại có ngoại hình cao ráo dễ nhìn, nên cũng dễ dàng kết bạn.
Trong đám bạn mới có một bạn nữ tên là Thùy, bạn ấy khá thấp bé so với mặt bằng chung của cả lớp. Cô bạn chỉ cao có một mét bốn mươi mốt. Mặt mũi cũng không xinh đẹp. Nhưng tôi là khá là thích tính cách của bạn ấy. Chẳng mấy chốc chúng tôi nhanh chóng thân thiết với nhau.
Có lẽ những ngày tháng đấy sẽ yên bình mãi thế và chẳng có gì để nói, nếu như cuộc đời không tàn nhẫn đến như vậy.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao, con người ta có thể đánh giá và nhìn nhận người khác chỉ qua vẻ bề ngoài. Trong lớp tôi có một cô nàng hot girl tên Thảo, xinh đẹp, nhà giàu, thông minh, nhưng mất dạy. Đúng, tôi phải dùng từ đó, vì nó là từ nói giảm nói tránh nhất tôi có thể dùng. Cô nàng này thông minh nhưng không hề thích học, suốt ngày tô son trát phấn rồi cặp bồ với một tay anh chị có máu mặt ở cái khu dân cư nhức nhối phức tạp gần trường chúng tôi học. Và có vẻ cô nàng cảm thấy hãnh diện về điều đó lắm. Có vẻ cô nàng thấy việc chỉ cao hơn con bạn tôi có năm phân là một sự sỉ nhục ghê gớm, hoặc cảm thấy ức chế nếu bị so sánh với “cái con nhà quê lùn tịt” - là con bạn tôi đây – sẽ hạ thấp bản thân cô nàng và không thể chấp nhận nổi.
Và đương nhiên, bởi vì thế mà cô nàng bắt nạt bạn tôi.
Tôi không biết lí do gì khiến cô nàng ngứa mắt với bạn tôi. Có thể là một trong các lí do tôi tự suy luận ra. Nhưng tôi cực kì khó chịu. Chúng tôi không làm gì có lỗi cả, và cũng không làm ảnh hưởng đến ai, tại sao họ không để cho chúng tôi yên?
“Nhìn kìa nhìn kìa, trông cứ như đôi đũa lệch. Một đứa thì cao chót vót, một đứa thì lùn tìn tịt.”
Chúng tôi có yêu nhau đâu, thấp với cao thì liên quan gì ở đây?
“Sao cái con đấy nhìn chán thế. Đã xấu thì phải biết phấn đấu chứ. Xấu lại còn nhà quê, vừa đen vừa lùn, nhìn thấy đã mất cảm tình.”
Không muốn thấy thì đừng nhìn. Bản thân chúng mày có đẹp hơn ai đâu mà nói người khác?
“Nó xấu là một chuyện, cái tính nó cứ tự kỷ kiểu gì. Không ghét nó cũng chẳng ưa nổi nó.”
Bạn tôi như thế là do mọi người cứ nói xấu đấy!
“Hai đứa chúng nó cũng phải thế nào mới chơi được với nhau.”
Quá đủ rồi đấy! Các người rảnh không có việc gì để làm à?
Hai đứa chúng tôi bị cả lớp cô lập.
Sự cô lập khác với bạo lực học đường. Chúng tôi không bị bắt nạt, không bị đánh đập, cũng không bị ngược đãi hay trấn lột gì. Chỉ đơn giản là họ tách chúng tôi ra khỏi tập thể, họ trước mặt vẫn xã giao bình thường với chúng tôi, nhưng sau lưng, họ lấy chúng tôi ra làm trò đùa. Không ai muốn chơi với chúng tôi nữa.
Đối với tôi chuyện này hết sức bình thường. Tôi không quan tâm đến nó lắm. Không có họ tôi vẫn sống vui vẻ.
Nhưng bạn của tôi thì lại không như thế, con bé bắt đầu có những dấu hiệu của trầm cảm. Nó không vui vẻ tươi cười nữa, mà ngược lại cáu gắt bực bội nhiều hơn. Tệ hơn, nó khó chịu với cả tôi.
Tôi vẫn vô tư như thế cho đến một ngày, trong lớp có một đứa khác bị cả lớp ghét bỏ và nói xấu, mặc dù tôi không hề nghĩ cô bạn đó đáng bị như vậy.
Tôi làm bạn với bạn gái đó. Bạn gái đó tên My. Trong một lần đến nhà cô nàng chơi, tôi hỏi một điều mà bấy lâu tôi vẫn thắc mắc:
“My này, tại sao mọi người trong lớp ghét Thùy như thế?”
“Cậu không biết sao? Hầu hết mọi người trong lớp mất đồ đạc gì là đều thấy ở chỗ của cái Thùy. Cậu bảo mọi người có nghĩ tốt được hay không?”
Tôi sửng sốt, trân trân nhìn vào cái My mà không thể tin vào tai mình.
“Cậu chắc chứ?”
“Cậu là người gần nó nhất, cậu phải biết rõ hơn chứ?”
Tin này như sét đánh ngang tai tôi. Tôi không sao có thể chấp nhận nổi. My lại bồi thêm một câu:
“Cậu liệu mà chơi với nó cẩn thận. Không thì không những cậu bị mất đồ mà mọi người còn nghĩ oan cho cậu đấy.”
Lời nói đó văng vẳng bên tai tôi suốt những ngày sau đó. Tôi không tin, nhưng tôi cũng không dám chắc bạn thân mình hoàn toàn vô tội.
Tôi mang nỗi nghi ngờ và giằng co ấy đến bất cứ nơi đâu, cho đến một hôm, khi tôi mua một thỏi son dưỡng môi mới và nhờ Thùy giữ hộ. Tôi không để ý lắm cho đến tận lúc về nhà mới hỏi, thì Thùy điềm nhiên nói một câu:
“Ơ, mình có giữ của cậu đâu?”
Tôi ngớ người. Không lẽ tôi nhầm? Tính tôi hay quên và vô tư nên có thể tôi nhầm thật. Nhưng mà nếu thế thì tôi vất nó ở đâu được chứ? Ôi thỏi son đó không đắt, chỉ tầm sáu mươi ngàn đồng, nhưng với học sinh thời đó là một số tiền to.
Không lẽ… Không thể nào! Dù nhà Thùy có nghèo, tôi cũng không nghĩ con bé ăn cắp mấy thứ lặt vặt làm gì.
Nhưng… lời nói của cái My hôm nào lại vang lên trong tâm trí tôi.
Chẳng lẽ… thật sự như thế?
Nếu có thứ gì đó khiến con người thấy đau khổ nhiều nhất, thì ngoài mất mát và thất tình ra, chính là sự phản bội và mất niềm tin.
Niềm tin giữa con người với con người thực ra rất lỏng lẻo. Giống như ngôi nhà tuy có móng cứng chắc nhưng liên kết giữa các phần vẫn có chỗ không chắc chắn vậy, nếu khoét vào đó một lỗ, dù chưa thể làm nó sụp đổ ngay, nhưng cũng sẽ trở thành mối ám ảnh càng lúc càng rõ rệt hơn trong tâm trí.
Những ngày tháng sau đó, những con chữ vô hồn của tôi không thể nào diễn tả hết nổi. Tôi đã cố ngăn mình không khóc khi viết lại câu chuyện này. Nó làm tôi nhớ lại những ngày tháng khổ sở nhất. Khi mà lòng người chẳng thể đo đếm nổi bởi nhận thức kém cỏi của một tâm hồn non trẻ. Đúng đúng sai sai, thật thật giả giả chỉ có thể nhận diện bằng trực giác – như một cây gậy của người mù dò dẫm giữa màn sương. Và cái sự ngây thơ giả tạo cứ vây quanh cuộc sống của một đứa trẻ còn chưa chập chững vào đời. Tôi trách ai bây giờ? Tôi chẳng thể trách ai ngoài chính bản thân mình. Tôi chỉ không sao hiểu nổi những thanh niên mới lớn, mới chỉ mười bảy mười tám tuổi thôi, sao họ có thể sống giả tạo giỏi như vậy, sao họ có thể nhẫn tâm đến như vậy.
Những ngày tháng đó, những con người đó, khi nhìn lại bằng cặp mắt của một người đã hai mươi mốt, tôi chỉ thấy buồn cười. Buồn cười vì cái ấu trĩ ngu ngốc của một thời trẻ dại chả tinh khôi, bị xã hội này vấy bẩn. Buồn cười vì khi đó có thể căm ghét tất cả mọi thứ, bây giờ khi nhìn lại, chỉ thấy cả tôi, cả cô bạn thân bé hạt tiêu, cả cái My hay đơm chuyện, cả nàng hot girl lắm điều và cả những kẻ rảnh rang rỗi việc hay đặt điều nói xấu người khác, tất cả đều thật đáng thương. Hóa ra đi học với chúng tôi khi đó không phải là đến trường để lấy kiến thức, hay để kết bạn và tương thân tương ái với nhau, mà chỉ là đến một môi trường, một xã hội để có một cái gì đó đua đòi, thể hiện, và khẳng định bản thân bằng những thứ phù phiếm như ngoại hình, quần áo, tóc tai, son phấn,… Hoặc thậm chí, cố trở thành một kẻ mạnh, một kẻ ai ai cũng phải kính sợ. Rồi những kẻ yếu hơn a dua theo họ, làm bạn với họ chỉ để sinh tồn. Để rồi khi nhìn sâu vào bên trong mỗi con người, chỉ thấy sự trống rỗng và nỗi cô đơn.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, đây có phải là xã hội của con người hay không? Hay là xã hội giống như thiên nhiên hoang dã, xã hội của những con vật, xã hội mà chỉ kẻ mạnh mới là đạo lý?
Những ngày tháng đó, tôi thật sự không hề muốn nhớ lại. Không phải vì nó quá kinh khủng hay đáng sợ, mà chỉ là vì tôi quá hối hận với những gì mình đã làm. Sự đau đớn vì day dứt và dằn vặt bởi chính sự ngu ngốc, hèn yếu của bản thân giống như tấm kính dày ngăn cách tôi với cái quá khứ ấy. Cái quá khứ tôi chỉ có thể soi mình vào đó hàng vạn lần, và lặng lẽ rơi nước mắt phía bên kia tấm kính.
Giá như tôi có thể quay lại. Giá như tôi có thể hét to vào mặt bọn họ tôi tin bạn của mình. Giá như tôi…
Nhưng, cuộc đời chẳng thể có hai chữ “giá như”.
Năm tôi học lớp mười hai, người yêu của nàng hot girl Thảo dính vào một vụ bắn súng trong giới giang hồ. Mình anh ta xả súng vào bốn người và vụ việc được lên trang nhất báo Công An Nhân Dân Hải Phòng. Đương nhiên, anh ta đi tù.
Chẳng khó để suy đoán về số phận của cô nàng hot girl kia. Không có ai chống lưng sau khi đã tác quai tác quái một thời gian dài, nàng ta bám víu lấy vài thằng vớ vẩn ở khu ngõ Lửa Hồng.
Nhưng chết một “Bá Kiến”, thì còn hàng đống thằng “Bá Kiến” khác trồi lên. Một “đàn anh” ở lại lớp bán ma túy tinh thể, một “đàn anh” khác thay bồ như thay áo. Và thêm cả một tay “anh chị” học đòi mang dùi cui điện đến lớp chơi giết thời gian. Thi thoảng lại lên cơn điên bất tử làm mấy trò điên rồ.
Cuộc sống của tôi vẫn không hề yên ổn.
Tôi nhớ rõ hôm đó, khi tôi đến lớp sớm hơn mọi ngày. Mọi người trong lớp đang tra hỏi Thùy. Họ nghi ngờ con bé ăn cắp điện thoại. Trước sự dồn ép của cả lớp, Thùy không thể nói lại được. Lời nói “Không phải tớ, không phải tớ ăn cắp” lọt thỏm giữa những lời mắng nhiếc và phán xét. Sự thanh minh của cậu ấy trở thành lời chối tội quanh co.
Cơn giận bốc lên đầu tôi. Tôi gạt đám người xông lên.
Chỉ thấy những cái đánh tới tấp giáng xuống. Nhưng sao tôi lại không thấy đau.
“Không phải cậu ấy, cậu ấy không làm như thế.”
Tôi nghe thấy bản thân mình hét lên câu đó.
Nhưng… Khoan, có cái gì đó không đúng.
Tôi mở choàng mắt, bật dậy, mồ hôi đầm đìa trên trán. Tỉnh táo rồi tôi mới nhận ra, đây hóa ra chỉ là mơ. Tôi bây giờ đã hai mươi mốt tuổi. Và lúc này là mùa hè chứ không phải là thời đi học.
Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán, tôi nhận ra má mình đã ướt đẫm. Những giọt nước mắt đã chảy ra đầm đìa lúc nào chả hay. Nỗi hối hận chôn giấu bao lâu nay đột ngột vỡ òa bóp chặt lấy trái tim tôi. Đau đớn. Thống khổ. Dằn vặt. Hiện thực thật quá tàn khốc.
Tôi đã để cho niềm tin của bản thân bị đám đông lung lạc. Giữa cái giây phút cán cân của sự phán xét trong tôi còn đang chênh vênh, tôi đã bỏ người bạn thân bấy lâu để chạy theo sự lựa chọn an toàn hơn cho mình.
Không phải tôi đã bênh vực bạn mình, mà là tôi đã chửi mắng và đánh bạn ấy. Không phải là tôi bị ăn cắp, mà là tôi đã để quên đồ của mình trên lớp. Không phải mọi thứ giống như cái My nói, mà chỉ là lời đơm đặt của đám bạn. Không phải tôi hối hận vì đã học ở một ngôi trường thảm họa, mà tôi hối hận vì sự ngu ngốc và niềm tin yếu đuối của mình.
Nhưng… Tất cả đã quá muộn.
Thùy ơi, tớ xin lỗi.
Câu nói đó mãi mãi chẳng thể đến được người cần đến.
Tôi là một đứa bạn tồi tệ.
Lấy mu bàn tay khẽ lau đi những giọt nước mắt vẫn còn vương trên má, tôi chồm đến cái máy tính, bật nó lên, và trút hết nỗi lòng lên những con chữ.
Dù gì cũng không ngủ được nữa.
Ngoài cửa sổ, trăng đêm sáng vằng vặc. Màn đêm vẫn an tĩnh và yên bình như thế. Đêm trùm lên cõi lòng tôi một màu hư ảo.
Hư hư thực thực, nửa tỉnh nửa mê. Bạn, tôi, tất cả chúng ta đều sống giữa một nơi không rõ là thật hay ảo như vậy. Hết cơn ác mộng, choàng tỉnh dậy, mới biết hóa ra cuộc đời mới chính là cơn ác mộng dai dẳng và đáng sợ nhất.